GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 14 THỨ SÁU

 

“Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”

 

Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2004, 17/10
 


Thứ Năm 29/4/2004, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã diễn ra một cuộc ra mắt sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2004. Đề tài của Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm thứ 78 này là “Thánh Thể với Việc Truyền Giáo”. Bản văn được phổ biến bằng các tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Hiện diện trong buổi ra mắt này có ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Nước Crescenzio Sepe, cha Massimo Cenci, PIME, phó thư ký của cùng thánh bộ, cha Fernando Galbiate, PIME, tổng thư ký về Các Việc Truyền Giáo Của Tòa Thánh và cha Tarcisio Agostoni, vị thừa sai hội dòng Combonian ở Uganda.

ĐHY chủ tịch thánh bộ dẫn giải về phần cuối cùng của sứ điệp liên quan đến vấn đề ĐTC kêu gọi tín hữu hãy hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho Các Việc Truyền Giáo Của Tòa Thánh, sau đó ngài đã cho biết các hoạt động được phân bộ của ngài nâng đỡ, đó là 280 đại chủng viện liên giáo phận để huấn luyện cho 65 ngàn vị linh mục tương lai hiện nay; 110 tiểu chủng viện để huấn luyện cho 85 ngàn tiểu chủng sinh; 42 ngàn trường học; 1.600 nhà thương, 6 ngàn bệnh xá, 780 trại cùi và 12 ngàn trung tâm bác ái xã hội.

“Những trung tâm bác ái xã hội này nhắm mục đích giúp đỡ chẳng những người Công Giáo mà còn ở trong một số trường hợp hầu hết là không phải Công Giáo hay ngoài Kitô Giáo”. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, “nơi chỉ có 6.9% dân số là Công Giáo nhưng việc bác ái của Giáo Hội chiếm 27% tổng số các tổ chức bác ái xã hội. Tình trạng này cũng xẩy ra ở các trường Công Giáo nơi những xứ Ả Rập là nơi đa số học sinh là Hồi Giáo”.

Cha Agostoni, vị thừa sai 43 năm ở Uganda qua hai giai đoạn 1951-1969 và 1980-2004 và giữa giai đoạn 1969-1979 ngài là bề trên tổng quyền của Chư Thừa Sai Combonian trên thế giới. 65% thừa sai ở các xứ sở truyền giáo. Ngài đã nhận định về tình hình truyền giáo ở Phi Châu như sau: “Ngày nay Phi Châu đang ở vào thời giao điểm. Họ có cần phải trở về với các truyền thống cổ xưa là những gì được hướng dẫn bởi các câu tục ngữ hay bị chi phối và làm chủ bởi thứ văn hóa Tây Phương băng hoại? Tôi nghĩ rằng tình trạng lý tưởng đó là một thứ văn hóa hợp hòa của các truyền thống văn hóa Phi Châu được tinh tuyền hóa bởi men phúc âm và sự sống Phúc Âm”.

Năm ngoái, Ngày Thế Giới Truyền Giáo 19/10/2003 là ngày được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dùng để thực hiện 3 biến cố quan trọng một lúc, đó là biến cố phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, vị sáng lập hội dòng Chư Thừa Sai Bác Ái ở Ấn Độ, biến cố mừng ĐTC Mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng 25 năm (16/10/1978-2003) và biến cố bế mạc Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003).

Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2004 được cử hành vào Chúa Nhật 17/10.


Anh Chị Em thân mến!


1.     Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội là một vấn đề, như Tôi vẫn thường nói, khẩn trương kể cả ở vào lúc mở màn cho đệ tam thiên niên kỷ này. Việc truyền giáo, như Tôi đã đề cập đến trong Thông Điệp Redemptoris Missio, vẫn còn ở trong giai đoạn khởi đầu nên chúng ta cần phải hết lòng dấn thân cho công cuộc này (đoạn 1). Toàn thể dân Chúa trong suốt cuộc hành trình theo giòng lịch sử của mình được kêu gọi chia sẻ “cơn khát” của Chúa Cứu Thế (Jn 19:28). Cơn khát muốn cứu độ các linh hồn này lúc nào cũng được các Thánh Nhân mãnh liệt cảm nghiệm, như trường hợp của Thánh Therese Lisieux, quan thày các xứ truyền giáo và của ĐGM Comboni, vị đại tông đồ Phi Châu là vị gần đây Tôi hân hoan tôn vinh trên bàn thờ các thánh.


Các thứ khó khăn về xã hội và tôn giáo đang gây khó dễ cho nhân loại vào thời đại của chúng ta đây là những gì kêu gọi các tín hữu hãy làm mới lại nhiệt tình truyền giáo của mình. Đúng thế! Cần phải hăng say tái tấu việc truyền giáo “ad gentes” (cho các dân tộc), bắt đầu bằng việc loan truyền Chúa Kitô, Đấng Cứu Tinh của hết mọi người. Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế, một biến cố được cử hành tại Guadalajara ở Mễ Tây Cơ vào Tháng 10 tới đây, tháng truyền giáo, sẽ là một cơ hội đặc biệt để phát triển ý thức truyền giáo hòa hợp với Bàn Tiệc Mình Máu Chúa Kitô.


Qui tụ lại chung quanh bàn thờ, Giáo Hội hiểu rõ hơn nguồn gốc của mình cũng như sứ vụ truyền giáo của mình. Đề tài của Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay đã minh nhiên nhấn mạnh rằng “Thánh Thể và Truyền Giáo” là những gì bất khả phân ly. Ngoài việc ý thức về mối liên hệ hiện hữu giữa mầu nhiệm Thánh Thể và mầu nhiệm Giáo Hội, năm nay còn một qui chiếu quan trọng nữa về Đức Trinh Nữ Maria, vì biến cố mừng kỷ niệm 150 năm tuyên bố Tín Điều Hoài Thai Vô Nhiễm Tội (1854-2004). Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Thánh Thể bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, Giáo Hội hiến dâng Chúa Kitô, Bánh Cứu Độ, cho tất cả mọi dân nước để họ nhận biết Người và chấp nhận Người như Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại.


2.     Trở về thẳng với Căn Thượng Lầu, năm ngoái, vào chính ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Tôi đã ký ban hành Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia là văn kiện Tôi sẽ trích một số đoạn giúp chúng ta, hỡi Anh Chị Em rất thân mến, sống Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay bằng một tinh thần Thánh Thể. “Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội thực hiện Thánh Thể” (đoạn 26), Tôi đã viết như thế khi nhận thấy rằng việc truyền giáo của Giáo Hội là những gì tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô (Jn 20:21), và là những gì kín múc được nguồn nghị lực thiêng liêng từ việc hiệp thông với Mình Máu Người. Mục đíich ciủa Thánh Thể chính là “hiệp thông loài người với Chúa Kitô và trong Người với Chúa Cha và Thánh Thần” (đoạn 22). Khi chúng ta tham dự vào Hy Tế Thánh Thể chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, nhờ đó, hiểu được tính cách khẩn trương của sứ vụ Giáo Hội thực hiện chương trình hoạt động của mình “lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người chúng ta được sống sự sống Chúa Ba Ngôi và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi nó được nên trọn nơi Giêrusalem thiên đình” (đoạn 60).


Vây quanh Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội lớn lên như là dân Chúa, đền thờ Chúa và gia đình Chúa: một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Giáo Hội đồng thời cũng hiểu hơn nữa về tính chất của bí tích cứu độ phổ quát của mình cùng với thực tại hữu hình được thể hiện nơi cấu trúc phẩm trật. Thật ra “không một cộng đồng Kitô hữu nào có thể hiện hữu nếu nó không đặt nền tảng và tâm điểm của mình vào việc cử hành Thánh Thể Cực Linh” (đoạn 33; x Presbyiterorum Ordinis, 6). Ở cuối mọi Thánh Lễ, khi vị chủ tế từ biệt cộng đồng dân Chúa bằng lời “Ite, Missa est”, thì tất cả mọi người đều cảm thấy rằng họ được sai đi như “những vị thừa sai Thánh Thể” để mang đến cho mọi hoàn cảnh tặng ân cao cả họ đã lãnh nhận. Thật thế, bất cứ ai được hội ngộ với Chúa Kitô nơi Thánh Thể đều không thể nào không loan báo bằng đời sống của mình tình yêu nhân hậu của Đấng Cứu Thế.


3.     Cũng cần phải sống Thánh Thể nữa, cần phải bỏ nhiều giờ ra tôn thờ trước Bí Tích Thánh, một điều Tôi hằng ngày cảm thấy mình lấy được sức mạnh, niềm an ủi và sự trợ giúp (đoạn 25). Công Đồng Chung Vaticanô II đã khẳng định rằng Thánh Thể “là nguồn mạch và là tột đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium, 11), “là nguồn mạch và là tột đỉnh của tất cả việc truyền bá phúc âm hóa” (Presbyterorum Ordinis, 5).


Bánh và rượu, hoa trái của bàn tay con người, được quyền phép Thánh Linh biến thành Mình Máu Chúa Kitô, trở nên bảo chứng của “một trời mới đất mới” (Rev 21:1), được Giáo Hội loan báo bằng sứ vụ hằng ngày của mình. Nơi Chúa Kitô, Đấng chúng ta tôn thờ hiện diện trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Cha đã nói lên tất cả mọi sự với nhân loại cũng như với lịch sử loài người rồi vậy.


Làm sao Giáo Hội có thể hoàn thành ơn gọi của mình mà lại không vun trồng một mối liên hệ liên lỉ với Thánh Thể, mà lại không nuôi dưỡng mình bằng thứ lương thực thánh hóa này, mà lại không đặt nền tảng hoạt động truyền giáo của mình trên sự nâng đỡ bất khả thiếu này được? Để truyền bá phúc âm hóa thế giới cần phải có những vị tông đồ “chuyên nghiệp” trong việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngưỡng Thánh Thể.


4.     Với Thánh Thể, chúng ta tái tấu một mầu nhiệm Cứu Chuộc có tột đỉnh là hiến tế của Chúa, như được biểu lộ nơi những lời truyền pháp: “mình Thày sẽ hiến nộp vì các con…;… máu Thày sẽ đổ ra cho các con” (Lk 22:19-22). Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người; và tặng ân cứu độ được ban cho tất cả mọi người, một tặng ân, được Thánh Thể ban cho một cách bí tích, hiện hữu qua giòng lịch sử: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19). Mệnh lệnh này được ủy thác cho các thừa tác viên thánh chức qua Bí Tích Truyền Chức Thánh. Tất cả mọi con người nam nữ đều được mời gọi đến bàn tiệc và hiến tế này, để họ được thông hưởng chính sự sống của Chúa Kitô: “Aii ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì sống trong Tôi và Tôi sống trong họ. Như Tôi, Đấng được Cha sai, có sự sống từ Cha thế nào thì ai ăn Tôi cũng có sự sống bởi Tôi như vậy” (Jn 6:56-57). Được Người nuôi dưỡng, các tín hữu tiến đến chỗ hiểu được rằng công việc truyền giáo là ở chỗ trở nên “đáng chấp nhận như là một lễ dâng được Thánh Linh thánh hóa” (Rm 15:16), để càng ngày càng trở nên “đồng tâm nhất trí” (Acts 4:32) và nên những chứng nhân của tình yêu Người cho đến tận cùng trái đất.


Hành trình qua các thế kỷ, tái diễn hằng ngày Hiến Tế bàn thờ, Giáo Hội, Dân Chúa, tỏ ra đợi chờ Chúa Kitô đến trong vinh quang. Điều này được cộng đồng Thánh Thể qui tụ chung quanh bàn thờ công bố sau khi truyền phép. Với đức tin được đổi mới từ qua thời gian, Giáo Hội lập lại ước vọng của mình về cuộc hội ngộ cuối cùng với Đấng đến để làm hoàn tất dự án cứu độ phổ quát của Người.


Chúa Thánh Thần, bằng tác động vô hình nhưng mãnh liệt, hướng dẫn dân Kitô giáo trong cuộc hành trình thiêng liêng hằng ngày là cuộc hành trình họ vốn không thể tránh được việc gặp phải những khó khăn và cảm nghiệm được mầu nhiệm Thánh Giá. Thánh Thể là niềm an ủi và là bảo chứng của cuộc chiến thắng cuối cùng cho những ai chến đấu với sự dữ và tội lỗi; Thánh Thể là “bánh sự sống” nâng đỡ những ai biến mình trở thành “tấm bánh bẻ ra” cho người khác, nhất là bằng việc tử đạo để chứng tỏ lòng mình trung thành với Phúc Âm.


5.     Năm nay, như Tôi đã đề cập tới, sẽ là năm cử hành 150 năm mừng kỷ niệm công bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Tội. Mẹ Maria “được cứu chuộc mọt cách hết sức cao cả nhờ công nghiệp của Con Mẹ” (Lumen Gentium, 53). Tôi đã viết trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia là: “Nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta nhận ra quyền lực biến đổi hiện diện nơi Thánh Thể. Nơi Mẹ, chúng ta thấy thế giới được canh tân trong yêu thương” (đoạn 6).


Mẹ Maria, “nhà tạm” tiên khởi trong lịch sử (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, đoạn 55), tỏ cho chúng ta thấy Chúa Kitô và cống hiến cho chúng ta Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Jn 14:6). Nếu “Giáo Hội và Thánh Thể liên kết với nhau bất khả phân ly thì cũng phải nói như thế về Mẹ Maria và Thánh Thể” (cùng thông điệp, 57).


Tôi hy vọng rằng việc trùng hợp đẹp đẽ giữa Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế với việc mừng kỷ niệm 150 năm tuyên bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Tội Mẹ Maria, sẽ cống hiến cho tín hữu, giáo xứ và các tổ chức truyền giáo một cơ hội để củng cố nhiệt tâm truyền giáo của mình, nhờ đó ở hết mọi cộng đồng bao giờ cũng có “một nỗi thực sự khát khao Thánh Thể” (cùng thông điệp, 33).


Đây cũng còn là một cơ hội tốt để đề cập đến vấn đề đóng góp vào việc hoạt động tông đồ của Giáo Hội qua Các Hội Truyền Giáo Của Tòa Thánh. Lòng Tôi rất cảm mến các hội ấy và Tôi cám ơn họ thay cho tất cả mọi người về việc phục vụ sáng giá đối với việc tân truyền bá phúc âm hóa cũng như việc truyền giáo ad gentes (cho muôn dân). Tôi xin anh chị em hãy ủng hộ họ về mặt thiếng liêng cũng như vật chất, nhờ đó, cũng qua việc đóng góp của họ, việc loan báo Phúc Âm có thể lan đến tất cả mọi dân tộc trên thế giới.


Với lòng cảm mến, cầu xin lời chuyển cầu của Mẹ Maria, “người nữ Thánh Thể”, Tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh của tôi cho anh chị em.


Tại Vatican 19/4/2004


Gioan Phaolô II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến ngày 29/4/2004


 

“Chúng ta đang ở trên bờ vực thẳm, cần phải dừng bước”.


Những gì Đức Thánh Cha có thể sẽ nói với Tổng Thống Bush trong cuộc gặp gỡ sắp tới


Trong những lời phát biểu với tờ nhật báo Ý Il Corriere della Sera được phổ biến hôm Thứ Năm 13/5/2004, ĐHY Pio Laghi, vị HY 81 tuổi đã một thời làm khâm sứ Tòa Thánh ở Hiệp Chủng Quốc 10 năm (1980-1990), vị cũng đã đóng vai trò là một sứ giả được ĐGH GPII sai đến gặp Tổng Thống Bush vào đầu tháng 3/2003 để xin vị tổng thống này đừng gây ra “cuộc chiến tranh ngăn ngừa” với Iraq, đã cho biết những gì ĐTC GPII có thể sẽ nói với vị tổng thống này trong cuộc ông triều kiến Ngài vào ngày 4/6/2004 tới đây.


“Chúng ta đang ở trên bờ vực thẳm, cần phải dừng bước. Chúng ta đã thấy được bờ vực thẳm này nơi tình trạng kinh hoàng bộc phát từ những cuộc hành hạ các tù nhân Iraq, từ việc lấy đầu một người con tin Hoaa Kỳ, cũng như từ chế giễu các bộ đội lính tráng Hoa Kỳ.


“’Hãy dừng bước’ là tiếng kêu Giáo Hội nhân danh nhân loại bị lạm dụng muốn vang lên. Hiệp Chủng Quốc cũng phải dừng bước và tôi nghĩ rằng nó có đủ sức mạnh để làm điều này. Nó cần phải tái thiết lập việc tôn trọng con người và trở về với gia đình các dân tộc, thắng nvượt khuynh hướng tác hành theo ý riêng của mình. Nếu nó không dừng bước thì cơn lốc của tình trạng kinh hoàng sẽ kéo theo các dân tộc khác và sẽ dẫn chúng ta càng tới sát vực thẳm hơn bao giờ hết”.


Theo vị hồng y này thì ĐTC sẽ lập lại với Tổng Thống Bush “lời khuyên Ngài đã đề nghị mà ông cương quyết không chịu nghe. Giờ đây chúng ta thấy lời khuyên này khôn ngoan biết bao. (Ngài) sẽ bày tỏ với ông một lần nữa lời Ngài đã khẩn trương kêu gọi trong sứ điệp Ngài gửi thế giới nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2004. Trong sứ điệp này, Ngài đã kêu gọi hãy thực hiện một mức độ cao hơn nơi trật tự quốc tế và đã cảnh giác rằng cuộc chiến đấu chống lại khủng bố không thể chỉ là một thứ ‘đàn áp’ mà phải bắt đầu bằng ‘việc loại trừ những căn nguyên’ gây ra bất công. Sứ điệp ấy đã nói rằng bao giờ cũng cần phải tôn trọng sự sống và cuộc chiến đấu chống khủng bố không được biện minh bằng việc loại trừ các nguyên tắc ấn định của luật pháp, vì mục đích không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện.


“Tôi sợ rằng cuộc chiến này sẽ gây ra nạn dịch khủng bố càng bạo loạn hơn, như vị Giáo Hoàng này đã nói, và sẽ xẩy ra những cuộc tàn sát dã man. Thế nhưng tôi không mong thấy cảnh tượng hành hạ thành phần tù nhân.


“Tôi yêu chuộng nước Hiệp Chủng Quốc và tôi không nghĩ là tình trạng điên rồ này đã có thể xẩy ra. Tôi lấy làm bàng hoàng kinh hãi. Tôi thấy có những người bạn Hoa Kỳ đã lấy hai tay ôm chặt lấy đầu của họ và tôi cũng làm giống như họ”.


Vị hồng y là chủ tịch hồi hưu của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo cảm thấy rằng việc Tổng Thống Bush đến viếng thăm ĐGH GPII vào lúc khẩn trương này là một dấu hiệu tốt.


“Tôi không nghĩ đây là một cuộc biểu dương, tức là liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đây. Chính lúc đối với ông khó khăn để xin gặp vị Giáo Hoàng này là lúc này đây thì ông lại xin làm điều ấy. Tôi nghĩ ông đã xin điều này hai lần và đã thay đổi chương trình làm việc của ông để thực hiện điều ấy.


“Chúng ta cần phải nhìn thấy nơi cuộc gặp gỡ với vị Giáo Hoàng này, cuộc gặp gỡ của một người thừa kế vị tổng thống Hiệp Chủng Quốc tiền nhiệm đã ra lệnh giải phóng Rôma năm 1944. Biến cố giải phóng ấy đã tái thiết ở Rôma luật lệ các dân tộc. Người Thừa Kế vị Giáo Hoàng bấy giờ cũng sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người thừa kế của vị tổng thống ấy bấy giờ.


“Ngài đồng thời cũng có thể nói với ông rằng những giải pháp của Hiệp Chúng Quốc hiện nay đang thực hiện không tái thiết luật lệ các quốc gia ở Trung Đông đâu”.


Theo vị hồng y này thì để tái thiết luật pháp ở Trung Đông, nhất là ở Iraq, cần phải “hiểu biết về văn hóa của một thế giới rất khó khăn đối với chúng ta và tôi nghĩ rằng các người bạn Hoa Kỳ của chúng ta chưa đạt tới.


“Việc nổ bom ở đền thờ, việc tiến vào các thành thánh, việc cho các nữ quân nhân dính dáng đến những nam nhân trần truồng, đều cho thấy họ thiếu hiểu biết thế giới Hồi giáo.


“Cần phải xâu dựng những chiếc cầu nối với Hồi giáo chứ đừng đào thêm hố cách ngăn. Cần phải đặt ưu tiên cho những vấn đề Do Thái và Palestine, vấn đề là nguồn mạch gây ra tình trạng khủng bố.


“Những lực lượng hiện có mặt ở Iraq chẳng những không được thực sự ở dưới quyền chỉ huy của Hoa Kỳ, mà còn không được cho họ cảm thấy rằng họ bị như thế. Cần phải có một sự hiện diện đa phương không ở dưới quyền của thành phần tổ chức và muốn gây chiến”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 13/5/2004