GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 6/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.
__________________
NGÀY 22 THỨ BA |
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ với tình hình chính trị phản giáo huấn Giáo Hội
Trong bản chứng từ nhan đề “Vai Trò Công Dân của Người Tín Hữu: Tiếng Kêu Gọi Công Giáo Về Trách Nhiệm Chính Trị” gửi cho các tiểu ban đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, các vị Giám Mục Hoa Kỳ họp ở Denver Colorado đã kêu gọi “một loại chính trị mới chú trọng đến những nguyên tắc về luân lý chứ không phải vào những cuộc thăm dò mới nhất”. Tức là một loại chính trị chú trọng “tới những nhu cầu của người nghèo khổ và yếu kém, chứ không phải đến những đóng góp của thành phần giầu có và quyền thế, cũng như tới việc theo đuổi công ích, chứ không phải tới những đòi hỏi của các lợi lộc đặc biệt.
“Vấn đề chính yếu không phải là vấn đề ‘Anh chị em có khá hơn tình trạng của anh chị em cách đây 4 năm hay chăng?’” mà là “Làm sao ‘chúng ta’, tất cả chúng ta, nhất là thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương khá hơn vào những năm tới đây?”
Nhận định rằng “đất nước của chúng ta đã bị thương tổn”, các vị đã cho thấy thực trạng chiến tranh và căng thẳng về kinh tế đã “dạy cho chúng ta biết rằng không có một lực lượng quân sự nào, một quyền lực kinh tế nào, hay các tiến bộ về kỹ thuật này có thể thực sự bảo đảm được vấn đề an ninh, thịnh vượng hay tiến bộ”.
“Những thách đố quan trọng nhất chúng ta đang phải đối diện không phải chỉ là vấn đề chính trị, kinh tế hay kỹ thuật, mà là đạo lý, luân lý và tâm linh. Chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề về sự sống và sự chết, về chiến tranh và hòa bình, về người tiến lên và kẻ bị bỏ lại sau lưng”.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cảnh giác Người Công Giáo về “việc cộng tác với sự dữ” và về việc các chính trị gia phò phá thai có thể không được rước lễ.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng phổ biến một tuyên cáo mang tựa đề “Người Công Giáo Trong Đời Sống Chính Trị”, được chấp thuận với số phiếu 183 trên 6, trách cứ thành phần chính trị gia phò phá thai và cho biết họ có thể bị các vị giám mục địa phương không cho rước lễ.
Bản tuyên cáo nói rằng “những ai thực hiện việc lập pháp” đều bị bắt buộc theo lương tâm “hoạt động để sửa chữa về luân lý những khoản luật hư hại” liên quan đến vấn đề phá thai, “kẻo họ phạm lỗi lầm là cộng tác với sự dữ và phạm tội hại đến công ích”.
Trong bản tuyên cáo này, các vị giám mục nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải “tiếp tục giảng dạy một cách rõ ràng” và giúp cho các vị lãnh đạo Công Giáo khác làm như thế về việc “họ rõ ràng dấn thân cho vấn đề bảo vệ theo pháp lý sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi”. Bản tuyên cáo này cũng nói rằng “cần phải chia sẻ giáo huấn của Công Giáo về sự sống và phẩm giá con người” ở tất cả mọi giáo xứ cũng như ở tất cả mọi “thức tác vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc phục vụ nhân bản”. Các vị giám mục cảm thấy cần phải làm hơn nữa “để thuyết phục tất cả mọi người rằng sự sống con người thì cao quí và phẩm giá con người cần phải được bênh vực”.
Bản tuyên cáo nhấn mạnh rằng “Cộng đồng Công Giáo và các tổ chức Công Giáo” không được tỏ ra trọng vọng những ai “tác hành tỏ ra coi thường những nguyên tắc luân lý căn bản của chúng ta” bằng việc tặng thưởng, tôn vinh hay “những vận động cho việc làm của họ”.
Bản tuyên cáo viết tiếp: “Tất cả mọi người phải xét lương tâm của mình” về việc họ xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể, bao gồm cả khía cạnh “trung thành với giáo huấn luân lý của Giáo Hội trong đời sống chung riêng”.
Bản tuyên cáo ghi nhận rằng “vấn đề được nêu lên” là có cần từ chối không cho rước lễ những người Công Giáo hoạt động chính trị ủng hộ phá thai theo nhu cầu. Bản tuyên cáo giải quyết vấn đề như sau: “Vì nhiều hoàn cảnh rất khác nhau liên quan đến việc phán đoán khôn ngoan” về vấn đề hệ trọng này, “những quyết định ấy tùy thuộc mỗi vị giám mục theo các khoản giáo luật và nguyên tắc mục vụ”.
Nhận định là “các vị giám mục có quyền tỏ ra những phán đoán khác nhau về đường hướng mục vụ khôn ngoan nhất”, nhưng các vị cũng cho thấy các vị cùng “dấn thân một cách hiển nhiên trong việc bảo vệ sự sống và phẩm giá con người”.
Vị chủ tịch của ủy ban giám mục đặc trách này là ĐHY Theodore McCarrick ở Washington DC đã lên tiếng khi phổ biến bản tuyên cáo này là “bản tuyên cáo cho thấy vai trò của vị giám mục là thày dạy, là mục tử và là tâm điểm hiệp nhất. Chúng tôi nói lên những vấn đề luân lý xã hội chúng ta đang phải đương đầu mà không chấp nhận các đảng phái hay ứng cử viên nào”.
ĐTC với các vị Giám Mục Colombia về Vấn Đề Dấn Thân Mục Vụ Để Cổ Võ Hòa Giải
Thứ Năm 17/6/2004, ĐTC GPII đã gặp các vị giám mục Colombia đợt nhất thuộc các giáo tỉnh Medellin, Barranquilla, Cali, Cartagena, Manizales, Popayan và Santa Fe de Antioquia, và nói về Vấn Đề Dấn Thân Mục Vụ Để Cổ Võ Hòa Giải. Sau khi nhấn mạnh đến “các hoa trái thánh thiện” ở Giáo Hội Colombia, là hai vị vừa được phong chân phước, Cha Mariano Euse, và Mẹ Laura Montoya “được tôn kính như một người mẹ của người thổ dân”, ĐTC đã khuyến khích các vị giám mục nước này hãy giữ niềm hy vọng của mình đối với tương lai, “khi hoạt động phục vụ cho vương quốc của Thiên Chúa, được tác động bởi những lời của Chúa Kitô: ‘Duc in altum’… Với những lời ấy của Chúa Kitô được Tôi lấy làm câu tâm niệm cho ngàn năm thứ ba Kitô giáo, Tôi muốn khuyến khích chư huynh hãy tiếp tục sứ vụ từ ban đầu của Giáo Hội, đừng chán nản và bằng một tấm lòng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa nơi công cuộc truyền bá phúc âm hóa”.
Ở Colombia, Ngài nói tiếp: “nơi nhiều năm đã xẩy ra một cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều nạn nhân, quá nhiều đau khổ cho các gia đình và xã hội, một cuộc xung đột gây ra bần cùng, bất an và làm tắt ngúm những cơ hội phát triển toàn vẹn, chư huynh đã ý thức được rằng trong việc mục vụ của mình chư huynh cần phải chú trọng đến hòa bình và hòa giải, nhờ đó góp phần vào việc xây dựng xã hội trên nền tảng các nguyên tắc vững chắc của Kitô Giáo về niềm hy vọng, về công lý, về yêu thương cũng như về tự do, và nhờ đó còn làm dậy lên một thứ men tha thứ phát xuất lòng thành thực muốn hòa giải với Thiên Chúa cũng như với anh chị em của mình”.
ĐTC tha thiết xin các vị giám mục quốc gia này đừng bao giờ ngần ngại “dồn tất cả nhiệt tình và việc dấn thân mục vụ của mình vào việc cổ võ hòa giải là những gì phát xuất từ vấn đề truyền bá phúc âm hóa, với một niềm xác tín sâu xa rằng việc hòa giải này sẽ soi đường dẫn lối cho hoạt động của thành phần giáo dân Kitô hữu và sẽ trở thành một phương trị hiệu nghiệm bền vững cho tình trạng khó khăn cũng như cho các sự dữ đang làm cho công dân xứ sở này phải khổ đau vì một cuộc xung đột dân sự nội bộ đã từng mang đến quá nhiều chết chóc trong đó có những nạn nhân là những người tôi tớ phục vụ cho Phúc Âm”. Chẳng hạn như, ĐTC đã nhắc đến Đức Ông Isaias Duarte, TGM Cali, cũng như các vị linh mục và tu sĩ bị sát hại trong những năm gần đây.
Ngoài ra, ĐTC còn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của vấn đề mục vụ của các vị giám mục Colombia thế này: “Một lãnh vực hoạt động mục vụ khác cũng cần phải được chú trọng đó là việc cổ võ và bênh vực cơ cấu gia đình ngày nay đang bị tấn công rất nhiều từ nhiều phía bằng muôn vàn lập luận xảo quyệt”. Ngài nhấn mạnh đến “nhu cầu cần phải mạnh mẽ loan báo sự thật về hôn nhân và gia đình là những gì đã được Thiên Chúa thiết định như là một thứ phục vụ thực sự cho xã hội. Không làm như thế là một việc thiếu sót trầm trọng về mục vụ, một thiếu sót xui khiến tín hữu lầm lỗi, một thiếu sót đối với cả những ai có trách nhiệm nặng nề trong việc quyết định cho công ích của quốc gia”.
Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ
Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”
(tiếp theo)
Chương VIII
Những Phương Trị
(169-171)
169. Khi nào xẩy ra một sự lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh thì cần phải coi đó như là một việc làm sai lệch thực sự Phụng Vụ Công Giáo. Thánh Tôma viết, “cái xấu xa của việc sai lầm gây ra bởi những ai thực hiện việc tôn thờ Thiên Chúa nhân danh Giáo Hội một cách phản ngược lại với những gì được Giáo Hội lấy thẩm quyền thần linh thiết định và là những gì Giáo Hội vốn thực hiện” (278).
170. Để áp dụng việc chữa trị cho những thứ lạm dụng như thế, “cần phải hết sức huấn luyện cho cộng đồng Dân Chúa, cả các vị chủ chăn lẫn tín hữu, về thánh kinh và phụng vụ” (279), nhờ đó đức tin và kỷ luật của Giáo Hội liên quan đến Phụng Vụ thánh được trình bày và hiểu biết một cách chính xác. Tuy nhiên, ở đâu cứ xẩy ra những thứ lạm dụng thì cần phải thực hiện những đường lối để bảo toàn gia sản thiêng liêng cùng quyền lợi của Giáo Hội theo qui luật, bằng tất cả mọi phương tiện hợp pháp.
171. Trong những vấn đề lạm dụng khác nhau, có một số điều, theo khách quan, vi phạm trầm trọng graviora delicta hay cũng tạo ra những vấn đề trầm trọng, hoặc những vấn đề khác là những gì cần phải cẩn thận tránh lánh và sửa sai. Hãy nhớ rằng, tất cả những gì được đặc biệt đề cập đến ở chương I trong bản Hướng Dẫn này thì cần phải lưu ý cả đến những gì theo đó nữa.
1. Những Vi Phạm Trầm Trọng Graviora Delicta (172)
172. Những vi phạm trầm trọng graviora delicta đến tính cách thánh thiện của Hiến Tế và Bí Tích Thánh Thể Cực Linh này cần phải được giải quyết theo ‘những Qui Tắc liên quan đến những vi phạm trầm trọng thuộc thẩm quyền Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin’ (280), tức là những vi phạm sau đây:
a) việc lấy đi hay lưu giữ các hình thể được truyền phép để phạm thánh, hay để quẳng đi (281).
b) việc cử hành nhái lại tác động phụng vụ Hy Tế Thánh Thể hay mô phỏng làm theo tương tự như thế (282).
c) việc không được phép cử hành Hy Tế Thánh Thể với các vị thừa tác viên thuộc các Cộng Đồng Giáo Hội không có quyền thừa kế tông đồ hay không nhìn nhận giá trị bí tích của Bí Tích Truyền Chức linh mục (283);
d) việc truyền phép, với mục đích để phạm thánh, một chất thể duy nhất mà không có chất thể còn lại trong việc cử hành Thánh Thể, hay thậm chí truyền phép cả hai chất thể này ở ngoài việc cử hành Thánh Thể (284).
2. Những Vấn Đề Trầm Trọng (173)
173. Mặc dù tính cách trầm trọng của một vấn đề được thẩm phán theo giáo huấn chung của Giáo Hội cũng như theo các qui tắc được Giáo Hội thiết định, tuy nhiên, theo khách quan, những vấn đề trầm trọng có thể được kể đến là bất cứ những gì gây nguy hiểm đến tính cách hiệu thành và đến giá trị của Thánh Thể Cực Linh, tức là bất cứ sự gì phản nghịch với những điều đã được đề cập đến ở những số 48-52, 56, 76-77, 79, 91-92, 94, 96, 101-102, 104, 106, 109, 111, 115, 117, 126, 131-133, 138, 153 và 168. Ngoài ra, cũng phải chú ý tới các qui định khác của Giáo Luật, nhất là những gì được ấn định ở các khoản 1364, 1369, 1373, 1376, 1380, 1384, 1385, 1386 và 1398.
3. Những Vấn Đề Lạm Dụng Khác (174-175)
174. Hơn thế nữa, những hành động xẩy ra ấy, những hành động trái với những vấn đề khác được đề cập đến ở chỗ khác trong Bản Hướng Dẫn này hay theo những qui tắc luật định cũng không được coi nhẹ, mà phải được kể vào số những thứ lạm dụng cần phải cẩn thận tránh lánh và sửa sai.
175. Những điều được nói đến trong bản Hướng Dẫn này hiển nhiên không bao gồm tất cả mọi thứ vi phạm đến Giáo Hội cũng như đến kỷ luật của Giáo Hội là những gì được qui định nơi các khoản giáo luật, nơi qui luật phụng vụ cũng như nơi các qui tắc của Giáo Hội theo giáo Huấn Quyền hay truyền thống lành mạnh. Ở đâu xẩy ra sai lầm thì ở đó cần phải sửa chữa theo qui luật.
(còn tiếp)
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến