GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 18 CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN C

  

CHỌN Giêsu
 

Trong bất cứ chọn lựa nào cũng đều để lại một ấn tượng và cái giá đi liền với hành động chọn lựa đó. Người trưởng thành, do đó, phải bằng lòng chấp nhận kết quả chọn lựa của mình với ý thức tự do mà không đổ lỗi cho người này người khác, hoặc lý do này lý do kia. Những chọn lựa ấy nằm trong ba hình thức: Chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, giữa hai điều xấu, và giữa hai điều tốt.

Chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu là một chọn lựa dễ dàng. Tâm lý con người ai cũng muốn điều tốt và tránh điều xấu. Ai cũng thích được may lành mà sợ bị rủi ro, xui xẻo. Do đó, việc chọn lựa trong những trường hợp như thế không đến nỗi khó, hoặc đòi hỏi nhiều suy nghĩ, tính toán, và cân nhắc.

Chọn lựa giữa hai điều xấu, thí dụ, chấp nhận quỳ 1 tiếng hoặc không được đi xem xinê vì một lỗi lầm nào đó. Sự chọn lựa này đòi hỏi phải cân nhắc hơn, suy nghĩ hơn, và dĩ nhiên, để lại ấn tượng hơn.

Chọn lựa giữa hai điều tốt, thí dụ, chọn lựa mua một trong hai chiếc xe mà mình đều thích và ưng ý, hoặc chọn lựa kết hôn với một trong hai người yêu của mình. Đây là một chọn lựa khó nhất, đòi hỏi suy nghĩ nhiều hơn, và cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn. Trong tâm lý, người chọn trong trường hợp này bao giờ cũng cảm thấy hài lòng với kết quả của sự chọn lựa, tuy nhiên, người được chọn hay vật được chọn có thể không hoàn toàn như ý mình mong muốn.

Mátta và Maria mà Thánh Kinh ghi lại hôm nay cũng đã làm một sự lựa chọn khi đón tiếp Chúa Giêsu. Mátta chọn phương thức phục vụ, còn Maria chọn phương thức lắng nghe. Trong sự chọn lựa ấy, cả hai đều muốn chứng tỏ với Thầy rằng, mình đã chọn điều mà mình cho là đúng và tốt nhất để bày tỏ lòng kính trọng và yêu mến Thầy.

Tuy nhiên, về mặt tâm lý thì Maria đã chọn đúng và hài lòng với sự chọn lựa của cô. Ngược lại, Mátta đã chọn sai và hậu quả là không hài lòng với chọn lựa của cô: “Lậy Thầy, Thầy không để ý là em con để con bận rộn một mình sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10:40). Chúa Giêsu nhân dịp này nói với cô: “Mátta, Mátta. Con lo lắng và bối rối nhiều việc quá. Chỉ có một việc cần thôi. Maria đã chọn phần nhất mà không ai có thể lấy đi được” (Lc 10:41-42). Nói một cách khác, Maria đã chọn đúng.

Sự khác biệt giữa hai chị em được tìm thấy qua sự chọn lựa của các cô. Mátta thì bực tức, cau có. Có thể lúc ấy cô đã nghi ngờ tình thương của Thầy dành cho em hơn dành cho cô, hay ít nữa là bằng cô. Vì nghi ngờ, ghen tị như thế, cô đã làm mất đi ý nghĩa hành động phục vụ của mình, và vì thế, sự chọn lựa của cô trở thành một việc làm bắt buộc. Ngược lại, Maria thì bằng an, cô ngồi im lặng dưới chân Chúa. Cô không tỏ vẻ ghen tị hay khó chịu với chị cô, mặc dù người ngoài nhìn vào có thể cho là cô lười lĩnh, còn chị cô thì siêng năng, chịu khó.

Trong lãnh vực tâm linh – với cái nhìn sâu thẳm của niềm tin – Maria không những chọn lựa đúng mà còn chọn được phần tốt nhất, điều mà chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Maria đã chọn phần nhất” (Lc 10:42) đó là chọn chính Chúa. Còn Mátta thì chọn cách thức làm vui lòng Chúa mà không chọn chính Ngài.

Mátta lo lắng, lăng xăng với công việc nấu nướng, dọn bữa với lòng mến Chúa, muốn Chúa vui, nhưng qua cung cách của người thường. Cô nhìn Chúa như những thượng khách, những khách quý mà không nhìn Chúa như Thiên Chúa của cô, do đó, cô đã dám phiền trách Ngài, đã khó chịu với em mình trước mặt Ngài. Cô thấy Chúa cũng ngồi đó, em cô cũng ngồi đó nói truyện với nhau; còn cô, cô vất vả một mình. Em cô nói truyện với Chúa mà không nói với cô. Chúa nói truyện với em cô mà không nói với cô.

“Maria đã chọn phần nhất”. Vì Maria đã chọn Chúa. Việc cô ngồi im lặng dưới chân Chúa, lắng nghe là một hình thức cô làm đẹp lòng Ngài. Đây là một lối diễn đạt tư tưởng có tính cách tâm lý và tâm linh hơn là những công việc và lối diễn tả hình thức. Chia sẻ, lắng nghe sẽ dẫn đến cho hiểu và yêu thương nhau. Mà còn gì cao quí hơn là được hiểu và yêu mến Chúa. Điều này cũng cho thấy rằng, Thiên Chúa thật sự mong muốn con người hiểu và yêu Ngài. Một hình thức nào đó, Chúa cũng cô đơn và ít bạn hiền. Chính vì thế, khi Chúa thấy một ai chăm chỉ lắng nghe, thì Ngài rất mực yêu thích và Ngài cảm thấy được yên ủi.

Cũng qua lăng kính Đức Tin, thái độ đón tiếp của Maria là một hành động kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Mà vì có Chúa là có tất cả, nên xem như Maria đã không để ý đến những chuyện đang xẩy ra quanh cô, như thái độ bận rộn của chị Mátta. Cô cũng không màng đến chuyện ăn uống, hoặc ghen tị với chị, nếu như trong bữa ăn Chúa có khen Mátta là khéo tay, nấu nướng giỏi. Hoặc giải dụ, ngay sau cái càu nhàu của Mátta mà Chúa có quay lại nói với cô những lời an ủi, rồi bảo Maria phải lo giúp đỡ chị.

Chọn lựa của Maria đã mở ra một lối nhìn về cung cách phục vụ Chúa, về thái độ tông đồ của chúng ta. Đây là một thái độ sống và sự lựa chọn của người Kitô hữu giữa dòng đời. Sự lựa chọn của những Kitô hữu trưởng thành. Một lựa chọn đòi phải quên mình, quên những tiếng khen thưởng, quên đi cả những may lành, thành quả mà nhẽ ra mình đáng được do những việc mình làm. Dù là ai và trong hoàn cảnh nào, người Kitô hữu cũng phải như Maria chỉ tìm gặp và chọn một mình Chúa. Và chỉ chăm chỉ lắng nghe tiếng nói của một mình Ngài.

Chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả và cũng mang lại những kết quả đối với người lựa chọn. Chọn Chúa hay chọn thế gian. Chọn làm điều lành hay làm điều ác. Chọn phục vụ Chúa để được khen thưởng, hay chọn âm thầm lắng nghe tiếng Ngài. Tất cả đều là một lựa chọn. Nhưng cái chọn lựa nhất mà theo Chúa, Maria đã thực hiện là chọn Chúa. Vì Chúa chính là gia nghiệp, là đường, là sự thật, và là sự sống của ta. Ngoài Chúa ra không còn chọn lựa nào khác cao quí hơn, cần thiết hơn mà có thể mang lại phần rỗi cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, khi chọn Chúa, người Kitô hữu cũng phải như Maria dám đánh đổi tất cả những gì thuộc về thế gian với một mình Ngài. Chỉ biết nghe Chúa mà đừng bắt Chúa nghe mình. Âm thầm mà đừng lăng xăng nhiều chuyện. Mà nếu có năng nổ, chịu khó như Mátta, thì đừng làu bàu, kể lể công đức. Chúa biết hết, Ngài biết những ai yêu Ngài, và tình yêu mỗi người dành cho Ngài như thế nào.

Tóm lại, một sự chọn lựa trưởng thành, một chọn lựa đúng trong đời sống Kitô hữu là chọn Chúa. Chọn Ngài vì yêu mến Ngài, chứ không phải chọn Ngài vì được Ngài khen thưởng, được tiếng khen, hay bất cứ một điều kiện nào. Và đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã nói với Mátta: “Maria đã chọn phần nhất” (Lc 10: 42). Cô đã chọn Giêsu.


Trần Mỹ Duyệt

 

Thật tình yêu song chưa hết mình yêu…!
 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên Năm C tuần này tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên Năm C tuần trước. Có thể nói, bài Phúc Âm tuần này làm sáng tỏ ý nghĩa của bài Phúc Âm tuần trước. Theo bài Phúc Âm tuần trước, như chúng tôi đã chia sẻ, “chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết mình trước rồi mới có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình được”, hay nói cách khác, chúng ta chỉ có thể yêu thương tha nhân như mình sau khi yêu mến Thiên Chúa hết mình, nghĩa là nếu không yêu mến Thiên Chúa hết mình sẽ không thể nào yêu thương như mình. “Đó là lý do tại sao Chúa Kitô, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 21 hay đoạn 16 câu 3, đã vạch rõ căn nguyên thế gian bách hại môn đệ của Người như sau: ‘Họ làm cho các con tất cả những điều ấy là vì họ chẳng nhận biết Cha cũng không nhận biết Thày’”. Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy rõ chân lý yêu thương và hệ thống yêu thương này nơi nhân vật Matta.

Trước hết, chúng ta cần phải xác nhận là vấn đề “Matta bận rộn với việc thiết đãi khách”, như Phúc Âm thuật lại, thành phần khách có thể không phải chỉ duy có một mình Chúa Giêsu mà còn bao gồm cả 12 vị tông đồ nữa, là một việc hết sức cần thiết và tốt lành, chứ không phải là một việc xấu không được làm hay không cần phải làm. Bởi vậy chúng ta mới đặt vấn đề, nếu thế thì tại sao chị lại bị Chúa Giêsu khiển trách?

Về việc Chúa Giêsu khiển trách Matta, chúng ta nên để ý đến nội dung của lời trách móc này và thời điểm Người lên tiếng trách móc chị. Trước hết, về nội dung lời trách, Chúa Giêsu không trách chị về các việc chị làm, cho bằng trách chị về tâm trạng “lo lắng bối rối về nhiều chuyện” của chị. Tức là, nếu chị làm việc mà vẫn giữ được tâm hồn bằng an và vẫn tỏ thái độ vui vẻ thì thử hỏi chị có bị Vị Đại Khách hết sức thân tình với cả 3 chị em chị (xem Jn. 11:5), và nếu có dịp thì ghé thăm gia đình chị, lên tiếng trách móc như vậy hay chăng? Sau nữa, về thời điểm Chúa Giêsu lên tiếng trách móc Matta, Người vẫn không hề nói năng gì, tuy thấy chị cứ lăng xăng làm đủ mọi thứ để tiếp đãi Người như vậy, trái lại, Người còn thông cảm và cảm kích tấm lòng của chị đối với Người nữa là đàng khác. Đó là lý do, vì rất thương chị, lo đến tâm hồn chị, Người đã không ngần ngại lên tiếng thức tỉnh chị vào ngay lúc chị tỏ ra choáng váng với chính việc chị tỏ lòng yêu kính Người, đến nỗi chị đã không thể đứng vững được nữa và ngã xuống ngay trước mặt Người và em của mình, khi lên tiếng trách móc đứa em: “Lạy Thày, em con để con hầu hạ một mình mà Thày không quan tâm đến hay sao. Xin Thày hãy bảo em con giúp con với”.

Lời trách móc của Matta, trước hết, chúng ta có thể nghĩ rằng, Chúa Giêsu chắc chắn sẽ không lên tiếng trách móc chị, nếu chị, thay vì thốt lên những lời có vẻ ghen tị với đứa em của mình và có vẻ tủi thân như thế, nhỏ nhẹ thúc giục em mình rằng: “Maria ơi, chị đang bận việc tiếp đãi Vị Thượng Khách của chúng ta, em làm ơn tiếp Người hộ chị với nhé”, hay chị cũng có thể thưa cùng Vị Thượng Khách ấy rằng: “Thày ơi, con thật có lỗi với Thày, vì bận trở để làm bữa tiếp Thày nên con không có nhiều giờ hầu chuyện Thày, xin Thày cứ nói chuyện với Maria và chờ con nhé”?

Đúng thế, nếu căn cứ vào câu cuối lời Ngưới nói với Matta về Maria: “Chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và nó sẽ không bị mất đi phần tốt hơn này”, Chúa Giêsu có thể, sau khi nghe những lời giả sử được Matta nên nói trên đây, cũng sẽ lên tiếng để trấn tỉnh chị rằng: “Matta ơi, nếu đây không phải là lần đầu tiên Thày đến với gia đình con thì con vẫn chưa hiểu Thày hay sao (xem Jn 14:9). Con biết Thày quá rồi mà, Thày có cần gì mấy đâu con, bận bịu nhiều thứ mà làm chi hả con! Thày ghé thăm các con và muốn có nhiều giờ hàn huyên tâm sự với các con hơn là mất giờ ăn uống, một việc vừa vất vả cho con, lại vừa không có giờ cho chúng ta. Thày đến nhà con không phải chỉ cho riêng mình Maria đâu, mà cho cả con nữa đó”.

Như thế, lời trách móc của Matta đã cho chúng ta thấy tâm trạng và trình độ tu đức, hay trình độ yêu thương thân tình của chị, chẳng những theo hàng ngang, tức đối với “tha nhân”, được hiện thân nơi đứa em gái của chị, mà còn theo hàng dọc nữa, tức đối với “Chúa là Thiên Chúa” (xem Lk 10:27), nơi Vị Thượng Khách Giêsu nữa.

Chắc Matta không có ý, nếu không muốn nói là không dám, trách Chúa Giêsu, mà chỉ có ý trách Maria em mình thôi. Thế nhưng, lời trách móc của chị cũng bộc lộ một giọng điệu hàm chứa cả việc trách móc chính Vị Thượng Khách khả kính khả ái của chị nữa. Điều này cũng có thể đúng, vì nếu Matta chỉ trách em mình thôi, thì tại sao chị không nói thẳng với em, việc gì phải lôi cả Chúa Giêsu vào cuộc. Chẳng hạn, Matta có thể gọi riêng Maria đến gần mà nhỏ nhẹ nói: “Maria ơi, còn nhiều việc phải làm lắm, em đến hộ chị một tay được không, để chị em mình kịp dọn bữa cho Thày dùng, vì Thày đâu có nhiều giờ ở với chị em mình...”.

Bởi thế, sở dĩ lời trách móc công khai của Matta bao gồm cả Chúa Giêsu trong đó: “Lạy Thày, em con để con hầu hạ một mình mà Thày không quan tâm đến hay sao?”, có thể là vì Matta tự cảm thấy tủi thân trước việc Chúa Giêsu đối xử không đồng đều giữa hai chị em của chị. Ở chỗ, Matta tỏ ra hết sức vất vả để tiếp đãi Người như vậy mà Người lại chẳng để ý gì đến chị cả, trái lại, trong khi chị đang vất vả đến tối tăm mặt mũi như thế mà Người cứ tỉnh bơ ngồi nói chuyện riêng với Maria như không có gì xẩy ra. Rõ ràng là Người chẳng để ý gì đến chị cả, chẳng để ý đến việc chị làm gì hết. Nếu để ý đến chị, thì chẳng cần chị phải lên tiếng, Người cũng đã tự động thúc giục Maria giúp chị một tay rồi, chẳng hạn, Người có thể nói với Maria rằng: “Maria ơi, Thày thấy Matta bận bịu quá đi, con hãy ra giúp chị con một tay, Thày ngồi đây nghỉ một mình cũng được mà, (hay) đằng nào Thày cũng muốn ở yên tĩnh một chút, (hoặc) để Thày có giờ đi cầu nguyện, trong khi các con dọn bữa cho Thày dùng trước khi Thày tiếp tục lên đường thi hành sứ vụ của Thày”.

Phân tích cũng có lý. Lời trách móc của Matta chẳng những nhắm đến Maria em chị mà còn bao gồm cả Chúa Giêsu nữa, nói trắng ra, Matta thực sự đã có ý trách cả Chúa Giêsu. Vì mọi sự xẩy ra là do Người, nếu Người lên tiếng như chị nghĩ “Xin Thày bảo em con giúp con với”, thì đố Maria còn dám tỏ ra thái độ như bài Phúc Âm thuật lại: “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”.

Thế nhưng, mặt nổi của lời trách móc này có thể là như thế, song chiều sâu của lời trách móc này cho thấy Matta rất muốn được Thày yêu, chỉ vì chị thật lòng yêu Người. Trường hợp Matta bộc lộ lòng yêu của mình ra đối với Chúa Giêsu bằng việc hết sức săn đón tiếp đãi Người, kể cả qua lời chị trách yêu Người, lại bị Người chẳng những không cảm nhận và khen thưởng, còn bị Người khiển trách như thế, cũng giống hệt như trường hợp tông đồ Phêrô, trong khi tỏ ra rất kính mến Thày, lại bị Thày thậm tệ xua đuổi: “Đồ Satan, hãy xéo đi...” (Mt 16:23), chỉ vì vị tông đồ sốt sắng nhiệt tình này đã dám can ngăn Vị Thày rất khả kính khả ái có một không hai của mình đừng tử nạn theo ý Đấng sai Người. Thế nhưng, nếu căn cứ vào nguyên tắc yêu thương trọn lành, ở chỗ yêu mến Chúa hết mình và yêu thương nhau như mình, thì dầu sao cũng phải công nhận là tình yêu của Matta đối với cả Chúa Giêsu lẫn Maria em chị còn khiếm khuyết, cần phải cải tiến hơn nữa.

Không phải hay sao, qua lời trách móc của mình, chị đâu yêu thương em chị như bản thân chị đâu. Nếu chị muốn được Thày yêu thì khi thấy Maria được diễm phúc ấy, thì chị phải mừng như chị được mới phải chứ, mới chứng tỏ chị yêu em chị như bản thân chị vậy. Cũng qua lời trách của mình, Matta còn tỏ ra chưa yêu mến Chúa hết mình, yêu một cách mù quáng si mê, yêu một cách quảng đại dấn thân, trái lại, chị yêu Người một cách ngập ngừng, tùy theo mức độ được Người thương. Tóm lại, dù đã thật tình yêu Chúa, song chưa hết mình yêu Người, do đó, chị cũng chưa thể yêu tha nhân, trong đó có người em ruột của chị, như bản thân mình. Và sở dĩ Matta chưa hết mình yêu mến Người là vì chưa hiểu biết Người, chưa sống thân tình với Người, như Maria em chị.

Như thế có nghĩa là, trong chính khi khiển trách Matta, Chúa Giêsu đã mở ra cho chị một chân trời sống đạo chân chính: “Chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và nó sẽ không bị mất đi phần tốt hơn này”. Đúng vậy, qua lời trách yêu này, Chúa Giêsu như muốn khuyên Matta rằng: “Con hãy ‘chọn phần tốt hơn’ như Maria em con, ở chỗ, con hãy lấy việc gắn bó với Thày và lắng nghe lời Thày làm ưu tiên và trọng yếu hơn bất cứ một cái gì phụ thuộc khác, dù những cái phụ thuộc ấy có cần thiết đến đâu đi nữa, như việc dọn bữa cho Thày con đang làm. Bằng không, nếu con không có hay không nắm được ‘phần tốt hơn’ bất khả thiếu hay ‘không bị mất đi’ này, con chẳng những sẽ dễ bị ngoại cảnh thu hút mà còn bị đau khổ quật ngã nữa, điển hình là chính con đã tỏ ra bất mãn với em con và lên tiếng trách móc Thày vừa rồi đó...”. Đó là nguyên tắc sống nội tâm và là đường lối tông đồ bất di dịch được Người khẳng định với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 5: “Thày là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thày và Thày ở trong họ sẽ sinh muôn vàn hoa trái, ngoài Thày ra các con không làm gì được”.

Qua những gì vừa được chia sẻ, chúng ta đã thấy được ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh Năm C tuần này, thời điểm Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô tiếp tục tỏ mình trên thế gian cho đến tận thế ra qua chứng từ Giáo Hội của Người, cũng chính là ở chỗ này. Ở chỗ là, sau khi các tông đồ được sai đi truyền giáo trở về hớn hở thuật lại cho Thày mình nghe tự sự những gì “các vị đã làm và đã giảng dạy”, như Phúc Âm Thánh Marcô của Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên thuộc chu kỳ Năm B hôm nay ghi nhận, thì Chúa Giêsu đã khuyên các tông đồ rằng: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”.

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên Năm C Hậu Phục Sinh tuần này, qua hình ảnh Matta và Maria, chúng ta thấy Chúa Giêsu có vẻ nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và cầu nguyện hơn đời sống tông đồ và hoạt động. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đời sống tông đồ và cầu nguyện không cần bằng hay kém giá hơn đời sống nội tâm và cầu nguyện. Trái lại, hai đời sống này phải đi song song với nhau và nâng đỡ nhau. Nếu chỉ chuyên hoạt động đến không có giờ cầu nguyện thì hoạt động sẽ như cành nho lìa khỏi thân nho và sẽ không sinh hoa kết trái gì; trái lại, một người lại chỉ chuyên chú nội tâm và cầu nguyện đến không quan tâm gì đến phần rỗi các linh hồn theo tinh thần tông đồ thì cũng chẳng khác gì như cây vả xum xuê hoa lá cành mà không có trái, cũng sẽ bị nguyền rủa mà chết đi như Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại ở đoạn 11 câu 13, 20 và 21.

Để có thể dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động, trước hết, về phương diện lý thuyết và nguyên tắc, chúng ta cần lưu ý đến những điều sau đây:

Trước hết, nói đến đời sống nội tâm là nói đến một đời sống giao tiếp với vị “Thiên Chúa là Thần Linh trong tinh thần và chân lý” (Jn 4:24), và nói đến đời sống hoạt động là nói đến đời sống tông đồ phục vụ tha nhân trong Thiên Chúa hay phụng sự Thiên Chúa nơi tha nhân. Bởi thế, nếu đời sống nội tâm liên quan đến lòng yêu mến “Chúa là Thiên Chúa” hết tình, thì đời sống hoạt động liên quan đến lòng yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Thực ra, nếu “đức tin hoạt động qua đức mến” (Gal 5:6), thì đời sống nội tâm liên quan đến đức tin, đến vị “Thiên Chúa là Thần Linh”, và đời sống hoạt động liên quan đến đức ái, đến tha nhân. Trong cuộc chủng thẩm, Chúa Kitô Vua, Thẩm Phán Tối Cao sẽ phán xét con người về hoạt động đức ái đối với tha nhân, nhưng hoạt động này không thể nào có nếu họ không sống đức tin, tức dù không thấy Người cũng làm ơn cho tha nhân là hiện thân của Người (x Mt 25:40).

Đó là lý do, một khi đức tin đối với Thiên Chúa yếu kém, con người sẽ không thể nào yêu thương tha nhân trọn lành như Cha trên trời được (x Mt 5:48), trái lại, còn đi đến chỗ tỏ ra những hành động phản lại tinh thần Phúc Âm, thậm chí muốn nhân danh cả Thiên Chúa để khủng bố tha nhân nữa, như trường hợp của các môn đệ muốn khiến lửa trời xuống thiêu hủy một ngôi làng Samaria vì đã không chịu tiếp đón Thày mình trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hai tuần trước (x Lk 9:54-55). Như thế, đức tin càng mạnh, đức ái càng trọn hảo, và đức ái càng trọn hảo càng chứng tỏ con người đã đạt tới mức độ đức tin thần hiệp, mức độ yêu thương trọn lành như Thiên Chúa.

Kinh nghiệm sống đạo thực tế cho thấy Kitô hữu chỉ có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình một khi họ thật lòng và hết lòng yêu mến Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, Kitô hữu chỉ có thể yêu thương tha nhân một cách chân tình và trọn hảo bằng chính tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Đó là lý do Chúa Kitô đã truyền dạy cho môn đệ của Người là “các con hãy mến thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 13:34, 15:12). Qua câu khẳng định này, Chúa Kitô muốn khẳng định với Kitô hữu chúng ta là thành phần môn đệ của Người là: “Thày là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thày và Thày ở trong họ sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái, vì ngoài Thày ra các con không thể làm được gì cả” (Jn 15:5).

Linh Đạo Kitô Giáo là như thế, là ở chỗ, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001, dịp bế mạc Đại Năm Thánh 2000, đâm rễ vươn cao, là “duc in altum” (Lk 5:4), tức thả lưới ở chỗ nước sâu mới bắt được nhiều cá. Bằng không, dù tài giỏi mấy đi nữa và vất vả cật lực mấy đi nữa, như trường hợp các tay thuyền chài chuyên nghiệp trước khi bỏ hết mọi sự theo Chúa Kitô, vẫn không thể bắt được một con cá nào.

Kinh nghiệm hoạt động tông đồ cũng cho chúng ta thấy rõ điều này. Có những người rất hăng say hoạt động. Hội đoàn nào cũng tham gia. Công tác nào cũng có mặt. Thế nhưng, hơi gặp trái ý một chút là bất mãn, than trách, chia rẽ. Bị phê bình chỉ trích là nản lòng, sợ hãi, bỏ cuộc. Phải chăng thành phần hoạt động tông đồ này đã như cây nho dính liền với thân nho? Nếu quả thực họ đã sống trong Chúa Kitô và Chúa Kitô sống trong họ thì không thể nào xẩy ra tình trạng phản sống đạo như thế được. Đó là những trường hợp của thành phần hoạt động thiếu đời sông nội tâm.

Trái lại, cũng có trường hợp sống đạo đức mà chẳng sinh hoa kết trái gì, thậm chí còn sinh trái xấu nữa. Điển hình là những Kitô hữu, như ở Việt Nam xưa chẳng hạn, hằng ngày vốn có thói quen sáng lễ, trưa nguyện, chiều chầu, tối kinh: Tức sáng nào cũng dự lễ rước lễ, trưa nào cũng không quên nguyện Kinh Truyền Tin, chiều nào cũng đi chầu Thánh Thể, tối nào cũng đọc kinh chung gia đình. Ngày nào bị ngăn trở không thực hiện thói quen đạo đức này thì cảm thấy áy náy và lấy làm hết sức khó chịu. Thế mà, vừa thấy con gái mình “không chồng mà chưa mới ngoan”, đã có người trong họ liền bảo “mày phải phá nó đi cho tao”, hay thấy con mình long đong lận đận khổ sở với người phối ngẫu của nó liền khuyên: “mày cứ bỏ mẹ nó đi cho xong”, “con cứ ly dị nó quách đi cho rồi” v.v. Đấy là chưa kể đến nhưng hành vi cử chỉ ăn gian nối dối trong việc làm ăn hay công sở chỉ vì một chút lợi lộc trần gian.

Tóm lại, muốn làm chứng cho ai cần phải biết đích xác về người ấy thế nào, thì muốn làm chứng cho Chúa Kitô, tức muốn hoạt động tông đồ để Người được nhận biết và yêu mến, người môn đệ đích thực của Người cũng phải sống hết sức thân tình mật thiết với Người trong nội tâm của mình, bằng những giờ chiêm niệm nguyện cầu như vậy.

Trên phương diện thực hành, để có thể dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động, chúng ta cần lưu ý đến những điểm chính yếu thực tế sau đây:

Về mặt tiêu cực liên quan đến đời sống nội tâm:

1.     Đừng sợ bỏ giờ ra cầu nguyện là uổng phí mất thời giờ cần thiết cho rất nhiều hoạt động và hãy cầu nguyện chẳng những bằng việc tham dự phụng vụ, đọc kinh, mà còn bằng cả việc đọc sách thiêng liêng và trầm lặng chiêm niệm nữa.

2.     Đừng động một tí, tức không có lý do khẩn thiết, là bỏ cầu nguyện; nếu thật sự cần thiết có thể châm chước việc cầu nguyện, nhưng cố gắng làm bù lại bao nhiêu có thể.

3.     Đừng vì khô khan, không cảm thấy hứng thú mà lơ là với việc cầu nguyện, trái lại, càng cảm thấy nguội lạnh càng cần phải bỏ giờ ra cầu nguyện nhiều hơn.

4.     Đừng dấn thân hoạt động một khi cảm thấy tâm hồn thật sự sa sút đến mức nguy hiểm, bỏ ơn gọi hay phạm trọng tội; nếu cần phải tạm ngưng mọi hoạt động để lấy lại quân bình nội tâm, thậm chí phải dứt bỏ hay xin thôi hoạt động, dù hoạt động có ích lợi mấy đi chăng nữa.

5.     Đừng tìm thành công ở những lời khen tặng hay ở mức đông đảo dân chúng tuốn đến với mình, mà là ở chỗ chu toàn Thánh Ý Đấng đã muốn mình làm việc của Ngài và cho Ngài.

Về mặt tích cực liên quan đến đời sống hoạt động:

1.     Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng xem thực sự Chúa muốn mình làm gì, và luôn làm sao để sống trọn và sống theo những ước nguyện của Kinh Lạy Cha ở mọi nơi và trong mọi lúc.

2.     Hãy dấn thân thực hiện, bất chấp mọi giá hy sinh và gian nan khốn khó, một khi đã biết rõ ý Chúa muốn mình làm gì.

3.     Hãy dâng từng việc làm cho Chúa khi bắt đầu làm và cố giữ tâm hồn bình thản trong khi làm để có thể lắng nghe tiếng Chúa nói trong mọi nơi mọi lúc hầu mau mắn đáp ứng kịp thời, như trường hợp Mẹ Maria là tâm hồn đã sống hết sức gắn bó và cởi mở với Chúa, bằng thái độ luôn giữ và suy niệm trong lòng những cảm nghiệm thần linh xẩy ra trong cuộc đời của Mẹ.

4.     Hãy luôn ý thức rằng vì mình làm việc của Chúa và cho Chúa, nên Chúa sẽ lo hoàn tất việc của Ngài, phần mình chỉ là phương tiện được Ngài sử dụng, hãy ngoan ngoãn ở trong bàn tay tinh khéo toàn năng của Ngài.

5.     Hãy nhớ rằng không có máu tử đạo không thể và không xứng làm việc của Chúa và cho Chúa, bởi vì chính vào lúc người mẹ lâm bồn quằn quại đớn đau lại là lúc một con người mới vào đời (x Jn 15:21), và cành nào sai trái lại càng cần phải được cắt tỉa để càng trở nên sai trái hơn (x Jn 15:2).

Một gương mẫu hết sức sống động trong việc sống đời sống nội tâm và hoạt động tông đồ, một đời sống đã thực sự trổ sinh muôn vàn hoa trái ngay trong thế kỷ 20, đó là gương của Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta. Chưa có một dòng tu nào trong lịch sử Giáo Hội đã phát triển nhanh và mạnh như Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái của mẹ, trong vòng 47 năm (1950-1997) đã lan tràn trên 120 quốc gia trên thế giới. Chưa có một vị sáng lập nào đã lập nhiều ngành tu trì và hoạt động tông đồ như mẹ. Chưa có một nữ tu nào đi khắp thế giới và làm được nhiều việc bác ái xã hội phi thường như mẹ. Nếu theo sức tự nhiên không ai có thể làm được những gì mẹ làm, thì không phải là mẹ đã có một đời sống nội tâm hết sức thâm hậu, với một sinh lực thần linh thật là dồi dào phong phú hay sao? Một đời sống nội tâm thậm chí, như những gì được khám phá ra sau khi mẹ qua đời cho thấy, có những lúc mẹ cảm thấy như Thiên Chúa không hiện hữu và mẹ cảm thấy mình như đang ở trong hỏa ngục.

Tóm lại, để dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động, Kitô hữu chúng ta cần phải làm sao để luôn có một tâm tình tràn đầy ước nguyện của Kinh Lạy Cha, đến nỗi, nhiệt thành biểu lộ ra qua các việc làm của mình, nhất là những việc tông đồ của mình, những hoạt động hay những tác hành nhân chứng mà ai giao tiếp với chúng ta cũng có thể nhận thấy một cách rõ ràng là rằng chúng ta thực sự sống động là để cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời vậy. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL