GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 3 THỨ HAI

“Chúa Giêsu bao giờ cũng phải là tâm điểm của đời sống anh em”

Bài giảng Lễ Truyền Chức cho 26 tân linh mục trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

Theo ý nghĩa của bài Phúc Âm, Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Lễ Kính Chúa Tình Thương, Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh cũng thế, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, thời điểm thường được Giáo Hội sử dụng để truyền chức linh mục. Năm nay Chúa Nhật này rơi vào ngày 2/5/2004, ĐTC GPII đã truyền chức 26 tân linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đây là bài giảng của Ngài:

1.     “Vị Mục Tử Nhân Lành đã sống lại, Đấng đã ban sự sống của mình cho chiên… Alleluia” (Ca Hiệp Lễ).

Hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành. “Agnus redemit oves”, Bài Ca Tiếp Liên Lễ Phục Sinh đã xướng lên rằng: “Con Chiên đã cứu chuộc đàn chiên của mình”. Người Con duy nhất của Chúa Cha, Vị Mục Tử của nhân loại là Đấng chết trên cây thập giá đã phục sinh vào ngày thứ ba.

Đó là Tin Mừng được các Vị Tông Đồ loan báo cho tất cả mọi dân tộc, khởi đầu từ Giêrusalem, theo thúc động của Thánh Thần (x Lk 24:47-49). Đây là một lời rao giảng vui mừng tiếp tục âm vang vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này. Bắt nguồn từ cái nhìn đầy cảm thương của Chúa Kitô, Vị Mục Từ Nhân Lành phục sinh đã phát xuất nơi Giáo Hội tặng ân và mầu nhiệm ơn gọi thừa tác vụ mục tử.

2.     Các vị phó tế thân mến, những người một chút nữa đây sẽ được truyền chức linh mục, từ tặng ân yêu thương này mới có ơn gọi làm linh mục của anh em. Tôi ưu ái tiếp nhận anh em và chào mừng từng người trong anh em…. (ĐTC cũng chào ban giáo sự và gia đình của các vị phó tế sắp được lãnh chức linh mục ấy)

3.     Anh em trở thành những vị linh mục vào lúc mà, cả ở Rôma đây nữa, những chiều hướng văn hóa mãnh liệt dường như đang muốn làm cho con người quên đi Thiên Chúa, nhất là nơi thành phần giới trẻ cũng như nơi các gia đình. Thế nhưng, anh em đừng sợ: Thiên Chúa luôn luôn ở với anh em! Với ơn trợ giúp của Ngài, anh em mới có thể bước đi trên những con đường dẫn đến tâm can của hết mọi con người và loan báo cho họ rằng Vị Mục Tử Nhân Lành đã ban sự sống của Người cho họ và muốn họ tham dự vào mầu nhiệm yêu thương và cứu độ của Người.

Để thi hành công việc này, một công việc rất cần thiết, Chúa Giêsu bao giờ cũng phải là tâm điểm của đời sống anh em, và anh em phải sống thân mật với Người bằng việc nguyện cầu, bằng việc hằng ngày suy niệm, bằng việc trung thành với Phụng Vụ Giờ Kinh và nhất là bằng việc sốt sắng cử hành Thánh Thể mỗi ngày. Nếu anh em tràn đầy Thiên Chúa, anh em sẽ thực sự là những vị tông đồ cho việc tân truyền bá phúc âm hóa, vì không ai có thể cho những gì mình không có trong lòng.

Chớ gì Mẹ Maria, Người Mẹ yêu dấu của Vị Mục Tử Nhân Lành, Người Mẹ Tôi muốn kêu gọi anh em hãy luôn luôn có một lòng sùng mến thảo hiếu, đồng hành với anh em và canh chừng anh em luôn mãi. Amen.



Huấn Từ Truyền Tin kêu gọi hãy tái nhận thức căn rễ Kitô giáo Âu Châu

Tại Quảng Trường Thánh Phêrô Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, trước 20 ngàn người tham dự buổi Nguyện Kinh Truyền Tin, ngày 10 quốc gia đã được gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu hôm qua, 1/5/2004, ĐTC đã kêu gọi các quốc gia hội viên của khối này hãy tái nhận thức cội nguồn Kitô giáo của mình.

1.     Những ngày này đây, Âu Châu đang trải qua một giai đoạn quan trọng theo giòng lịch sử của mình, đó là việc có thêm 10 quốc gia mới gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu. 10 quốc gia, những quốc gia theo văn hóa và truyền thống đã cảm thấy mình là thành phần của Âu Châu, giờ đây trở thành một phần tử của khối hiệp nhất các quốc gia này.

Nếu mối hiệp nhất của các dân tộc Âu Châu đang được tồn tại đây thì không phải chỉ là một mối hiệp nhất về kinh tế và chính trị. Như Tôi đã nhắc nhở trong cuộc tông du của Tôi ở Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) vào Tháng 11/1982, thì hồn sống của Âu Châu tiếp tục được hiệp nhất ngày nay là vị nó qui chiếu về cùng các giá trị nhân bản và Ktô giáo. Lịch sử của việc hình thành các quốc gia Âu Châu đã được phát triển theo nhịp điệu truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, bất chấp những cuộc khủng hoảng đánh dấu đời sống của châu lục này cho tới ngày nay, căn tính của nó vẫn không thể nào hiểu được nếu thiếu Kitô giáo.

2.     Chính vì lý do này mà Giáo Hội đã muốn đóng góp rất nhiều trong những năm gần đây vào việc củng cố mối hiệp nhất về văn hóa và thiêng liêng của lục địa này, nhất là bằng Những Thượng Hội Giám Mục Đặc Biệt, vào những năm 1990 và 1999. Nhựa sống Phúc Âm là những gì có thể bảo đảm cho Âu Châu một nền phát triển hợp với căn tính của nó, trong tự do và đoàn kết, trong công lý và hòa bình. Chỉ khi nào Âu Châu không loại bỏ những tái nhận thức được các cội nguồn Kitô giáo của mình mới có thể đương đầu với những thách đố lớn lao của ngàn năm thứ ba: những thử thách về hòa bình, về việc đối thoại gữa các nền văn hóa và tôn giáo, về việc bảo tồn thiên nhiên tạo vật.

Trong việc làm quan trọng này, tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô thuộc Tây Âu cũng như Đông Âu, đều được kêu gọi chung tay góp phần xây dựng bằng việc hợp tác cởi mở và chân thành.

3.     Trong niềm hân hoan chào mừng các quốc gia trong những ngày này được tiếp nhận vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Tôi nghĩ tới nhiều đền thánh qua các thế kỷ đã bảo trì nơi từng đền thánh này lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta tin tưởng hiến dâng hiện tại và tương lai của Châu Lục này cho Vị Trinh Nữ Mẹ niềm hy vọng cũng như cho các vị thánh nam nữ được chúng ta tôn kính như những vị quan thày của Âu Châu.
 

TÔI YÊU MẸ TÔI

Hướng về Mẹ Maria trong Tháng Hoa

Mỗi khi quì trước tượng ảnh Mẹ, hay để lòng chìm vào suy nguyện, tôi vẫn tự hỏi mình: “Tôi yêu Đức Mẹ hay Đức Mẹ yêu tôi?” Có thể là cả hai, nhưng chắc chắn một điều là Đức Mẹ yêu và thương tôi nhiều hơn tôi yêu và mến Mẹ.

Tôi nhớ lại một câu truyện đã được đọc thời còn niên thiếu là có một vị thánh nào đó, trong lúc cảm hứng lên cao, đã thưa với Đức Mẹ rằng: “Mẹ có biết là con yêu Mẹ hơn Mẹ yêu và thương con không?” Lập tức thánh nhân đó được nghe rõ tiếng nói trong lòng rằng, đó chỉ là một cảm hứng nông cạn và thiếu hiểu biết. Nếu không vì lòng sốt sắng và chân thành, thì tư tưởng và lời nói ấy là một điều xúc phạm đến tình thương của Đức Mẹ.

Đúng thế, ngay trong lãnh vực tự nhiên, có bao giờ người con lại có thể yêu và thương mẹ mình hơn mẹ mình thương và yêu mình bao giờ. Nhiều lắm thì cũng bằng là quí lắm rồi. Ca dao Việt Nam có câu: “Mẹ thương con bằng trời bằng bể. Con thương mẹ con kể từng ngày”. Thực tế đã nói thay cho tấm lòng người mẹ. Nhưng nếu nhìn về thế giới siêu hình, thì sự khác biệt giữa tình Mẹ trên trời và lòng mến của con cái loài người đối với Mẹ sẽ còn khác xa biết bao nhiêu. Và điều này có nghĩa là Mẹ Maria thương và yêu con cái loài người còn gấp trăm, gấp ngàn lần chúng ta yêu mến Mẹ.

Kinh nghiệm đã từ từ cho tôi hiểu và thâm tín điều này, là sở dĩ tôi sống và còn hiện hữu là do tình thương yêu, và săn sóc của Mẹ. Và hẳn là Mẹ đã có một chương trình cho tôi, vì cứ mỗi lần ôn hoặc nhìn lại quá khứ qua từng biến cố đời mình, tôi thâm tín rất rõ ràng rằng tôi sống được và còn tồn tại đến hôm nay là do tình thương và sự can thiệp của Mẹ. Vào những buổi chiều khi màn đêm dần buông xuống, tôi một mình lại cảm thấy nao nao khi nhìn lại một ngày đã qua và nghĩ về một đêm đang tới. Những giây phút ấy làm tôi thật sự cảm thấy cần có Mẹ, như một trẻ thơ sà vào lòng mẹ khi thấy bóng tối bao phủ quanh mình.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao người ta không yêu mến Đức Mẹ. Tại sao nhiều Kitô hữu coi việc sùng kính và yêu mến Đức Mẹ là một hành động ấu trĩ, và trẻ con. Tại sao nhiều linh mục lơ là với lòng sùng mộ này. Nhiều linh mục đã không bao giờ nói về Đức Mẹ, và cũng chẳng bao giờ coi trọng những lễ kính của Mẹ. Những linh mục và những Kitô hữu này có bao giờ nhận ra được tình thương và sự săn sóc đặc biệt mà Mẹ dành cho họ không. Có bao giờ họ nghĩ rằng trên hành trình đức tin, và trong cuộc đời sự hiện diện của Đức Mẹ là một niềm an ủi, nâng đỡ và cần thiết không.

Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp được vài linh mục và giáo dân mà lòng sùng mộ và yêu mến Đức Mẹ khiến tôi hết sức khâm phục. Tôi nhớ lại là một vị linh mục mà tôi may mắn được quen biết, một linh mục có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách hết sức đặc biệt. Một linh mục mà trên tay luôn thấy có cỗ tràng hạt. Khi tôi hỏi ngài về bí quyết để được sống lâu, sống vui vẻ và bình an, ngài chỉ nói với tôi một câu rất đơn sơ: “Có Mẹ mọi nhẽ đều xuôi”.

“Có Mẹ mọi nhẽ đều xuôi”. Người con một khi có mẹ ở bên là được mọi cái. Không sợ đói. Không sợ khát. Không sợ lạnh lẽo, nóng bức. Không sợ bị ai bắt nạt. Người mẹ có thể đói. Người mẹ có thể khát. Người mẹ có thể bị rét mướt và nóng bức. Người mẹ có thể bị người khác bắt nạt. Nhưng người con ở bên mẹ thì không, nhất là khi người con ấy còn thơ trẻ, và hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ mình.

Trong đời sống tâm linh, sự hiện diện của Mẹ còn cần thiết và quan trọng hơn thế nữa. Một khi có Mẹ ở bên, linh hồn chắc chắn sẽ không còn phải lo sợ gì. Sẽ không sợ bỏ rơi, đói, khát, lạnh lẽo, nóng bức, và nhất là không sợ gặp rủi ro, hoặc rơi vào cạm bẫy của ma quỉ, thế gian, xác thịt trên đường về Thiên Quốc. Vì Mẹ là tất cả của linh hồn đã tín thác và yêu mến Mẹ.

Tôi cũng tìm được mẫu gương rất sáng nơi vị Giáo Hoàng mà thế giới gọi là cao cả, Đức Gioan Phaolô II, một lòng sùng mộ Đức Maria. Khẩu hiệu Giáo Hoàng của Ngài là “Tutus Tuus” – Tất cả là của Mẹ. Một khẩu hiệu Giáo Hoàng ít thấy trong suốt lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội. Nhưng cũng chính vì hoàn toàn tín thác nơi Mẹ, mà vị Giáo Hoàng của chúng ta đã làm được những việc phi thường cho nhân loại và cho Giáo Hội. Cũng vì hoàn toàn tín thác nơi Mẹ, mà Mẹ đã bênh đỡ vị Giáo Hoàng của mình. Dấu vết cuộc ám sát tại công trường Thánh Phêrô năm nào vẫn còn đó. Viên đạn được gắn trên mũ triều thiên của Mẹ tại Fatima – viên đạn đã xuyên thủng con người vị Giáo Hoàng mà không lấy đi được mạng sống của Ngài – còn đó như một chứng tích của sự chở che và săn sóc của Mẹ.

Tuy không cao cả như Gioan Phaolô II. Tuy không thánh đức, siêu phàm như Anphongsô, như Lui Monfort, hoặc như Bênađô, là những thánh thân thời đại mà lòng sùng mộ Mẹ Maria của các ngài đã đi vào lịch sử. Nhưng tôi cũng cảm thấy rằng mình cần nói lên một điều gì để ca tụng người Mẹ rất đáng mến của mình: Đức Trinh Nữ Maria.

Maria. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ toàn thể nhân loại. Và là Mẹ riêng mỗi người chúng ta. Tuy chưa một lần nhìn thấy Mẹ, nghe tiếng Mẹ, nhưng một điều mà tôi cảm nhận một cách rất sâu xa và rõ ràng là Mẹ luôn luôn ở bên tôi và đồng hành với tôi. Tôi muốn chia sẻ cảm nhận này với những ai đang muốn tìm hiểu và yêu mến Mẹ, với những ai đang phân vân, đang lo lắng, và đang gặp những khó khăn của cuộc đời. Ngay cả những ai tự cho mình là tội lỗi. Tất cả hãy đến với Mẹ. Thánh Bênađô đã nói: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”. Còn Thánh Anphongsô thì quả quết: “Ai thành tâm yêu mến Mẹ thì không sợ hư mất đời đời”. Vì theo thánh Lui Monfort: “Mẹ là đường ngắn nhất, an toàn nhất đưa ta đến cùng Thiên Chúa”. Ôi Maria! con mến Mẹ. Ước gì Mẹ cũng được nhiều người nhận biết và yêu mến.


Trần Mỹ Duyệt
Tháng Hoa Mẹ 2004.