GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

 

__________________

 NGÀY 17 THỨ BA

  

 

Chuyến Tông Du 104 (14-15/8/2004) của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở Lộ Ðức để Mừng 150 Tín Ðiều Mẹ Maria Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội (tiếp)


 

Bài Giảng ở Prairie de la Ribère


1.     "Que soy era Immaculada Councepciou”. Những lời Mẹ Maria nói với Bernadette vào ngày 25 tháng 3 năm 1858 đặc biệt vang dội trong năm nay là năm Giáo Hội cử hành 150 năm tuyên bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX thực hiện bằng Tông Hiến Ineffabilis Deus.


Tôi hết sức muốn thực hiện cuộc hành hương tới Lộ Đức để cử hành một biến cố tiếp tục tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria là dấu hiệu tỏ ra tình yêu nhưng không của Chúa Cha, là biểu hiệu hoàn toàn của việc cứu chuộc được Chúa Con hoàn tất, và là khởi nguyên của một sự sống hoàn toàn cởi mở trước hoạt động của Thần Linh.


2.     Dưới ánh mắt từ mẫu của Đức Trinh Nữ, Tôi gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em, hỡi anh chị em thân mến, khi chúng ta cùng nhau qui tụ lại đây trước Hang Massabielle để cất tiếng chúc tụng Đấng muôn thế hệ khen rằng diễm phúc (x Lk 1:48).


Tôi đặc biệt gửi lời chào phái đoàn hành hương Pháp quốc cùng các vị Giám Mục của họ, nhất là Vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục và Đức Ông Jacques Perrier, Giám Mục giáo phận Tarbes và Lộ Đức, vị Tôi xin cám ơn về những lời tốt lành mở đầu cho cuộc cử hành này.


Tôi cũng xin chào ông Bộ Trưởng Nội Vụ đại diện cho Chính Phủ Pháp trong cuộc cử hành hôm nay, cũng như các viên chức thẩm quyền về dân sự và quân sự có mặt hôm nay.


Tôi cũng nghĩ đến và cầu nguyện cho những người hành hương qui tụ lại đây từ các phần đất khác nhau ở Âu Châu cũng như từ khắp nơi trên thế giới, cùng với tất cả những ai liên kết một cách thiêng liêng với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Tôi đặc biệt ưu ái chào thành phần bệnh nhân và tất cả những ai đến nơi thánh này để tìm kiếm niềm an ủi và hy vọng. Chớ gì Đức Trinh Nữ giúp cho anh chị em có thể cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ và được an ủi cõi lòng!


3.     “Trong những ngày ấy Maria đã chỗi dậy vội vã lên miền đồi núi…” (Lk 1:39). Những lời của câu truyện Phúc Âm này một lần nữa làm hiện lên trước con mắt cõi lòng của chúng ta một người thiếu nữ thôn Nazarét khi cô lên đường tới “thành Giuđa” đó, nơi bà chị Isave của cô sinh sống, để giúp đỡ bà chị này.


Cái đánh động chúng ta nhất về cô thiếu nữ Maria này là mối quan tâm ưu ái của cô đối với người thân thuộc luống tuổi của cô. Mối quan tâm ưu ái của cô là một mối tình yêu thương cụ thể, một mối tình không chỉ giới hạn vào những lời nói cảm thông mà còn bao gồm cả việc ra tay giúp đỡ một cách tận tình và đích thân nữa. Đức Trinh Nữ này không chỉ ban tặng cho người chị họ một cái gì đó của mình; Người đã ban tặng tất cả con người mình, không đòi lại gì hết. Mẹ Maria đã hoàn toàn hiểu được rằng tặng ân Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa còn hơn là một đặc ân nữa kìa; bởi thế Mẹ có nhiệm vụ phải phục vụ người khác một cách vô vị kỷ xứng với yêu thương.


4.     “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…” (Lk 1:46). Những cảm tình của Mẹ Maria trong cuộc Mẹ gặp gỡ bà chị Isave được mãnh liệt bộc lộ nơi bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat. Những lời của Mẹ nói lên niềm mong đợi đầy hy vọng của “thành phần nghèo của Chúa”, đồng thời nói lên cả việc nhận thức rằng Thiên Chúa đã hoàn tất những gì Ngài hứa, vì Ngài “đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài” (cf. Lk 1:54).


Việc nhận thức ấy cũng là nguồn mạch của một niềm hân hoan vui mừng của Vị Trinh Nữ thấm nhập toàn thể bài ca vịnh: niềm vui khi nhận biết rằng Mẹ đã được Thiên Chúa “đoái hoài” bất chấp tình trạng “thấp hèn” (cf. Lk 1:48) của Mẹ; niềm vui trong việc phục vụ Mẹ có thể cống hiến bởi “những sự cao cả” Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ (cf. Lk 1:49); niềm vui nơi việc Mẹ được nếm hưởng trước hạnh phúc cánh chung được hứa cho “những ai thấp kém” và “thành phần đói khát” (cf. Lk 1:52-53).


Sau Ca Vịnh Magnificat là tình trạng thinh lặng: chúng ta không biết gì về 3 tháng Mẹ Maria ở với bà chị họ Isave của Mẹ. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta học được một điều hết sức quan trọng đó là việc thiện thì hoạt động một cách âm thầm, quyền lực của tình yêu thương được bày tỏ một cách lặng lẽ khiêm tốn của việc phục vụ hằng ngày.


5.     Bằng lời nói và sự thinh lặng của mình, Vị Trinh Nữ Maria này xuất hiện trước mắt chúng ta như là một mẫu gương cho con đường hành trình của chúng ta. Nó không phải là một con đường dễ đi, vì hậu quả của việc hai vị nguyên tổ phụ mẫu của chúng ta sa ngã, nhân loại bị mang những thương tích tội lỗi là những gì vẫn còn cảm thấy cái nhức nhối của nó nơi thành phần được cứu chuộc. Thế nhưng, sự dữ và sự chết sẽ không phải là phán quyết cuối cùng! Mẹ Maria khẳng định điều này bằng cả cuộc sống của Mẹ, vì Mẹ là một chứng nhân sống động cho cuộc chiến thắng của Chúa Kitô Đấng là Cuộc Vượt Qua của chúng ta.


Thành phần tín hữu cũng đã hiểu được như thế. Đó là lý do tại sao họ tuốn về hang động này để nghe nghe những huấn dụ từ mẫu của Vị Trinh Nữ đây. Nơi Mẹ, họ nhận thấy được “người nữ mặc áo mặt trời” (Rev 12:1), Vị Nữ Hoàng sáng láng trước ngai tòa Thiên Chúa (cf. Đáp Ca), vẫn hằng chuyển cầu cho họ.


6.     Hôm nay, Giáo Hội cử hành việc Mẹ Maria Mông Triệu hiển vinh cả hồn lẫn xác về Trời. Hai tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu có một liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau. Cả hai đều công bố vinh hiển của Chúa Kitô Cứu Chuộc và thánh đức của Mẹ Maria, vị mà định mệnh loại người của mình thậm chí ngay lúc này đây đã được trọn vẹn và vĩnh viễn hiện thực nơi Thiên Chúa.


“Khi Thày đi dọn chỗ cho các con, Tôi sẽ trở lại đem các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con cũng được ở đó” (Jn 14:3). Mẹ Maria là bảo chứng của việc hoàn tất những gì Chúa Kitô hứa hẹn ấy. Việc Mẹ Mông Triệu bởi thế mới trở thành cho chúng ta “một dấu hiệu của niềm hy vọng và ủi an vững chắc” (cf. Lumen Gentium, 68).


7.     Anh chị em thân mến! Từ động Massabielle này, Vị Trinh Nữ Maria đây nói với cả chúng ta nữa, thành phần Kitô hữu của ngàn năm thứ ba. Chúng ta hãy lắng nghe Mẹ!


Hãng lắng nghe Mẹ, hỡi giới trẻ là thành phần tìm kiếm một câu đáp có thể cống hiến cho cuộc đời của các bạn ý nghĩa; Ở nơi đây, các bạn có thể tìm thấy câu giải đáp ấy. Nó là một câu giải đáp gay go, tuy nhiên nó lại là câu trả lời duy nhất thực sự làm thỏa mãn. Vì nó chất chứa cái bí mật của niềm vui và an bình thực sự.


Từ hang động này, Tôi đặc biệt kêu gọi nữ giới. Hiện ra ở nơi đây, Mẹ Maria đã ký thác sứ điệp của Mẹ cho một em gái trẻ tuổi, như thể Mẹ muốn nhấn mạnh đến sứ vụ đặc biệt của nữ giới trong thời đại của chúng ta đây, một sứ vụ thực sự đang bị lôi cuốn bởi chiều hướng duy vật và trần tục: một sứ vụ trong xã hội ngày nay phải trở thành một chứng nhân cho những giá trị thiết yếu chỉ được thấy bằng con mắt tâm hồn. Hỡi nữ giới, chị em là thành phần mang trách nhiệm là những lính canh của Đấng Vô Hình! Tôi thiết tha kêu gọi hết mọi anh chị em, anh chị em thân mến, hãy làm mọi sự có thể để bảo đảm rằng sự sống, mỗi một sự sống và mọi sự sống, được tôn trọng từ khi được thụ thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Sự sống là một tặng ân thánh hảo, không ai có thể cho mình có quyền làm chủ nó.


Sau hết, Đức Mẹ Lộ Đức gửi một sứ điệp cho hết mọi người. Đó là hãy trở thành những con người nam nữ của tự do! Thế nhưng, xin nhớ rằng: niềm tự do của con người là một niềm tự do đã bị tội lỗi làm tổn thương. Nó là một niềm tự do tự bản chất cũng cần phải được giải thoát. Chúa Kitô là vị giải phóng của nó; Người là Đấng “vì tự do đã giải phóng chúng ta” (cf. Gal 5:1). Hãy bênh vực niềm tự do ấy!


Quí bạn thân mến, về vấn đề này chúng ta biết rằng chúng ta có thể tin tưởng vào Mẹ Maria, vị mà, vì không bao giờ nhường bước cho tội lỗi, là tạo vật duy nhất hoàn toàn tự do. Tôi xin trao phó quí bạn cho Mẹ. Hãy bước đi bên Mẹ Maria khi quí bạn hành trình tiến tới chỗ hoàn toàn làm trọn nhân tính của mình!


(Trong khi đang đọc bài giảng bằng tiếng Pháp, ĐTC đột nhiên nói bằng tiếng Balan: “giúp Tôi với”. Sau khi uống nước do các vị hộ tống trao cho, Ngài nói tiếp: “Tôi phải làm cho xong việc này”. Quả thực Ngài đã đọc xong bài giảng nhưng bỏ một số đoạn. Ngài đã lên giọng để bày tỏ mối quan tâm với thành phần bệnh nhân).



Huấn Từ Truyền Tin ở Prairie de la Ribère


1.     Để kết thúc việc cử hành Phụng Vụ trọng thể này, Tôi muốn đặc biệt gửi lời chào đến những ai tham dự Cuộc Hành Hương Toàn Nước Pháp do “Famille de l’Assomption” tổ chức.


Tôi gửi lời chào riêng giới trẻ, thành phần đông đảo ở Lộ Đức và đã phục vụ một cách tận tình anh chị em bệnh nạn của mình như là những tiếp vụ viên. Tôi cảm thấy quí mến nhớ lại những lần gặp gỡ giới trẻ ở Paris, rồi những giới trẻ ở Lyons, ở Strasbourg và một lần nữa ở Paris vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Quí bạn giới trẻ thân mến: Những cuộc gặp gỡ này đã cống hiến cho Tôi một niềm hy vọng rất nhiều là những gì Tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay đây. Chớ gì Mẹ Maria là thày dạy của các bạn, và các bạn sẽ mang hơi thở tươi mới của niềm lạc quan đến cho thế giới, khi các bạn loan báo cho tất cả mọi người “tin mừng” của Vương Quốc Chúa Kitô.


2.     Từ tảng đá ở động Massabielle, Vị Trinh Nữ này đã hiện ra với Bernadette. Tỏ mình ra như Đấng đầy ơn phúc của Thiên Chúa, Mẹ đã kêu gọi thống hối và nguyện cầu. Mẹ đã chỉ cho Bernadette một mạch nước, và xin em uống mạch nước này. Mạch nước mới mẻ ấy đã trở thành một trong những biểu hiệu của Lộ Đức: một biểu hiệu của sư ỉ sống mới được Chúa Kitô ban cho tất cả những ai hướng về Người.


Kitô Giáo thực sự là một suối nước sự sống, và Mẹ Maria là bảo quản viên đầu tiên của suối nước này. Mẹ chỉ nó cho tất cả mọi người thấy, bằng cách kêu mời họ từ bỏ cái kiêu hãnh của mình mà học sống khiêm hạ, nhờ đó họ mới có thể kín múc được tình thương của Con Mẹ và từ đó mới cùng nhau hoạt động cho bừng lên một nền văn minh yêu thương.


3.     Khi suy niệm về mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, nài xin Mẹ ra tay bảo vệ mỗi người chúng ta, Giáo Hội và thế giới.


(Sau Kinh Truyền Tin:)


Anh chị em thân mến, chớ gì biến cố Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria nhắc nhở anh chị em rằng nước trời mới là nhà thật sự của chúng ta và là đích điểm cho cuộc hành trình đời sống của chúng ta. Tôi xin Thiên Chúa ban tràn đầy phúc lành của Ngài cho anh chị em và gia đình của anh chị em.
 

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán Vatican)