GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 6 THỨ NĂM

 

ĐTC GPII với Hội Nghị Chư Vị Chủ Tịch Cấp Giáo Phận Tông Đồ Giáo Dân Ý Quốc về Phúc Âm Công Việc Làm

Vào giờ Kinh Phụng Vụ tối 30/4/2004, áp Lễ Thánh Giuse Lao Động, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐTC GPII đã gửi một sứ điệp huấn dụ thành phần tham dự về ý nghĩa của lao động. Trong sứ điệp của mình, ĐTC cũng cho họ biết ý định của Ngài muốn tham dự buổi bế mạc cuộc hành hương của tổ chức Tông Đồ Giáo Dân vào ngày 5/9/2004 ở Loreto, nơi mà theo truyền thống Nhà Thánh của Đức Mẹ được chuyển từ Nazarét đến đó vào năm 1294.

ĐTC nói Nhà Thánh Loreto là những gì nhắc nhở về mầu nhiệm Nazarét, “một mầu nhiệm không ngừng làm cho chúng ta phải bỡ ngỡ lạ lùng! Tại sao Con Thiên Chúa (…) muốn sống một thời gian dài vất vả khó nhọc như thế?”

Từ “phúc âm lao động” này con người có thể suy luận rằng “Chúa Giêsu là một con người của công việc làm và công việc làm giúp cho Người phát triển nhân tính của Người”, chưa kể đến sự kiện là “việc làm ở Nazarét đối với Chúa Giêsu là cách Người hiến thân thực hiện ‘các công việc làm của Cha’”, cho thấy “công việc làm của Đấng Hóa Công được kéo dài” qua công việc làm của con người.

“Theo dự án quan phòng của Thiên Chúa, thì con người, bằng việc làm, hiện thực nhân tính của riêng mình cũng như nhân tính của kẻ khác: Thật vậy, việc làm ‘hình thành con người, và ở một nghĩa nào đó, tạo thành con người’. Thế nhưng, việc làm, theo giáo huấn của Chúa Kitô, là một giá trị đã bị tội lỗi tục hóa và bị cái tôi làm ô nhiễm, bởi thế giống như tất cả mọi thực tại về con người, nó cũng cần phải được cứu chuộc… khỏi lý lẽ của lợi lộc, khỏi bị thiếu hụt tình đoàn kết, khỏi cơn sốt chiếm đoạt không cùng, khỏi ước muốn tích lũy và hưởng thụ”, vì khi bị làm tôi cho “cái giầu có phi nhân bản”, công việc làm trở thành “một thứ ngẫu tượng mê hoặc và hung tàn”.

Việc giải thoát này khỏi những xích xiềng này xẩy ra khi thực hiện một “cuộc quay trở về với những lời lẽ nghiêm khắc của Vị Tôn Sư Thần Linh, đó là ‘Được lợi lãi cả thế gian mà thiệt hại mất chính mình thì nào có ích chi?’” Vị “Công Nhân Thành Nazarét” ấy cũng “nhắc nhở chúng ta rằng ‘sự sống đáng giá hơn lương thực’ và công việc làm là để cho con người chứ không phải con người cho công việc làm. Những gì làm cho sự sống cao cả không phải là một thứ thực thể chiếm hữu, không phải là một thứ kiểu mẫu chuyên nghiệp, hay không phải là thứ trình độ về nghề nghiệp. Con người đáng giá khôn cùng, hơn cả các thứ sản vật họ làm ra hay chiếm hữu”.

Đó là lý do ĐTC cảnh giác là hãy tỉnh táo, vì “lòng trí con người một khi chỉ chú trọng vô độ đến của ăn lẫn áo mặc” mà chẳng để ý gì tới “những người anh chị em bần cùng nghèo khốn của mình, sẽ trở thành một tâm trí lạnh lùng, mù lòa trước các thứ giầu sang phú quí, không còn khả năng đoàn kết và yêu thương vô vị kỷ, hoàn toàn khép kín trước Thiên Chúa và anh chị em mình”.

“Kitô hữu, cá nhân hay đoàn thể, nhất là thành phần giáo dân, cần phải đi sâu vào xã hội dân sự để in ấn lề luật thần linh vào sinh hoạt của thành đô trần thế này… hãy tạo nên những cơ hội làm việc xứng hợp cho tất cả mọi giới trẻ để chúng có thể hình thành một gia đình có những điều kiện sống xứng đáng, những điều kiện căn bản nhất, nơi gia đình của chúng”.

Ngoài ra, ĐTC còn kêu gọi hãy thực hiện “việc đối xử quân bình và công bằng đối với tất cả mọi công nhân”, chiến đấu với “tất cả mọi thứ khai thác” và hãy tôn trọng “những người di dân làm việc theo hợp đồng”. Ngài khuyến dụ “đừng bao giờ bỏ bê nỗ lực tông đồ truyền bá phúc âm hóa tiên khởi nơi vô vàn thành phần di dân không phải là Kitô hữu”.

Sau hết, ĐTC nhắc nhở mạnh mẽ rằng ngày Chúa Nhật đối với tất cả những ai tin vào Chúa Kitô phải là “một ngày của sự nghỉ ngơi và của việc cử hành, ngày của Chúa và của cộng đồng, ngày của gia đình và của người nghèo”.



Giáo Hội ở Chí Lợi lên tiếng về vấn đề phân phối Thứ Thuốc “Hậu Giao Hợp” cho nạn nhân bị hiếp dâm

Ở thủ đô Santiago nước Chí Lợi Nam Mỹ Châu, hôm Chúa Nhật 2/4/2004, ĐHY TGM Francisco Javier Errázuriz Ossa đã gửi một bức thư cho tất cả mọi nhà thờ thuoi65c TGP của ngài về vấn đề Bộ Y Tế của nước này quyết định phân phát miễn phí thứ thuốc “hậu giao hợp” cho thành phần nạn nhân bị hiếp dâm.

ĐHY nhận định rằng thứ thuốc này “là tiêu biểu cho một thứ phương tiện làm giảm bớt thương đau và sửa lại cái bất chính gây ra cho một con người yêu dấu hay vô tội bị trở thành nạn nhân bởi kẻ tấn công để chiếm đoạt cái thâm sâu của nạn nhân một cách bất chính và cưỡng bức”.

“Việc phân phát miễn phí một thứ thuốc với mục đích không phải để chữa lành này thật sự là một vấn đề đang được tranh luận. Không thiếu những vị có thẩm quyền đã sẵn sàng phân phát miễm phí loại thuốc ấy cho những ai muốn, trong khi có những vị khác chống lại việc làm này hay tỏ ra chống đối theo lương tâm của mình”.

“Việc hành sử quyền tự do của họ đã vượt quá giới hạn quyền sống của kẻ khác”. Việc phân phát thứ thuốc hậu giao hợp đã làm bùng nổ “nhiều tranh luận” ở chỗ “phải chăng nó là vấn đề loại trừ sự sống con người?”

“Để chấp thuận cho một thứ thuốc mới, cần phải chứng tỏ về mặt tích cực là thứ thuốc ấy không phải là mối đe dọa cho sự sống của con người. Đó là lý do tại sao cuộc nghiên cứu phải chứng tỏ rằng thuốc hậu giao hợp (Levonorgestrel) không gây ra ngăn trở trong việc thụ tinh của tử cung, tức là không loại trừ sự sống con người trong tình trạng phôi thai bào”.

Thật vậy, “các phòng thí nghiệm tung ra thị trường thứ thuốc này đã quảng cáo rằng một trong những hậu quả của nó có thể gây trở ngại cho vấn đề thụ thai của tử cung, do đó làm mất đi sự sống con người”.

Khi xẩy ra “vấn đề liên quan đến sự sống con người như thế thì thật là bất hợp pháp khi thực hiện một hành động mà không nắm chắc được rằng hành động ấy không đưa đến việc sát hại sự sống con người”.

“Giáo Hội không thể bất nhất với giáo huấn của mình. Đó là giáo huấn về việc bênh vực quyền sống. Đó là lý do tại sao, cũng bằng cả lòng nhiệt tình can thiệp vào việc vi phạm đến các thứ nhân quyền của thành phần nạn nhân, Giáo Hội đã vạch ra ở mấy năm trước đây là đã đến lúc cần phải loại bỏ án tử hình, vì nó là việc không cần thiết và phi nhân bản. Cũng thế, Giáo Hội ngày nay cho thấy nhu cầu cần phải bênh vực quyền sống của tất cả mọi con người ngay từ khởi đầu của họ”.

Trong “trường hợp bị hiếp dâm thảm thương… thật là hết sức đau đớn cho con người trải qua cảnh khổ đau ấy”. Thế nhưng, ĐHY sau khi thông cảm đã khẳng định là tình trạng ấy cũng không thể biện minh cho việc loại trừ đi “một sự sống mới vô tội cần phải được sinh ra”.

ĐHY tin tưởng rằng một xứ sở như Chí Lợi, “một quốc gia ý thức được lịch sử của mình và đã từng dấn thân chữa lành các vết thương gây ra bởi rất nhiều những thứ vi phạm đến nhân quyền”, cần phải tạo nên “một môi trường thuận lợi cho sự sống, một môi trường mà tất cả các tổ chức, cộng đồng, lề luật, tục lệ và gia đình đều chấp nhận, tôn trọng, khuyến khích và ủng hộ sự sống; và tất cả đều bày tỏ gắn bó với sự sống”.


“Những mối liên hệ giữa các Thế Hệ đang trải qua những đổi thay quan trọng”

ĐTC GPII huấn dụ Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học

Sáng Thứ Sáu 30/4/2004, ĐTC GPII đã ban huấn từ cho thành phần tham dự viên đại hội kỷ niệm mừng 10 năm thành lập Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học, một đại hội được kéo dài tới hết ngày 3/5.

Nữ tân chủ tịch của học viện này là bà giáo sư luật đại học Harvard là Mary Ann Glendon điều hợp cuộc hội nghị. ĐTC GPII đã thành lập học viện này năm 1994 để “phát động việc học hỏi và tiến bộ của các khoa học về xã hội, kinh tế, chính trị và pháp luật theo chiều hướng giáo huấn về xã hội của Giáo Hội”, như được ấn định ở khoản nội qui thứ nhất. Chính Ngài chọn các thành vi6n cho học viện này hợp với khả năng chuyên về ngành xã hội của họ và không phân biệt tôn giáo. Sau đây là nguyên văn bài huấn từ của Ngài.

Quí Huynh Hồng Y,
Quí Huynh Giám Mục,
Quí Phần Tử Học Viện thân mến,

1.     Tôi ưu ái và cảm mến chào toàn thể anh chị em khi chúng ta cử hành 10 năm thành lập Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học. Tôi cám ơn vị tân Chủ Tịch, Giáo Sư Mary Ann Glendon và chân thành nguyện chúc cho việc bà bắt đầu phục vụ. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với Giáo Sư Edmond Malinvaud về việc ông dấn thân hoạt động cho Học Viện này để nghiên cứu các vấn đề phức tạp như lao động và thất nghiệp, những hình thức bất quân bình trong xã hội, cũng như vấn đề dân chủ và toàn cầu hóa. Tôi cũng cám ơn Đức Ông Marcelo Sanchez Sorondo về những nỗ lực của ông trong việc làm cho hoạt động của Học Viện này được trở nên dễ dàng đối với nhiều thính giả hơn nữa qua những phương tiện truyền thông tân tiến.

2.     Đề tài anh chị em đang học hỏi, đề tài về liên hệ giữa các thế hệ, được liên kết chặt chẽ với việc anh chị em nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hóa. Vào những thời trước đây thì việc chăm sóc cha mẹ mình tự nhiên thuộc về phận sự của những đứa con khôn lớn. Gia đình là nơi chính yếu của một mối liên kết liên thế hệ. Đã có một mối liên kết nơi chính việc hôn nhân, một mối liên kết mà các cặp phối ngẫu chấp nhận nhau để nên tốt hơn hay ra tệ hơn và dấn thân để hiến cho nhau việc tương trợ suốt cả cuộc đời. Mối liên kết này của các cặp hôn nhân sớm được vươn đến con cái của họ, thành phần cần được giáo dục bằng một mối liên hệ vững chắc và bền bỉ. Điều này dẫn đến mối liên kết giữa những đứa con trưởng thành với cha mẹ lớn tuổi của họ.

Hiện nay những mối liên hệ giữa các thế hệ đang trải qua những đổi thay quan trọng như là thành quả của những yếu tố khác nhau. Ở nhiều nơi đã bị suy yếu về mối liên hệ về hôn nhân, một cơ cấu hôn nhân thường được coi như là một thứ hợp đồng thuần túy giữa hai cá nhân với nhau. Những áp lực của một xã hội hưởng thụ có thể khiến cho các gia đình chú trọng đến sở làm hay đến một số sinh hoạt xã hội khác nhau hơn là đến gia đình. Trẻ em có những lúc được coi như, thậm chí cả trước khi chúng được sinh ra, là một chướng vật cho vấn đề viên trọn bản thân của cha mẹ chúng, hay được coi như là một đối tượng ưu tuyển trong số những đối tượng khác. Bởi thế mà các mối liên hệ liên thế hệ đã bị ảnh hưởng, vì nhiều đứa con cái lớn khôn giờ đây để mặc cho chính phủ hay xã hội nói chung vấn đề chăm sóc cho những người cha mẹ cao niên. Tình trạng bấp bênh nơi mối liên hệ về hôn nhân ở một số môi trường xã hội cũng đưa đến một thứ khuynh hướng đang lan tràn đối với những đứa con khôn lớn trong việc rời xa cha mẹ và ủy thác cho thành phần thứ ba trách nhiệm tự nhiên và mệnh lệnh thần linh liên quan tới vấn đề tôn kính cha mẹ mình.

3.     Trước tầm quan trọng sâu xa của mối liên kết trong việc xây dựng xã hội lành mạnh của con người (x Sollicitudo Reiii Socialis, 38-40), Tôi khuyến khích việc anh chị em nghiên cứu về những thực tại quan trọng ấy và hy vọng rằng nó sẽ đưa đến chỗ cảm nhận rõ ràng hơn nữa nhu cầu cần đến một mối liên kết xuyên thế hệ cùng hiệp nhất các cá nhân và phái nhóm lại để tượng trợ lẫn nhau và làm phong phú cho nhau. Tôi tin tưởng rằng việc nghiên cứu của anh em trong lãnh vực này sẽ là một đóng góp giá trị cho việc phát triển về giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Cần phải đặc biệt chú trọng đến tình trạng tạm thời của nhiều con người cao niên khác nhau tùy theo quốc gia và miei62n đất (x Evangelium Vitae, 44; Centesimus Annus, 33). Nhiều người trong họ không đủ nguồn lợi hay lương hưu trí, một số bị những bệnh tật về thể lý, trong khi những người khác cảm thấy mình vô dụng hay hổ ngươi về những gì được chăm sóc đặc biệt, và rất nhiều người cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi. Những vấn đề này chắc chắn là những gì sẽ trở nên hiển nhiên hơn khi con số thành phần cao niên tăng lên và chính dân số cũng bị cao niên vì tình trạng giảm sút mức sinh nở cũng như tiện nghi về vấn đề chăm sóc sức khỏe.

4.     Trong việc đương đầu với những thách đố này, hết mọi thế hệ và phái nhóm xã hội đều đóng một vai trò nào đó. Cần phải chú trọng đặc biệt đến các năng lực tương xứng của Quốc Gia và của gia đình trong việc xây dựng một thứ tình liên kết hiệu nghiệm giữa các thế hệ. Hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc phụ trợ (x Centesimus Annus, 48), các vị có thẩm quyền cần phải quan tâm tới việc nhìn nhận những hậu quả của cá nhân chủ nghĩa là những gì, như những nghiên cứu của anh chị em đã cho thấy, có thể gây ra những ảnh hưởng trầm trọng giữa các thế hệ khác nhau. Về phần mình, là nguồn gốc và là nền tảng của xã hội loài người (x Apostolicam Actuositatem, 11; Familiaris Consortio, 42), gia đình cũng có một vai trò bất khả thay thế trong việc xây dựng mối liên kết liên thế hệ. Sẽ không còn tuổi tác nào khi người ta không còn là một người cha hay người mẹ, là một người con trái hay con gái. Chúng ta mang một trách nhiệm đặc biệt chẳng những đối với những ai chúng ta cống hiến cho tặng ân sự sống, nhưng cũng hướng về những ai chúng ta đã lãnh nhận tặng vật sự sống ấy.

Các Phần Tử của Học Viện thân mến, khi anh chị em tiến hành công cuộc quan trọng ấy, Tôi xin chúc may lành cho anh chị em và chân thành kêu cầu ban xuống trên anh chị em cùng với những người yêu dấu của anh chị em muôn vàn phúc lành của Thiên Chúa Toàn Năng

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 30/4/2004