GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 6/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.
__________________
NGÀY 26 THỨ BẢY |
Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Ðaminh Henares Minh
Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu
THỜI ÐIỂM FATIMA
LÀ MÙA BIỂN ÐỘNG CUỐI THỜI
và LÀ MÙA VỌNG CÁNH CHUNG
Vấn Thời Điểm Fatima là gì? Thời Điểm Fatima có phải là "Mùa Biển Động Cuối Thời" hay không? Thời Điểm Fatima phải chăng là chính Mùa Vọng mong chờ Chúa Kitô đến lần thứ hai?
Ðáp "Thời gian từ lúc Đức Mẹ hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào ngày 13-5-1917, cho tới nay và sau này, bao lâu còn xẩy ra những gì có liên quan đến những điều Mẹ phán dạy ở Fatima, thì, theo ngôn từ của riêng tôi, đó là 'Thời Điểm Fatima'".
Trên đây là câu định nghĩa về Thời Điểm Fatima của tôi trong cuốn "Sứ Điệp Fatima: Màng Lưới Cứu Rỗi Trong Mùa Biển Động Cuối Thời", phần mở đầu, trang 5. Sau khi xác định ý nghĩa của Thời Điểm Fatima, tôi đã chứng minh về Thời Điểm Fatima như sau:
"Thật vậy, trong suốt 3/4 thế kỷ vừa qua, từ 1917 đến 1991 (tức đến năm tôi viết cuốn sách được nhắc đến ở đây), lịch sử Giáo Hội và thế giới đã hùng hồn chứng minh về giai đoạn được gọi là 'Thời Điểm Fatima' này". Sau câu gợi ý ấy, tôi đã liệt kê những biến cố tiêu biểu, cùng với những tháng ngày lịch sử của nó, "xẩy ra có liên quan đến những điều Mẹ phán dạy ở Fatima". Chẳng hạn như những ngày sau đây:
Ngày 13-7-1917, ngày Mẹï tiết lộ Bí Mật Fatima cũng là Dự Án Fatima mà Mẹ sẽ thực hiện trong chương trình được Mẹ khẳng định trong lời tiên báo: "Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng".
Ngày 13-6-1929, ngày Mẹ báo cho chị Lucia biết rằng: "Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này". Cũng vào năm 1929 này, một Stalin còn khát máu dữ tợn hơn cà Lênin đã chính thức lên nắm quyền đảng cộng sản Sô Viết.
Ngày 24-10-1940, ngày chị Lucia đã tự tay viết thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về những gì Đức Mẹ xin vào hai lần hiện ra ngày 13-7-1917 và 13-6-1929, liên quan đến việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
Ngày 31-10-1942, kỷ niệm 25 năm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, đã hiến dâng tất cả loài người, trong đó có Nước Nga, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
Ngày 7-7-1952, ngày lễ hai thánh tông đồ dân Slavs, Đức Thánh Cha Piô XII hiến dâng cách riêng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Ngày 13-5-1981, ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô mà không chết.
Ngày 13-5-1982, ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Fatima để tạ ơn Mẹ Maria đã cứu mạng ngài đúng một năm trước đó, và đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
Ngày 25-3-1984, ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Ngày 1-8-1989, trước khi xẩy ra biến động đầu tiên nơi khối Cộng Sản Đông Âu, chị Lucia đã muốn phổ biến cho thế giới biết việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã hiệu thành và "Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài".
Ngày 19-8-1989, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra lần thứ 4 với 3 Thiếu Nhi Fatima, (chứ không phải ngày 13 như thường lệ, vì lần này các em bị chính quyền địa phương giam giữ vào ngay ngày 13 để tra hỏi các em), Biến Cố Đông Âu bắt đầu xẩy ra tại Ba Lan, ngay quê hương của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi vị cố vấn của Công Đoàn Liên Đới được bổ nhiệm làm thủ tướng trong chế độ cộng sản bấy giờ.
Ngày 25-12-1991, ngày thủ lãnh của chế độ cộng sản Liên Bang Sô Viết tự ý từ chức, một sự kiện biểu hiệu cho việc Nước Nga nói riêng và khối Liên Bang Sô Viết nói chung từ bỏ cả chủ nghĩa lẫn chế độ cộng sản.
Các mốc điểm lịch sử liên quan trực tiếp đến Thời Điểm Fatima có thể kể đến đại cương là như thế. Tuy nhiên, trong chương 4 của cuốn Trái Tim Mẹ Toàn Thắng, trang 48, tôi đã đặt vấn đề và kết luận về sự kiện sau khi Nước Nga trở lại như sau:
"Nếu Thời Điểm Fatima có liên quan chặt chẽ với diễn biến của Nước Nga như thế, thì, phải chăng, một khi Nước Nga trở lại, Thời Điểm Fatima tự nhiên cũng chấm dứt? Tôi không nghĩ như thế. Trái lại, theo tôi, sau khi Nước Nga trở lại mới chính là tột đỉnh của Thời Điểm Fatima, hay mới chính là lúc Thời Điểm Fatima đến hồi quyết liệt nhất. Đúng thế, Nước Nga nói riêng và thế giới nói chung chỉ là trường hợp để Thiên Chúa dùng trong việc 'làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến' mà thôi".
Thật thế, theo toàn bộ của Dự Án Fatima thì ý định của "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới... (là để) nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình". Mà thực tế hiện nay cho thấy, sau khi Nước Nga trở lại, hiện trạng thế giới lại càng hỗn loạn hơn bao giờ hết, chẳng khác gì như là một Mùa Biển Động Cuối Thời.
Thật vậy, như tôi đã nhận định trong cuốn "Sứ Điệp Fatima: Màng Lưới Cứu Rỗi Trong Mùa Biển Động Cuối Thời", tiếp theo những đoạn đã trích dẫn trên đây, thì "'Thời Điểm Fatima chính là Mùa Biển Động Cuối Thời' không phải chỉ ở chỗ thế giới đang sống trong một giai đoạn lo sợ Thế Chiến xẩy ra bất cứ lúc nào, khi căn cứ vào lời Đức Mẹ nói 'một thời gian hòa bình sẽ được ban cho thế giới' mà không biết là thời gian đó sẽ kéo dài trong bao nhiêu lâu. 'Thời Điểm Fatima thật sự là Mùa Biển Động Cuối Thời' còn ở chỗ, theo lời chị Lucia... 'Rất Thánh Trinh Nữ đã cho tôi hiểu rằng... ma qủi đang thực hiện một cuộc tử chiến với Đức Trinh Nữ, và cuộc tử chiến này là trận chiến cuối cùng sẽ phân thắng bại cho cả đôi bên...'"
Nếu Thời Điểm Fatima là thời điểm kéo dài cho tới khi "nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình" đúng như Dự Án Fatima, thì dấu hiệu để biết được Thời Điểm Fatima này hoàn toàn chấm dứt và hoàn toàn kết thúc là khi người ta thấy thế giới thực sự hòa bình. Với tình hình hiện nay, thế giới sẽ không thể nào có hòa bình thực sự, mà chỉ là "được ban cho một thời gian hòa bình" thôi, sau khi Nước Nga là ngòi chiến tranh trở lại, như mọi ngưòi đều nhận thấy rõ ràng như vậy.
Thế nhưng, sau khi "thế giới được ban cho một thời gian hòa bình" như thế, không biết dài hay ngắn, qua đi, thì vận mạng nhân loại sẽ ra sao, nếu tội lỗi của con người vẫn cứ càng ngày càng tăng phát làm cho con người mê man ngông cuồng trong cơn lốc duy nhân bản, coi mình là chủ tể mọi sự, kể cả quyền lập luật sát sinh vô nhân đạo. Với đà này, sau thời gian hòa bình được ban cho đây, nhân loại sẽ đi về đâu?
Theo tôi, nhân loại chúng ta hiện nay đang sống vào thời tận thế. Bởi vì, tận thế không xẩy ra trong vòng một ngày, mà là một thời, gọi là thời tận thế. Thời tận thế này, như Chúa Giêsu báo trước trong Phúc Âm thánh Mathêu, nguyên đoạn 24, được chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất của thời tận thế là giai đoạn chiến tranh, giai đoạn thứ hai của thời tận thế là giai đoạn nguội lạnh, giai đoạn thứ ba của thời tận thế là giai đoạn tục hóa, và giai đoạn thứ bốn cũng là giai đoạn cuối cùng của thời tận thế là giai đoạn Con Người xuất hiện.
Giai đoạn thứ nhất của thời tận thế là giai đoạn chiến tranh. Nhân loại đã trải qua giai đoạn thứ nhất của thời tận thế này với hai Thế Chiến I và II. Tuy nhiên, ngòi chiến tranh không phải là Nước Nga cho bằng chính tội lỗi của loài người. Bằng cớ là Nước Nga đã trở lại rồi mà thế giới vẫn chẳng những chưa được hoàn toàn yên vui, ngược lại, loài người còn sống trong bất ổn hơn bao giờ hết. Loài người đã tội lỗi còn hơn hai Thế Chiến I và II, thế mà loài người vẫn không bị Thiên Chúa trừng phạt bằng một Thế Chiến thứ III. Tôi không nghĩ Thiên Chúa sẽ dùng chiến tranh để trừng phạt loài người nữa.
Giai đoạn thứ hai của thời tận thế là giai đoạn nguội lạnh. Thấy con người không ăn năn hối cải sau hai trận Thế Chiến, Thiên Chúa đã để cho sự dữ tăng tiến làm cho con người càng ngày càng vơi tình yêu thương rồi ghét bỏ nhau (x.Mt.24:10,12). Giai đoạn thứ hai của thời tận thế này có thể kể từ thập niên 1960, thập niên mà chị Lucia cho biết đó là thời điểm làm sáng tỏ hơn phần Bí Mật Fatima thứ ba. Phải chăng đây là "một trận tử chiến sẽ phân thắng bại cho cả đôi bên", như chị Lucia cho biết, còn đáng sợ hơn cả chiến tranh về thể lý là Đại Chiến I và II nữa.
Giai đoạn thứ ba của thời tận thế là giai đoạn tục hóa. Thật thế, từ cuộc chiến tâm linh quyết liệt để phân thắng bại này, hậu qủa không thể tránh được là con người sẽ đi vào giai đoạn tục hóa (x.Mt.24:15), giai đoạn con người hạ bệ Thiên Chúa và thay thế Ngài bằng một ngẫu tượng đó là duy nhân bản, tức những gì họ nghĩ và muốn mới là chân thiện tuyệt đối và là thần tượng tối cao mà thôi, chứ không phải lề luật của Thiên Chúa, được thể hiện qua lề luật luân lý phổ quát. Theo tình hình duy nhân bản càng ngày càng khủng khiếp hiện nay, đến nỗi đã làm cho lương tâm là cung thánh của họ "trở thành hang trộm cướp" (Mt.21:13), cho thấy thì nhân loại đang ở vào giai đoạn thứ ba, giai đoạn tục hóa của thời tận thế này.
Giai đoạn thứ bốn của thời tận thế là giai đoạn Con Người xuất hiện. Thế nhưng, ngay trước khi Con Người xuất hiện sẽ xẩy ra hiện tượng khủng hoảng trên không gian nơi mặt trời, mặt trăng và các tinh tú (x.Mt.24:29). Và dấu hiệu Con Người xuất hiện hợp với Phúc Âm đã được Chúa Giêsu tỏ cho Á Thánh Faustina biết, như tôi trích dịch trong bộ "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!", cuốn 1, trang 65, như sau:
"Trước khi Cha đến như một Quan Án công minh, thì Cha đến như Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thang, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: 'Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bấu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không bao lâu trước ngày cùng tận".
Với bốn giai đoạn của thời tận thế được phân tách căn cứ vào Phúc Âm trên đây, nhân loại chúng ta đang ở vào giai đoạn nào?
Theo tôi, nhân loại chúng ta đang ở vào giai đoạn thứ ba của thời tận thế. Bởi vì, trong giai đoạn tục hóa này lại có một hiện tượng khác nghịch đảo, đó là hiện tượng Tin Mừng được rao giảng khắp nơi trên thế giới (x.Mt.24:14). Mà hiện tượng rao giảng Tin Mừng khắp nơi trên thế giới này còn gì sống động và chân thực hơn là những cuộc tông du khắp thế giới của chính Vị Chủ Chăn Tối Cao là Đức Giáo Hoàng, kể từ Đức Phaolô VI, nhất là Đức Thánh Cha đương kim Gioan Phaolô II, vị đã chia sẻ cảm nhận của mình với các đứùc giám mục Tô Cách Lan ngàyï 25-4-1997 như sau: "Khi chúng ta sửa soạn tiến vào thiên niên thứ ba thì Chúa Thánh Thần thôi thúc Giáo Hội hoàn tất nhiệm vụ thánh hảo của Giáo Hội trong việc rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi tạo vật"
Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua bức Thông Điệp đầu tiên của ngài ban hành từ năm 1979, đoạn 1, ngài đã chia sẻ cảm nhận của mình như sau: "chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một mùa vọng mới, một mùa đợi trông". Và, trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 20, Đức Thánh Cha còn cho biết mùa vọng mới này được kể từ Công Đồng Vaticanô II: "Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và sẽ đến".
Như thế, Thời Điểm Fatima chẳng những là Mùa Biển Động Cuối Thời, còn là Mùa Vọng đợi trông Chúa Cứu Thế đến lần hai, một thời điểm mà ĐTC Gioan Phaolô II đã nói tại Lebanon ngày 10-5-1997 là "tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày cuối cùng của lịch sử, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa mà Người đã công bố".