GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 6/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.
__________________
NGÀY 16 THỨ TƯ |
Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Anrê Tường
Vinhsơn Tương
Ðaminh Nguyễn Ðức Mạo
Ðaminh Nguyên
Ðaminh Nhi
Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’
Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ
Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”
(tiếp theo)
Chương VI
Việc Lưu Giữ Thánh Thể và Việc Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ
1. Việc Lưu Giữ Thánh Thể (129-133)
129. “Việc cử hành Thánh Thể nơi Hiến Tế Thánh Lễ thực sự là nguồn mạch và là cùng đích của việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Hơn nữa, các hình thánh được lưu giữ sau Thánh Lễ chính yếu là để cho thành phần tín hữu không thể dự Lễ, nhất là tất cả những người bệnh và lớn tuổi, nhờ mối Hiệp Thông bí tích, được liên kết với Chúa Kitô và với Hy Tế của Người được dâng lên trong Thánh Lễ” (219). Ngoài ra, việc lưu giữ ấy cũng giúp thực hiện việc tôn thờ đại Bí Tích này và tôn thờ Thiên Chúa nơi bí tích này. Bởi thế cần phải hết sức cổ võ những hình thức tôn thờ chẳng những riêng tư mà còn có tính cách công khai và cộng đồng, như được chính Giáo Hội thiết lập hay chuẩn nhận (220).
130. “Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ cũng như theo những tập tục địa phương hợp lý, Bí Tích Cực Linh này cần phải được lưu giữ trong nhà tạm ở một chỗ cao trọng, nổi nang, dễ thấy và được trang trí một cách xứng đáng”, ngoài ra còn “tiện cho việc cầu nguyện” nữa nhờ địa điểm tĩnh lặng, có khoảng trống trước nhà tạm cũng như có các chỗ ngồi và bàn quì (221). Ngoài ra, cần phải lưu ý tới tất cả mọi qui định của các sách phụng vụ cũng như đến qui luật (222), nhất là về vấn đề tránh nguy cơ bị tục hóa (223).
131. Ngoài những qui định theo giáo luật ở khoản 934.1, cấm không được lưu giữ Bí Tích Thánh Thể ở một nơi không bảo đảm thuộc thẩm quyền của vị Giám Mục giáo phận, hay ở một nơi có nguy cơ bị tục hóa. Nếu xẩy ra trường hợp này, vị Giám Mục giáo phận phải lập tức thâu hồi bất cứ phép ban nào về việc lưu giữ Thánh Thể (224).
132. Không ai được phép mang Thánh Thể Cực Linh về nhà của mình, hay đến nơi nào nghịch lại với qui luật. Cũng phải nhớ rằng việc lấy đi hay giữ lấy các hình thánh với mục đích để phạm thánh hay quẳng đi là một xúc phạm trầm trọng graviora delicta, một xúc phạm chỉ được giải bởi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin (225).
133. Vị Linh Mục hay Phó Tế, hoặc một thừa tác viên ngoại lệ nào lấy Thánh Thể Cực Linh khi vị thừa tác viên thánh chức vắng mặt hoặc bị ngăn trở không thể mang đến cho kẻ liệt Rước Lễ, phải làm sao để có thể đi thẳng từ nơi lưu giữ Bí Tích này đến nhà kẻ liệt, không dính dáng đến bất cứ một việc phạm tục nào, hầu tránh gây ra tình trạng tục hóa mà lại bảo đảm được việc hết sức cung kính đối với Mình Thánh Chúa Kitô. Ngoài ra, bao giờ cũng phải theo Lễ Nghi trong việc cho kẻ liệt Rước Lễ (226).
2. Một Số Hình Thứ Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ (134-141)
134. “Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Hiến Tế Thánh Lễ là một việc tôn kính vô giá trong đời sống của Giáo Hội. Việc tôn thờ này liên kết chặt chẽ với việc cử hành Hiến Tế Thánh Thể” (227). Bởi thế, cần phải hăng say cổ võ cả việc tôn sùng công khai lẫn tư riêng Thánh Thể Cực Linh ngoài Thánh Lễ, vì nhờ việc tôn sùng này, tín hữu tỏ ra tôn thờ Chúa Kitô, hiện diện một cách đích thực và thực sự, Vị “Thượng Tế của những gì thiện hảo sau này” (229) và là Đấng Cứu Chuộc của thế giới. “Các vị Mục Tử có trách nhiệm, kể cả bằng chứng từ đời sống của mình, tỏ ra ủng hộ việc tôn thờ Thánh Thể, nhất là việc chầu Bí Tích Cực Linh này, cũng như việc nguyện cầu tôn thờ trước Chúa Kitô hiện diện dưới các hình thánh thể” (230).
135. Tín hữu “không nên bỏ qua việc kính viếng Bí Tích Cực Linh này trong ngày sống, như là một dấu chứng tỏ lòng biết ơn, một bảo chứng của lòng yêu mến, và là một việc tôn thờ đáp lại Chúa Kitô hiện diện nơi bí tích này” (231). Vì việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Cực Linh, như là một thứ hiệp thông bằng lòng muốn, liên kết chặt chẽ tín hữu với Chúa Kitô, như hiển nhiên thấy nơi gương của rất nhiều Thánh Nhân (232). “Trừ khi có lý do quan trọng trái nghịch, một nhà thờ lưu giữ Bí Tích Cực Linh này phải mở cửa cho tín hữu ít là mấy tiếng mỗi ngày, để họ có thể bỏ giờ ra cầu nguyện trước Bí Tích Cực Linh ấy” (223).
136. Đấng Bản Quyền phải tận tình nuôi dưỡng việc tôn thờ Thánh Thể, dù dài ngắn hay hầu như liên tục, với sự tham dự của cộng đồng dân Chúa. Trong những năm gần đây, ở rất nhiều nơi, “việc tôn thờ Bí Tích Cực Linh này còn là một việc làm quan trọng hằng ngày và trở thành một mạch nguồn thánh thiện khôn lường”, cho dù cũng có những nơi “rõ ràng hầu như thiếu hẳn việc thờ phượng theo hình thức tôn thờ thánh thể” (234).
137. Phải luôn luôn thực hiện việc chầu Bí Tích Thánh Thể Cực Linh theo những qui định của các sách phụng vụ (235). Trước Bí Tích Cực Linh này, ở trong nhà tạm hay được đặt ra ngoài, không được loại trừ việc cầu kinh Mân Côi là một kinh nguyện đáng ca ngợi “nơi tính cách đơn sơ mà lại sâu xa của kinh này” (236). Thậm chí cả vào trường hợp Thánh Thể được đặt ra ngoài cũng phải nhấn mạnh đến tính cách của kinh nguyện này như là một việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm về đời sống của Chúa Kitô Cứu Thế cũng như về dự án cứu độ của Chúa Cha, nhất là khi thực hiện bằng các bài đọc lấy từ Thánh Kinh (237).
138. Ngoài ra, trường hợp nếu đặt Bí Tích Thánh Thể Cực Linh ra ngoài thì không được để vắng người chầu, cho dù chỉ trong chốc lát. Bởi thế, cần phải sắp xếp làm sao để ít là một số tín hữu bao giờ cũng có mặt vào những lúc ấn định, cho dù họ thay phiên nhau.
139. Nơi nào vị Giám Mục giáo phận có những thừa tác viên thánh chức hay những người ngài có thể chỉ định thực hiện mục đích này, tín hữu vẫn có quyền thường xuyên kính viếng tôn thờ Bí Tích Thánh Thể Cực Linh, cũng như được tham dự vào việc tôn thờ trước Thánh Thể Cực Linh lộ thiên ít là một số lần trong năm.
140. Rất nên thực hiện việc, ít là ở những thành phố hay những tỉnh rộng lớn, vị Giám Mục giáo phận chỉ định một nhà thờ để thường trực tôn thờ Thánh Thể; tuy nhiên, nơi nhà thờ này phải thường xuyên cử hành Thánh Lễ, thậm chí nếu được thì cử hành hằng ngày, song đang khi cử hành Thánh Lễ thì phải ngưng việc để Thánh Thể lộ thiên (238). Bánh thánh được đặt lộ thiên cho giáo dân tôn thờ hay nhất là bánh thánh được truyền phép trong Thánh Lễ ngay trước giờ tôn thờ này, và bánh thánh ấy phải được đặt trong chén thánh trên bàn thờ sau khi Hiệp Lễ (239).
141. Vị Giám Mục giáo phận nên công nhận và nâng đỡ bao nhiêu có thể quyền hạn của những nhóm hội tín hữu khác nhau trong việc hình thành những hội đoàn hay những hiệp hội để thực hiện việc tôn thờ Thánh Thể, thậm chí là một việc tôn thờ hầu như liên tục. Khi nào các hiệp hội này có tính cách quốc tế, thì Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích có trách nhiệm thiết lập chúng và phê chuẩn nội qui của chúng (240).
3. Những Cuộc Rước Kiệu và Những Cuộc Hội Nghị Thánh Thể (142-145)
142. “Vị Giám Mục giáo phận cần phải phác họa các qui định về những cuộc rước kiệu liên quan đến việc tham dự cũng như đến việc thực hiện điều này một cách xứng đáng” (241), và cần phải cổ võ tín hữu thực hiện việc tôn thờ Thánh Thể.
143. “Theo phán đoán của vị Giám Mục giáo phận, ở đâu có thể thì nên thực hiện việc rước kiệu qua các đường phố công cộng, nhất là vào dịp Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô như là một chứng từ công khai đối với việc tôn kính Bí Tích Cực Linh này” (242), vì “việc tín hữu sốt sắng tham dự vào cuộc rước kiệu Thánh Thể vào dịp Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một ân huệ Chúa ban hằng năm làm cho những ai tham dự được tràn đầy niềm vui mừng hoan hỉ” (243).
144. Mặc dù việc này ở một số nơi không thể thực hiện được, cũng không thể để mất đi truyền thống tổ chức những cuộc rước kiệu thánh thể này. Trái lại, phải tìm những cách mới mẻ để thực hiện việc rước kiệu này theo các hoàn cảnh ngày nay: chẳng hạn, ở các đền thánh, hay ở các công viên với phép của chính quyền.
145. Cần phải hết sức chú trọng tới giá trị mục vụ của các Hội Nghị Thánh Thể, và những cuộc hội nghị này “phải là một dấu chỉ đích thực của đức tin và đức mến” (244). Cần phải cẩn thận sửa soạn và thực hiện những cuộc hội nghị này theo những gì đã được qui định (245), nhờ đó tín hữu Chúa Kitô được dịp tôn thờ các mầu nhiệm Mình Máu Thánh Con Thiên Chúa một cách xứng hợp, cũng nhờ đó họ tiếp tục cảm nghiệm được nơi bản thân họ các hoa trái của Ơn Cứu Chuộc (246).