GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 25 CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

 

CÓ GÌ ĂN KHÔNG?


 

Như người cha thương yêu con cái mình, Thiên Chúa cũng thương yêu con người và từng người trong chúng ta, và hơn thế nữa, vì Ngài là Cha nhân lành. Hình ảnh mẻ cá lạ mà Gioan nói tới hôm nay, xem ra như lấn át hình ảnh về một Thiên Chúa giầu tình thương yêu, luôn luôn quan phòng và lo lắng cho con người. Chính Ngài là Đấng làm nên mẻ cá lạ ấy, để qua đó, nhân loại khám phá ra tình thương và ơn cứu độ của Ngài.

Thật vậy, nếu để tâm suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rằng mẻ cá kia chỉ là hình ảnh dẫn đến tình thương của Đấng đã làm nên mẻ cá ấy: Tình thương của Chúa Phục Sinh. “Các con có bắt được gì ăn không?” (Gioan 21: 5). Chúa nhìn thấy các Tông Đồ của Ngài vất vả suốt đêm với công việc chài lưới. Ngài biết các ông không bắt được con cá nào, nên đã mở lời yên ủi trước, vì Ngài thừa biết câu trả lời của các ông sẽ là: “Không có gì cả” (Gioan 21:5).

Làm gì có gì để ăn sau một đêm dài mệt mỏi, chống chọi với sóng nước, biển khơi rồi trở lại vào bờ với hai bàn tay trắng. Có bắt được con cá nào đâu mà ăn. Nhưng rồi, khi các ông vừa lên đến bờ đã “thấy than lửa, trên đó có sẵn cá và bánh” (Gioan 21:9). Thế có nghĩa là gì! Điều này phải chăng nói lên mối quan tâm lo lắng của Chúa đối với các Tông Đồ, những người mà Ngài đã tuyển chọn và rất mực thương yêu. Nó cũng nói cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa luôn luôn lo lắng và quan phòng mọi chuyện cho con người và từng người, những chuyện tưởng như không đáng gì, cũng như những chuyện thiết thân với cuộc sống con người là nhu cầu cơm áo: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (Luca 11:3). Chúa dậy chúng ta cầu xin như vậy, vì Ngài biết chúng ta cần những nhu cầu ấy.

Điều làm chúng ta cảm động nhất, có lẽ là lời mời gọi rất chân tình, rất thân thương của Chúa khi nói với các Tông Đồ: “Các con hãy lại ăn” (Gioan 21:12). Như người mẹ hiền sau khi đã dọn bữa cho các con, bà gọi các con lại để cùng ngồi vào bàn ăn. Và còn hơn thế, chính Chúa trực tiếp lấy bánh và cá cho các môn đệ của Ngài: “Chúa Giêsu lại gần lấy bánh đưa bánh cho các ông, Ngài cũng đưa cá cho họ nữa” (Gioan 21:13). Thật là tuyệt vời! Có bao giờ chúng ta hồi tưởng lại hình ảnh của một bữa cơm gia đình, trong đó, cha hay mẹ chúng ta không lo đến phần mình, nhưng chỉ lo lắng gắp miếng cá này, miếng thịt kia cho các con. Và nếu chúng ta nhìn vào ánh mắt của cha hay mẹ mình lúc đó, sẽ thấy long lanh một niềm vui và hạnh phúc. Ánh mắt như nói với chúng ta rằng, niềm vui và hạnh phúc của các con chính là niềm vui và hạnh phúc của cha mẹ. Con cái ăn no phần ăn dọn trên bàn, nhưng cha mẹ lại no vì thấy con cái mình hạnh phúc.

Người con trong gia đình, khi ngồi vào bàn ăn thì không ai lại thắc mắc hỏi cha mẹ mình là ai. Vì mọi người con đều biết rất rõ về cha mẹ mình. Các Tông Đồ trong trường hợp này cũng có cùng một tâm trạng như phần đông chúng ta. Các ông cũng không ai dám hỏi hoặc thắc mắc về Thầy “Vì các ông biết đó là Chúa” (Gioan 21:12). Và đây là một điều hết sức quan trọng trong tương quan giữa ta và Thiên Chúa trong sinh hoạt nội tâm cũng như cuộc sống thường ngày.

Có chắc rằng trong mọi biến cố đời người, trong hành trình cuộc sống, chúng ta không cần phải hỏi xem Chúa là ai mà vẫn biết rằng đó là Chúa không?

Có bao giờ trong những cơn lo lắng, muộn phiền, vất vả, và thử thách mà chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Ngài hay không?

Hoặc có khi nào trong những giây phút hạnh phúc được đồng bàn với Ngài như các Tông Đồ, hoặc chỉ nghe Ngài nói một câu: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền” (Gioan 21:6), là chúng ta làm theo ngay không?

Không bắt được con cá nào không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã tận lực và cố gắng. Điều quan trọng là làm điều Chúa bảo làm. Đối với Chúa, Ngài có thể làm cho một đêm trắng tay trở thành một mẻ cá lạ một cách dễ dàng. Cái khó là con người đã tận lực với sức cố gắng của mình, và có dám tin vào lời Chúa để buông lưới hay không.

Nhưng ngay cả khi đã bắt được cá, có sẵn cá, Chúa cũng vẫn đi trước con người để dọn bữa cho họ. Ngài dọn món ăn của Ngài, và không đợi các Tông Đồ đem cá của họ lên. Có nghĩa là trong rất nhiều trường hợp, những gì chúng ta kiếm tìm, những gì chúng ta mong đợi không quan trọng bằng những gì Thiên Chúa lo lắng, sắp đặt cho con người và từng người. Và trên thực tế, Ngài luôn hành động như vậy. Tình thương quan phòng của Chúa đã thể hiện khi Ngài còn ở với các Tông Đồ, cũng như sau ngày Ngài phục sinh từ cõi chết chứng tỏ rằng Ngài là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và nắm trong tay yếu tố thời gian. Ngài yêu thương mãi mãi và không ngừng nghỉ: “Các con có gì ăn không?” Và nếu chúng ta thưa với Ngài một cách thành thật: “Thưa không”, là lập tức có sẵn cá và bánh ngay.

Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta nhận ra Ngài như các Tông Đồ đã nhận ra. Cũng như có bao giờ chúng ta đón nhận Ngài như các Tông Đồ đã đón nhận bằng một niềm tin tuyệt đối không lý lẽ, để dù hỏi hay không hỏi, chúng ta cũng biết Ngài là ai. Chúa luôn luôn ở bên ta. Ngài ở bên để nâng đỡ ta, để yên ủi ta, và để bảo vệ ta. Nhưng Ngài cũng muốn chúng ta phải nhận ra Ngài. Và như các Tông Đồ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, chúng ta cũng phải chứng tỏ với Ngài rằng, chúng ta đã cố gắng hết mình, không lười biếng làm những gì Chúa muốn chúng ta phải làm. Nhất là luôn luôn nhận ra Ngài trong mọi biến cố của cuộc sống.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

6 Điểm Kỳ Lạ trong Bài Phúc Âm….

 

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh hôm nay hơi đặc biệt. Ở chỗ, Chu Kỳ Năm A vốn theo Phúc Âm Thánh Mathêu và Chu Kỳ Năm B vốn theo Phúc Âm Thánh Marcô thì trong Chúa Nhật này, cả Năm A và B đều theo Phúc Âm Thánh Luca. Năm A đọc bài Phúc Âm Thánh Luca về việc Chúa Kitô hiện ra với hai môn đệ đi về làng Emmau. Năm B cũng đọc bài Phúc Âm Thánh Luca, về việc Chúa Giêsu hiện ra với chung các tông đồ và môn đệ, tiếp ngay sau đoạn hai môn đệ về thuật lại cho các tông đồ nghe họ đã thấy Chúa. Còn Năm C vốn theo Phúc Âm Thánh Luca lại đọc Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria.

Chắc ai trong chúng ta cũng biết không phải vô lý Giáo Hội đã chọn đọc các bài Phúc Âm cho từng Chúa Nhật. Theo tôi, sở dĩ có bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Chúa Nhật Thứ Ba Năm C Mùa Phục Sinh hôm nay là vì, câu cuối cùng của bài Phúc Âm theo Thánh Gioan hôm nay nói rõ là: “Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ từ khi Người sống lại từ trong kẻ chết”. Chắc chúng ta còn nhớ, Chúa Nhật Thứ Hai cũng Năm C tuần vừa rồi, chúng ta đã nghe bài Phúc Âm theo Thánh Gioan về hai lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ: Lần thứ nhất vào “ngày thứ nhất trong tuần”, và lần thứ hai vào thời điểm “tám ngày sau”, và Chúa Nhật Thứ Ba Năm C Mùa Phục Sinh này đọc đến bài Phúc Âm theo Thánh Gioan về “lần hiện ra thứ ba” thật là hợp tình hợp lý lắm vậy. Từ tuần tới trở đi cho tới Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên và Lễ Thánh Thần Hiện Xuống mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, chúng ta sẽ không còn nghe đến việc Chúa Kitô hiện ra với các môn đệ nữa.

Chính trong bài Phúc Âm hôm nay, nếu đọc kỹ, chúng ta cũng thấy có nhiều chi tiết khúc mắc là lạ. Chẳng hạn như 6 chi tiết sau đây:

Thứ nhất, tại sao hiện ra lần thứ ba này trên bờ biển hồ Tibêria Chúa Giêsu không chúc bình an cho các tông đồ như hai lần đầu?

Thứ hai, tại sao ngay sau khi nghe Chúa gọi hỏi: “Các con ơi, có bắt được gì ăn không?”, các tông đồ, dù nghe thấy giọng quen thuộc của Thày mình, nhất là nghe thấy cách xưng hô “các con ơi” mà vẫn chưa nhận ra Người, phải đợi mãi cho tới sau khi các vị bắt được mẻ cá lạ?

Thứ ba, tại sao sau khi nghe các môn đệ trả lời “không bắt được gì ăn hết”, Chúa Giêsu lại bảo “hãy thả lưới bên phải” mà không giục các vị hãy lên bờ mà “dùng bữa” Người đã dọn sẵn cho các vị với cá nướng và bánh?

Thứ bốn, tại sao chưa nhận biết người nói với mình “hãy thả lưới bên phải” là Thày, mà các vị lại làm theo lời của một người nào đó bảo mình làm như thế?

Thứ năm, tại sao tông đồ Gioan nhận ra Chúa trước, chứ không phải tông đồ Phêrô là trưởng phái đoàn và là người nhanh nhảu nhất trong nhóm 12?

Thứ sáu, tại sao sau khi nghe tông đồ Gioan nói: “Thày đó”, tông đồ “Phêrô liền quàng ngay áo vào rồi nhẩy xuống nước”, chứ không dám xin Thày cho đi trên nước đến cùng Thày như một lần trước kia? Phải chăng vì vị tông đồ này sợ Thày, hay vì quá vui mừng hớn hở nên muốn bơi vào bờ để gặp Thày trước các vị tông đồ khác?

Vấn nạn thứ nhất, tại sao hiện ra lần thứ ba này trên bờ biển hồ Tibêria Chúa Giêsu không chúc bình an cho các tông đồ như hai lần đầu?

Xin thưa, sau hai lần đầu, các tông đồ đã nhận thực Thày của mình thực sự đã sống lại rồi. Do đó, các vị không còn sợ hãi và thường tụ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly nữa. Chứng cớ là lần này các vị đã trở lại với sinh hoạt bình thường, với nghề đánh cá của các vị như trước khi các vị được Chúa kêu gọi theo Người. Người đến với các vị lần thứ ba này chính yếu không phải để chứng thực Người đã sống lại như hai lần đầu nữa, mà là để thực hiện ý đồ của Người, như sẽ được nói đến ở vấn đề thứ ba tới đây.

Vấn nạn thứ hai, tại sao ngay sau khi nghe Chúa gọi hỏi: “Các con ơi, có bắt được gì ăn không?”, các tông đồ, dù nghe thấy giọng quen thuộc của Thày mình, nhất là nghe thấy cách xưng hô “các con ơi” mà vẫn chưa nhận ra Người, phải đợi mãi cho tới sau khi các vị bắt được mẻ cá lạ?

Xin thưa, vì hai yếu tố sau đây: yếu tố tâm lý và yếu tố không gian. Trước hết, về yếu tố tâm lý, vì các vị bấy giờ đang mải miết và chăm chú bắt cá, tinh thần thì chán chường bởi thâu đêm các vị chẳng bắt được gì, cộng với thân xác vì thế lại càng cảm thấy hết sức mệt mỏi; thêm vào đó, về yếu tố không gian, tiếng của Chúa bấy giờ dù có nghe thấy, vì thuyền của các vị “không xa bờ, chỉ còn cách độ 200 thước tay” (tức dưới ba trăm Feet hay 300 Bộ Anh), nhưng bị tan loãng trong không gian bao rộng của một biển hồ nên càng không rõ giọng của người phát ngôn. Vả lại, mẻ cá lạ lần này tái diễn mẻ cá đã xẩy ra trước kia như dấu nhắc cho các môn đệ biết “Thày đấy”, như dấu hiệu Người bẻ bánh trước mắt hai môn đệ đi Emmau làm các vị nhận ra Người vậy.

Vấn nạn thứ ba, tại sao sau khi nghe các môn đệ trả lời “không bắt được gì ăn hết”, Chúa Giêsu lại bảo “hãy thả lưới bên phải” mà không giục các vị hãy lên bờ mà “dùng bữa” được Người dọn sẵn cho các vị, với cá nướng và bánh?

Xin thưa, vì hai lý do được suy diễn sau đây: thứ nhất, là vì Người muốn các vị phải tìm Nước Thiên Chúa trước rồi mọi sự khác các vị sẽ được Người ban cho sau, như việc bụng các vị đang đói đã được chính Người biết trước và đã đích thân dọn bữa ăn sáng trên bờ cho các vị sau khi các vị bắt được mẻ cá đầy, một việc dọn bữa cho các vị là môn đệ của Người được thực hiện đúng như Người đã dùng dụ ngôn mà phán với các vị ở Phúc Âm Thánh Luca đoạn 12, câu 37: “Phúc cho đầy tớ nào còn tỉnh thức khi chủ về. Thày cho các con hay, chủ sẽ thắt lưng, đặt họ vào bàn mà phục vụ họ”, một việc Người đã hiển nhiên thực hiện trong bài Phúc Âm hôm nay. Lý do thứ hai là vì Người muốn các vị là thành phần tông đồ phải sống như Người là Thày của họ, trong việc chu toàn sứ vụ của mình, lấy đó làm lương thực của họ, như chính Người, khi họ “xin Thày dùng bữa” (Jn 4:31) bên bờ giếng Giacóp, đã trả lời cho các vị ấy: “Thày đã có của ăn rồi mà các con không biết… Lương thực của Thày là thực hiện ý muốn của Đấng đã sai Thày và làm hoàn tất công việc của Ngài”. Thật vậy, việc kéo được một mẻ cá đầy của các vị tông đồ theo lời chỉ dẫn của Thày đây chính là việc các vị “đánh cá người”, như các vị đã được Người hứa hẹn trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 5, câu 10, ngay từ khi Người tuyển chọn và kêu gọi các vị “hãy theo Tôi” trên bờ biển hồ Giênêsarét ở Galilêa. Và nếu các vị tông đồ thực hiện Lệnh Truyền Phục Sinh của Người, như Người đã tỏ cho biết khi hiện ra lần đầu với họ vào tối ngày thứ nhất trong tuần, lệnh truyền về việc ban bí tích thống hối và làm chứng cho Người (xem Lk 24:47-48), chắc chắn các vị sẽ bắt được mẻ cá đầy nhân loại vậy.

Vấn nạn thứ bốn, tại sao chưa nhận biết người nói với mình “hãy thả lưới bên phải” là Thày, mà các vị lại làm theo lời của một người nào đó bảo mình làm như thế?

Xin thưa, không phải vì các vị làm để cầu may. Các vị là những tay đánh cá chuyên nghiệp, có đủ kiến thức để biết được lúc nào có cá và khoảng nước nào có cá. Các vị đã cố cả đêm, thả lưới bên trái, bên phải, đủ cách mà vẫn không được gì cả. Bởi thế, theo tự ái nghề nghiệp, các vị sẽ nổi sùng lên khi nghe bảo “hãy thả lưới bên phải”, làm như các vị không biết gì vậy! Thế nhưng, các vị đã ngoan ngoãn làm theo, dù chưa nhận ra “Thày đó”, vì lời của Người có sức mạnh chi phối các vị, như đã làm cho hai môn đệ đi Emmau, sau khi nhận ra Thày mới cảm thấy: “Thảo nào lòng của chúng ta đã chẳng nóng lên hay sao, khi Người nói với chúng ta” (Lk 24:32).

Vấn nạn cuối cùng, thứ năm, tại sao tông đồ Gioan nhận ra Chúa trước, chứ không phải tông đồ Phêrô là trưởng phái đoàn và là người nhanh nhảu nhất trong nhóm 12?

Xin thưa, tại vì, căn cứ vào ơn gọi chuyên biệt cũng như vào thái độ riêng của hai vị tông đồ đặc biệt luôn đi đôi với nhau trong các Phúc Âm này, Phêrô tiêu biểu cho đức tin còn Gioan tiêu biểu cho đức mến. Về tâm lý, tình yêu bao giờ cũng bén nhậy hơn lý trí thế nào,về tu đức, đức mến cũng nhanh nhậy hơn đức tin như vậy. Vì đóng vai tiêu biểu cho đức mến, “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” bao giờ cũng nhận biết Thày mình nhanh hơn vị trưởng đoàn tông đồ, chẳng những lần Thày hiện ra thứ ba này, mà còn ở lần cùng tông đồ Phêrô chạy ra mồ, nhưng Gioan lại đến mồ trước, sau đó, Thánh Ký Gioan ở đoạn 20 câu 8 cho biết về chính mình là: “ông đã thấy và đã tin”, còn Phêrô cũng thấy những dấu chứng phục sinh của Thày, song vẫn còn “suy nghĩ”, như Phúc Âm Thánh Luca đoạn 24 câu 12 ghi nhận. Vì tông đồ Gioan tiêu biểu cho đức mến, nên có thể vì thế mà không chịu tử đạo như các tông đồ khác, nhất là như tông đồ Phêrô tiêu biểu cho đức tin. Trong bài Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay, phần để trong ngoặc, tức phần được Giáo Hội cho phép tùy nghi đọc thêm hay không, trong đó, Chúa Giêsu đã kêu gọi riêng vị tông đồ lãnh đạo ấy là “hãy theo Thày”, sau khi nghe vị tông đồ này tuyên xưng ba lần lòng mến của mình đối với Người, và sau khi Người tiết lộ cho vị tông đồ ấy biết thân phận phải chết vì đức tin như thế nào.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL