GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 18 THỨ HAI

  

Huấn Từ Truyền Tin về Đoạn Phúc Âm liên quan đến Matta và Maria:


Lắng Nghe Lời Chúa là điều quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta

Hôm qua ĐTC đã từ vùng núi Alps đến nhà nghỉ mát của giáo hoàng ở Castel Gandolfo để tiếp tục nghỉ hết mùa hè tại đây. Trước khi nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 18/7/2004, Ngài đã ban huấn từ về ý nghĩa bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm C liên quan đến hai chị em Matta và Maria như sau:

1. Hôm qua Tôi đã trở về từ cuộc nghỉ ngắn ở Valle d’Aosta, và hôm nay cuộc gặp gỡ Truyền Tin này đã cho Tôi một cơ hội ngay sau đó để chào tất cả anh chị em hiện diện nơi đây.

Chúa Nhật này, phụng vụ lại khiến chúng ta suy tư về đoạn phúc âm Chúa Giêsu ở nhà Matta và Maria (x Lk 10:38-42). Trong khi Matta lo làm các việc trong nhà thì Maria ngồi dưới chân Thày và lắng nghe lời của Người. Chúa Kitô xác nhận là Maria “đã chọn phần tốt hơn và không ai có thể lấy đực phần tốt hơn ấy của cô” (Lk 10:42). Lắng nghe Lời Chúa là điều quan trọng nhất của đời sống chúng ta.

2. Chúa Kitô bao giờ cũng ở giữa chúng ta và nói với cõi lòng chúng ta. Chúng ta có thể nghe thấy Người bằng việc tin tưởng suy niệm Thánh Kinh, ngẫm nghĩ trong lúc nguyện cầu chung riêng, thinh lặng trước nhà tạm là nơi Người yêu thương nói với chúng ta.

Nhất là vào ngày Chúa Nhật, Kitô hữu được kêu gọi để gặp gỡ và lắng nghe Chúa. Điều này xẩy ra một cách trọn vẹn nhất qua việc tham dự Thánh Lễ là nơi Chúa Kitô sửa dọn cho tín hữu bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống. Thế nhưng, những lúc cầu nguyện và suy tư khác, nhưnõg lúc nghỉ ngơi và thân hữu, cũng có thể góp phần một cách hữu dụng vào việc thánh hóa ngày của Chúa.

3. Bởi tác động của Thánh Linh, khi Thiên Chúa đến ngự nơi lòng người tín hữu thì việc phục vụ anh em trở nên dễ dàng hơn. Đó là những gì đã xẩy ra một cách đặc biệt và hoàn hảo nơi Đức Maria Rất Thánh. Chúng ta ký thác cho Mẹ thời gian nghỉ hè này, để thời gian này được sử dụng như là một thời gian thuận lợi để tái khám phá ra tầm quan trọng của đời sống nội tâm.

 

 

 

Thực tế đã cho thấy gì nơi Tác Dụng của Bọc Cao Su Làm Tình An Toàn

 

Thật vậy, Giáo Hội Công Giáo vốn từng bị chỉ trích về vấn đề chống lại việc phát động sử dụng bọc cao su làm tình như một phần của những chương trình ngăn ngừa Hội Chứng Liệt Kháng và những cuộc vận động “làm tình an toàn”. Tuy nhiên, việc chống lại vấn đề sử dụng bọc cao su làm tình an toàn không có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo không lo gì nguy cơ của Hội Chứng Liệt Kháng cũng như đến thành phần bị nhiễm hội chứng nguy tử này.


Năm 2003, theo Tín Vụ Công Giáo Cho Phi Châu phổ biến ngày 17/8/2003, thì ông bộ trưởng y tế của nước Kenya là Charity Ngilu đã ca tụng Giáo Hội Công Giáo đã chiến đấu với Hội Chứng Liệt Kháng. Ông bộ trưởng y tế này nhận định là Giáo Hội Công Giáo đã chú trọng đến 3 lãnh vực chính: đó là lãnh vực ngăn ngừa bằng việc đề cao cảnh giác và cổ võ thay đổi tác hành; lãnh vực chăm sóc và chữa trị thành phần bị Hội Chứng Liệt Kháng hay Vi Khuẩn Liệt Kháng; và lãnh vực hỗ trợ về xã hội cũng như kinh tế đối với những ai bị bệnh hay bị nhiễm tai họa này.


Tờ tạp chí Những Nghiên Cứu Về Việc Kế Hoạch Hóa Gia Đình, trong số 3/2004, đã phổ biến một cuộc kiểm điểm rộng lớn theo các tường trình khoa học về vấn đề bọc cao su làm tình an toàn.


Bài “Việc Cổ Võ Bọc Cao Su Làm Tình An Toàn Để Ngăn Ngừa Hội Chứng Liệt Kháng Nơi Thế Giới Phát Triển: Có Hiệu Nghiệm Hay Chăng?”, với hai tác giả là Norman Hearst, một giáo sư ở Đại Học California, và Sanny Chen, một chuyên viên về bệnh dịch ở Phân Bộ Sức Khỏe San Francisco, đã nhận định rằng: “Việc đo lường tính cách hiệu nghiệm của bọc cao su làm tình là một việc hầu như bất khả”. Bài viết này cho biết tỉ lệ về hiệu năng của thứ bọc cao su làm tình an toàn này thường được chấp nhận ở mức độ 90%.


Thế nhưng, con số tỉ lệ ấy vẫn chưa cho thấy hết hiệu năng của thứ bọc làm tình an toàn này này trong vấn đề ngăn ngừa Hội Chứng Liệt Kháng. Chẳng hạn, bài báo nhận định, “Ở nhiều quốc gia Hạ Mạc Sahara, mức độ truyền nhiễm vi khuẩn liệt kháng cao vẫn tiếp tục lan tràn, bất chấp mức độ cao trong việc sử dụng bọc cao su làm tình an toàn”. Hai vị tác giả của bài báo này đều công nhận rằng: “không có một trường hợp rõ ràng nào cho thấy đã thoát khỏi nạn dịch chung này duy bằng việc cổ võ việc sử dụng bọc cao su làm tình an toàn”.


Việc thành công đáng kể về tình trạng tràn lan Hội Chứng Liệt Kháng ở nước Uganda là do một chương trình chú trọng tới việc hoãn sinh hoạt tình dục nơi thành phần thanh thiếu niên, việc phát động tiết dục, việc khuyến khích thủy chung vợ chồng, và việc sử dụng bọc cao su làm tình an toàn. Tuy nhiên, bài báo này cho biết việc sử dụng bọc cao su làm tình là điều cuối cùng về tầm quan trọng của những gì được liệt kê trong những việc ngăn ngừa Hội Chứng Liệt Khác ở Uganda.


Trong tờ Tạp Chí Y Khoa Hiệp Vương Quốc, số ra ngày 10/4/2004, trong bài tựa đề “Việc Giảm Bớt Đồng Bạn Làm Tình là Vấn Đề Quan Trọng Đối Với Biện Pháp Quân Bình ‘ABC’ Trong Việc Ngăn Ngừa Hội Chứng Liệt Kháng”, đã nhấn mạnh hơn nữa đến việc thay đổi tác hành tình dục. Bài báo này nhận định thế này: “Hiển nhiên là không có vấn đề dịch Liệt Kháng toàn cầu nếu không xẩy ra tình trạng giao du tình dục với nhiều người”.


Bài báo này còn nhận định là mặc dù bọc cao su làm tình an toàn được công nhận là đã giúp vào việc giảm bớt mức độ cao bị nhiễm vi khuẩn liệt kháng, thì việc sử dụng này cũng đã phải đi kèm với cả vấn đề giảm bớt giao du tình dục với nhiều người nữa mới đươcỉc như thế.


Bác sĩ Joe Mcllhaney, trong tờ Atlanta Journal-Constitution ra ngày 25/8/2003, đã viết: “căn cứ vào khoa học và chỉ duy vào khoa học mà thôi thì chỉ có một kết luận duy nhất, đó là những bọc cao su không đủ an toàn trong vấn đề làm tình. Những bọc cao su có thể làm giảm bớt một số nguy cơ nhưng chúng vẫn thường khiến cho con người dễ bị nhiễm những chứng bệnh truyền nhiễm theo đường tình dục”. Theo ông, nguyên ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này hằng năm có trên 15 triệu trường hợp bị bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.


Trong bản tường trình cho Quốc Hội Hoa Kỳ của Các Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật, như được tờ Washington Times phổ biến ngày 3/2/2004, vị giám đốc của hai trung tâm này là Tiến Sĩ Julie Gerberding, nói rằng để tránh bị chứng bệnh truyền nhiễm theo đường tình dục “bằng việc sống với một người bạn tình không bị lây nhiễm duy nhất”. Bản tường trình này còn cho biết rằng hầu hết các cuộc nghiên cứu đều cho thấy rằng các thứ bọc cao su làm tình an toàn không ngăn ngừa nổi tình trạng lan tràn chứng bệnh truyền nhiễm theo đường tình dục.


Có những dấu hiệu cho thấy nhiều chính phủ đã cảm thấy cần phải cổ võ việc tiết dục. Vào ngày 15/3/2004, đài truyền hình BBC cho biết nước Zambia đã cấm không cho phân phát những bọc cao su làm tình an toàn ở các trường học. Ông bộ trưởng giáo dục Andrew Mulenga đã cắt nghĩa rằng những bọc cao su làm tình là những gì khuyến khích giới trẻ hoan hưởng tiền hôn dâm. Theo tường trình của Liên Hiệp Quốc thì có khoảng 120 ngàn người nước này bị chết vì Hội Chứng Liệt Kháng mỗi năm.


Việc Giáo Hội Công Giáo chống lại việc sử dụng các thứ bọc cao su làm tình an toàn không căn cứ vào những nghiên cứu về y khoa, mà là vào chính phẩm giá của con người cũng như vào bản chất cao quí của việc ân ái liên quan đến đời sống hôn nhân vợ chồng.

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 26/6/2004

 

 

Tình Hình về những Con Tin của các Quốc Gia bị Khủng Bố bắt giữ và đe dọa ở Iraq
 

Cơ quan thông tấn tiếng Ả Rập Al-Jazeera hôm Thứ Năm 15/7/2004 đã tường trình là những tay bắt cóc một con tin người Ai Cập là Muhammad al-Gharabawi đã ra lệnh cho chủ nhân của người con tin này là Faisal al-Nahait Transport Company 48 tiếng đồng hồ phải rời khỏi Iraq. Đây là lời đe dọa thứ hai đối với người nhân viên Ai Cập ấy. Hôm 13/7, nhóm âm mưu bắt cóc này đã đe dọa sẽ lấy đầu nhân viên ấy trừ phi hãng của người tài xế 8 năm của hãng này rời khỏi Iraq trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Hãng của người tài xế ở vào tuổi ngũ tuần này đã đồng ý như thế để cứu mạng sống nhân viên của mình. Sở dĩ người tài xế này bị bắt cóc để làm áp lực đối với hãng của ông ta là vì, theo nhóm bắt cóc được mệnh danh là “cuộc chống cự hợp lý của người Iraq” này, thì bất cứ ai cộng tác với lực lượng liên minh ở Iraq đều “sẽ không được đối xử đàng hoàng, vì họ được coi như là những kẻ phản bội làm việc cho những tay xâm chiếm vô thần”. Đó là lý do người tài xế Al-Gharabawi bị bắt cóc đang khi chở dầu hỏa cho lực lượng Hoa Kỳ.

Ngày Thứ Sáu 16/7/2004, hãng của người tài xế Ai Cập này lên tiếng là họ sẽ tuân theo điều yêu cầu của nhóm bắt cóc trong việc rút khỏi Iraq. Trong lời phát biểu của hãng này được thông tấn Reuters phổ biến thì “tất cả mọi chiếc xe cộ của chúng tôi đã được đem ra khỏi Iraq từ Thứ Tư 14/7 để bảo đảm an toàn cho con tin”.

Để chống lại với những nhóm khủng bố loạn quân này, Thủ Tướng Lâm Thời Ayad Allawi hôm Thứ Năm đã cho biết chính phủ của ông sẽ hình thành một cơ quan tình báo nhằm mục đích “tận diệt” các nhóm khủng bố. Ông còn cho biết ông đã xin 6 quốc gia là Ai Cập, Morocco, Oman, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh gửi quân đội tới quốc gia của ông giúp Iraq chống lại các thứ loạn quân.
 

Một tài xế xe vận tải khác người Phi Luật Tân là Angelo de la Cruz 46 tuổi đã được cùng đài truyền hình Al-Jazeera cho biết người tài xế này gửi lời nhắn cho tổng thống Phi Luật Tân là Gloria Macapagal Arroyo để cám ơn bà đã quyết định rút quân. Theo đài truyền hình này thì ông ta “đã gửi lời nhắn nhủ vợ con và gia đình rằng ông ta không còn mặc y phục mầu vàng nữa, ông đã mặc quần áo bình thường khi xuất hiện trên TV, và ông xin gia đình ‘xin hãy chờ tôi vì tôi đang trở về với các người”. Thế nhưng, nhóm bắt giữ ông ta cho biết ông sẽ không được thả ra cho tới khi người lính Phi Luật Tân cuối cùng rời khỏi Iraq. Hôm Thứ Bảy 17/7, tướng Jovito Talparan lãnh đạo lực lượng Phi Luật Tân và 10 nhân viên đã rời Iraq đến Kuwaitt và về tới thủ đô Manilla vào ngày Chúa Nhật. Lực lượng nhóm Phi Luật Tân nguyên thủy chỉ có 51 người hoàn toàn có tính cách nhân đạo. Đầu tiên chính phủ Phi hứa rời Iraq vào ngày 20/8 nhưng nhóm bắt cóc muốn sớm hơn 1 tháng, tức vào 20/7.

Trong cuộc họp báo cũng vào cùng ngày Thứ Năm, Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Iraq Ayad Allawi cho biết rằng ông đã nói chuyện với Arroyo và xin bà hãy “xét lại” việc rút lui này, vì “chúng ta không thể đầu hàng nạn khủng bố”. Các viên chức Hoa Kỳ cũng tỏ ra khinh dể quyết định ấy, cho rằng làm như thế là tỏ cho nhóm khủng bố thấy được một dấu hiệu không đúng.
 

Cũng vào ngày Thứ Năm 15/7/2004 này, một thi thể mất đầu được vớt lên từ Sông Tigris, 30 dặm phía bắc thành phố Tikrit, có thể là một trong hai tài xế vận tải người Bulgaria bị nhóm chiến đấu quân bắt giữ, vì vóc dáng và quần áo của thi thể mất đầu này giống như hình ảnh đã được nhóm bắt cóc phổ biến cho truyền thông trước đó. Hai nhân viên người Bulgaria này là Georgi Lazov 30 tuổi và Ivailo Kepov 32 tuổi đang lái những chiếc xe vận tải chuyển các chiếc xe hơi đến tỉnh Mosul thuộc miền bắc nước Iraq và bị bắt cóc vào ngày 27/6/2004. Cơ quan thông tấn trên đây cho biết nhóm Unification và Thánh Chiến Quân đã công nhận ra tay sát hại. Nhóm này, nhận mình là trung thần của nhà lãnh đạo loạn quân Abu Musab al-Zarqawi, cũng công nhận là đã lấy đầu thương gia Hoa Kỳ Nicholas Berg và người thông dịch viên Nam Hàn Kim Sun-il. Chính phủ Bulgaria, hoàn toàn ngược với chính phủ Phi Luật Tân, với 470 quân ở thành phố Karbala trung tâm Iraq, nhất định không rút quân, bất chấp lời đe dọa của nhóm khủng bố. Trong bản tuyên cáo của Tổng Thống Georgi Parvanov, Thủ Tướng Simeon Saxe-Coburg và quốc hội, người ta đọc thấy như sau: “Bulgaria phải tiếp tục hỗ trợ Iraq và việc tái kiến thiết của nước này, việc bền vững và việc phát triển về dân chủ của nó. Cuộc chiến đấu để bênh vực những giá trị phổ quát chống lại nạn cuồng tín cần phải liên tục, can trường và chịu đựng”.