GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 4 THỨ BA

ĐTC GPII kêu gọi thả những con tin bị bắt ở Iraq

Chiều Thứ Năm 29/4/2004, ĐTC GPII đã “nhân danh Thiên Chúa duy nhất tha thiết kêu gọi” thả tất cả những người đã bị bắt cóc ở Iraq. Lời kêu gọi này đã được ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư văn phòng Liên Hệ Với Các Quốc Gia phổ biến vào lúc kết thúc cuộc diễn hành do những gia đình của ba nạn nhân Ý bị bắt làm con tin tổ chức. Đồng hành với cuộc diễn hành này có ĐTGM Fransesco Cacucci ở Bari, ĐGM Simone Gastoni ở Prato, và cha Silvno Ridolfi, đại diện Giáo Phận Cesena, là những giáo phận của 3 người Ý bị bắt giữ làm con tin này. Những tay bắt cóc 3 người Ý con tin này đe dọa là sẽ giết họ trừ phi những người Ý chống lại vấn đề hiện diện của binh lính Rôma ở Iraq.

Cuộc diễn hành khoảng chừng 3 ngàn người, khởi đi từ Castel Sant’ Angelo vào lúc 5 giờ chiều, xuống Via della Conciliazione rồi tập trung ở Quảng Trường Thánh Phêrô là nơi ĐTGM Lajolo, cùng với các vị giám mục thuộc 3 giáo phận của 3 nạn nhân, đọc lời kêu gọi của ĐTC. ĐTGM nói:

“Tôi có thể nói với anh chị em rằng sáng hôm nay, lễ Thánh Catarina Siena, quan thày của Ý quốc, ĐTC đã cử hành Lễ cầu xin cho những con tin bị bắt giữ ở Iraq được thả ra cũng như cho hết mọi người đang chịu đau khổ ở xứ sở ấy. Ngài đã ký thác họ vào bàn tay phù trì của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và là Mẹ của chúng ta.

“Nhân danh Vị Thiên Chúa duy nhất, Đấng xét xử tất cả mọi người chúng ta, Đức Gioan Phaolô II đã lập lại lời thiết tha kêu gọi của Ngài với những kẻ bắt cóc hãy thả ngay những người bị bắt cóc về cho giai đình của họ.

“Ngài hy vọng rằng việc Ngài bày tỏ lòng cảm mến cha con cũng như lời khuyến khích của Ngài tới tai những người bị bắt làm con tin và sẽ tiếp tục nâng đỡ họ sống can đảm và hy vọng trong cơn thử thách dữ dội hiện nay.

“ĐGH hết sức thông cảm với các gia đình và tất cả những ai thân thương với các người bị bắt cóc trong những giây phút cảm nhận đớn đau này.

“ĐTC tin tưởng rằng mọi sự đang được thực hiện hết sức có thể để bảo đảm an toàn cho các người bị bắt làm con tin cũng như để làm sao cho họ được thả ra sớm bao nhiêu có thể.

“ĐTC đồng thời cũng cám ơn tất cả những ai đang hoạt động để tái thiết bầu khí giải hòa và đối thoại ở Iraq hướng tới việc hoàn toàn phục hồi chủ quyền và nền độc lập cho xứ sở này, trong tình trạng an ninh cho toàn thể dân chúng.

“Đức Gioan Phaolô II khuyến dụ cộng đồng Công Giáo mến yêu ở Iraq cũng như tất cả các Kitô hữu ở xứ sở này hãy tiếp tục hoạt động để tái thiết bầu khí hòa hợp và hợp tác vì công ích giữa tất cả mọi phái nhóm về tôn giáo cũng như về xã hội của đất nước này.

“ĐGH mời gọi hết mọi người hãy nguyện cầu cùng Thiên Chúa, Đấng quí chuộng sự sống của hết mọi người và không muốn ai phải chết, để sự việc xẩy ra tốt đẹp cho sự việc đau thương này. Ngay lúc này đây ĐTC đang nguyện cầu ở nguyện đường của Ngài, hiệp ý với tất cả chúng ta trong việc van nài Thiên Chúa”.

Sau khi đọc xong sứ điệp của ĐTC, ĐTGM kêu gọi mọi người giữ một phút thinh lặng, sau đó tất cả đọc Kinh Lạy Cha và hát Kinh Lạy Nữ Vương.



Thông báo về Phái Đoàn Đại Biểu của Tòa Thánh sau cuộc viếng thăm Việt Nam thập niên

Chiều ngày Thứ Hai 3/5/2004, một bản thông báo của văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết phái đoàn của Tòa Thánh viếng thăm Việt Nam 6 ngày đã trở về Rôma vào ngày của bản thông báo này. Phái đoàn đại biểu gồm có các Đức ông Pietro Parolin, phó bí thư của văn phòng Liên Hệ Với Các Quốc Gia, Luis Mariano Montemayor, cố vấn khâm sứ và Barnaba Nguyễn Văn Phương, trưởng văn phòng ở Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc.

Bản thông báo cho biết: “Phái đoàn đại biểu đã gặp tổng thống và các phần tử của Hội Đồng Thường Trực của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như các vị giám mục thuộc giáo tỉnh Hà Nội.

“Trong bầu khí tích cực, phái đoàn đại biểu đã bàn đến đời sống và sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo ở xứ sở này với Văn Phòng Tôn Giáo Vụ do ông Ngô Yến Thi làm đầu.

“Sau đó phái đoàn đại biểu đã họp với ông Lê Công Phụng, thứ trưởng Ngoại Quốc Vụ, và ông Nguyễn Huy Quang, phó chủ tịch Ủy Ban Ngoại Quốc Vụ của Tiểu Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ở một số trường hợp vấn đề liên hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã được bàn đến, liên quan tới những bước tiến tới tình trạng bình thường hóa vấn đề liên hệ.

“Sau hết, phái đoàn đại biểu đã viếng thăm các giáo phận Xuân Lộc và Ban Mê Thuộc, nơi các vị đã cử hành Thánh Lễ trong bầu không khí hết sức hiệp thông giáo hội và là nơi các vị nhận được những bày tỏ hết sức cảm mến và trung thành với ĐTC. Tuy nhiên, ở Xuân Lộc, chính phủ không cho phép tất cả mọi người được tham dự Thánh Lễ 29/4/2004 tại vương cung thánh đường của giáo phận này. Các vị cũng gặp gỡ những viên chức thẩm quyền địa phương. Những cuộc gặp gỡ khác xẩy ra ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh”.

Những cuộc viếng thăm này xẩy ra 10 năm 1 lần. Theo cơ quan AsiaNews thuộc Viện Tòa Thánh Về Các Việc Truyền Giáo Hải Ngoại (PIME: Pontifical Institute for Foreign Missions) đã cho biết là thành quả khả quan từ chuyến viếng thăm lần này là chính quyền đã chấp thuận bổ nhiệm cho Thanh Hóa một vị giám mục, giáo phận đã thiếu chủ chăn trong 2 năm qua. Giáo Phận Hà Nội và Xuân Lộc cũng cần một vị giám mục phụ tá hay phó để thay thế cho những vị giám mục đã cao niên.

Chính phủ cho phép phái đoàn đại biểu viếng thăm Buôn Mê Thuột nhưng các vị không gặp được một tín hữu nào ở đây. Vì thành phần Dân Thượng ở đấy vừa mới có những xung khắc với chính quyền trong mấy tuần vừa qua.


 

Kitô hữu và Phật Tử hãy cùng nhau nhìn đến Thành Phần Trẻ Em là Tương Lai của Nhân Loại

Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican gửi Phật tử ngày Phật Đản

Quí Bạn Phật Tử thân mến,

1.     Năm nay tôi lại viết gửi đến các bạn một lần nữa lời chào chân thành của tôi nhân dịp lễ Phật Đản của các bạn. Tôi nguyện cầu để cho từng người và mọi người trong các bạn được hưởng một mùa lễ vui tươi và an bình. Lễ Phật Đản giúp cho Kitô hữu chúng tôi cơ hội thăm viếng các bạn bè và cận nhân Phật tử để ngỏ lời chào mừng, một việc làm giúp phần củng cố những mối giây thân tình vốn có và tạo nên những mối hữu nghị mới. Tôi nghĩ rằng những mối liên hệ này cần phải được tiếp tục phát triển từ thế hệ này đến thế hệ khác, chia sẻ với nhau những niềm vui mừng và hy vọng của chúng ta, những nỗi đau thương và bận tâm của chúng ta.

2.     Với niềm hy vọng ấy, tôi nghĩ ngay đến thành phần trẻ em của chúng ta, những con người đóng vai chính của tương lai nhân loại. Như một thi sĩ đã viết: “Con trẻ là cha của Con Người”, ở chỗ, trẻ em là khuôn mẫu cho toàn thể nhân loại. Ngoài ra, trẻ em có thể là gương mẫu cho tất cả những ai cố gắng sống đạo một cách chân thành. Trẻ em đặc biệt tác động nơi chúng ta bởi tính cách đơn sơ và tâm hồn thanh sạch của chúng, bởi sự ngay thẳng và hồn nhiên vô tư của chúng, cũng như bởi tính cách bỡ ngỡ lạ lùng và tin tưởng của chúng. Thánh Kinh Kitô Giáo của chúng tôi đã đề cập đến trẻ em ở một số chỗ, khuyến khích chúng tôi sống tinh thần giống như con trẻ nhỏ. Tôi tin rằng các Bản Văn của Phật Giáo cũng có những điều tương tự như thế.

3.     Thế nhưng trẻ em, một thành phần nhỏ bé và mỏng dòn yếu đuối, cần phải được bảo vệ, yêu thương và giáo dục. Đó là lý do tại sao trẻ em và gia đình bao giờ cũng cần phải đi đôi với nhau. Chính nơi gia đình trẻ em đầu tiên đã được dưỡng nuôi bằng một tình yêu thương và chăm sóc chúng cảm nghiệm thấy để mang ra chia sẻ cho những người khác. Nhờ đó toàn thể nhân loại trở thành một gia đình trên trái đất này. Thật là vui mừng khi thấy có vô số cha mẹ sẵn sàng đảm trách cuộc sống gia đình. Chúng ta hy vọng rằng có nhiều phụ huynh sẽ hết sức cố gắng để truyền đạt cho con cái của họ những giá trị nhân bản và tôn giáo đích thực mang lại ý nghĩa cho đời sống con người.

4.     Tiếc thay, ngày nay nhiều trẻ em trên thế giới của chúng ta đây đang bị hụt hẫng rất nhiều tình trạng gia đình là những gì hết sức quan yếu cho xã hội. Có những em không hề biết đến gia đình là gì hay bị gia đình ruồng bỏ. Có những em bị đẩy vào tình trạng bị chấn thương bởi những cuộc gây gỗ giữa mẹ cha của các em, hay bởi cuộc đổ vỡ gia đình của các em. Tệ hơn nữa, có những em nhỏ bị tổn thương bởi những hành động bạo hành của người lớn qua việc lạm dụng tình dục, mãi dâm, bắt đi ăn xin, buôn bán thuốc phiện, tham gia quân ngũ v.v. Còn thảm trạng hội chứng liệt kháng HIV/AIDS thì sao? Hằng năm có cả trăm ngàn em bị nhiễm khuẩn liệt kháng HIV và rất nhiều em bị chết vì hội chứng liệt kháng AIDS; thật vậy, nhiều em đã bị nhiễm lây từ giây phút được hạ sinh vào đời. Mặc dù vô tội, các em vẫn phải chịu khổ đau và chết đi.

5.     Chúng ta, Kitô hữu và Phật tử, không thể nhắm mắt làm ngơ trước những tình trạng thảm thương này. Là những tín đồ của một đạo giáo, chún g ta cần phải nhín tới những nhu cầu của trẻ em, trong gia đình riêng của chúng ta cũng như nơi toàn thể xã hội. Chúng ta cần phải vận dụng tất cả mọi khả năng và tài nguyên của chúng ta để làm giảm bớt những nỗi thương đau cho các em, và nhất là những em ở các xứ sở nghèo. Gương lành của chúng ta có thể tác động các chính quyền, tổ chức dân sự và tất cả mọi người thiện tâm dấn thân hơn nữa cho phúc hạnh của tất cả thành phần trẻ em.

6.     Quí bạn Phật tử thân mến, với hết lòng khen ngợi và trọng kính, tôi nghĩ đến tất cả những ai đã dấn thân chăm sóc cho nhu cầu của trẻ em. Được phấn khởi bởi tấm lòng quảng đại cao cả như thế, chúng ta hãy cùng nhau cương quyết giúp đỡ trẻ em, vì chúng là tương lai của nhân loại. Một lần nữa, tôi xin chúc cho anh chị em và gia đình anh chị em một mùa lễ Phật Đản an bình và vui tươi.

Archbishop Michael L. Fitzgerald,
Chủ tịch

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 30/4/2004