GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 24 THỨ NĂM

 

ĐTC với vị tân lãnh sự Tây Ban Nha về mối liên hệ giữa Tây Ban Nha với Tòa Thánh và về vấn đề bảo đệ đời sống hôn nhân gia đình

Sáng ngày Thứ Sáu 18/6/2004, ĐTC đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Tây Ban Nha Jorge Dezcallar de Mazarredo và đã đề cập đến vấn đề liên hệ ngoại giao có vẻ khả quan hơn giữa Tòa Thánh Vatican và Tây Ban Nha, một quốc gia Ngài đã tông du 5 lần.

Đề cập đến chuyến tông du cuối cùng vừa rồi vào Tháng 5/2003, Ngài đã nói: “Thật là một dấu hiệu hy vọng rất rõ ràng cho Giáo Hội cũng như cho xã hội Tây Ban Nha, vì các giá trị cao quí được thiết tha sống giống như là một thứ hồn sống liên kết hoạt động của con người lại và từ từ làm phát sinh tính cách sáng tạo và viên trọn trong những lúc bị sụp đổ hay gặp nghịch cảnh nước Tây Ban Nha đã vừa mới trải qua với một số biến cố thê thảm gây ra bởi nạn khủng bố.

“Ở vào lúc mà một thứ trật tự mới đang được hình thành ở Âu Châu cổ, Tây Ban Nha không thể nào lại không thực hiện, trong nhiều đóng góp của mình, việc bày tỏ một cách tỏ tường những căn gốc Kitô giáo của mình, những căn gốc mà, như những quốc gia Âu Châu khác, cái quan niệm đã được hoàn chỉnh về con người hướng về siêu việt thể đã được khai triển qua các thế kỷ, một quan niệm cũng là một yếu tố quyết liệt cho việc hiệp nhất và tính cách đại đồng”.

Sau khi nhấn mạnh đến việc Giáo Hội tôn trọng quyền bính dân sự, Ngài nói rằng không thể nào coi thường cả Giáo Hội lẫn quốc gia, vì “công ích thường đòi có những hình thức hợp tác khác nhau giữa đôi bên, không kỳ thị hay loại trừ nhau. Đó là nội dung của những hiệp định bán phần giữa Giáo Hội và Quốc Gia, những hiệp định được thiết lập ngay sau khi bản hiến pháp hiện nay của Tây Ban Nha được chấp thuận”.

ĐTC khẳng định rằng “Giáo Hội nỗ lực kêu gọi tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm xây dựng một xã hội được đặt nền tảng trên những giá trị nồng cốt bất khả thay thế cho một trật tự quốc gia và quốc tế chính đáng, xứng với loài người”. Theo chiều hướng ấy, Ngài nhấn mạnh đến “bản chất bất liên hợp của một số khuynh hướng trong thời đại của chúng ta, những khuynh hướng mà, một đàng thì tăng tiến phúc hạnh cho con người, đồng thời cũng tấn công phẩm giá của họ cũng như những quyền lợi căn bản nhất của họ, như đang xẩy ra khi quyền lợi sống cốt yếu bị hạn chế hay bị biến thành một dụng cụ ở trường hợp phá thai. Việc bảo vệ sự sống con người là nhiệm vụ của tất cả mọi người, vì các vấn đề về sự sống cũng như việc cổ võ sự sống chẳng những là một đặc quyền đối với Kitô hữu mà còn là một nhiệm vụ liên quan đến hết mọi lương tâm con người vốn khát khao sự thật và quan tâm đến tình trạng khốn khó của con người.

 

"Về vấn đề bảo toàn quyền lợi của hết mọi người, các viên chức chính quyền buộc phải bảo vệ sự sống, nhất là sự sống của thành phần yếu kém nhất và bất khả tự vệ. Về lãnh vực này, một số được tạm gọi là ‘tiến bộ về xã hội’ thực sự chỉ giành cho một số người bằng giá hy sinh phải trả của những người khác, và những vị lãnh đạo chính phủ, thành phần bảo toàn những quyền lợi nhưng không phải là những quyền lợi được bắt nguồn từ những quyền lợi bẩm sinh của tất cả mọi người, đều phải quan tâm và cảnh giác cứu xét đến những thứ ‘tiến bộ’ này”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng gia đình, “nguyên tố chính yếu và cốt yếu của toàn thể xã hội, một môi trường khôn sánh về tình liên đới và là một học đường tự nhiên về cuộc sống chung thuận hòa, xứng đáng được bảo vệ nhất cũng như được hỗ trợ để thực thi những nhiệm vụ của nó. Những quyền lợi của gia đình còn quan trọng hơn là những cơ cấu xã hội to lớn hơn nó. Trong số những quyền lợi này, chúng ta cũng đừng quên quyền được sinh vào đời và được nuôi dưỡng trong một gia đình vững chắc là nơi hân hoan nói lên những chữ mẹ và cha một cách chân thực”. Xã hội sẽ được thiện ích từ thành phần nhỏ mọn nhất, “nếu nó không nhường bước cho một số tiếng nói làm lẫn lộn hôn nhân với những hình thức hiệp nhất rất khác biệt, mà một số thậm chí phản lại với đời sống hôn nhân, hay coi con cái thuần túy là những đồ vật cho thỏa mãn riêng tư của người ta”.

“Gia đình có quyền lợi và nhiệm vụ giáo dục con cái của mình, bằng cách thực hiện theo một số những xác tín về luân lý và đạo giáo, vì việc phát triển toàn vẹn không thể loại trừ chiều kích siêu việt và thiêng liêng của con người… Cũng không được coi nhẹ giáo huấn của đạo Công Giáo nơi những tổ chức của quốc gia, những tổ chức thực sự được căn cứ vào quyền lợi của các gia đình cần đến quyền lợi ấy một cách bất kỳ thị hay áp đặt”.

Đức Thánh Cha đã kết luận bằng cách thúc giục Tây Ban Nha trong Năm Thánh Kính Thánh Giacôbê, Tông Đồ Nước Tây Ban Nha, “Thánh nhân, như các thế kỷ qua, tiếp tục là hải đăng sáng soi cho dân nhân Tây Ban Nha và tiếp tục làm cho mảnh đất của Ngài trở thành một con đường được gieo rắc sức mạnh và hy vọng cho rất nhiều người hành hương tuốn đến từ khắp Âu Châu”.


ĐTC tiếp Tân Thủ Tướng Tây Ban Nha, khuyến khích việc phát triển nhưng hãy tôn trọng “Những Giá Trị Đạo Lý”

Hôm Thứ Hai 21/6/2004, ĐTC đã tiếp tân Thủ Tướng Tây Ban Nha là ông José Luis Rodríguez Zapatero, 15 phút riêng tại thư phòng của Ngài, rồi gặp chung phái đoàn của ông, trong đó có cả ngoại trưởng Miguel Ángel Moratinos, và Ngài đã nói về vấn đề phát triển theo chiều hướng đạo lý, việc chống khủng bố và hoạt động cho nhân quyền. Ba ngày trước, Ngài cũng đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Tây Ban Nha Jorge Dezcallar de Mazarredo, và Ngài đã bài bác những dự án của tân chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra dễ dãi hơn với những chính sách phá thai, đồng tính hôn nhân và chấm dứt việc giáo dục tôn giáo bắt buộc ở các trường công.

Đức Thánh Cha ngỏ ý cùng vị tân thủ tướng này rằng Ngài muốn tân chính phủ Tây Ban Nha được tuyển cử ngày 13/3/2004 “hãy chiếm đạt được những mục tiêu ấn định trong việc đẩy mạnh việc phát triển tân tiến của nước Tây Ban Nha, và trong việc phát triển này cần phải chú trọng đến những giá trị về đạo lý là những gì đã đâm rễ vào truyền thống tôn giáo và văn hóa của dân chúng”.

“Quí vị hãy biết rằng quí vị có thể tin tưởng vào việc hợp tác của Tòa Thánh để cùng nhau phục vụ hòa bình và việc tiến bộ thiêng liêng của các dân tộc; để hỗ trợ nơi những gì liên quan đến việc nhổ tận gốc rễ nạn khủng bố và bạo lực dưới mọi hình thức; để hết sức làm thỏa đáng những nhu cầu hợp lý của con người theo nhân phẩm, quyền lợi và tự do của họ”.

Sau khi gặp ĐTC, phái đoàn chính phủ Tây Ban Nha này cũng đã gặp ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã cho biết nội dung của cuộc gặp gỡ này như sau: “Cuộc trao đổi này đã kiểm điểm lại những vấn đề chính về những liên hệ song phương theo chiều hướng các hiệp định giữa Tòa Thánh và Tây Ban Nha, nhất là những thỏa ước năm 1979, và cả hai tái khẳng định lòng ước muốn đối thoại và hợp tác. Ngoài ra cũng có vấn đề trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế, đặc biệt chú trọng tới quan điểm về Âu Châu và các quốc gia thuộc Mỹ Châu Latinh”.

Phần vị tân thủ tướng cho biết cuộc hội kiến này “rất thân tình”và ông tìm cách “bảo trì mối liên hệ cởi mở và trao đổi với Vatican, với hội đồng giám mục Tây Ban Nha cũng như với Giáo Hội Công Giáo nói chung”, theo giới hạn của những hiệp định được ký kết với Tòa Thánh 25 năm trước đây. Vị thủ tướng này còn tiết lộ cho biết trong cuộc gặp gỡ này hai bên cũng trao đổi với nhau về tương lai của Khối Hiệp Nhất Châu Âu và cả tình hình Trung Đông chứ không nói đến Iraq.

Trong cuộc triều kiến với ĐTC, vị thủ tướng này không thể bắt tay Ngài vì bàn tay phải của ông bị băng bó bởi vết thương chơi bóng rổ hôm Chúa Nhật. Vào cuối cuộc triều kiến, ĐTC GPII hướng về phái đoàn Tây Ban Nha và mỉm cười nói với họ rằng họ có “một thủ tướng rất trẻ và đó là một điều tốt”.


ĐGM Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng về trách nhiệm của Hoa Kỳ ở Iraq

Trong một tuyên cáo phổ biến hôm Thứ Ba 22/6/2004, ĐGM Wilton Gregory đã cho biết Hiệp Chủng Quốc đang phải đương đầu với những thử thách gay go ở Iraq trong việc hoàn tất “những trách nhiệm hệ trọng về luân lý” của mình trong vấn đề giúp tái thiết đất nước này. Ngoài ra, vị giám mục chủ tịch này còn cho biết cuộc chiến tranh và việc chiếm đóng của Hoa Kỳ đã làm phát sinh “những vấn đề nồng cốt về vai trò của Hiệp Chủng Quốc trên thế giới: “Là một lực lượng chiếm đóng chính ở Iraq, Hiệp Chủng Quốc giờ đây có trách nhiệm thực hiện những nỗ lực dài hạn trong việc giúp cho nhân dân Iraq xây dựng một nước Iraq vững bền, đa diện, dân chủ và thịnh vượng. Tiếc thay, không có cách nào dễ dàng hay nhanh chóng để chiếm đạt những mục đích này”.

ĐGM Gregory cũng nhắc lại một số trường hợp trước đây, từ Tháng 9/2002 là thời điểm hội đồng giám mục đã nêu lên “những quan tâm hệ trọng về luân lý” về việc can thiệp ngăn ngừa bằng quân sự ở Iraq: “Những biến cố trong năm qua đã tái khẳng định những quan tâm về đạo lý này”.

Trong khi hoan hô những việc làm mới đây của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, ĐGM Gregory cũng cho biết vai trò của Hiệp Chủng Quốc sau này trong các công việc trên thế giới cần phải tái kiểm xét. Vị giám mục chủ tịch này đặc biệt đề cập đến việc cần phải tìm những đường lối khác với kiểu chiến tranh ngăn ngừa trong việc đối đầu với những thách đố gây ra bởi nạn leo thang các thứ khí giới đại công phá và nạn khủng bố; trong việc tuân giữ triệt để những giới hạn về việc sử dụng lực lượng quân sự; cũng như trong việc củng cố Liên Hiệp Quốc và tôn trọng luật lệ quốc tế, kể cả những Hiệp Định Geneva.

“Đất nước của chúng ta không thể chấp nhận một thứ cắt nghĩa bi quan về luật lệ quốc tế, về việc bất khả tránh vấn đề sát hại thành phần dân sự hay việc lạm dụng quyền lợi của con người, hoặc quá cậy dựa vào những đáp ứng về quân sự để giải quyết vấn đề khủng bố toàn cầu”.


Hội Đồng Giám Mục Bulgaria hoan hô việc Quốc Hội nước này cấm vấn đề triệt sinh an tử và vấn đề tạo sinh sao bản phi tính dục

Sofia Bulgaria ngày 2/6/2004, sau một tuần lễ nẩy lửa tranh luận, quốc hội Bulgaria đã bỏ phiếu chống lại việc hợp thức hóa vấn đề triệt sinh an tử. Trong số 107 phần tử quốc hội, có 93 vị bỏ phiếu thuận.

Cũng thế, cuộc tranh luận về vấn đề tạo sinh sao bản phi tính dục, một cuộc tranh luận đã kết thúc hôm 8/6/2004, cũng đã được kết thúc với quyết định cấm tạo sinh sao bản nhắm mục đích sản sinh, bao gồm cả việc hiến bào và hiến mô.

“Quốc Hội đã tiến một bước quan trọng, và tôi phải nói rằng nhiều vị đại biểu đã cùng nhau bênh vực sự sống từ khi thụ thai cho tới giây phút cuối cùng”. Vị giám mục ở Sofia theo lễ nghi Byzantine đã cho cơ quan SIR của hội đồng giám mục Ý biết như thế.

Giáo Hội Chính Thống Bulgaria đã bày tỏ chủ trương tương tự như thế. Nước này có 8 triệu dân, trong đó có 83.5% là Chính Thống Giáo, 13% là Hồi Giáo, 1.7% là Công Giáo và .8% là Do Thái.

 


Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

 (tiếp và hết)

 

Kết Luận
(185-186)

 

185.     “Có một quyền năng tác tạo nơi mối hiệp nhất của thân mình Chúa Kitô ngược lại với những mầm mống bất hòa là những gì kinh nghiệm hằng ngày cho thấy do bởi tội lỗi mà ra đã cắm rễ sâu xa nơi bản tính của con người. Ví chính việc xây dựng Giáo Hội mà Thánh Thể đã thiết lập mối hiệp thông nơi con người” (291). Thế nên, Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích này cũng hy vọng rằng, bằng việc thận trọng áp dụng những điều đã được nhắc nhở trong Bản Hướng Dẫn này, tính cách yếu kém của con người ít gây trở ngại cho tác động của Bí Tích Thánh Thể Cực Linh, tất cả mọi thứ lệch lạc đều bị loại trừ và tất cả mọi việc thực hành không thể chấp nhận đều bị bỏ đi (292), nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, “Người Nữ Thánh Thể”, sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô nơi Bí Tích Mình Máu của Người được chiếu tỏa rạng ngời trên tất cả mọi người.

186.     Chớ gì tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô tham dự vào Thánh Thể Cực Linh một cách trọn vẹn, ý thức và chủ động bao nhiêu có thể (293), thiết tha tôn kính Thánh Thể bằng việc sùng bái và cung cách sống của họ. Chớ gì các vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, khi thi hành thừa tác vụ thánh, hãy xét lương tâm mình về tính cách chân thực và trung thực của những tác động các vị thi hành nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội trong việc cử hành Phụng Vụ Thánh. Chớ gì mỗi một vị thừa tác viên thánh chức hãy tự hỏi mình, một cách trịnh trọng, xem các vị đã tôn trọng quyền lợi của phần tử giáo dân thuộc thành phần tín hữu của Chúa Kitô hay chăng, thành phần tin tưởng ký thác bản thân của họ cũng như của con cái họ cho các vị, tin cậy việc các vị hoàn trọn cho thành phần tín hữu những nhiệm vụ thánh Giáo Hội muốn thi hành khi cử hành Phụng Vụ thánh theo lệnh của Chúa Kitô (294). Vì mỗi một người cần phải luôn nhớ rằng họ là người tôi tớ của Phụng Vụ Thánh (295).

Chứ không phải tất cả những gì ngược lại.


Bản Hướng Dẫn này, do Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích soạn dọn theo lệnh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, với sự hợp tác của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đã được Đức Thánh Cha chuẩn nhận vào Lễ Trọng Kính Thánh Giuse 19/3/2004, và Ngài truyền phải ban hành và tuân giữ ngay bởi tất cả những ai liên hệ.


Tại văn phòng Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, Rôma, Lễ Trọng Truyền Tin 25/3/2004.


Hồng Y Francis Arinze,
Bộ Trưởng


Tổng Giám Mục Somenico Sorrentino
Bí Thư


(hết)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến