GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 7 THỨ TƯ

 

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Phêrô Nguyễn Văn Lựu 7/4

 

 


“Bài Thánh Thi Ca của Thành Phần Được Cứu Chuộc”

 

(ÐTC GPII với Bài Giáo Lý 102, Thứ Tư 31/3/2004, về Ca Vịnh Khải Huyền 4-5 cho Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)


1.     Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe và là bài ca vịnh giờ đây chúng ta suy niệm những hình thức làm nên một phần của phụng vụ giờ kinh đêm; chúng ta đã bắt đầu dẫn giải các Bài Thánh Vịnh của giờ kinh phụng vụ một cách thứ tự nơi các bài giáo lý hằng tuần. Như vẫn thường xẩy ra nơi phụng vụ, có một số kinh nguyện được viết ra bằng việc kết hợp những câu thánh kinh trích từ những phần quan trọng.


Ở đây, có một số câu đã được trích từ Đoạn 4 và 5 của Sách Khải Huyền, đoạn tả lại một cảnh thiên đình cao cả và hiển vinh. Một ngai tòa hiện lên ở trung tâm trên đó có Chúa ngự trị, Đấng mang danh hiệu không được xưng hô vì lòng tôn kính (x Rev 4:2). Tiếp theo là Con Chiên, biểu hiệu của Chúa Kitô phục sinh, ngự trên ngai tòa này: thật vậy, điều được đề cập đến đó là một “con chiên dường như bị sát tế”, nhưng đứng thẳng, sống động và hiển vinh (5:6).


Chung quanh hai vị thần linh được đề cập đến ấy là một ca đoàn của một thiên cơ, được tiêu biểu bằng 4 “con vật sống” (5:6), những con vật cho thấy hình ảnh của các thiên thần trước sự hiện diện thần linh ở bốn điểm chính của vũ trụ này, và “24 vị trưởng lão” (4:4), theo Hy ngữ là “presbyteroi”, tức là những nhà lãnh đạo cộng đồng Kitô giáo, với con số nhắc đến 12 chi họ Israel và 12 Vị Tông Đồ, tức là một tổng hợp giữa giao ước thứ nhất và thứ hai.


2.     Cuộc qui tụ này của Dân Chúa hát lên một bản thánh thi ca dâng lên Chúa để tôn tụng “vinh quang và vinh dự cùng quyền năng” của Ngài, những gì được biểu lộ nơi việc tạo thành vũ trụ (xem câu 4:11). Đến đây chúng ta thấy xuất hiện một biểu hiệu có liên quan đặc biệt, theo tiếng Hy Lạp đó là ‘biblion’, tức là một ‘cuộn giấy’, một thứ mà, tuy nhiên, lại hoàn toàn bất khả đụng chạm: Thật vậy, đó là 7 ấn tín được niêm phong không ai có thể đọc (5:1).


Bởi thế, đây là một lời tiên tri được giữ kín. Cuộn giấy đó chứa đựng một loạt những chỉ thị thần linh cần phải được thi hành nơi lịch sử loài người để làm cho công lý được hoàn toàn hiển trị. Nếu cuộn giấy này còn bị niêm ấn thì những chỉ thị ấy không thể nào biết được và thực hiện, và sự gian ác cũng sẽ tiếp tục tràn lan và lấn át thành phần tín hữu. Do đó, cần phải có một cuộc can thiệp có thẩm quyền: cuộc can thiệp này thực sự sẽ được hoàn tất bởi Con Chiên bị sát tế và phục sinh. Người là Vị có thể “lãnh nhận cuộn giấy và mở ấn tín” (5:9)


Chúa Kitô là Vị đại diễn giải lịch sử và là Chúa của lịch sử, Đấng mạc khải cho biết cái bí ẩn của tác động thần linh tỏ hiện nơi lịch sử.


3.     Thế rồi bài thánh thi ca này nói đến cái chính yếu của quyền năng Chúa Kitô đối với lịch sử, đó là mầu nhiệm vượt qua của Người (5:9-10), một Chúa Kitô “bị sát hại” và Người đã dùng máu của mình để “giải thoát” toàn thể nhân loại khỏi quyền lực sự dữ. Động từ “giải thoát” ám chỉ đến Cuộc Xuất Hành, đến cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập. Đối với luật pháp cổ xưa thì nhiệm vụ giải phóng được trao cho người thân thuộc nhất. Nơi trường hợp của dân này thì chính Thiên Chúa đã gọi dân Do Thái là “trưởng tử” của Ngài (Ex 4:22).


Bởi thế, Chúa Kitô thực hiện việc giải phóng này cho toàn thể gia đình nhân loại. Việc cứu chuộc của Người không phải chỉ có nhiệm vụ giải thoát chúng ta khỏi sự dữ đã vấp phạm trong quá khứ, nhiệm vụ chữa lành những thương tích của chúng ta, và nhiệm vụ làm giảm bớt những thứ khốn khổ của chúng ta. Chúa Kitô còn ban cho chúng ta một con người nội tâm mới, Người biến chúng ta thành những tư tế và vương giả, thành phần được tham dự vào phẩm vị riêng của Người.


Khi bóng gió nói tới những lời Thiên Chúa đã phán ở Núi Sinai (x Ex 19:6; Rev 1:6), bài thánh thi ca này xác nhận là thành phần dân được cứu chuộc của Thiên Chúa bao gồm những vị vua chúa và tư tế, thành phần phải hướng dẫn và thánh hóa toàn thể tạo vật. Đó là một cuộc thánh hiến bắt nguồn nơi Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô và được hiện thực nơi phép rửa (x 1Pt 2:9). Cuộc thánh hiến này kêu gọi Giáo Hội hãy ý thức về phẩm vị và sứ vụ của mình.


4.     Truyền thống Kitô giáo đã nhất trí áp dụng vào Chúa Kitô hình ảnh Con Chiên vượt qua. Chúng ta hãy lắng nghe những lời của vị giám mục từ thế kỷ thứ hai là Meliton ở Sardis, một thành phố ở Tiểu Á, vị đã chia sẻ trong bài Giảng Phục Sinh như thế này: “Chúa Kitô đã từ trời xuống trần gian vì yêu thương nhân loại khổ đau, Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta trong lòng dạ của Đức Trinh Nữ và đã hạ sinh làm người… Người bị bắt như một con chiên và là một con chiên bị sát tế, nhờ đó Người đã giải thoát chúng ta khỏi bị làm tôi cho thế gian… Người đã đem chúng ta từ tình trạng nô lệ đến tự do, từ tối tăm ra ánh sáng, từ tử vong đến sự sống, từ tình trạng bị đàn áp đến cuộc trường sinh vương giả; biến chúng ta thành một hàng tư tế mới và là một dân tộc được tuyển chọn muôn đời… Người là con chiên hiền lành, một con chiên bị sát tế, là con của Đức Maria, là con chiên vô tì tích. Người bị lấy đi khỏi đàn chiên, bị dẫn đi chịu chết, bị sát tế vào buổi chiều tà, được chôn táng về đêm” (Nos. 66-71: SC 123, pp. 96-100).


Cuối cùng, chính Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế, đã kêu gọi tất cả mọi dân tộc là: “Vậy hãy đến, hỡi tất cả mọi giòng giống con người đã bị nhiễm vương tội lỗi, và hãy lãnh nhận ơn thứ tha lỗi tội. Thật vậy, Ta là ơn tha tội của các người, Ta là Phục Sinh ơn cứu độ, Ta là ánh sáng cho các người, Ta là sự cứu độ của các người, Ta là Vua của các người. Ta là Đấng sẽ dẫn các người lên những tầng trời cao, Đấng sẽ tỏ cho các người thấy Cha hằng hữu là Đấng đã giải thoát các người bằng cánh tay phải của Ta” (No. 103: ibid., p. 122).


Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe ở đầu buổi triều kiến chung hôm nay được trích từ Sách Khải Huyền. Bài ca vịnh này diễn tả một cảnh vinh quang thiên đình có toàn thể Dân Chúa hát lên bài thánh thi ca tôn tụng trước Chúa hiện ngự trên ngai tòa. Chúa Kitô tử giá và phục sinh được phác tả như Con Chiên bị sát tế và nay đang sống muôn đời. Chính Người là Đấng mở các ấn tín của cuốn sách mạc khải cho thấy dự án cứu độ của Chúa trong lịch sử loài người.


Nhờ mầu nhiệm vượt qua, Chúa Kitô đã cứu chuộc toàn thể nhân loại khỏi cảnh làm tôi cho tội lỗivà ban cho chúng ta sự sống mới trong Bí Tích Rửa Tội. Bằng việc ban cho chúng ta được quyền thông phần vào phẩm vị của mình là tư tế, ngôn sứ và vương đế, Người kêu gọi chúng ta là chi thể thuộc Thân Mình của Người là Giáo Hội hãy xây dựng và thánh hóa tất cả mọi tạo vật.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 31/3/2004.
 


 
"Trong Lòng Giới Trẻ": ÐTC GPII Giải Ðáp Những Vấn Nạn của Giới Trẻ

Để đi sâu hơn vào "trong lòng giới trẻ" ở nhiều nơi trên thế giới, sau đây tôi xin soạn dịch, theo thứ tự thời gian, một số vấn nạn của giời trẻ gần đây đã hỏi chính Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và đã được Ngài giải quyết. Thứ nhất, Ngài trả lời (câu 1, 2 và 3) cho giới trẻ ở Ngày Giới Trẻ Thế Giới, 14-1-1995, tại Manila nước Phi Luật Tân, (bản văn được trích dịch từ The Pope Speaks, Vol.40, No.4, July/August 1995). Thứ hai, Ngài trả lời (câu 3, 4 và 5) cho giới trẻ ở Trent nước Ý ngày 30-4-1995, (bản văn được trích dịch từ The Pope Speaks, Vol.40, No.6, November/December 1996). Thứ ba, Ngài trả lời (câu 6, 7, 8 và 9) cho giới trẻ ở giáo phận Como cũng nước Ý ngày 5-5-1996, (bản văn được trích dịch từ L'Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.20, phát hành ngày 15/5/1996). Thứ bốn, Ngài trả lời (câu 10) cho giới trẻ ở Slovenia ngày 18-5-1996, (bản văn được trích dịch từ L'Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.23, phát hành ngày 5/6/1996).

 Vấn nạn 1:

            "Đức Thánh Cha mong ước gì nơi giới trẻ?"

            Trong cuốn "Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng", Cha đã viết "vấn đề nền tảng của giới trẻ là một vấn đề cá nhân sâu xa. Giới trẻ... biết rằng cuộc sống của họ có ý nghĩa cho đến độ nó trở nên một tặng vật hy hiến cho những người khác". Do đó, câu hỏi này nhắm đến một cách riêng tư mỗi một người trong các con. Các con có thể hiến mình, giờ giấc của mình, năng lực của mình, tài năng của mình cho lợi ích của những người khác chăng? Nếu các con làm được thì Giáo Hội và xã hội có thể mong nơi mỗi một người trong các con nhiều điều trọng đại. Ơn gọi yêu thương, hiểu theo nghĩa thực sự vươn mình đến những đồng loại của chúng ta và đoàn kết với họ, là ơn gọi căn bản nhất trong mọi ơn gọi. Nó là nguồn gốc của tất cả mọi ơn gọi trong đời sống.  Đó là điều Chúa Giêsu tìm kiếm nơi con người trẻ ấy khi Người phán: "Hãy giữ các giới răn" (Mk.10:19). Nói cách khác: đó là phụng sự Thiên Chúa và tha nhân theo mọi đòi hỏi của một con tim chân thật và chân chính. Thế rồi, sau khi người trẻ nói rằng anh ta đã theo đường lối đó, Chúa Giêsu liền kêu mời anh ta đến một tình yêu cao cả hơn: Hãy bỏ mọi sự, đến mà theo Ta; hãy bỏ mọi sự liên quan đến bản thân mình mà bắt tay với Ta trong công cuộc vĩ đại cứu rỗi thế gian (x.câu 21). Chúa có một điều gì đó cho mỗi người làm dọc theo cuộc hiện hữu của từng người...

 Vấn nạn 2:

            "Chúng con giải thích thế nào về tác dụng phi thường của đời sống Chúa Kitô và hiệu qủa của những lời Người? Quyền năng và quyền bính của Người từ đâu mà có?"

            Những vấn nạn của các con lần này liên quan đến bản thân và công việc của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta. Đọc kỹ Phúc Âm thánh Gioan, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho vấn nạn của chúng ta... Chúa Giêsu phục sinh và sống động đến với các tông đồ trong một căn phòng các vị đang qui tụ. Và để chứng tỏ Người cũng chính là Đấng mà các vị vẫn quen biết, Người đã tỏ cho các vị thấy những thương tích của Người: nơi đôi bàn tay và cạnh sườn của Người. Đây là những vết tích về cuộc tử nạn và vượt qua cứu độ của Người, là nguồn mạch quyền năng mà Người truyền sang cho các vị... Vì cuộc phục sinh của Đức Kitô, con người không còn hiện hữu để mà chết nữa, họ hiện hữu cho một sự sống đã được tỏ hiện nơi chúng ta. Đây là sự sống mà Chúa Kitô đã mang xuống trần gian (x.Jn.1:4)... Cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết là điều mà mọi người ước vọng. Tất cả mọi tôn giáo, đặc biệt là những tôn giáo lớn lâu đời được hầu hết dân Á Châu theo, đều chứng tỏ sự thật về tình trạng bất tử của chúng ta được ghi khắc nơi lương tri đạo lý của con người sâu xa biết bao. Việc con người tìm kiếm sự sống sau khi chết gặp được thỏa nguyện thực sự nơi cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Vì Chúa Kitô phục sinh là biểu hiện cho việc Thiên Chúa đáp ứng niềm mong đợi thao thức sâu xa này của tinh thần con người, mà Giáo Hội tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy" (Kinh Tin Kính Các Tông Đồ). Chúa Kitô phục sinh là bảo chứng cho con người nam nữ của mọi thời đại là họ được kêu gọi đến một sự sống vượt ngoài biên giới sự chết. Việc sống lại của thân xác không phải chỉ là tình trạng bất tử của linh hồn thôi. Toàn thể con người, bao gồm cả thân xác lẫn linh hồn, được hưởng sự sống đời đời. Mà sự sống đời đời là sự sống trong Thiên Chúa. Chứ không phải là sự sống, như thánh Phaolô dạy, "lụy thuộc sự hư nát" (Rm.8:20). Là tạo vật trên thế gian, mỗi người đều phải chết cũng giống như mọi tạo vật khác. Tình trạng bất tử của toàn thể con người chỉ có thể nhận được từ tặng ân của Thiên Chúa. Thật ra nó là việc chia sẻ vào sự vĩnh cửu của chính Thiên Chúa.             Chúng ta có thể nhận lãnh "sự sống trong Thiên Chúa" như thế nào? Bởi Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sự sống mới này, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống". Nhờ Ngài, chúng ta trở nên, theo hình ảnh của Người Con duy nhất, con cái thừa nhận của Cha... "Hãy nhận lấy Thánh Thần" nghĩa là hãy chấp nhận từ Thày gia sản ơn thánh và sự thật này, là cái làm cho các con trở nên một thân thể thiêng liêng nhiệm mầu với Thày. "Hãy nhận lấy Thánh Linh" cũng có nghĩa là hãy trở nên những kẻ tham hưởng vương quốc Thiên Chúa, do Thánh Linh tràn đổ vào lòng các con như hoa trái khổ đau và hy sinh của Con Thiên Chúa, để càng ngày Thiên Chúa sẽ càng trở nên tất cả trong mọi người (x.1Cor.15:28). Giới trẻ thân mến, cuộc suy niệm của chúng ta đã tiến đến trung tâm điểm của Chúa Kitô Cứu Thế. Nhờ việc toàn hiến của Người cho Chúa Cha, Người đã trở nên đường nẻo cho việc chúng ta được làm dưỡng tử dưỡng nữ dấu yêu của Thiên Chúa. Sự sống mới này hiện hữu nơi các con nhờ bí tích rửa tội là nguồn mạch hy vọng và lạc quan của Kitô hữu chúng con. Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn thế. Khi Người nói với các con: "Như Cha sai Thày, Thày cũng sai các con", các con có thể yên tâm là Người sẽ không bỏ mặc các con. Người sẽ luôn luôn ở cùng các con...

            Tại sao Người sai các con? Vì con ngưòi nam cũng như nữ khắp cả thế giới - Bắc, Nam, Đông, Tây - ngóng đợi một sự giải phóng và mãn nguyện đích thực. Người nghèo tìm kiếm công lý và kết đoàn; kẻ bị áp bức cần phải có tự do và nhân phẩm; người mù kêu gọi ánh sáng và chân lý (x.Lk.4:18). Các con được sai đi không phải để công bố một sự thật trừu tượng. Phúc Âm không phải là một lý thuyết hay một ý thức hệ! Phúc Âm là sự sống! Công việc của các con là làm chứng cho sự sống này: sự sống của dưỡng tử dưỡng nữ Thiên Chúa. Con người tân tiến, cho dù họ có biết hay chăng, thật là cần đến sự sống này - như 2000 năm trước đây nhân loại cần Chúa Kitô đến vậy; cũng như con người luôn luôn cần Chúa Giêsu Kitô cho đến tận cùng thời gian.

            Tại sao chúng ta cần Người? Vì Chúa Kitô mạc khải chân lý về con người và về cuộc sống cũng như định mệnh của con người. Người tỏ cho chúng ta thấy vị trí của chúng ta trước nhan Thiên Chúa, như là những tạo vật và những tội nhân, như thành phần được cứu chuộc nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Người, khi chúng ta đang lữ hành trên con đường về nhà Cha... Sự thật về con người - mà thế giới tân tiến khó lòng hiểu được - đó là chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như chính Thiên Chúa (x.Gn.1:27), và chính ở tại chỗ này, chứ chưa cần kể đến những khía cạnh khác, chất chứa phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi một con người, không có luật trừ, kể từ lúc được thụ thai cho đến lúc tự nhiên mà chết. Cho dù cái mà đối với văn hóa hiện đại càng khó hiểu đi nữa, thì nhân phẩm này, được khuôn đúc theo tác động sáng tạo của Thiên Chúa, lại được nâng lên cao hơn vượt bực trong mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Đây là sứ điệp mà các con phải công bố cho thế giới tân tiến: nhất là cho người bất hạnh nhất, cho người vô cư vô sản, cho người yếu bệnh, cho những kẻ bị ruồng rẫy, cho những người khổ sở trong tay kẻ khác. Cho mỗi một người, các con phải nói rằng: Xin hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để qúi vị thấy rằng thực sự qúi vị là ai trước mặt Thiên Chúa!...

            Chúa Giêsu sai các con như thế nào? Người không hứa gươm giáo hay bạc tiền, quyền lực, cũng không hứa bất cứ điều gì như phương tiện truyền thông xã hội thu hút con người ngày nay. Thay vào đó, Người ban cho các con bình an và sự thật. Người sai các con đi với một sứ điệp uy quyền về Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, với sự thật về thập giá và phục sinh của Người. Đó là tất cả những gì Người ban cho các con, và đó cũng là tất cả những gì các con cần. Phần ân sủng và sự thật này sẽ phát sinh can đảm. Theo Chúa Kitô bao giờ cũng đòi phải can đảm... Và như thế là chúng ta trở về với vấn nạn đầu tiên của các con:

            Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng mong đợi gì nơi giới trẻ của Ngày Giới Trẻ Thứ 10? Đó là các con tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Đó cũng là các con học biết làm sao để công bố tất cả những gì chất chứa nơi sứ điệp của Chúa Kitô, thực hiện một cuộc giải phóng đích thực và một cuộc tiến triển chính đáng cho loài người. Đây là điều mà Chúa Kitô mong đợi nơi các con. Đây là điều Giáo Hội tìm kiếm nơi giới trẻ Phi Luật Tân, nơi giới trẻ Á Châu, nơi giới trẻ thế giới. Như thế, văn hóa riêng của các con sẽ thấy rằng các con nói năng bằng một thứ ngôn ngữ đã vang vọng sẵn, một cách nào đó, nơi những truyền thống cổ kính của Á Châu: một thứ ngôn ngữ của bình an nội tâm chân thực và của sự sống tròn đầy, bây giờ và cho đến muôn đời...

 Vấn nạn 3:

            Giới trẻ phải sống hiệp nhất và hòa hợp ra sao trong một thế giới phân mảnh đầy những mâu thuẫn?

            Chính Chúa Giêsu trả lời cho các con là: "Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha... để họ tất cả được nên một...". Đó là câu trả lời. Các con có thể thấu hiểu được nó trong việc chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: để biết mình, họ phải biết Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là ai? Dung nhan đích thực của Ngài như thế nào? "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8,16), thánh Gioan viết như thế. Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Con yêu Chúa Cha, và tình yêu của Các Ngài là Chúa Thánh Linh. Thiên Chúa là một, Ngài là Đấng Tuyệt Đối; nhưng Ngài cũng là ba, là mối liên hệ, là tặng phẩm của Ngôi này cho Ngôi kia trong một sự cởi mở hoàn toàn hỗ tương. Mỗi một Ngôi là chính mình đồng thời cũng khác biệt với các Ngôi khác, tuy thế Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa. Đây là kiểu mẫu mà các con phải suy niệm! Các con yêu dấu, Chúa Ba Ngôi trước hết dạy các con là mỗi một người phải tìm gặp chính mình. Một con người thanh thiếu niên, một con người trẻ, là một cá nhân đang hình thành căn tính riêng của mình. Trong xã hội của chúng theo chủ nghĩa hưởng thụ và tượng hình, chúng ta dễ dàng liều mất chính bản thân mình để trở thành "bị phân mảnh". Một tấm gương rạn nứt không thể nào phản ảnh tất cả hình hài. Nó phải được tái tạo. Thế nên con người cần phải có một tâm điểm sâu xa và vững chắc để từ đó họ có thể hợp nhất các kinh nghiệm khác nhau của mình. Tâm điểm này, như thánh Augustinô dạy, không tìm thấy được ngoài mình, mà ở tận thẳm sâu trong tâm khảm con người, nơi con người gặp được Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Trong mối liên hệ với Thiên Chúa là Đấng duy nhất, con người mới có thể nên một bản thân mình. Chúng ta hãy suy niệm sâu xa hơn nữa: Con người hoàn toàn là mình chỉ khi nào họ gặp gỡ Thiên Chúa và có thể từ bỏ chính mình trong việc gắn bó với Chúa Ba Ngôí! Con người thanh thiếu niên nhận biết tình yêu Thiên Chúa và phó mình cho Ngài thì hoàn toàn trở nên chính mình, tránh được cảnh dám liều mình trở thành "một người, không một ai và một trăm ngàn", như một nhà văn người Ý rất quen thuộc với các con viết. Bấy giờ họ mới có thể vươn mình đến với người khác, chẳng những để ban phát một điều gì đó, mà còn để hiến tặng cả chính bản thân mình nữa. Giới trẻ thân mến, nếu các con có thể sống theo đường lối này, các con sẽ không bao giờ thuộc về số những khối hỗn tạp, những phóng ảnh của những bộ mặt vô danh trên quảng cáo. Bất hạnh thay, con người hưởng thụ mà xã hội thực sự thường mong ước, đó là các con phải là những cá nhân mà không có cá thể, đó là các con phải sống theo thời trang, luôn luôn tìm kiếm những cảm giác mới mẻ, khiêu gợi những kích thích tự nhiên, vì đó mới là cách làm các con trở nên những kẻ hưởng thụ lý tưởng. Ngay cả cái được gọi là vấp phạm mà trước kia từng đồng nghĩa với khuynh hướng bất nhất thì nay lại thịnh hành trong cái thứ văn hóa thụ hưởng. Thế nhưng ngày nay, suy nghĩ kỹ về điều này thì thấy rằng những ai còn có thể kiên trì sống Phúc Âm là họ đang bơi ngược chiều sóng. Đó là đức anh hùng của một cuộc sống thường nhật, của sự thánh thiện sống động trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh...

Vấn nạn 4:

            Thế nhưng, chúng con làm thế nào để đạt được lý tưởng này? Làm sao chúng con có thể giữ mình cho khỏi bị phân tán và bỏ cuộc khi đương đầu với những khó khăn? 

            Ý nghĩa của vấn nạn thứ hai hỏi về cách làm cho việc hiệp nhất và hiệp thông trở thành một cảm nghiệm vững chắc và lâu bền. Về vấn đề này, chúng ta có thể nhớ lại một điều khác mà Chúa Giêsu đã phán được Phúc Âm thánh Gioan ghi lại: "Cha yêu Thày thế nào, Thày cũng yêu các con như vậy. Hãy lưu ngụ trong tình yêu của Thày" (Jn.15:9).

            Hãy chú trọng đến động từ "lưu ngụ"! Nếu các con muốn tình trạng hiệp nhất của các con bền bỉ, chứ không chỉ gắn liền với lòng nhiệt thành trong một lúc nào đó thôi, các con phải lưu ngụ trong tình yêu của Chúa Giêsu, như cành nho còn dính với cây nho. Những ai lưu ngụ trong tình yêu của Người thì "sinh nhiều hoa trái" (Jn.15:5). Hoa trái đầu tiên trổ sinh từ các môn đệ chính là nên một, bằng cách yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương các ngài (x.Jn.15:12). Không phải hay sao, đó là một phép lạ của đức tin và sự thánh thiện hùng hồn, tỏ hiện trước một nhân loại khắc khoải của thời đại chúng ta đang bị xâu xé bởi những căng thẳng và tranh sát nhau? Thế nhưng, chúng ta có thể lấy sức mạnh ở đâu để lưu ngụ trong Chúa?

            Giới trẻ thân mến, trước hết Giáo Hội hiến cho các con Thánh Thể là "tâm điểm thu hút" đối với cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô rằng: "Vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều cũng chỉ là một thân thể, bởi tất cả chúng ta tham phần vào cùng một tấm bánh" (1Cor.10:17). Các con hãy lấy Thánh Thể làm tâm điểm của đời sống các con. Nhờ suy niệm Phúc Âm, các con mới đào sâu được ý nghĩa của Phúc Âm. Điều này sẽ giúp các con lại thấu hiểu được giá trị và sự đẹp đẽ của cuộc họp mặt để cử hành Thánh Thể mỗi ngày Chúa Nhật, hiểu được niềm vui được thuộc về một thành phần mang Đức Kitô bị đóng đanh và phục sinh trong lòng mình.

            Vậy các con hãy cố gắng đối xử với Chúa Giêsu trong Thánh Thể như Người đối xử với chúng ta. Người đã tự hiến mình Người. Các con hãy dừng chân lại trước nhà tạm, không cần phải có lý do gì đặc biệt, cũng không cần phải nói chi hết, chỉ việc lặng lẽ trước nhan Người, chiêm ngắm cử chỉ vời vợi của tình yêu được hàm chứa nơi Tấm Bánh đã được thánh hiến. Các con hãy học biết lưu ngụ với Người, để có thể yêu thương như Người. Trong một tuần lễ, khi có thể, các con hãy tham dự Thánh Lễ. Việc trung thánh với Thánh Thể hằng ngày trong tuần giúp chúng ta theo Chúa Kitô nơi cuộc sống thường nhật, và làm cho chúng ta nhận được ánh sáng cũng như sức mạnh để theo đuổi ơn gọi của mình...      

Vấn nạn 5:

            Làm cách nào để sống và truyền đạt chân lý và niềm vui của Chúa Kitô mà không sợ hãi?â

            Các con yêu dấu, cách này cũng giống như cách Chúa Giêsu đã thực hiện, đó là phục vụ, chia sẻ, và ban tặng chính sự sống mình. Ở đây chúng ta nhận lấy những lời của Đấng đã phục sinh: "Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như vậy" (Jn.20:21). Chúa Cha sai Chúa Giêsu để ban phát sự sống và ban một sự sống viên mãn (x.Jn.10:10), và Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ làm như vậy. Ban tặng sự sống: đó là lý tưởng duy nhất đáng theo đuổi bằng mọi giá cho tới cùng. Đó cũng là cách hân hoan, như Chúa Giêsu phán: "Cho đi phúc hơn là nhận lãnh" (Acts 20:35).

            Các con không được lẫn lộn đường lối này với khuynh hướng hiếu động. Thật vậy, những ai thích quan tâm và lo âu về những điều phải làm thì không còn có thể truyền đạt giá trị chất chứa trong hành động của mình, giá trị đó là tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, các con hãy là những khí cụ khiêm hèn, đơn thành và không dính bén gì với chính mình cũng như với những hoạt động của mình. Hãy gắn bó chặt chẽ với một mình Chúa Kitô cũng như với những lời của Người mà thôi. Như thế, các con mới có thể gieo rắc những hạt giống hiệp nhất, hòa giải và đối thoại trong các môi trường các con sống và làm việc khác nhau. Trước hết là gia đình, như các con nghiệm thức, nơi thường đòi hỏi rất nhiều cố gắng để làm chứng cho Phúc Âm qua những liên hệ hằng ngày. Rồi đến trường học, đến việc làm, đến thể thao, đến giải trí lành mạnh: các con hãy lan truyền khắp mọi nơi hoà bình và niềm vui mà Chúa Giêsu đã ban cho thành phần bạn hữu của Người.

            Giới Trẻ thành Trent thân mến, các con hãy nhìn lên Mẹ Maria. Mẹ đã đón nhận mầu nhiệm vô cùng của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi nơi con người cũng như cuộc sống của Mẹ. Mẹ Maria đã sống liên lỉ với Thánh Thể: Mẹ đã luôn luôn thân mật giữ tình trạng gắn bó với Chúa Giêsu và trung thành theo Người từ khi Người nhập thể trong cung lòng đồng trinh của Mẹ cho đến núi Canvê. Sau khi Chúa Kitô phục sinh, các tông đồ ở với Người và "các ngài đồng tâm nhất trí chuyên chú cầu nguyện" (Acts 1:14). Do đó, Mẹ đã trở nên Mẹ của sự hiệp nhất:  mẫu thức của Giáo Hội, một Giáo Hội là "dấu hiệu và dụng cụ... hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất giữa loài người" (hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 1). 

Vấn nạn 6:

            Ngày nay làm thế nào để có thể sống như là những Kitô hữu trong một môi trường bị chế ngự bởi một thứ văn hóa hoang mang, tuyệt vọng và chết chóc mà hậu qủa không thể tránh được là nội tâm trống rỗng kèm theo tình trạng lạnh nhạt khô khan?

            Giới trẻ thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện cho chúng ta, để chúng ta "ở trong" thế gian song không "thuộc về" thế gian. Điều này có nghĩa là đức tin, một khi được tăng triển hơn nơi mỗi người, tăng triển tự nhiên và vững chắc, thì làm cho tín hữu có thể chèo ngược lại giòng nước, cho dù có phải đương đầu với mối nguy cơ bị hiểu lầm và kể cả bị nhạo báng. Chúng ta không được sợ điều này. Chúng ta cũng phải cố gắng yêu thương những người tỏ ra thù địch với chúng ta; song phải cương quyết trong trường hợp cần phải bênh vực đức tin.

            Ngoài ra, các con cần phải thấu hiểu giá trị đức tin Kitô giáo để cho lãnh vực trần thế. Việc thuộc về Đức Kitô không có nghĩa là dập tắt những giá trị nhân loại chuyên chính, mà là thanh tẩy và thăng hóa chúng. Các con sẽ càng là Kitô hữu khi các con càng thực sự là con người.

            Để đạt được kết qủa khả quan trong một môi trường thù hận, việc quan thiết căn bản là phải gắn bó hợp nhất với nhau. Thiên Chúa không cứu chúng ta với tư cách cá nhân mà với tư cách là dân của Ngài. Trong một thế giới có khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, chúng ta phải thấu đáo và giữ chặt lấy ý nghĩa của việc thuộc về Giáo Hội. Cha đang có ý nói đến Giáo Hội hoàn vũ; nhưng Cha cũng đang nghĩ đến việc diễn đạt cụ thể của Giáo Hội hoàn vũ này nơi Giáo Hội địa phương (x. hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 23)... Hãy hãnh diễn về cộng đoàn của mình. Chúa Kitô hiện diện nơi từng cộng đoàn. các con hãy tụ hợp lại quanh Người để trở nên những tảng đá của Giáo Hội Người (x.1Pt.2:5)... Cộng đồng mà các con thuộc về sẽ bảo vệ các con, và trên hết nó sửa soạn cho các con lãnh sứ mạng các con được kêu gọi để thực hiện trên thế gian này.  Về phần mình, cộng đồng của các con cũng cần đến các con, đến lòng quảng đại và can đảm của các con, để cộng đồng của các con có thể linh hoạt và chủ động trong thế giới ngày nay. Phải trẻ trung! Phải là một Giáo Hội trẻ trung! Các con đã bao giờ thấy một con người trẻ 2000 tuổi đời chưa? Đó là Giáo Hội. Giáo Hội luôn luôn trẻ trung, luôn luôn kiều diễm, thật là sống động, luôn luôn thu hút. Bao giờ cũng có khó khăn; nhiều lần Giáo Hội đã bị tấn công, bị cản trở, nhưng Giáo Hội vẫn thế: điều Cha nói đây cũng là điều thánh Phaolô nói vậy!

Vấn nạn 7:

            Đâu là bản chỉ nam cho việc thực sự lớn lên trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần?

            Giới trẻ thân mến, các con thường cảm thấy nhu cầu cần phải được đào luyện về sống tu đức cũng như làm tông đồ... Cha xin trả lời bằng cách chỉ cho các con thấy gương mẫu của các thánh và nhắc cho các con nhớ lại điều mà truyền thống Kitô giáo không ngừng chú trọng. Các con cần phải chuyên chăm trung thành tham dự vào sinh hoạt phụng vụ, đặc biệt vào Hy Tế của Chúa, Đấng đã chết và sống lại cũng là Đấng thực sự hiện diện nơi Thánh Lễ... Các con hãy kiếm giờ để dự lễ, chẳng những vào các Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, mà còn vào cả các ngày thường trong tuần nữa. Các con cũng hãy ý thức lại giá trị của việc tôn thờ lặng lẽ Chúa Kitô ngự thật trong nhà tạm. Nhờ thế các con mới để Người lôi kéo các con tham dự vào nhiệt huyết thánh thiện của Người, vào việc chúc tụng và tạ ơn Chúa Cha, vì Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn. Cha muốn các con biết rằng Thánh Thể là một điều tuyệt vời. Cha càng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, Cha càng tham phần vào mầu nhiệm đức tin cao cả này, và càng cảm phục vẻ ngắn gọn mà trọn vẹn của nó: mọi sự được nói đến đều có ở đó, không còn gì cần phải thêm thắt. Bởi thế con người không thể nào sống mà thiếu Thánh Thể được, vì không có một ngôn ngữ nào được viết thật sâu đậm nơi đời sống nhân loại của mỗi người chúng ta cả. Và ngôn ngữ này được gọi là đời sống đức tin.      

            Việc lớn lên trong đời sống đức tin còn đòi hỏi việc chú trọng đào sâu về giáo lý, bằng cách chuyên cần học hỏi cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo mới... Việc học giáo lý không phải là một phận sự chán ngán; nó sẽ giúp cho chúng ta ý thức lại về ý nghĩa và công hiệu của các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, về nhu cầu cần đến bí tích Thú Tội...

            Rồi đến việc cầu nguyện! Hãy hợp với Giáo Hội nguyện kinh ban mai (Lauds), và nguyện kinh ban tối (Vespers); hãy khám phá ra vẻ đẹp của Kinh Mân Côi. Sau việc cầu nguyện là việc chiêm niệm (contemplation). Các con hãy học cách, hãy nỗ lực thực sự, làm sao để trung thành gặp gỡ riêng mình với Chúa Kitô, nơi việc suy niệm Thánh Kinh theo như Truyền Thống vẫn có của Giáo Hội, cũng như trong việc đọc những sách thiêng liêng đạo đức, nhất là những sách của những vị thánh. Nếu chương trình cầu nguyện đặt ra được các con cẩn thận tuân giữ, thì trọn đời sống của các con sẽ trở nên một lời cầu nguyện,

            Hành trình thánh thiện, hỡi giới trẻ thân mến, cũng không thể nào tách biệt khỏi việc giáo dục về vấn đề yêu thương chính đáng, bằng cách mang ra thực hành để sửa soạn cho việc các con hiến thân tự nguyện và chín chắn trong đời sống hôn nhân hay trong đời sống trinh khiết vì Nước Thiên Chúa. Việc theo Chúa Kitô còn bao gồm cả một mẫu sống đơn sơ và tiết độ, làm cho các con bỏ đi những cái quá đáng. kiềm chế những bản năng và vươn mình tới tha nhân, đặc biệt tới người bần cùng nhất và người thiếu thốn.

            Các con hãy tập cho mình biết hy sinh, hỡi giới trẻ mến thương, để khi cần thiết, các con có thể thắng vượt được những khó khăn và để các con có thể yêu thương không chỉ bằng lời nói mà bằng những việc làm thực tế. Nhiều người trong các con đã hiến một phần nào giờ giấc rỗi rãi của mình vào những việc thiện nguyện. Việc thiện nguyện có thể là một dịp tập luyện hiếm hoi để phát triển tình yêu quảng đại và tình đoàn kết, nhờ đó, các con học được sự phong phú của một cuộc sống hoàn toàn ban phát mà không tiếc xót.

             Đó là một chương trình tóm gọn để làm sao trưởng thành. Tuổi trẻ là một thời điểm đặc ân cho tiến trình trưởng thành này. Tình trạng thân xác triển nở được tỏ hiện qua việc các con vận động, như ca hát và nhảy múa. Tất cả những việc này nói lên cho chúng ta thấy rằng các con đã trưởng thành, các con đã lớn mạnh, thế nhưng, tình trạng trưởng thành về thể lý, về thể dục này phải được kèm theo một thứ thao dượt khác nữa, đó là tình trạng trưởng thành về tâm thần, vì con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Đây là một việc trưởng thành tuyệt diệu.

 Vấn nạn 8:

            Làm sao có thể nhận ra tiếng Chúa kêu gọi để quảng đại đáp lại?

            Trước hết, Cha muốn khẳng định là lời mời gọi đối với việc quyết định chấp nhận căn tính Phúc Âm nơi đời sống trinh trắng vì Nước Trời không phát sinh từ cảm thức coi nhẹ đời sống hôn nhân và gia đình. Trái lại, nó được phát xuất từ niềm xác tín là việc trực tiếp và hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô tạo nên một ơn gọi thực tiễn và hiệu nghiệm đối với sự thật tối thượng về tình yêu của con người, một tình yêu mà ngay cả trong đời sống hôn nhân cũng được kêu gọi để tự biến đổi, khi vươn mình lên Thiên Chúa qua người bạn phối ngẫu của mình.

            ... Hỡi các bạn, hãy dừng bước trong cầu nguyện trước nhan Chúa để lắng nghe Người: có thể là Người đang xin các bạn điều gì đó khác với một đời sống gia đình "bình thường", với một nghề nghiệp, với một chương trình xã hội. Các bạn đừng nghĩ rằng các bạn đã quyết định cho tương lai của mình rồi, nếu các bạn chưa đứng trước nhan Chúa, bằng cả tấm lòng sẵn sàng, để hỏi Ngài xem Ngài muốn các bạn ở đâu và muốn các bạn ra sao. Cha có thể nói đây là một đặc điểm đặc thù của tuổi trẻ: trẻ trung có nghĩa là tự vấn xem ơn gọi của mình là gì, Thiên Chúa muốn chi nơi mình và điều Ngài trông mong là gì? Như thế các bạn thấy ngay được sự nhiệt tình nơi nhân tính trẻ trung của mình, nó cởi mở, nó hướng về tương lai.

            Trước nhan Chúa, bấy giờ các con hãy xin Ngài ánh sáng để biết dự định của Ngài về mình, và xin Ngài sức mạnh cần thiết để thực hiện. Các con đừng nghĩ rằng các con có thể tự giải quyết được vấn đề ơn gọi của các con. Các con cần được hướng dẫn về tâm linh, cần một vị linh mục giúp các con hiểu sâu xa trường hợp của mình, để các con nhận thức được những thôi thúc trong lòng đối với việc đáp lại ân sủng. Vị linh hướng của các con chắc chắn sẽ không thay các con để mà quyết định; song ngài sẽ giúp các con can đảm và nâng đỡ các con trong những lúc các con gặp khó khăn thử thách. Bình an phát sinh trong lòng các con sau khi các con quyết định sẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc các con đúng đắn thưa "vâng" với Chúa Kitô. Và người nói với các con điều này cũng là một con người đã cảm nghiệm được cùng một thực tại, cùng một đường lối. Vào cùng lứa tuổi như các con, cùng vào thời điểm cuộc đời như các con. Những năm này là những năm khám phá lớn lao.

 Vấn nạn 9:

            Làm sao sửa soạn để thực hiện công việc truyền giáo một cách có kết qủa đối với những người chưa tin hay không còn tin nữa?

            Đây là vấn nạn quan trọng mà các con đã khéo đặt ra. Chứ thật ra các con đang tự vấn về cách thức sửa soạn cho chính mình, như thế cũng đủ chứng tỏ là các con đã nhận thức được những khó khăn của một công việc như thế này rồi.

            Thật xác đáng khi nhận thức nó thực sự là một công việc. Truyền giáo đối với Kitô hữu không phải là một điều tùy ý. Trái lại, nó là một đòi hỏi phát sinh từ việc họ gặp gỡ Chúa Kitô trong lòng cộng đồng giáo hội. Nếu các con chỉ ra tay trợ giúp có tính cách nhân bản cho những ai đang cần, mà không để ý gì đến ơn gọi Kitô giáo, thì các con giảm xuống thành một cán sự xã hội thuần túy. Giáo Hội chắc chắn không phải là một xã hội nhân ái mà là một bí tích của Chúa Kitô, là "ánh sáng các dân tộc" (hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 1). Đây là niềm xác tín mà các con phải khởi hành.

            Đôi khi các con sẽ gặp phải thù hằn, thường là lạnh nhạt dửng dưng. Các con đừng nản lòng. Các con hãy bắt đầu với những người "ở gần" rồi tới những kẻ "ở xa". Giáo xứ, và trong giáo xứ, có tổ chức giới trẻ là môi trường luyện tập cho công việc rao truyền Kitô giáo. Dĩ nhiên cũng có những "môi trường" khác, như học đường, nơi làm việc, chỗ tiêu khiển, đang chờ đợi các con làm chứng thực sự cho Kitô giáo của mình ở những khung cảnh này. Tuy nhiên việc chọn lấy giáo xứ như thời điểm khởi đầu và quyết liệt cho công cuộc truyền giáo chỉ là một phần của án trình mục vụ mà Cha khích lệ các con thiết tha theo đuổi. Cha cũng đã có kinh nghiệm này rồi vậy.

            Tuy nhiên, các con đừng chỉ chú trọng đến cộng đoàn của mình mà thôi. Các con cũng hãy sẵn sàng trợ giúp và - tại sao không? - lên đường truyền giáo... Các con hãy coi mình là những công dân của thế giới, được kêu gọi để khai mở một con đường huynh đệ và hy vọng, không phân chia ranh giới.

            Giới trẻ thân mến, con người nam nữ ngày nay thường có vẻ sống với một sự trống rỗng khổng lồ trong tâm hồn họ; họ đang chờ đợi ai đó nói cho họ về Đức Kitô. Đã có rất nhiều những cảm hứng trở thành con số không và cũng đã có rất nhiều dự tính của con người bị đảo lộn bởi làn sóng bạo lực từng loạt hay lẻ tẻ. Giáo Hội vẫn hầu như một mình trong việc nói lên những lời chân thành và quyết liệt nhất về định mệnh của cá nhân con người cũng như của cộng đồng con người. Những lời này là những lời của Chúa Kitô, những lời đã làm cho thánh Tông Đồ Phêrô phải kêu lên: "Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có những lời sự sống đời đời" (Jn.6:68).

            Nếu các con biết loan truyền sứ điệp sự sống mới này cho bạn bè của mình, các con sẽ làm cho nó thành một dịch vụ cần thiết và khẩn cấp nhất. Đó là lý do tại sao vào lúc kết thúc buổi họp mặt của chúng ta, Cha khuyên giục các con phải như là men trong xã hội, âm thầm biến đổi cả toàn thể. Các con hãy để ý đến cách suy nghĩ và tác hành của các con làm sao cho hợp với đức tin mà các con tuyên xưng, và lập nên những nhóm người được hứng khởi bởi Phúc Âm theo ý nghĩa đích thực mà Giáo Hội vẫn hiểu.

            Ngày nay, các tín hữu, nhất là giới trẻ, có một vai trò khẩn trương phải thực hiện. Công việc của họ bảo trì nụ cười của thế giới: một thế giới thường hay giận dữ, thất vọng hay chán ngán, cần gặp được những con người vui vẻ, tươi cười và có tương lai... Cuộc gặp gỡ hôm nay cũng có thể được gọi là "cuộc gặp gỡ tươi cười". Chúng ta đã hát ca, đã nhẩy múa, đã reo hò, đã nói năng, nhất là tất cả chúng ta đã tươi cười. Chúng ta đã hiệp nhất với nhau trong tươi cười, như thế có nghĩa là cõi lòng của chúng ta đã mở ra. Thế giới chung quanh chúng ta, những ngọn núi kia, biển hồ này, đang tươi cười. Chúng ta phải khám phá ra nụ cười này của tạo vật để tươi cười trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta hãy kêu cầu Rất Thánh Maria, căn nguyên niềm vui của chúng ta. Căn nguyên của niềm vui và trẻ trung này của chúng ta đang ở bên cạnh các con.          

Vấn nạn 10:

            Chúng con làm thế nào để có thể xây dựng Giáo Hội?

            Đây, đoạn Thư thứ nhất của thánh Phêrô mà chúng ta nghe ngay từ đầu đến giúp chúng ta. Thánh Phêrô nói rằng Chúa Kitô là "tảng đá sống" (1Pt.2:4), Người là Đấng ban sự sống cùng với Chúa Thánh Thần, để tất cả những ai chấp nhận Người cũng trở nên "những tảng đá sống", những tay thợ xây lên "tòa nhà thiêng liêng" (1Pt.2:5). Khi nói với các Kitô hữu tiên khởi, thánh Tông Đồ nhắc nhở họ về ơn gọi tuyệt vời và về mầu nhiệm này như sau: "Anh em là giòng dõi được tuyển chọn, là tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, là dân riêng của Thiên Chúa, để anh em có thể công bố những việc lạ lùng của Đấng đã kêu gọi anh em từ tối tăm ra ánh sáng diệu huyền" (1Pt.2:9).

            Giới trẻ thân mến, các con hãy tự dấn thân để "làm" Giáo Hội. Vì thế các con hãy càng đi sâu vào việc thông hiệp với Chúa Giêsu: nhờ phụng vụ, giáo lý, đời sống huynh đệ trong cộng đồng. Các con hãy ý thức lại Bí Tích Rửa Tội như là một thực tại cần phải tiếp tục làm chủ trong đời sống mỗi ngày của các con. Các con hãy thuộc về Chúa Kitô sâu xa hơn qua bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Các con hãy hãnh diện là thành phần của Giáo Hội và được tham phần vào sứ mệnh cao cả của Giáo Hội. Các con hãy khiêm tốn và quảng đại tham dự vào sinh hoạt của giáo xứ, của các hội đoàn và các phong trào mà các con thuộc về. Các con hãy hoạt động để các tổ chức sinh hoạt này phát triển trong tình huynh đệ và trong việc dấn thân truyền giáo, và cũng để tăng thêm các phần tử khác ở vào lứa tuổi của các con. Như thế, các con sẽ biến các tổ chức của mình thành những địa điểm hoạt động cho hòa bình và hiệp nhất, nơi xây dựng một tương lai kết đoàn, một tương lai cũng làm ích cho cả đất nước của các con nữa.


Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch