GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 5/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.
__________________
NGÀY 9 CHÚA NHẬT V PHỤC SINH |
ĐIỀU RĂN MỚI
Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã truyền cho Maisen 10 giới răn, nhưng với Chúa Giêsu, thì phải thêm một giới răn nữa, giới răn yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34). Tình yêu là một giới răn. Nói một cách khác, theo Chúa Giêsu, không yêu thương nhau là một vi phạm, một lỗi lầm, một tội. Và đó là yếu tố mới mẻ trong giới luật này.
Toàn bộ Tin Mừng được Chúa Giêsu rao giảng đã nói lên ý nghĩa của giới răn mới – giới răn tình yêu. Chính Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế và đặc biệt trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Ngài không làm gì hơn, không nói gì hơn, và cũng không phổ biến gì hơn ngoài giới luật yêu thương. Ngài đã làm sống lại và đổi mới lối nhìn của nhân loại về tình yêu. Nhờ giáo lý này, nhân loại mới có dịp nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người và từng người. Hơn thế nữa, nhờ giới luật mới này, Ngài đã muốn tạo điều kiện dễ dàng cho con người để có thể trở thành con cái Thiên Chúa, và có thể chiếm hữu được nước Trời. Vì có gì dễ dãi hơn tình yêu.
Tình yêu. Ai trên cõi đời này cũng cần tình yêu. Không ai có thể sống được nếu thiếu tình yêu. Ở tuổi nào, ở giai cấp nào trong xã hội người ta cũng cần tình yêu. Những người mà nhân loại gọi là hung thần, bạo chúa, những kẻ đầu trộm, đuôi cướp, những kẻ sống ngoài lề xã hội, thật ra họ cũng vẫn muốn yêu và được yêu. Do đó, khi Chúa Giêsu gọi tình yêu là giới răn của Ngài, Ngài đã muốn tạo cơ hội để mọi người được làm Kitô hữu, làm môn đệ Ngài. Và hơn thế, Ngài muốn cho mọi người biết rằng Ngài là một Thiên Chúa của Tình Yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Gioan 4:16).
Như vậy, người Kitô hữu, người môn đệ Chúa Giêsu khi đem tình yêu vào cuộc đời mình, trao ban và lãnh nhận tình yêu không gì hơn là làm cho giới răn yêu thương nở hoa, phong phú, và đem lại ý nghĩa tích cực cho đời. Khi yêu nhau, người ta tặng quà, tặng hoa, hoặc tặng nhau những ân cần, săn đón, những vuốt ve, chiều chuộng. Nhưng yêu như Chúa yêu, và nhìn tình yêu như Chúa nhìn không chỉ dừng lại ở những món quà, những săn sóc cần thiết, hoặc những tiếng nói yêu đương. Tình yêu mà Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây được tìm thấy trong dụ ngôn người Samaritanô hiền hậu. Dụ ngôn người thanh niên hoang đàng. Dụ ngôn người thiếu phụ ngoại tình. Còn về phần Thiên Chúa, ta tìm thấy nơi biến cố Nhập Thể, trong Nhà Tiệc Ly, trong vườn Giệtsimani, trong dinh tổng trấn Philatô, và trên Núi Sọ. Đó là một tình yêu hoàn toàn dâng hiến, phục vụ. Yêu đến thí mạng sống cho người mình yêu: “Không ai có tình yêu lớn hơn người thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13).
Yêu như Chúa yêu. Yêu cho đến chết. Đây là điều mới mẻ của giới răn tình yêu mà Chúa Giêsu muốn ta phải tự khám phá và áp dụng vào cuộc sống. Và khi áp dụng vào cuộc sống, chúng ta sẽ trở thành môn đệ Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Gioan 13:35).
Yêu như Chúa yêu. Yêu mới mẻ là mở rộng vòng tay đón nhận sự trở về, sự xám hối, và thành tâm cải thiện của người chồng bê bối, vô trách nhiệm, rượu chè, cờ bạc, và đĩ điếm. Của người vợ trắc nết đã bỏ nhà theo trai. Của đứa con đi hoang, băng đảng, du đãng, mang thai nhưng nay thấy hối lỗi mà tìm về.
Yêu như Chúa yêu. Yêu mới mẻ là sẵn sàng đối thoại với người hàng xóm, người bạn cùng sở làm, người anh chị em đã làm thiệt hại, đã nói xấu, nói hành, đã vu khống, và đã miệt thị ta nhưng đã biết lỗi, nhận lỗi và xin lỗi.
Yêu như Chúa yêu. Yêu mới mẻ là không kết án ai dù thấy người đó xem như có lỗi. Không phê bình, chỉ trích ai, dù người đó bề ngoài coi như kém cỏi hơn ta. Trường hợp người thiếu phụ bị bắt quả tang lúc phạm tội ngoại tình là một thí dụ. Chúa Giêsu đã không kết án chị như những Pharisiêu và kinh sư. Có lẽ Ngài đã nhìn thấy những tâm sự khó xử của chị, những yếu đuối và những thâm ý của con người, mà chị chỉ là nạn nhân đáng thương. Vì vậy, Ngài chỉ nói với chị: “Ta cũng không luận tội con. Hãy về và đừng phạm nữa” (Gioan 8:11).
Yêu như Chúa Yêu. Yêu mới mẻ là cùng vào phòng Tiệc Ly với Chúa để nhìn và bắt chước gương Ngài. Một Thiên Chúa làm người đang quì xuống rửa, lau và hôn chân các môn đệ, trong đó có chân của Phêrô người sẽ chối Chúa. Chân của Giuđa, kẻ sẽ phản nộp Ngài.
Yêu như Chúa yêu. Yêu mới mẻ là cùng vào vườn Cây Dầu với Chúa Giêsu để chứng kiến cơn xao động não nề của Ngài trước cái giá phải trả cho tình yêu: “Linh hồn Thầy buồn rầu đến nỗi chết” (Mathêu 26:38). Ngài buồn vì thấy nhân loại quay lưng trước tình yêu của Ngài. Ngài buồn vì sự hy sinh của Ngài sẽ trở thành bản án cho nhiều linh hồn không đón nhận tình yêu hy sinh ấy.
Và sau cùng yêu như Chúa yêu. Yêu mới mẻ là cùng theo Chúa Giêsu lên núi Sọ. Ở đây hãy để lòng mình lắng đọng trước những tiếng thở hổn hển và đau đớn của một thân xác đã rã rời vì bị tra tấn. Trước sức đè bẹp của thói vong ân và tệ bạc của loài người, nhưng Chúa vẫn nói với Chúa Cha: “Xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Luca 23:34).
Yêu như thế quả là mới mẻ. Là một lối yêu mới của Thiên Chúa. Lối yêu của những môn đệ Ngài. Tình yêu chứng nhân như Chân Phước Têrêxa Calcutta, một nữ tu nghèo, nhỏ thó, yếu đuối và bệnh tật. Một người không viết nhiều, không nói nhiều, nhưng chỉ biết quên mình hy sinh và phục vụ những anh chị em nghèo, bệnh tật, cùi hủi và bị đời quên lãng, bỏ rơi bên các hè phố, xó xỉnh của thủ đô Tân Đề Ly bên Ấn Độ. Như Đức Giám Mục Cassaigne, người đã bỏ Tòa Giám Mục Saigon để về sống với những anh chị em cùi người Thượng tại Dilinh, Việt Nam. Như Thánh Maximilian Kolbe người đã chấp nhận chết thay cho một bạn tù trong trại tù Đức Quốc Xã. Và yêu như những bà mẹ, người vợ, ông bố, người chồng sẵn sàng tha thứ, chấp nhận, và chịu đựng những phản bội của chồng, của vợ. Những người cha, người mẹ sẵn sàng tha thứ và đón nhận những đứa con hư hỏng nay biết thống hối trở về như người cha già trong Phúc Âm.
Thế giới hôm nay, thế giới của văn minh và tiến bộ. Nhưng cũng là thế giới của chiến tranh, bạo loạn, khủng bố, và chết chóc. Thế giới thiếu vắng tình người. Thế giới mà sự lạnh lùng của con người đang làm băng giá và chai cứng bao con tim. Thế giới của tình yêu đồng tính. Của tình yêu trai gái sống chung mà không bao giờ đi tới hôn nhân. Thế giới của phá thai. Trong thế giới ấy, giới luật mới của Chúa là một giới luật cần thiết. Ngài đang cần nhiều chứng nhân hành động, trong đó có bạn và tôi. Ngài muốn nhờ ta cùng tiếp tay với Ngài mở rộng biên giới tình yêu của Ngài. Sức khỏe, tài năng, và sự giầu có phú túc của ta, Ngài muốn mượn nó để phổ biến sứ điệp tình yêu Ngài. Và Ngài muốn ta là một chứng nhân của tình yêu đổi mới ấy.
Trần Mỹ Duyệt
Yêu Thương Trọn Hảo là Tôn Vinh Chúa Kitô Phục Sinh
Bài Phúc Âm hôm nay có hai phần rõ ràng: phần đầu về vinh hiển của Chúa Kitô và phần thứ hai về giới răn mới của Người. Trước hết, về vinh hiển của Chúa Kitô, theo chiều hướng cũng như theo ý nghĩa của riêng bài Phúc Âm hôm nay thì “vinh hiển” của Chúa Kitô được Người nói đến ở đây chính là gì? Và phần vinh hiển này của Người với phần về giới răn mới của Người có liên quan gì với nhau không mà lại được Giáo Hội cho đọc bài Phúc Âm có cả hai phần này chung với nhau như vậy?
Nếu căn cứ vào chiều hướng cũng như vào ý nghĩa của riêng bài Phúc Âm hôm nay thì “vinh hiển” của Chúa Kitô được Người nói đến ở đây, theo tôi, có tất cả là ba khía cạnh, khía cạnh về việc tỏ mình ra, khía cạnh về quyền thống trị và khía cạnh về được nhận biết như sau.
Trước hết, về khía cạnh “vinh hiển” của Chúa Kitô ở việc tỏ mình ra, chúng ta thấy được ở ngay câu văn mở đầu của bài Phúc Âm hôm nay, đó là câu: “Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: ‘Giờ đây Con Người được vinh hiển…’”. “Giuđa ra khỏi phòng tiệc” để làm gì? Phúc Âm Thánh Gioan, trong cùng đoạn với bài Phúc Âm hôm nay, ở câu 26 và 27, cho biết về Giuđa ngay trước lúc đó là: “Chúa Giêsu nhúng miếng bánh vào đĩa mà trao cho Giuđa, con của Simon Ích-Ca. Ngay sau đó Satan đã nhập vào lòng hắn”, và Phúc Âm Thánh Luca, ở đoạn 22, câu 3 và 4, đã tiết lộ cho chúng ta biết rõ về âm mưu của Giuđa “ngay sau đó” thế này: “Bấy giờ Satan chiếm lấy Giuđa gọi là Ích-Ca, một phần tử trong Nhóm 12 Vị. Hắn ra đi để bàn bạc với các trưởng tế cùng các viên chức về cách trao nộp Người cho họ”.
Như thế, theo chiều hướng và ý nghĩa của riêng bài Phúc Âm hôm nay thì câu Chúa Giêsu nói: “Giờ đây Con Người được vinh hiển” nghĩa là, kể từ “khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc” là đã tới giờ, tới lúc Người chịu khổ nạn và tử giá, nhờ đó, Người có thể tỏ mình ra, nghĩa là có thể nhờ đó “làm chứng cho chân lý” (Jn 18:37), chân lý ở chỗ: Người thực sự là Đấng Thiên Sai, “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, đúng như lời tuyên xưng của tông đồ Phêrô ở đoạn 16 câu 16 Phúc Âm Thánh Mathêu. Chưa hết, sự kiện Người chứng thực Người thực sự là Đấng Thiên Sai, qua việc “Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2:8), còn cho thấy chính Cha là Đấng đã sai Người nữa. Đó là lý do Chúa Giêsu chẳng những nói: “Giờ đây Con Người được vinh hiển”, mà còn tiếp “và Thiên Chúa cũng được hiển vinh nơi Người”.
Đó là khía cạnh thứ nhất, khía cạnh “vinh hiển” của Chúa Kitô ở nơi việc Người tỏ mình ra. Sau đây là khía cạnh thứ hai, khía cạnh “vinh hiển” của Chúa Kitô ở nơi việc hiển linh của Người.
Cũng theo chiều hướng và ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay, thì khía cạnh thứ hai và thứ ba nơi “vinh hiển” của Chúa Kitô được chứa đựng trong câu Phúc Âm “nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại làm cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài, và chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ làm cho Người được hiển vinh”. Khía cạnh thứ hai và thứ ba nơi “vinh hiển” của Chúa Kitô đó là khía cạnh về việc hiển linh của Người và khía cạnh về việc Người được nhận biết.
Đúng thế, khía cạnh “vinh hiển” của Chúa Kitô là việc hiển linh của Người là ở chỗ Người phục sinh từ trong kẻ chết vì Người chính là Thiên Chúa, hay, như kiểu diễn tả của tông đồ Phêrô qua Bài Giảng Tiên Khởi trong Sách Tông Vụ đoạn 2 câu 24 là: “Thiên Chúa đã giải cứu Người khỏi xiềng xích sự chết và làm cho Người phục sinh”. Theo tôi, đó chính là ý nghĩa của câu “Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại làm cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài”. Tức nếu Thiên Chúa thực sự là Đấng đã sai Con Mình xuống thế, như được Con của Ngài chứng thực qua cuộc tử nạn và tử giá của Người, thì thực sự “Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”, và một khi được vinh hiển nơi Con như thế, “thì Thiên Chúa lại làm cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài”, ở chỗ, Ngài làm cho Người sống lại để chứng tỏ Người thực sự “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đấng “đồng bản thể với Đức Chúa Cha”, như Kinh Tin Kính tuyên xưng, Đấng thực sự là Thiên Chúa, đúng như Người đã tự xưng và tuyên bố với dân Do Thái trong bài Phúc Âm Thánh Gioan tuần trước: “Tôi và Cha Tôi là một”.
Như thế thì lời Chúa Giêsu nói “và chẳng bao lâu nữa Thiên Chúa sẽ làm cho Người được hiển vinh” được áp dụng vào khía cạnh thứ hai nơi “vinh hiển” của Chúa Kitô, phải chăng nghĩa là chẳng bao lâu nữa Thiên Chúa sẽ làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết?
Nếu căn cứ vào trạng từ chỉ về thời gian “chẳng bao lâu nữa” thì chúng ta có thể nghĩ và nói như thế. Vì lúc Chúa Kitô nói lời này là vào buổi tối Tiệc Ly, thì khoảng thời gian “chẳng bao lâu nữa” sẽ là Ngày Thứ Nhất trong tuần, ngày Người sống lại từ trong kẻ chết. Tuy nhiên, nếu xét theo cấu trúc của toàn đoạn văn cùng với ý hướng của đoạn văn này, thì mệnh đề độc lập cuối cùng của phần đầu bài Phúc Âm đây, mệnh đề “và chẳng bao lâu nữa Thiên Chúa sẽ làm cho Người được hiển vinh”, có được thể hiểu và áp dụng vào khía cạnh thứ ba nơi “vinh hiển” của Chúa Kitô, đó là khía cạnh Người sẽ được các chứng nhân tiên khởi nhận biết sau khi sống lại từ trong kẻ chết.
Thật vậy, xét về cấu trúc văn chương của phần đầu đoạn Phúc Âm này, thì câu “Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: ‘Giờ đây Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa cũng được hiển vinh nơi Người’” đã áp dụng cho khía cạnh “vinh hiển” thứ nhất của Chúa Kitô, khía cạnh “vinh hiển” ở chỗ Người tỏ mình ra qua cuộc tử nạn của Người để chứng thực Người là Đấng Thiên Sai, và câu “Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại làm cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài, và chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ làm cho Người được hiển vinh”, đã được áp dụng cho khía cạnh thứ hai của “vinh hiển” Người, khía cạnh Thiên Chúa làm cho Người sống lại hiển linh từ trong kẻ chết để chứng thực cho con người thấy Người thực sự là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Con và Cha chỉ là một về bản tính, thì mệnh đề độc lập cuối cùng trong câu thứ hai, cũng là mệnh đề thuộc về hay dính liền với câu thứ hai trên đây sẽ được hiểu là, sau khi đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết, Thiên Chúa còn làm cho Người được các tông đồ nhận biết Thày của họ nữa, Người chẳng những là Đấng Thiên Sai mà còn là chính Thiên Chúa, đúng như lời tuyên tín của tông đồ Tôma vào lần Chúa Giêsu hiện ra thứ hai “tám ngày sau”: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!”.
Tuy nhiên, khía cạnh vinh hiển thứ ba của Chúa Kitô không phải chỉ ở chỗ Người được một số người thân cận nhận biết sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết, mà còn ở chỗ được họ rao giảng như một tin mừng cứu độ cho tất cả mọi tạo vật (x Mk 16:15), nhờ đó Người được cả thế giới nhận biết, và có thể phục hồi mọi sự theo ý định của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô xác tín và viết cho Giáo Đoàn Côrintô ở đoạn 15 câu 28 thế này: “Khi mà cuối cùng tất cả thuận phục Con, thì chính Người sẽ tự qui phục mình cho Đấng bắt mọi sự suy phục Con, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự”.
Theo tôi, đó là lý do, ngay sau câu “con các ơi, Thày chẳng còn ở với các con bao lâu nữa”, câu mở đầu phần thứ hai của bài Phúc Âm hôm nay, phần liên quan đến giới răn mới của Chúa Kitô, Giáo Hội đã bỏ một câu liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa Kitô, đó là câu: “Các con sẽ tìm Thày, nhưng bây giờ Thày nói cho các con biết những gì Thày đã nói với người Do Thái, đó là ‘nơi Tôi đi quí vị không thể nào tới được’”, mà vào ngay câu, “Thày ban cho các con một giới răn mới…”, một giới răn mà, nếu được thành phần môn đệ tin Người “là Chúa, là Thiên Chúa” hết lòng thực hành đến mức “như Thày đã yêu thương các con”, họ sẽ làm cho Người được nhận biết, đúng như Người khẳng định cuối bài Phúc Âm hôm nay: “Nếu các con yêu thương nhau, người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thày”.
Vậy yêu thương trọn hảo, yêu thương như Thày yêu thương, chính là tác động tôn vinh Chúa Kitô, là tác động chứng tỏ quyền lực phục sinh toàn năng của Người chiến thắng tội lỗi và sự chết, là làm cho vương quốc của Người trị đến trên thế gian này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL