GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 8/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.
__________________
NGÀY 11 THỨ TƯ |
Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay: Ánh Sáng Vui Mừng Và Hy Vọng
Chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy giới truyền thông luôn lợi dụng những sơ hở hay lầm lỡ của Kitô hữu Công giáo chúng ta, dù chỉ một cá nhân, như vụ tố cáo ĐTC Piô XII là không chịu lên tiếng chống lại Đảng Nazi làm cho bao nhiêu triệu người Do Thái bị chết vào giai đoạn Thế Chiến I, một vụ đã được sử sách và chứng tích cho thấy là sai lầm, hay chỉ là một thiểu số, chẳng hạn như thiểu số linh mục Hoa Kỳ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.
|
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, tuy xấu hổ vì con sâu làm rầu nồi canh, nhưng vẫn can đảm nhận lỗi và sửa lỗi. Chính vì không muốn thấy tình trạng gương mù gương xấu này xẩy ra nữa, một tệ trạng chẳng những làm thiệt hại đến vật chất của Giáo Hội, mà còn đến uy tín hoạt động cùng thế giá truyền giáo của Giáo Hội nữa, cả đối nội cũng như đối ngoại, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đã không ngần ngại thực hiện một cuộc tìm hiểu cho tường tận vấn đề trầm trọng này để đề phòng tương lai và sửa chữa hiện tại. Việc tìm hiểu này đã thực hiện bởi John Jay College ở Nữu Ước chuyên về Công Lý Tội Ác, căn cứ vào hồ sơ của các giáo phận ở toàn quốc, và được phổ biến vào ngày 27/2/2004, với những chi tiết sau đây:
Về phía phạm nhân, có 4.392 vị linh mục bị tố cáo trong vòng 52 năm, từ năm 1950 đến 2002, tức 4% trong tổng số 109.694 vị. Hơn 50% vị linh mục bị tố cáo 1 lần duy nhất, 25% hay 1.112 vị bị tố cáo từ 2 đến 3 lần, gần 13% hay 578 vị từ 4 đến 9 lần, và gần 3% hay 133 vị bị tố cáo 10 lần hay hơn. Trong 10,667 vụ tố cáo chỉ có 6.700 vụ là được điều tra và có chứng cớ, 1 ngàn vụ không có chứng cớ, và 3300 vụ không điều tra được vì các vị linh mục bị tố cáo đã chết. Về phía nạn nhân, có 78% ở vào tuổi giữa 11 và 17, 16% từ 8 đến 10, và gần 6% từ 7 tuổi trở xuống. (Xin mở ngoặc ở đây là không phải vụ tố cáo nào cũng đúng, điển hình nhất là trường hợp đã xẩy ra cho của Ðức cố HY Bernadine ở TGP Chicago trước đây hay ÐHY Mahony TGP/LA mới đây).
Về những yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng này có thể kể đến là vì không cho vấn đề này là quan trọng, quá nhấn mạnh đến việc tránh giấu gương mù gương xấu, sử dụng các trung tâm trị liệu không đủ phẩm chất, sẵn lòng tha thứ một cách lầm lẫn. Riêng tại TGP Boston, có 162 vị linh mục (58 vị đã qua đời), trong vòng 52 năm đã bị tố cáo lạm dụng tình dục 815 vị thành niên. Hiện nay có trên 44 ngàn vị linh mục đang phục vụ tại Hoa Kỳ.
Về tiền bồi thường, tổng số đã lên tới 533.4 triệu Mỹ kim. Riêng TGP Boston chiếm 120.6 triệu, tức gần 20.5%.
Riêng Giáo Phận Orange, nơi có đông giáo dân Việt Nam nhất hải ngoại, một giáo phận đã tách khỏi TGP Los Angeles từ năm 1976 và được thành lập ngày 18/6/1976. Trong số 102 vị linh mục được chịu chức từ năm 1978, trong đó có 19 vị là Việt Nam (tức gần 20%), đã có 14 trên 16 vị đã bị chính thức treo chén vì vụ này. Ở toàn Giáo Hội Hoa Kỳ, từ 1/2002, đã có khoảng 700 vị linh mục và phó tế không được phép thi hành thừa tác vụ nữa. Vào ngày 15/1/2004, các vị chủ chiên của mình là ĐGM Tod Brown, ĐGM Jaime Soto và ĐGM Mai Thanh Lương đã công bố 7 điểm hứa quyết với Cộng Đồng Dân Chúa như sau:
1) Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc chữa lành cho tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ hay bởi thành phần viên chức trong giáo hội.
2) Chúng tôi sẽ hoàn toàn áp dụng Bản Hiến Chương Về Việc Bảo Vệ Trẻ Em và Thanh Thiếu Niên, cũng như sẽ thực hiện những đường lối khôn khéo để làm sao cho Giáo Hội trở thành một môi trường an toàn cho tất cả mọi người, nhất là cho thành phần trẻ em và thanh thiếu niên.
3) Chúng tôi sẽ hàn gắn vết tổn thương nơi hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân là những người cảm thấy hổ thẹn, nhục nhã và bị khinh bỉ bởi những hành động của các kẻ có những hành vi lạm dụng tình dục cũng như bởi các vị lãnh đạo đã bao che cho những hành động này.
4) Chúng tôi sẽ cộng tác làm việc với tất cả mọi phần tử của Giáo Phận về những ý nghĩ quan tâm đến vấn đề cải tiến Bản Hứa Quyết này và làm theo những lời đề nghị nào hay nhất.
5) Chúng tôi sẽ cởi mở, thành thực và chính xác nơi những lời phát biểu công khai của chúng tôi với giới truyền thông, cùng truyền đạt một cách minh bạch và thường xuyên với cộng đồng dân Chúa trong Giáo Phận.
6) Chúng tôi sẽ, bằng những gì chúng tôi làm, chứ không phải chỉ ở những gì chúng tôi nói, phục hồi niềm tin tưởng nơi cộng đồng dân Chúa, để cùng nhau chúng ta trở thành Khâm Sai thật sự của Tình Yêu Thiên Chúa.
7) Chúng tôi sẽ tỏ hiện Tình Yêu này ra trong cuộc sống hằng ngày của mình đối với tất cả mọi người ở Orange County, nhất là đối với thành phần nghèo khổ và bị hất hủi trong cộng đồng của chúng ta.
Dầu sao, qua biến cố đau thương ở Giáo Hội Hoa Kỳ cũng cho chúng ta thấy những điểm chính yếu sau đây:
Trước hết, Giáo Hội có hai chiều kích, hữu hình và vô hình, thần linh và nhân
thế, toàn hảo và bất toàn. Thế nhưng, chính yếu tố bất toàn về nhân thế liên
quan đến phần thể của Giáo Hội lại càng làm sáng tỏ yếu tố thần linh của Giáo
Hội, ở chỗ, Giáo Hội đầy những yếu đuối như thế, nhưng Giáo Hội chẳng những vẫn
đứng vững mà còn phát triển hơn bao giờ hết. Bởi vì có Thày ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế, thì cho dù cả hỏa ngục có vùng lên đi nữa cũng không thể
nào làm gì được con thuyền Giáo Hội có Chúa đang ngủ ở đằng lái.
Vì là một cơ cấu hữu hình, Giáo Hội dù không thuộc về thế gian song vẫn thực sự
ở trong thế gian, với tư cách là ánh sáng muôn dân, Lumen Gentium, mang vui mừng
và hy vọng, Gaudium et Spes, đến cho con người qua mọi thời đại, nhất là cho thế
giới tân tiến ngày nay.
Đó
là lý do lịch sử thế giới đã chứng kiến thấy Giáo hội Công Giáo đã thăng hóa văn
hóa con người bằng văn minh yêu thương qua vô vàn dịch vụ xã hội và giáo huấn về
luân lý liên quan đến các lãnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.
Về lãnh vực phục vụ xã hội, dù có chê bai Giáo Hội về một thiểu số tiêu cực lầm
lỗi đi nữa, theo công tâm, người ta vẫn không thể phủ nhận được Giáo Hội Công
Giáo đã phục vụ xã hội loài người, ở khắp mọi nơi trên thế giới, qua các học
đường, bệnh viện, trại cùi, cô nhi viện v.v. Đến nỗi, dù là con cái của đảng
viên cộng sản hay của các vị cầm quyền tai to mặt lớn trong nước cũng muốn cho
con mình học ở các trường Công Giáo, chẳng hạn vào trường Talbert của các sư
huynh dòng Lasan ở Sài Gòn Việt Nam trước 1975. Hiện nay, trên 120 quốc gia trên
thế giới, kể cả các nước Cộng Sản, đã mời hội dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa
đến cứu giúp họ giải quyết vấn đề thành phần cùng khốn của họ.
Về phương diện chính trị, các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới đã tìm đến gặp
Vị Thủ Lãnh của Thế Giới Công Giáo, kể cả tổng thống đệ nhất cường quác Hoa Kỳ,
hay Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, thậm chí cả những nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn
trên thế giới. Đặc biệt nhất là vị lãnh đạo cuối cùng của Khối Cộng Sản Liên
Bang Ngô là Mikhail Gorbachev ngày 1/12/1989, thời điểm ngay sau biến cố Khối
Cộng Sản Đông Âu tự động sụp đổ một cách đột ngột trước đôi mắt hết sức bàng
hoàng kinh ngạc của cả thế giới tư bản lẫn cộng sản. Chính vị này đã phải công
khai cộng nhận là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đóng một vai trò quan trọng
trong biến cố đông âu sụp đổ.
Cho tới nay, có cả 180 quốc gia trên thế giới có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, và Tòa Thánh Vatican là quan sát viên chính thức ở Liên Hiệp Quốc. Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo Hội đã lợi dụng việc sống trong môi trường trần thế để làm cho ba đấu bột chính trị, kinh tế và văn hóa dậy lên men Phúc Âm Chúa Kitô, bằng những giáo huấn của mình, những giáo huấn chẳng những chống cộng sản mà còn chống cả tư bản thái quá, tư bản đến phi nhân bản, tư bản duy hưởng thụ và duy thực dụng, tư bản tân thực dân đế quốc; chẳng những chống lại những chế độ chuyên chế độc tài mà còn cả những trào lưu hay khuynh hướng dân chủ vô thần, những thứ chủ trương ý dân là ý trời, tự do là muốn làm gì thì làm, bất chấp luật lệ luân lý phổ quát và cắt nghĩa một cách chủ quan theo đòi hỏi làm bại hoại nhân phẩm con người những hiến chương hay hiến pháp đã được quốc tế hay quốc gia vốn công nhận.
Nếu đối với những kẻ thành tâm thiện chí và tìm chân thiện mỹ thì Giáo Hội chính là lương tâm của thế giới, luôn nhắc nhở thế giới làm lành lánh dữ, thì đối với những kẻ chuộng tối tăm hơn ánh sáng như lời vị sáng lập nhận định Giáo Hội là cái gì chướng tai gai mắt nhất, cần phải triệt hạ và thủ tiêu. Đúng như Đấng Sáng Lập Giáo Hội đã tiên báo: Nếu thế gian đã bắt bớ Thày thì họ cũng bắt bớ các con. Sở dĩ thế gian ghen ghét các con là vì các con không thuộc về họ (xem Jn 15:19-20). Bởi thế, càng bị thế gian tấn công, càng chứng tỏ cho thấy chúng ta là ánh sáng, vì tối tăm rất kỵ ánh sáng.
Dầu sao, chúng ta cũng cần phải tự kiểm xem mình đã thực sự là ánh sáng thế gian chưa? Vẫn biết thế gian không thể nào tránh khỏi gương mù, nghĩa là không thể nào không có bóng tối, nhưng cũng chính vì vậy mà thế gian mới cần phải có ánh sáng chiếu soi để đánh tan bóng tối tội lỗi và sự chết. Là ánh sáng thế gian, nếu chưa soi sáng đủ, theo đúng bản chất Kitô giáo của mình, với hết khả năng và thiện chí của mình, chúng ta đừng vội trách móc thế gian sao mà tội lỗi quá, tận thế đến nơi rồi, cái gì mà nam nam lấy nhau, nữ nữ lấy nhau, cái gì mà tạo sinh sao bản cloning con người, không cần đến việc ân ái vợ chồng, cái gì mà động một tí là ly dị, cái gì mà hưởng lạc cho đã rồi phá thai v.v.
Chúng ta hãy nhớ lại lời ĐTC đã nói với giới trẻ Bulgaria vào chiều Chúa Nhật 26/5/2002 tại Vương Cung Thánh Đường Plovdiv là: “Quí bạn trẻ thân mến, quí bạn đừng bao giờ quên rằng một khi đấu bột không dậy men, thì không phải là do lỗi của đấu bột mà là của men. Khi ngôi nhà bị tối tăm tức là ánh sáng đã bị tắt mất”. Bởi vậy, để cứu vãn tình thế, để xua tan bóng tối của màn đêm văn hóa sự chết đang bao trùm lịch sử loài người từ sau Thế Chiến Thứ II tới nay càng ngày càng dầy đặc và chập chùng ma quái, cùng với nỗ lực truyền bá Phúc Âm Hóa của chung Giáo Hội hoàn vũ, mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải “chiếu sáng trước mắt con người để họ nhìn thấy các việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con trên trời’” (Mt 5:16).
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Bài chia sẻ cho phần sống đạo của Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống 182 qua làn sóng 106.3 Nam California vào mỗi Tối Thứ Sáu, 5/3/2004