GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 18 THỨ SÁU, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

 

CON CHIÊN THỨ 100

 

Thứ Sáu trong tuần lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta mừng Lễ Thánh Tâm Chúa, và ngay ngày hôm sau, Thứ Bảy, chúng ta mừng Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Giáo Hội lại cử hành Lễ Thánh Tâm Chúa vào thời điểm phụng niên này, thời điểm trong tuần Lễ Mình Máu Thánh Chúa, và tại sao Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một lễ trước Công Đồng Chung Vaticanô II được mừng cố định vào ngày 22/8, hiện nay lại được Giáo Hội mừng vào ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu?

Nói chung, nếu Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu hiệu cho Mạc Khải Thần Linh, cho Tình Yêu Thiên Chúa vô cùng xót thương nhân hậu đối với loài người, đến nỗi đã hóa thành nhục thể ở với loài người và đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc con người, thì Khiết Tâm Mẹ Maria là biểu hiệu cho đức tin tuân phục của con người mà Mẹ là đại diện tỏ ra trước Tình Yêu Thiên Chúa, tỏ ra chấp nhận Mạc Khải Thần Linh của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Phần tôi, mỗi lần nghĩ đến Thánh Tâm Chúa tôi hết sức nghẹn ngào cảm động, đến nỗi, đúng như một câu đáp ca đã diễn tả: “Lưỡi tôi dính vào cuống họng”. Bởi khi nghĩ đến Thánh Tâm Chúa tôi thường cảm nhận sâu xa những điều sau đây:

Thứ nhất, Thiên Chúa không phải chỉ là một Thần Linh Toàn Năng mà còn là một Người Cha Toàn Thiện nữa. Nếu trong thời Cựu Ước, Ngài đã tỏ ra Ngài là một Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất Toàn Năng thế nào thì trong thời Tân Ước Ngài cũng đã tỏ ra Ngài là vị Thiên Chúa Ba Ngôi Toàn Thiện như vậy. Ngài Toàn Thiện ở chỗ yêu thương con người. Ngài yêu thương con người ở chỗ muốn cho họ được Hiệp Thông Thần Linh với Ngài, được sống chính Sự Sống Thần Linh vô cùng trọn hảo và viên mãn của Ngài. Để con người được Hiệp Thông Thần Linh với Ngài, Ngài chẳng những đã tỏ mình ra cho họ qua Lời Nhập Thể là Con Một của Ngài, mà còn, ngay trong chính khi tỏ mình ra cho họ nơi Con Người Giêsu Kitô Thiên Sai của mình, Ngài đã ban Thánh Thần của Ngài cho họ nữa, để đúng như lời Chúa Giêsu đã mạc khải ở Lời Nguyện Hiến Tế kết Bữa Tiệc Ly “như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được hiệp nhất trong Chúng Ta” (Jn 17:21-22). Mối Hiệp Thông Thần Linh này đã được hiện thực một cách cụ thể ngay trên trần gian này nơi Bí Tích Thánh Thể, một Bảo Chứng Hiệp Thông Vĩnh Hằng.

Thứ Hai, Thiên Chúa Toàn Thiện chẳng những tỏ mình ra cho chung con người qua biến cố Lời Nhập Thể và Vượt Qua, cũng như ban Thánh Thần của Ngài cho chung Giáo Hội qua biến cố Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, mà còn tiếp tục tỏ mình ra với mỗi một con người, trong đó có tôi, như con chiên lạc thứ 100 của Ngài (x Lk 15:4), một ngôi vị con người đã được Ngài biết trước khi tôi xuất hiện trong lòng thai mẫu (x Jer 1:5). Nghĩa là Ngài tiếp tục tỏ mình ra và thông mình ra cho tôi, cho mỗi một người chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta được nhận biết Ngài hơn như Chúa Kitô nhận biết Ngài, cũng như được hiệp thông với Ngài hơn bằng Thánh Thần của Ngài. Đó là lý do tôi cảm thấy vô cùng xúc động và thấm thía khi đọc đến những lời mạc khải tư sau đây của Chúa Giêsu với nữ giáo dân Magarita trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu của Người. Vì tôi thấy những lời ấy chẳng những hợp với cảm nghiệm sống đạo thực tế của tôi mà còn hoàn toàn hợp với tinh thần Phúc Âm nữa.

Lời mạc khải tư thứ nhất về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Thời giờ con sống trong những khoái lạc hão huyền là thời giờ Cha đợi chờ con” (ngày 11-7-1967). Ôi, thật là chí lý. Thật là cảm kích. Trong khi tôi sống trong tội lỗi, đang tìm kiếm những sự giả trá mau qua một cách mù tối, thì Thiên Chúa là Cha tôi ở trên trời vẫn đợi chờ tôi. Đó là hình ảnh một vị Thiên Chúa Nhập Thể đang ngồi ở bờ giếng Giacóp vào buổi trưa nóng bức để chờ đợi và gặp cho bằng được người nữ Samaritanô ngoại lai tội lỗi sống với 6 người chồng, một con người cảm thấy mình tội lỗi chỉ dám ra giếng kín nước vào lúc vắng người nhất nhưng có ngờ đâu lại là lúc Thiên Chúa đang ngồi chờ gặp chị (x Jn 4:6-7).

Lời mạc khải tư thứ hai về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Trong con mắt của Cha, một tội nhân tìm kiếm Cha thì không còn là một tội nhân nữa, mà là một linh hồn bị thương đang trên đường tìm về Ánh Sáng và Chân Lý” (ngày 21-1-1969). Ôi, Cha trên trời luôn sẵn sàng tha thứ cho tội nhân chúng ta trước khi chúng ta ngỏ lời xin Ngài tha thứ nữa kìa. Bởi thế, điều Ngài làm đau lòng nhất và tội phạm đến Ngài nhất không phải là tội sát nhân, loạn luân, trộm cướp v.v. mà là thái độ không tin tưởng vào lòng thương xót vô cùng nhân hậu của Ngài, tức là tội phạm đến Thánh Linh, một tội không thể tha thứ cả ở đời này lẫn đời sau. Không phải hay sao, trong thời gian đứa con thứ đang phung phá gia tài ân sủng được Cha chia cho, thì Ngài chẳng những đợi chờ nó, mà còn trông ngóng nó về, đến nỗi, vừa trông thấy bóng nó xuất hiện từ đằng xa, nghĩa là nó chưa thấy Cha nó, thì chính ông đã tự động chạy lại với nó, đón nó, ôm choàng lấy nó mà hôn lấy hôn để rồi (x Lk 15:20). Chứ không cần phải đợi nó bước chân vào đến nhà và quì xuống van lạy ông mới tha cho nó, thậm chí bị ông chửi cho một trận rồi mới chịu tha, như thường xẩy ra nơi những người cha trần gian hay sao?

Lời mạc khải tư thứ ba về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Một Thiên Chúa báo oán chỉ là một Người Cha tội nghiệp khi phải trừng phạt con cái mình để buộc chúng phải hồi tâm nghĩ lại” (ngày 19-12-1973). Ôi, tội nghiệp Cha tôi, vì mỗi khi con người tội lỗi gặp khổ đau là hậu quả xẩy ra cho họ bởi tội lỗi do chính họ gây ra, họ chẳng những không thức tỉnh mà còn lao đầu thêm vào tội lỗi, phạm thêm tội lỗi, ở chỗ than trách trời cao không có mắt. Tất cả mọi đau khổ trên đời này thật sự không phải trực tiếp từ Thiên Chúa mà đến. Thiên Chúa Toàn Thiện không bao giờ lại dựng lên sự dữ, như đau khổ và chết chóc. Thế nhưng, Ngài Toàn Thiện và Toàn Năng ở chỗ Ngài đã dùng chính những hậu quả bởi tội lỗi loài người này để cứu chuộc họ, để làm cho họ nhận biết bản thân yếu đuối của họ mà tin tưởng Ngài hơn. Đó là lý do, cho dù vô cùng toàn năng và khôn ngoan thượng trí, Ngài đã không dùng cách nào khác để cứu chuộc con người, ngoài Thập Giá Chúa Kitô. Đúng thế, nếu người đàn bà ngoại tình không bị Thiên Chúa công minh trừng phạt bằng sự kiện chị bị bắt quả tang đang làm việc tồi bại trước mắt thế gian và phản luật Moisen cũng là luật Chúa, thì chị đâu có dịp được trực diện với Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa là Tình Yêu ở giữa loài người, và nhờ đó, chị đã cảm nhận được Người xót thương nhân hậu là chừng nào để có thể nhận biết mình mà trở về với Người bằng cuộc sống tốt lành hơn (x Jn 8:3-4, 10-11).

Lời mạc khải thứ tư về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đó là: “Trước khi Cha đến như một Vị Quan Án công minh, thì Cha đến như một Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thẳng, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận”.

Riêng lời mạc khải này, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Maria Faustina. Trong lễ phong thánh cho vị thánh nữ được Ngài gọi là vị thánh đầu tiên trong ngàn năm thứ ba này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trích ra một câu Chúa Giêsu nói với chị rằng: “Nhân loại sẽ không tìm thấy bình an cho tới khi nó tin tưởng vào lòng thương xót Chúa” (Nhật Ký, p. 132 – Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ phát hành ngày 3/5/2000, trang 1). Rất đặc biệt là câu được Đức Thánh Cha trích lại này lại sát liền với câu được trích dẫn trên đây (Divine Mercy in My Soul – Diary St. M. Faustina Kowalska, Marian Press 1987, Bản dịch Anh Ngữ trang 139: câu ĐTC trích ở đoạn 300, còn câu ở đây trích ở đoạn 301). Nếu Đức Thánh Cha là vị Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, tiêu biểu cho Đức Tin Công Giáo, đã tin vào lời mạc khải tư của Chúa Giêsu nói với chị Faustina thì câu được trích dẫn ở đây cũng là những điều chân thật, tức những điều chắc chắn sẽ xẩy ra đúng như Chúa Giêsu báo trước. Nghĩa là, trước khi Thiên Chúa tỏ đức công minh của Ngài ra thì Ngài tỏ lòng thương xót, để sau đó không ai còn oán than Ngài được nữa. Thế nhưng, Ngài đã tỏ lòng thương xót trước khi ra tay công thẳng như thế nào, nếu không phải, trước hết, nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Thật vậy, ngày 30/4/2000 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho chị nữ tu Faustina người Balan, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa. Và vào tháng sau đó, Giáo Hội đã chính thức thiết lập Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh là Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương, và Lễ Chúa Tình Thương này đã được Giáo Hội chính thức cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh Năm 2001. Chúa Giêsu, vào thời điểm giữa hai Thế Chiến I và II, thật sự đã yêu cầu chị thánh Faustina xin Giáo Hội cho thiết lập Lễ Kính Chúa Tình Thương này vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh. Vì bài Phúc Âm của Chúa Nhật này phản ảnh nội dung sứ điệp Người tỏ cho chị thánh biết và qua chị cho thế giới biết, đó là Thiên Chúa yêu thương con người tội lỗi và muốn họ hãy hoàn toàn tin tưởng vào Người. Đúng thế, hơn bao giờ hết, con người ngày nay càng văn minh vật chất càng băng hoại về luân lý và đạo đức. Tất cả những gì được Thiên Chúa thiết lập ngay từ ban đầu là hôn nhân nam nữ và sinh con đẻ cái, thì con người văn minh ngày nay chẳng những phá đổ bằng luật pháp cho phép ly dị và phá thai, mà còn thay thế vào đó, vào những gì được Thiên Chúa thiết lập ngay từ ban đầu ấy những thần tượng, những con bò vàng do họ đúc nên, như luật cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh sao bản phi tính dục cloning.

Đó là lý do, ngay từ đầu thế kỷ 20, Chúa đã tỏ lòng thương xót Chúa qua Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima. Quả vậy, vào lần hiện ra thứ ba, ngay sau khi tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết toàn bộ Bí Mật Fatima, Mẹ Maria đã xin ba em là: “Sau mỗi chục kinh, các con hãy đọc: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng. Nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn’”. Vào lần hiện ra thứ bốn sau đó, 19/8/1917, Đức Mẹ đã tiết lộ thêm cho 3 Thiếu Nhi Fatima một bí mật nữa liên quan đến lòng thương xót Chúa thế này: “Nhiều linh hồn phải sa hỏa ngục vì không có ai chịu hy sinh bản thân mình mà cầu nguyện cho họ”. Bởi thế, ngay trước đó, Mẹ đã kêu gọi 3 em rằng: “Các con hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và hãy hy sinh cho các tội nhân”.

Hơn bao giờ hết, nếu càng văn minh vật chất con người càng băng hoại về luân lý, chẳng khác nào như một tên hề đang đóng khố đi giầy tây trên khấu trường lịch sử thế giới, thì quả thực con người càng đáng thương hơn bao giờ hết, càng “cần đến lòng Chúa thương xót hơn” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm sống đạo hết sức thực tế cho thấy, càng tội lỗi con người lại càng khó tự mình trở về với Chúa, trái lại, càng chìm sâu vào tội lỗi, đến nỗi, muốn trở về với Lòng Thương Xót Chúa họ cần phải có phép lạ. Đó là lý do, cũng ngay từ đầu thế kỷ 20, Cha trên trời đã ban cho con người một phương thế cứu rỗi, đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Nếu Bí Mật Fatima có 3 phần, phần nhất là thị kiến hỏa ngục, và phần ba là thị kiến tử đạo, thì phần hai liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Thật vậy, nếu cốt lõi của chúng Sứ Điệp Fatima và riêng Bí Mật Fatima là cứu độ thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria quả thực là phương thế Thiên Chúa muốn sử dụng để cứu độ con người trong thời điểm hết sức khẩn trương, thời điểm “trước khi Cha đến như một Quan Án chí công”, như Chúa Giêsu đã tiết lộ cho Chị Thánh Faustina biết. Đúng thế, trọng tâm của cả Bí Mật Fatima và riêng phần hai của bí mật này đó là câu: “Các con vừa trông thấy hỏa ngục. Để cứu những linh hồn tội nhân cho khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói với các con đây (tức là lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ) được thực hiện thì nhiều linh hồn sẽ được cứu độ và thế giới sẽ có hòa bình”.

Đó là lý do, vào lần hiện ra thứ hai trước đó, 13/6/1917, Mẹ Maria đã tỏ cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima thấy Trái Tim Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ có vòng gai quấn chung quanh lần đầu tiên, rồi nói riêng với Lucia rằng “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”. Lucia thực sự là em thiếu nhi phải ở thế gian lâu hơn (Phanxicô chết năm 1919 ở tuổi 11 và Giaxinta chết năm 1920 ở tuổi 10) với sứ mệnh được Mẹ Maria tiết lộ cho em biết cũng vào lần hiện ra thứ hai là “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”, tức để truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Mẹ.

Phải, chị Lucia chính là Thiếu Nhi Fatima sứ giả của Mẹ Fatima và cũng là Tông Đồ Fatima Thế Giới đầu tiên trong việc làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, qua việc thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Chị Lucia đã không hết sức nỗ lực là gì trong việc thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên thế giới, khi làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến qua những trường hợp điển hình sau đây:

Thứ nhất là việc giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng có ý đền tạ Mẹ, Đấng mang Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội hằng bị những kẻ vong ân bội nghĩa liên lỉ đâm vào bằng những gai tội lộng ngôn và vô ơn của họ, như Đức Mẹ chỉ cho chị ngày 10/12/1925, đã được chị trình với giáo quyền địa phương và đã được thẩm quyền địa phương tuyên bố công nhận cho phép thực hành việc tôn sùng này ngày 13/9/1939.

Thứ hai là việc thiết lập Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho toàn Giáo Hội hoàn vũ cùng mừng kính như một lễ chính của Giáo Hội, như chị đã đề cập đến trong thư chị viết trình lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24/10/1940, cũng được thực hiện, như văn thư của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 4/5/1944 đã đề cập: Để ghi nhớ cuộc hiến dâng này (cuộc hiến dâng loài người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện ngày 31/10/1942), Ngài (ĐTC Piô XII) đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Thứ ba là việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như Mẹ, ở Fatima ngày 13/7/1917 đã ngỏ ý yêu cầu: Mẹ sẽ trở lại để xin dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, và ở Tuy ngày 13/6/1929 đã chỉ cho cách hiến dâng: Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Và, kể từ ngày 24/10/1940, ngày chị Lucia viết thư trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về yêu cầu này của Đức Mẹ, việc hiến dâng đã diễn tiến tất cả 5 lần mới thực sự hoàn thành và có công hiệu.

Lần thứ nhất vào ngày 31/10/1942, ngày kết thúc Ngân Khánh 25 năm (1917-1942) Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện tại giáo đô Rôma.

Lần thứ hai vào ngày 7/7/1952, ngày lễ kính hai thánh tông đồ của sắc dân Slavs, trong đó có Nga, là thánh Cyrilô và Mêthôđiô, cũng do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện tại Giáo Đô Rôma.

Lần thứ ba vào ngày 21/11/1964, dịp kết thúc kỳ họp thứ ba của Công Đồng Chung Vaticanô II và là dịp Công Đồng công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn Dân, trước mặt toàn thể các vị giám mục trên thế giới, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố tước hiệu Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội và hiến dâng thế giới cho Mẹ.

Lần thứ bốn vào ngày 13/5/1982, ngày kỷ niệm đúng một năm bị ám sát hụt, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đến tận Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và chính thức hiến dâng Nước Nga như Mẹ muốn.

Lần thứ năm vào ngày 25/3/1984, ngày lễ Đức Mẹ Thụ Thai Ngôi Lời Nhập Thể, ngày kỷ niệm mở màn cho công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu và Mẹ Đồng Công Maria, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, tại giáo đô Rôma, đã hợp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiệp dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Qua việc Giáo Hội, mà đại diện là chính Đức Thánh Cha và các giám mục trên thế giới, hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội này, đã là một việc làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến trên hết. Quả nhiên, sau biến cố hiến dâng được thực hiện theo đúng ý Ngài muốn và cách Ngài muốn, Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương thế giới bằng việc thực hiện lời Ngài hứa là làm cho Nước Nga trở lại vào ngày 25/12/1991, khi vị lãnh tụ cuối cùng của khối Liên Bang Nga Cộng là Gorbachev tự động từ chức, và sau khi xẩy ra Biến Cố Đông Âu năm 1989 là biến cố bắt đầu đột biến từ chính quê hương Balan của Vị Giáo Hoàng đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vì nhận thức được Ngài được cứu sống trong vụ ám sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981, tức vào ngay ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

ĐTC với các vị Giám Mục Colombia về Vấn Đề Dấn Thân Mục Vụ Để Cổ Võ Hòa Giải và Loan Báo Sự Thật Về Hôn Nhân Gia Ðình

Thứ Năm 17/6/2004, ĐTC GPII đã gặp các vị giám mục Colombia đợt nhất thuộc các giáo tỉnh Medellin, Barranquilla, Cali, Cartagena, Manizales, Popayan và Santa Fe de Antioquia, và nói về Vấn Đề Dấn Thân Mục Vụ Để Cổ Võ Hòa Giải. Sau khi nhấn mạnh đến “các hoa trái thánh thiện” ở Giáo Hội Colombia, là hai vị vừa được phong chân phước, Cha Mariano Euse, và Mẹ Laura Montoya “được tôn kính như một người mẹ của người thổ dân”, ĐTC đã khuyến khích các vị giám mục nước này hãy giữ niềm hy vọng của mình đối với tương lai, “khi hoạt động phục vụ cho vương quốc của Thiên Chúa, được tác động bởi những lời của Chúa Kitô: ‘Duc in altum’… Với những lời ấy của Chúa Kitô được Tôi lấy làm câu tâm niệm cho ngàn năm thứ ba Kitô giáo, Tôi muốn khuyến khích chư huynh hãy tiếp tục sứ vụ từ ban đầu của Giáo Hội, đừng chán nản và bằng một tấm lòng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa nơi công cuộc truyền bá phúc âm hóa”.

Ở Colombia, Ngài nói tiếp: “nơi nhiều năm đã xẩy ra một cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều nạn nhân, quá nhiều đau khổ cho các gia đình và xã hội, một cuộc xung đột gây ra bần cùng, bất an và làm tắt ngúm những cơ hội phát triển toàn vẹn, chư huynh đã ý thức được rằng trong việc mục vụ của mình chư huynh cần phải chú trọng đến hòa bình và hòa giải, nhờ đó góp phần vào việc xây dựng xã hội trên nền tảng các nguyên tắc vững chắc của Kitô Giáo về niềm hy vọng, về công lý, về yêu thương cũng như về tự do, và nhờ đó còn làm dậy lên một thứ men tha thứ phát xuất lòng thành thực muốn hòa giải với Thiên Chúa cũng như với anh chị em của mình”.

ĐTC tha thiết xin các vị giám mục quốc gia này đừng bao giờ ngần ngại “dồn tất cả nhiệt tình và việc dấn thân mục vụ của mình vào việc cổ võ hòa giải là những gì phát xuất từ vấn đề truyền bá phúc âm hóa, với một niềm xác tín sâu xa rằng việc hòa giải này sẽ soi đường dẫn lối cho hoạt động của thành phần giáo dân Kitô hữu và sẽ trở thành một phương trị hiệu nghiệm bền vững cho tình trạng khó khăn cũng như cho các sự dữ đang làm cho công dân xứ sở này phải khổ đau vì một cuộc xung đột dân sự nội bộ đã từng mang đến quá nhiều chết chóc trong đó có những nạn nhân là những người tôi tớ phục vụ cho Phúc Âm”. Chẳng hạn như, ĐTC đã nhắc đến Đức Ông Isaias Duarte, TGM Cali, cũng như các vị linh mục và tu sĩ bị sát hại trong những năm gần đây.

Ngoài ra, ĐTC còn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của vấn đề mục vụ của các vị giám mục Colombia thế này: “Một lãnh vực hoạt động mục vụ khác cũng cần phải được chú trọng đó là việc cổ võ và bênh vực cơ cấu gia đình ngày nay đang bị tấn công rất nhiều từ nhiều phía bằng muôn vàn lập luận xảo quyệt”. Ngài nhấn mạnh đến “nhu cầu cần phải mạnh mẽ loan báo sự thật về hôn nhân và gia đình là những gì đã được Thiên Chúa thiết định như là một thứ phục vụ thực sự cho xã hội. Không làm như thế là một việc thiếu sót trầm trọng về mục vụ, một thiếu sót xui khiến tín hữu lầm lỗi, một thiếu sót đối với cả những ai có trách nhiệm nặng nề trong việc quyết định cho công ích của quốc gia”.