GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 7/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 1 THỨ NĂM |
ĐTC GPII trong Ngày Kính Nhị Vị Đại Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô
1. Giáo Hội cử hành lễ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô: nhân vật đánh cá xứ Galilêa, người đầu tiên tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô; bậc thày và là vị tiến sĩ loan báo ơn cứu rỗi cho Dân Ngoại (x Kinh Tiền Tụng). Theo ý định Quan Phòng Thần Linh, cả hai đều đến Rôma là nơi các vị chịu tử đạo trong thời gian mấy năm. Từ đó thành phố này, vốn là thủ đô của một đại đế quốc, đã được mặc lấy một vinh quang hơi khác, đó là làm nơi cho Tòa Thánh lãnh đạo sứ vụ hoàn vũ của Giáo Hội trong việc truyền bá trên thế giới Phúc Âm của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc của con người và của lịch sử.
2. Năm nay, lễ trọng hôm nay đây được hân hạnh có sự hiện diện của Đức Bartholomew I, vị thượng phụ Thế Giới Chính Thống Giáo ở Constantinople, vị tôi hân hoan đón tiếp và chào hỏi cách đây một chút. Việc viếng thăm của ngài có một lý do đặc biệt, đó là 40 năm trước đây, nhất là vào tháng Giêng năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras I đã gặp nhau ở Giêrusalem và đã ôm lấy nhau trong tình huynh đệ. Việc ôm lấy nhau này đã trở thành một biểu hiệu cho mối hòa giải ước mong giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Chính Thống Giáo, cũng như trở thành một ngôn sứ của niềm hy vọng trên con đường tiến đến việc hoàn toàn hiệp nhất giữa tất cả mọi Kitô hữu.
Tôi đã mời Đức Thượng Phụ Bartholomew I tham dự Thánh Lễ tôi sẽ chủ tế chiều nay vào lúc 6 giờ tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Chúng tôi sẽ cùng nhau giảng lễ và chúng tôi cùng nhau tuyên xưng đức tin.
Cũng trong việc cử hành ngày hôm nay, tôi sẽ hoan hỉ ban giây choàng cho các vị tổng giám mục được bổ nhiệm năm vừa rồi. Đó là một dấu hiệu truyền thống của mối hiệp thông giữa Giáo Hội ở Rôma và các Giáo Hội lan tràn khắp thế giới, một dấu hiệu truyền thống được gắn liền với lễ trọng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.
3. Tôi xin ký thác một cách đặc biệt cho hai vị quan thày trọng vọng này Giáo Phận Rôma cũng như cộng đồng dân sự của thủ đô này. Bằng việc kêu cầu việc chuyển cầu của hai vị cùng với việc chuyển cầu của Mẹ Maria Chí Thánh là phần rỗi của dân chúng Rôma, chúng ta hãy cầu nguyện để hết mọi con người nam nữ nhận được sứ điệp làm cho hai Thánh Phêrô và Phaolô phải chịu tử đạo.
ĐTC ngỏ lời cùng Đức Thượng Phủ Giáo Chủ Chính Thống Hoàn Cầu
Nhân dịp Lễ Trọng Kính Hai Đại Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo Bartholomew I ở Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Rôma lần đầu tiên cùng với phái đoàn của ngài vào chính ngày lễ 29/6/2004 này. Vào lúc 11 giờ sáng Đức Thánh Cha đã tiếp mừng và ngỏ lời cùng ngài như sau:
Trọng Kính Đức Thượng Phụ,
Quí Huynh Khả Kính và Thân Mến Của Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ Hoàn Vũ!
1. Nhân danh Chúa chúng tôi xin chào đón quí huynh! Chúng ta dâng lời tạ ơn Ngài về tặng ân chúng ta được gặp gỡ nhau vào ngày lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những vị Tông Đồ cũng được phụng vụ Chính Thống tôn kính như những vị “Protothroni”, tức những vị chiếm các chỗ trọng vọng nhất.
Ngoài ra, chúng ta còn tạ ơn Chúa khi được cùng nhau tưởng niệm cuộc gặp gỡ phúc đức xẩy ra 40 năm trước đây giữa vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với Đức Thượng Phụ khả kính Athenagoras I. Cuộc gặp gỡ này đã diễn ra ở Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã được treo trên cây thập tự giá để cứu chuộc nhân loại và qui tụ họ lại làm một. Cuộc gặp gỡ này là một dịp thuận lợi biết bao, phấn khởi và rạng ngời biết mấy cho cuộc sống của Giáo Hội! Được thúc đẩy bởi lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, các vị tiền nhiệm sáng suốt của chúng ta đã có thể thắng vượt được những thương tổn và hiểu lầm của bao thế kỷ để nêu gương sáng tuyệt vời của những vị mục tử lãnh đạo Dân Chúa. Trong việc tái nhận thức mình là anh em của nhau, các vị đã cảm thấy được một niềm vui sâu xa khiến các vị tin tưởng bắt đầu lại những mối liên hệ giữa Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Constantinople. Xin Thiên Chúa thưởng công cho các vị trên Vương Quốc của Ngài!
2. Kính Đức Thượng Phụ, tôi hết lòng cảm mến xin chào mừng ngài, thật sự là vui mừng khi được tiếp đón ngài ở ngôi nhà này là nơi sống động tưởng nhớ đến các vị thánh tông đồ. Cùng với ngài, tôi xin chào những vị trong phái đoàn của ngài, nhất là các vị tổng giám mục và đại biểu của tòa thượng phụ của ngài; tôi cũng xin chào nhóm tín hữu thuộc các tổng giáo phận Chính Thống Hy Lạp ở Hoa Kỳ, và nhóm các giáo sư cùng sinh viên thuộc Viện Thần Học Chính Thống Cao Học Chambesy dưới quyền hướng dẫn của ĐGM Makarios. Tôi xin cám ơn tất cả mọi người về sự hiện diện thân ái này.
Trong 40 năm đây, hai Giáo Hội của chúng ta đã cảm thấy được nơi những liên hệ của mình những cơ hội liên lạc quan trọng làm phát triển tinh thần hòa giải hỗ tương. Chẳng hạn, chúng ta không thể quên được những cuộc viếng thăm trao đổi giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras vào năm 1967. Tôi vẫn còn nhớ nguyên cuộc viếng thăm của tôi ở Fanar vào năm 1979, cũng như nhớ đến việc cùng Đức Thượng Phụ Dimitrios I loan báo vấn đề bắt đầu cuộc đối thoại về thần học. Ngoài ra, tôi nhớ đến cuộc viếng thăm Rôma của Đức Thượng Phụ Dimitrios I năm 1987, và cuộc viếng thăm của chính Ngài vào năm 1995 là cuộc viếng thăm xẩy ra sau những dịp gặp gỡ quan trọng khác. Chúng là những dấu hiệu cho thấy việc chúng ta cùng nhau dấn thân tiếp tục cuộc hành trình đã thực hiện, nhờ đó ý muốn của Chúa Kitô “cho họ được hiệp nhất nên một” hiện thực sớm bao nhiêu có thể!
3. Trong tiến trình của con đường hiệp nhất này, những ký ức của các biến cố đau thương trước đó thật sự đã đè nặng trên chúng ta. Chúng ta đặc biệt không thể nào quên được trường hợp xẩy ra trong tháng 4/1204. Một đạo quân ra đi để tái chiếm lại Thánh Địa cho Kitô Giáo, đã đến vây chiếm Constantinople, làm đổ máu anh chị em cùng niềm tin với mình. Làm sao chúng ta, 8 thế kỷ sau, lại không chia sẻ với Đức Giáo Hoàng Innocent III lập tức tỏ ra phẫn uất và đớn đau là chừng nào khi nghe thấy tất cả những gì đã xẩy ra? Sau một thời gian dài, chúng ta có thể phân tích những biến cố ở thời điểm ấy một cách khách quan hơn, mặc dù quá biết rằng khó có thể thấy được tất cả sự thật về lịch sử này.
Về vấn đề này, chúng ta được Thánh Tông Đồ Phaolô khuyến dụ rằng: “Bởi thế, đừng phán quyết trước khi thời điểm tới, trước khi Chúa tới, Đấng sẽ làm sáng tỏ những gì hiện nay mật kín trong tăm tối và sẽ làm lộ ra những ý đồ của tâm can con người” (1Cor 4:5). Vậy chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để xin Vị Chúa của lịch sử hãy thanh tẩy ký ức chúng ta khỏi tất cả mọi tổn thương và bất mãn, và giúp chúng ta sẵn sàng tiến bước trên con đường hiệp nhất này.
4. Chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện điều này theo gương của Đức Thượng Phụ Athenagoras I và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là những vị chúng ta tưởng nhớ đến hôm nay đây. Chớ gì việc nhớ đến cuộc gặp gỡ ấy giúp cho chúng ta nhẩy vọt trong cuộc đối thoại và củng cố những mối liên hệ huynh đệ với nhau. Chớ gì việc đối thoại về thần học qua Ủy Ban Hỗn Hợp vẫn là một dụng cụ quan trọng để đạt tới mục đích ấy. Bởi thế, tôi ước mong thấy ủy ban này tái hoạt động sớm bao nhiêu có thể. Thật thế, tôi tin tưởng về việc khẩn trương này, và tôi cũng như các cộng sự viên của tôi mong muốn vận dụng hết mọi phương tiện để cổ võ tinh thần chấp nhận và hiểu biết nhau, hợp với Phúc Âm và Truyền Thống chung tông đồ. Chớ gì chúng ta phấn khởi tiến bước trên con đường này theo giới luật yêu thương cũ nhưng bao giờ cũng mới, một giới luật được Thánh Phaolô lập lại bằng những lời rất hay là “anh em hãy yêu thương nhau bằng một lòng cảm mến huynh đệ; hãy đua nhau tỏ lòng tôn kính” (Rm 12:10).
5. Tôi xin phó dâng những ý nguyện hòa giải và hiệp thông trọn vẹn này cho các vị thánh tông đồ chúng ta tưởng kính hôm nay. Chúng ta hãy tin tưởng kêu xin các ngài để các ngài chuyển cầu cho chúng ta được kiên cường trong đức tin và được kiên trì tìm cách thi hành ý muốn của Chúa Kitô sớm bao nhiêu có thể. Chớ gì chúng ta nhận được tặng ân này nhờ Mẹ Maria, Mẹ của Đấng kêu gọi tất cả chúng ta đến mối hiệp nhất trọn vẹn trong tình yêu của Người.
Với những cảm tình ấy, một lần nữa, tôi hết lòng thân ái đón mừng Đức Thượng Phụ cùng tất cả anh em là những quí khách của tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 29/6/2004
Bài Giảng của Hai Vị Lãnh Đạo Công Giáo và Chính Thống Giáo trong Thánh Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô – Và bài chia sẻ của ĐTC trong buổi triều kiến chung hôm sau về giây phẩm vị Tổng Giám Mục
Vào lúc 6 giờ chiều ngày 29/6/2004, Lễ Trọng Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh Lễ với sự hiện diện của Đức Thượng Phụ (ĐTP) Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo Bartholomew I. Trong Thánh Lễ này, bài Phúc Âm được công bố bằng cả tiếng Latinh lẫn Hy lạp. Kinh Tin Kính Nicene-Constantinople được đọc bằng tiếng Hy Lạp theo phụng vụ của các Giáo Hội Byzantine. ĐTC GPII cũng làm phép và trao ban các giây phẩm chức cho 44 vị tổng giám mục Công Giáo trên thế giới vừa được bổ nhiệm trong năm qua.
Bài giảng của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo, được ĐTC Gioan Phaolô II dẫn nhập, đã nói về bước tiến đại kết giữa hai Giáo Hội 40 năm trước từ khi Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athengoras ôm nhau, thế nhưng “vẫn không thể nào loại trừ được trong 40 năm qua tình trạng nghịch phản đã từng được chồng chất trên 900 năm… Chúng ta hy vọng rằng những gì có thể thực hiện được cho tới nay sẽ đạt tới trong tương lai, một tương lai gần… Việc hiện diện của chúng ta nơi đây hôm nay đây cho thấy lòng chúng ta chân thành mong muốn cất đi tất cả mọi trở ngại về giáo hội không phải là vấn đề tín lý và thiết yếu, để chú trọng đến vấn đề nghiên cứu những cái khác nhau trọng yếu và những sự thật về tín điều là những gì cho tới nay vẫn chia rẽ hai Giáo Hội của chúng ta, cũng như về cách sống sự thật Kitô Giáo của một Giáo Hội hiệp nhất”.
Vị thượng phụ giáo chủ này còn phân biệt là mối hiệp nhất hai Giáo Hội không giống như mối hiệp nhất của một thương vụ hay của những Quốc Gia, “mà là một cuộc tìm kiếm thiêng liêng nhắm đến chỗ cùng nhau chung sống mối hiệp thông thiêng liêng với con người của Chúa Giêsu Kitô… Trong nỗ lực thiêng liêng tinh tế này xẩy ra những khó khăn bởi sự kiện là phần lớn con người chúng ta thường tỏ ra những chủ trương riêng, những ý kiến và thẩm lượng riêng, như thể chúng là những gì biểu hiệu cho tâm tưởng, cho tình yêu, tóm lại, cho tinh thần của Chúa Kitô. Vì những ý kiến và thẩm lượng riêng tư ấy… không phù hợp với nhau hay với cách sáng của Chúa Kitô đã làm nẩy sinh ra tình trạng bất hòa”. Theo vị thượng phụ này, cái chúng ta cần phải tìm kiếm không phải là mối hiệp nhất ngoại tại mà là hiêp nhát về tinh thần, trong tinh thần của Chúa Kitô.
Bài giảng của ĐTC GPII tập trung vào vấn đề hiệp nhất Kitô Giáo. Ngài lập lại việc hiện diện của Đức Thượng Phụ Bartholomew I trong buổi tối phụng vụ này là để đánh dấu 40 năm cái “ôm huynh đệ” năm 1964 giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras. Ngài gọi cuộc gặp gỡ này “không phải chỉ là một thứ ký ức mà là một thách đố đối với chúng ta, liên quan đến con đường nhận thức nhau và hòa giải với nhau”.
Trích lại bức Thông Điệp 1995 “Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một”, ĐTC nói: “Tin tưởng vào Chúa Kitô tức là mong muốn hiệp nhất; mong muốn hiệp nhất tức là mong muốn Giáo Hội; mong muốn Giáo Hội tức là mong muốn hiệp thông ân sủng xứng hợp với dự án của Chúa Cha từ đời đời. Đó là ý nghĩa của lời Chúa Giêsu cầu nguyện: ‘để họ được hiệp nhất nên một’”.
Ngài nhấn mạnh rằng việc dấn thân hiệp thông “không phải là một vấn đề liên hệ mơ hồ của những người cận thân tốt lành mà là một mối liên hệ bất khả phân ly về đức tin thần học là mục tiêu chúng ta nhắm tới về vấn đề hiệp thông chứ không phải phân rẽ”.
“Bất cứ những gì, qua giòng thời gian, đã làm đổ vỡ mối liên hệ hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô thì ngày nay chúng ta đều cảm thấy đớn đau. Bởi thế, cuộc hội ngộ hôm nay đây không phải chỉ là một cử chỉ lịch thiệp xã giao mà là một đáp ứng lệnh truyền của Chúa. Giáo Hội Rôma đã cương quyết và hết sức thành thực tiến lên trên con đường trọn vẹn hòa giải, bằng những hoạt động tự chúng lúc nào cũng khả dĩ và hữu ích… Chúng ta biết rằng hiệp nhất trước hết là tặng ân Chúa ban…. thế nhưng việc làm cho nó hiện thực lại tùy thuộc ở chúng ta”.
ĐTC đã nói với ĐTP rằng ngài “luôn theo đuổi con đường hiệp nhất theo địa bàn giáo huấn bảo đảm của Công Đồng Chung Vaticanô II… Hôm nay tôi xin lập lại là việc Giáo Hội Công Giáo thực hiện việc dấn thân theo tinh thần Công Đồng Chung Vaticanô II là một việc bất khả vãn hồi. Chúng ta không thể chối bỏ được điều này!”.
Ở đoạn kết bài giảng, ĐTC đã ngỏ lời cùng các vị TGM sắp sửa lãnh nhận giây phẩm vị rằng đó “là một dấu hiệu hiệp thông liên kết quí huynh một cách đặc biệt với tông chứng của Thánh Phêrô và Phaolô. Nó liên kết quí huynh với Vị Giám Mục Rôma, Người Thừa Kế Thánh Phêrô, người được kêu gọi thực hiện việc phục vụ giáo hội đặc biệt liên quan đến toàn thể hàng giáo phẩm”.
Ngài đã nói về giây phẩm vị TGM này trong bài giáo lý hằng tuần trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hôm sau, 30/6/2004, cũng ở Quảng Trường Thánh Phêrô, bài giáo lý cuối cùng trước khi Ngài lên đường đi nghỉ hè hai tuần ở miền núi Alps năm 2004.
Trong bài giáo lý này, Ngài cũng đã nhắc lại biến cố Lễ Trọng Kính Hai Đại Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô có Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo Batholomew I ở Constantinople nhân dịp kỷ niệm 40 năm “cái ôm nhau” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athengoras.
ĐTC đồng thời nhắc lại trong cuộc cử hành Thánh Lễ trọng hôm qua, có “44 vị TGM tổng giáo phận đã lãnh nhận pallium” được làm bằng lông cừu trắng để đeo quàng quanh cổ nói lên “việc hiệp thông với Giám Mục Rôma”.
Ngài nói rằng giây pallium “nói lên nguyên tắc hiệp thông sâu xa là những gì hình thành tất cả mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội; nó nhắc nhở chúng ta rằng mối hiệp thông này có tổ chức và phẩm trật; nó cho thấy sự kiện là Giáo Hội, vì duy nhất, cần đến việc phục vụ đặc biệt của Giáo Hội Rôma cùng vị giám mục của giáo hội này, vị lãnh đạo Giáo Phẩm đoàn”.
Lễ nghi trao ban giây phẩm vị TGM cũng nhấn mạnh đến “tính cách đại đồng của Giáo Hội (được) Chúa Kitô sai đi loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân nước và phục vụ nhân loại”.
Ngài đã kết thúc bằng việc kêu gọi tín hữu hãy giúp đỡ những vị tổng giám mục, “hãy hiệp nhất với các vị và nguyện cầu cho sứ mệnh mục vụ được ủy thác cho các vị. Tôi cũng nghĩ đến 8 vị TGM không có mặt ở đây hôm nay song đã lãnh nhận giây phẩm vị TGM ở giáo phận của các vị”.