GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 1 THỨ BA

 

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

 Giuse Túc

1/6 Thứ Ba

 

ĐTC với vị Tân Lãnh Sự nước Nigeria về tình trạng khó khăn thách đố trong việc xây dựng một nền dân chủ hiện nay


Thứ Năm 27/5/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Kingsley Sunny Ebenyi nước Nigeria, quốc gia Ngài đã thực hiện hai chuyến tông du mục vụ vào năm 1981 và 1998, và Ngài đã nhận định cùng chia sẻ về tình hình nước của ông qua bài diễn từ sau đây:
Thưa ông Lãnh Sự,
….
Tôi vui mừng khi nghe ông đề cập đến việc dấn thân của xứ sở ông cho vấn đề quản trị tốt đẹp cũng như cho vấn đề củng cố nền dân chủ. Thật vậy, sau khi thực hiện cuộc chuyển tiếp quan trọng từ chính phủ quân sự sang chính phủ dân sự, giờ đây quốc gia của ông đang phải đối diện với việc xây dựng và củng cố nền dân chủ trẻ trung của mình, bằng việc tăng thêm sự tham gia của tất cả mọi thành phần dân chúng theo đường lối của một thứ cộng đồng xã hội có tính cách đại biểu và được bảo toàn về pháp lý. Về vấn đề này, vấn đề đòi hỏi thiết yếu đó là vấn đề cần phải có một thẩm quyền chính trị minh tường và khả tín. Đời sống cộng đồng xã hội, cả ở cấp quốc gia lẫn quốc tế, cần phải được chi phối bởi “bốn đòi hỏi xác đáng của tinh thần con người, đó là sự thật, công lý, yêu thương và tự do” (Message for the 2003 World Day of Peace, No. 3). Tôi khuyến khích nước Nigeria hãy dấn thân hơn bao giờ hết để thực hiện nỗ lực dũng cảm cho nền dân chủ này bằng một cảm thức sâu xa cũng như bằng tinh thần phục vụ cho nhân dân của mình.


Thật vậy, giữa hòa bình và sự thật có một sự liên kết bất khả phân ly cần phải được nhìn nhận nếu con người nam nữ muốn sống trong tự do, công lý và an ninh. “Thành thực trong việc chia sẻ tín liệu, công bình nơi guồng máy pháp lý, cởi mở ở những phương thức dân chủ khiến cho người công dân cảm thấy an ninh, sẵn sàng ổn định những tranh cãi bằng phương tiền ôn hòa, và mong thực hiện việc đối thoại chân thực và xây dựng, tất cả những điều này làm thành những căn bản thực sự cho một nền hòa bình bền vững (ibid, 8). Khi dân chúng thấu triệt được hoàn toàn ý nghĩa cùng các thành quả nơi đời sống riêng của họ cũng như trên thế giới thì họ được trang bị hơn nữa trong việc đóng góp hữu hiệu cho hòa bình, nhất là cho vấn đề phục vụ công ích, bằng cách sử dụng một cách xứng hợp những cơ cấu và guồng máy xã hội, về pháp lý, chính trị, kinh tế.


Dĩ nhiên, vẫn không thiếu những khó khăn thách đố đối với một nước Cộng Hòa Liên Bang như Nigeria, khi nước này tìm cách ổn định và hiệp nhất quốc gia hơn bao giờ hết theo đường lối dân chủ hóa hơn xã hội vá các cơ cấu của mình. Chẳng hạn cần phải can đảm về luân lý và khôn ngoan về chính trị trong việc giải quyết một cách hữu hiệu với những cuộc bùng nổ bạo lực ở miền Niger Delta, với những tình trạng căng thẳng về chính trị và đạo lý ở vùng tây bắc, cũng như với những vấn đề bại hoại, nghèo khổ và bệnh tật.


Bằng một cuộc dứt khoát dấn thân không ngừng hoạt động một cách kiên trì cho hòa bình, cho việc bênh vực phẩm giá và quyền lợi của con người, cho việc phát triển trọn vẹn của mọi cá nhân, thì những khó khăn thách đố này có thể được giải quyết, dọn đường cho việc ý thức hơn cái định mệnh chung cũng như tính chất liên thuộc thắt kết tất cả mọi người Nigeria lại với nhau, thực sự là thắt kết tất cả mọi dân tộc là phần tử của một đại gia đình nhân loại duy nhất. Càng ngày nước Nigeria càng trở thành như là một quốc gia dự bị để phục vụ cho hòa bình cũng như cho việc phát triển qua các cơ cấu quốc tế như Khối Hiệp Nhất Phi Châu và Liên Hiệp Quốc. Tôi khuyến khích các vị lãnh đạo nước Nigeria hãy kiên vững trong việc liên đới của mình với các quốc gia khác để hiện thực một thế giới tự do và công chính.


Trong việc phục vụ hòa bình cũng là việc phục vụ cho sự thật, tôn giáo đóng một vai trò chủ chốt. Nó thực hiện việc đóng góp hữu hiệu nhất của mình về phương diện này bằng việc tập trung vào những vấn đề xứng hợp với mình, đó là “chú trọng tới Thiên Chúa, nuôi dưỡng tình huynh đệ đại đồng và phổ biến một nền văn hóa đoàn kết nhân loại” (ibid 9). Giờ đây, khi các cộng đồng hay các dân tộc thuộc các niềm tin đạo giáo hay văn hóa khác nhau sống trong cùng một miền đôi khi có thể gây ra tình trạng căng thẳng, mà bởi bị những đam mê mãnh liệt chi phối, có thể đi tới tình trạng xung đột võ lực.


Đó là lý do thật là quan trọng để nhắc lại là “việc sử dụng võ lực nhân danh niềm tin tôn giáo là một thứ sai lầm về chính những giáo huấn của các tôn giáo chính. Tôi xin tái xác nhận ở đây những gì đã được nhiều nhân vật tôn giáo thường hay lập lại, đó là việc sử dụng võ lực không bao giờ có thể dùng tôn giáo để biện minh, hay không thể làm triển nở cảm quan thực sự về tôn giáo” (Message for the 1999 World Day of Peace, No. 5).


Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria đang dấn thân cho việc phát triển hòa bình ở quốc gia này, nhất là qua việc hiện diện của mình ở các lãnh vực về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội. Tình trạng bảo đảm hữu hiệu về quyền tự do tôn giáo giúp những người Công Giáo có thể tiếp tục hoạt động cho tình trạng tiến bộ về tinh thần cũng như về vật chất của xã hội này. Về vấn đề này, Tôi tin tưởng rằng chính phủ của ông sẽ hoàn thành việc quyết tâm giải quyết những khó khăn gây ra cho các cán sự truyền giáo ngoại quốc đang muốn xin cấp lại giấy thông hành. Tôi cũng hết sức hy vọng rằng những căng thẳng giữa những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau, gia tăng đến độ bạo động, thậm chí sát hại lẫn nhau nơi một số miền ở xứ sở này, sẽ bị loại trừ bởi việc thành thực đối thoại cùng với những nỗ lực nhắm vào việc hòa giải, tương kiến và hợp tác với nhau.

………
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 31/5/2004
 

 

Tổng Thống Bush hướng về cuộc gặp gỡ ĐTC GPII

Tổng Thống Bush sẽ đến gặp ĐTC GPII nhân dịp kỷ niệm 60 năm lực lượng Hoa Kỳ giải phóng thành phố này vào thời Thế Chiến II. Lần tới này là lần thứ ba Tổng Thống Bush gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Qua cuộc phỏng vấn của tờ Kitô Giáo Ngày Nay, Tổng Thống Bush, một tín đồ thuộc giáo phái Tin Lành Methodist, cho biết ông sẽ lắng nghe Ngài nói nhiều hơn là nói. Được hỏi ông có muốn nói gì đặc biệt với vị Giáo Hoàng này hay chăng, ông trả lời:

“Không. Tôi đến đó để lắng nghe. Tôi sẽ đối đáp. Nếu tôi dám ngỏ lời cùng ngài một điều gì đó thì điều đó là ‘xin Ngài hãy vững tâm’. Ngài là một con người mạnh mẽ. Ngài có một tầm ảnh hưởng rất lớn, thật là diễm phúc khi được gặp Ngài. Thật sự là như vậy. Ngài sẽ có những điều gì đó để nói. Quí vị hãy tin tôi đi, Ngài sẽ lợi dụng dịp này để nói về vấn đề thế giới hay một vấn đề nào đó, và Ngài sẽ làm điều này một cách yêu thương. Tôi có ý nói rằng Ngài là một con người làm quí vị cảm thấy thoải mái”.
 

Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

 

Chương III

Việc Cử Hành Thánh Lễ Cách Xứng Hợp

 

(tiếp theo)

 

4. Việc Liên Kết Những Lễ Nghi Khác Nhau Trong Việc Cử Hành Thánh Lễ (75-79)


75.     Theo ý nghĩa thần học hàm chứa nơi một lễ nghi và việc Cử Hành Thánh Thể đặc biệt nào đó mà các sách phụng vụ đôi khi qui định hay cho phép việc cử hành Thánh Lễ được liên hợp với lễ nghi khác, nhất là một trong những lễ nghi liên quan tới các Phép Bí Tích (157). Tuy nhiên, Giáo Hội không cho phép thực hiện việc liên hợp này trong những trường hợp khác, đặc biệt khi nó là những gì tầm thường không đáng giá.


76.     Ngoài ra, theo truyền thống cổ kính nhất của Giáo Hội Rôma, không được phép ghép Bí Tích Thống Hối vào Thánh Lễ ở chỗ cả hai trở thành một việc cử hành phụng vụ duy nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những vị Linh Mục không phải là những vị cử hành hay đồng tế Thánh Lễ không được giải tội cho tín hữu cần, cho dù ngay cùng một nơi đang cử hành Thánh Lễ, hầu đáp ứng nhu cầu của tín hữu (158). Dầu vậy việc này cũng cần phải được thực hiện một cách thích hợp.


77.     Không được ghép việc cử hành Thánh Lễ một cách nào đó vào khung cảnh của một bữa ăn chung hay với một thứ tiệc tùng kiểu này. Không được cử hành Thánh Lễ, nếu không có lý do thật cần thiết, trên bàn ăn (159) hay ở trong phòng ăn hoặc phòng tiệc, hay ở một phòng có sẵn đồ ăn thức uống, hoặc ở một nơi có thành phần tham dự ngồi ở các bàn khi cử hành. Nếu vì lý do quan trọng cần phải cử hành Thánh Lễ ở cùng nơi sau đó được dùng để ăn uống, cần phải có một khoảng cách thời gian giữa lúc Thánh Lễ kết thúc và khi bắt đầu bữa ăn, và đồ ăn thức uống bình thường không được bày ra trước mặt tín hữu trong khi cử hành Thánh Lễ.


78.     Không được phép ghép việc cử hành Thánh lễ vào những biến cố về chính trị hay trần tục, hoặc vào những trường hợp không hoàn toàn hợp với Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra, phải hết sức tránh cử hành Thánh Lễ chỉ vì muốn phô trương hay theo cung cách của các nghi thức khác bao gồm cả những nghi thức trần tục, kẻo Thánh Thể mất hết ý nghĩa đích thực của mình.


79.     Sau hết, phải triệt để chú ý tới việc lạm dụng đưa vào việc cử hành Thánh Lễ những yếu tố phản nghịch với những qui định của các sách phụng vụ và là những yếu tố lấy từ các lễ nghi của các tôn giáo khác.

 

(còn tiếp)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến