GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 6/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.
__________________
NGÀY 29 THỨ BA |
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp ủng hộ việc Ngưng Chiến vào dịp Thế Vận Hội ở Nhã Điển 13-28/8/2004
Bằng một cử chỉ ngoại lệ, ĐTC GPII đã gửi một sứ điệp tỏ ý ủng hộ lời kêu gọi ngưng chiến trong những ngày Thế Vận Hội ở Nhã Điển Hy Lạp 13-28/8/2004. Vị lãnh sự Hy Lạp bên cạnh Tòa Thánh Vatican là Christos Botzos đã cho Zenit biết cử chỉ bất thường này của ĐTC.
Theo sứ điệp của mònh, Ngài tỏ ý hy vọng là sẽ không xẩy ra bạo động trong dịp Thế Vận Hội, trái lại, biến cố này sẽ cổ võ “tinh thần hòa bình” và đề cao tinh thần “tranh đoạt lành mạnh”, theo chủ ý của các vị sáng lập Thế Vận Hội thời Hy Lạp cổ xưa.
Về phần mình, Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh quyết định kêu gọi thực hiện một cuộc ngưng chiến dịp Thế Vận Hội này. Ở đoạn cuối sứ điệp này, ĐTC mong muốn thấy cuộc Thế Vận Hội năm nay là một “biến cố vui mừng” cho hết mọi người và phản ảnh tinh thần huynh đệ toàn cầu.
Vị lãnh sự cho biết rằng “Đây là một cử chỉ rất được cảm mến ở Hy Lạp”. Vì ĐGH đã làm một việc “rất bất thường” để nâng đỡ một lời kêu gọi như thế: “Vị Giáo Hoàng này thực sự muốn nhấn mạnh rằng các Môn Chơi Thể Thao là cơ hội bộc lộ cho thấy con người là anh chị em với nhau. Bởi thế, nó là một sứ điệp nặng về đạo nghĩa. Vị Giáo Hoàng này đã vượt ra ngoài quan niệm về vấn đề ngưng chiến là những gì đã được tuân giữ theo truyền thống Hy Lạp cổ điển trong Thế Vận Hội kéo dài 40 ngày trước và 40 ngày sau . Theo lịch sử cổ điển thì vấn đề ngưng chiến chỉ bị các Lực Sĩ Thế Vận vi phạm một lần duy nhất, thành phần có thế giá nhưng bị trừng phạt và không được tham gia vào các môn đấu sau đó. Vị Giáo Hoàng này còn tiến xa hơn nữa. Vị Giáo Hoàng này còn tiến xa hơn nữa, nhưng vẫn kêu gọi ngưng chiến kéo dài ngay sau Thế Vận Hội nữa vậy?”
Hôm Thứ Bảy 26/6/2004, khi gặp gỡ 7 ngàn tham dự viên cuộc họp do Trung Tâm Thể Thao Ý Quốc tại Sảnh Đường Phaolô VI, ĐTC đã kêu gọi các lực sĩ hãy thắng vượt sự dữ muốn sử dụng thuốc và thắng vượt cả việc không ngừng theo đuổi lợi lộc là những gì chi phối sinh hoạt của thế giới thể thao. Sau đây là lời của ĐTC:
“Trong thời đại của chúng ta đây, guồng máy thể thao thường bị điều kiện hóa bởi lý lẽ của lợi lộc, của phong cảnh nên thơ hữu tình, của hút sách, của những môn thể thao quá trớn. Về vấn đề thực hành các môn thể thao mà nếu được áp dụng theo quan điểm Kitô giáo, sẽ trở thành một yếu tố làm phát sinh những mới liên hệ sâu xa nơi con người và hướng về việc xây dựng một thế giới yên hàn hơn, một thế giới đoàn kết hơn. Mỗi người trong anh chị em được kêu gọi theo Chúa Kitô và trở thành chứng nhân của Người trong lãnh vực thể thao”.
ĐTC với Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 8 về Hoạt Động Giáo Dục Và bác Ái của Giáo Hội
Thứ Năm 24/6/2004, ĐTC GPII đã tiếp các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 8 thuộc các giáo tỉnh Tây Bắc là Portland, Seattle và Anchorage. Ngài đã tiếp tục chủ đề thứ hai về vai trò ngôn sứ của các vị giám mục, một chủ đề Ngài đã bắt đầu từ đợt Giám Mục thứ 6. Tuy nhiên, chủ đề về sứ mệnh ngôn sứ này được Ngài nói đến với các vị giám mục đợt 8 này về vấn đề giáo dục và công việc bác ái xã hội. Sau đây là một số tư tưởng tiêu biểu chính yếu trong bài chia sẻ của ĐTC với đợt giám mục Hoa Kỳ thứ 8 này.
Theo Ngài, những cơ sở giáo dục và bác ái Công Giáo “hiện hữu chỉ vì một lý do duy nhất, đó là loan báo Phúc Âm. Chứng từ của những việc làm ấy bao giờ cũng phải phát xuất từ chính lòng của Giáo Hội ‘ex corde Ecclesia’. Bởi thế, vấn đề hết sức quan trọng là những cơ cấu của Giáo Hội phải thực sự “là Công Giáo theo ý nghĩa của những việc ấy cũng như là Công Giáo theo căn tính của chúng”.
“Những ai tham gia vào việc tông đồ của những cơ cấu tổ chức ấy, bao gồm cả những người không có niềm tin, đều phải tỏ ra thực sự và trân trọng cảm nhận được sứ vụ làm nên nguồn cảm hứng và căn nguyên sâu xa cho sứ vụ ấy”.
“Nhiều cơ cấu tổ chức của Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc, như các trường học, đại học, bệnh viện và các cơ quan từ thiện bác ái, chẳng những phải giúp cho tín hữu nghĩ tưởng và hành động hoàn toàn am hợp với Phúc Âm, bằng cách thắng vượt tất cả mọi phân rẽ giữa đức tin và đời sống, mà còn phải cống hiến một chứng từ cho sự thật cứu độ một cách hiển nhiên về cơ cấu tổ chức nữa”.
“Điều cần đòi phải liên lỉ tái kiểm điểm về tính cách ưu tiên của những việc làm này theo chiều hướng truyền giáo cũng như về việc thể hiện trong một xã hội đa dạng một chứng từ có tính cách thuyết phục về giáo huấn của Giáo Hội, nhất là liên quan đến vấn đề tôn trọng sự sống con người, đời sống hôn nhân và gia đình, cũng như về trật tự đúng đắn nơi đời sống xã hội”.
Riêng về các cơ cấu giáo dục, ĐTC nhấn mạnh rằng “những cơ cấu ấy chỉ có thể đóng góp một cách hiệu nhiệm vào việc tân truyền bá phúc âm hóa nếu chúng bênh vực và minh nhiên duy trì căn tính Công Giáo của chúng. Điều này có nghĩa là những nguyên tắc về giáo dục được những cơ sở giáo dục này truyền đạt phải liên lỉ căn cứ vào Chúa Giêsu Kitô cũng như vào sứ điệp của Ngài, hoàn toàn đúng như những gì Giáo Hội trình bày nơi giáo huấn về tín lý và luân lý của mình”.
“Ngoài ra, việc giáo dục thực sự Công Giáo còn phải cổ võ một thứ hội nhập kiến thức theo chiều hướng của một quan niệm về con người cũng như về thế giới được Phúc Âm hướng dẫn”.
ĐTC nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải nâng đỡ hoạt động của “các trường học của giáo xứ”, là những nơi “đã cống hiến rất nhiều cho nhiều người Hoa Kỳ, cả người Công Giáo lẫn không Công Giáo, một nền giáo dục vững chắc về học vấn, luân lý và đạo lý”.
Những nguyên tắc áp dụng cho lãnh vực học đường cũng hiệu nghiệm cho cả các cơ cấu tổ chức về bác ái xã hội nữa. Ngài yêu cầu phác họa những qui chế “hoàn toàn am hợp với giáo huấn về luân lý của Giáo Hội ở những tổ chức chăm sóc sức khỏa của Công Giáo”.
Ngài đã kết thúc bài chia sẻ của mình với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 8 này như sau: “Mỗi một khía cạnh sinh hoạt của những công việc này đều phải phản ảnh nguồn cảm hứng về đạo giáo của chúng cũng như phản ảnh mối hiệp nhất sâu xa của chúng với sứ vụ của Giáo Hội, hầu mang ánh sáng siêu nhiên, việc chữa lành và niềm hy vọng đến cho con người nam nữ thuộc mọi bậc sống trên con đường hành trình của họ”.
ÐTC với Cuộc Hội Luận Của Những Người Âu Châu về Chủ Đề “Gia Đình ở Âu Châu”
Mười năm trước đây, tức vào năm 1994, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Năm Quốc Tế về Gia Đình, với cuộc Hội Nghị ở Cairô rất là gay go, đến nỗi, nếu Tòa Thánh và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bấy giờ không cương quyết và mãnh liệt chống lại những chủ trương sặc mùi văn hóa sự chết liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa vấn đề phá thai để kiểm soát dân số, thì thế giới này đã vừa khóc vừa cười cử hành một đám ma văn hóa rồi vậy. Quyền lực của thứ văn hóa sự chết khủng khiếp này, dù hoàn toàn thua cuộc ở Hội Nghị Cairô, nhưng vẫn vùng dậy ở Hội Nghị Bắc Kinh trong Năm Quốc Tế về Nữ Giới 1995, một hội nghị đã được phong trào nữ giới cấp tiến không phải đòi bình quyền với nam nhân mà là toàn quyền định đoạt về những gì liên quan đến than xác của họ, tức đến quyền phá thai, một vấn đề đã bị thất bại ở Hội Nghị Cairô về Dân Số. (Về diễn tiến Hội Nghị Cairô, xin xem cuốn Ánh Sáng Thế Gian của Cao Tấn Tĩnh, do Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam ở Hoa Kỳ xuất bản năm 2000, Chương Bóng Tối Không Át Được Ánh Sáng, trang 214-230).
Năm 2004, lại một Năm Quốc Tế về Gia Đình, một cuộc hội luận của những người thuộc Âu Châu đã diễn tiến tại Rôma về chủ đề “Gia Đình ở Âu Châu”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói cùng thành phần tham dự viên của cuộc hội luận này về chủ đề của họ như sau:
“Vào thiên niên kỷ thứ nhất, việc gặp gỡ giữa luật pháp Rôma và sứ điệp Kitô Giáo đã làm phát sinh ra cái có thể được gọi là mẫu mực về gia đình của người Âu Châu, một mẫu mực được lan tràn rộng rãi tới cả Châu Mỹ và Đại Dương Châu”.
Ngài nhận định là trong 50 năm qua, một hiện tượng đã xẩy ra ở các xã hội tân tiến “với một lối sống rất rõ ràng và cho thấy triệu chứng của một cuộc khủng hoảng sâu xa gây ra những hậu quả tất cả chúng ta thấy được hiện nay. Trước những cuộc khủng hoảng ấy, gia đình bao giờ cũng là một yếu tố của tình liên kết và sức mạnh, thậm chí có bị chống đối một cách cay nghiệt, vẫn là đối tượng của những niềm hy vọng, của những ước mong, những dự phóng và nỗi nhớ nhung”.
“Thật vậy, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng này là vấn đề của văn hóa, và ngày nay các thế hệ trẻ hình như bị thu hút bởi lý tưởng của thứ gia đình truyền thống. Thế nhưng, chúng vẫn đồng thời không thể nào lãnh trách nhiệm ấy một cách đầy đủ”.
“Vấn đề chính yếu ở đây là: ngày nay chúng ta còn có thể nói về một thứ mẫu mực gia đình hay chăng? Giáo Hội tin rằng, trong môi trường ngày nay, một môi trường lại càng cần phải tái khẳng định cơ cấu về hôn nhân và gia đình như là những thực tại phát xuất từ ý muốn khôn ngoan của Thiên Chúa, và hoàn toàn thể hiện ý nghĩa và giá trị của những cơ cấu này theo dự án tạo dựng và cứu độ của Ngài”.
Vì cuộc khủng hoảng xẩy ra một phần bởi vấn đề văn hóa nên ĐTC đã nêu lên vấn đề giải quyết là phận vụ của “những ai hoạt động nơi lãnh vực văn hóa và nghiên cứu khoa học, của những người theo phương pháp đối thoại và trực diện với những thứ luật phép khác nhau đối với những vấn đề liên quan đến gia đình”.