GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 5/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.
__________________
NGÀY 28 THỨ SÁU |
Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Phaolô Hạnh
ĐTC với 7 tân lãnh sự về vấn đề nhân quyền và việc chấm dứt bạo lực
Sáng ngày Thứ Năm 27/5/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận 7 tân lãnh sự là Edgard Stephanus Ragoenath Amanh của nước Suriname, Sarala Manourie Fernando nước Sri Lanka, Mohamed Salia Sokona nước Mali, Yaha Ali Mahamed al-Abiad nước Yemen, Anderson Kaseba Chibwa nước Zambia, Kingsley Sunny Ebenyi nước Nigeria và Afif Hendaoui nước Runisia. ĐTC đã ngỏ lời chung với cả 7 vị sau đó trao cho mỗi vị một sứ điệp riêng liên quan trực tiếp đến quốc gia của họ.
ĐTC đã than vãn về sự kiện là “những tín liệu từ khắp các lục địa liên lỉ cho thấy tình hình về nhân quyền, cho thấy con người nam, nữ, trẻ em bị hành hạ và phẩm vị của họ hết sức bị vi phạm, trái nghịch với Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền. Do đó tất cả loài người đều bị tổn thương và coi thường. Vì tất cả mọi con người đều là anh chị em của mình mà chúng ta không thể câm lặng trước những việc lạm dụng bất khả chấp ấy. Tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm … phải làm những gì có thể để bảo đảm được sự tôn trọng hết mọi con người”.
“Phải giáo huấn lương tâm để hoàn toàn chấm dứt tình trạng bạo lực bất khả chấp đè nặng trên anh chị em của chúng ta, cũng như để tất cả mọi người nỗ lực bảo đảm việc tôn trọng quyền lợi căn bản của mọi người. Chúng ta không thể sống trong an bình, và lòng trí của chúng ta cũng không thể bằng an, nếu con người không được đối xử một cách xứng với giá trị của họ. Chúng ta có nhiệm vụ phải tỏ tình đoàn kết với hết mọi người. Sẽ có hòa bình nếu tất cả chúng ta đều nỗ lực, nhất là thành phần ngoại giao quí vị, bảo đảm hết mọi người trên trái đất này được tôn trọng. Chỉ có hòa bình mới có thể hy vọng cho tương lai. Vì lý do này, sứ vụ của qúi vị là tiếp tục phục vụ những mối liên hệ huynh đệ giữa cá nhân với nhau cũng như giữa các dân tộc với nhau”.
Với vị tân lãnh sự Edgard Stephanus Ragoenath Amanh của nước Suriname: “Nơi xứ sở của ngài… đặc biệt có những truyền thống về văn hóa và tôn giáo phong phú và khác biệt thì tầm quan trọng của việc nhìn nhận phẩm vị bẩm sinh của con người nơi mỗi người là vấn đề hoàn toàn hiện lộ”.
Với vị tân lãnh sự Sarala Manourie Fernando nước Sri Lanka, ĐTC cho biết “Giáo Hội Công Giáo hết sức bài bác tất cả mọi thứ bạo lực chống lại nhau nhân danh tôn giáo. Giáo Hội cũng loại trừ bất cư ù hình thức dụ giáo nào, một thứ dụ giáo được hiểu như là một nỗ lực phạm đến quyền tự do theo lương tâm của của người khác bằng việc cưỡng bức về luân lý hay về tài chính”.
Với vị tân lãnh sự Mohamed Salia Sokona nước Mali, ĐTC bày tỏ lòng khao khát của ngài “một lần nữa hãy làm cho các quốc gia trong cuộc cũng như toàn thể công đồng thế giới bén nhậy với vấn đề hoạn nạn khiếp đảm buôn bán trẻ em và bắt các em vị thành niên phải đi làm lao động”.
Với vị tân lãnh sự Yaha Ali Mahamed al-Abiad nước Yemen, ĐTC nói về “nhiệm vụ bảo vệ các quyền lợi của con người. Những quyền lợi này là quyền tự do thực hành đạo giáo; quyền được phép xây dựng và bảo trì những nơi thờ phượng, kể cả những nơi của những thành phần thiểu số tu trì; việc chủ động tham dự của tất cả mọi công dân trong đời sống dân sự dân chủ; và quyền được giáo dục.
Với các vị đại diện của nhóm Tunisia, ĐTC bày tỏ: “Ai cũng thấy rằng các tôn giáo khác nhau, nhất là giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, vẫn còn nhiều việc phải làm, mỗi người tùy theo vị trí, thiết lập một cuộc đối thoại đích thực, tương kính và thành quả, và để hủy hoại đi tất cả mọi hình thức lạm dụng về tôn giáo trong việc phục vụ cho bạo lực”.
Những Cuộc Khủng Bố Tấn Công có thể xẩy ra trong mùa hè 2004
Theo tin tức của CNN ngày 25/5/2004 thì có một số viên chức Hoa Kỳ chống khủng bố cho biết hôm Thứ Ba 25/5/2004 rằng có thể sẽ xẩy ra một số cuộc khủng bố tấn công vào đầu mùa hè 2004, vào những dịp tổ chức như Cuộc Họp Thượng Đỉnh G8 ở Sea Island Georgia, Ngày Lễ Độc Lập 4/7, Đại Hội Đảng Dân Chủ ở Boston, Đại Hội Đảng Cộng Hòa ở Nữu Ước, Thế Vận Hội ở Hy Lạp và một cuộc khủng bố tấn công như vậy cũng có thể xẩy ra vào dịp bầu cử tổng thống 11/2004.
Cảnh Sát Trưởng Nữu Ước là ông Raymond Kelly cho biết rằng phân bộ của ông đã nhận được “tình báo khá báo động” hôm Thứ Ba 25/5/2004, nhưng “không có gì trong bản tường trình này nói đến một thứ đe dọa đặc biệt nào hay một cuộc tấn công lờ mờ nào vào thành phố Nữu Ước cả. Chúng tôi cũng không được khuyến cáo rằng đã có những tay khủng bố ở Hoa Kỳ đang chủ động âm mưu thực hiện cuộc tấn công này”.
Phân bộ cảnh sát ở Los Angeles California và Boston Massachusetts cũng bày tỏ cùng nhận định như thế. Một nữ viên chức thuộc Bộ An Ninh Đất Nước cũng nói rằng cơ quan của ông vẫn được báo cho biết về một cuộc tấn công tổng quát của al Qaeda chứ không có thêm chi tiết nào nữa: “Chúng tôi không biết gì về bất cứ nguồn tin tình báo đáng tin cậy mới nào cho thấy sẽ xẩy ra một cuộc tấn công ở Hiệp Chủng Quốc vào mùa hè này. Không có gì là thật sự đặc biệt trong tin tức tình báo hiện nay”.
Văn Phòng Điều Tra Liên Bang FBI cần phải phổ biến những điều hướng dẫn cho 18 ngàn lực lượng an ninh địa phương và toàn quốc trong tờ thông tin Thứ Tư hằng tuần của mình. Giám Đốc FBI Robert Mueller và Luật Sư Tổng Biện Lý John Ashcroft tổ chức một cuộc họp báo hôm Thứ Tư 26/5/2004 để bàn đến việc họ thực hiện những gì cần thiết hầu ngăn chặn những mưu đồ có thể xẩy ra ấy.
Sau những cuộc ôm bom tự sát khủng bố tấn công ở Saudi Arabia và Morocco cho rằng do al Qaeda gây ra, từ ngày 20/5/2003, tình trạng đe dọa khủng bố ở Hoa Kỳ đã được báo động ở mức cao độ (cam) trong mùa lễ vào Tháng 12/2003 và 1/2004. Mức độ báo động cao độ này cũng được thấy vào dịp kỷ niệm 1 năm biến cố 911, 9/2002, và vào dịp kỷ niệm ngày Hoa Kỳ ra lệnh tấn công Iraq 3/2003. Song từ ngày 9/1/2004 đã xuống mức vừa (vàng).
Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’
Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ
Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”
(tiếp theo từ ngày Thứ Sáu 30/4/2004)
Chương III
Việc Cử Hành Thánh Lễ Cách Xứng Hợp
1. Vấn Đề Về Thánh Thể Cực Linh (48-50)
48. Bánh được dùng để cử hành Hiến Tế Thánh Thể Cực Linh phải là thứ bánh không men, thuần túy lúa miến, và mới được làm để tránh bị hư hoại (123). Bởi thế, thứ bánh được làm bởi chất khác, cho dù là bằng hạt giống, hay bị pha trộn với thứ chất khác với lúa miến cho đến độ vốn không được coi là bánh lúa miến, thì không làm nên chất thể hiệu thành cho Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể (124). Thật là một lạm dụng trầm trọng trong việc trộn những chất khác, như trái cây, đường hoặc mật ong với bánh để làm thành Thánh Thể. Bánh Thánh cần phải được tỏ tường làm bởi những người chẳng những nổi bật về tính chất liêm chính của họ mà còn tài khéo làm việc này với những dụng cụ thích hợp nữa (125).
49. Vì là dấu hiệu, nên tối thiểu một số phần của Bánh Thánh Thể được làm thành bởi những mảnh nhỏ cần phải phân phát ít là cho một số tín hữu khi Hiệp Lễ. “Tuy nhiên, số bánh lễ nhỏ luôn phải đáp ứng số những người Hiệp Lễ hay những nhu cầu mục vụ khác cần” (126), và thực sự theo thông lệ hầu hết chỉ cho rước những bánh lễ nhỏ không bị bẻ nhỏ ra.
50. Rượu được sử dụng trong việc cử hành cực linh Hiến Tế Thánh Thể phải là chất tự nhiên, từ trái nho, tinh khiết và nguyên tuyền, không bị pha trộn với các chất khác (127). Trong khi cử hành cần pha một chút nước lã. Hết sức cẩn thận bảo trì rượu được dùng cho việc cử hành Thánh Thể, đừng để bị chua (128). Cấm không được sử dụng loại rượu không rõ về tính chất trung thực hay nguyên tuyền của nó, vì Giáo Hội cần bảo đảm những điều kiện cần thiết đối với tính cách hiệu thành của các bí tích. Bất cứ vì lý do nào cũng không được sử dụng những thức uống nào khác, vì chúng không phải là chất thể hiệu thành.
2. Kinh Nguyện Thánh Thể (51-56)
51. Chỉ được sử dụng những Kinh Nguyện Thánh Thể trong Sách Lễ Rôma hay được Tòa Thánh có thẩm quyền chuẩn nhận, theo cách thức và từ ngữ đã được dọn sẵn. “Không thể chấp nhận việc có một số Linh Mục cho rằng mình có quyền sáng chế ra những Kinh Nguyện Thaánh Thể riêng” (129), hay thay đổi bản văn đã được Giáo Hội công nhận, hoặc xen vào những bản văn khác được những cá nhân riêng tư nào đó sáng tác (130).
52. Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản chất là tột đỉnh của tất cả cuộc cử hành Thánh Thể, xứng hợp cho Linh Mục theo Chức Thánh của ngài. Bởi thế việc lạm dụng xẩy ra khi để cho một Phó Tế, một thừa tác viên giáo dân, hay bởi một phần tử cá nhân tín hữu, hoặc bởi chung tất cả mọi thành phần tín hữu đọc một số phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Vậy chỉ có Linh Mục mới được toàn quyền đọc Kinh Nguyện Thánh Thể mà thôi (131).
53. Trong khi vị Linh Mục công bố Kinh Nguyện Thánh Thể thì “không đọc một kinh nguyện nào khác hay ca hát, và dương cầm hoặc các nhạc cụ khác đều phải lặng yên” (132), trừ những lời than của cộng đồng đã được xứng hợp cho phép, như đề cập dưới đây.
54. Tuy nhiên, cộng đồng luôn phải tham dự một cách chủ động, chứ không phải chỉ hoàn toàn thụ động: khi họ “trong đức tin âm thầm liên kết mình với vị Linh Mục cũng như qua những ứng đáp của họ trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể đã được đề cập đến trên đây, tức là qua những lời đối đáp ở lúc trao đổi Tiền Xướng, ở lời Thánh Thánh Thánh, ở lời than sau truyền phép và lời “Amen” sau bài chúc tụng kết, cùng với những lời than khác được Hội Đồng Giám Mục chấp thuận với phép của Tòa Thánh (133).
55. Ở một số nơi xẩy ra việc lạm dụng là vị Linh Mục bẻ bánh thánh vào lúc truyền phép trong Thánh Lễ. Việc lạm dụng này phản với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần phải bị bác bỏ và sữa lại liền.
56. Không được bỏ qua việc đề cập đến tên của vị Giáo Hoàng và Giám Mục giáo phận trong Kinh Nguyện Thánh Thể, vì đây là truyền thống cổ kính nhất caần phải được bảo trì, và là một biểu lộ cho thấy việc hiệp thông của giáo hội. Vì “việc qui tụ lại của cộng đồng thánh thể cũng là việc liên kết nên một với vị Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng” (134).
(còn tiếp)
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu của Tòa Thánh do VIS phổ biến