GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 4 THỨ SÁU

 

Lời nguyện cầu của bệnh nhận cũng như của con người lẻ loi cô độc

(Bài Giáo Lý thứ 109 của ÐTC GPII về việc Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh, Thứ Tư 2/6/2004: Thánh Vịnh 40 [41] cho Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất)

 

1.     Một trong những lý do tại sao chúng ta hiểu được và yêu mến bài Thánh Vịnh 40 (41) chúng ta vừa nghe đó là sự kiện chính Chúa Giêsu đã trích dẫn bài Thánh Vịnh này: “Thày không nói tất cả chúng con. Thày biết những ai Thày đã chọn. Thế nhưng, để kinh thánh được nên trọn, ‘kẻ đồng bàn với ta giơ gót đạp ta’” (Jn 13:18).

Đó là đêm cuối cùng đời sống trần gian của mình, đêm ở trong Nhà Tiệc Ly Chúa Giêsu sắp trao miếng bánh mỏng manh cho Giuđa là kẻ phản nộp Người. Người đã nghĩ đến câu ấy của bài Thánh Vịnh, là câu thực ra là lời thỉnh cầu của một bệnh nhân bị bạn bè của mình bỏ rơi. Nơi lòi cầu nguyện cổ kính này, Chúa Giêsu đã thấy được những cảm xúc và ngôn từ để bày tỏ nỗi sầu thương sâu xa của Người.

Giờ đây chúng ta sẽ cố gắng theo dõi và tìm hiểu tất cả vấn đề của bài Thánh Vịnh này, một vấn đề thoát ra từ miệng lưỡi của một con người chắc chắn chịu đựng bệnh hoạn của mình, nhất là chịu khổ cực bởi “các kẻ thù” (câu 6-9) dã tâm đay nghiến, thậm chí bị phản bội bởi một “người bạn” (câu 10).

2.     Bài Thánh Vịnh 40 (41) bắt đầu bằng một thứ phúc đức. Kẻ nhận được phúc đức này là một người bạn đích thực, “người quan tâm đến kẻ nghèo”: Ai sẽ được Chúa tưởng thưởng vào ngày đau khổ của mình, khi họ nằm “trên giường bệnh” (câu 2-4).

Tuy nhiên, trọng tâm của lời thỉnh nguyện này lại ở đoạn sau, đoạn người bệnh lên tiếng nói (câu 5-10). Người ấy bắt đầu nói bằng việc xin Chúa thứ tha, như quan niệm Cựu Ước truyền thống cho rằng hết mọi đớn đau là do bởi lỗi lầm liên hệ: “Lạy Chúa, xin xót thương tôi; xin hãy chữa lành tôi vì tôi đã phạm tội mất lòng Ngài” (câu 5; x Ps 37[38]}. Đôi với người Do Thái xưa thì bệnh hoạn là một tiếng gọi lương tâm hãy thực hiện việc ăn năn hoán cải.

Mặc dù nó là một quan niệm bị Chúa Kitô là Đấng Mạc Khải tối hậu phủ lấp đi (x Jn 9:1-3), đau khổ tự nó còn chất chứa một giá trị sâu xa và là một cách thức thanh tẩy, một cuộc giải phóng nội tâm, một cuộc thăng hóa tâm hồn. Nó mời gọi con người thắng vượt cái nông nổi, hão huyền, cái tôi, tội lỗi mà tha thiết phó mình hơn nữa cho Thiên Chúa cũng như cho ý muốn cứu độ của Ngài.

3.     Thế rồi thành phần gian ác nhập cuộc, những kẻ đến viếng thăm bệnh nhân chẳng những không an ủi lại còn tấn công người bệnh (câu 6-9). Những lời lẽ của họ đay nghiến tâm can của con người nguyện cầu, con người trải qua một thứ hiểm độc ác ôn . Chính cảm nghiệm này cũng xẩy ra với nhiều con người nghèo hèn, những con người bị bỏ rơi quên lãng và cảm thấy mình là một gánh nặng cho chính các phần tử trong gia đình của mình. Nếu nhận được lời an ủi naòo thì có lẽ họ liền nhận ra giọng điệu dối trá và giả hình của nó.

Ngoài ra, như chúng ta đã nói, con người nguyện cầu cảm thấy cái lạnh lùng dửng dưng và đay nghiến thậm chí của cả thành phần bạn hữu (câu 10), thành phần trở nên những nhân vật thù ghét. Vị tác giả Thánh Vịnh áp dụng cử chỉ “giơ gót chân” của họ, một hành động đe dọa của một người sắp sửa đạp kẻ bị bại hay là một tác lực của viên kỵ binh lấy gót chân đạp con ngựa của mình để tấn công đối phương.

Thật là đắng cay khi có kẻ đạp “bạn bè” là người được tin tưởng, người theo ngôn ngữ Do Thái nghĩa là “con người của hòa bình”. Chúng ta nghĩ tới bạn bè của ông Gióp là những người thân hữu một đời đã trở thành một cuộc hiện diện lạnh lùng và thù hận (x Job 19:1-6). Nơi con người cầu nguyện của chúng ta đây thì tiếng nói của đám đông dân chúng bị lãng quên và nhục nhã nơi tình trạng yếu đau và yếu đuối của họ, bao gồm cả tiếng nói của những người cần phải giúp đỡ họ.

4.     Lời cầu nguyện của bài Thánh Vịnh 40 (41), tuy nhiên, không chấm dứt ở nhận định lu mờ này. Con người cầu nguyện tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ xuất hiện ở chân trời, tỏ tình yêu thương của Ngài ra một lần nữa (câu 11-14). Ngài sẽ ban cho họ ơn trợ giúp và nhận lấy bệnh tình của họ trong cánh tay Ngài, thành phần lại “ở trước nhan” Chúa của mình (câu 13), tức là, theo ngôn ngữ thánh kinh, sẽ sáng lại cảm nghiệm của phụng vụ ở đền thờ.

Bài Thánh Vịnh có đặc tính đớn đau này bởi thế được kết thúc bằng một tia sáng và hy vọng. Theo chiều hướng ấy người ta mới hiểu được tại sao Thánh Ambrôsiô, khi dẫn giải về mối phúc đức mở đầu (câu 2), đã thấy trước nơi phúc đức ấy lời mời gọi hãy suy niệm về cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô là những gì dẫn đến phục sinh. Vị Giáo Phụ của Giáo Hội khuyên đọc bài Thánh Vịnh này như sau: “Phúc cho ai nghĩ về tình trạng khổ cực và nghèo khổ của Chúa Kitô là Đấng vốn giầu sang dã trở thành nghèo nàn vì chúng ta. Người giầu có nơi Vương Quốc của Người, nhưng nghèo nàn nơi xác thịt, vì Người đã mặc lấy xác thịt này của người nghèo… bởi thế Người không chịu khổ nơi tình trạng giầu sang của mình mà là nơi trạng thái bần cùng của chúng ta. Vì vậy mà không phải thần tính viên mãn… mà là xác thịt chịu đựng khổ đau. Thế nên, hãy cố gắng đi sâu vào ý nghĩa nghèo khổ của Chúa Kitô, nếu anh em muốn trở nên giầu có! Hãy cố gắng thấu hiểu được ý nghĩa của nỗi yếu đuối của Người, nếu anh em muốn chiếm đạt ơn cứu độ! Hãy cố gắng thấu triệt ý nghĩa thập tự giá của Người, nếu anh em không muốn hổ ngươi vì thập giá; hãy hiểu thấu ý nghĩa thương tích của Người nếu anh em muốn chữa lành vết thương của anh em; hãy thấu hiểu ý nghĩa cái chết của Người, nếu anh em muốn chiếm hưởng sự sống đời đời; hãy hiểu thấu y ù nghĩa của việc Người được chôn táng, nếu anh em muốn được phục sinh” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms]: Saemo, VIII, Milan-Rome, 1980, pp. 39-41).

Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay việc chúng ta suy niệm nhắm đến bài Thánh Vịnh 40, một lời nguyện cầu của bệnh nhận cũng như của con người lẻ loi cô độc. Thật vậy, đó là bài Thánh Vịnh được Chúa Giêsu trích dẫn trong Bữa Tiệc Ly về việc Người bị bội phản bởi một trong những vi tông đồ của Người.

Mặc dù mang đặc tính buồn sầu hiển nhiên nơi bài Thánh Vịnh này, cũng vẫn thấy được một niềm vui thiêng liêng sâu xa, khi nhận thấy rằng dau khổ có thể là duờng lối để thanh tẩy, đến cuộc giải phóng nội tâm cũng như đến việc thăng hóa tâm hồn.

Đó là lý do tại sao vị đại Thánh Ambrôsiô đã giải thích bài Thánh Vịnh này như là một tia sáng và hy vọng báo trước cho chúng ta, khi kêu gọi chúng ta hãy suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, Đấng cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi và dẫn chúng ta đến chỗ cùng Người phục sinh.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 2/6/2004.

 

Kỷ Niệm 25 năm Chuyến Tông Du Về Quê Hương Balan Làm Biến Ðổi Lịch Sử Thế Giới

Hôm nay, khi kết thúc bài giáo lý về Thánh Vịnh trên đây tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nói bằng tiếng Balan về ngày kỷ niệm chuyến tông du đầu tiên về quê hương của Ngài 25 năm về trước, cuộc tông du đã làm biến đổi lịch sử Đông Âu.

“Hôm nay là ngày kỷ niệm 25 năm lần đầu tiên với tư cách là Giáo Hoàng Tôi đã hôn đất Balan. Tâm tư của Tôi luôn luôn nghĩ lại những ngày này và Tôi tạ ơn Chúa về ngọn gió Thánh Linh đã thổi qua mảnh đất ấy tạo nên một cuộ cthay đổi sâu xa. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho quê hương xứ sở của chúng ta cunõng như cho toàn thể nhân dân Balan”.

Trong cuộc tông du 2-10/6/1979 của mình, Ngài đã đọc 36 bài diễn từ. Tối thiểu từ 10 trong số 35 triệu người dân đã được đích thân thấy Ngài, ở 9 thành phố, làng mạc và đền thánh Ngài đã đến thăm.

Bắt đầu năm 1979, ông Edward Gierek, bí thư đầu tiên của Đảng Lao Động Thống Nhất Của Balan, đã nói chuyện điện thoại với lãnh tụ Nga Sô bấy giờ là Leonid Brezhnev, nhân vật đã khuyên can ông hãy cản trở việc viếng thăm của vị giáo hoàng này.

Trong tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” của Tad Szulc, Gierek tiết lộ là, khi thấy vị bí thư này bất đồng ý kiến với mình, vị lãnh đạo khối liên bang Nga Cộng liền nói: “Vậy thì đồng chí cứ làm theo ý muốn của mình, miễn là đàng chí và Đảng của đồng chí sau này đừng có hối hận”.
 

Tổng Thống Bush sẽ Tặng Thưởng ĐTC GPII Huy Chương Tự Do

Theo nguồn tin từ Tòa Thánh Vatican cho hay, trong lần triều kiến ĐTC GPII 4/6/2004, Tổng Thống Bush sẽ tặng thượng ĐTC Huy Chương Tự Do.

Tháng 11/2003 vừa rồi, Hạ Viện Hoa Kỳ, qua việc bỏ phiếu bằng miệng đã chấp thuận quyết định của lưỡng đảng khuyến khích Tổng Thống Bush tặng thưởng vinh dự đệ nhất về dân sự của chính phủ cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Năm 1963, Tổng Thống John Kennedy đã cho phép thực hiện việc tưởng thưởng Huy Chương Tự Do Của Tổng Thống cho những người “có công đặc biệt đóng góp vào 1) nền anh ninh hay thiện ích của quốc gia Hiệp Chủng Quốc, hay 2) nền hòa bình thế giới, hoặc 3) những nỗ lực quan trọng về văn hóa hay về xã hội hoặc cá nhân”.

Trong số 400 mề đay đã được tưởng thưởng. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (qua đời ngày 3/6/1963) là 1 trong 31 nhân vật được vinh dự này. Tổng Thống Lyndon Johnson đã trao tặng huy chương này cho ngài là một người quá cố vào tháng 12/1963.


Tháng Thánh Tâm 2004 ÐTC muốn có một ngày cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục

Trong tháng Thánh Tâm 6/2004 này, ĐTC đã chỉ định dùng ngày 18/6 Lễ Thánh Tâm Chúa là Ngày Cầu Nguyện Cho Việc Thánh Hóa Các Linh Mục.

Trung tâm của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là ở Paray-le-Monial, một làng nhỏ ở Burgundy nơi Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque (1647-1690) đã sống. Thánh nữ là một chị dòng Thăm Viếng đã được Chúa Giêsu hiện ra vào lần đầu tiên ngày 27/12/1673, và sứ điệp Người nhắn gửi chị là hình ảnh một vị Thiên Chúa hoàn toàn khác với khuynh hướng và chủ trương của bè rối Jansenist bấy giờ, một bè rối phát xuất từ thần học gia kiêm giám mục Cornelius Jansen/Jansenius (1585-1638), một bè rối chủ trương hai điều đặc biệt, đó là không có vấn đề siêu nhiên và không có vấn đề Chúa Tình Thương gì cả.

Chúa Giêsu đã nói với chị thánh nữ này rằng: “Trái Tim Thần Linh của Cha thiết tha yêu thương con người, đặc biệt là con, đến nỗi chất chứa nơi mình những ngọn lửa nồng nàn yêu mến, cần phải được lan tràn qua con”.

ĐTC GPII đã đến viếng thăm Paray-le-Monial ngày 5/10/1986. Những cuộc tĩnh tâm do các linh mục thuộc Cộng Đồng Thiên Chúa Ở Giữa Chúng ta, một thực thể mới của giáo hội bắt nguồn từ tổ chức Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo. Qua một số năm, cộng đồng này đã tổ chức những khóa tĩnh tâm mùa hè cho giới trẻ và các gia đình. Có khoảng 20 ngàn người tham dự. Những cuộc tĩnh tâm này được đồng thời chuyển dịch sang 15 thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Nhật Bản và Trung Hoa.


 

Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

Chương IV
 

Việc Hiệp Lễ
 

(tiếp theo)

 

 

3.     Việc Hiệp Lễ Của Các Linh Mục (97-99)

97.     Mỗi lần cử hành Thánh Lễ, vị Linh Mục phải rước lễ ở bàn thờ vào lúc được Sách Lễ qui định, và những vị đồng tế phải rước lễ trước khi cho rước lễ. Vị Linh Mục chủ tế hay đồng tế không bao giờ được đợi cho đến khi cộng đồng dân Chúa rước lễ xong mới rước lễ (183).

98.     Việc Rước Lễ của các vị Linh Mục đồng tế cần phải được thi hành theo những qui tắc ấn định trong các sách phụng vụ, bao giờ cũng phải chịu bánh thánh được truyền phép trong Thánh Lễ (184) và tất cả mọi vị đồng tế bao giờ cũng phải rước cả hai hình. Cần phải lưu ý là khi một Linh Mục hay Phó Tế trao bánh thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế thì không nói lời nào cả; tức là không tuyên bố “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô”.

99.     “Các Vị Linh Mục không thể cử hành hay đồng tế Thánh Lễ” bao giờ cũng được phép hiệp lễ dưới hai hình (185).

4. Việc Hiệp Lễ Dưới Hai Hình (100-107)

100.     Để thể hiện trước tín hữu một cách rõ ràng hơn nữa dấu hiệu trọn vẹn về việc tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, thì kể cả các phần tử giáo dân thuộc thành phần tín hữu của Chúa Kitô cũng được Rước Lễ dưới hai hình, ở những trường hợp được qui định trong các sách phụng vụ, một việc rước lễ hai hình được dẫn tiến và tiếp tục hỗ trợ bằng việc dạy giáo lý xứng hợp liên quan tới những nguyên tắc tín lý về vấn đề này là những gì được Công Đồng Chung Triđentinô phác định (186).

101.     Các vị Giám Mục giáo phận cần phải phán quyết về những trường hợp cho giáo dân rước lễ hai hình. Không được thực hiện việc này ở những nơi nào hơi có nguy hiểm liên quan đến vấn đề tục hóa hai hình này (187). Theo chiều hướng điều hợp rộng rãi, các Hội Đồng Giám Mục cần phải ban hành những qui tắc, sau khi những quyết định của các hội đồng này được Tòa Thánh phê chuẩn qua Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, nhất là những gì liên quan tới “cách thức cho tín hữu Hiệp Lễ dưới hai hình, cũng như tới năng quyền của việc nới rộng này” (188).

102.     Tín hữu giáo dân không được thực hiện việc cho chịu Máu Thánh khi có đông người rước đến nỗi khó lường được lượng rượu Thánh Thể và có thể đi tới chỗ “còn nhiều Máu Thánh cần phải chịu cho hết khi kết thúc việc cử hành Thánh Lễ” (190). Cũng thế đối với những nơi khó sắp xếp được chỗ cho rước Máu Thánh, hoặc ở những chỗ cần phải có một số lượng nhiều rượu đến nỗi khó có thể biết được tính cách nguyên tuyền và phẩm chất của rượu, hoặc ở nơi nào không có đủ số thừa tác viên thánh chức hay thừa tác viên ngoại lệ được huấn luyện đàng hoàng trong việc cho Rước Lễ, hoặc ở nơi nào có một số đáng kể tín hữu vẫn không hợp với việc rước Máu Thánh bởi những lý do khác nhau (thì cũng không nên cho rước Máu Thánh) để tránh tiêu cực hóa ý nghĩa của dấu hiệu hiệp nhất này.

103.     Những qui tắc trong Sách Lễ Rôma ấn định nguyên tắc cho thấy ở những trường hợp nào cho Rước Lễ hai hình, “Máu Chúa cần phải được rước chịu bằng cách uống trực tiếp tự chén thánh, hay bằng cách nhúng bánh thánh vào rượu thánh, hoặc bằng ống bơm hút hay bằng muỗm múc” (191). Đối với việc cho giáo dân Rước Lễ, các vị Giám Mục được bỏ việc cho Rước Máu Thánh bằng ống bơm hút hay bằng muỗm múc ở những địa phương nào không có thói tục ấy, mà vẫn giữ cách cho Rước Lễ hai hình bằng cách nhúng bánh thánh vào rượu thánh. Tuy nhiên, nếu việc cho Rước Lễ bằng cách nhúng như thế, mà các bánh thánh lại quá mỏng hay quá nhỏ thì người chịu lễ phải rước Bí Tích này từ vị Linh Mục bằng miệng mà thôi (192).

104.     Người rước lễ không được phép tự mình nhúng bánh thánh vào rượu thánh, hay không được rước bằng tay bánh thánh được nhúng rượu thánh. Bánh thánh được dùng để nhúng vào rượu thánh cần phải được làm bằng chất thể cứng chắc cũng như phải được truyền phép; triệt để cấm sử dụng bánh bất thánh hiến hay các chất thể khác.

105.     Nếu việc cho các vị Linh Mục đồng tế lẫn giáo dân Rước Lễ không đủ trong một chén thánh thì vị Linh Mục chủ tế phải sử dụng đến một số chén thánh nữa (193). Vì cần phải nhớ rằng tất cả mọi vị Linh Mục cử hành Thánh Lễ buộc phải Rước Lễ cả hai hình. Vì lý do ý nghĩa của dấu hiệu, rất nên sử dụng một chén thánh chính cỡ lớn cùng với các chén thánh cỡ nhỏ.


106.     Tuy nhiên, hoàn toàn tránh việc đổ Máu Chúa Kitô sau khi truyền phép từ chén này sang chén khác để tránh bất cứ điều gì xẩy ra gây thiệt hại đến mầu nhiệm cao cả này. Không bao giờ được đựng Máu Chúa trong các bình có quai, những tô chén hay những chén không hoàn toàn hợp với các qui tắc được ấn định.

107.     Căn cứ vào những gì được qui định bởi giáo luật, “ai ném bỏ những hình Thánh Thể hay lấy đi hoặc giữ để phạm thánh thì vạ tuyệt thông tiền kết latae sententiae chỉ có Tòa Thánh mới giải được; ngoài ra, nếu là một giáo sĩ thì chịu hình phạt khác nữa, kể cả việc bị loại khỏi hàng ngũ giáo sĩ” (194). Bất cứ hành động nào tự ý và trầm trọng bất kính phạm đến các hình Thánh Thể đều được coi là thuộc về trường hợp này. Bởi thế, bất cứ ai tác hành ngược lại những qui tắc ấy, chẳng hạn như vứt bỏ những hình Thánh Thể vào cống máng đổ đồ thánh, hay vào một nơi bất xứng, hoặc trên đất, đều phải bị trừng phạt được qui định (195). Ngoài ra, tất cả đều phải nhớ rằng một khi đã hoàn tất việc cho Rước Lễ trong Thánh Lễ, cần phải giữ những qui định của Sách Lễ Rôma, nhất là những gì thuộc Máu Chúa còn sót lại, theo qui tắc, phải lập tức được vị Linh Mục hay thừa tác viên khác uống hết, còn các bánh thánh dư cũng phải được vị Linh Mục rước ở bàn thờ hay được mang đến chỗ cất giữ Thánh Thể (196).


 

(còn tiếp)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến

 

Những Cuộc Xuống Đường Chống Cuộc Gặp Gỡ của Tổng Thống Bush với ĐTC
 

story.lydown.jpg

Thứ Tư 2/6/2004, tại Rôma, trong khi các vị lãnh đạo chính trị tham dự cuộc quân đội diễn hành Ngày Cộng Hòa hằng năm, thì ở một số địa điểm khác nhau, đã diễn ra những cuộc xuống đường gần đó của thành phần chống chiến tranh Iraq phản đối việc Tổng Thống Bush muốn đến gặp gỡ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Thành phần xuống đường phản đối, bao gồm cả một số thành viên quốc hội thiên tả, mang những bảng hiệu hay hát những câu như “Hòa Bình Ngay Lúc Này Đây!”, “Lính Tráng Ra Khỏi Iraq!” và “Ý Quốc Chán Ghét Chiến Tranh”. Ngoài ra, cuộc xuống đường này còn diễn lại những cảnh quân nhân Mỹ làm nhục tù binh Iraq. Tình hình chống chiến tranh Iraq lại càng trở nên dữ dội hơn nữa khi xẩy ra vụ 19 người Ý chết vào 11/2003 và 1 nhân viên an ninh chết vào 4/2004.

Tổng Thống Bush đã nói với đài truyền hình nước Ý là ông tôn trọng tự do phát biểu và không sợ chống đối trong thời gian ông viếng thăm Rôma: “Tôi không có vấn đề gì với những ai nói rằng họ không đồng ý. Tôi nghĩ rằng việc xuống đường này là một điều lành mạnh”.

Có khoảng 25 người trong nhóm xuống đường bị giam giữ sau những xô xát với lực lượng cảnh sát. Ở Bologna, phía bắc Rôma, còn xẩy ra bạo động nữa. Cuộc diễn binh năm nay đã phải được canh gác hết sức cẩn mật, có cả máy bay lượn trên trời, chỉ vì tình hình chống chiến tranh Iraq vẫn còn kéo dài tới nay. Cuộc diễn binh 10 ngàn quân nhân này có cả sự tham dự của Tổng Thống Ý là Carlo Azeglio Ciampi và Thủ Tướng Ý là Silvio Berlusconi.

Hầu hết người Ý chống lại việc Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq năm ngoái và đã có nhiều người kêu gọi Rôma hãy rút 2.700 quân về, một quân số đông hạng thứ ba sau lực lượng Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc. Bà Margarita Gaetani, một kiến trúc sư 57 tuổi, thân mình cuốn bằng một lá cờ hòa bình có hình chiếc cầu vồng, đã bày tỏ cảm nhận là Tổng Thổng Bush “là bạn của chính phủ Ý chứ không phải của nhân dân Ý”. Bà hứa sẽ trở lại vào ngày Thứ Sáu để tiếp tục xuống đường phản đối.
 

Dự án của Thủ Tướng Sharon bị đình hoãn

Hôm Chúa Nhật 30/5/2004, Thủ Tướng Sharon đã cho biết ông cho nội các của ông thêm một tuần nữa để bàn đến dự án được điều chỉnh của ông trong việc rút các lực lượng Do Thái và dân cư Do Thái khỏi những phần đất ở Giải Gaza và vùng Tây Ngạn.

Thật vậy, sau cuộc họp 7 tiếng đồng hồ vào cùng ngày Chúa Nhật 30/5, 23 phần tử thuộc bộ nội các Do Thái, một cuộc họp đã xẩy ra những trao đổi nẩy lửa giữa Thủ Tướng Sharon và Bộ Trưởng Tài Chính Benjamin Netanyahu, cuối cùng đã không đi đến quyết định nào về dự án của Thủ Tướng, vị đổ cho bộ trưởng tài chính cũng là nguyên thủ tướng Do Thái đã vận động chống dự án của ông.

Nếu dự án của ông được bộ nội các chấp thuận, ông sẽ trình lên quốc hội. Theo truyền thông cho biết, Thủ Tướng Sharon cho rằng dự án ban đầu của ông đã bị cuộc trưng cầu dân ý của đảng Likud ông phủ quyết hôm 2/5/2004 là một lầm lẫn. Theo tờ nhật báo Haaretz thì Thủ Tướng Sharon dọa là sẽ cách chức những ai trong bộ nội các của ông tỏ ra không ủng hộ dự án điều chỉnh của ông. Theo ông thì từ từ dự án của ông cũng được chấp thuận. Theo dư luận quần chúng qua những cuộc thăm dò được thực hiện mấy lần trong ít tháng gần đây thì đa số dân chúng đều ủng hộ dự án của vị thủ tướng này trong việc rút khỏi Gaza. Nếu ông không qua mặt được đảng của mình, ông sẽ trình lên tổng thống và kêu gọi thực hiện một cuộc tổng bỏ phiếu về dự án của ông. Tuy nhiên, ông đương kim Tổng Trưởng Tài Chính cũng là cựu thủ tướng cũng có thể vận động đa số nhân viên quốc hội ủng hộ mình và xin tổng thống cho lập một bộ nội các mới.

Thủ Tướng Sharon nói với tờ nhật báo trên đây rằng: “Quí vị tất cả đều biết tôi rồi, quí vị biết rằng một khi tôi chiến đấu cho một điều gì xác thực và đúng đắc thì tôi thực hiện cho tới cùng. Tôi sẽ làm như thế đối với vấn đề rút khỏi Gaza và một số ít cư dân ở Samaria. Đó là vấn đề cần thiết đối với Do Thái cũng như cho việc phát triển liên tục của nó, và đó là những gì sẽ được thực hiện”.

 

Tân chính phủ lâm thời ở Iraq với Liên Hiệp Quốc và Quốc Nội

Ngay sau ngày Thứ Ba 1/6/2004, ngày các viên chức Iraq công bố tân chính phủ lâm thời của Iraq, hôm Thứ Tư 2/6/2004, vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc là ông Lakhdar Brahimi đã kêu gọi nhân dân Iraq hãy “cho chính phủ này cơ hội”.

Ông nói: “Giờ đây việc thành lập chính phủ đã được công bố, hoàn toàn tùy nhân dân Iraq có biết tự quyết xem đây có phải là một chính phủ tốt hay chăng và tốt như thế nào. Tôi tin rằng họ sẽ quyết định về điều này căn cứ vào những gì chính phủ này làm và nói trong thời gian ít tháng quan trọng tới đây”.

Tân chính phủ lâm thời này là để thay cho Hội Đồng Quản Trị lâm thời do lực lượng Hoa Kỳ cắt đặt, một hội đồng sẽ tiếp tục trách vụ cố vấn cho lực lượng Hoa Kỳ trong việc cai quản Iraq cho đến hạn kỳ 30/6/2004. Tân chính phủ lâm thời sẽ phụ trách hành sự cầm quyền từ sau ngày được hẹn trả chủ quyền cho Iraq là 30/6/2004 này cho đến khi tổ chức cuộc tuyển cử toàn dân vào Tháng Giêng 2005.

Vị đặc sứ LHQ trên đây cho biết rằng: “Cho dù có nỗ lực ra sao đi nữa, 30 chức vụ nội các này dù sao cũng không thể tiêu biểu cho hết mọi lãnh vực của xã hội Iraq, nhưng tôi tin rằng chính phủ này là một chính phủ hay nhất hiện nay chúng ta có thể có được”.

Một vấn đề quan trọng là vấn đề an ninh ở Iraq, trong bản thảo trước đây, không hề nói rõ ràng về vấn đề quyền hạn của lực lượng an ninh này, song bản ở bản thảo mới nhất được lực lượng liên minh Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc phác họa cho Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu quyết định (chjưa ấn định ngày), thì chính phủ lâm thời Iraq có quyền quyết định về vấn đề sử dụng quân sự.

Các quốc gia phần tử của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhận được bản thảo mới nhất này vào chính ngày Thứ Ba 1/6/2004, ngày công bố và ra mắt của tân chính phủ lâm thời Iraq. Tân ngoại trưởng lâm thời Iraq sẽ đến Nữu Ước vào Thứ Tư 2/6 và gặp Hội Đồng Bảo An LHQ hôm sau.
 

30 viên chức nội các thuộc tân chính phủ lâm thời này là:
Tổng Thống Sheikh Ghazi al-Yawar
2 Phó Tổng Thống Ibrahim Jafari al-Eshaiker và Rowsch Shaways
Thủ Tướng Iyad Allawi; Ngoại Trưởng Hoshyar Zebari
Bộ Trưởng Dầu Hỏa Thamir Ghadbhan
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hazem Shalan al-Khuzaei
Bộ Trưởng Nội Vụ Falah Hassan al-Naqib
Bộ Trưởng Công Lý Malik Dohan al-Hassan
Bộ Trưởng Nhân Quyền Bakhityar Amin
Bộ Trưởng Điện Lực Ayham al-Samarie
Bộ Trưởng Tài Chính Adil Abdel-Mahdi
Bộ Trưởng Y Tế Alaa Alwan
Bộ Trưởng Thông Tin Mohammed Ali Hakim
Bộ Trưởng Nhà Cửa Omar Farouk
Bộ Trưởng Công Vụ Nesreen Mustafa Berwari
Bộ Trưởng Khoa Học Và Kỹ Thuật Rashad Mandan Omar
Bộ Trưởng Hoạch Định Mahdi al-Hafidh
Bộ Trưởng Thương Mại Mohammed al-Joubri
Bộ Trưởng Thể Thao Và Giới Trẻ Ali Faik Alghaban
Bộ Trưởng Giao Thông Louei Hatim Sultan al-Aris
Bộ Trưởng Phố Thị Waeil Abdel-Latif
Bộ Trưởng Nữ Giới Vụ Nermin Othman
Bộ Trưởng Di Dân Và Tị Nạn Bascal Essue
Bộ Trưởng Dẫn Thủy Nhập Điền Abdul-Latif Rasheed
Bộ Trưởng Lao Động Leila Abdul-Latif
Bộ Trưởng Giáo Dục Sami Mudahfar
Bộ Trưởng Cao Học Tahir al-Bakaa
Bộ Trưởng Canh Nông Sawsan Sherif
Bộ Trưởng Văn Hóa Mufeed al-Jazaeri
Bộ Trưởng Kỹ Nghệ Hajim al-Hassani
3 Bộ Trưởng Nội Vụ Qassim Dawoud, Mahmoud Farhad Othman và Adnan al-Janabi
 

Tân tổng thống Al-Yawar 45 tuổi đã từng là vị lãnh đạo luân phiên hằng tháng của Hội Đồng Quản Trị lâm thời. Cựu ngoại trưởng Adnan Pachachi lúc đầu đã được đề nghị làm tổng thống nhưng ông đã từ chối vì lý do riêng. Trong nội các này có nhiều phần tử thuộc các nhóm khác nhau, như hai phó tổng thống, một thuộc nhóm Hồi Giáo Shiite (Ibrahim Jafari al-Eshaiker) và một thuộc Kurd (Rowsch Shaways), còn tổng thống thuộc phái Hồi Giáo Sunni.

Trong buổi ra mắt quốc dân đồng bào Iraq của mình, tân tổng thống Iraq đã phát biểu những lời lẽ như sau:

“Tôi hết sức vui mừng được gặp đồng bào vào ngày lịch sử hôm nay đây, ngày nước Irazq đang chứng kiến thấy việc hình thành và loan báo về chính phủ chuyển tiếp này cũng như việc chính phủ này lãnh nhận trách nhiệm của mình”.

Ông cũng tế nhị nhắc đến vấn đề an ninh nội bộ và xâm chiếm ngoại quốc bằng nhận định là Iraq không muốn ở dưới quyền chiếm đóng ngoại quốc nhưng lại cần đến sự giúp đỡ của đồng minh cũng như các nước láng giềng liên quan đến nạn khủng bố, trong khi đó chính phủ chuyển tiếp sẽ thiết lập một lực lượng võ bị cần thiết. Ông cũng đề cập đến những ưu tiên cần phải giải quyết đó là lợi tức của quân đội cũng như của tất cả mọi gia đình Iraq liên quan đến vấn đề thất nghiệp. Ông còn đề cập cả đến tình trạng thiếu thốn về điện nước. Ông không quên ca ngợi việc giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống nhất quốc gia về phương diện chủng tộc cũng như tôn giáo, bao gồm những người Ả Rập thuộc phái Hồi Giáo Sunni và Shiite, người Kurds, những người Thổ Nhĩ Kỳ và Kitô Hữu Assyria. Ông nói rằng mục đích cần phải nhắm đến là một quốc gia văn minh hóa “trở thành một quốc gia không có sát nhân, tội ác và những tham vọng xấu xa”.

 

Iraq leaders get cleric's nod

Hôm Thứ Năm 3/6/2004, tại thành phố Najaf, vị lãnh đạo phái Hồi Giáo Shiite chiếm 60% dân số Iraq là Đại Giáo Trưởng Ayatollah Ali al-Sistani, trong một văn bản đã tỏ ra hài lòng về tân chính phủ Iraq lâm thời vừa ra mắt hôm Thứ Ba 1/6/2004.

Vị lãnh đạo tinh thần này mặc dù nhận định là tân chính phủ này thiếu việc tuyển cử “hợp lý”, “dầu sao cũng hy vọng rằng chính phủ này sẽ chứng tỏ hiệu năng và tính chất thanh liêm của nó, cũng như… việc nó quyết tâm thực hiện những việc lớn lao được ủy thác cho nó”.

Vị lãnh đạo tinh thần này nhấn mạnh đến 4 công việc chính cần tân chính phủ này thực hiện, đó là vấn đề an ninh, những dịch vụ căn bản cần thiết cho tất cả mọi người, quyết nghị mới của Liên Hiệp Quốc và việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bình vào đầu năm tới.

Về bản quyết nghị của Liên Hiệp Quốc, khi vị lãnh đạo tinh thần này tung ra văn thư về tân chính phủ thì ông tân ngoại trưởng Hoshyar Zebari hiện có mặt ở Nữu Ước để gặp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ông đã nói với các phóng viên báo chí ký giả rằng: “Đây là một bản quyết nghị rất quan trọng đối với chúng tôi nên chắc chắn chúng tôi cần phải góp phần vào bản quyết nghị này”.

Ở Moscow, vị ngoại trưởng Nga là Yuri Fedotov cho biết bản thảo quyết nghị này “vẫn còn cần làm việc nhiều hơn nữa”. Vì theo ông, bản thảo ấy, bản thảo do lực lượng liên minh Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc đang chiếm đóng Iraq biên soạn, “thật sự có để ý tới một số nhận định được Nga và các phần tử khác thuộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề nghị, nhưng không phải là tất cả”.

Theo vị ngoại trưởng Ngà này thì một trong những vấn đề chính đó là việc nâng đỡ giành cho chính phủ Iraq lâm thời ở chính Iraq và vấn đề hợp pháp của chính phủ này về phương diện quốc tế.