GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 7/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.
__________________
NGÀY 7 THỨ TƯ |
Vấn đề Hiệp Lễ với các Chính Trị Gia Phò Phá Thai: Tiến Trình cần phải thực hiện
ĐHY Avery Dulles, giáo sư về Tôn Giáo và Xã Hội dạy ở Đại Học Fordham, khuyên các vị Giám Mục Hoa Kỳ hãy trao đổi với thành phần chính trị gia Công Giáo bất đồng về trách nhiệm luân lý của họ trước khi khuyên họ không được rước lễ. Ngài đã chia sẻ với Zenit tiến trình cần phải theo trong việc bênh vực sự sống con người, bảo vệ các bí tích, ủng hộ các giáo huấn của Giáo Hội và phản ứng với thành phần chính trị gia phò phá thai.
Vấn: Một vị giám mục có thể hay cần phải sử dụng những đường lối cụ thể nào để khuyên giục họ từ bỏ việc ủng hộ phá thai, triệt sinh an tử và nghiên cứu thân bào bởi phôi bào?
Đáp: Bước thứ nhất có thể cần phải làm đó là bảo đảm rằng các chính trị gia hiểu biết tín lý của Giáo Hội cùng với những lý do liên quan đến đó. Nhiều chính trị gia, cũng như phần đông dân chúng Hoa Kỳ, dường như không biết rằng phá thai và triệt sinh an tử là những vi phạm trầm trọng đến quyền sống bất khả vi phạm.
Đây không phải chỉ là những vấn đề của “Giáo Hội” mà là những vấn đề được chi phối bởi lề luật tự nhiên của Thiên Chúa, những lề luật buộc tất cả mọi người phải tuân giữ. Quyền sống là quyền căn bản nhất trong mọi thứ quyền lợi, vì một người mất quyền sống thì chẳng còn quyền gì khác nữa.
Giáo Hội không tự phác họa ra các thứ luật lệ dân sự nhưng Giáo Hội lên tiếng khiển trách những nhà lập luật là các luật lệ cần phải được làm ra để hỗ trợ cho công lý, bao gồm cả những thứ quyền của thai nhi. Các vị giám mục phải cố gắng để làm sao đối thoại với các chính trị gia cũng như những người khác trong xã hội để nhắc nhở họ về những trách nhiệm về luân lý của họ.
Nếu sau khi đã trao đổi với nhau rồi, vị giám mục vẫn thấy chính trị gia ấy chống lại một cách sai lầm giáo huấn Công Giáo về vấn đề ấy thì ngài phải khuyến cáo hay truyền chính trị gia ấy không được Rước Lễ, một hành động tự bản chất là dấu hiệu liên kết với Giáo Hội.
Cũng có thể thực hiện những cách khác nữa. Chẳng hạn như vị giám mục có thể khuyên các giáo xứ và tổ chức Công Giáo đừng mời những chính trị gia ấy nói năng ở khu vực Nhà Thờ, đừng trao cho họ những phần vụ trong phụng vụ và đừng tôn vinh họ bằng những phần thưởng hay những bằng cấp danh dự.
Vấn: Một số người đã thắc mắc về tính cách dứt khoát đối với vấn đề phá thai, trong khi đó còn có cả những vấn đề khác nữa, như vấn đề xung khắc ở Iraq và vấn đề án tử hình, những vấn đề tương khắc giữa một số chính trị gia và chủ trương của Giáo Hội. Tại sao lại chỉ nhắm đến vấn đề phá thai mà thôi?
Đáp: Ba trường hợp được quí vị nhắc đến ở đây khá khác nhau. Giáo Hội nhìn nhận rằng có những trường hợp chiến tranh và án tử hình hợp lý, cho dù những biện pháp như vậy là những gì bất đắc dĩ và thật rất ít khi cần sử dụng đến.
Đức Thánh Cha đây đã làm sáng tỏ là Ngài nghĩ rằng có một số chiến tranh và hành quyết đặc biệt không đúng và không nhất thiết. Người Công Giáo tôn trọng vấn đề này như là một phán đoán khôn ngoan của một vị chủ chiên khôn ngoan thánh đức.
Thế nhưng có những người Công Giáo hoàn toàn chấp nhận tín lý của Giáo Hội đôi khi cũng có thể bất đồng ý về vấn đề một cuộc chiến hay một án tử có thể chấp nhận được về luân lý.
Vấn đề phá thai thuộc về trường hợp khác. Vì có chủ ý muốn sát hại mạng sống vô tội của con người mà vấn đề trực tiếp phá thai không bao giờ hợp lý cả. Về nguyên tắc luân lý này thì không có vấn đề tranh cãi trong Giáo Hội. Giáo huấn ấy là một giáo huấn liên tục và được nhấn mạnh.
Lề luật dân sự không được cho phép, kẻo gây phấn khởi, những thứ sự dữ ấy. Nó phải bảo vệ sự sống và phẩm giá con người tối đa. Thế nhưng, trong việc nghĩ cách tiến hành ra sao thì có những ý kiến khác nhau. Nếu không thể cho thông qua một đạo luật loại trừ tất cả mọi thứ phá thai, hay nếu một luật lệ như thế không thể ngăn cản thi hành, thì hay nhất là vận động ban hành một đạo luật giới hạn đường lối phá thai bao nhiêu có thể, trong khi vẫn tiếp tục hoạt động cho tới khi hoàn trọn công lý.
Tóm lại, chính trị là lãnh vực của khả thể chứ không phải của lý tưởng. Nếu các nguyên tắc luân lý là những gì hiển nhiên trước mắt thì các vị giám mục và chính trị gia cố gắng bảo trì việc đối thoại với nhau về những vấn đề chính sách.
Vấn: Giáo Hội sẽ gặp nguy cơ ra sao khi Giáo Hội áp dụng những thứ trừng phạt triệt để đối với những chính trị gia?
Đáp: Trong việc áp đặt các thứ trừng phạt là Giáo Hội cố gắng bảo vệ các phép bí tích cho khỏi bị tục hóa khi những bí tích này được lãnh nhận bởi con người không hội đủ điều kiện xứng hợp. Các chính trị gia bất đồng thường muốn Rước Lễ như cách tỏ ra rằng họ vẫn là “những người Công Giáo tốt”, khi mà thực ra họ đang chọn đảng phái chính trị của họ hơn đức tin của họ. Thế nhưng, việc áp đặt các thứ hình phạt vẫn có thể gây ra tối thiểu là 3 nguy cơ.
Trước hết, vị giám mục có thể bị tố cáo, dù là những lời tố cáo bất công, ở chỗ cố gắng ép buộc lương tâm của con người chính trị gia.
Thứ đến, dân chúng có thể dễ dàng tố cáo Giáo Hội là cứ pha mình vào tiến trình của chính trị là tiến trịnh ở xứ sở này lệ thuộc vào việc tự do đồng ý của thành phần dân chúng.
Và sau hết, Giáo Hội gánh chịu mối nguy hiểm tách lìa khỏi những vị thẩm phán, những nhà lập pháp và các nhân viên chính quyền là thành phần Giáo Hội cần đến thiện ý của họ cho những chương trình khác, như vấn đề nâng đỡ việc giáo dục Công Giáo và vấn đề chăm sóc cho người nghèo.
Vì tất cả những vấn đề ấy, Giáo Hội lưỡng lự áp dụng kỷ luật với các chính trị gia một cách công khai, thậm chí những chủ trương của họ rõ ràng là không thể nào chấp nhận được về luân lý.
Trách nhiệm chính của Giáo Hội là dạy dỗ và thuyết phục. Giáo Hội cố gắng thuyết phục người công dân hãy tham gia chính trị bằng một lương tâm sáng suốt.
Các vị giám mục hy vọng rằng thành phần cử tri và chính quyền sẽ cố gắng xây dựng một xã hội có luật lệ bảo vệ hết mọi sự sống con người từ khi được thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đời.
Vấn: Một hệ quả đó là phải chăng Giáo Hội liều mình mất đặc ân miễn thuế nếu Giáo Hội đẩy mạnh vấn đề này? Những hành động của các vị giám mục có thể được hiểu là hành động chính trị hay chăng? Điều này có cần phải được lưu ý đến hay chăng?
Đáp: Vì Hiệp Chủng Quốc vẫn hãnh diện về truyền thống tự do tôn giáo của mình nên xứ sở này có thể sẽ tiếp tục nhìn nhận quyền của Giáo Hội được lên tiếng về các khía cạnh luân lý nơi lề luật dân sự hay chính sách xã hội.
Giáo Hội Công Giáo nói chung đã cố gắng tránh ngả về bất cứ đảng phái hay ứng cử viên đặc biệt nào. Các Giáo Hội đề cao những nguyên tắc luân lý trong sinh hoạt chính trị không bị mất đi vị thế của mình là những cơ cấu tôn giáo và mất hưởng quyền được miễn thuế.
Thật sự có một số người hiểu lầm vấn đề Đạo Luật Nhân Quyền không ấn định về tôn giáo như thể nó muốn nhắm đến việc loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. Thật ra, mệnh đề này có ý bảo đảm vấn đề tự do của giáo hội khỏi bị quốc gia pha mình vào.
Nó ở mệnh đề thứ hai là mệnh đề bảo toàn quyền tự do của các giáo hội trong việc giảng dạy và tôn thờ theo niềm tin của mình. Trong việc thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa để hoạt động cho luân lý và công lý, Giáo Hội mang lại cho xã hội dân sự một lợi ích khôn lường.
Các Kitô hữu phải làm hết sức để chỉnh lại những sự hiểu lầm về nguyên tắc bất ấn định này và để bảo toàn quyền lợi của các giáo hội trong việc giảng dạy và làm chứng cho những gì họ cho là liên quan đến đức tin của mình.
Vấn: Vị linh mục phải làm sao khi cần giải quyết vấn đề một chính trị gia bất đồng xếp hàng lên Rước Lễ?
Đáp: Trong tình trạng ấy, vị linh mục khó lòng mà xoay sở. Thường để tránh cảnh không đẹp gây lộn xộn việc cử hành Thánh Lễ, vị linh mục cảm thấy không thể nào từ chối cho họ rước lễ. Không có lệnh chính thức bài trừ một người lãnh nhận các bí tích thì hầu hết các vị linh mục tỏ ra hết sức thận trọng về vấn đề từ chối người Công Giáo trước bàn thờ.
Trách nhiệm chính là ở những ai xin Rước Lễ trong việc xét mình xem có xứng đáng hay chăng, như Thánh Phaolô nói trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô 11:27-29. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới biết rõ tình trạng của linh hồn con người muốn rước lễ bấy giờ mà thôi.
Vấn: Một số người nhận định rằng tại sao giáo luật lại ấn định việc dứt phép thông công đối với một người phụ nữ phá thai theo một số điều kiện nào đó, nhưng lại không áp dụng cùng một hình phạt đối với chính trị gia bỏ phiếu ủng hộ tài trợ cả ngàn vụ phá thai. Phải chăng nơi giáo luật có một lỗ châu mai?
Đáp: Nơi luân lý thần học có một biệt phân quan trọng giữa việc truyền thi hành hay thi hành một tác động với việc cộng tác vào tác động của người khác. Nếu việc cộng tác xa xa thì ảnh hưởng của nó về hậu quả được kể là nhẹ.
Việc bỏ phiếu cho một đạo luật tài trợ bao gồm một số khoản cho vấn đề phá thai không phải là một tội nặng đến nỗi phải mắc vạ tuyệt thông theo Giáo Luật 1398. Việc bỏ phiếu này có thể được kể là hợp lệ nếu vấn đề tài trợ cho việc phá thai chỉ là một vấn đề bất ngờ và có thể bị loại trừ khỏi một đạo luật được cho là rất đáng có.
Vấn đề pháp lý về việc phá thai ở Hiệp Chủng Quốc thực ra không phát xuất từ những nhà lập pháp mà là từ ngành tư pháp đã giải thích Hiến Pháp cho dân sự có quyền phá thai theo nhu cầu thực tế. Việc cắt nghĩa Hiến Pháp này chúng ta tin rằng là một thứ cắt nghĩa sai lầm, cần phải sửa lại.
Vấn: Các chính trị gia và quần chúng nói chung quan niệm thế nào về hình phạt dứt phép thông công? Chủ ý của Giáo Hội sự dụng hình phạt này để làm gì?
Đáp: Việc dứt phép thông công không phải là việc loại trừ ra khỏi Giáo Hội. Một người bị dứt phép thông công vẫn còn là người Công Giáo nhưng không được chịu các phép bí tích cho đến khi được thẩm quyền Giáo Hội tha cho. Việc trừng phạt về thiêng liêng này, một hình phạt nặng nhất Giáo Hội có thể thực hiện thực sự là một biện pháp cuối cùng.
Trong những trường hợp trầm trọng lắm Giáo Hội mới buộc phải tuyên bố rằng một người nào đó không còn hiệp thông với Giáo Hội nữa. Mục đích của việc dứt phép thông công này là để bảo vệ các phép bí tích cho khỏi bị tục hóa, để ngăn ngừa tín hữu khỏi hiểu lầm về hiệu lực của các giáo huấn Giáo Hội, cũng như để giúp cho con người bị dứt phép thông công nghĩ lại, thống hối và được chữa lành.