GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 29 THỨ NĂM

  

Học Hiểu Đức Tin, Yêu Mến Đức Tin và Thực Hành Đức Tin

Lá Thư Mục Vụ của Đức Cha Tod Brown, Giám Mục Giáo Phận Orange


 Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

(Bức Thư này dự định sẽ được chính thức phổ biến tại giáo phận địa phương này vào mùa thu 2004)

 

Cách đây không lâu có một ca đoàn tươi trẻ thuộc Trường Xứ La Purisima đã thực hiện một cuộc hòa nhạc vui nhộn ở một hội nghị tôi tham dự. Nhìn chúng, anh chị em thấy rằng chúng chẳng những hân hoan giúp vui cho chúng tôi mà còn thật sự tin tưởng vào những gì chúng hát nữa. Đặc biệt là bài hát cuối cùng trong chương trình. Một trong những học sinh hát rằng: “Chúng tôi sẽ sống chết với những lúc hoạn nạn; chúng tôi sẽ giữ vững đức tin!” thế rồi cả nhóm cùng hợp xướng: “Học hiểu đức tin của chúng ta, yêu mến đức tin của chúng ta, thực hành đức tin của chúng ta alleluia!” Khi hát đến chữ học hiểu đức tin thì đám trẻ chỉ vào đầu chúng; đoạn chúng ôm lấy tim của chúng khi chúng hát đến chỗ yêu mến đức tin, và khi hát thực hành đức tin, chúng vươn bàn tay và cánh tay của chúng về một thế giới rộng lớn (“Faith: Learn It, Love It, Live It!”, sáng tác của Roger E. Minkle, Ph. D., Associate Principal, Saint Jeanne de Lestonnac School). Chúng tỏ ra hứng khởi.

Cái hứng khởi là những gì chúng ta hiện nay cần đến, vì chúng ta có nhiều lý do để gọi đây là “thời buổi rắc rối”. Hỡi anh chị em của Giáo Hội ở Orange, tôi bắt đầu bức thư mục vụ đầu tiên gửi đến anh chị em đây bằng lời nguyện cầu cùng Chúa Thánh Thần, để xin Thần Linh tác động nơi tất cả mọi người chúng ta một thứ nhiệt huyết chân tình đối với đức tin Công Giáo của chúng ta. Tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Giáo Hội địa phương của chúng ta là một giáo hội đang sinh động và phát triển; chúng ta có nhiều điều cần phải cảm tạ và hãnh diện. Thế nhưng, vào lúc này đây tôi viết thư cho anh chị em là vì tôi đặc biệt quan tâm đến mức độ đào luyện đức tin ở giáo phận chúng ta. Trong những dấu hiệu cho thấy tính cách sinh động và những hoạt động nhiệt thành tốt đẹp, tôi thấy một số những dấu chỉ làm tôi cảm thấy lo lắng, và tôi nghĩ rằng cũng làm cho cả anh chị em lo âu nữa.

• Những chương trình giáo dục về tôn giáo được tập trung ở lớp hai để dọn mình cho đám trẻ Rước Lễ Lần Đầu, thế nhưng, vào những năm sau đó, việc ghi danh học chương trình này thường thụt xuống khủng khiếp. Tại sao các em lại không trở lại học nữa?

• Ở một vài trường học của chúng ta có ít hơn một nửa số học sinh Công Giáo cùng với gia đình đi tham dự Thánh Lễ cuối tuần. Tại sao chúng lại không có mặt ở đó?

• Cùng với các vị giám mục khác, tôi đã ban phép Thêm Sức cho hàng trăm em vào Mùa Phục Sinh; hầu hết các em này là những thiếu niên thực hiện những chương trình phục vụ và cảm thấy hứng khởi qua những cuộc tĩnh tâm. Thế nhưng, tại sao lòng sốt sắng này chỉ kéo dài cho đến khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức thì nguội mất? Tại sao quá ít em trong đám giới trẻ thiện tâm ấy tiếp tục thường xuyên tham gia vào các chương trình phục vụ hay vào các nhóm giới trẻ?

• Hầu hết các cặp đính hôn đến nhà thờ để thành hôn đều thích thú với việc dự bị lãnh nhận bí tích do chúng ta giúp cho họ dọn mình và cảm nhận được tính cách bí tích của lời thề nguyền họ hứa quyết với nhau trước nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, tại sao, sau những lời thề nguyền hôn ước lại có rất ít cặp tham gia vào sinh hoạt giáo xứ của họ?

• Mặc dù giáo phận của chúng ta được ân phúc có nhiều ơn gọi linh mục hơn các giáo phận khác, vẫn còn quá ít linh mục coi sóc các giáo xứ đang phát triển của chúng ta. Năm năm trước đây mức độ trung bình cứ 1 vị linh mục coi 2.974 giáo dân, hiện nay 1 linh mục coi đến 5.469 giáo dân. Tại sao chúng ta không thể nào thu hút được đủ số những con người nam nữ hiến đời mình cho Chúa Kitô, qua việc phục vụ và dấn thân cho giáo hội?

• Ngay cả trong số hằng trăm người lớn được Tôi tuyển chọn trong Mùa Chay để lãnh nhận các bí tích vào Đêm Phục Sinh, thành phần bấy giờ tỏ ra nhiệt tình muốn trở thành phần tử của giáo hội, song tại sao đức tin Công Giáo lại làm cho nhiều người trong họ bị suy yếu đi ở những năm sau đó?

• Những người Công Giáo là thành phần Kitô giáo đông nhất ở Orange County, thế mà tôi lại được bảo rằng thành phần Kitô giáo đông thứ hai là thành phần Công Giáo được gọi là thụ động hay là “những người Công Giáo thời thượng”. Tôi nghĩ rằng họ cũng là những người tốt. Lý do tại sao đối với họ đức tin Công Giáo không còn được coi trọng mấy nữa, theo tôi, cũng là lý do đối với tất cả chúng ta?

Mặc dù đã có những hăm hở nỗ lực của rất nhiều người song mức độ dấn thân của quá nhiều người Công Giáo vẫn dường như chưa đạt tới một “khối lượng khẩn trương” cần thiết cho việc bảo trì đức tin Công Giáo của chúng ta, cũng như để tiếp tục thực hành đức tin trong suốt cuộc đời của họ. Chỉ có đức tin được ý thức sâu xa hơn, trở nên mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn mới có thể bảo trì chúng ta về lâu về dài mà thôi. Thiên Chúa sẽ canh tân đức tin của chúng ta nếu chúng ta xin Ngài, nhưng mỗi người chúng ta cần phải cả đời thực hiện một cuộc dấn thân canh tân đức tin của mình nữa. Đó là điều tôi xin mỗi một người trong anh chị em. Vấn đề hiểu biết đức tin hoặc nhiệt thành với đức tin hay dấn thân cho đức tin vẫn không đủ; điều chúng ta cần là cả 3 thứ này.

Không dễ dàng thực hiện được điều ấy khi chúng ta sống ở Orange County. Mới đây, một trong những vị linh mục của chúng ta đã nói với tôi rằng gia đình đông người của ngài có 16 mạng, ở trong 4 phòng ngủ, mà họ không phải là trường hợp độc nhất vô nhị. Nhiều người trong vùng của chúng ta làm hai hay ba việc mới có thể trang trải giá sinh hoạt cao ở đây, thế mà gia đình họ vẫn sống dưới mức độ nghèo khổ. Có những gia đình chỉ có một lợi tức, không thể giải quyết thảm trạng tiền bạc. Họ cố gắng mang gia đình của họ đến những vùng không an toàn hay thiếu vệ sinh. Có những người Công Giáo cảm thấy nặng mình, vì ngày nào cũng thấy rằng họ hay các phần tử trong gia đình của họ có thể bị lộ tẩy vì tình trạng cư trú bất hợp pháp của họ. Người ta thấy rằng các gia đình ở Orange County đang bị chới với, nhận được cứu trợ của các người Công Giáo ở Nhà Nhân Viên Lao Động Công Giáo cũng như ở Các Cơ Sở Bác Ái Công Giáo, ở các Hội Thánh Vinh-Sơn Đệ Phaolô cũng như ở hầu hết các giáo xứ.

Có những người khác trong chúng ta sống thoải mái hơn nhiều. Cho dù tự mình chúng ta không cảm thấy như thế, nhưng thật sự là chúng ta có được một đời sống dồi dào so với hầu hết các dân cư trên thế giới. Chúng ta có biết chúng ta được may mắn lắm chăng, khi sống ở một Mỹ Quốc thịnh vượng và có được tất cả mọi cơ hội cho chúng ta cũng như cho gia đình của chúng ta ở nơi đây? Chúng ta có để ý lắm chăng xã hội chúng ta đang sống đây càng ngày càng bị tục hóa, nơi mà những mối lo toan về kinh tế có thể làm mờ ám nhãn quan của những gì thật sự là quan yếu cho cuộc sống?

Orange County là một nơi có thể thu hút chúng ta sống một cuộc đời ung dung hay vô tình áp đảo chúng ta; trong trường hợp nào thì việc dấn thân của chúng ta sống cho Chúa Kitô cũng có thể gặp nguy hiểm cả. Cuộc sống của chúng ta có thể rất đầy đủ, hay rất bận bịu, hoặc rất thiếu thốn, khiến chúng ta không còn nhìn thấy được tình yêu cùng lòng thương xót của Thiên Chúa nữa, và cũng không còn tha thiết với tất cả những gì là thánh hảo nữa. Những áp lực bắt buộc chúng ta phải sinh sống và bắt buộc chúng ta phải khôn lanh tranh sống trong thời đại của chúng ta, cũng như việc chúng ta cần phải quan tâm, nỗ lực chăm sóc cho gia đình của mình và việc thành đạt trong xã hội, là những gì có thể khiến chúng ta càng ngày càng loại bỏ khỏi cuộc sống thường nhật của mình việc cầu nguyện, học hỏi đức tin, phục vụ tha nhân và thường xuyên tham dự vào đời sống bí tích của Giáo Hội. Chúng ta có thể sẽ tiến tới chỗ tự hỏi Chúa đi đâu mất rồi, trong khi chính chúng ta lại chính là kẻ bị trôi dạt.

Vì những vấn đề này cũng như vì những thứ quan tâm khác, tôi đã muốn bắt đầu thực hiện một cuộc kiểm điểm toàn diện về tất cả mọi khía cạnh liên quan đến việc đào luyện đức tin trong giáo phận của chúng ta hai năm trước đây, với những phần tử nồng cốt nắm vai trò lãnh đạo trong giáo phận chúng ta, thành phần được trợ giúp bởi tổ chức Reid và Đồng Bạn, một nhóm Công Giáo cố vấn về đức tin. Trong tiến trình kiểm điểm này, một số trong anh chị em đã được yêu cầu cho họ biết anh chị em đã nghĩ những gì. Thành quả của nỗ lực đặc biệt này là Bản Tường Trình Về Việc Đào Luyện Đức Tin Của Giáo Phận Orange, một bản tường trình đã được nộp cho tôi, tôi xin anh chị em hãy đọc và suy nghĩ về bản tường trình qua mạng điện lưới toàn cầu của chúng ta là www.rcbo.org/FaithFormationReport. Họ đã nêu lên tất cả hơn 80 đề nghị: Hầu hết những điều họ gợi ý đều là những gì chúng ta có thể làm với tư cách là giáo phận, như họ nói, từ “trên xuống dưới”, và chúng ta sẽ thực hiện những điều ấy để cải tiến việc đào luyện đức tin trong giáo phận của chúng ta. Thế nhưng, ngoài những nỗ lực này, tôi thầy rằng tôi cần đến cả việc dấn thân của anh chị em nữa. Mục đích của tôi không phải chỉ là việc thay đổi các cơ cấu của giáo phận hay tổ chức lại việc mục vụ chúng ta đang thực hiện cho tốt đẹp hơn. Tôi muốn thấy được việc chúng ta sống đời đức tin tốt đẹp hơn. Tôi muốn chúng ta chiếu tỏa “như ánh sáng trong thế gian” (Phil 2:15), và lúc nào cũng có thể giải thích cho bất cứ ai muốn biết căn nguyên làm cho chúng ta hy vọng (x. 1Pt 3:15). Niềm hy vọng của tôi là làm sao cho đời sống đức tin của hết mọi người trong giáo phận của chúng ta được sâu xa, và thực sự điều này không phải là một cái gì đó có thể thực hiện từ trên xuống dưới. Chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng nó từ “dưới lên trên”.

Như anh chị em Kitô hữu Tin Lành của chúng ta chủ trương một cách hợp lý là mỗi một người muốn theo Chúa Giêsu đều phải lấy Người làm Chúa và làm Vị Cứu Tinh của mình. Đặc tính nổi bật của truyền thống Công Giáo của chúng ta đó là việc chúng ta hiển nhiên sống theo tâm nguyện này trong cộng đồng Kitô hữu của chúng ta. Cùng nhau, chúng ta học hỏi, suy niệm, nguyện cầu và cảm nhận những tác động của Thánh Linh nơi chúng ta. Là một thân thể duy nhất của Chúa Kitô, chúng ta qui tụ lại quanh bàn tiệc của Chúa và lãnh nhận các phép bí tích. Cùng nhau, chúng ta tin tưởng và quyết tâm tiến đến chỗ ý thức và thực thi lệnh truyền của Vị Cứu Tinh chúng ta, nhất là việc chăm sóc cho thành phần nghèo khổ và yếu kém. Cho dù tôi có cố gắng để hội nhập với những gì tôi lãnh nhận và làm cho nó trở thành của mình, đức tin của tôi vẫn không bao giờ thuần túy là đức tin của riêng tôi; nó là việc tôi thông phần vào niềm tin của chúng ta. Nếu chúng ta muốn tiến đến một thứ đức tin chuyển núi di sông, chúng ta sẽ phải cùng nhau tiến bước (cf. Mt 17:20).

Một Đức Tin Sáng Tỏ Hơn

Đó là lý do tại sao, mặc dù bất toàn, theo truyền thống, chúng ta vẫn sống đức tin của mình trong nhiều môi trường văn hóa chúng ta được sinh trưởng. Có những người trong chúng ta đã trở thành Công Giáo ở một tuổi nào đó bằng việc nhập nhiễm. Chúng ta lãnh nhận đức tin từ những vị tiền bối và xã hội của chúng ta. Như không khí chúng ta hít thở, đức tin của chúng ta dường như bao giờ cũng có đó, qua cách thức gia đình chúng ta cử hành các ngày lễ, nơi những ảnh đạo chúng ta đeo trên cổ, cũng như nơi những bức tượng được đặt ở bàn phòng ngủ, ở dưới kính xe, và ở trên những bàn thờ nhỏ trong nhà của chúng ta. Chúng ta lớn lên với những mẫu gương sống đạo liên lỉ nơi các phần tử trong gia đình, cũng như nơi bạn bè của chúng ta. Óc tưởng tượng của chúng ta được tác động bởi đời sống chứng từ vững mạnh của Đức Trinh Nữ Maria và các thánh nhân; tâm hồn mệt mỏi của chúng ta được thoa dịu bởi một mùi hương thơm, khi chúng ta bước vào một nhà thờ mờ tối; phải, ước muốn và tác hành của chúng ta thường cảm thấy chới với bởi những đòi hỏi cao cả về luân lý của Giáo Hội. Như thế, đức tin Công Giáo của chúng ta dường như bao giờ cũng vây bọc lấy chúng ta, như một cái gì đó quá quen thuộc và quá thuận thảo, đến nỗi chúng ta hầu như không hề nghĩ về nó; giống như khí trời chúng ta chỉ biết hít thở mà chẳng để ý gì.

Hiện nay tất cả chúng ta, trẻ cũng như không quá trẻ, đang sống trong một xã hội rất khác với cái quá khứ mới đây, bất kể chúng ta đã được xuất thân từ nền văn hóa nào. Tôi không thực sự bảo đảm được rằng một xã hội đã từng thiên về những giá trị và hoạt động làm phát triển đức tính, óc sáng tạo và công lý vẫn còn thực hiện như thế. Khi bấm tìm các đài truyền hình anh chị em thấy việc người ta cố gắng để đoạt thắng một triệu Mỹ kim trong một chương trình giải trò chơi, hay thấy ở chương trình “thực tế” một người phụ nữ xinh đẹp được một nam nhân đẹp trai không hề quen biết tuyển chọn để lập gia đình. Tìm trong màn điện toán toàn cầu anh chị em thấy các tín liệu và hình ảnh về mọi thứ chấp nhận được, nhưng phần nhiều là những gì không đáng coi. Trong số nhiều loại phim ảnh hay ho giải trí được chiếu ở các rạp chiếu bóng địa phương, anh chị em thấy những phim suy tôn bạo lực hay kích thích những ham hố nhục dục đê hèn nơi con người. Trước tình trạng tràn ngập đầy những thứ quảng cáo, một người nào đó trong chúng ta có thể bắt đầu tin rằng mình thực sự “cần” đến một bộ máy điện toán nhanh nhất, một chiếc xe oai nhất, hay bất cứ sản phẩm theo thị hiếu mới nào ăn khách trên thị trường. Chúng ta, cũng giống như anh chị em mình, đều mơ tưởng đến việc được thăng quan tiến chức, đến một lối sống sung túc hơn, và chiếm được những công danh sự nghiệp khác nơi cuộc thành đạt trần thế.

Mục đích của tôi ở đây không phải là để lên tiếng phàn nàn về văn hóa của chúng ta, hay than vãn về các sự dữ trong xã hội. Tôi thích đi ra ngoài xem phim, hay thưởng thức bữa ăn thoải mái; tôi xin thú thật tôi là một trong những người có thể được hưởng một cuộc sống ngon lành ở Orange County này. Thế nhưng, những người Kitô hữu chúng ta phải thiết thực hơn về cách thức mà nền văn minh đang thay đổi của chúng ta đây có thể và thực sự tác hại đến tính chất và những niềm xác tín Công Giáo của chúng ta. Chúng ta có thể bị nó quyến rũ một cách dễ dàng như trường hợp con cái của chúng ta. Nó có thể chi phối tâm trí và óc tưởng tưởng của chúng ta hơn cả việc chúng ta sống trong Chúa Kitô. Trong lúc này đây và thời đại này đây, chúng ta cần một đức tin Kitô Hữu Công Giáo đi ngược lại với nền văn hóa một cách mãnh liệt hơn nữa. Chúng ta không thể, như người ta nói, là “cứ ùa theo trào lưu”.

Đó là lý do tại sao tôi tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một đức tin sáng tỏ hơn nữa. Mỗi một người Công Giáo phải suy nghĩ chính xác về vấn đề trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là việc khiến chúng ta khác với con người ta trong xã hội ra sao, về những gì chúng ta tin tưởng, về cách thức chúng ta tác hành, và về đường lối chúng ta hiểu được ý nghĩa của đời sống. Rồi chúng ta phải sống cái khác biệt này một cách tỏ tường, thậm chí cho đến độ dám bênh vực những gì chúng ta tin tưởng, và làm hết sức để biến đổi cùng cải cách xã hội cũng như các nền văn hóa chúng ta đang sống.

Những người Công Giáo chúng ta tự nhiên vốn không sống cho mình; chúng ta có một truyền thống vững mạnh trong việc tham gia với xã hội chúng ta đang sống. Là những người Công Giáo ở Hoa Kỳ, chúng ta đều quá biết về những đóng góp đặc biệt của chúng ta ở lãnh vực chính trị, văn chương, y học, thương vụ và nghệ thuật. Đó là một trong những đường lối chúng ta truyền bá phúc âm hóa. Điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể cống hiến cho gia đình của chúng ta, cho tha nhân của chúng ta, cho đồng nghiệp của chúng ta và cho xã hội của chúng ta đó là một đức tin sống động nhiệt tình. Đức Thánh Cha của chúng ta đã tuyên bố: “Tặng ân cao quí nhất Giáo Hội có thể trao tặng cho một thế giới không ngừng hỗn loạn trong thời đại của chúng ta đây là việc hình thành nơi nó những con người Kitô hữu sống hợp với những gì thiết yếu và là những con người cảm thấy khiêm tốn hân hoan sống niềm tin của mình” (John Paul II, Cetechesi Tradendae: On Catechesis in Our Time, no. 61).

Vì mỗi người trong chúng ta cố gắng tìm hiểu xem những gì Thiên Chúa muốn chúng ta cải lại cách thức sống đức tin của chúng ta, xin cho tôi được đề nghị một ít điều đang được mong đợi và cần phải nguyện cầu. Trong các sách Phúc Âm, anh chị em sẽ nhận thấy rằng Chúa Giêsu huấn luyện các người môn đệ tiên khởi của Người chỉ ở những tính chất này mà thôi.

Chúa Kitô Hoạt Động Trong Chúng Ta

Thánh Phaolô nói với Kitô hữu Côrintô rằng: “Anh em hãy tự kiểm điểm xem anh em có đang sống theo đức tin hay chăng. Anh em hãy thử xem”. Nhưng rồi ngài thêm: “Anh em không biết rằng Chúa Giêsu Kitô đang ở trong anh em hay sao?” (2Cor 13:4). Đức tin của chúng ta chỉ có thể trở thành những gì đúng như bản chất của nó, khi chúng ta nhận ra một cách tuyệt vời biết bao Chúa Kitô ở trong chúng ta.

Những gì đã khiến cho Chân Phước Têrêsa Calcutta thức dậy mỗi một buổi sáng? Đó là sự hiện diện của tình yêu và lòng từ nhân Chúa Kitô trong tâm hồn của chân phước, cũng như khả năng của chân phước thấy được tình yêu của Chúa Kitô nơi tha nhân. Những gì đã nâng đỡ các vị tử đạo, như Thánh Justinô và Thánh Bônifaciô, trong những cuộc thử thách của các vị? Chắc chắn cũng là vì Chúa Kitô đã ở với các vị. Chân Phước Junipero Serra, dù bị thương ở chân, cũng đi bộ đến Khu Vực Truyền Giáo San Juan Capistrano, và thực hiện những cuộc hành trình dọc theo duyên hải California, là vì ngài đã được giao tiếp với Chúa. Chứng từ của tất cả các vị thánh nhân cho thấy đó là đức tin của chúng ta phải trở thành của chúng ta, khi chúng ta cảm nghiệm được Chúa hoạt động, chẳng những nơi Giáo Hội hay nơi những người khác, mà còn nơi cả chính chúng ta nữa, một khi chúng ta thấy trong chính con người mình một tiếng nói soi đường chỉ lối mãnh liệt không phải từ chúng ta, mà từ vị thân hữu thần linh nói cho chúng ta biết về một thứ chân lý giải phóng.

Tôi xin nói rõ ràng rằng, đức tin là một điều gì đó nắm giữ chúng ta, nhờ đó chúng ta tin tưởng ngay cả trong những lúc ngờ vực và lo âu. Nó không phải là vấn đề chúng ta cảm thấy đức tin của mình mạnh mẽ ra sao, hoàn toàn không phải là như thế. Bởi vậy Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng, những ai cảm thấy nghèo khó trong tinh thần đều là những kẻ phúc đức, cũng thế đối với thành phần than khóc và hiền lành, thành phần đói khát và bị bách hại. Chúng ta thường thấy mình giống như trường hợp của người cha trong Phúc Âm thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa, tôi tin. Xin hỗ trợ tấm lòng yếu tin của tôi” (Mk 9:24).

Một Đức Tin Tăng Trưởng

Vấn đề sống đức tin thường giống như một hải cải tí xíu nhưng mọc lên thành một cây to lớn (x Mt 17:20). Nó thay đổi khi chúng ta tăng trưởng. Đức tin đáng quí được chúng ta cảm thấy khi còn nhỏ sẽ không giúp chúng ta khi chúng ta khôn lớn. Những gì chúng ta tin tưởng vào năm lớp 12 sẽ không đủ để chúng ta có thể đương đầu với những thách đố trong vai trò làm cha làm mẹ, hay với những thảm cảnh trước mắt của một bác sĩ mổ xẻ, hay của một nhân viên an ninh, hoặc của một người nào đó đột nhiên xẩy ra khi làm việc. Nhiều người trong chúng ta ở vào tuổi trung niên nhận thức thấy rằng có một số lý tưởng chi phối tuổi trẻ của chúng ta song vẫn không đủ sáng soi cho chúng ta trong đoạn đời tiếp tới; chúng ta cảm thấy dường như thể chúng ta cần phải bắt đầu lại. Trong số thành phần cảm thấy cái chết gần kề, nhiều người thường chạm trán với những ngờ vực và vấn nạn mới hiện lên nơi những tháng ngày còn lại. Đức tin vững chắc hơn khi kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống của chúng ta sâu xa hơn. Nó chính là việc chúng ta vươn tới những gì vượt ra ngoài giới hạn của những gì chúng ta biết được và thấy được, là việc sẵn sàng chấp nhận một tiếng nói có thể làm cho chúng ta ngỡ ngàng và lôi kéo chúng ta ra khỏi cái sở thích riêng của chúng ta, thậm chí vượt trên cả những gì chúng ta tưởng rằng khả dĩ.

Một Đức Tin Hy Hiến

Mới đây có người nói với tôi về một nữ y tá hết sức chuyên cần ở Bệnh Viện Thánh Giuse, người đã quyết định trở thành một giáo lý viên ở giáo xứ của mình. Người nữ y tá này nhiệt tình với tiếng gọi làm giáo lý viên ấy đến nỗi, sau khi hoàn tất phiên làm việc 12 tiếng của mình, bỏ cả bữa tối, để đến tham dự những lớp cấp phát chứng chỉ cho các giáo lý viên. Dĩ nhiên, không ai trong chúng ta trách được người nữ y tá này, nếu con người này viện cớ chối từ, nếu con người ấy thích về nhà nghỉ ngơi cho thoải mái. Thế nhưng, người nữ y tá này lại muốn trở thành một giáo lý viên hảo hạng, như hành nghề y tá của mình. Chính vì những gì người nữ y tá ấy coi trọng như thế mà tôi không nghĩ người nữ y tá này cảm thấy các từ bỏ ấy như là những thứ hy sinh.

Một Đức Tin Tràn Đầy

Làm sao chúng ta có thể biết được chúng ta có một đức tin như thế? Bởi những gì chúng ta làm. Thánh Phaolô đã hãnh diện về giáo hội ở Macêđônia như thế này: “giữa bao gian truân thử thách, họ vẫn chứa chan niềm vui, và cảnh nghèo khó cùng cực của họ đã trở thành dồi dào phong phú quảng đại” (2Cor 8:2). Đức tin sống động và bền vững là đức tin vươn tới tha nhân, không so đo tính toán. Như Thánh Phaolô nói, nó là một đức tin tràn đầy. Có nhiều cuộc sống được gọi là tốt lành dường như muốn né tránh những thứ vướng mắc, khiến họ không còn được hoan hưởng cuộc sống, trong khi đó, cuộc sống đức tin tốt đẹp hơn thì lại làm cho người ta biết đâu là những gì thật sự quan trọng, và bỏ giờ ra sống cho những thứ ấy. Họ chiều theo những tác động của Chúa Thánh Linh, và dễ dàng làm bạn ngay cả với những người e thẹn. Họ lấy làm hân hạnh khi có cơ hội giúp đỡ tha nhân. Họ có một đức tin tràn đầy.

Một Đức Tin Tri Ân

Dầu sao, dấu hiệu chắc chắn nhất trong các dấu hiệu vẫn là lòng tri ân. Tâm điểm của đời sống Công Giáo là Thánh Thể, là mình máu của Chúa Giêsu đã hiến ban cho chúng ta, chẳng những để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta, mà còn để làm phương tiện cho chúng ta trong việc tôn thờ Chúa Cha, với lòng biết ơn về tặng ân Ngài ban Con Ngài cho chúng ta. Một người môn đệ trung thành là một con người biết rằng, điều thực sự bền vững, điều làm cho chúng ta thực sự khác biệt, và bảo trì chúng ta trong những lúc tăm tối nhất, đó là đức tin được Thiên Chúa ban cho chúng ta như là một tặng ân này. Tri ân cảm tạ là những gì làm cho chúng ta hân hoan vui sống.
 

(còn tiếp)