GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 16 THỨ SÁU

 

“Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất của những người khác”
 


(ĐTC GPII với Hội Nghị Quốc Tế về “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Những Nan Giải Về Đạo Lý”)
 



Quí Tôn Vị Nữ Nam,

1. Tôi chân thành chào tất cả quí vị tham dự hội nghị quốc tế về “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Những Nan Giải Về Đạo Lý”. Tôi gửi lời chào đặc biệt đến ĐGM Elio Sgreccia, phó chủ tịch Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống, cũng như đến Giáo Sư Gian Luigi Gigli, chủ tịch Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo và là vô địch viên xả thân bênh vực giá trị căn bản của sự sống, vị đã thành thật bày tỏ lòng cảm mến của quí vị.

Hội nghị quan trọng này, một hội nghị được hợp tác tổ chức bởi Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống và Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo, bàn đến một vấn đề rất quan trọng, đó là vấn đề tình trạng bênh lý được gọi là “trạng thái thực vật”. Những bao hàm phức tạp về khoa học, đạo lý, xã hội và mục vụ đối với một tình trạng như vậy đòi phải có những suy tư sâu xa cũng như những trao đổi tốt đẹp giữa các lãnh vực liên hệ, những gì người ta thấy thể hiện nơi nghị trình được sắp xếp một cách dồi dào và cẩn thận qua những phiên họp của quí vị.

2. Với hết lòng cảm mến và thành tâm hy vọng, Giáo Hội khuyến khích các nỗ lực, đôi khi phải hy sinh rất nhiều, của những con người khoa học nam nữ, hằng ngày dấn thân vào việc học hỏi và nghiên cứu của mình để cải tiến những cơ hội chẩn định, trị liệu, tiên liệu và phục hồi chứng bệnh gây khó khăn cho những bệnh nhân phải hoàn toàn lệ thuộc vào thành phần chăm sóc cho họ và giúp đỡ họ. Thật vậy, con người ở trong trạng thái thực vật không tỏ ra cho thấy dấu hiệu nào về việc họ nhận thức được bản thân của họ hay những gì xẩy ra chung quanh họ, và dường như không thể nào giao tiếp với người khác hoặc phản ứng trước những kích thích đặc biệt.

Các khoa học gia và các nhà nghiên cứu đều nhận thức rằng, trước hết, người ta cần phải tiến đến chỗ định bệnh xác đáng là việc thường đòi phải quan sát lâu dài và cẩn thận ở những trung tâm chuyên môn, vì tường trình đã cho thấy xẩy ra nhiều vụ định bệnh sai lầm. Hơn nữa, không phải là ít người ở trong trạng thái thực vật này, nhờ việc chữa trị thích đáng cũng như những chương trình phục hồi chuyên môn, đã có thể ra khỏi trạng thái thực vật này. Trái lại, bất hạnh thay, nhiều người khác vẫn bị giam nhốt trong trạng thái này qua một thời gian lâu dài mà không được hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật gì cả.

Chữ trạng thái thực vật thường trực là chữ đặc biệt được gán ghép để ám chỉ tình trạng của những bệnh nhân tiếp tục sống trong “trạng thái thực vật” hơn cả năm trời. Thật ra không có vấn đề định bệnh nào tương hợp với một định nghĩa như vậy cả, mà chỉ là một phán đoán tiên liệu theo chiều hướng chung liên quan đến sự kiện là, theo thống kê, việc bệnh nhân được hồi phục càng trở nên khó khăn hơn nữa nếu đã ở vào trạng thái thực vật quá lâu như thế. Tuy nhiên, chúng ta không được lãng quên hay coi thường có những trường hợp được ghi nhận rõ ràng là ít ra vẫn có thể hồi phục một phần nào thậm chí sau cả nhiều năm; nên chúng ta có thể nói rằng khoa y học, cho tới nay, vẫn chưa thể tiên đoán được chắc chắn trong số bệnh nhân ở trạng thái thực vật này sẽ hồi phục hay không thể hồi phục.

3. Đối diện với những bệnh nhân ở cùng một tình trạng bệnh lý ấy, có một số người đặt vấn đề về việc liên tục của chính “phẩm chất con người”, hầu như thể tĩnh từ “thực vật tính” (hiện nay được sử dụng quen thuộc), tiêu biểu cho một tình trạng bệnh lý, cũng có thể hay phải được áp dụng vào trường hợp của bệnh nhân như thế nữa, một áp dụng thực sự làm giảm giá trị của họ và phẩm giá con người họ. Về khía cạnh này cần phải lưu ý là từ ngữ này, cho dù có được giới hạn vào trường hợp bệnh lý, thực sự vẫn không phải là những gì thích đáng nhất để áp dụng vào con người.

Ngược lại với những chiều hướng suy nghĩ như thế, Tôi cảm thấy có nhiệm vụ cần phải tái khẳng định một cách mạnh mẽ là giá trị tự tại và phẩm giá cá thể của hết mọi con người không thay đổi, bất kể hoàn cảnh đặc biệt nào xẩy ra trong đời sống của họ. Con người, cho dù có bệnh bệnh nạn trầm trọng đến đâu và có bị hư hoại khả năng thi hành những phần hành cao nhất của họ, vẫn là và luôn là những con người chứ không bao giờ lại là “loài thực vật” hay “thú vật”. Anh chị em của chúng ta ở trong trường hợp bệnh lý của “trạng thái thực vật” vẫn còn nguyên phẩm giá của họ. Ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa là Cha vẫn tiếp tục nhìn đến họ, nhìn nhận họ là con cái nam nữ của Ngài, nhất là khi họ cần giúp đỡ.

4. Các vị y sĩ và cán sự về sức khỏe, xã hội cũng như Giáo Hội đều có nhiệm vụ về luân lý đối với những con người này, những con người mà họ không thể trốn lánh nếu không muốn rỏ ra coi thường những đòi hỏi về chuyên khoa đạo lý học cũng như về tình liên đới Kitô giáo và nhân bản. Thành phần bệnh nhân trong trạng thái thực vật, đang đợi chờ được phục hồi hay được tự nhiên qua đi, có quyền được chăm sóc căn bản về sức khỏe (dinh dưỡng, chất nước, vệ sinh, độ ấm v.v.), cũng như có quyền được ngăn ngừa khỏi bị những biến chứng liên quan đến việc họ nằm liệt giường. Họ cũng có quyền được chăm sóc thích hợp về phục hồi cũng như được theo dõi về những dấu hiệu bệnh lý cho thấy tình trạng từ từ hồi phục.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến cách thức điều hành việc cho ăn uống, ngay cả trong trường hợp bằng nhân tạo, cũng là một phương tiện tự nhiên để bảo trì sự sống, chứ không phải là một hành động y khoa. Bởi thế, theo nguyên tắc, cần phải coi việc sử dụng phương tiện này là những gì bình thường và thích hợp, do đó buộc phải làm theo luân lý, cho tới chỗ và cho tới khi được coi là đạt được mục đích xứng hợp của nó, một mục đích mà, trong trường hợp này, bao gồm cả việc cung cấp dưỡng chất cho bệnh nhân và việc làm giảm bớt đớn đau cho họ.

Trách nhiệm phải cung cấp “việc chăm sóc bình thường cho các bệnh nhân ở trong những trường hợp như vậy” (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, “lure et Bona”, p. IV), thật vậy, bao gồm việc sử dụng cả chất dưỡng và chất nước (x Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, “Dans le Cadre”, 2,4,4; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Trợ Giúp Mục Vụ Cho Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, Bản Hiến Chương Của Các cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, 120). Việc thẩm định về những cơ hội, được căn cứ vào những nỗi hy vọng hồi phục yếu ớt khi trạng thái cỏ cây kéo dài hơn một năm trời, thì về đạo lý, cũng không thể trở thành cớ để biện minh cho việc loại bỏ hay chấm dứt việc chăm sóc căn bản cho bệnh nhân, bao gồm cả việc cung cấp chất dưỡng và chất nước. Cái chết vì bị bỏ đói hay thiếu chất nước thực sự chỉ là thành quả khả dĩ gây ra bởi việc không chịu cung cấp những chất ấy. Về khía cạnh này, nếu thực hiện một cách ý thức và cố tình, thì nó quả là một thứ trợ an tử ở chỗ bỏ không chịu làm.

Về vấn đề này, Tôi muốn nhắc lại những gì Tôi đã viết trong Thông Điệp “Phúc Âm Sự Sống”, khi làm sáng tỏ vấn đề là “việc triệt sinh an tử theo đúng nghĩa và xác nghĩa cần phải hiểu là một việc làm hay việc bỏ không chịu làm tự bản chất của nó có ý định sát hại với mục đích để loại trừ đi tất cả mọi đớn đau”, một hành động như thế bao giờ cũng là “một vi phạm trầm trọng đến lề luật của Thiên Chúa, vì nó là một việc sát nhân cố ý bất khả chấp về luân lý” (số 65). Ngoài ra còn có nguyên tắc luân lý hết sức tỏ tường đó là ngay cả khi còn hơi nghi rằng một con người còn đang sống buộc phải hoàn toàn tôn trọng họ và không được thi hành bất cứ điều gì nhắm đến việc có thể làm cho họ bị chết.

5. Những cứu xét về “phẩm chất của sự sống” là những gì thực sự thường bị chi phối bởi những áp lực về tâm lý, xã hội và kinh tế, không thể nào lấn át những nguyên tắc chung. Trước hết, không có một thẩm định nào về tốn phí có thể quan trọng hơn giá trị của sự thiện nồng cốt đang được chúng ta cố gắng bảo vệ, đó là giá trị sự sống con người. Ngoài ra, một khi chấp nhận rằng những quyết định liên quan đến sự sống con người có thể căn cứ vào việc xem xét theo bề ngoài phẩm chất của nó thì cũng chẳng khác gì như chấp nhận là những trình độ tăng giảm của phẩm chất sự sống, do đó của cả phẩm giá con người, có thể được bất cứ chủ thể nào thẩm định theo nhận thức bề ngoài, từ đó xuất hiện một thứ nguyên tắc kỳ thị và tạo sinh cải giống nơi những mối liên hệ về xã hội.

Hơn nữa, không thể nào đưa ra một tiền nghiệm là việc rút bỏ chất dưỡng và chất nước, như được một số nghiên cứu có thế giá tường trình, là nguồn mạch gây đau khổ cho người bệnh, mặc dù chúng ta chỉ có thể thấy được những phản ứng ở mức độ của bộ thần kinh tự động hay của những cử chỉ. Thật vậy, khoa thần kinh thể về bệnh lý và những kỹ thuật tân tiến về thần kinh ảnh dường như cho thấy cái phẩm chất tồn tại nơi thành phần bệnh nhân này qua những hình thức căn bản về việc truyền đạt cũng như về việc phân tích các thứ khích thích.

6. Tuy nhiên, như thế vẫn không đủ để tái khẳng định nguyên tắc chung là giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất của những người khác; cần phải cổ võ những hoạt động tích cực để đối đầu với áp lực muốn ngưng việc cung cấp chất nước và chất dưỡng như cách thức để chấm dứt sự sống của những bệnh nhân này.

Trước hết chúng ta phải nâng đỡ những gia đình có một trong những người thân yêu của họ bị gục xuống bởi tình trạng bệnh lý kinh hoàng này. Họ không thể bị bỏ mặc phải một mình chịu đựng gánh nặng về nhân bản, kinh tế và tâm lý. Nói chung, mặc dù việc chăm sóc cho các bệnh nhân này không đặc biệt tốn phí, xã hội cũng cần phải phân phối đầy đủ những gì cần thiết cho việc chăm sóc cho loại yếu nhân này, bằng cách thực hiện những hoạt động cụ thể thích hợp, chẳng hạn như việc thiết lập một hệ thống những trung tâm sẵn sàng cung cấp các chương trình đặc biệt giúp đỡ và phục hồi; việc nâng đỡ và giúp đỡ về kinh tế tại nhà cho gia đình khi các bệnh nhân này được chuyển về nhà sau khi kết thúc những chương trình phục hồi dài hạn; việc thiết lập những cơ sở tiếp nhận phục vụ những trường hợp không có gia đình để giải quyết vấn đề, hay để giúp cho những gia đình gặp nguy cơ kiệt lực về tâm lý và luân lý được “nghỉ ngơi”.

Ngoài ra, việc chăm sóc một cách thích đáng đối với những bệnh nhân này cũng như với gia đình của họ bao gồm cả sự hiện diện và chứng từ của vị bác sĩ về y khoa và cả nhóm y khoa, những người cần phải giúp cho gia đình hiểu rằng họ có đó như là những người liên minh chiến đấu cùng với gia đình. Việc tham dự của thành phần tình nguyện viên cũng nói lên một sự hỗ trợ căn bản trong việc giúp gia đình có thể thoát khỏi tình trạng cảm thấy bị cô lập, cũng như giúp cho họ cảm thấy rằng họ là một phần đáng giá của xã hội và không bị các tổ chức xã hội bỏ rơi. Bởi thế, trong những tình trạng này, rất cần phải thực hiện việc cố vấn về mặt thiêng liêng và hỗ trợ về mặt mục vụ để giúp vào việc phục hồi ý nghĩa sâu xa nhất của tình trạng dường như tuyệt vọng.

7. Quí tôn vị Nữ Nam, để kết luận, Tôi xin kêu gọi quí vị, những con người khoa học nam nữ có trách nhiệm đối với phẩm vị của nghề nghiệp y khoa, là hãy nhiệt thành bảo vệ nguyên tắc hoạt động thực sự của y khoa, đó là “chữa trị khi có thể, bao giờ cũng chăm sóc”.

Như một bảo chứng và nâng đỡ cho nguyên tắc này, cho sứ vụ nhân đạo chân thực của quí vị trong việc an ủi và nâng đỡ cho anh chị em đau khổ của quí vị, Tôi xin nhắc nhở quí vị những lời của Chúa Giêsu: “Quả thực, Ta nói cùng các người là bất cứ những gì các người làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các người làm cho Ta” (Mt 25:40). Bởi thế Tôi xin Đấng được các Vị Giáo Phụ của Hội Thánh diễn tả một cách ý nghĩa là “Christus medicus” trợ giúp quí vị, và trong khi ký thác quí vị cho Mẹ Maria bảo vệ, Vị Vấn An của thành phần bệnh nhân và là Vị Ủi An thành phần hấp hối, Tôi ưu ái ban phép lành tòa thánh đặc biệt cho quí vị.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 5/3/2004)