GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 8/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.
__________________
NGÀY 15 CHÚA NHẬT, LỄ MẸ MÔNG TRIỆU |
Giáo Hội Tin Tưởng Vào Việc Mông Triệu Của Mẹ Maria
(ÐTC Gioan Phaolô II)
|
1.- Theo Trọng Sắc Munificentissimus Deus được Vị
Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Piô XII công bố, Công Đồng Chung Vaticanô II đã xác
nhận Vị Trinh Nữ Vô Nhiễm “được đưa cả hồn lẫn xác vào vinh quang thiên quốc
khi cuộc sống trần thế của Mẹ chấm dứt” (Lumen Gentium, 59).
Các Nghị Phụ Công Đồng muốn nhấn mạnh là Mẹ Maria, không giống như trường hợp
Kitô hữu chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên đình
với cả thân xác của Mẹ. Niềm tin rất cổ kính này đã được biểu lộ qua truyền
thống lâu dài nơi các ảnh tượng cho thấy Mẹ Maria “tiến vào” thiên đình với cả
thân xác của Mẹ.
Tín điều Mông Triệu xác nhận rằng thân xác của Mẹ Maria đã được hiển vinh sau
khi Mẹ chết. Thật vậy, đối với những người khác, cuộc phục sinh về thân xác
của họ chỉ xẩy ra vào ngày tận thế, còn đối với Mẹ Maria, thân xác của Mẹ đã
được hưởng vinh quang trước bằng một đặc ân riêng.
2.- Vào ngày 1/11/1950, khi xác định tín điều Mông Triệu, Đức Piô XII đã tránh
dùng từ ngữ “phục sinh”, cũng như đã không khẳng định rõ ràng về vấn đề cái
chết của Đức Trinh Nữ như là một chân lý đức tin. Trọng Sắc Munificentissimus
Deus chỉ giới hạn vào việc xác định thân xác của Mẹ Maria được nâng lên trong
vinh quang thiên quốc, khi tuyên bố rằng chân lý này là một “tín điều theo mạc
khải thần linh”.
Làm sao chúng ta lại không thể thấy rằng việc Mông Triệu của Đức Trinh Nữ bao
giờ cũng thuộc về đức tin của dân Kitô giáo, thành phần đã nhắm đến việc công
bố sự vinh hiển của thân xác Mẹ, khi xác nhận là Mẹ Maria được vào hưởng vinh
quang thiên quốc?
Dấu vết tiên khởi nơi niềm tin tưởng vào việc Mông Triệu của Vị Trinh Nữ này
có thể được thấy ở những mẩu truyện trong ngụy kinh dưới nhan đề Transitus
Mariae (xin tạm dịch là Cuộc Đổi Đời của Đức Maria), phát xuất từ thế kỷ thứ
hai, thứ ba. Những truyện kể này trở nên thịnh hành và đôi khi còn được thêu
dệt cho hay, song những sự kiện này cũng đã cho thấy cái trực giác nơi đức tin
của Dân Thiên Chúa.
Sau đó là một thời gian dài càng ngày càng suy tư hơn về định mệnh của Mẹ
Maria ở đời sau. Việc suy tư này từ từ đã dẫn tín hữu đến chỗ tin tưởng vào
việc vinh thăng Người Mẹ của Chúa Giêsu cả xác lẫn hồn, cũng như đến chỗ bên
Đông Phương đã thiết lập các lễ phụng vụ về Cái Chết và Mông Triệu của Mẹ
Maria.
Niềm tin vào định mệnh vinh hiển nơi cả xác lẫn hồn của Người Mẹ Chúa Kitô sau
khi Mẹ chết đã được truyền lan rất nhanh từ Đông sang Tây, và đã trở thành phổ
thông từ thế kỷ 14. Trong thế kỷ của chúng ta, vào lúc gần xác định tín điều
này, niềm tin ấy đã trở thành một sự thật hầu như được mọi người chấp nhận và
được công đồng Kitô hữu khắp nơi trên thế giới tuyên xưng.
3.- Bởi đó, vào Tháng Năm 1946, với Thông Điệp Deiparea Virginis Mariae, Đức
Piô XII đã kêu gọi một cuộc tham vấn rộng rãi, lấy ý kiến từ các Vị Giám Mục,
và qua các vị, từ hàng giáo sĩ và Dân Chúa, về khả thể cũng như về cơ hội xác
định việc mộng triệu về thể lý của Mẹ Maria như là một tín lý thuộc đức tin.
Kết quả cho thấy hết sức tích cực: chỉ có 6 trong 1.181 hồi âm tỏ ra lưỡng lự
làm sao ấy về tính cách mạc khải của sự thật này.
Trích dẫn sự kiện tham vấn này, Trọng Sắc Munificentissimus Deus đã viết: “Từ
việc đồng ý chung về Huấn Quyền bình thường của Giáo Hội, Chúng Tôi đã có được
một chứng cớ chắc chắn và mạnh mẽ cho thấy rằng việc Mông Triệu về thể lý của
Đức Trinh Nữ Maria về trời… là một sự thật được Thiên Chúa mạc khải, và vì vậy
tất cả mọi người con của Giáo Hội cần phải vững vàng và trung thành tin tưởng”
(Tông Hiến Munificentissimus Deus: AAS 42, 1950, 757).
Việc xác định tín điều này, hợp với đức tin chung của Dân Chúa, đã hoàn toàn
loại trừ hết mọi ngờ vực, và kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu phải tỏ ra ưng thuận
một cách minh nhiên.
Sau khi nhấn mạnh đến niềm tin thực sự vào việc Mông Triệu, bản Trọng Sắc đã
nhắc lại nền tảng Thánh Kinh về sự thật này.
Mặc dù không rõ ràng xác nhận việc Mông Triệu của Mẹ Maria, Tân Ước cũng cống
hiến cho thấy cái nền tảng của việc này, vì Tân Ước nhấn mạnh một cách mãnh liệt
về việc Đức Trinh Nữ được hoàn toàn hiệp nhất với định mệnh của Chúa Giêsu. Việc
hiệp nhất này, một việc, ngay từ lúc Chúa Cứu Thế được mầu nhiệm thụ thai, được
biểu lộ nơi việc Mẹ tham dự vào sứ vụ của Con Mẹ, nhất là trong việc Mẹ liên kết
với hy tế cứu chuộc của Con, lại không thể nào không tiếp tục xẩy ra cả sau khi
chết. Hoàn toàn được hiệp nhất với đời sống và công cuộc cứu chuộc của Chúa
Giêsu, Mẹ Maria cũng được thông phần cả xác lẫn hồn với định mệnh vinh quang của
Người.
4.- Trọng Sắc Munificentissimus Deus trên đây đã qui chiếu về việc người nữ
trong cuốn Tiền Phúc Âm tham dự vào cuộc chiến chống lại con rắn, nhìn nhận Mẹ
Maria là Tân Evà, và cho thấy việc Mông Triệu là thành quả của việc Mẹ Maria
hiệp nhất với công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Về khía cạnh này, bản Trọng Sắc đã
viết: “Bởi thế, như Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa Kitô là yếu tố chính yếu
và là dấu hiệu cuối cùng cho cuộc vinh thắng này thế nào, thì cuộc chiến đấu
chung cho cả Đức Trinh Nữ và Người Con thần linh của Mẹ cũng phải được kết thúc
bằng việc vinh thăng thân xác trinh nguyên của Mẹ như vậy” (Tông Hiến
Munificentissimus Deus: AAS 42, 1950, 768).
Việc Mông Triệu, bởi vậy, là tuyệt đỉnh của một cuộc chiến đấu mà Mẹ Maria đã
quảng đại yêu mến dấn thân cộng tác vào việc cứu chuộc loài người, và là hoa
trái của việc Mẹ thông phần với cuộc vinh thắng của Thập Giá.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản
Anh ngữ ngày 9/7/1997)
(Đức Thánh Cha Piô II: Tông Hiến Munificentissimus Deus)
Trong các bài giảng dạy và giảng huấn của mình về lễ này,
các thánh giáo phụ và các vị đại tiến sĩ đã nói về việc mông triệu của Người
Mẹ Thiên Chúa như một điều gì đó quen thuộc và đã được tín hữu chấp thuận. Các
vị làm cho vấn đề sáng tỏ hơn nơi việc giảng thuyết của mình, và dùng những
lập luận sâu xa vững chắc để bày tỏ bản chất và ý nghĩa của vấn đề ấy. Nhất là
các vị làm sáng tỏ hơn nữa sự kiện là những gì được lễ này tưởng kính không
phải chỉ là việc thân xác chết đi của Đức Trinh Nữ Maria không bị băng hoại,
mà còn là việc Mẹ chiến thắng trên tử thần cũng như việc Mẹ được hiển vinh
trên trời, theo khuôn mẫu được Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ ấn định.
Thánh Gioan Đamascênô, nổi tiếng là một vị đại giảng thuyết về sự thật truyền
thống này, đã hết sức lợi khẩu khi thánh nhân liên kết việc mông triệu thể lý
của Người Mẹ Thiên Chúa dấu yêu với các tặng ân và đặc ân khác của Mẹ: “Mẹ là
người đã bảo trì sự trinh nguyên của Mẹ từ thơ bé thì thân thể của Mẹ cũng cần
phải được thoát khỏi tất cả mọi hư hoại sau khi chết đi. Vị đã ẵm bế Đấng Hóa
Công như một người con trong lòng của mình cũng cần phải được ở trong những
nhà tạm của Thiên Chúa. Vị hôn thê mà Ngôi Cha thiết lập hôn ước cần phải làm
cho nhà của Mẹ thành một buồng the thiên quốc. Mẹ là người đã nhìn thẳng vào
Người Con tử giá của Mẹ, và đã bị lưỡi gươm sầu đau đâm thâu qua lòng mình là
những gì Mẹ đã không phải chịu khi hạ sinh Người, cần phải được chiêm ngưỡng
Đấng ngự bên Chúa Cha. Mẹ Thiên Chúa cần phải chia sẻ những chiếm hữu của Con
Mẹ, và phải được hết mọi tạo vật tôn kính như là Mẹ Thiên Chúa và là nữ tỳ của
Thiên Chúa”.
Thánh Germanus thành Contantinôpôli đã nhận định là không phải chỉ vì thiên
chức thiên mẫu của Mẹ mà còn vì sự thánh thiện chuyên nhất nơi thân xác trinh
nguyên của Mẹ mà thân xác của Mẹ đã không bị hư hoại và được đưa lên trời:
“Theo những lời Thánh Kinh, Mẹ hiện lên trong mỹ lệ. Thân xác trinh nguyên của
Mẹ hoàn toàn thánh hảo, hoàn toàn thanh sạch, hoàn toàn là nhà của Thiên Chúa,
nhờ đó, vì lý do đó, thân xác của Mẹ cũng thoát khỏi tình trạng bị băng hoại,
một thân xác, vì là một thân xác con người, được biến đổi thành một sự sống
vượt trên tình trạng hư hoại, song vẫn là một thân xác sống động, tuyệt vời
trong vinh quang, một thân xác tinh tuyền và thông hưởng sự sống tuyệt hảo”.
Một tác giả thời sơ khai cũng lên tiếng: “Bởi thế, là Người Mẹ vinh hiển nhất
của Chúa Kitô, Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta, Đấng ban sự sống và
bất tử, Mẹ được Người làm cho sống động để chia sẻ tình trạng vĩnh viễn bất
hoại của thân thể với Đấng đã phục sinh Mẹ từ mồ mả và đưa Mẹ lên cùng Người
theo cách thức chỉ có Người biết”.
Tất cả những lập luận và nhận định ấy của các thánh giáo phụ đều được căn cứ
vào Thánh Kinh như nền tảng tối hậu của các vị. Thánh Kinh phác tả Người Mẹ
Thiên Chúa dấu ái, trước mắt của chúng ta, hầu như là một con người được nên
một thân mật nhất với Người Con thần linh của Mẹ và luôn luôn được thông phần
với thân phận của Người.
Đặc biệt, cần phải ghi nhận là, từ thế kỷ thứ hai, các thánh Giáo Phụ đã trình
bày cho thấy Trinh Nữ Maria như là một tân Evà, liên kết chặt chẽ nhất với tân
Adong, cho dù có lệ thuộc vào Người trong cuộc chiến chống lại kẻ thù thuộc
thế giới âm phủ. Cuộc chiến đấu này, như được hàm ý trong lời hứa ban đầu về
việc ban Đấng Cứu Chuộc, đã kết thúc nơi cuộc chiến thắng tuyệt hảo trên tội
lỗi và sự chết là những gì luôn gắn liền với nhau theo các bản văn của Vị Tông
Đồ Dân Ngoại. Bởi thế, như cuộc phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô là phần
chính yếu làm nên cuộc chiến thắng và là phần thưởng cuối cùng của cuộc phục
sinh thế nào, thì cuộc chiến đấu chung của Đức Trinh Nữ và Con Mẹ cũng được
kết thúc trong vinh quang của thân xác trinh nguyên Mẹ như vậy. Vị Thánh Tông
Đồ này còn nói: Khi thân xác chết chóc này được mặc lấy tình trạng bất tử, thì
lời Thánh Kinh được nên trọn, đó là tử thần bị chiến thắng nuốt đi.
Bởi thế, Người Mẹ Thiên Chúa uy nghi, được hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô một
cách nhiệm mầu từ đời đời trong cùng một ý muốn tiền định, vô nhiễm từ lúc
hoài thai, tinh tuyền trong vai trò làm mẹ thần linh, hết lòng cộng tác với
Đấng Cứu Chuộc thần linh để hoàn toàn chiến thắng tội lỗi cùng với những hậu
quả của nó, cuối cùng đã chiếm được triều thiên tối hậu của những đặc ân của
mình, đó là được gìn giữ khỏi bị hư hoại trong mồ, và, như Con mình, khi sự
chết bị chiến thắng, Mẹ đã được đưa cả xác lẫn hồn lên hưởng vinh quang trên
trời, nơi Mẹ hiển ngự bên hữu Con Mẹ, Vị Vua muôn đời bất tử.
Mạc Khải Về Biến Cố Mẹ Ly Trần:
(Trích Thần Đô Huyền Nhiệm)
Ba ngày trước khi Mẹ Maria từ trần vinh hiển, các tông đồ và môn đệ đã tề tựu tại Giêrusalem trong mái ấm Tiệc Ly. Vị tông đồ đến trước nhất là thánh Phêrô. Một thiên thần đã đưa ngày từ Rôma về. Mẹ Maria ra tận cửa phòng nguyện để đón vị Đại Diện Chúa Giêsu. Mẹ quỳ gối xin thánh nhân ban phép lành và nói: “Mẹ xin cảm tạ Thiên Chúa đã sai người cha thánh thiện đến để giúp Mẹ trong giờ chết”. Liền đó là thánh Phaolô, tiếp đến các tông đồ khác tới bái chào Mẹ với một tâm hồn vừa đau khổ vừa kính cẩn, vì các thiên thần đã nói cho các ngài biết lý do của cuộc tụ họp lạ lùng này. Mẹ tiếp đón tất cả các ngài với 1 đức khiêm nhượng thẳm sâu, và một tình yêu thương hiền ái, Mẹ xin từng vị ban phép lành cho Mẹ.
Các môn đệ trở về vì được một ơn thúc đẩy bền trong mà không biết mục đích.
Thánh Phêrô cho mời họ họp lại với các tông đồ để bảo cho họ biết mục đích ấy.
Ngài thoạt vừa lên tiếng đã nức nở nghẹn lời. Toàn thể cử tọa cũng chung một cảm
xúc đó. Lúc có thể nói lên, ngài nói: “Tất cả anh em và các con, chúng ta hãy
vào gần bên Mẹ chúng ta. Ta hãy ở đó với Mẹ trong khoảng thời gian ngắn Mẹ còn
sống với ta, và xin Mẹ ban phép lành”.
Các ngài thấy Mẹ đang quỳ trên một bục gỗ nhỏ, nơi Mẹ vẫn thường nằm nghỉ. Một
vẻ đẹp rạng ngời từ nơi Mẹ dãi ra, một ánh sáng trời cao bao phủ Mẹ, và các
thiên thần hầu cận đứng chung quanh. Vẻ đẹp của thân xác và gương mặt Mẹ là vẻ
đẹp của tuổi ba mươi; từ tuổi này Mẹ không hề thay đổi chút nào. Các tông đồ,
các môn đệ và một số tín hữu đứng thành hàng lớp trong phòng Mẹ. Thánh Phêrô và
thánh Gioan đứng ngay đầu bục, Mẹ ngước nhìn hết mọi người một cách rất đoan
trang thuỳ mỵ thường xuyên và nói: “Các con rất yêu dấu của Mẹ, Mẹ xin các con
cho phép nữ tỳ của các con đây được nói trước mặt các con và bày giãi những
nguyện vọng khiêm hèn của Mẹ”. Thánh Phêrô đáp lại lời Mẹ rằng ai nấy đều lắng
nghe Mẹ, sẵn sàng vâng theo ý Mẹ. Ngài xin Mẹ ngồi xuống, lấy lẽ rằng Mẹ quỳ để
cầu xin Chúa, còn nói với các ngài Mẹ phải ngồi mới phải, vì Mẹ là nữ vương các
Ngài.
Mẹ xin vâng lời, nhưng cũng xin các ngài ban phép lành đã. Trước mặt thánh Phêrô,
Mẹ quỳ xuống mà nói: “Con là nguyên thủ, là Chúa chiên toàn thể Giáo Hội, Mẹ xin
con chúc lành cho Mẹ là nữ tỳ của các con, xin các con tha lỗi cho Mẹ vì đã
khiếm khuyết nhiệm vụ phục vụ các con. Xin cho cho phép Gioan được đem tặng hai
chiếc áo cũ của Mẹ cho hai thiếu nữ nghèo đã luôn tỏ lòng quý mến Mẹ”. Rồi Mẹ
sụp lạy xuống, rơi lệ hôn kính chân thánh Phêrô, trước sự cảm phục của tất cả
mọi người chứng kiến, ai ai cũng cảm động. Mẹ lại phủ phục dưới chân thánh Gioan,
nói: “Xin con tha cho Mẹ, vì Mẹ đã thiếu sót bổn phận làm Mẹ đối với con. Mẹ xin
hạ mình cảm ơn con, vì lòng tốt lành con đã giúp đỡ Mẹ như con Chính Thánh của
Mẹ đã giúp Mẹ. Xin con chúc lành cho Mẹ để Mẹ đến hoan hưởng ánh nhìn của Chúa
Tạo Thành Mẹ”. Mẹ tiếp tục giã từ từng tông đồ, từng môn đệ, và chung tất cả
những người đến tham dự rất đông. Rồi Mẹ đứng lên nói với các tông đồ rằng: “Hỡi
các con rất yêu dấu, các con là thầy của Mẹ, Mẹ đã thiết tha yêu thương các con
trong Con Chí Thánh Mẹ. Lúc nào Mẹ cũng nhìn thấy Người trong các con là bạn
thân và là người ưu tuyển của Người theo ý Người, Mẹ sắp về trời. Nhưng ở đó, Mẹ
hứa sẽ vẫn luôn ấp ủ các con trong trái tim Mẹ như một người Mẹ. Xin các con hãy
cố làm vinh danh Chúa, và truyền bá đức tin; các con hãy giữ lời Con Chí Thánh
Mẹ, hãy tưởng nghiệm về cuộc đời và các chết của Người, hãy thực hành giáo lý
của Người, hãy yêu mến Giáo Hội. Các con hãy yêu nhau trong mối dây đức ái thuận
hòa. Còn con, hỡi Phêrô, Mẹ xin trao phó cho con Gioan và tất cả mọi người”.
Những lời đó như những mũi tên lửa xuyên cắm vào tâm hồn hết mọi người hiện diện.
Ai cũng đau khổ tái tê, trào lệ phục xuống lạy người Mẹ yêu dấu của mình. Tiếng
nức nở nghẹn ngào, tiếng than khóc bi ai của họ đã rung động mạnh tâm hồn Mẹ,
khiến Mẹ phải xụt xùi. Một lúc sau, Mẹ khuyên mọi người yên lặng cầu nguyện với
Mẹ.
Lúc bầu không khí êm đềm đã trở lại trong phòng, Chúa Giêsu từ trời xuống trên
một ngai rất lộng lẫy chói ngời, và với một đoàn tháp tùng là toàn thể các thánh
và vô số thiên thần, cả ngôi nhà tiệc ly tràn ngập ánh vinh quang. Mẹ Maria xấp
mình trước mặt Chúa, kính hôn chân Chúa, và làm việc tạ ơn khiêm nhượng hết sức
thẳm sâu lần cuối cùng ở thế gian. Chúa Giêsu chúc lành cho Mẹ, rồi nói: “Mẹ rất
yêu dấu của con, con đã trọn Mẹ là nơi lưu ngụ. Nay đã tới giờ Mẹ phải từ biệt
trần gian để lên hưởng vinh hiển của Cha con và của Con; trên đó đã chuẩn bị cho
Mẹ ngay bên hữu con một địa vị Mẹ sẽ thụ hưởng đời đời. Nhưng, con đã muốn cho
Mẹ với tư cách là Mẹ của con, khi vào trần thế, Mẹ đã không vương chút tì ố, giờ
đây con cũng muốn Mẹ ra khỏi thế gian, mà không phải chết. Nếu Mẹ không muốn
phải qua cái chết, xin Mẹ đến với con đi”. Mẹ lại cúi sâu lạy Chúa Giêsu và trả
lời với một thái độ rất hân hoan rằng: “Con là con của Mẹ, Mẹ xin con cho phép
Mẹ là nữ tỳ của con đây được vào nước hằng sống qua cửa sự chết chung cho mọi
người. Mẹ đã cố gắng theo con khi sống, Mẹ cũng xin theo con cả khi chết nữa mới
phải lẽ”.
Chúa Giêsu chấp thuận quyết định ấy của Mẹ. Tức thì các vị thiên thần sướng lên
nhiều ca khúc của Salômon với nhiều thánh ca mới lạ. Chỉ có thánh Gioan và một
vài tông đồ nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng mọi người, cả những người ở ngoài phố
đều được nghe tiếng nhạc trời. Nhà Tiệc Ly ngập đầy hương thơm Thiên Quốc, tỏa
cả ra ngoài. Một ánh sáng chói lọi từ nhà ấy dải chiếu ra, ai ai cũng nhìn thấy.
Có rất nhiều dân chúng Giêrusalem tuốn đến xem. Mẹ Maria cúi mình trên chiếc bục
gỗ nhỏ của Mẹ, chắp hai tay lại mắt nhìn cắm vào Chúa Giêsu, trái tim Mẹ cháy
bừng lên trong tình yêu mến Chúa. Khi thiên thần hát đến câu sau này trong
chương hai sách diễm ca: “Bạn tình ca ơi, mau dậy đi nào. Đến đi thôi: Mùa đông
qua rồi”. Mẹ Maria thốt lên những lời sau cùng này của Chúa Giêsu trên cây thánh
giá: “Chúa ơi, con xin phó linh hồn con trong tay Chúa”. Mẹ nhắm mắt, tắt hơi.
Mẹ đã tắt hơn vì tình yêu qúa mãnh liệt, không còn phép lạ nào cản ngăn nữa, nên
đã phá vỡ những ràng buộc của thân xác chứ không phải tại một suy nhược bệnh tật,
hay tai nạn nào. Mẹ sống là nhờ phép lạ. Phép lạ ngừng, Mẹ đi vào cõi chết.
Linh hồn nguyên tuyền của Mẹ Maria giã từ Thân Xác Trinh Vẹn của Mẹ, lên tới bên
hữu Chúa Giêsu trên ngai của Chúa. Ngay lúc đó, Mẹ được tôn lên ngai trong một
vinh quang khôn sánh. Tại nhà Tiệc Ly, mọi người nghe tiếng nhạc thiên quốc xa
dần trong không gian: đoàn thần thánh tháp tùng đã đi theo Chúa Giêsu và Mẹ
Maria lên thiên đàng rồi.
Thi thể Mẹ Maria, một thi thể từng là cung thánh của Thiên Chúa hằng sống mặc
một vẻ lộng lẫy rất chói ngời và tỏa lên một mùi hương thanh thoát, ở giữa một
nghìn thiên thần hầu cận của Mẹ. Các tông đồ và môn đệ, sầu sầu tủi tủi, vừa bùi
ngùi buồn khổ, vừa thanh thoát hân hoan trước những sự việc lạ lùng vô song ấy.
Tất cả đều như ngất ngây một lúc dài, rồi mới bắt đầu hát lên được nhiều thánh
ca và thánh vịnh tôn kính Mẹ là Nữ Vương mình. Mẹ qua đời vào thứ sáu, lúc 3 giờ
chiều, ngày 13 tháng 8 năm 55 sau Chúa Giáng Sinh. Vào năm ấy Mẹ được 70 tuổi,
kém 26 ngày, tính từ ngày 13 tháng 8 lên tới ngày mồng tám tháng chín là ngày
sinh của Mẹ. Mẹ sống còn lại sau Chúa Giêsu 21 năm, 4 tháng, 19 ngày.
Nhiều hiện tượng phi thường vĩ đại xảy ra ghi dấu sự ly trần qúy báu của Mẹ.
Aùnh sáng mặt trời mờ đi trong nhiều giờ. Rất nhiều chim đủ loại đến họp đàn
chung quanh nhà, kêu những điệu hót bi thương, ai nghe cũng phải cảm động. Cả
thành phố Giêrusalem nhốn nháo; dân thành bỡ ngỡ, lũ lượt kéo đến canh nhà Tiệc
Ly. Nhiều người dường như ngơ ngẩn. Nhiều bệnh nhân đến viếng thăm Mẹ đều được
lành bệnh; những người qủy ám chưa đến gần nhà Tiệc Ly đã được khỏi. Có ba người
nọ, một đàn ông hai đàn bà, ở Giêrusalem, đã chết khi còn mang tội trọng, cùng
một lúc với Mẹ, được sống lại nhờ lời Mẹ cầu bầu, để xám hối và được cứu rỗi.
Các linh hồn trong luyện ngục được lên trời, lúc Mẹ cùng với Chúa Giêsu tiến vào
Thiên Đàng.
Nhân Tính Chúa Giêsu dâng Mẹ lên Cha Hằng Hữu. Chúa nói với Cha: “Mẹ rất yêu dấu
của Con nên lĩnh nhận phần thưởng chúng ta đã sắm để ân thưởng công nghiệp của
Người. Người đã sinh ra giữa con cháu Adong mà lại được hoàn toàn trong sạch,
hoàn toàn mỹ lệ, như bông hồng nở giữa bụi gai. Người đã được chúng ta thông
trao cho những vẻ hoàn hảo vượt trên luật chung của các thụ tạo khác. Người đã
được chúng ta tặng ban cả kho tàng Thần Tính chúng ta. Không những Người đã tín
trung cẩn thủ mà còn làm sinh lợi man vàn. Chúng ta ân thưởng công nghiệp của
bạn hữu chúng ta một cách tràn ngập, nên Mẹ của con phải được ân thưởng xứng với
tư cách một người Mẹ mới đúng. Nếu, trong cả cuộc đời cũng như trong tất cả công
việc Người làm, Người đã nên giống con theo khả năng một thụ tạo, Người cũng
phải giống con trong vinh quang, và ngụ trên ngai uy nghi của chúng ta như con,
để sự thánh thiện thông phần của Người cũng đồng trị với sự thánh thiện yếu tính
của Con”.
Chúa Cha và Chúa Thánh Linh đã chuẩn nhận quyết nghị của Ngôi Lời Nhập Thể. Linh
Hồn Vô Nhiễm Mẹ Maria được tôn lên ngự trên chính ngai Chúa Ba Ngôi, ngay bên
hữu Con Chí Thánh Mẹ. Không có bút nào tả được nguồn vui mới mà các thần thánh
được cảm hưởng lúc đó, các ngài hát lên tung hô Thiên Chúa và Đức Nữ Vương các
Ngài. Và, mặc dầu chính Thiên Chúa không thể nào có được một vinh quang nội tại
mới, nhưng về những cách biểu lộ sự thoả nguyện ra bề ngoài, và việc hoàn tất
những thánh thiện hằng hữu ấy, cũng tỏ ra vĩ đại hơn trong dịp này: từ Ngai uy
nghi Chúa, phát ra những lời sau: “Ý muốn của chúng ta đã được chu toàn trong
vinh quang của Đức Nữ tử dấu ái chúng ta, với một thoả mãn tràn trề. Chỉ duy có
Đức Nữ mới không hề dính líu gì vào tội lỗi đạo của những ai khác. Người được
làm chủ tất cả các phần thưởng mà những kẽ tự trầm luân bỏ mất, vì đức tuân phục
của Người đã tu sửa tội phản nghịch của chúng. Người hoàn toàn làm thoả mãn lòng
chúng ta, và như vậy đáng được ngự trị trên cùng một ngai với chúng ta”.
Trên thiên đàng hoan hỉ tràn ngập nhưng ở dưới đất đầy mầu tang và tiếng khóc.
Các tông đồ, các môn đệ và các tín hữu, tất cả đều thổn thức buồn sầu không
nguôi trước cuộc ly trần của Người Mẹ chí ái, Đấng bảo trợ và là nguồn vui của
họ. Chúa phải thêm sức mạnh cho họ, vì lúc nào Ngài cũng cấp cứu các con yêu của
Ngài, để họ khỏi bị đau thương đè bẹp và lo làm những nghĩa vụ sau cùng đối với
thi thể chí thánh của Mẹ. Các tông đồ đặc biệt đánh đo, đúng mức, đã quyết định
sẽ an táng Mẹ tại thung lũng Giosaphát trong một ngôi mồ mới mà Chúa quan phòng
vừa liệu cho một cách mầu nhiệm. Theo tục lệ người Do Thái, thể xác Chúa Giêsu
đã được khâm liệm trong một tấm khăn liệm dài với nhiều hương liệu, nên các tông
đồ cũng khâm liệm thi thể Mẹ Maria như vậy. Để thi hành ý định đó, các Ngài đã
cho mời hai thiếu nữ đạo hạnh mà Mẹ đã chối lại cho hai áo ngắn đến ủy lại cho
họ việc khâm liệm, và dặn họ phải hết sức thận trọng kính cẩn. Hai thiếu nữ đó
hết sức tôn kính vào phòng nguyện của Mẹ; nhưng trước ánh ngời chói bao quanh
thi thể chí thánh của Mẹ, họ bị lóa mắt không thể xác định được là thi thể Mẹ
nằm chỗ nào.
Vừa sợ hãi vừa kinh ngạc, họ ra thuật lại sự kiện đó với các tông đồ, các Ngài
hiểu ngay rằng không thể khâm liệm xác từng là Hòm Bia Thánh của tân ước đó theo
luật chung được. Thánh Phêrô và Thánh Gioan vào phòng nguyện; hai ngài nghiệm
thấy rõ ràng ánh ngời chói đó, đồng thời nghe tiếng các thiên thần hát: “Kính
mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ”. Các vị khác hát rằng: “Mẹ Đồng
Trinh trước sinh hạ, Mẹ Đồng Trinh lúc sinh hạ, Mẹ Đồng Trinh sau sinh hạ”. Hai
thánh tông đồ ngẩn người một lúc trước quang cảnh đó, rồi quỳ xuống cầu nguyện
xin Chúa soi cho biết phải làm thế nào. Tức thì có tiếng trả lời: “Không ai được
động tới hay mở thi thể chí thánh này ra”. Chính Mẹ Maria là nữ vương những
người đồng trinh đã cẩn phòng mà xin Chúa như vậy.
Lúc đó, hai thánh tông đồ đi lấy áo quan, đem vào bên gường Mẹ. Aùnh chói ngời
dịu đi. Hai ngài hết sức kính cẩn cầm các chéo áo, nương nhẹ đập thi thể Mẹ vào
áo quan y nguyên thế nằm cũ. Hai ngài cảm thấy thi thể Mẹ không có một chút sức
mạnh nào: ngay tấm áo cũng không nhìn thấy ánh ngời chói vẫn cứ giảm đi mãi, cho
tới lúc mọi người có thể nhìn thấy gương mặt và đôi tay Mẹ. Đó là mối ân cần
Chúa giữ riêng hẳn cho Mình, để lo cho Mẹ rất trinh trong của Ngài. Ngay đối với
thể xác thần hoá của chính Ngài, Ngài cũng không bảo trì đến thế.
Các tông đồ tự khiên lấy Xác Thánh là đền thờ Thiên Chúa của Mẹ, qua các phố
Giêrusalem với một trận tự đẹp đẽ nhất, hợp với một đám tang đẹp đẽ nhất. Chúa
đã gợi ý cho toàn thể dân thành đi dự tang lễ Mẹ Chí Thánh Ngài. Hầu như không
có một người Do Thái nào hay một người dân ngoại nào lại không đến dự khi nghe
tin. Nhưng trong cõi vô hình còn có một đám tang lộng lẫy hơn nữa. Trước tiên là
một nghìn thiên thần hầu cận Mẹ, vừa đi vừa cử nhạc trời. Tiếp đến một số đông
đảo các thiên thần hát đi, theo rồi đến các tổ phụ, các tiên tri, thánh Gioan
Kim và thánh nữ Anna, thánh Giuse và thánh Gioan tiền sứ. Sau cùng là một số rất
đông các thánh khác.
Trên đường tới mồ đã xẩy ra rất nhiều phép lạ. Tất cả bệnh nhân đã dự đám tang
đều được hoàn toàn lành mạnh. Nhiều người qủy ám đã được giải cứu ngay trước khi
họ đến gần quan tài Mẹ. Người Do Thái và dân ngoại trở lại Đạo Chúa rất đông,
đến nỗi sau đó phải dành nhiều ngày để dạy đạo và rửa tội cho họ. Bất cứ ai đi
dự tang lễ đều cảm hưởng một hương thơm thanh thoát từ thi thể Thánh của Mẹ tỏa
ra, đều được thưởng thức ca nhạc nhiệm mầu của các thiên thần, được nhận thấy
nhiều sự kiện phi thường, và thảy đều kinh ngạc tán thưởng. Họ đều cao tiếng
xưng tụng rằng: Thiên Chúa đã tỏ rạng những ánh cao quang của Ngài nơi Mẹ Maria.
Họ đấm ngực ăn năn sám hối thật sâu sắc. Cả những động vật vô linh cũng không
thiếu mặt trong đám lễ an táng Đức Nữ Vương vũ trụ: lúc Xác Thánh Mẹ gần đến mồ,
người ta thấy một số đông vô kể chim đủ loại và nhiều dã thú, chim hót lên những
giọng bi ai, dã thú kêu lên những tiếng buồn thảm, tỏ ra lòng chúng luyến tiếc
Mẹ, như là chúng cũng cảm nghiệm được sự mất mát to lớn mà mọi loài đều phải
chịu này. Sau cùng, một điều lạ hơn nữa là những bó đuốc soi đường không những
không lụi tắt, mà cũng không hề hao hụt chúng nào.
Khi tới phần mộ, thánh Phêrô và thánh Gioan để Xác Thánh vào, cũng với một niềm
tôn kính và dễ dàng như khi đặt vào áo quan. Các Ngài lăn một tảng đá lớn lấp
cửa mộ theo thông tục, sau khi đã che trên thi thể Mẹ một khăn phủ mặt cách hết
sức nương nhẹ.
Lễ an táng xong, các thần thánh trở về trời; nhưng các thiên thần hầu cận Mẹ vẫn
có ở lại tiếp tục tấu nhạc kính tôn. Dân chúng giải tán. Các tông đồ và môn đệ
vừa đi vừa sụt sùi sa lệ, trở về nhà Tiệc Ly. Theo quyết định của các Ngài, một
số tông đồ và môn đệ liên tục ở lại bên phần mộ của Mẹ bao lâu còn nghe thấy
tiếng nhạc thiên thần. Riêng thánh Phêrô và thánh Gioan luôn luôn đến thăm mồ và
ở lại lâu hơn các vị khác: tâm hồn và kho tàng các ngài ở cả nơi mồ Mẹ.
Hương thơm toả ra từ Xác Thánh của Mẹ lan khắp nhà Tiệc Ly, suốt một năm còn
phảng phất. Riêng tại phòng nguyện của Mẹ, hương thơm ấy vẫn thơm phức nhiều năm.
Nơi đây, tất cả những ai đau khổ đều đến kính viếng và tìm được một phương dược
lạ lùng, chữa gian nan họ chịu. Cho tới mãi sau này, khi dân thành Giêrusalem
phạm qúa nhiều tội, những ơn lạ ấy mới ngưng ban.