GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 6/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.
__________________
NGÀY 21 THỨ HAI |
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XII Thường Niên 20/6/2004 của ĐTC về Thánh Tâm Chúa với Ngày Tị Nạn Thế Giới
Ngày Chúa Nhật 20/6/2004 năm nay được cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR) chọn làm Ngày Tị Nạn Thế Giới. Theo thống kê được cơ quan cao ủy này phổ biến hôm Thứ Năm 17/4/2004 thì con số tị nạn và những người được cơ quan này quan tâm đến lên đến 18% hay 17.1 triệu trong năm 2003, con số thấp nhất trong thập niên qua. Con số này bao gồm 9.7 triệu tị nạn, 1.1 triệu tị nạn hồi hương, 4.2 triệu vô gia cư nội địa, 233 ngàn người vô gia cư nội địa hồi cư, và 995 ngàn người muốn xin lưu trú tị nạn.
Tính theo miền đất thì vào cuối năm 2003, cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trông nom 5.5 người ở Âu Châu, 4 triệu ở miền Trung Á và Đông Nam Á, Bắc Phi Châu và Trung Đông, 2.3 triệu ở Mỹ Châu và Caribbean, và 1.4 ở những phần còn lại ở Á Châu và Đại Dương Châu.
Năm quốc gia có nhiều người tị nạn nhất năm 2003 đó là Pakistan (1.1), Iran (985 ngàn), Đức (960 ngàn), Tanzania (650 ngàn) và Hoa Kỳ (452.500). Thống kê trên đây của Liên Hiệp Quốc không bao gồm những người Palestines thuộc thẩm quyền của Cơ Quan Về Tạm Dung Và Làm Việc của Liên Hiệp Quốc.
Sau đây là Huấn Từ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Ngày Tị Nạn Thế Giới sau lễ Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ
1. Thứ Sáu vừa rồi chúng ta cử hành lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lễ trọng về phụng vụ cuối cùng sau mùa vượt qua, tạo nên những tổng hợp lạ lùng về mầu nhiệm Kitô Giáo, đó là Chúa Ba Ngôi, Mình máu Thánh Chúa và nhất là Thánh Tâm Chúa “là nguộn mạch của sự sống và thánh đức”, “là hòa bình và hòa giải của chúng ta” (Kinh Cầu Thánh Tâm).
Không ai có thể biết Chúa Giêsu Kitô một cách sâu xa mà lại không lặn sâu vào Trái Tim của Người, tức là vào thẳm cung của Ngôi Vị nhân-thần của Người (see Pius XII's encyclical "Haurietis Aquas": AAS 48 [1956], 316ff).
2. Mầu nhiệm tình yêu nhân hậu, một mầu nhiệm được thể hiện nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, giúp chúng ta sống Ngày Tị Nạn Thế Giới với chủ đề “Một Nơi Được Gọi Là Nhà: Việc Tái Thiết Những Cuộc Sống An Ninh Và Đáng Giá”. Hết mọi con người đều cần một môi trường an toàn để sống. Thành phần tị nạn mong ước điều này, thế nhưng, ở một số xứ sở trên thế giới này, tiếc thay, có cả hằng triệu triệu người vẫn sống ở những trại tị nạn, hay ít là bị hạn chế việc hành sử các quyền lợi của họ.
Chúng ta đừng lãng quên những người anh chị em tị nạn của chúng ta! Tôi lấy làm biết ơn và khuyến khích tất cả những ai thuộc Giáo Hội hãy hoạt động phục vụ họ. Tôi đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tái dấn thân để cất đi những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau thương này.
3. Chúng ta hãy tin tưởng nguyện cầu cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria được kính nhớ hôm qua, để nhân loại, trong việc chấp nhận sứ điệp yêu thương của Chúa Kitô, đạt được tiến bộ trong tình huynh đệ cũng như trong an bình, và để trái đất này trở thành một “ngôi nhà chung” cho tất cả mọi dân nước.
Tòa Thánh chính thức bày tỏ quan tâm về Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu
Trong lời từ biệt ngỏ cùng đồng hương Balan của mình, ĐTC GPII đã công khai bày tỏ nỗi bất đồng của Ngài về Bản Hiến Pháp Âu Châu là văn kiện được các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu ủng hộ hôm Thứ Sáu 18/4/2004 vừa rồi. Ngài nói: “Chúng ta không thể nào bị tổn hại đến căn gốc của chúng ta”.
Sở dĩ Ngài nói điều này với đồng hương Balan của Ngài như thế là vì chính phủ Balan, một quốc gia mới chính thức trở thành hội viên của khối Hiệp Nhất Âu Châu cùng với 9 nước khác vào ngày 1/5/2004, đã nỗ lực vận động đưa Kitô Giáo vào bản hiến pháp đang được tranh luận trước khi chấp thuận ấy. “Tôi cám ơn Balan, trong diễn đàn Âu Châu, đã trung thành bênh vực các cội nguồn Kitô giáo của châu lục chúng ta là những gì hình thành văn hóa và phát triển nền văn minh của thời đại chúng ta”.
Hôm Thứ Bảy 19/6/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls đã phổ biến một bản tuyên báo về chủ trương của Tòa Thánh đối với quyết định của các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu hôm Thứ Sáu 18/6/2004 ở Brussels thiên về bản hiến pháp có vẻ phi Kitô Giáo đã được từng tranh cãi giằng co lâu dài. Tuy nhiên, bản hiến pháp quan trọng này còn được dân chúng của 25 quốc gia trong Khối Âu Châu chấp nhận nữa. Sau đây là nguyên văn bản tuyên cáo của Tòa Thánh Rôma.
“Tin tức truyền thông cho biết về việc các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền của 25 nước hội viên đồng ý chấp thuận Bản Hiệp Định Hiến Pháp Âu Châu.
“Tòa Thánh lấy làm hài lòng về giai đoạn mới mẻ và quan trọng này trong tiến trình hiệp nhất Âu Châu là những gì luôn được vị Giáo Hoàng Rôma ủng hộ và khuyến khích. Một lý do Tòa Thánh cảm thấy hài lòng nữa đó là việc đem vào bản hiệp định này cách thức bảo trì vị thế của các niềm tin đạo giáo nơi các quốc gia phần tử, và khuyến giục khối Hiệp Nhất này bảo tồn việc đối thoại cởi mở, minh tường và thường xuyên với những niềm tin này, bằng cách nhìn nhận căn tính cũng như việc đóng góp đặc biệt của họ.
“Tòa Thánh không thể không cảm thấy buồn về việc có một số chính quyền phản đối vấn đề minh nhiên nhìn nhận các căn gốc Kitô Giáo của Âu Châu. Nó là vấn đề gạt bỏ đi chứng cớ lịch sử và căn tính Kitô Giáo của các dân tộc Âu Châu.
“Tòa Thánh chân thành tri ân cảm mến những chính phủ, với nhận thức về quá khứ và chân trời lịch sử đang hình thành một thứ Tân Âu Châu, đã hoạt động để bày tỏ một cách cụ thể việc Tân Âu Châu cần phải nhìn nhận cái gia sản tôn giáo của mình.
“Cũng không thể nào không đề cập tới việc nỗ lực dấn thân của các thực thể khác nhau để làm cho gia sản Kitô Giáo được đề cập tới trong bản hiệp định này, bằng cách phấn khích các vị lãnh đạo chính trị, các người công dân và dư luận quần chúng suy nghĩ về một vấn đề không phải là phụ thuộc thứ yếu trong môi trường quốc gia, Âu Châu và thế giới hiện nay”.
Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’
Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ
Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”
Chương VII
Những Phận Vụ Đặc Biệt Của Thành
Phần Tín Hữu Giáo Dân
(tiếp theo)
1. Thừa Tác Viên Ngoại Lệ Cho Rước Lễ (154-160)
154. Như đã nhắc nhở, “vị thừa tác viên duy nhất có thể thực hiện Bí Tích Thánh Thể với tư cách Chúa Kitô là vị Linh Mục thánh chức thành hiệu” (254). Bởi thế, danh xưng “thừa tác viên Thánh Thể” chỉ xứng hợp áp dụng cho vị Linh Mục mà thôi. Ngoài ra, vì Chức thánh của mình, các thừa tác viên thông thường của Thánh Thể là vị Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế (255), thành phần có nhiệm vụ ban phát Thánh Thể khi cử hành Thánh Lễ cho giáo dân thuộc thành phần tín hữu của Chúa Kitô. Có thế phận vụ thừa tác của các vị trong Giáo Hội mới được sáng tỏ một cách hoàn toàn và xác đáng, cũng như ý nghĩa về dấu hiệu của Bí Tích này mới được trọn vẹn.
155. Ngoài các vị thừa tác viên bình thường còn có vai trò phụ tế được chính thức thiết lập, thành phần theo cơ cấu của mình là một thừa tác viên Thánh Thể ngoại lệ ngay cả ở ngoài việc cử hành Thánh Lễ. Ngoài ra, nếu có lý do thật quan trọng, phần tử giáo dân khác thuộc thành phần tín hữu Chúa Kitô cũng có thể được vị Giám Mục giáo phận ủy nhiệm theo qui luật (256), vào một dịp nào đó hay một lúc đặc biệt nào đó, với một nghi thức chúc lành thích hợp cho dịp ấy. Tuy nhiên, tác động chỉ định này không cần phải theo hình thức phụng vụ, mà nếu theo hình thức phụng vụ, cũng không cần phải giống như việc Truyền Chức Thánh một cách nào đó. Sau hết, vào những trường hợp bất ngờ, vị Linh Mục chủ sự việc cử hành Thánh Thể cũng được ban phép cho một dịp nào đó (257).
156. Phần vụ này cần phải được hiểu đúng y như danh xưng của nó, tức là, phần vụ của thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ, chứ không phải là “thừa tác viên đặc biệt cho Rước Lễ”, hoặc “thừa tác viên Thánh Thể ngoại lệ” hay “thừa tác viên Thánh Thể đặc biệt”, những danh xưng có ý nghĩa không được áp dụng một cách không cần thiết và không thích hợp cho phần vụ ấy.
157. Nếu thường có đủ số thừa tác viên thánh chức cho Rước Lễ thì không cần chỉ định thêm những thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ. Thật vậy, trong những trường hợp như thế, những ai đã được chỉ định thực hiện thừa tác vụ này không cần phải thi hành thừa tác vụ ấy. Không thể chấp nhận được việc những vị Linh Mục hiện diện trong việc cử hành Thánh Thể mà lại không cho Rước Lễ song trao phận vụ này cho giáo dân (258).
158. Thật vậy, thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ có thể cho Rước Lễ chỉ khi nào thiếu Linh Mục và Phó Tế, chỉ khi nào vị Linh Mục bị ngăn trở vì yếu sức hay tuổi già hoặc một lý do nào chính đáng khác, hay chỉ khi nào con số tín hữu lên Rước Lễ đông đến nỗi chính việc cử hành Thánh Lễ sẽ bị kéo dài một cách không nhất thiết (259). Tuy nhiên, điều này phải được hiểu là việc kéo dài chút xíu, đối với hoàn cảnh và văn hóa địa phương, vẫn không phải là trường hợp có đủ lý do.
159. Thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ không bao giờ được được phép trao quyền đại diện cho bất cứ một ai khác trong việc trao Thánh Thể, chẳng hạn như cho cha mẹ hay người phối ngẫu hoặc cho con cái của người bệnh nhân muốn rước lễ.
160. Vị Giám Mục giáo phận hãy để ý lại việc thực hành này trong những năm gần đây liên quan tới vấn đề ấy, và nếu xẩy ra những trường hợp cần thiết, ngài cần phải sửa sai hay xác định cho rõ ràng hơn. Ở đâu những thừa tác viên ngoại lệ cho Rước Lễ này được chỉ định một cách rộng rãi ngoài nhu cầu cần thiết thực sự thì vị Giám Mục giáo phận phải ban hành những qui tắc đặc biệt hầu xác định cách thức giúp thực hiện phần vụ này được đúng theo qui luật, căn cứ vào truyền thống của Giáo Hội.
2. Giảng Trong Thánh Lễ (161)
161. Như đã nhận định trên đây, vì tính cách quan trọng của nó cũng như vì bản chất của mình, bài giảng được giành cho vị Linh Mục hay Phó Tế trong Thánh Lễ (260). Về vấn đề các hình thức giảng, nếu nhu cầu đòi hỏi ở những trường hợp đặc biệt, hay nếu thấy có lợi ích ở những trường hợp đặc biệt, giáo dân cũng được phép giảng ở trong nhà thờ hay ở một nguyện đường ngoài Thánh Lễ theo qui luật (261). Điều này được thực hiện chỉ vì hiếm các vị thừa tác viên thánh chức ở một số nơi, hầu đáp ứng nhu cầu, nhưng nó không được biến từ cách thức thực hành ngoại lệ thành việc thực hành thông thường, hay nó không được hiểu là một hình thức tiến bộ thực sự của giáo dân (262). Ngoài ra, tất cả đều phải nhớ rằng Đấng Bản Quyền địa phương là vị có năng quyền để ban những phép này, những phép chỉ ban cho từng trường hợp; phép này không phải là một cái gì đó cạnh tranh với bất cứ ai khác, thậm chí cho dù họ là các vị Linh Mục hay Phó Tế.
3. Những Việc Cử Hành Đặc Biệt Được Thực Hiện Khi Thiếu Linh Mục (162-167)
162. Vào ngày được gọi là Ngày Của Chúa, tín hữu của Giáo Hội qui tụ lại với nhau để tưởng niệm Cuộc Phục Sinh của Chúa và tất cả mầu Nhiệm Vượt Qua, nhất là bằng việc cử hành Thánh Lễ (263). Vì “không một cộng đồng Kitô giáo nào được thiết dựng nếu không liên kết với và phụ thuộc vào việc cử hành Thánh Thể Cực Linh” (264). Bởi thế, vì quyền lợi của cộng đồng Kitô hữu, cần phải cử hành Thánh Thể vào Chúa Nhật cho họ, kể cả vào những ngày lễ buộc hay các lễ chính, thậm chí kể cả hằng ngày nếu có thể. Do đó, khi gặp trở ngại cho việc cử hành Thánh Lễ vào một ngày Chúa Nhật nào đó ở một nhà thờ giáo xứ, hay ở một cộng đồng tín hữu Chúa Kitô, thì vị Giám Mục giáo phận cùng với các vị Linh Mục của ngài phải tìm cách giải quyết một cách thích hợp (265). Những giải pháp có thể thực hiện là kêu gọi các vị Linh Mục đến cử hành Thánh Thể Chúa Nhật tại đó, hay tín hữu đến một nhà thờ lân cận để tham dự mầu nhiệm Thánh Thể ở đó (266).
163. Tất cả mọi vị Linh Mục là những người lãnh nhận thiên chức Linh Mục và bí tích Thánh Thể cho người khác (267) cần phải nhớ rằng họ buộc phải giúp cho tín hữu cơ hội để đáp ứng việc đòi buộc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật (268). Về phần mình, tín hữu giáo dân có quyền tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, trừ trường hợp thật sự bất khả, đến nỗi không một vị Linh Mục nào được từ chối cử hành Lễ cho cộng đồng dân Chúa, hoặc phải nhờ một vị Linh Mục khác cử hành thay, bằng không họ khổng thể chu toàn luật buộc tham dự Lễ Chúa Nhật hay những ngày lễ buộc.
164. “Nếu không thể tham dự vào việc cử hành Thánh Thể vì thiếu vắng thứa tác viên thánh chức hay vì một lý do hệ trọng nào khác” (269), thì cộng đồng Kitô hữu có quyền được vị Giám Mục cung ứng trong tầm tay của ngài một cử hành nào đó theo qui tắc của Giáo Hội vào các ngày Chúa Nhật cho cộng đồng thuộc quyền của ngài. Tuy nhiên, những việc cử hành Ngày Chúa Nhật kiểu đặc biệt này nói chung được coi là ngoại lệ. Tất cả mọi vị Phó Tế hay các phần tử giáo dân thuộc thành phần tín hữu Chúa Kitô được vị Giám Mục giáo phận chỉ định góp phần vào những việc cử hành như thế đều phải cố gắng “làm cho cộng đồng này bảo tồn được ‘nỗi đói khát’ Thánh Thể, đến nỗi sẽ không bỏ qua một dịp cử hành Thánh Lễ nào, mỗi khi có được một vị Linh Mục không bị ngăn trở dâng Lễ theo luật Giáo Hội” (270).
165. Cần phải tránh gây ra bất cứ một loại lầm lẫn nào giữa kiểu tập trung này với việc cử hành Thánh Thể (271). Bởi thế, vị Giám Mục giáo phận cần phải khôn ngoan xét xem có nên cho Rước Lễ vào những dịp tập trung như vậy hay chăng. Vấn đề này nên được quyết định theo chiều hướng phối hợp rộng rãi hơn nữa bởi Hội Đồng Giám Mục, một vấn đề được mang ra thực hiện sau khi được phê chuẩn bởi Tòa Thánh qua Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích. Ngoài ra, khi thiếu vắng cả Linh Mục lẫn Phó Tế, việc cử hành này cần phải được chia cho một số tín hữu khác nhau hơn là chỉ có một người giáo dân duy nhất chủ sự từ đầu đến cuối. Cũng không thích hợp cho bất cứ một giáo dân nào đóng vai ‘chủ sự’ trong việc cử hành ấy.
166. Cũng thế, nhất là trường hợp việc cử hành này có cho Rước Lễ, thì vị Giám Mục giáo phận là vị có toàn quyền về vấn đề này, không được dễ dãi cho phép những việc cử hành như vậy được thực hiện vào ngày trong tuần, nhất là ở những nơi đã có thể hay có thể cử hành Thánh Lễ vào Chúa Nhật tuần trước đó hay sau đó. Bởi thế, các vị Linh Mục cần phải thiết tha cử hành Thánh Lễ hằng ngày cho giáo dân ở một trong những nhà thờ thuộc thẩm quyền mục vụ của mình.
167. “Tương tự như thế, không thể chấp nhận được, vào Ngày của Chúa, đi thay thế cho Thánh Lễ bằng những việc cử hành đại kết liên quan đến lời Chúa hay việc cầu nguyện chung với những Kitô hữu thuộc các Cộng Đồng Giáo Hội, thậm chí bằng việc tham dự vào các việc phụng vụ của những Cộng Đồng này” (272). Nếu vì lý do cần thiết, vị Giám Mục giáo phận ban quyền cho những người Công Giáo thực hiện việc tham dự này vào một dịp đặc biệt nào đó, thì các vị cũng phải ý tứ đừng gây hiểu lầm nơi tín hữu Công Giáo liên quan đến việc họ cần phải dự Lễ theo luật buộc vào một lúc khác trong cùng ngày, dù họ đã thực hiện việc tham dự kia” (273).
4. Những Người Đã Bỏ Hàng Ngũ Giáo Sĩ (168)
168. “Cấm giáo sĩ không thuộc hàng giáo sĩ nữa, theo qui luật… thi hành năng quyền của bậc này” (274). Bởi thế, họ không được phép cử hành các bí tích với bất cứ lý do nào, trừ trường hợp ngoại lệ theo qui luật (275), cả tín hữu cũng không được phép xin họ thực hiện việc cử hành này, vì không có lý do nào cho phép làm như thế theo giáo luật khoản 1335 (276). Ngoài ra, họ cũng không được giảng (277) hay thi hành bất cứ một vai trò nào trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, kẻo gây thắc mắc cho tín hữu và làm cho sự thật bị lu mờ đi.
(còn tiếp)
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến