GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 5/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.
__________________
NGÀY 7 THỨ SÁU |
Thẩm Quyền Giáo Hội với Các Chính Trị Gia có những chủ trương phản giáo huấn của Giáo Hội
Ở Trenton tiểu bang New Jersey, tân thống đốc James McGreevey, người công khai tỏ ra ủng hộ phá thai, ủng hộ hôn nhân đồng phái tính và việc sử dụng các thân bào con người sao bản vào vấn đề nghiên cứu y khoa, sau khi đã bị ĐGM địa phương là Đức Cha John Smith sẽ không cho ông rước lễ, tuyên bố trong 1 cuộc họp báo hôm Thứ Tư 5/4/2004 rằng ông sẽ không rước lễ nữa.
Cả vị giám mục Joseph Galante ở giáo phận Camden lân cận cũng tuyên bố không cho ông rước lễ nếu ông sang giáo phận của ngài để làm việc này, vì ngoài lý do chính trị trên đây ông còn sống một cuộc sống chẳng những ly dị mà còn tái hôn nữa.
Ngoài ra, cũng vào ngày Thứ Tư, văn phòng TGP New Jersey cũng phổ biến một văn kiện kêu gọi các chính trị gia phò phá thai đừng lên rước lễ nữa.ĐTGM John Myers ở Newark đã viết trong tờ nhật báo Catholic Advocate của TGP tuần này qua mục có nhan đề “đây là lúc sống thành thực” là “có một số người Công Giáo, tuyên bố rằng mình tin tưởng những gì Giáo Hội tin tưởng lại sẵn sàng để cho những kẻ khác trực tiếp sát hại thành phần vô tội, thì đó là một gương mù cả thể. Tình trạng này lại càng tệ hơn nữa khi những vị lãnh đạo ấy lên Rước Lễ trong khi họ không khách quan hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Tính cách thiếu thành thực một cách khách quan của họ lại càng làm tăng thêm gương mù gương xấu”.
Trong bài viết của mình, ĐTGM đã đề cập đến những khía cạnh đức tin cá nhân và cộng đồng, đến việc phát triển lương tâm đúng đắn cũng như đến bản chất của vấn đề bất đồng, đến ý nghĩa và mục đích của Thánh Thể, đến phẩm giá con người từ khi được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi, và đến vấn đề phá thai hết sức bất chính.
“Mặc dù tất cả chúng ta đều phải theo lương tâm của mình, song việc của lương tâm không phải là việc tạo nên luật lệ về luân lý mà là nhận ra luật lệ này. Cá nhân con người có khả năng nhận ra thực tại về luân lý trong trường hợp sai lầm nào đó. Con người ấy có thể là lòng ngay nhưng lại là một con người sai lầm một cách thành tâm”.Vị TGM 62 tuổi này còn vạch ra cho thấy rằng vấn đề bất đồng mang lại những hậu quả tất yếu liên quan đến cộng đồng đức tin:
“Những người Công Giáo công khai tỏ ra bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề quyền sống của tất cả mọi thai nhi đều phải nhìn nhận rằng họ đã tự động, căn cứ vào hành động của họ, tách mình khỏi những gì Giáo Hội tin tưởng và giảng dạy. Họ cũng tách mình một cách đặc biệt với cộng đồng Công Giáo. Giáo Hội không thể bắt những con người này thay đổi chủ trương của họ; nhưng Giáo Hội có thể và cần phải yêu cầu họ hãy thành thực thú nhận trước diễn đàn công chúng rằng họ không còn hoàn toàn hiệp nhất với Giáo Hội nữa.
“Con người tỏ ra những bất động như thế, cho dù có lầm lẫn tin tưởng rằng đó là vấn đề được phép làm, cũng vẫn là một người Công Giáo ở một nghĩa nào đó nhưng đã loại trừ đức tin trọn vẹn của Công Giáo. Đối với một con người như vậy thì việc tỏ ra ‘hiệp thông’ với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể là một việc theo khách quan thiếu thành kính.
“Đây là lúc sống thành thực. Tôi yêu cầu và tha thiết xin những người Công Giáo đi bỏ phiếu và những người Công Giáo tham gia sinh hoạt quần chúng hãy cẩn thận để ý đến chủ trương của mình một khi tỏ ra chống lại giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề ấy.
“Tôi rất tiếc phải nói lên rằng việc tiếp tục đi theo con đường này sẽ dẫn họ đến chỗ nguy hiểm là việc thậm chí tách mình khỏi Chúa Giêsu Kitô cũng như khỏi Giáo Hội của Người”.
ĐTGM tỏ ra khẳng định quyền sống và việc người Công Giáo cần phải tỏ ra bênh vực quyền sống này:
“Không có quyền lợi nồng yếu nào bằng quyền được sinh ra và dưỡng nuổi xứng đáng với tất cả phẩm giá của con người. Về vấn đề hệ trọng này, các viên chức chính phủ không ngoại lệ theo nhiệm vụ của mình, nhất là khi họ cho mình là người Công Giáo. Hết mọi tín hữu Công Giáo cần phải chẳng những ‘bản thân chống lại’ vấn đề phá thai, mà còn sống tỏ ra chống lại vấn đề này bằng hành động của mình nữa… Là những người bỏ phiếu, những người Công Giáo buộc phải tránh dính dáng đến vấn đề phá thai là một trong những gì bất chính nhất”.
ĐTC với các vị Giám Mục Hoa Kỳ về Ðời Sống Thánh và Sứ Vụ Thánh Hóa của Giám Mục
Trong các cuộc gặp gỡ với những vị giám mục Hoa Kỳ trong năm 2004 này, ĐTC, như Ngài đã đề cập đến ngay ở đoạn đầu của bài chia sẻ lần này, sẽ nói về chủ đề “mầu nhiệm Giáo Hội, nhất là về việc thi hành thừa tác vụ của hàng giáo phẩm”. Với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt nhất vào ngày 2/4, ĐTC đã nhấn mạnh đến vấn đề canh tân nội tâm để canh tân Giáo Hội, và trong đợt thứ hai, ngày Thứ Năm 29/4, với các vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Baltimore và Washington, ĐTC đã nhắc đến sứ viụ thánh hóa của các vị giám mục.
Chư Huynh Giám Mục thân mến,
1. … Vậy chúng ta hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ về munus sanctficandi của vị Giám Mục, tức là về việc phục vụ thánh đức của Giáo Hội Chúa Kitô, một phục vụ ngài được kêu gọi để thực hiện như một con người rao giảng Phúc Âm, một người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x 1Cor 4:1) và là một một người cha thiêng liêng của đàn chiên được trao phó cho việc chăm sóc của ngài.
2. Sứ vụ thánh hóa của vị Giám Mục bắt nguồn từ sự thánh thiện tuyệt hảo của Giáo Hội. Viì “Chúa Ktô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội nên Người đã thánh hóa Giáo Hội” (Eph 5:25-26), mà Giáo Hội đã được trang điểm bằng một đức thánh thiện trọn vẹn, và tự mình trở nên, “căn nguyên và nguồn mạch của tất cả sự thánh thiện trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô” (Lumen Gentium, 47). Sự thật đức tin nồng cốt này, một sự thật được tái khẳng định mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, cần phải được hiểu rõ và cảm nhận hơn nữa bởi tất cả mọi phần tử thuộc Thân Mình Chúa Kitô, vì nó là phần chính yếu của việc Giáo Hội nhận thức bản thân mình và là nền tảng của sứ vụ phổ quát của Giáo Hội.
Niềm tin tưởng của Giáo Hội về sự thánh thiện của mình, trước hết, là lời cung kính tuyên xưng lòng trung tín nhân hậu của Thiên Chúa đối với dự án cứu độ của Ngài nơi Chúa Kitô. Như thế, sự thánh thiện của Giáo Hội trở thành nguồn mạch tri ân và vui mừng đối với một tặng ân cứu chuộc và sự sống mới hoàn toàn nhưng không chúng ta đã lãnh nhận trong Chúa Kitô qua việc rao giảng tông truyền cũng như bằng các phép bí tích của Giao Ước mới vĩnh cửu. Được tái sinh trong Thánh Thần và được trở thành những dưỡng tử của Chúa Cha nơi Người Con yêu dấu của Ngài, chúng ta đã trở thành một vương quốc tư tế, một chủng tộc thánh thiện (x Ex 19:6; Rev 5:10), thành phần được kêu gọi dâng hiến bản thân mình “như một của lễ hy sinh sống động, thánh đức và đẹp lòng Chúa” (x Rm 12:1) để chuyển cầu cho toàn thể gia đình nhân loại.
Sự thánh thiện của Giáo Hội trên trần gian này đồng thời vừa thật sự lại vừa bất toàn (Lumen Gentium, 8). Sự thánh thiện của Giáo Hội vừa là một tặng ân vừa là một ơn gọi, một ân sủng xây dựng và là một lời mời gọi hãy liên lỉ trung thành với ân sủng ấy. Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề cao trước tất cả mọi người lãnh nhận phép rửa lý tưởng cao cả về ơn gọi phổ quát nên thánh như Thiên Chúa muốn, như là nền tảng cho chương trình canh tân việc Giáo Hội làm chứng cho Chúa Kitô trước thế giới. Công Đồng này đã tái khẳng định rằng “tất cả mọi Kitô hữu thuộc bất cứ bậc sống nào cũng đều được kêu gọi đạt đến tầm vóc viên trọn của đời sống Kitô giáo cũng như đến đức ái trọn hảo” (Lumen Gentium, 40), và đã kêu gọi hết mọi phần tử của Giáo Hội hãy chân thành nhìn nhận tội lỗi và nhu cầu cần phải liên lỉ hoán cải trên con đường của lòng thống hối và việc canh tân.
Cái cao cả của nhãn quan đức tin về sự thánh thiện trọn vẹn của Giáo Hội cũng như việc nhìn nhận thực tế về tình trạng tội lệ của các phần tử Giáo Hội cần phải phấn khích nơi chúng ta một thứ dấn thân hơn nữa trong việc trung thành sống đời Kitô hữu. Nó đặc biệt kêu gọi Giám Mục chúng ta hãy tiếp tục ý thức về chiều hướng và mục tiêu hoạt động của chúng ta là những thừa tác viên ban phát ân sủng của Chúa Kitô. Cái thách đố trước mắt chúng ta cũng như trước toàn thể Giáo Hội do Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như do Cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000 nêu lên vẫn còn hiệu nghiệm hơn bao giờ hết, đó là cuộc sống của hết mọi Kitô hữu cũng như của tất cả mọi cơ cấu Giáo Hội cần phải minh nhiên hướng đến việc theo đuổi sự thánh thiện.
3. Việc nỗ lực thánh hóa bản thân cần phải là tâm điểm cho đời sống và căn tính của hết mọi vị Giám Mục. Vị giám mục phải nhìn nhận mình cần phải được thánh hóa khi ngài thực hiện việc thánh hóa kẻ khác. Chính vị Giám Mục phải là Kitô hữu trước hết và trên hết – vobiscum sum Christianus (Thánh Âu Quốc Tinh, Sermo 340.1) – được kêu gọi sống đức tin tuân phục (x Rm 1:5), được thánh hóa bởi phép rửa và được ban cho sự sống trong Thánh Thần. Đồng thời, nhờ ân sủng của Bí Tích Truyền Chức và dấu ấn linh thiêng của bí tích này, mỗi một vị Giám Mục đóng vai trò của Chúa Kitô và tác hành thay cho Người (Lumen Gentium, 21). Bởi thế mà ngài được kêu gọi tiến bước theo con đường thánh thiện đặc biệt (Pastores Gregis, 13): hồn tông đồ của ngài phải là đức ái mục vụ là những gì liên kết trái tim của ngài với trái tim của Chúa Kitô trong một tình yêu hy hiến cho Giáo Hội cũng như cho tất cả mọi phần tử của Giáo Hội.
Thượng Hội Giám Mục gần đây nhất đã nhấn mạnh rằng sự thánh thiện khách quan phát xuất từ bí tích truyền chức và việc thi hành thừa tác vụ giám mục cần phải trùng hợp với sự thánh thiện chủ quan mà vị Giám Mục, nhờ ơn Chúa giúp, cần phải tiếp tục tiến triển (x. Pastores Gregisiii,I 11I). Bởi thế, nguyên lý liên kết cho thừa tác vụ của vị Gám Mục sẽ là việc ngài chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô và loan báo Phúc Âm cứu độ của Người: một tương hợp năng động giữa việc nguyện cầu và hoạt động là những gì làm phong phú một cách linh thiêng cả hoạt động bề ngoài lẫn đời sống nội tâm của ngài.
4. Thật vậy, Thượng Hội Giám Mục này đã thách đố các vị Giám Mục phải trở thành những người chuyên chú lắng nghe lời Chúa hơn ai hết qua việc nguyện cầu hằng ngày cũng như qua việc suy tư nghiền gẫm Thánh Kinh. Thật thế, đối với việc canh tân Giáo Hội trong thánh đức, vị Giám Mục chẳng những cần phải là một con người chiêm niệm; ngài còn phải là một bậc thày dạy sống con đường chiêm niệm nữa (x Pastores Gregis, 17). Việc cầu nguyện của ngài trước hết phải được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể: “chẳng những khi ngài đứng trước Dân Chúa như sacerdos et pontifex, mà còn bằng việc bỏ một số giờ vừa đủ để tôn thờ trước nhà tạm” (ibid, 16). Vì việc cầu nguyện của ngài đạt tới tột đỉnh và trọn vẹn của mình nơi Thánh Thể mà nó cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng việc năng lãnh nhận bí tích Thống Hối nữa, và nhất là bằng việc cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh. Tất cả đời sống cầu nguyện của ngài, hoặc tư riêng hay trong phụng vụ, sẽ nhờ đó trở thành nguồn phát sinh hoa trái tông đồ, vì đời sống của ngài trước Chúa Cha trong Thánh Thần như là một lời chuyển cầu cho toàn thể Thân Mình của Chúa Kitô.
Vì lý do này, vị Giám Mục chắc chắn sẽ vun trồng một thứ linh đạo giáo hội, “vì tất cả mọi sự trong đời sống của ngài đều hướng về việc xây dựng Giáo Hội trong yêu thương” (Pastores Gregis, 11). Ở ngay đầu của Cuộc Thượng Hội Giám Mục gần đây nhất, Tôi đã muốn liên kết thái độ phục vụ này với cộng đồng giáo hội ở chỗ chấp nhận một lối sống theo gương khó nghèo của Chúa Kitô, và Tôi kêu mời các vị Giám Mục hãy “chứng thực cho thấy việc hoán cải cá nhân cũng như cộng đồng sống đức khó nghèo Phúc Âm một cách hiệu lực diễn tiến trong Giáo Hội” (Opening Homily, 30/9/2001, 3). Vào lúc này đây Tôi khuyến khích chư huynh cũng như các vị Giám Mục huynh đệ của chư huynh hãy có một nhận thức như thế đối với việc thi hành thực tế thừa tác vụ giám mục của mình ở xứ sở của chư huynh, nhờ đó bảo đảm được rằng việc thi hành này càng trở nên tỏ tường hơn bao giờ hết việc hy sinh phục vụ giữa đàn chiên của Chúa Kitô. Điều này chắc chắn sẽ mang lại muôn vàn hoa trái bởi có được một tâm trạng tự do sâu xa hơn trong việc thi hành thừa tác vụ ấy, bởi việc thực hiện một chứng từ phúc âm sáng tỏ hơn nữa cho Chúa Giêsu Kitô, “Đấng thực hiện công cuộc cứu chuộc trong khó nghèo và bị áp bức” (Lumen Gentiuim, 8), và bởi mối liên đới hơn nữa với những chiến đấu và khổ đau của thành phần nghèo khó.
5. Tôi hết sức tin tưởng rằng, trong một Giáo Hội liên lỉ được kêu gọi canh tân nội tâm và chứng từ ngôn sứ, thì việc thi hành thẩm quyền của hàng giáo phẩm cần phải được xây dựng trên chứng từ của sự thánh thiện bản thân. Cái thách đố lớn lao của việc tân truyền bá phúc âm hóa Giáo Hội được kêu gọi trong thời đại chúng ta đây cần phải có uy tín bởi lòng trung thành của từng người với Phúc Âm cũng như với những đòi hỏi nơi vai trò làm môn đệ của Kitô hữu. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói những lời đáng ghi nhớ là: “chính bởi việc làm của mình cũng như bởi đời sống của mình mà Giáo Hội truyền bá phúc âm hóa thế giới, tức là, bằng chứng từ sống động trung thành theo Chúa Giêsu Kitô – chứng từ của một đức khó nghèo không dính bén, của một niềm tự do không lệ thuộc vào những thế lực trên thế gian này, tóm lại, bằng một chứng từ thánh thiện của Giáo Hội” (Evangelii Nuntandi, 41).
Khi chúng ta lấy đức tin suy nghĩ về dự án của Thiên Chúa đối với một gia đình nhân loại đã được hòa giải và làm nên một trong Chúa Kitô, một thứ ga đình mà Giáo Hội là một bí tích và là hình bóng tiên báo, chúng ta có thể thấy tỏ tường hơn bao giờ hết mối liên hệ bất khả phân ly giữa sự thánh thiện với sứ vụ của Giáo Hội (x Redemptoris Missio, 90). Bởi thế, yếu tố chính yếu của việc tân truyền bá phúc âm hóa phải là lòng nhiệt thành nên thánh, một lòng nhiệt thành thúc động tất cả mọi hoạt động của chúng ta và được thể hiện cụ thể nơi việc canh tân đức tin và đời sống Kitô hữu. Chúng ta đừng coi thường lời hiệu triệu ngôn sứ được ngỏ cùng toàn thể Giáo Hội nhờ cảm nghiệm của Đại Năm Thánh 2000, đó là Giáo Hội được kêu gọi để cống hiến một “việc luyện tập nên thánh” chân thực thích hợp với các nhu cầu của tất cả mọi người cũng như để bảo đảm rằng hết mọi cộng đồng Kitô hữu phải trở nên một học đường thực sự của việc nguyện cầu và thánh hóa bản thân (x Novo Millennio Ineunte, 33).
6. Thế nên, đây là cả một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội vào lúc bình minh của ngàn năm mới và là con đường chắc chắn cho việc canh tân nội tâm thực sự của Giáo Hội. Vì cộng đồng Công Giáo ở Hiệp Chủng Quốc dưới quyền lãnh đạo của chư huynh đang nỗ lực chấp nhận thách đố này, Tôi chắc chắn sẽ nguyện cầu để chư huynh và toàn thể hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được trao phó cho việc mục vụ chăm sóc của chư huynh được hằng ngày lớn lên trong thánh đức và trở thành một nắm men đích thực của Phúc Âm nơi xã hội Hoa Kỳ.
Chư Huynh thân mến, trong nỗ lực của mình thi hành thừa tác vụ thánh hóa cần thiết nơi Giáo Hội ở Hoa Kỳ, chư huynh may mắn có được một gương mẫu nổi bật của đức thánh thiện giáo phẩm nơi Thánh Gioan Neumann, vị có một đời sống chỉ biết dấn thân cho việc quảng đại và khiêm tốn phục vụ đàn chiên của ngài. Được phấn khích bởi gương lành của ngài cũng như được hướng dẫn nhờ lời nguyện cầu của ngài, chớ gì chư huynh hằng ngày lớn lên trong ân sủng thừa tác vụ của chư huynh, nhờ đó chư huynh làm trọn hơn bao giờ hết trách nhiệm mục vụ yêu thương trọn hảo của chư huynh (x. Lumen Gentium, 41). Phó dâng tất cả chư huynh cho lời chuyển cầu của ngài, Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh của Tôi như một bảo chứng của niềm vui và an bình trong Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến ngày 29/4/2004