GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 5/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.
__________________
NGÀY 16 CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH |
YÊU VÀ GIỮ LỜI THẦY
Khi sánh mình như một mục tử tốt để nói về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Giêsu nói: “Ta là mục tử nhân hiền, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta” (Gioan 10:14). Nhưng khi nói về liên hệ giữa Chúa và con người, Ngài không chỉ dừng lại ở chỗ biết như những con chiên biết phân biệt chủ và đi theo chủ. Ngài nói: “Nếu ai yêu Thầy, thì hãy giữ lời Thầy” (Gioan 14:23). Ở đây, mối tương quan đã được nâng cao bằng với ýnghĩa của tình yêu. Nó không còn là một tương quan ở cấp bản năng tự nhiên, nhưng là của lý trí và con tim.
Như vậy, khi Chúa Giêsu nói: “Nếu ai yêu Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”, Ngài đã đưa ra một mẫu người Kitô hữu và Tông Đồ chứng nhân hành động, qua đó những người khác có thể hiểu được thế nào là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.
Thật vậy, nếu người Kitô hữu chỉ nghe được tiếng Chúa, biết được Chúa và đi theo Chúa nhưng lại không yêu mến Ngài, thì cũng không khác gì hơn những con chiên nghe, biết và đi theo người chủ chăn. Và đời sống chứng nhân của ta vẫn thiếu hẳn tính chất tình yêu. Tức không hiểu và không yêu Chúa thật tình.
Trong cuộc sống thường ngày, ta tiếp xúc và trao đổi với người này, người khác trên bình diện xã giao, hoặc nghề nghiệp. Những trao đổi và tiếp xúc ấy tự nó đã mang tính chất giới hạn. Những ánh mắt, nụ cười. Những cái bắt tay thân thiện chỉ mang nội dung của những câu chào hỏi, những đề tài trao đổi được hoặch định sẵn và có mục đích hẳn hoi, khuôn sáo và rất khách sáo. Những tiếp xúc ấy chỉ nhằm một mục đích thương mại, chính trị, văn hóa, xã hội, hoặc tôn giáo.
Nhưng nếu sự trao đổi và những câu chuyện xẩy ra giữa hai người yêu nhau, thì tự nó đang mang một hình thức và ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Nội dung câu truyện, cung cách trao đổi và ngôn ngữ được qui hướng về mối liên quan giữa hai người và mang tính cách yêu thương. Và vì yêu nhau, nên câu truyện lại càng trở thành hấp dẫn, thu hút, và có tính cách chinh phục.
Khi nghe Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Nếu ai yêu Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”, thì đây rõ ràng đây là câu truyện và đề nghị của con tim, của hai kẻ yêu nhau. Chúa đang muốn nói với các ông về những thao thức của Ngài, và Ngài muốn các ông đón nhận tình yêu Ngài, cũng như đáp lại lời mời gọi của Ngài bằng tình yêu của các ông.
Trong đời sống xã hội và trong những mối tương quan của con người, tương quan tình yêu mang một vị trí rất đặc biệt. Nó mãnh liệt, độc tôn, và chiếm đoạt. Người ta có thể gặp gỡ nhiều nhưng quen ít. Quen đã ít mà thân lại càng ít hơn. Và từ con số ít ỏi của tình thân, tình yêu chỉ dành cho một. Đó là đặc tính chiếm hữu và độc tôn của tình yêu, và chỉ có tương quan tình yêu mới đạt tới cái ý nghĩa tuyệt vời này. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ và với mỗi người chúng ta rằng nếu yêu Ngài thì vâng giữ lời Ngài, Chúa có ý nhấn mạnh đến mối tương quan riêng rẽ và đặc biệt của tình yêu. Thật vậy, Chúa có thể có nhiều người nghe, biết, và hiểu, nhưng ở một mức độ nào đó, tình yêu Ngài dành cho ta và từng người trong ta là một tình yêu riệng biệt và độc tôn. Cũng một hình thức ấy, Ngài cũng muốn ta phải dành cho Ngài vị trí đặc biệt nhất trong tình yêu của mình.
Do yêu mà ta vâng giữ lời Ngài. Do vâng giữ lời Ngài, Kitô hữu chúng ta mới có thể trở nên giống Chúa. Tình yêu cho phép ta gần gũi và nên giống Chúa. Và do tình yêu và động lực tình yêu thúc đẩy, ta giữ những mệnh lệnh của Ngài như một hình thức đáp trả và bày tỏ lòng yêu mến của ta với Ngài, chứ không phải là một hành động bắt buộc và gây đau khổ.
Nhờ tình yêu này, ta có thể khám phá ra một điều hết sức kỳ thú nữa, đó là Chúa không hề cưỡng bức ai theo Ngài, và cũng không hề áp đặt bất cứ điều gì trên mối tương quan giữa ta với Ngài. Tất cả chỉ là những yêu sách đầy tính chất tình yêu. Nó trở thành duyên dáng, nhẹ nhàng, và hấp dẫn. Yêu nhau thì đừng làm mất lòng nhau. Yêu nhau thì chiều ý nhau một chút. Đơn giản chỉ có thế. Và đó là lý do Ngài nói nếu yêu Ngài, thì hãy tuân giữ lời Ngài.
Chúa biết việc tuân giữ lề luật tự nó là những gì khó và không mấy hấp dẫn. Bản tính con người không ưa thích áp đặt, gò bó, và vất vả. Chính vì thế, Ngài muốn dẫn ta đi vào những giới luật của Ngài bằng tâm tình và trái tim của những kẻ yêu Ngài.
“Nếu ai yêu Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Nếu vì vâng giữ giới luật và những lời giảng dậy của Chúa mà ta gặp khó khăn, vất vả, hay thua thiệt, thì ta hãy tự nhủ mình rằng: Chỉ vì yêu thôi. Khi yêu nhau thì không nên từ chối nhau. Để bày tỏ tình Ngài đối với tôi, Chúa đã chẳng chết cho tôi là gì!
Trần Mỹ Duyệt
Lời Nguyện Tiệc Ly của
Chúa Kitô chất chứa
tất cả Mạc Khải Thần Linh và là cốt lõi của toàn bộ Thánh Kinh Kitô Giáo
Thật ra bài
Phúc Âm Chúa Nhật tuần này có thể không phải là bài Phúc Âm của chính Chúa Nhật
Thứ Sáu Mùa Phục Sinh mà là của Chúa Nhật Thứ Bảy Mùa Phục Sinh Năm C tuần tới.
Tuy nhiên, Giáo Hội cho phép chúng ta đọc đổi như thế, nếu chúng ta cử hành Lễ
Chúa Giêsu Thăng Thiên vào Chúa Nhật Thứ Bảy Mùa Phục Sinh tuần tới thay vì Thứ
Năm tuần này. Mà nếu Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được cử hành vào Chúa Nhật Thứ
Bảy là Chúa Nhật cuối cùng của tuần lễ kết thúc Mùa Phục Sinh như thế, thì bài
Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Bảy kết Mùa Phục Sinh sẽ bị mất, một bài Phúc Âm rất
quan trọng, một bài Phúc Âm không thể thiếu hay bất khả thay thế để kết thúc Mùa
Phục Sinh. Do đó, chúng ta thấy Giáo Hội đã muốn chúng ta đọc bài Phúc Âm Chúa
Nhật Thứ Bảy kết Mùa Phục Sinh vào Chúa Nhật Thứ Sáu hôm nay đây.
Riêng về bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Bảy kết Mùa Phục Sinh, thay cho bài Phúc
Âm Chúa Nhật Thứ Sáu Phục Sinh Năm C, đó là phần cuối cùng trong Lời Nguyện kết
Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô. Lời Nguyện Tiệc Ly này của Chúa Kitô được Giáo Hội
chia ra làm ba phần liên tục nhau cho cả ba Chu Kỳ Phụng Vụ A, B và C, phần đầu
cho Chu Kỳ Năm A về chính bản thân Chúa Kitô đối với Cha, phần giữa cho Chu Kỳ
Năm B về riêng thành phần tông đồ của Người, và phần kết cho Chu Kỳ Năm C về
chung Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Có thể nói, tất cả Mạc Khải Thần Linh hay
toàn bộ Thánh Kinh Kitô Giáo được tóm gọn trong Lời Nguyện Tiệc Ly này. Riêng
Chu Kỳ Năm C, bài Phúc Âm về phần cuối cùng của Lời Nguyện Tiệc Ly chẳng những
rất ăn khớp với bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Phục Sinh Năm C tuần trước, mà
còn rất khít khao với cả bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh nữa…
Thật vậy, bài Phúc Âm về phần cuối cùng của Lời Nguyện Tiệc Ly này chẳng những
rất ăn khớp với bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Phục Sinh Năm C tuần trước, ở
chỗ, tác dụng phát sinh từ vinh hiển của Chúa Kitô Phục Sinh, mà còn rất khít
khao với bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh hôm nay nữa, ở chỗ, cách
thức Chúa Kitô đi rồi Người sẽ trở lại với Giáo Hội của Người. Như thế, ở đây có
ba vấn đề xin được chia sẻ, thứ nhất, về Lời Nguyện Tiệc Ly của Chúa Kitô chất
chứa tất cả Mạc Khải Thần Linh hay toàn bộ Thánh Kinh Kitô Giáo; thứ hai, về
vinh hiển của Chúa Kitô Phục Sinh tác dụng ra sao?; và thứ ba, về việc Chúa Kitô
đi rồi Người sẽ trở lại với Giáo Hội của Người thế nào?
Trước hết, Lời Nguyện Tiệc Ly của Chúa Kitô là Lời Nguyện chất chứa tất cả Mạc
Khải Thần Linh và là cốt lõi của toàn bộ Thánh Kinh Kitô Giáo, liên quan đến dự
án thần linh của Thiên Chúa, đến bản chất của sự sống đời đời, đến thực tại của
sự sống thần linh, đến đường lối cứu độ của Ngài, đến đối tượng được Ngài cứu độ
và đến thời gian của dự án thần linh của Ngài.
Thật vậy,
Về dự án thần linh của Thiên Chúa đó là Ngài muốn ban sự sống đời đời cho nhân
loại, một dự án được cho thấy ngay ở câu mở đầu phần nhất của Lời Nguyện Tiệc Ly
trong bài Phúc Âm Năm A: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để
Con Cha cũng được tôn vinh Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục,
để Con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã trao ban cho Con”;
Về bản chất của sự sống đời đời, đó là việc nhận biết Thiên Chúa Cha và Đấng
Thiên Sai Con Ngài, như Người đã xác định ngay sau câu nguyện mở đầu trên đây:
“Sự Sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha
sai là Đức Giêsu Kitô”.
Về thực tại của sự sống thần linh, đó là tình trạng hiệp nhất nên một với Cha và
Con: “Con cầu xin cho chúng được nên một trong Chúng Ta. Con ban cho chúng vinh
hiển Cha đã ban cho Con để chúng cũng được nên một như Chúng Ta là một”.
Về công cuộc cứu độ hay đường lối Thiên Chúa muốn dùng để ban sự sống đời đời
hay sự sống thần linh cho nhân loại, đó là việc Chúa Kitô tự hiến mình làm giá
cứu chuộc nhân loại, như câu cuối cùng của bài Phúc Âm Năm B tiết lộ: “Vì chúng
mà Con đã tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý”;
Về đối tượng được cứu độ, được hưởng sự sống đời đời, sự sống thần linh, đó là
toàn thể nhân loại, bắt đầu từ Giáo Hội đến thế giới: “Con không cầu xin cho
chúng mà thôi, song còn cho tất cả những ai nhờ lời chúng tin vào Con, để mọi
người nên một... cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.
Về thời gian của dự án thần linh, được bao gồm từ trước muôn đời cho tới hiện
tại và kéo dài cả một tương lai vô cùng bất tận: Từ trước muôn đời, ở chỗ “Xin
hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha, vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi
thế gian hiện hữu... Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian”; cho tới
hiện tại, ở chỗ “Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian...
Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự dữ”;
và cho tới cả một tương lai vô cùng tận, ở chỗ: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho
Con, Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng được ở đấy với Con, để chúng được chiêm
ngưỡng vinh quang Cha đã ban cho Con”.
Những chia sẻ về Lời Nguyện Tiệc Ly của Chúa Kitô liên quan đến tất cả mạc khải
thần linh và bao gồm toàn bộ Thánh Kinh như thế cũng rất thích hợp với chiều
hướng Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khoản 2750 liên quan đến vấn đề Lời Nguyện
Tiệc Ly của Người cũng làm trọn 7 ý nguyện của Kinh Lạy Cha như sau:
• “... Lời cầu nguyện tư tế của Người tự bản chất làm trọn những ý nguyện chính
nơi Kinh Chúa Dạy, đó là mối quan tâm đến danh Cha (x Jn 17:6, 11, 12, 26); đến
lòng nhiệt thành với vương quốc (tức với vinh quang) của Cha (x Jn 17:1, 5, 10,
22, 23-26); đến việc hoàn tất ý muốn của Cha, ý muốn cứu độ của Cha (x Jn 17:2,
4, 6, 9, 11, 12, 24); và đến việc giải cứu cho khỏi sự dữ (x Jn 17:15)”.
Giờ đây, chúng ta tiến sang đến vấn đề thứ hai là tác dụng phát sinh từ vinh
hiển của Chúa Kitô Phục Sinh, vấn đề liên quan giữa bài Phúc Âm của Chúa Nhật
Thứ Bảy Năm C kết Mùa Phục Sinh và bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Năm Năm C tuần
trước. Theo ý nghĩa và chiều hướng của riêng bài Phúc Âm tuần trước, tôi đã chia
sẻ là vinh hiển của Chúa Kitô có thể được hiểu theo ba khía cạnh, khía cạnh thứ
nhất về vinh hiển của Chúa Kitô là việc Người tỏ Cha ra, việc Người chứng thực
Cha là Đấng đã sai Người, qua cuộc tử nạn của Người; khía cạnh thứ hai là việc
Người được Cha tỏ Người ra, được Cha chứng thực Người chính là Đấng Thiên Sai,
“là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), khi Cha làm cho Người sống
lại từ trong cõi chết; và khía cạnh thứ ba là việc Cha còn làm cho Người là Đấng
Phục Sinh được các tông đồ nhận biết quyền tối thượng và bản tính thần linh của
Người nữa, qua lời tuyên xưng của vị đại diện: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa
tôi!” (Jn 20:28). Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Bảy Mùa Phục Sinh Năm C, Chúa
Kitô đã nói đến vinh hiển của Người hai lần, lần nhất: “Con đã ban cho họ vinh
hiển Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Chúng Ta là một”, và lần thứ
hai: “Lạy Cha, Con mong muốn những ai Cha đã ban cho thì Con ở đâu họ cũng được
ở đó với Con để chúng được chiêm ngưỡng vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã
yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian”.
Vậy vinh hiển Chúa Cha đã ban cho Chúa Kitô là Con của Ngài đây là gì, nếu không
phải vinh hiển là Con Thiên Chúa, là đối tượng được Cha yêu: “vì Cha đã yêu mến
Con trước khi tạo thành thế gian”. Nếu vinh hiển của Chúa Kito ở chỗ là Con
Thiên Chúa thì việc “Con ban cho họ vinh hiển Cha đã ban cho Con”, nghĩa là, như
Thánh Gioan minh định trong đoạn mở đầu Phúc Aâm của ngài ở đoạn 1 câu 12,
“Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa”. Đó là lý do sau khi sống lại
từ trong cõi chết, Chúa Kitô đã gọi các tông đồ là “anh em của Thày” và xác định
mối liên hệ thần linh này ở chỗ “Cha của Thày cũng là Cha của các con”, khi
Người nói với Mai Đệ Liên ở Phúc Aâm Thánh Gioan ở đoạn 20 câu 17: “Con hãy đi
nói với anh em của Thày rằng Thày lên cùng Cha của Thày cũng là Cha của các
con”. Phải, chỉ khi nào chúng ta được Chúa Kitô ban cho vinh hiển làm con Thiên
Chúa như Người, vẫn biết với tư cách chỉ là những đứa con thừa nhận, chúng ta
mới đủ tư cách và khả năng để “chiêm ngưỡng vinh hiển Cha đã ban cho Con”, tức
được thông hưởng vào “tình yêu của Cha giành cho Con”, một tình yêu đã tuôn
xuống cho nhân loại qua Con: “để thế gian biết rằng Cha yêu chúng như Cha đã yêu
Con”.
Tuy nhiên, nếu Lời Nguyện Tiệc Ly bao gồm tất cả mạc khải thần linh và là cốt
lõi của toàn bộ Thánh Kinh Kitô giáo, song tại sao ngay trong Lời Nguyện này
không hề nói đến Chúa Thánh Thần một tí nào cả, một Đấng mà, theo Thánh Phaolô
trong thư gửi Giáo Đoàn Rôma, sẽ là Đấng hướng dẫn thành phần con cái Thiên
Chúa, thành phần được Chúa Kitô ban vinh hiển làm Con Thiên Chúa của Người cho,
để họ có thể kêu lên “Abba, tức là Lạy Cha”?
Phải, đó là vấn đề thứ ba chúng ta sẽ chia sẻ tiếp theo đây, vấn đề về cách thức
Chúa Kitô đi rồi Người sẽ trở lại với Giáo Hội của Người, một vấn đề liên quan
giữa bài Phúc Âm cũng của Chúa Nhật Thứ Bảy Năm C kết Mùa Phục Sinh và bài Phúc
Âm của Chúa Nhật Thứ Sáu Năm C tuần này, nếu Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được cử
hành vào Thứ Năm tới đây. Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh Năm
C, Chúa Kitô an ủi các tông đồ là: “Thày đi rồi Thày sẽ trở lại với các con”.
“Thày đi” đây nghĩa là gì, hay nói cách khác, “Thày đi” đây là đi đâu, nếu không
phải là đi tử nạn. Do đó, Người đã khẳng định với chung các tông đồ và riêng
Phêrô trong Bữa Tiệc Ly là “nơi Thày đi nay con không tới được, song sau này con
sẽ tới” (Jn 13::33, 36), bởi thế không lạ gì tông đồ Phêrô đã trắng trợn và phũ
phàng chối Thày ba lần, chỉ vì quá hung hăng muốn tự động tới nơi “Thày đi dọn
chỗ cho các con” trước thời điểm của mình, nghĩa là trước khi “Thày sẽ trở lại
để đem các con đi, để Thày ở đâu các con cũng ở đó” (Jn 14:3), tức là lúc Người
muốn Phêrô tuyên xưng lòng mến của ông và kêu gọi ông theo Người sau khi đã báo
cho ông biết trước sẽ phải chết cách nào (x Jn 21:18-19).
Vậy nếu việc Chúa Kitô đi là đi tử nạn thì việc “Thày sẽ trở lại với các con”
đây phải chăng là việc Người phục sinh từ trong kẻ chết và tỏ mình ra cho các
vị. Nếu việc “Thày sẽ trở lại với các con” chỉ ở chỗ hiện ra với các tông đồ sau
khi sống lại từ trong kẻ chết thì việc Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha lại
là một cuộc vĩnh viễn bỏ các môn đệ mà đi hay sao, trong khi đó, Người lại có ý
định: “sẽ hằng ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20)? Bởi vậy, việc “Thày
sẽ trở lại với các con” đây, và ở lại với Giáo Hội của Người đây, theo tôi,
chính là việc Người sẽ sai “một Đấng Phù Trợ khác đến với các con”, như Phúc Âm
Thánh Gioan ghi nhận ở đoạn 16 câu 7. Chính vì thế, ngay sau khi sống lại từ
trong cõi chết, Chúa Kitô đã hiện ra và thổi hơi trên các tông đồ để các vị
“nhận lấy Thánh Linh” (Jn 20:22), Đấng “sẽ dạy các con mọi sự và sẽ nhắc các con
tất cả những gì Thày đã nói với các con”, như lời Chúa Giêsu mạc khải và tiên
báo cho các tông đồ biết trong Bữa Tiệc Ly, được Thánh Gioan ghi nhận nơi bài
Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh Năm C. Cũng trong bài Phúc Âm này, nếu
Chúa Giêsu khẳng định, “những lời Thày nói với các con không phải từ Thày mà là
từ Cha là Đấng đã sai Thày”, thì việc Đấng Phù Trợ dạy dỗ và nhắc nhở Giáo Hội
nói chung và Kitô hữu nói riêng về Chúa Kitô cũng là nhắc nhở và dạy dỗ về Chúa
Cha. Như thế chúng ta mới hiểu được lời Chúa Kitô mạc khải về mầu nhiệm sinh
hoạt ngoại tại của Ba Ngôi sau đây: “Ngài (Thần Chân Lý) sẽ lấy những gì của
Thày mà truyền đạt cho các con; thực hiện điều này là Ngài làm hiển vinh Thày.
Tất cả những gì Cha có đều là của Thày, bởi thế Thày mới nói với các con là Thần
Linh sẽ lấy những gì của Thày mà truyền đạt cho các con” (Jn 16:14-15).
Như thế, nếu cốt lõi của Lời Nguyện Tiệc Ly là tình trạng hiệp nhất nên một giữa
Cha với Con và giữa Con với Giáo Hội, thì Chúa Thánh Thần chính là tác nhân hiệp
thông hay cũng là tình yêu hiệp nhất này vậy, một tình yêu phát xuất từ Cha
hướng về Con rồi từ Con đổ xuống trên Giáo Hội, đúng như câu kết của Lời Nguyện
Tiệc Ly cho thấy: “Con đã tỏ danh Cha cho họ và Con còn tiếp tục tỏ ra nữa, để
tình Cha yêu Con sống trong họ và Con cũng sống trong họ”. Đúng thế, như vừa cảm
nhận, nếu Chúa Thánh Thần chính là tình yêu phát xuất từ Cha hướng về Con thì
cụm từ “tình Cha yêu Con” có thể được thay thế bằng ngôi vị “Thánh Linh”, và câu
“để tình Cha yêu Con sống trong họ và Con cũng sống trong họ” sẽ là “để Thánh
Linh sống trong họ và Con cũng sống trong họ”. Nghĩa là cả Ba Ngôi sống trong
Kitô hữu có ơn nghĩa Chúa, tức trong thành phần “yêu mến Thày thì giữ lời Thày”,
cũng là thành phần bởi đó “được Cha Thày yêu mến và Chúng Ta sẽ đến cư ngụ trong
họ” vậy.
Đó là lý do tại sao Chúa Kitô bảo các tông đồ rửa tội cho con người theo công
thức “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vì một khi nhân loại chúng ta được
Chúa Kitô ban cho vinh hiển của Người ở quyền làm con Thiên Chúa, thì Kitô hữu
chúng ta cũng sẽ được thông phần vào bản tính thần linh của Người, để có thể
sống hiệp thông với Cha trong Thánh Thần.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL