GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 9 THỨ TƯ

 

      ĐTC với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 7 về việc “Truyền Bá Phúc Âm Văn Hóa”

Năm 2004, các vị Hoa Kỳ sang thăm Tòa Thánh ngũ niên. Đợt này là đợt thứ 7, bao gồm những vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Colorado, Wyoming, Utah, Arizona, New Mexico và miền tây Texas. 5 đợt đầu, ĐTC chia sẻ với các vị về sứ vụ thánh hóa của hàng giáo phẩm. Từ đợt 6 ngài bắt đầu nói về sứ vụ ngôn sứ của các vị giám mục. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Ngài với các vị giám mục Hoa Kỳ đợt 7 năm 2004.

Chư Huynh Giám Mục thân mến,

1. …     Để khai triển việc suy tư của Tôi về sứ vụ ngôn sứ “munus propheticum” của giám mục, hôm nay Tôi muốn chia sẻ về công việc gay go chư huynh đang phải đối diện liên quan đến việc truyền bá phúc âm văn hóa.

2.     Giáo Hội, tin tưởng vào khả năng của mình là nơi chất chứa Mạc Khải Giêsu Kitô (cf. "Fides et Ratio," 6), từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, đã biến cuộc hành trình của mình thành đường lối để loan truyền rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, “là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). Niềm tin tưởng ấy của Giáo Hội dựa vào ý thức là sứ điệp này được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Theo sự thiện hảo và đức khôn ngoan của mình, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của con người, để qua Con Ngài là tất cả Mạc Khải, chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài (cf. Dei Verbum, 2). Bởi thế, hoạt động chính yếu nơi sứ vụ ngôn sứ của Giáo Hội đó là làm môi giới hóa giải nội dung của đức tin với các nền văn hóa khác nhau, để làm sao cho dân chúng được biến đổi bởi một quyền lực Phúc Âm chi phối cách suy nghĩ của họ, tiêu chuẩn phán đoán của họ, và những qui tắc tác hành của họ (cf. "Sapientia Christiana," Foreword I).

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiền nhiệm của Tôi là “cái phân ly giữa Phúc Âm và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta” (Evangelii Nuntiandi, 20) ngày nay được bộc lộ như “cuộc khủng hoảng về ý nghĩa” (cf Fides et Ratio, 81). Những chủ trương mập mờ về luân lý, việc bóp méo lý luận của những nhóm theo khuynh hướng riêng biệt, và việc tuyệt đối hóa chủ quan tính, chỉ là một số thí dụ về một thứ quan điểm về đời sống không tìm kiếm được chính sự thật và buông xuôi việc tìm kiếm mục đích tối hậu và ý nghĩa của đời sống con người (cf ibid, 47). Ánh sáng của sự thật được chư huynh cởi mở rao giảng (cf 2Cor. 4:2) sẽ soi chiếu vào thứ ánh sáng mù mịt này, như là một thứ tác vụ “diakonia” của niềm hy vọng, hướng dẫn con người nam nữ hiểu được mầu nhiệm về đời sống của mình một cách nhất quán (cf. ibid., 15).

3.     Là những thừa tác viên của sự thật, bằng lòng can trường theo ơn Chúa Thánh Thần (cf. "Pastores Gregis," 26), vấn đề chư huynh rao giảng và sống động để làm chứng cho việc Thiên Chúa ngoại lệ “chấp nhận” nhân loại (cf 2Cor 1:20) hiện lên như là dấu hiệu của sức mạnh và lòng tin tưởng vào Chúa và làm phát sinh sự sống mới trong Thần Linh. Ngày nay một số người coi Kitô Giáo như bị giảm giá về cơ cấu và không thể đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của con người. Tuy nhiên, chẳng những không phải là một cái gì đó thuần túy về cơ cấu, cốt lõi sống động của việc chư huynh rao giảng Phúc Âm đó là việc gặp gỡ chính Chúa. Thật vậy, chỉ nhờ hiểu biết, yêu mến và bắt chước Chúa Kitô mà cùng với Người chúng ta mới có thể biến đổi lịch sử bằng việc làm chứng cho những giá trị Phúc Âm nơi xã hội và văn hóa.

Bởi thế, rõ ràng là tất cả mọi hoạt động của chư huynh đều phải hướng về việc loan truyền Chúa Kitô. Thật vậy, phận sự sống liêm chính của chư huynh là những gì phản nghịch lại với tình trạng phân chia giữa sứ vụ và đời sống. Được sai đi nhân danh Chúa Kitô như là những vị mục tử chăm sóc cho các đàn chiên riêng của Dân Chúa, chư huynh cần phải cùng với họ trở nên một tâm trí và một thân mình trong Chúa Thánh Thần (cf. Pastores Gregis, 43). Thế nên, Tôi tha thiết xin chư huynh hãy sống gần gũi với các linh mục và dân Chúa: Hãy bắt chước Vị Mục Tử Nhân Lành là Đấng biết chiên của mình và gọi tên từng con một. Theo gương của những vị đại mục tử đã ra đi trước chúng ta, như Thánh Charles Borromeo, việc chư huynh thăm viếng và ân cần lắng nghe anh em linh mục của chư huynh và thành phần tín hữu, cũng như việc chư huynh đích thân liên hệ với thành phần sống ngoài lề xã hội, sẽ là “quasi anima episcopalis regiminis”. Có thế, chư huynh nối dài việc giảng dạy của chư huynh bằng tấm gương cụ thể sống đức tin khiêm hạ và phục vụ, phấn khích những người khác ước muốn sống một đời sống của một con người môn đệ đích thực.

4.     Tâm điểm của tác lực mới này nơi đời sống Kitô giáo, những gì Tôi đã kêu gọi Giáo Hội hướng tới (cf. "Novo Millennio Ineunte," 29), là chứng từ ngôn sứ hiện tỏ nơi những con người nam nữ tận hiến sống trọn chân lý của Chúa Kitô. Phát xuất từ bản chất thực sự của việc theo Chúa Kitô, chứng từ ngôn sứ này về đạo giáo được đánh dấu bởi niềm xác tín sâu xa của họ về những gì chính yếu được Thiên Chúa và các chân lý Phúc Âm sử dụng để hình thành đời sống Kitô hữu, cũng như được đánh dấu bởi việc họ dấn thân giúp đỡ cộng đồng Kitô hữu trong việc thăng hoa tất cả mọi lãnh vực xã hội dân sự bằng những chân lý này.

Trước sự tặng phát của trào lưu tục hóa và tình trạng phân mảnh về kiến thức (cf. Fides et Ratio, 81), “những hình thức mới về nghèo khổ” xuất hiện, nhất là nơi những nền văn hóa đang hoan hưởng phúc hạnh về vật chất, một thứ phúc hạnh cho thấy “một cái gì thất vọng ở chỗ bị hụt hẫng mất ý nghĩa trong cuộc sống” (instruction "Starting Afresh From Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium," 35). Việc mất tin tưởng vào khả năng hiểu biết cao cả của con người, việc chấp nhận “những chân lý bán phần và tạm bợ” (Fides et Ratio, 5), cũng như việc theo đuổi một cách vô nghĩa nhưnõng gì mới mẻ, tất cả đều cho thấy công việc khó khăn hơn bao giờ hết trong vấn đề trao chuyển cho con người, nhất là cho giới trẻ, một thứ kiến thức làm nền tảng của và mục đích cho đời sống con người.

Đối diện với những cái bất thường thê thảm này nơi việc phát triển xã hội, cần phải mang tính cách lạ lùng của đặc sủng hợp với mỗi một viện tu ra phục vụ cho việc hiểu biết trọn vẹn và hiện thực Phúc Âm Chúa Kitô là những gì duy nhất “hoàn toàn tỏ cho con người biết bản thân họ cũng như ơn gọi cao cả của họ” (Gaudium et Spes, 22). Đặc biệt quan trọng nơi những nền văn hóa bị bị suy yếu bởi trào lưu tục hóa đó là việc tu sĩ dấn thân cho việc tông đồ của “đức ái tri thức”. Bác ái “phục vụ tri thức”, qua việc cổ võ tuyệt vời nơi các học đường, việc dấn thân cho vấn đề thức giả, và việc liên kết mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa, sẽ là những gì “bảo đảm làm sao để những nguyên tắc căn bản giúp vào việc xây dựng một xã hội dân sự xứng với con người, được hết mọi nơi tôn trọng” (Instruction, op. cit, 38), bao gồm những lãnh vực chính trị, luật pháp và giáo dục.

5.     Việc xuất hiện sứ vụ ngôn sứ của giáo dân là một trong những kho tàng cao cả được khi mở nơi Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý để cứu xét tỉ mỉ nhiệm vụ của thành phần giáo dân trong việc “tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách tham gia vào những vấn đề làm trần thế và hướng những vấn đề này về ý muốn của Thiên Chúa” (Lumen Gentium, 31). Tuy nhiên, điều này vẫn đúng trong 40 năm qua, vì trong khi việc chú trọng của chính trị về chủ thể tính của nhân loại tập trung vào quyền lợi cá nhân, thì nơi lãnh vực xã hội, lại phát triển một tình trạng do dự trong việc nhìn nhận rằng tất cả mọi con người nam nữ đều lãnh nhận từ Thiên Chúa cái phẩm vị thiết yếu và phổ thông, cùng với khả năng đạt tới sự thật và sự thiện” (cf. "Centesimus Annus," 38). Vì tách rời khỏi nhãn quan về mối hiệp nhất nồng cốt này cũng như tách rời khỏi mục đích của toàn thể gia đình nhân loại mà quyền lợi của con người có những lúc bị biến thành những đòi hỏi duy ngã, ở chỗ lan tràn việc mãi dâm và khiêu dâm nhân danh quyền chọn lựa của người lớn, việc chấp nhận phá thai nhân danh quyền lợi của nữ giới, việc chấp thuận cho những cuộc hôn nhân đồng phái tính nhân danh quyền lợi của thành phần đồng tính luyến ái.

Trước ý nghĩ lầm lạc lại lan tràn như thế, chư huynh cần phải làm moị sự có thể để phấn khích giáo dân thực hiện “trách vụ đặc biệt” của họ đối với “việc truyền bá phúc âm văn hóa… và cổ võ những giá trị Kitô giáo trong xã hội và đời sống xã hội” (Pastores Gregis, 51). Những hình thức trần tục sai lầm về “chủ nghĩa nhân bản” đề cao cá nhân đến nỗi chúng trở thành một thứ ngẫu tượng khả thực” (cf. "Christifideles Laici," 5) chỉ có thể đối đầu bằng việc tái nhận thức phẩm vị thực sự bất khả vi phạm của hết mọi người. Phẩm giá cao quí này được hoàn toàn biểu lộ một khi nguồn gốc và định mệnh của con người được chú trọng - được Thiên Chúa tạo dựng và Chúa Kitô cứu chuộc, tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành “con cái nơi Người Con” (cf. ibid, 37). Bởi vậy, một lần nữa, Tôi xin nói cùng nhân dân Hiệp Chủng Quốc là chính Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô là điểm qui chiếu vững chắc duy nhất cho tất cả nhân loại trong cuộc hành trình nó tìm kiếm mối hiệp nhất thực sự và hòa bình chân chính! (cf. "Ecclesia in America," 70).

6. …

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 4/6/2004