GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.
___________________________________________
NGÀY 13 THỨ BA |
Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Quyền Tự Do Tôn Giáo
Trong cuộc họp lần thứ 60 của Ủy Ban Nhân Quyền của Liên
Hiệp Quốc, cuộc họp sẽ kéo dài cho tới hết ngày 23/4/2004, ĐTGM Silvano Tomasi,
Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Geneva, đã ngỏ lời
cùng ủy ban này hôm Thứ Sáu 2/4/2004 như sau:
Thưa Ông Chủ Tọa,
1. Vị thế của các tôn giáo trong xã hội và niềm mong ước
của những tôn giáo này muốn được tham dự vào đời sống công cộng để phục vụ dân
chúng đã từng là yếu tố cho những cuộc tranh luận gần đây, những cuộc tranh luận
được khơi lên bởi những biến cố chính trị và chủ nghĩa đa số tăng phát ở nhiều
xứ sở trên thế giới. Tôn giáo là một chiều kích quan trọng nơi đời sống của cá
nhân cũng như của các dân tộc, và do đó nó cần phải đóng một vai trò chủ động
nơi cuộc sống chung.
Thật thế, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền (khoản 18) đã cổ võ quyền tự do tôn giáo như
sau: “Hết mọi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này
bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, cũng như quyền tự do biểu lộ
tôn giáo của mình hay niềm tin của mình ra qua việc giảng dạy, thực hành, thờ
phượng và luật phép một cách riêng tư một mình hoặc với tính cách chung cộng
đồng”.
Tôi cảm thấy đây là cơ hội thuận lợi để nhấn mạnh rằng quyền tự do tôn giáo bao
gồm cả khía cạnh cá nhân lẫn đoàn thể. Việc tôn trọng khía cạnh đoàn thể về
quyền tự do tôn giáo là vấn đề cần thiết để bảo đảm việc hoàn toàn nhìn nhận và
cố võ khía cạnh cá nhân của cùng một thứ quyền lợi này.
2. Bất cứ tín đồ của đạo giáo nào cũng có quyền, miễn là
không phạm gì tới nền an ninh và thẩm quyền hợp pháp của quốc gia, tin tưởng và
thực hành tín ngưỡng là những gì cần phải được tôn trọng vì quyền tự do tôn giáo
là một trong những khía cạnh chính yếu của quyền tự do lương tâm cũng như của
việc đóng góp hữu hiệu vào công ích xã hội. Những phương tiện về pháp luật quốc
tế, như các hiệp ước và tuyên ngôn, đã liên lỉ khẳng định giá trị và tầm quan
trọng của quyền tự do tôn giáo, đồng thời cũng chống lại sự kỳ thị đối với tất
cả mọi tín đồ hầu họ được tự do tuyên xưng niềm tin của họ, theo lương tâm, biểu
hiệu và truyền thống của họ.
Tiếc thay, quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp tục bị vi phạm ở một số nơi, và ngày
nay lại còn có những nhóm phi quốc gia ra mặt thực hiện việc kỳ thị, thậm chí sử
dụng võ lực để tấn công những nhóm thiểu số tôn giáo, trong nhiều trường hợp
những hành động kỳ thị này không bị chính quyền trừng trị. Những nơi thờ phượng
và các nghĩa trang bị hủy hoại hay bị cướp phá và tục hóa; các tín đồ bị đe dọa,
tấn công, thậm chí bị sát hại, và các vị lãnh đạo của họ trở thành mục tiêu kỳ
thị đặc biệt. Khả năng để chọn lựa tôn giáo, kể cả quyền thay đổi tôn giáo, đều
gặp nhiều chướng ngại ở một số môi trường xã hội đã trực tiếp vi phạm đến quyền
tự do lương tâm là những gì vốn được tôn trọng.
3. Vai trò của Ủy Ban Nhân Quyền vẫn hợp thời và cần
thiết để bênh vực quyền tự do tôn giáo. Từ năm 1987, Bản Tường Trình Đặc Biệt về
tự do tôn giáo hay tự do tin tưởng đã kêu gọi chú trọng tới những khoản chưa
được hoàn thành của Bản Tuyên Ngôn Về Việc Loại Trừ Tất Cả Mọi Hình Thức Bất Khả
Chấp Và Kỳ Thị Tôn Giáo Hay Niềm Tin. Việc làm quí hóa này đáng được chân thành
cảm nhận và cần tiếp tục bảo đảm là các qui chuẩn liên quan đến quyền tự do tôn
giáo phải được các quốc gia hội viên nhìn nhận và áp dụng.
Sau hết, “quyền tự do tôn giáo, một đòi hỏi thiết yếu nơi phẩm vị của hết mọi
con người, là một nền đá xây dựng các thứ nhân quyền, bởi đó, là một yếu tố bất
khả thế cho thiện ích cá nhân cũng như toàn thể xã hội… một yếu tố thiết yếu cho
việc con người chung sống thuận hòa… Quyền lợi về dân sự và xã hội đối với vấn
đề tự do tôn giáo, vì nó chạm đến lãnh vực sâu xa nhất của tâm thần, trở thành
một cứ điểm cho các quyền lợi căn bản khác, và một cách nào đó, trở thành một
thứ lượng định của những quyền lợi khác” (John Paul II, Message for the 21st
World Day of Peace, "Religious Freedom: Condition for Peace," Dec. 8, 1987, No.
1). Thế nên, chẳng những không ai được vi phạm đến quyền lợi này, trái lại, các
tín hữu còn phải được bảo vệ cho khỏi nguy cơ bị kỳ thị và tấn công nữa, còn có
thể được công bằng xét xử, và nếu là nạn nhân, họ cần phải được bồi thường.
4. Người ta thấy đang xuất hiện một thứ hình thức tinh
khéo trong việc bất khả chấp tôn giáo, khi tỏ ra chống lại quyền tự do tôn giáo
trong việc công khai nói về những vấn đề liên quan tới những kiểu hành vi cử chỉ
được cho là phản lại các nguyên tắc luân lý và bản chất đạo đức. Vai trò tích
cực của các tín hữu nơi đời sống xã hội cần phải được nhìn nhận, miễn là họ tôn
trọng ý nghĩa lành mạnh nơi bản chất trần thế của quốc gia. Trong số những vấn
đề khác, điều này xứng hợp với những đòi hỏi của một chủ nghĩa đa số lành mạnh
và là những gì góp phần xây dựng một nền dân chủ chân thực. Tôn giáo không thể
nào bị biến thành một thứ lãnh vực sống riêng tư khiến nó mất đi chiều kích xã
hội cùng với hoạt động bác ái của nó đối với thành phần yếu kém được nó vô tư
phục vụ.
5. Trái lại, tất cả mọi tôn giáo đều có thể góp phần đặc
biệt vào cuộc chung sống thuận hòa, bằng việc loại trừ đi những ý đồ và phương
tiện bạo động của một số phần tử của mình, thành phần che đậy những mục đích phá
hoại của họ bằng tấm bình phong tôn giáo, thay vào đó bằng việc tiến đến chỗ đối
thoại liên tôn. Trong những tình trạng hiện nay thì con đường dẫn tới một tương
lai hòa bình chắc chắn là con đường của sự hiểu biết nhau và thông cảm nhau, của
việc đối thoại và hợp tác một cách xây dựng cho nền hòa bình. Tuy nhiên, để đạt
được mục tiêu này, việc áp dụng quyền tự do tôn giáo, cũng như việc thực hành
quyền tự do tôn giáo, cả lãnh vực cá nhân lẫn cộng đồng tín hữu, cần phải trở
thành một thực tại phổ quát. Đồng thời, trong tiến trình giáo dục ở tất cả mọi
cấp độ, cần phải nhìn nhận việc tôn trọng những quyền lợi này, nhờ đó, mới có
thể truyền đạt việc xây dựng một thứ văn hóa tương kính cũng như một thứ cảm
nhận tích cực đối với tính cách đa dạng ở một môi trường sống phát triển tất cả
mọi thứ quyền lợi của con người.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài
liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 5/4/2004)
Iraq: Chiến dịch bắt cóc để gây áp
lực chính trị... Áp Lực Tôn Giáo
|
Trong thời gian qua tình hình Iraq đã xẩy ra
những diễn tiến mới, những cuộc bắt có để làm áp lực trên lực lượng liên minh
ngoại quốc đang hiện diện tại Iraq.
Tuy 7 người Trung Hoa bị bắt cóc đã được thả ra hôm Thứ Hai 12/4/2004, nhưng 20
thường dân ngoại quốc khác vẫn còn im hơi lặng tiếng. Trong đó có 3 người Tiệp
Khắc, 2 người bị mất tích hôm Chúa Nhật và 1 vào sáng Thứ Hai. Hai nhân viên an
ninh của Đức được cho rằng đã bị giết chết. 6 thường dân thầu khoán Hoa Kỳ làm
việc cho Halliburton cũng bị mất tích cuối tuần vừa qua. 2 người Ả Rập làm việc
cho các cơ quan trợ giúp cũng bị nhóm loạn quân bắt giữ, một người Canada gốc
Syria và một cư dân ở Giêrusalem.
Tuy nhiên, hôm Chúa Nhật, 11/4/2004, loạn quân cũng đã thả một người công dân
Hiệp Vương Quốc là ông Gary Teeley sống ở Trung Đông bị bắt hôm Thứ Năm tuần
trước đó. Ngoài ra, còn có 8 thường dân khác cũng được thả ra vào cùng Ngày Chúa
Nhật, bao gồm những người thuộc quốc tịch Pakistan, Phi Luật Tân, Ấn Độ và Thổ
Nhĩ Kỳ. Hôm Thứ Năm tuần trước, 8/4/2004, 7 nhà truyền giáo Đại Hàn cũng được
thả ra sau khi bị bắt mấy tiếng đồng hồ.
|
Ngoài ra, vào chính ngày Thứ Hai, 12/4/2004,
7 người Trung Hoa được một nhóm bịt mặt thả ra cho những vị giáo sĩ Iraq ở một
đền thờ trong thủ đô Baghdad, và bất chấp Ủy Ban Giáo Sĩ Hồi Giáo đã ban hành
một văn kiện kêu gọi ngưng chiến dịch bắt cóc này, nhưng lại có thêm 11 thường
dân Nga làm nghề về điện lực bị bắt cóc ở ngay tại thủ đô này.
|
Về số phận của 3 thường dân Nhật Bản, 2 nam
và 1 nữ, bị đe dọa là sẽ bị thiêu sống nếu lực lượng Nhật Bản (500 quân nhân
trong số 1000 người, kể cả thành phần phục vụ về nhân đạo) không rút khỏi Iraq,
nhưng thời hạn đe dọa đã qua từ hôm Chúa Nhật mà vẫn chưa nghe thấy gì từ phía
thành phần bắt cóc.
Ngoài ra, thời hạn đe dọa giết chết một tài xế vận tải của Hoa Kỳ là ông Thomas
Hamill nếu Hoa Kỳ không rút quân khỏi Fallujah cũng đã qua nhưng vẫn chưa thấy
động tịnh gì từ phía đối phương.
Trong khi đó, cuộc nổi dậy của loạn quân từ Najaf đến Tikrit đã làm cho tháng 4
chưa đầy nửa tháng này trở thành một tháng chết chóc chưa từng thấy từ khi xẩy
ra chiến cuộc 19/3/2003 tới nay, với con số 73 quân nhân Mỹ bị sát hại bởi những
hoạt động thù hận và 26 bị chết bởi cuộc tấn công cuối tuần vừa rồi. Để đạt được
mục tiêu sát hại nhân mạng Hoa Kỳ phá kỷ lục như thế, phía loạn quân cũng phải
trả bằng giá là con số tử vong cũng đã tăng lên gấp 10 lần.
Hôm Thứ Sáu, 9/4/2004, có 13 người lính Hoa Kỳ bị chết, 4 nhân viên phục vụ Mỹ
bị chết vào hôm sau Thứ Bảy và 6 vào hôm Chúa Nhật, tất cả là 23 người trong một
cuối tuần. Con số tử vong của Hoa Kỳ cho đến cuối tuần rồi tăng lên đến 671
người. Tổng Thống Bush hôm Chúa Nhật, tại Fort Hood, Texas, vẫn khẳng định: “Tôi
biết những gì chúng ta đang làm ở Iraq đều chính đáng”.
|
Trong khi Uỷ Ban Giáo Sĩ Hồi Giáo ban hành
một văn kiện kêu gọi chấm dứt chiến dịch bắt cóc người ngoại quốc của đám loạn
quân, thì giáo sĩ Muqtada al-Sadr Hồi giáo phái Shiite, một vị có nhóm chiến đấu
quân đã cương quyết chiến đấu với lực lượng Hoa Kỳ khắp Iraq, đã ban hành những
đòi hỏi của mình qua vị đại diện của ông là Sheikh Raed al-Kadhim vào hôm Thứ
Bảy 10/4/2004.
Vị giáo sĩ này tố cáo lực lượng liên minh gây ra bạo loạn và việc lực lượng này
đóng cửa tờ nhật báo ủng hộ ông ta là một thảm họa. Vị đại diện giáo sĩ này cho
CNN biết rằng: “Chúng tôi ở vào thế tự vệ chống lại tất cả những ai tấn công
chúng tôi. Chúng tôi phải làm gì khi xẩy ra những cuộc thả bom của những chiếc
trực thăng? Chúng tôi muốn nói và đề nghị là tất cả những gì họ cần làm là thôi
làm những gì họ đang làm thì vấn đề sẽ được giải quyết thôi”.
Đối với vấn đề Lực Lượng liên minh muốn bắt vị giáo sĩ này, người đại diện ông
đã cho biết, vị giáo sĩ ấy bây giờ là “biểu tượng” cho nhân dân Iraq. Do đó, tất
cả những gì động đến ông ấy đều sai lầm: “Họ vẫn đe dọa bắt Sayid Muqtada al-Sadr
và cáo gian cho ngài. Họ bảo rằng Sayid Muqtada al-Sadr chỉ là đại diện cho một
thiểu số nhưng tôi nói cho quí vị biết là Sayid Muqtada có cả một đại quân 26
triệu người và bất cứ ai tố cáo ngài hay tấn công ngài là tấn công và tố cáo tất
cả nhân dân Iraq”.
Sở dĩ vị gaío sĩ này hiện nay được nổi tiếng là vì ông ta là con của giáo trưởng
phái Shitte Muhammad Baqr al-Sadr, một vị nổi tiếng bị ám sát năm 1999. Thánh
phố Sadr lân cận của thủ đô Baghdad mang tên cha của ông: “Điều làm cho tất cả
chúng tôi theo cha của ngài và hy sinh gia đình của chúng tôi cùng con cái của
chúng tôi là vì đây là một con người chân chính và chân thành với tất cả nhân
hậu. Chúng tôi theo người con của ông ấy”.
Sau đây là những điểm vị giáo sĩ này yêu cầu nhân danh nhân dân Iraq:
“Lấy lại tiếng nói cho Iraq và phải xử nhà độc tài trước đây Saddam Hussein ở
Tòa Thượng Thẩm. Thả tất cả mọi người theo al-Sadr đã bị bắt ra; họ không có tội
gì cả ngoài việc chấp nhận Allah. Phải tổ chức một chính quyền pháp hiến Iraq
không bị chi phối bởi những lực lượng xâm chiếm. Chọn lựa những ai đồng bào muốn
chứ không phải bất cứ ai bị áp đặt làm lãnh đạo đồng bào. Điều tra những tội ác
của các lực lượng chiếm đóng và mang những kẻ phạm pháp ra trước pháp luật. Phải
có một ngày dứt khoát chấm dứt các lực lượng chiếm đóng”.