GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 4 CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

 

ĐỪNG CHÀO HỎI DỌC ĐƯỜNG

 

“Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lk 10:4). Đó cũng là một câu nói khó nghe và khó hiểu trong nhiều câu nói của Chúa Giêsu. Thí dụ, trước cái tang của ông bố, Ngài bảo người con: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lk 9:60), hoặc như khi nói về Phép Thánh Thể, Ngài đã bảo mọi người: “Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi không có sự sống trong mình” (Jn 6:53). Những lời như thế quả là khó nghe và khó chấp nhận. Nhiều người Do Thái lúc bấy giờ khi nghe Chúa nói, họ đã lẩm bẩm: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn? Lời nói chói tai, ai nghe cho nổi!” (Jn 6:52,60).

Theo tâm lý thường tình, một người niềm nở, vui vẻ và xã giao mới là người có nhiều bạn bè, được nhiều người mến chuộng. Những người như vậy được coi là trưởng thành về mặt xã hội và tình cảm. Giữa đám đông, họ sẽ kéo được sự chú ý của người khác, và ảnh hưởng của họ sẽ chinh phục được cảm tình của quần chúng. Ngược lại, người lầm lỳ, ít nói hoặc không muốn giao thiệp với ai, ít nữa là một lời chào hỏi xã giao, những người như thế sẽ bị xếp vào loại ấu trĩ, thiếu giao tế xã hội. Người ta sẽ không ai muốn đến gần, giao thiệp với họ.

“Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Nếu đi bên một người, nhất là người đó là người đồng hành với mình trên một hành trình dài mà làm thinh không nói, hoặc không tâm sự, chia sẻ với nhau ít là vài câu chào hỏi xã giao, thì đó là một hành động khó hiểu, nếu không muốn nói là bất lịch sự. Sự im lặng này có thể dẫn đến thái độ khó chịu cho người đi bên mình, và sự khó chịu ấy có thể biến người bạn đường mình trở thành kẻ thù. Hành động im lặng như vô tình ấy lúc này sẽ là một hành động thiếu khôn ngoan và lỗi bác ái. Nhưng nếu đó là một việc làm thiếu đạo đức, ít là đạo đức xã hội, thiếu tư cách, thiếu trưởng thành như vậy, sao Chúa lại bảo các môn đệ mình làm.

Đúng vậy, lời Chúa là lời hằng sống. Lời mà theo Thánh Phêrô đã tuyên tín: “Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Jn 6:68), do đó, hẳn là lời đó có ý nghĩa, ít nhất là đối với tôi nếu tôi muốn trở thành người tông đồ đích thực của Ngài.

“Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Phải chăng Chúa muốn tôi đừng quá dễ dãi, phóng túng và xã giao bừa bãi, vì hành động này sẽ dẫn đến việc tôi bị người khác ảnh hưởng và chinh phục. Bằng cái nhìn tâm linh, thì hành động như thế tức là để lòng mình chiều theo những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỉ. Đó là những bạn đường xấu mà tôi cần phải xa tránh.

Từ sự chào hỏi dẫn đến trao đổi thân mật. Từ sự trao đổi thân mật dẫn đến tình cảm thân mật. Và từ tình cảm thân mật dẫn đến quyến luyến, thân thiết với nhau, nhất là những người cùng một cảnh ngộ, thí dụ, những người cùng đi trên một đoạn đường với mình chẳng hạn. Rồi do những thân mật ấy, tôi sẽ bị dụ dỗ để lòng mình bị dính bén và chạy theo những của cải vật chất, những đam mê dục vọng, những danh lợi, quyền quí và sự giầu sang của đời này. Những thứ sẽ làm cho lòng người bị chôn bám, bị ghì chặt vào với thế giới vật chất, với thế giới của con người, không cho phép tôi thanh thản, vui vẻ trên bước đường phục vụ và tông đồ.

Sự phóng tâm ấy cũng đồng nghĩa với thái độ mở lối cho chào hỏi mà Chúa Giêsu đã đề cập. Đó phải chăng cũng là điều mà Ngài đã cẩn thận nhắc nhở những kẻ được sai đi vào thế gian. Người Kitô hữu không thể chỉ biết Chúa, yêu Chúa và giữ Chúa cho một mình. Sự hiểu biết và yêu mến phải dẫn họ vượt qua thế giới riêng tư để tới một thế giới rộng lớn hơn. Họ phải giới thiệu Chúa cho những người khác. Nhưng trên hành trình đức tin và sứ mạng rao truyền lời Chúa, giới thiệu Chúa cho những người mà mình được sai tới, nếu muốn không bị rơi vào những cạm bẫy của kẻ thù, thì cách tốt nhất vẫn là tránh mặt và đừng chào hỏi chúng.

“Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Đây là một cuộc ra đi của sứ vụ. Một ơn gọi, và là một việc làm linh thánh. Nó không hề liên quan đến bất cứ hình thức sinh hoạt nào của xã hội tự nhiên. Nó chìm ẩn trong tâm hồn và nội tâm người được sai đi. Và vì thế, nó cần phải có thời giờ kết hợp mật thiết với Đấng đã sai mình.

Con đường trần gian là một con đường nhiều gian nan, thử thách và cạm bẫy. Trên con đường ấy, người qua kẻ lại. Người xấu, kẻ tốt, mà hầu hết là vội vàng, tất tưởi, và bị cuốn hút vào những thị hiếu hoặc những động tĩnh bên ngoài. Nếu tôi cứ để giờ la cà, săn đón, hoặc muốn làm hài lòng tất cả mọi người qua lại trên đường, tôi đâu có thời giờ để nghĩ đến mục đích của hành động mình. Trong những lần trước Chúa Giêsu đã chẳng dò hỏi các tông đồ để thấy xem Ngài có chỗ nào trong tâm trí và trái tim các ông hay sao. Ngài hỏi họ người ta bảo Ngài là ai, rồi đến các ông nghĩ Ngài là ai, và tinh thần Ngài là tinh thần gì. Trong những lần thăm hỏi ấy, Ngài quá biết các ông không hiểu và không biết Ngài nhiều. Đúng ra, các ông chỉ hơn những người khác ở chỗ là còn trung thành và quyến luyến ở bên Ngài.

Khi tự đặt cho mình một lằn ranh giới hạn như thế, tôi cũng tự hiểu rằng tôi phải có đời sống và suy nghĩ của mình. Sự tách biệt kia là một lối sống giữa dòng đời của người tông đồ. Nó cũng cho tôi biết rằng, tôi cần phải sống sao để trở thành một chứng nhân giữa dòng đời.

Chúa sai tôi vào đời. Đây là một thử thách lớn cho sự tin tưởng và tín nhiệm của Ngài đối với tôi. Nó cũng là một bài trắc nghiệm về tất cả những hiểu biết của tôi về Ngài, Đấng mà tôi đang muốn nói với quần chúng. Chính vì thế, Ngài muốn tôi chú trọng nhiều vào sứ vụ. Ngoài ra, còn phải âm thầm nghiềm ngẫm, sống với lời mình chia sẻ; nhất là tìm gặp và phản ảnh trung thực lời nói, hành động, và hình ảnh Chúa cho những người khác. Đây cũng là những gì mà Đức Gioan Phaolô II đã từng nhắc nhở những ai tự cho mình là tông đồ: Con người ngày nay không chỉ cần những nhà giảng thuyết mà cần những nhà giảng thuyết chứng nhân. Bởi thế Chúa Giêsu đã bảo tôi: “Đừng chào hỏi ai dọc đường”.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Vai trò của người môn đệ nhân chứng là ở sứ mạng “ra đi”

 

Bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV Mùa Thường Niên Năm C hôm nay lại càng cho chúng ta thấy rõ chiều hướng của thời điểm Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, một thời điểm Giáo Hội tưởng nhớ Mầu Nhiệm Chúa Kitô không tỏ mình ra cho dân Do Thái, nhất là cho các tông đồ như thời điểm Hậu Giáng Sinh nữa, mà là tỏ mình ra cho chung nhân loại qua nhân chứng của mình là Giáo Hội. Không phải hay sao, Chúa Nhật XII Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh Năm C hai tuần trước chúng ta đã chia sẻ bài Phúc Âm về chủ đề cốt lõi của người môn đệ nhân chứng là ở niềm tin “Thày Là”, Chúa Nhật XIII mới tuần trước về chủ đề tinh thần của người môn đệ nhân chứng là ở thái độ “theo Thày”, và Chúa Nhật XIV hôm nay về chủ đề vai trò của người môn đệ nhân chứng là ở sứ mạng “ra đi”. Đó là lý do chúng ta thấy trong bài Phúc Âm theo Thánh Luca đoạn 10 Chúa Nhật tuần này, Giáo Hội chỉ muốn nhấn mạnh đến việc truyền giáo, từ câu 1 đến câu 9, hơn là đến hậu quả và thành quả truyền giáo, từ câu 10 đến 12 và từ câu 17 đến 20, phần được để trong ngoặc không buộc phải đọc. Tuy nhiên, trong 9 câu Phúc Âm chính yếu cho Chúa Nhật XIV Mùa Thường Niên Năm C Chúa Nhật tuần này, chúng ta thấy một số điều Chúa Kitô nói và làm khiến người đọc hay người nghe thắc mắc không ít và muốn biết Người thực sự có ý nói gì và dạy gì?

Đúng thế, sau đây là những vấn đáp cho bài Phúc Âm hôm nay:

1.     Tại sao Chúa Giêsu lại “chọn thêm 72 người nữa”, chẳng lẽ 12 vị tông đồ chưa đủ hay sao, hoặc là tại các tông đồ không đủ tài đức, chẳng hạn hai trong các vị đã đòi sát hại người ta như bài Phúc Âm lần trước đề cập tới, hay có lúc các vị còn đầu óc trần tục, tỏ ra muốn phân tranh với nhau về ngôi thứ (xem Lk 9:46-48)?

Lý do tại sao Chúa Giêsu “chọn thêm 72 người nữa” đã được Người cho biết ngay câu mở đầu những gì Người muốn nhắn nhủ các vị trước khi các vị ra đi thi hành sứ vụ thừa sai của mình, đó là câu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Ngài”. “72 người nữa” này chính là nhóm thợ gặt tiên phong được sai đi gặt lúa cho chủ ruộng vậy. Ở đây, chúng ta nên lưu ý là Phúc Âm Thánh Mathêu ở toàn đoạn 10 lại cho biết là Chúa Kitô đã chọn và sai 12 tông đồ đi, với những lời tương tự, tuy dài hơn và chi tiết hơn, những gì Người căn dặn “72 người nữa” trong Phúc Âm Thánh Luca hôm nay. Ở đây, trong chính cái mâu thuẫn giữa hai trình thuật Phúc Âm có vẻ khác nhau và nghịch nhau này, chúng ta lại thấy chứng cớ rõ ràng cho thấy nhu cầu truyền giáo cần thêm nhiều thợ gặt. Ở chỗ, theo Phúc Âm Thánh Mathêu, Chúa Kitô đã sai 12 tông đồ đi, sau đó, theo Phúc Âm Thánh Luca, Người còn “chọn thêm 72 người nữa” cũng để sai các vị đi. Tóm lại, việc truyền giáo chẳng những là trách nhiệm của hàng giáo phẩm kế thừa các thánh tông đồ, mà còn của tất cả những ai mang danh môn đệ Chúa Kitô nữa vậy.

“Thợ gặt thì ít” đây, trước hết có thể hiểu là hàng giáo phẩm và giáo sĩ, một thành phần thiểu số và “ít” ỏi, bởi đó mới cần tới cả thành phần tu sĩ và giáo dân. Tuy nhiên, sứ vụ truyền giáo của thành phần tu sĩ và giáo dân không phải là chỉ để bổ khuyết hay hỗ trợ hàng giáo phẩm và giáo sĩ mà thôi, hơn thế nữa, theo bản chất của phép rửa đòi hỏi, hay bản chất của chính vai trò làm môn đệ Chúa Kitô đòi hỏi, thì đã là Kitô hữu, dù là giáo dân hay giám mục hoặc giáo hoàng, tất cả đều phải “là muối đất, là ánh sáng” (Mt 5:13-14).

2.     Tại sao Người lại sai các vị môn đệ này đi từng cặp “hai người một”, chẳng lẽ thành phần “72 người nữa’ này toàn là những người mới chưa hề ở với Người, lại là thành phần còn trẻ trung và ngây ngô lắm hay sao?

Lý do tại sao Chúa Kitô sai “72 người nữa” này ra đi từng cặp “hai người một” là vì, ngay sau khi truyền cho các vị: “Các con hãy ra đi”, Người liền báo cho các vị biết trước những gì bất hạnh chắc chắn sẽ xẩy ra cho các vị, chứ không giấu diếm, đó là số phận của các vị: “như chiên giữa sói rừng”. Như thế, các vị cần phải đi đôi với nhau “hai người một”, mục đích trước hết là để nâng đỡ nhau, như trường hợp “2 môn đệ đi về làng Emmau” (Lk 24:13) với tâm trạng hoang mang buồn nản về biến cố Thày mình đã tử nạn mà lại nghe là Người đã phục sinh. Chính nhờ “ở đâu có hai ba người họp lại vì danh Thày, Thày sẽ ở giữa họ”, như Người quả quyết với các tông đồ trong Phúc Âm Thánh Mathêu ở đoạn 18 câu 20, mà Người đã thực sự đến tỏ mình ra cho cặp môn đệ hai người này, làm cho các vị đã hoàn toàn nhận ra Người. Bởi vậy, qua hình ảnh “hai người một” được sai đi này, chúng ta lại càng thấy được ý Chúa Kitô muốn việc truyền giáo chẳng những là của mọi thành phần, cả giáo phẩm lẫn giáo dân, mà còn là một việc làm chung nữa, vì đó là việc Người tiếp tục tỏ mình ra cho thế gian, qua mối hiệp nhất của thành phần môn đệ của Người. Trong sổ bộ các thánh tử đạo, cách riêng 117 vị tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy liệt kê cả hàng giám mục, giáo sĩ, tu sĩ (Thày Giảng) và giáo dân.

3.     Tại sao Người lại sai các môn đệ này “đi trước Người đến các thành và các nơi Nguòi sẽ tới” để làm gì, trong khi chính bản thân Người đã từng đi nhiều nơi và đã gặp chống đối, phủ nhận; chẳng lẽ đây là phương cách mới mẻ Người muốn sử dụng để thử nghiệm xem việc Người tỏ mình ra có công hiệu hơn hay chăng?

Lý do tại sao Chúa Kitô sai các môn đệ “đi trước Người đến các thành và các nơi Người sẽ tới”, vì mục đích của việc Giáo Hội truyền giáo, hay thừa sai truyền giáo, là để dọn đường cho thế gian có thể nhận biết Chúa Kitô để họ được sự sống đời đời. Thật ra, khi sai hai phái đoàn thừa sai đi truyền giáo bấy giờ, phái đoàn thứ nhất là 12 tông đồ và phái đoàn thứ hai thêm “72 người nữa”, Chúa Kitô chưa tỏ hết mình ra, do đó, các môn đệ của Nguòi, với vai trò như hừng đông báo trước mặt trời công chính đang lên, cần phải dọn lòng trước cho dân Do Thái đang trông đợi Đấng Thiên Sai đến biết rằng, sẽ có một “Đấng đến sau tôi song cao trọng hơn tôi”, như vị tiền hô của Người đã thực hiện trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 30. Thế nhưng, kể cả sau khi Người đã tỏ hết mình ra qua cuộc Vượt Qua của Người từ tử giá đến phục sinh rồi, tức đã giải thoát con nguòi “vuọt qua sự chết mà vào sự sống” (Jn 5:24) rồi, như ở vào thời điểm Giáo Hội chúng ta đang sống đây, các vị thừa sai Thời Tân Uóc vẫn phải tiếp tục làm việc dọn đuòng này, vì chung loài nguòi vẫn chưa nhận biết Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa làm nên thành phần chứng nhân Chúa Kitô, thành phần làm cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, chẳng những qua lời rao giảng của mình mà còn qua chính tinh thần sống đạo của mình nữa. Một khi thế gian nhận biết Chúa Kitô qua họ, không phải là họ đã thực sự “đi trước Người đến các thành và các nơi Người sẽ tới” hay sao?

4.     Tại sao Người cho các môn đệ này biết Người sai họ “đi như chiên giữa sói rừng” mà lại bảo họ “đừng chào hỏi ai dọc đường”, một thái độ chẳng những dễ làm mất cảm tình với người ta mà lắm khi còn khiến cho người ta ghét bỏ mình nữa?

Ở đây Chúa Kitô chỉ bảo các vị thừa sai “đừng chào hỏi ai dọc đường” thôi, chứ không bảo ai chào mình thì đừng chào lại, nhất là đến nơi nào rồi thì Người lại dặn các vị hãy chào chúc “bình an cho nhà này”. Như thế, lý do tại sao Chúa Kitô bảo các vị “đừng chào hỏi ai dọc đường”, theo tôi, là vì “dọc đường” đây liên quan đến vấn đề ngoại giao, vấn đề vận động, trong khi đó, Người không muốn việc loài người nhận biết chân lý, nhận biết Người chỉ vì nể nang nhau, cảm tình với nhau, hay vì bất cứ một lý do nào đó trần tục, để rồi, như một ngôi nhà xây trên cát, khi bão tố tới liền sụp đổ tan tành, như Người đã khẳng định ở Bài Giảng Trên Núi trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 7 câu 25 và 26. Chính vì ý thức được vấn đề liên hệ “dọc đường” có vẻ nguy hại hơn là sinh lợi này mà, hơn ai hết, Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã tuyên bố với Kitô hữu Côrintô ở Bức Thư Thứ Nhất, đoạn 1 câu 17 thế này: “Chúa Kitô đã không sai tôi làm phép rửa, mà là rao giảng phúc âm, tuy nhiên, không phải bằng lời lẽ khéo léo kẻo thập giá của Chúa Kitô mất hết ý nghĩa của mình”.

5.     Tại sao Người còn bảo các vị “đừng mang theo túi xách, bao bị, giầy dép” là những thứ tùy thân tối thiểu và tối ư cần thiết cho một cuộc hành trình, chẳng lẽ đó là cách hay nhất trong việc kéo chú ý của người ta và dễ đánh động lòng người nhất hay sao?

Lý do tại sao Chúa Kitô bảo các vị môn đệ thừa sai “đừng mang theo túi xách, bao bị, giầy dép” là vì Người muốn nhấn mạnh đến tinh thần hoàn toàn dấn thân quên mình của các vị, một tinh thần không thể thiếu để các vị có thể hoàn thành một sứ mệnh cao cả, một công cuộc của Thiên Chúa. Luật độc thân linh mục nơi Giáo Hội Công Giáo Latinh không phải đã được qui định theo chiều hướng này hay sao? Nếu các vị thừa sai còn lo đến hay chỉ để ý đến những thứ phụ thuộc và lặt vặt, không sớm thì muộn, các vị chắc chắn sẽ trở thành, như Chúa Kitô quả quyết ở cuối bài Phúc Aâm tuần trước: “cầm cầy mà còn quay trở lại thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”, một Nước Thiên Chúa Người đã dứt khoát kêu gọi các tông đồ ở Bài Giảng Trên Núi trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 6 câu 33 là phải được tìm kiếm trước hết và trên hết, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho sau. Quả thực, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Kitô đã đề cập đến những thứ khác sẽ được Thiên Chúa lo liệu cho các vị thừa sai chỉ chuyên tâm rao giảng Nước Thiên Chúa, khi Người nhắc đến sự kiện các vị sẽ được tiếp đãi và ăn uống xứng với công lao của các vị.

6.     Tại sao sau khi Người bảo các môn đệ cứ ăn uống những thứ người ta dọn cho rồi dặn các vị tiếp “đừng đi nhà này sang nhà khác”, phải chăng Người có ý nói với các vị rằng hễ ai có cảm tình với mình, tiếp đãi mình tử tế thì ở, bằng không thì hãy dũ áo “phủi bụi chân” ra đi?

Trước hết, chúng ta nên lưu ý, Chúa Kitô không bảo chỉ ở cố định nguyên một nhà và đừng đi nhà khác. Và lý do tại sao Chúa Kitô bảo các môn đệ thừa sai “đừng đi nhà này sang nhà khác” không phải là vì và chỉ vì được họ tiếp đãi tử tế, hơn là vì nhà ấy đã tin tuỏng các vị, một niềm tin mới chớm nở nên cần phải được củng cố thêm cho vững vàng hơn nữa. Bởi thế, ở đoạn Phúc Âm không buộc đọc hôm nay, Người có đề cập đến trường hợp ngược lại, trường hợp hễ ở đâu không tiếp rước các vị thì các vị hãy phủi bụi ra đi. Thật vậy, việc “đừng đi nhà này sang nhà khác” liên quan đến niềm tin chân chính hơn là đến tình cảm cá nhân tự nhiên, như trường hợp Chúa Kitô được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại ở đoạn 4 từ câu 40 đến 41, trường hợp Người đã ở lại 2 ngày với dân làng Samaritanô, một dân làng đã nghe lời của người phụ nữ trong họ về loan báo cho họ biết rằng chị đã được gặp một vị tiên tri ở bờ giếng Giacóp. Việc Người ở lại với dân làng Samaritanô này là để niềm tin gián tiếp của họ nơi Người được trọn vẹn hơn. Đó là lý do Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại thái độ của dân làng ngoại lai này trước và sau thời gian Chúa Kitô ở với họ thế này. Trước khi gặp Người thì “nhiều người Samaritanô ở làng đó tin tưởng Người vì chứng từ của người phụ nữ”; để rồi sau khi được thực sự đích thân ở với Người rồi thì: “Nhờ những lời Người nói nên nhiều người khác đã tin tưởng. Vì họ nói với người phụ nữ rằng: ‘Chúng tôi tin tưởng không phải do lời chị thuật lại nữa. Chính chúng tôi đã nghe và chúng tôi biết rằng vị này thực sự là Đấng cứu thế’”.

7.     Tại sao Chúa không đề cập đến chủ đề cần phải rao giảng trước, chủ đề “Nước Thiên Chúa đã đến”, mà lại nói đến chủ đề cuối cùng sau tất cả những điều khác, nhất là sau khi nói với các vị “hãy ăn những thứ người ta dọn cho”, làm như phải ăn rồi mới nói, theo kiểu có vay có trả vậy?

Lý do tại sao Chúa Kitô không đề cập đến chủ đề “Nước Thiên Chúa đã đến” trước hết mà sau hết, là vì con người cần phải sửa soạn đàng hoàng rồi mới có thể lãnh hội được chân lý. Mà điều kiện thiết yếu để con người có thể nhận ra sự thật đây là gì, nếu không phải là một tâm hồn bằng an, một tâm hồn chẳng những khao khát và tìm kiếm chân thiện mỹ của một kẻ thiện tâm: “bằng an dưới thế cho người thiện tâm” (Lk 2:14), mà còn là một tâm hồn không bị chi phối bởi tình cảm hay tư lợi, là những gì vốn làm cho con người không thể nhận ra chân thiện mỹ, trái lại, qua hoàn cảnh bất hạnh trên đời, tâm hồn bình an này còn có thể nhờ đó nhận ra chân thiện mỹ nữa. Tuy nhiên, một bình an như thế con người trần gian không thể nào tìm thấy được ở trên cuộc đời ô trọc này, ngoại trừ thứ bình an Chúa Kitô để lại cho thành phần môn đệ của Người, như được Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận ở đoạn 14 câu 27, và quả quyết với các vị ở đoạn 16 câu 33 thế này: “Các con sẽ tìm thấy bình an nơi Thày. Trên dương gian các con sẽ gặp khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên! Thày đã thắng thế gian”. Phải, cần phải có thứ bình an Chúa Kitô ban cho các môn đệ sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết (xem Jn 20:19,26), con người mới có thể nhận biết Người, chấp nhận Người và theo Người. Đó là lý do, ngay mở đầu những gì Người nói về việc truyền giáo, Người đã căn dặn các vị thừa sai môn đệ của Người biết các vị cần phải làm sao cho người ta biết lắng đọng đã: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’”. Nếu bình an của thành phần môn đệ thừa sai làm cho người thiện tâm nhờ đó có thể sẵn sàng và dễ dàng chấp nhận Tin Mừng “Nước Thiên Chúa đã đến”, thì quả thực tác động chào chúc mở đầu này của họ đã cho thấy rất xác thực bản chất chứng nhân của họ là thành phần được Chúa Kitô sai “đi trước đến các thành và các nơi Người sẽ tới”.

Qua 7 vấn đáp trên đây liên quan đến ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV tuần này, chúng ta thấy được một điều hết sức chân thật này, đó là Lời Chúa nói không bao giờ qua đi, chẳng hạn những gì Chúa dạy 72 môn đệ đi truyền giáo trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, tuy hợp với trường hợp của các vị ấy bấy giờ, lúc Chúa Kitô chưa hoàn toàn tỏ mình ra, mà còn áp dụng cho cả thời Giáo Hội hiện đại nữa về vấn đề truyền giáo, đó là vấn đề được Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô ý thức và chia sẻ trong bài đọc thứ hai: “Nhờ cây thập giá mà thế gian đã bị đóng đanh cho tôi và tôi cho thế gian. Vì chưng, trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”?
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL