GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 10 THỨ BA

  

 

THÁNH ÐỊA - DẤU CHỈ THẦN LINH

Quá Trình Tranh Chấp và Vận Ðộng Hòa Bình

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

viết và dịch theo tin tức liên tục của CNN và Zenit,

cách riêng tài liệu The Land of Conflict của CNN

(Tiếp hôm qua)


2)    VẬN ÐỘNG HÒA BÌNH

 

Những nỗ Lực Vận Ðộng của ÐTC GPII và của Tòa Thánh Vatican


ĐTC Gioan Phaolô II đã gửi thư cho ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, ngỏ xin toàn thể Giáo Hội hãy dành Ngày Chúa Nhật 7/4, Ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, để xin ơn hòa bình ở Trung Đông như sau:

“Tình hình thê thảm ở Thánh Địa thúc giục Tôi một lần nữa khẩn khoản kêu gọi toàn thể Giáo Hội, xin tất cả mọi tín hữu hãy tăng lời cầu nguyện cho thành phần dân chúng hiện đang bị xâu xé bởi những hình thức bạo lực chưa từng thấy. Chính trong giai đoạn này đây, tâm hồn của Kitô hữu hướng về nơi Chúa Giêsu đã chịu nhiều đau khổ, tử nạn và sống lại, chúng ta nhận được những tin tức thảm thương chưa từng thấy, gây thêm những ý nghĩ chán nản, làm cho người ta có cảm giác về một thứ ẩu đả phi nhân bản có chiều hướng không thể nào chấm dứt nổi.

“Đối diện với tình trạng cả hai bên cứ tiếp tục theo đường lối nhất định cương quyết trả thù rửa hận, những gì tâm hồn sầu khổ của tín hữu có thể nghĩ được đó là cầu nguyện cùng Vị Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể thay đổi lòng người, cho dù lòng có cứng đến mấy đi nữa.

“Chúa Nhật tới đây là ngày 7/4, Giáo Hội sẽ sốt sắng cử hành mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa, và sẽ tạ ơn Đấng đã nhận lấy nơi bản thân Người những đau thương khốn khó của nhân loại chúng ta. Còn cơ hội nào thuận lợi hơn để chúng ta hợp tiếng dâng lên trời cao lời cầu ơn tha thứ và xót thương để nài xin Trái Tim Thiên Chúa đặc biệt can thiệp với tất cả những ai có trách nhiệm và quyền lực trong việc họ thực hiện những bước tiến cần thiết, cho dù những bước tiến này có phải khổ công đi nữa, để đưa đôi bên đang tham chiến vào con đường tiến đến chỗ thuận hợp chính đáng và xứng đáng đối với tất cả mọi người.

“Thế nên, Huynh thân mến, Tôi xin tri ân Huynh trong việc Huynh làm môi giới, bằng cách nào Huynh nghĩ là thích thuận nhất, để chuyển đạt ước muốn này của Tôi cho những vị chủ chăn ở các Giáo Hội riêng, kêu mời tất cả các vị, vào Chúa Nhật tới, hãy liên kết hiến dâng lên lời nài xin cho giờ khắc trầm trọng đối với toàn thể loài người này. Chớ gì sứ điệp về một thứ hòa bình vững chắc và bền bỉ đến với mảnh đất rất thân yêu của ba tôn giáo độc thần ấy.

“Với niềm hy vọng này, một niềm hy vọng tận đáy lòng của Tôi, Tôi gửi đến Huynh cùng tất cả anh em của Tôi trong hàng giáo phẩm phép lành tòa thánh đặc biệt”.
 

Hôm Thứ Hai, 2/6/2003, trước khi gặp bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ Colin Powell, ĐTC đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Do Thái Oded Ben-Hur. Đây cũng là thời điểm hai phe Do Thái và Palestine đang tỏ ra nỗ lực để muốn thực hiện “lộ trình” hòa bình được Hiệp Hội Bốn Bên (là Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc) phác họa. Sau đây là bài diễn từ của ĐTC ngỏ cùng vị tân lãnh sự Do Thái.

Thưa Ngài Lãnh Sự,

Tôi vui mừng tiếp nhận việc ngài đến với Vatican và chấp nhận Bổ Nhiệm Thư chỉ định ngài làm Lãnh Sự Ngoại Hạng và Toàn Quyền của Quốc Gia Do Thái với Tòa Thánh. Sự hiện diện của ngài ở nơi đây hôm nay là một chứng từ cho thấy chúng ta có cùng ước vọng muốn sát vai xây dựng một thế giới hòa bình và an ninh, chẳng những ở Do Thái và Trung Đông, mà còn ở hết mọi phần đất trên thế giới nữa, cho tất cả mọi dân tộc ở khắp mọi nơi. Đây là một công việc chúng ta không đảm nhận một mình mà là với toàn thể cộng đồng thế giới: thật vậy, có lẽ không giống như bất cứ một thời nào trong quá khứ, toàn thể gia đình nhân loại ngày nay đang cảm thấy nhu cầu cần phải thắng vượt bạo lực và khủng bố, cần phải tẩy xóa đi thái độ bất nhượng và cuồng tín, cần phải loan báo một kỷ nguyên công lý, hòa giải và hòa đồng giữa các cá nhân, các phái nhóm và các quốc gia với nhau.

Nhu cầu này có lẽ không nơi nào cảm thấy thấm thía cho bằng ở Thánh Địa. Chắc chắn không thể chối cãi là các dân tộc và các quốc gia được thừa hưởng quyền sống an ninh. Tuy nhiên, thứ quyền lợi này bao hàm cả một nhiệm vụ tương xứng, đó là phận sự tôn trọng quyền lợi của kẻ khác. Bởi thế, như bạo lực và khủng bố không bao giờ được coi là phương tiện khả chấp cho việc quyết định về chính trị, thì việc trả đũa cũng không thể nào dẫn đến một nền hòa bình chân chính và bền vững cả. Những hành động khủng bố bao giờ cũng cần phải bị lên án như là những tội ác thực sự phạm đến nhân loại (x Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình 2002, đoạn 4). Hết mọi quốc gia có quyền tự vệ chống lại khủng bố, nhưng quyền này bao giờ cũng phải được thi hành trong phạm vi luân lý và pháp lý về cả mục đích lẫn phương tiện của quyền ấy (cf. ibid, 5).

Như các phần tử khác của cộng đồng quốc tế, và hoàn toàn ủng hộ vai trò cùng với nỗ lực của gia đình các quốc gia lớn hơn trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột hiện nay chỉ được giải quyết chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền. Như Tôi đã nói vào đầu năm nay với Phái Đoàn Ngoại Giao: “Hai dân tộc, Do Thái và Palestine, được kêu gọi sống bên nhau, có tự do và chủ quyền như nhau, trong sự tương kính” (13/1/2003, đoạn 4). Cần cả hai phe tỏ ra cho thấy những dấu hiệu rõ ràng việc họ dứt khoát dấn thân trong việc thực hiện việc sống chung này. Làm như thế, việc đóng góp vô giá mới được thể hiện nhắm đến chỗ xây dựng một mối liên hệ của lòng tin tưởng lẫn nhau và của việc cộng tác với nhau. Về khía cạnh này, Tôi lấy làm hài lòng nhận thấy việc Chính Quyền Do Thái mới đây bỏ phiếu hỗ trợ cho tiến trình hòa bình: đối với tất cả những ai dính dáng đến tiến trình này thì vị thế của Chính Quyền là một dấu hiệu tích cực của hy vọng và phấn khởi.

Dĩ nhiên nhiều vấn đề và khó khăn do cuộc khủng hoảng này gây nên cần phải được giải quyết một cách công bằng và hiệu lực. Những vấn đề liên quan đến các người tị nạn Palestine và định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề phân định ranh giới lãnh thổ và ấn định vị thế của các nơi linh thánh nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho những cuộc trao đổi cởi mở và thương thảo chân tình. Đừng bao giờ để xẩy ra những quyết định đơn phương. Trái lại, việc tôn trọng, tương kiến và kết đoàn đòi phải tiếp tục đường lối đối thoại không bao giờ được bỏ. Những thất bại thực sự và hiển nhiên cũng không được làm cho đôi bên nản chí trong việc trao đổi và thương thảo. Trái lại, chính trong những hoàn cảnh như vậy mà “họ lại càng phải đồng lòng tái bắt đầu lại trong việc không ngừng đi đến chỗ đối thoại chân tình hơn nữa, bằng việc cất đi những chướng ngại cũng như bằng việc loại trừ những yếu kém nơi vấn đề trao đổi với nhau”. Nhờ đó họ mới có thể cùng nhau bước đi trên con đường “dẫn đến hòa bình, theo tất cả những gì hòa bình đòi hỏi và cần thiết” (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 1983, đoạn 5).

Thưa Ngài lãnh sự, như ngài đã nhận định, 10 năm trước đây, Tòa Thánh và Quốc Gia Do Thái đã ký kết vào Bản Thỏa Hiệp Căn Bản. Chính Bản Thỏa Hiệp này đã mở đường cho việc thiết lập sau đó những mối liên hệ ngoại giao hoàn toàn giữa chúng ta, và là bản thỏa hiệp tiếp tục hướng dẫn chúng ta đối thoại và trao đổi với nhau về những chủ trương liên quan đến các vấn đề quan trọng cho cả hai chúng ta. Sự kiện chúng ta đã có thể tiến tới một thỏa hiệp về việc hoàn toàn nhìn nhận tính cách pháp nhân của các tổ chức Giáo Hội là điều đáng mừng, và Tôi lấy làm vui khi thấy rằng cũng gần có một bản thỏa hiệp về những vấn đề tài chính và kinh tế liên hệ nữa. Theo những chiều hướng này, Tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công trong việc phác họa những hướng dẫn hữu ích cho những trao đổi về văn hóa sau này giữa chúng ta nữa.

Tôi cũng muốn bày tỏ niềm hy vọng thiết tha là bầu khí hợp tác và thân hữu này sẽ giúp cho chúng ta có thể hành sử một cách hiệu nghiệm với những khó khăn khác tín hữu Công Giáo ở Thánh Địa phải đối diện hằng ngày. Nhiều điều trong các vấn đề này, chẳng hạn như việc Kitô hữu đi lại các đền thờ và các nơi thánh, việc cô lập và đau khổ của các cộng đồng Kitô hữu, việc thu hẹp của thành phần Kitô hữu vì vấn đề di tản, một cách nào đó có liên quan tới tình hình xung đột hiện nay, thế nhưng tình trạng này cũng không được làm cho chúng ta nản chí trong việc tìm kiếm các thứ phương trị hiện nay, bằng việc hoạt động hiện nay để đương đầu với những khó khăn thách đố ấy. Tôi tin rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ có thể tiếp tục cổ võ thiện chí nơi các dân tộc và thăng tiến phẩm giá con người nơi những học đường cũng như bằng những chương trình giáo dục của mình, qua cả các tổ chức bác ái và xã hội nữa. Việc thắng vượt những khó khăn được đề cập đến trên đây sẽ chẳng những giúp vào việc làm tăng bổ những đóng góp Giáo Hội Công Giáo đang thực hiện cho xã hội Do Thái, mà còn củng cố những bảo đảm ev62 quyền tự do tôn giáo nơi xứ sở của ngài nữa. Vấn đề này cũng sẽ làm mạnh mẽ cảm giác bình đẳng giữa các người công dân, để rồi, mỗi cá nhân, được tác động bởi những niềm tin linh thiêng của mình, mới có thể xây dựng xã hội tốt đẹp hơn như một ngôi nhà chung cho tất cả mọi người.

Ba năm trước đây, trong cuộc hành hương Năm Thánh của Tôi ở Thánh Địa, Tôi đã nhận định rằng “nền hòa bình thực sự ở Trung Đông chỉ có thể xẩy ra như là thành quả của việc hiểu biết nhau và tôn trọng nhau giữa tất cả mọi dân tộc trong vùng: Do Thái hữu, Kitô hữu và Hồi Giáo hữu. Theo chiều hướng ấy mà chuyến hành hương của Tôi là một cuộc hành hương của niềm hy vọng: niềm hy vọng là thế kỷ 21 sẽ dẫn tới một tình đoàn kết mới giữa các dân tộc trên thế giới, với niềm xác tín rằng việc phát triển, công lý và hòa bình sẽ không thể nào đạt thành trừ phi những điều này được tất cả mọi người thực hiện” (Visit to Israeli President Ezer Weizman, 23 March 2000). Chính niềm hy vọng và quan niệm về tình đoàn kết này phải thúc đẩy tất cả mọi con người nam nữ, ở Thánh Địa cũng như ở các nơi khác, hoạt động cho một thứ trật tự mới trên thế giới được xây dựng trên những mối liên hệ thuận hòa và việc hợp tác giữa các dân tộc. Đó là việc làm của nhân loại cho ngàn năm mới đây. Đó là đường lối duy nhất để bảo đảm tương lai hứa hẹn và rạng ngời cho tất cả mọi người.

Ngày Thứ Hai 3/11/2003, về vấn đề Palestine, với Tiểu Ban Thứ Tư bàn đến khoản 83 trong chương trình liên quan đến “Việc LHQ Hỗ Trợ và Cơ Quan Hoạt Động cho Dân Tị Nạn Palestine ở Cận Đông”, ĐTGM Celestino Migliore đã nhận định và khuyến dụ như sau:

……….
Thưa Ngài Chủ Tọa, những phát ngôn viên trước đã nói đến những vấn đề định cư, giới nghiêm, vây hãm, ám sát, ôm bom tự sát khủng bố, cũng như đến ảnh hưởng của các biến cố này nơi việc người Palestine tìm kiếm công ăn việc làm, học vấn và các phương tiện chăm sóc y tế. Giáo Hội Công Giáo với những tổ chức nhân đạo và xã hội của mình, tức qua Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hoạt động ở vùng này từ năm 1949, Hội Caritas Quốc Tế, Các Dịch Vụ Công Giáo Hỗ Trợ, hằng ngày tường trình về những thử thách của thành phần dân chúng được phục vụ. Trong vòng 3 năm qua, những cơ quan này đã càng ngày càng cảm thấy khó khăn hơn nữa nơi việc thi hành sứ vụ của mình.

Qua sự kiện thất bại mới đây về vấn đề ngưng chiến, mức độ bạo loạn tăng lên kinh khủng, để rồi thành phần thường dân Palestine và Do Thái tiếp tục bị sát hại. Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột này ở Trung Đông sẽ tìm thấy được một giải pháp bền vững chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền sống bên nhau trong an bình và an ninh. Để đạt được mục đích này, những vấn đề liên quan tới thành phần tị nạn Palestine cũng như đến những việc định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề đặt ranh giới lãnh thổ và phân định tình trạng của các nơi linh nhất nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho một cuộc đối thoại cởi mở và thương thảo chân tình.

Thưa Ngài chủ tọa, đại biểu tôi xác tín mãnh liệt là cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ cho mọi phía trong cuộc để họ nhận thức được rằng việc chiếm đóng các lãnh thổ ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza cũng như những cuộc khủng bố tấn công là những gì đang châm mồi cho cơn lốc bất tận của các hành động bạo lực và trả đũa giáng xuống trên cả người Palestine lẫn Do Thái. Phần nguyên vẹn của ‘lộ trình’ tiến đến hòa bình hiện nay rõ ràng kêu gọi giải pháp thành lập hai quốc gia. Nó là phận sự của cả hai phe, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, chấp nhận ‘lộ trình’ này như dụng cụ để thương thảo và tin tưởng xây dựng, nhờ đó những vấn đề khác nhau có thể được đề cập đến và những hiệp định giải quyết được ký kết.

Trong khi những việc thương thảo này hiện nay đang ở ngã tư đường, chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ những ai gặp phải bạo loạn như cơm bữa. Về phần mình, Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hết sức cậy dựa vào sự hợp tác toàn cầu trong việc cải thiện tình trạng khổ đau của nhiều người nơi những phần đất bị chiếm đóng. Được nâng đỡ bởi một số tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới, văn phòng này sử dụng việc giúp đỡ về luân lý và tài chính để phát động những công việc phát triển cộng đồng hăng say lao động để chống lại tình trạng thất nghiệp ở những miền đất bị chiếm đóng trên 60%. Việc nâng đỡ về tài chính của những hợp tác viên này giúp việc giáo dục, từ lớp mẫu giáo đến hết đại học.
…………
Ngoài việc nêu lên những nhu cầu nhân đạo quan trọng cần phải ghi nhận trên đây, Thư Ngài Chủ Tọa, đại biểu tôi hy vọng rằng bất cứ giải pháp nào được nêu lên cho các vấn đề đa diện của miền này cũng sẽ bao gồm cả vấn đề Thánh Thánh Giêrusalem. Theo nhiều diễn tiến bạo động và những tình trạng khắc nghiệt gây ra bởi việc vây hãm, Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi liên tục của mình về “những khoản được quốc tế bảo đảm trong việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo và lương tâm cho dân cư của thành này, cũng như bảo toàn cách thức thường trực, tự do và phi ngăn trở để tín hữu thuộc các tôn giáo và quốc tịch có thể đến với những nơi thánh” (A/Res/ES 10-2, 5 May 1997). Mức độ bạo loạn hiện nay đã khiến những người hành hương không dám đến Thánh Địa nữa, bởi thế càng chất thêm gánh nặng về kinh tế trên tất cả mọi người trong vùng này, ngoài việc làm ngăn trở quyền lợi của con người trên khắp thế giới trong việc họ viếng thăm và cầu nguyện ở những địa điểm thánh. Đại biểu tôi cũng nhận thấy rằng dân chúng địa phương cũng không dễ dàng đi đến những đền thờ và những nơi thánh.
………….

 

Những nỗ Lực Vận Ðộng về lãnh vực Dân Sự và Chính Trị


Vị Thứ Trưởng Ngoại Giao Vụ Do Thái kiêm Lãnh Đạo Viên đảng tôn giáo Meimad, Tôn Sư Michael Melchior, đã gặp ĐTC hôm Thứ Tư 13/3/2002 để xin Tòa Thánh Vatican nâng đỡ những nỗ lực hoạt động cho hòa bình ở Trung Đông. Vị này đã cắt nghĩa lý do tại sao ông đến thăm Rôma, qua cuộc phỏng vấn với đài Telepace truyền hình Công Giáo như sau:

Vấn:     Hình như Do Thái để cho Vatican nắm vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại liên tôn, nhưng lại không chấp nhận vai trò của Vatican trong lãnh vực chính trị và ngoại giao?

Đáp:     Chắc chắn chúng tôi phải cần đến sự hỗ trợ của
Vatican. Đó là lý do tại sao tôi đã đến Rôma để gặp ĐTC cũng như gặp các vị thoại hữu Palestina. Những nhà chính trị không phải là những người duy nhất tin tưởng vào tương lai. Không biết mở lòng mình ra, ngay cả những chính trị gia thiện tâm nhất – mà không phải bao giờ họ cũng có thiện tâm – họ không thể nào thành đạt được. Chúng ta đã từng chứng kiến thấy tận mắt lúc nào cũng thế tiến trình hòa bình bùng nổ ra sao, ngay cả khi chúng ta có thiện ý đi nữa. Cần phải bắt đầu thực hiện một tiến trình hợp pháp hóa hòa bình. Chúng tôi tin rằng thế giới Công Giáo, cũng như Giáo Hoàng là vị thủ lãnh thế giới Công Giáo, có thể hết sức hỗ trợ chúng tôi về cả hai lãnh giới.

Vấn:     Tiến trình hòa bình Trung Đông là lịch sử của nhiều cơ hội bị lỡ làng. Do Thái có “bị lỡ” cơ hội trong dự án hòa bình Saudi Arabian không, như Palestina đã bỏ lỡ cơ hội được Ehud Barak cống hiến cho?

Đáp:     Tôi thuộc về phái đoàn đại biểu Camp David: các điều dự thảo của Barak muốn cống hiến phẩm giá cho những người Palestina, hòa bình và tương lai họ đáng được. Trong khi họ không có biên cương, chúng tôi cũng không có bờ cõi. Trong khi họ không có hòa bình, chúng tôi cũng chẳng có bình an. Chính vì vậy mà chúng tôi đang tìm mọi cách thực hiện thuận lợi, bao gồm cả Saudi nữa.

Chúng tôi chưa hiểu được những gì thực sự xẩy ra. Chúng tôi đã nghe nói về một dự án hòa bình, nhưng đó chỉ là một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times mà thôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không chú trọng đến nó. Tôi nghĩ rằng đây là một ý kiến xây dựng và chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề kỹ hơn nữa. Có thể nó chỉ là một chiến thuật, nhưng chúng ta cần phải nghe ngóng và nhận định những gì xẩy ra từ đó. Chung chung người Do Thái cho rằng đó là điều rất hay. Bình thường không thể đơn phương thiết lập những điều kiện hòa bình. Chúng phải là hoa trái của những cuộc thương thảo. Thế nhưng chúng ta đã từng và còn đang sẵn sàng thực hiện những quyết tâm thực sự trong việc tiến đến một tình trạng bình thường hóa đích thực nơi các mối liên hệ. Đây là một tin vui thực sự phát xuất từ Saudi Arabia, đó là, lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy rằng chế độ bảo thủ nhất trong các chế độ của người Ả Rập sẵn sàng bắt tay liên hệ với chúng tôi. Chỉ nguyên sự việc nói về “cuộc bình thường hóa” đã có thành quả rồi vậy. Chúng tôi hết mọi khe hở, mọi lỗ hổng nơi tường vách hận thù với mình để tiến đến việc đổ máu chẳng có lợi gì cho ai hết. Tôi nghĩ rằng, không nhiều thì ít, chúng ta đều đã biết được hậu quả ra sao. Thật vô nghĩa khi tiếp tục sát hại mạng người. Việc quyết tâm của chúng tôi, và đó cũng là lý do tôi đến Rôma, đó là làm một cái gì đó để phá đổ bức tường hận thù ghen ghét.

Hôm Thứ Hai 1/12/2003, một nhóm người thuộc cả bên Do Thái lẫn Palestine, mỗi nhóm có 30 đại diện, đã họp lại ở Geneva Thụy Sĩ với 400 người của cả đôi bên tham dự để khai trương một dự án bất chính thức về hòa bình ở Thánh Địa. Trong lễ nghi khai mạc có nhiều bậc vị vọng, trong đó có cả cựu tổng thống Carter, dự án hòa bình này, một dự án đã được âm thầm bàn luận và họp hội hai năm trời, được chính thức công khai loan báo. Mỗi bên bày tỏ việc ủng hộ dự án này bằng việc thắp lên những ngọn nến. Bên Do Thái gồm có những chính trị gia chống lại chính phủ của Thủ Tướng Arial Sharon, còn bên Palestine bao gồm những vị bộ trưởng gần gũi với vị lãnh đạo khối Palestine Yasser Arafat. Hai vị tác giả của bản dự thảo này là nguyên Bộ Trưởng Công Lý Do Thái Yossi Beilin và nguyên Bộ Trưởng Thông Tin Palestine Yasser Abed Rabbo.

Bản dự án hòa bình không được hỗ trợ bởi cả hai chính phủ Do Thái và Palestine này kêu gọi hai phe xung khắc ở Trung Đông nhượng bộ nhau. Bản dự án kêu gọi bên Do Thái hoàn toàn rút khỏi Tây Ngạn, ngoại trừ 2% còn lại. Nó cũng kêu gọi phe Palestine chấm dứt những cuộc tấn công của các nhóm chiến đấu quân Palestine, và lấy Giêrusalem làm thủ đô của cả nước Do Thái lẫn quốc gia (dự trù) Palestine. Cả hai bên đều muốn chiếm thành này, một thành đã được phân chia kiểm soát giữa Do Thái và Ả Rập cho tới năm 1967, thời điểm thành bị quân đội Do Thái chiếm đóng trong Trận Chiến Sáu Ngày. Những người Palestine muốn phần bên đông làm thủ đô của họ, còn Do Thái nhấn mạnh là thành này sẽ vĩnh viễn bất phân chia và ở dưới quyền kiểm soát của Do Thái. Bản dự án hòa bình cũng đề cập đến một vấn đề được gọi là “quyền trở lại” cho những người Palestine và giòng dõi của những ai tị nạn đã phải rời bỏ hay bị bắt buộc rời Do Thái khi quốc gia Do Thái được thành lập vào năm 1948. Những người Palestine đòi quyền trở lại với những miền đất hiện nay thuộc về Do Thái.

Ở Thánh Địa, dân chúng Palestine cho những ai tham dự vào cuộc khai trương dự án hòa bình này là “những kẻ phản bội”. Riêng hai vị tác giả viết lên bản dự án hòa bình gợi ý này đã cho biết nhận định của họ như sau.

Ông Beilin: “Phải chấm dứt thời gian tranh cãi này”. và kêu gọi những nhà lãnh đạo Do Thái và Palestine “hãy lập tức trở lại thương thảo với nhau vô điều kiện”. Theo ông việc cả hai bên chấp nhận bản dự thảo bất chính thức này sẽ làm cho việc bắt đầu áp dụng lộ trình hòa bình Trung Đông được dễ dàng hơn: “Chúng tôi đang đặt bản dự án chung của chúng tôi lên bàn của những nhà có quyền quyết định như là một giải pháp có thể để chấm dứt cái vòng lẩn quẩn bạo loạn xấu xa này”.

Ông Rabbo nói thêm: “Hôm nay chúng tôi giang tay của chúng tôi ra trong hòa bình cho vấn đề hòa bình. Những người phê bình của chúng tôi nói rằng những viên chức chính phủ cần phải thực hiện những hiệp định này, chứ không phải là những đãi diện của xã hội dân sự. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý như thế. Nhưng chúng tôi phải làm gì nếu các viên chức chính phủ không gặp gỡ nhau, nếu các chính quyền không thương thảo với nhau đây? Chúng tôi không thể đợi chờ và trông nhìn khi thấy tương lai của hai quốc gia chúng tôi đang rơi sâu xuống vực tai ương. Đây là giải pháp đơn giản cho cuộc xung khắc này, và nó là giải pháp duy nhất. Tại sao lại phải đợi chờ? Tại sao lại gây thêm những hy sinh đẫm máu chỉ để đạt tới cùng một giải pháp chúng tôi có thể đạt tới hôm nay đây chứ?”

Cựu Tổng Thống Carter nói: “Bản thỏa hiệp này sẽ giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất của cuộc xung khắc này, bao gồm cả việc phân định ranh giới, việc định cư người Do Thái, việc chiếm cứ quá nhiều đất đai của người Palestine, vấn đề tương lai của thành Giêrusalem cùng các nơi thánh ở đây, và vấn đề rắc rối liên quan đến thành phần tị nạn Palestine. Chúng ta không thể thấy được một nền tảng hòa bình nào hứa hẹn hơn nữa”.

Hội nghị này cũng đọc cả những bức thư khen ngợi của những viên chức Liên Hiệp Quốc, của Khối Hiệp Nhất Âu Châu và của nhiều quốc gia. Nhiều người Palestine và Do Thái lên tiếng nói ở Geneva, nhưng nhiều lơiụi phát biểu xoay quanh việc lên án Do Thái trong khi chỉ có tương đối ít lời nhắc đến việc khủng bố tấn công của người Palestine.

Ở Giêrusalem, cha David Jaeger, phát ngôn viên của Vai Trò Bảo Quản Viên Thánh Địa do Dòng Phanxicô đảm trách, trong cuộc phỏng vấn với cơ quan SIR của hàng giáo phẩm Ý hôm Thứ Ba 2/12, đã cho biết bản hiệp định này “là một gương mẫu và là một thách đố”.

Thật vậy, về thẩm quyền thì bản hiệp định này là một văn kiện riêng tư giữa những người công dân với nhau, được viết ra và phổ biến “để thách đố chính quyền hiện hành của mình, như thể nói rằng: ‘nếu chúng tôi có thể đạt đến hiệp định này thì quí vị cũng thế, nếu quí vị muốn’. Nó như lời ngấm trách rằng: ‘nếu quí vị không làm việc ấy cho tới nay, và nếu quí vị vẫn không muốn làm điều này, không phải là vì nó không thể làm mà vì quí vị không muốn làm mà thôi’ Tác giả của bản hiệp định này là những con người thận trọng, chẳng những về trí thức mà còn có cả kinh nghiệm làm việc trong chính quyền nữa. Thật ra không ai bảo rằng bản văn kiện này là hoàn hảo cả, nhưng nó bao gồm đầy đủ những chi tiết cho thấy nó là một bản hiệp định hòa bình khả thể”.

Theo chiều hướng thuận lợi này, tại Washington DC, hôm Thứ Ba 2/12/2003, các ĐHY William H. Keeler TGP Baltimore, Theodore E. McCarrick TGP Washington và ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với 29 vị lãnh đạo thượng cấp của các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo đồng thanh tuyên bố thực hiện một nỗ lực hợp tác mới trong việc vận động công chúng ủng hộ vấn đề thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tích cực và dứt khoát hơn nơi vấn đề theo đuổi hòa bình ở Trung Đông đối với dân Do Thái, Palestines và các quốc gia Ả Rập. Họ tin rằng việc đình trệ nơi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ làm tăng thêm cuộc xung đột, làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố, và đe dọa nền an ninh quốc gia ở miền đó và trên khắp thế giới.
 

Trong khi đó, ngược lại, ở Ai Cập, sau 4 ngày bàn luận ở một nơi bí mật ở miền nam Cairo, được kết thúc hôm Chúa Nhật 7/11/2003, bên Palestine vẫn không đi đến một giải pháp tốt đẹp nào trong việc giải quyết hòa bình với phe Do Thái. Những ngày bàn luận này nhắm mục đích triệu tập tất cả các đảng phái Palestine lại, nhất là hai đảng Hamas và Thánh Chiến Hồi giáo, những đảng vẫn công khai nhận trách nhiệm về các cuộc khủng bố tấn công những người Do Thái, để tuyên bố chấm dứt các cuộc tấn công như vậy.

Hai đảng chính này tỏ ý là họ sẵn sàng chấm dứt các cuộc tấn công như thế, thế nhưng chỉ khi nào Do Thái ngưng những gì được họ gọi là những cuộc ám sát những chiến đấu quân, chấm đứt các cuộc đột kích vào lãnh thổ Palestine và thả các tù nhân ra. Họ không chịu chấp nhận một thứ ngừng chiến mà không có những điều kiện này, và họ cũng không chịu trao quyền cho Thủ Tướng Ahmed Qorei thay họ thương thảo với phe Do Thái. Họ còn nhất định giữ khoảng cách với “lộ trình hòa bình” của Khối Tứ Tượng (Nga, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Khối Hiệp Nhất Âu Châu).

Đại biểu của đảng Fatah của Tổng Thống Yasser Arafat cho biết những cuộc bàn luận này “giống như thúc vào thân một con ngựa đã chết… Chúng tôi đã bàn luận trong vòng 3 ngày mà vẫn chẳng thể nào quyết định được gì cả”. Đại diện đảng Hamas là Mohamed Nazzal cho biết là Hamas, Islamic Jihad và 3 đảng Palestine khác đều đồng ý rằng, trong tháng 6 vừa rồi, họ đã đồng ý với việc ngưng chiến toàn diện nhưng bên Do Thái đã loại trừ nó bằng việc tiếp tục “tấn công dân chúng Palestine”. Ông này còn nói Hamas “sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu võ trang” dưới hình thức “chống cự toàn diện”.

Các vị đại biểu đã thức tới 3 giờ sáng địa phương để nẩy ra những chi tiết cho vào bản thảo văn kiện. Có lúc họ đã đồng ý rằng thôi tấn công dân chúng Do Thái ở miền đất Do Thái, nhưng vẫn tấn công những dân cư Do Thái hay quân đội Do Thái ở những miền thuộc Palestine như Đông Giêrusalem, Gaza và Tây Ngạn. Các đại biểu Ai Cập thúc các đảng phái Palestine tiến đến một thỏa định để Cairô trình lên cho Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng những người đại diện đảng Hamas nói rằng chỉ có một đường lối duy nhất để giải phóng các lãnh thổ của Palestine khỏi việc kiểm soát của Do Thái đó là bằng một hình thức chống cự nào đó. Đảng Fatah của Arafat muốn có một cuộc đình chiến toàn diện với Do Thái với điều kiện là Do Thái thôi những cuộc đột kích và bắt đầu áp dụng lộ trình hòa bình.

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo các màn điện toán CNN, Zenit và VIS. Nếu cần theo dõi đầy đủ tình hình Trung Ðông này, xin vào www.thoidiemmaria.net, mục Muối Ðất Men Bột