GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

 

__________________

 NGÀY 18 THỨ TƯ

  


Hôm nay Thứ Tư, theo thông lệ hằng tuần, Ðức Thánh Cha gặp gỡ chung các tín hữu, gọi là buổi triều kiến chung, một buổi gặp gỡ chung Ngài thường dùng để chia sẻ các đề tài về giáo lý. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến tông du của mình, Ngài thường dùng buổi triều kiến chung này để chia sẻ cảm nghiệm của Ngài về chuyến tông du ấy. Hôm nay, Thứ Tư 18/8/2004, sau chuyến tông du 104 của mình ở Lộ Ðức (14-15/8/2004) cuối tuần vừa qua, ÐTC cũng vẫn tiếp tục làm điều này. Xin xem bài chia sẻ của Ngài hôm nay vào ngày mai. Thay vào đó, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau ôn lại Bài Giáo Lý Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh thứ 113 của Ngài được Ngài chia sẻ hôm Thứ Tư 28/7/2004 về Thánh Vịnh 15 [16] – cho Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất sau đây:

 

 

Chúa Giêsu Kitô thực sự là “gia sản quí hóa” duy nhất của chúng ta


1.     Chúng ta đã có cơ hội để suy niệm về một bài Thánh Vịnh có tính cách linh thiêng mạnh mẽ, sau khi nghe bài Thánh Vịnh này và dùng bài ấy để cầu nguyện. Mặc dù có những vấn đề khó khăn của bài Thánh Vịnh này, những khó khăn có thể thấy được nơi nguyên ngữ Do Thái, nhất là ở những câu đầu, bài Thánh Vịnh 15 (16) vẫn là một bài ca vịnh huyền nhiệm sáng ngời, như được tỏ hiện ở lời tuyên xưng đức tin mở đầu: “Tôi thưa cùng Chúa, Ngài là Chúa của tôi, Ngài là sụ thiện duy nhất của tôi” (câu 2). Bởi vì Thiên Chúa được nhìn nhận như là một sự thiện duy nhất mà con người nguyện cầu mới quyết định trở nên thành phần cộng đồng của tất cả những ai trung nghĩa với Chúa, đó là “các vị thánh nhân của mảnh đất này […]” ([xem] câu 3). Tóm lại, vị tác giả Thánh Vịnh loại trừ một cách phân loại khuynh hướng theo ngẫu tượng với những nghi thức đầy máu me cùng với những lời kêu cầu phạm thượng (xem câu 4).


Đó là một sự quyết định rõ ràng và dứt khoát, một quyết định dường như âm vang cái quyết định của bài Thánh Vịnh 72, một bài ca khác của lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, một quyết định đạt được bằng việc lựa chọn đầy khó khăn mãnh liệt về luân lý: “Tôi còn có ai khác ở trên các tầng trời đây? Chỉ có Ngài mới là Đấng làm cho tôi sống hân hoan trên thế gian này. … Đối với tôi, sự thiện của tôi là được ở gần gũi Chúa, là lấy Chúa Thiên Chúa của tôi làm nơi tôi nương náu” (Ps 72:25,28).


2.     Bài Thánh Vịnh của chúng ta đây khai triển hai đề tài được diễn tả bằng ba biểu hiệu. Trước hết là biểu hiệu “di sản”, một từ ngữ làm chủ hai câu 5 và 6: Thật vậy, từ ngữ này nói về “phần nghiệp, chén, thừa hưởng”. Những lời này được sử dụng để diễn tả về tặng ân đất hứa cho dân Do Thái. Nhưng chúng ta biết rằng chỉ có một chi họ duy nhất không được hưởng mảnh đất này là chi họ Lêvi, vì chính Chúa là di sản của họ rồi. Vị tác giả Thánh Vịnh nói một cách riêng biệt rằng: “Lạy Chúa, phần nghiệp của tôi… xứng hợp với tôi thực sự là gia sản của tôi” (Ps 15[16]:5,6). Thế nên, vị tác giả này đã tỏ mình ra như là một vị tư tế cho thấy niềm vui được hoàn toàn dấn thân phụng vụ Thiên Chúa.


Thánh Âu Quốc Tinh nhận định rằng: “Vị tác giả Thánh Vịnh không nói: Ôi Thiên Chúa, xin hãy ban di sản cho tôi! Ngài sẽ ban cho tôi những gì làm di sản? Nhưng lại thân thưa rằng: hết mọi sự Ngài ban cho tôi ngoài chính bản thân Ngài ra đều là những gì tầm thường hèn mọn. Chính Ngài mới là di sản của tôi. Chính Ngài mới là Đấng tôi yêu mến… là Đấng nhờ Ngài tôi hy vọng được Ngài, là Đấng tôi được tràn đầy bởi Ngài. Mình Ngài là đủ cho tôi; ngoài Ngài ra không gì có thể làm anh em mãn nguyện” (Sermon 334,3: PL 38, 1469).


3.     Đề tài thứ hai là đề tài về một mối hiệp thông trọn vẹn và liên tục với Chúa. Vị tác giả Thánh Vịnh bày tỏ niềm hy vọng vững mạnh được gìn giữ khỏi tử thần để có thể được thân mật ở cùng Thiên Chúa, một cuộc thân tình không thể nào bị hủy diệt (see Psalm 6:6; 87:6). Tuy nhiên, những lời baỳy tỏ của vị tác giả Thánh Vịnh này không có một giới hạn nào cho việc gìn giữ ấy; trái lại, nhũng lời ấy có thể được hiểu theo chiều hướng của một cuộc chiến thắng trên tử thần là những gì bảo đảm cho sự thân mật hằng hữu với Thiên Chúa.


Con người nguyện cầu này sử dụng hai biểu hiệu nữa. Trước hết là biểu hiệu về thân xác, ở chỗ, các nhà dẫn giải Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng, theo nguyên ngữ Do Thái (xem câu 7-10) thì có “những sợi giây lòi tói” được nhắc tới, một biểu hiệu cho những gì là khổ nạn cũng như cho những gì là nội tại sâu xa nhất, cho “điều hay lẽ phải”, dấu hiệu của sức mạnh, cho “con tim cõi lòng”, ngai tòa của lương tri, rồi nhắc tới “gan mật”, tiêu biểu của cảm xúc, tới “xác thịt”, những gì nói lên cuộc sống mỏng dòn của con người, và sau cùng tới “hơi thở sự sống”.


Tức là nói lên “toàn diện hữu thể” của một con người được thu hút và tiêu tan đi trong tình trạng hủy hoại của mộ bia tối tăm (xem câu 10), nhưng lại được gìn giữ sống động hoàn toàn hạnh phúc với Thiên Chúa.


4.     Biểu hiệu thứ hai của bài Thánh Vịnh 15 (16) này là biểu hiểu “con đường”: “Ngài sẻ chỉ cho tôi đường lối sự sống” (câu 11). Chính con đường này là đường lối dẫn đến “niềm vui dạt dào” trước “sự hiện diện” thần linh, “đến những hoan lạc… muôn đời” trong “bàn tay hữu” của Chúa. Những lời này hoàn toàn hợp với việc giải thích bao gồm quan điểm hy vọng được hiệp thông với Thiên Chúa trong sự sống trường sinh bất tử.


Bởi thế, tới đây mới dễ trực giác thấy được rằng bài Thánh Vịnh này đã được Tân Ước sử dụng để nói về cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Trong bài diễn từ vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô thật sự đã trích dẫn phần thứ hai của bài thánh thi ca này để áp dụng vào cuộc vượt qua vinh hiển cũng như vào Chúa Kitô như sau: “Thế nhưng, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi gông cùm sự chết, vì Người không thể nào lại bị nó cầm giữ” (Acts 2:24).


Thánh Phaolô sử dụng bài Thánh Vịnh 15 (16) này để loan báo Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trong bài nói của thánh nhân tại hội đường Antiôkia ở Pisidia. Chúng ta cũng loan báo Người theo chiều hướng ấy: “’Ngài sẽ không để cho Đấng Thánh của Ngài phải nếm mùi hủy hoại’. Vậy Đavít, sau khi đã phục vụ ý muốn của Thiên Chúa suốt cuộc sống của mình đã được gọi về với tổ phụ của ông và đã nếm mùi hủy hoại. Thế nhưng, Đấng đợc Thiên Chúa phục sinh không nếm mùi hủy hoại” (Acts 13:35-37).


Anh chị em thân mến,


Bài giáo lý hôm nay nói đến bài Thánh Vịnh 15, một bài thánh vịnh được tác giả của nó ngợi khen Chúa như là “di sản yêu quí” của mình. Việc mạnh mẽ loại trừ ngẫu tượng ấy là hành động sâu xa tin tưởng vào Chúa là “nơi nương náu” duy nhất của chúng ta.


Bài Thánh Vịnh 15 khai triển hai đề tài chính, đó là đề tài về di sản và đề tài về hiệp thông. Dường như tác giả bài Thánh Vịnh này thuộc về chi họ Lêvi nên đã không được đất hứa làm gia nghiệp. Ông tuyên xưng rằng đối với ông không có gì quan trọng bằng Thiên Chúa và niềm vui được hoàn toàn hiến thân phụng sự Ngài. Như Thánh Âu Quốc Tinh ghi nhận thì vị tác giả Thánh Vịnh đây không xin Thiên Chúa hưởng phần di sản, vì chính Ngài là di sản của ông ta rồi vậy.


Đề tài thứ hai, đề tài hiệp thông với Chúa, đề tài nói về một niềm hy vọng mạnh mẽ được luôn ở gần Thiên Chúa. Định mệnh tối hậu của con người là sự sống đời đời, và những hình ảnh về một thứ “thân xác” được “yên nghỉ an toàn” và về một “đường lối” dẫn đến “niềm vui trọn vẹn” rõ ràng nói lên rằng định mệnh này được nên trọn nơi cuộc phục sinh của Chúa Kitô.


Chớ gì cả chúng ta nữa cũng khám phá thấy niềm vui của Chúa Cứu Thế phục sinh, khi mỗi ngày chúng ta loan truyền rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự là “gia sản quí hóa” duy nhất của chúng ta.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 28/7/2004.