GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 4/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.
___________________________________________
NGÀY 27 THỨ BA |
Thánh Tử Ðạo Việt Nam
ĐTC GPII Phong thêm 6 Chân Phước
Chúa Nhật III Phục Sinh 25/4/2004, ĐTC GPII đã tôn phong thêm 6 vị tân chân phước nữa cho Giáo Hội, 1 Ba Lan, 1 Columbia, 1 Mễ Tây Cơ, 1 Ý, 1 tây Ban Nha và 1 Bồ Đào Nha. Tổng cộng trong giáo triều của mình ngài đã tôn phong chân phước cho 1.330 vị, hơn tất cả các vị tiền nhiệm của ngài trong 500 năm qua. Trong thời đại con người càng ngày càng trở nên khô khan nguội lạnh, càng bị phá sản về văn hóa Kitô giáo và bị khủng hoảng đức tin, ĐTC GPII đã chủ trương nêu cao gương Sống Thánh Chứng Nhân của những con người hầu như hiện đại này. Ngài đã tôn phong hiển thánh cho 476 vị. Đoàn hành hương từ khắp các nơi trên thế giới đổ về Quảng Trường Thánh Phêrô, nhất là từ quê hương của các vị tân chân phước, đã vỗ tay khi các tấm hình của 6 vị tân chân phước treo trước Đền Thờ Thánh Phêrô được mở ra.
Sáu vị tân chân phước gồm có: Augustus Czartoryski (1858-1893), linh mục dòng Don Bosco; Laura Montoya (1874-1949), vị sáng lập dòng Chư Thừa Sai Mẹ Maria Vô Nhiễn của Thánh Catarina Sienna; María Guadalupe García Zavala (1878-1963), vị đồng sáng lập Hội Dòng Nữ Tỳ của Thánh Magarita Maria và của Người Nghèo; Nemesia Valle (1847-1916), tu sĩ Dòng Chị Em Bác Á Thánh Giovanna Antida Thouret; Eusebia Palomino Yenes (1899-1935), tu sĩ Dòng Nữ Tử Mạ Maria Phù Hộ Các Kitô Hữu; và Alexandrina Maria da Costa (1904-1955), một phần tử của Hội Hợp Tác Viên Dòng Salesiên.
Trong bài giảng của mình, ĐTC đã khéo dựa vào chính bài Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C về biến cố Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với 7 tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria để nói về các vị tân chân phước, và ngài đã nói bằng tiếng địa phương của từng vị tân chân phước.
(Bằng tiếng Ý)
1. “Họ biết rằng đó là Chúa” (Jn 21:12): Phải, Thánh Ký Gioan đã bày tỏ phản ứng vui mừng của các môn đệ khi nhận ra Chúa phục sinh. Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các vị sau một đêm các vị hoạt động vất vả luống công ở Hồ Tibêria. Tin tưởng vào lời của Người, các vị đã thả lưới và kéo lên bờ “nhiều cá” (Jn 21:6).
Như các vị tông đồ, cả chúng ta nữa cũng lấy làm lạ lùng trước kho tàng những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi lòng trí của tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài. Trong cuộc cử hành Thánh Thể hôm nay, chúng ta chiêm ngưỡng việc Ngài đã thực hiện nơi 6 vị tân chân phước: nơi linh mục Augustus Czartoryski, nơi 4 nữ Laura Montoya; María Guadalupe García Zavala; Nemesia Valle và Eusebia Palomino Yenes; và nơi một nữ giáo dân Alexandrina Maria da Costa. Các vị là những gương mẫu sống động cho thấy việc Chúa đã biến đổi cuộc sống của tín hữu ra sao khi chúng ta tin tưởng nơi Người.
(Bằng tiếng Balan)
2. “Ôi Chúa các đạo binh, nhà Chúa đáng yêu biết là chừng nào! Linh hồn con khao khát mỏi mòn tiền đường nhà Chúa… Một ngày được ở nơi tiền đường nhà Chúa diễm phúc hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác” (Ps 84:2,11). Chân phước Augustus Czartoryski đã viết ra những lời này như câu tâm niệm sống của mình vào dịp kỷ niệm dâng Thánh Lễ đầu tiên của ngài. Những lời này đã cho thấy cái thiết tha của một con người, nghe theo tiếng kêu gọi, đã khám phá ra vẻ đẹp của thừa tác vụ linh mục.
Những lời ấy cũng vang vọng những chọn lựa khác nhau cần phải được thực hiện bởi con người nào nhận thấy ý muốn của Thiên Chúa và muốn chu toàn ý muốn của Ngài. Augustus Czartoryski, một hoàng tử trẻ, đã tìm thấy được một phương pháp hiệu nghiệm để nhận thức ra những dấu hiệu thần linh. Ngài đã trình bày cho Chúa bằng việc nguyện cầu tất cả những vấn nạn cùng với những bối rối nghi nan chính yếu, để rồi, với tinh thần tuân phục, ngài đã theo lời khuyến dụ của những điều linh hướng. Như thế, ngài đã hiểu được ơn gọi của ngài trong việc thực hiện sống đời khó nghèo để phục vụ những kẻ bé mọn nhất. Phương pháp này đã giúp cho ngài trong suốt cả cuộc sống của ngài thực hiện những quyết định như vậy để ngày nay chúng ta có thể nói rằng ngài đã hoàn tất những ý định của Đấng Quan Phòng Thần Linh một cách anh hùng.
Tôi muốn trước hết nêu gương thánh đức của ngài cho giới trẻ, thành phần ngày nay tìm kiếm để nhận thức ý muốn của Thiên Chúa liên quan đến cuộc sống của mình và muốn hằng ngày trung thành tiến tới theo lời Chúa. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy học nơi Chân Phước Augustus cách thiết tha van xin bằng việc nguyện cầu ánh sáng Thánh Linh cùng với những điều hướng dẫn khôn ngoan, để các bạn có thể biết đâu là dự án thần linh đối với đời sống của các bạn hầu có thể luôn luôn bước đi trên con đường thánh đức.
(Bằng tiếng Tây Ban Nha)
3. “Khi trời vừa hừng đông thì Chúa Giêsu đứng ở trên bờ; nhưng các môn đệ không nhận ra đó là Chúa Giêsu” (Jn 21:4). Con người có thể không nhận biết Chúa, cho dù có muôn vàn những dấu hiệu trong giòng lịch sử. Mẹ Laura Montoya, khi thấy quá nhiều người Da Đỏ, ở cách xa các trung tâm đô hội, sống không biết gì tới thiên Chúa, đã quyết định lập một Hội Dòng Chư Thừa Sai của Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm và của Thánh Catarina Sienna, để chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm cho những dân cư sống trong rừng rú.
Vị chân phước người Columbian này cảm thấy mình là mẹ thiêng liêng của những người Da Đỏ mà mẹ muốn tỏ cho họ thấy tình yêu Thiên Chúa. Cuộc đời của mẹ đã gặp phải những khó khăn trước những căng thẳng về xã hội bấy giờ cũng đã làm đẫm máu quê hương yêu quí của mẹ. Được tác động bởi sứ điệp hòa bình của mẹ, chúng ta hôm nay hãy cầu nguyện để quê hương Columbia yêu dấu của chúng ta sớm được hoan hưởng hòa bình, công lý và tiến bộ toàn diện.
4. Trong Phúc Âm chúng ta đã nghe thấy Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô ba lần “Con có yêu mến Thày chăng?” Chúa Kitô cũng hỏi cùng một vấn đề với mỗi người. Đây là những gì đã xẩy ra nơi đời sống của Chân Phước Guadalupe García Zavala, một người Mễ Tây Cơ, người đã từ bỏ đời sống hôn nhân để hiến thân phục vụ thành phần cùng đinh, thành phần túng thiếu và thành phần bệnh tật, và vì thế đã lập Hội Dòng Nữ Tỳ của Thánh Margaret Mary và của Người Nghèo.
Bằng một đức tin sâu xa, một niềm hy vọng vô bờ và một tình yêu cao cả đối với Chúa Kitô, Mẹ Lupita đã nên thánh bằng tình yêu Trái Tim Chúa Giêsu và lòng trung thành với Giáo Hội. Bởi thế mẹ đã sống khẩu hiệu mẹ lưu lại cho con cái của mẹ là: “Sống bác ái đến hy sinh và kiên trì tới chết”.
(Bằng tiếng Ý)
5. “Để bộc lộ tình yêu Chúa ra cho những con người hèn mọn, cho thành phần nghèo khổ, cho hết mọi người, trên khắp trái đất”: Đó là quyết tâm của Chân Phước Nemesia Valle cho cả cuộc sống của ngài. Ngài đã để lại giáo huấn này đặc biệt cho Chị Em Bác Ái Thánh Giovanna Andida Thouret, cũng như cho tín hữu thuộc TGP Turin. Đó là một tấm gương sáng chói, tiến đến tuyệt đỉnh của sự trọn lành phúc âm, và là một tấm gương được biến thành những cử chỉ tầm thường của cuộc sống thường nhật hiến mình cho Thiên Chúa.
Vị tân chân phước này tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng: “Thánh thiện không phải hệ tại làm nhiều sự hay làm những việc đại sự… Vị thánh là người tiêu hao cuộc sống mình hằng ngày vì Chúa”.
(Bằng tiếng Tây Ban Nha)
6. Chúa nói với Thánh Phêrô một cách cương quyết và mạnh mẽ rằng: “Con hãy theo Thày”. Nữ tu Eusebia Palomino thuộc Hội Dòng Nữ Tử Đức Maria Phù Hộ Các Kitô Hữu, cũng nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi vào một ngày kia và đã đáp lại bằng cả một tình thần thiết tha và lòng khiêm nhượng sâu xa nơi đời sống thường nhật của mình. Là một nữ tu Salesiên tốt lành, ngài cảm thấy sốt mến Thánh Thể và Đức Trinh Nữ. Điều quan trọng đối với ngài là yêu thương và phục vụ; những thứ còn lại không thành vấn đề, theo đúng như câu tâm niệm của dòng Salêsiên: “Da mihi animas, caetera tolle” (Hãy cho tôi các linh hồn và hãy cứ lấy đi những gì khác).
Với một bản chất cứng rắn và kiên trì theo đuổi việc chọn lựa của mình, Nữ Tu Eusebia Palomino Yenes đã vạch ra cho tất cả chúng ta, nhất là cho giới trẻ của thời đại chúng ta, một đường lối nên thánh đầy hấp dẫn và gay go.
(Bằng tiếng Bồ Đào Nha)
7. “Con có yêu mến Thày chăng?” Chúa Giêsu hỏi tông đồ Simon Phêrô. Vị tông đồ trả lời: “Lạy Thày, Thày biết hết mọi sự, Thày quá rõ là con yêu mến Thày”. Đời sống của Chân Phước Alexandrina Maria da Costa có thể được tóm gọn vào cuộc đối thoại yêu thương. Được thấm thía và nung nấu bởi những khát mong yêu thương này, ngài không muốn từ chối Đấng Cứu Độ của ngài bất cứ điều gì: Bắng ý muốn mạnh mẽ, ngài đã chấp nhận mọi sự để chứng tỏ ngài mến yêu Người. Là cô dâu máu huyết, ngài đã sống lại một cách nhiệm mầu cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và đã dâng mình như tế vật cho các tội nhân, khi nhận lãnh sức mạnh từ Thánh Thể là bí tích trở thành của dưỡng nuôi duy nhất cho thời gian 13 năm sống của ngài.
Theo gương Chân Phước Alexandrina, một gương được thể hiện nơi bộ ba “chịu khổ, yêu thương và đền bù”, Kitô hữu có thể được phấn khích và hứng khởi để thăng hóa mọi sự đau thương và buồn thảm trong đời sống bằng dấu chứng của một tình yêu cao cả hơn, ở chỗ hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu.
(Bằng tiếng Ý)
8. “Vâng, lạy Thày, Thày biết rằng con yêu mến Thày” (Jn 21:15). Như Thánh Phêrô cũng như các tông đồ khác trên bờ hồ Tibêria, những vị tân chân phước này cũng làm cho lời tuyên xưng đức tin và yêu thương tuy đơn sơ nhưng quyết liệt chất chứa những hậu quả quá sức ấy thành của mình. Tình yêu mến Chúa Kitô là bí mật của sự thánh thiện vậy!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo gương những vị chân phước này! Như các vị, chúng ta hãy liên lỉ cống hiến chứng từ tin yêu về sự hiện diện sống động và linh hoạt của Đấng Phục Sinh!
Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’
Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ
Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”
(tiếp)
Chương I
Qui Luật về Phụng Vụ Thánh
(14-18)
14. “Việc qui định Phụng Vụ Thánh hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Giáo Hội, đặc biệt thuộc thẩm quyền Tòa Thánh, và theo các qui tắc về luật lệ, thuộc thẩm quyền của Vị Gám Mục (34).
15. Đức Giáo Hoàng Rôma, “Vị Đại Diện Chúa Kitô và là Vị Chủ Chiên của Giáo Hội hoàn vũ trên trần gian có toàn quyền trực tiếp và phổ quát, một quyền bính bao giờ cũng được Ngài tự do hành sử” (35), theo sứ vụ tối cao của mình, cũng như với các vị mục tử và với các phần tử của đàn chiên bằng cách truyền đạt.
16. “Tòa Thánh cần phải qui định Phụng Vụ Thánh cho Giáo Hội hoàn vũ, phải ban hành các sách về phụng vụ và phê chuẩn các bản dịch sang tiếng bản xứ, cũng như phải bảo đảm rằng những qui định về phụng vụ, nhất là những qui định điều hành một việc cử hành hết sức cao trọng Hy Tế Thánh Lễ, cần phải được các nơi trung thành tuân giữ” (36).
17. “Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích chú ý tới những vấn đề liên quan đến Tòa Thánh về việc qui định và cổ võ Phụng Vụ Thánh, nhất là các Phép Bí Tích, những vấn đề cũng xứng hợp với thẩm quyền của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Thánh Bộ Phương Tự và Bí Tích nuôi dưỡng và áp dụng qui luật bí tích, nhất là liên quan đến tính cách thành hiệu của các phép bí tích cũng như đến việc cử hành hợp lệ của các phép bí tích này”. Sau hết, Thánh Bộ này cũng “cẩn thận tím cách để bảo đảm là các qui định về phụng vụ cần phải được tuân giữ chính xác, và cần phải ngăn ngừa hay loại trừ những thứ lạm dụng bất cứ thấy chúng ló hiện ở đâu” (37). Về vấn đề này, theo truyền thống của Giáo Hội hoàn vũ, mối quan tâm tối yếu là việc cử hành Thánh Lễ cũng như tới việc tôn thờ đối với Thánh Thể ngay cả ở ngoài Thánh Lễ.
18. Thành phần tín hữu của Chúa Kitô có quyền đòi hỏi thẩm quyền giáo hội phải qui định một cách đầy đủ và hiệu nghiệm Phụng Vụ Thánh kẻo Phụng Vụ Thánh trở thành “sở hữu riêng của bất cứ ai, dù của thừa tác viên hay của cộng đồng cử hành các mầu nhiệm này” (38).
1. Giám Mục Địa Phận, Vị Thượng Tế của Đàn Chiên (19-25)
19. Vị Giám Mục giáo phận, vị đệ nhất thủ quản các mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Giáo Hội riêng được trao phó cho ngài, là người điều hành, cổ động và coi sóc toàn thể sinh hoạt phụng vụ của giáo hội địa phương này (39). Vì “vị Giám Mục, được lãnh nhận trọn vẹn Bí Tích Truyền Chức Thánh, là ‘người quản lý ân sủng của thiên chức Linh Mục cao cả’ (40), nhất là nơi Thánh Thể được chính ngài dâng lễ hay ban quyền dâng lễ để nhờ đó Giáo Hội tiếp tục sống động và phát triển” (42).
20. Thật vậy, việc biểu lộ cao cả nhất của Giáo Hội được thể hiện khi cử hành các nghi thức Thánh Lễ, nhất là ở Vương Cung Thánh Đường, “với sự tham dự trọn vẹn và chủ động của toàn thể Dân thánh Chúa, cùng hiệp nhau trong một tác động nguyện cầu, nơi bàn thờ có vị Giám Mục chủ sự”, chung quanh ngài là hàng giáo sĩ, bao gồm cả những vị Phó Tế và các thừa tác viên (43). Ngoài ra, “hết mọi cuộc cử hành Thánh Thể hợp pháp đều được điều khiến bởi vị Giám Mục là người được trao phó cho sứ vụ hướng dẫn việc tôn thờ Kitô giáo đối với Đấng Thần Linh Cao Cả, cũng như sắp xếp việc cử hành này theo những chỉ thị của Chúa và luật lệ của Giáo Hội, những gì được chi tiết hóa theo phán đoán riêng của ngài để áp dụng cho Giáo Phận mình” (44)
21. Bởi thế, vị Giám Mục giáo phận cần phải, “trong quyền hạn của mình, phác họa những qui tắc phụng vụ ở Giáo Phận của mình cho hết mọi người buộc phải tuân giữ” (45). Chưa hết, vị Giám Mục còn phải chú ý đừng loại bỏ đi cái tự do đã được các sách về phụng vụ thấy trước và cho phép hầu việc cử hành được thích ứng một cách khôn ngoan với cơ sở của Giáo Hội, hay với nhóm tín hữu hiện diện, hoặc với những trường hợp mục vụ đặc biệt, để làm sao lễ nghi linh thánh phổ cập được thực sự hòa hợp với tầm kiến thức của con người (46).
22. Vị Giám Mục cai quản Giáo Hội riêng được trao phó cho ngài (47), nên ngài có nhiệm vụ qui định, điều khiển, khuyến khích và đôi khi khiển trách (48); đó là một nhiệm vụ thánh ngài đã lãnh nhận qua việc Truyền Chức giáo phẩm (49), một nhiệm vụ ngài cần phải chu toàn để xây dựng đàn chiên của ngài trong chân lý và thánh thiện (50). Ngài phải làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa của các lễ nghi cũng như của các bản văn về phụng vụ, phải nuôi dưỡng tinh thần Phụng Vụ nơi các Linh Mục, Phó Tế và giáo dân (51), để mọi người trong họ tiến đến chỗ chủ động và hiệu nghiệm cử hành Thánh Thể (52), và ngài cũng phải làm sao để có thể bảo đảm được rằng toàn thể thân mình Giáo Hội có thể tăng triển việc hiểu biết giống nhau, trong mối hiệp nhất bác ái, nơi giáo phận, ở quốc gia và trên thế giới (53).
23. Tín hữu “phải gắn bó với vị Giám Mục như Giáo Hội với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả được hòa hợp hiệp nhất, và để họ được tràn đầy vinh quang của Thiên Chúa” (54). Tất cả mọi người, bao gồm các phần tử thuộc những Tổ Chức sống đời tận hiến và các Hội sống đời tông đồ cũng như những phần tử thuộc bât cứ hội đoàn và phong trào nào của giáo hội, đều phải phục quyền của vị Giám Mục địa phận trong tất cả mọi vấn đề về phụng vụ (55), ngoại trừ những quyền được hợp lệ thừa nhận. Bởi thế, vị Giám Mục giáo phận có quyền hạn và nhiệm vụ phải coi sóc cũng như phải chú ý tới các Thánh Đường và các nhà thờ trong giáo phận của mình liên quan tới những vấn đề về phụng vụ, điều này cũng được áp dụng cho những nguyện đường được phần tử thuộc các tổ chức được đề cập đến trên đây thiết lập hay coi sóc, nếu tín hữu thường đến tham dự (56).
24. Dân Kitô hữu có quyền đòi hỏi vị Giám Mục giáo phận của mình phải chú ý làm sao để ngăn ngừa không cho xẩy ra những thứ lạm dụng về qui luật của giáo hội, nhất là những lạm dụng liên quan đến thừa tác vụ lời Chúa, đến việc cử hành các phép bí tích và các á bí tích, đến việc tôn thờ Thiên Chúa cũng như đến việc tôn sùng Chư Thánh (57).
25. Những ủy ban cũng như nhưng hội đồng hay tiểu ban do vị Giám Mục thiết lập để thực hiện “việc cổ võ Phụng Vụ, thánh nhạc và nghệ thuật thánh trong giáo phận của ngài” phải hành động theo ý hướng và qui tắc của vị Giám Mục; họ phải tùy thuộc vào quyền bính của ngài và việc chuẩn nhận của ngài để có thể thi hành sứ vụ của mình một cách xứng hợp (58), cũng như để bảo trì việc quản trị hiệu nghiệm của vị Giám Mục nơi giáo phận của ngài. Đối với tất cả mọi thứ cơ cấu này hay những thực thể khác cũng như tất cả mọi trách nhiệm nơi các vấn đề về phụng vụ, các vị Giám Mục vốn cần phải coi xem công việc họ làm đạt được thành quả tới đâu (59), và cẩn thận để ý tới những thứ thay đổi hay những cải tiến cần phải được thực hiện nơi những phác họa và hoạt động của họ (60), nhờ đó họ được củng cố hơn. Cần nhớ rằng các chuyên viên phải được tuyển chọn trong số những người hiển nhiên có tính cách lành mạnh về đức tin Công Giáo cũng như về kiến thức thần học cùng các vấn đề về văn hóa.
2. Hội Đồng Giám Mục (26-28)
26. Những điều trên đây cũng được áp dụng cho cả các ủy ban kiểu này do Hội Đồng Giám Mục thiết lập theo ý muốn của Công Đồng Vaticanô II (61), những ủy ban có phần tử là các vị Giám Mục, hoàn toàn khác hẳn với những chuyên viên trợ tá của các vị. Trường hợp không đủ số phần tử thuộc nội bộ của Hội Đồng Giám Mục cho việc thiết lập một cách hiệu năng ủy ban phụng vụ này, bấy giờ mới đi đến chỗ bổ nhiệm một hội đồng hay một nhóm chuyên viên, nhưng bao giờ cũng thuộc quyền chủ tịch của vị Giám Mục, vị hoàn tất vai trò chủ tịch này bao nhiêu có thể, cho dù không mang danh xưng thuộc “ủy ban phụng vụ”.
27. Ngay từ năm 1970, Tòa Thánh đã thông báo việc ngưng thực hiện tất cả mọi thứ thử nghiệm liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ (62), và thông báo này cũng đã được lập lại vào năm 1988 (63). Bởi thế, các vị Giám Mục và Hội Đồng của các vị không có năng quyền để cho phép thử nghiệm những bản văn phụng vụ hay những vấn đề khác được qui định trong các sách phụng vụ. Để thực hiện việc thử nghiệm theo kiểu này trong tương lai, cần phải có phép của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích. Phép này phải có giấy tờ và phải được Hội Đồng Giám Mục thỉnh nguyện. Thật vậy, phép này không được chấp nhận nếu không có lý do quan trọng. Đối với những dự án hội nhập văn hóa về các vấn đề phụng vụ, những qui tắc đã được ấn định phải được triệt để và trọn vẹn tuân giữ (64).
28. Tất cả mọi qui tắc về phụng vụ được Hội Đồng Giám Mục thiết lập cho các giáo phận thuộc quyền mình theo luật lệ đều phải trình cho Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích để được phê chuẩn, bằng không những qui tắc ấy không có hiệu lực gì hết (65).
(còn tiếp)
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL