GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 8/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.
__________________
NGÀY 1 CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN C |
“Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”
Trong vấn đề suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, nhất là bài Phúc Âm là bài
đọc chính trong Phụng Vụ Lời Chúa nói riêng không phải chỉ đơn giản có thế,
nghĩa là không phải chỉ cần biết ý nghĩa của bài Phúc Âm nói gì là xong, còn
phải để ý đến ba yếu tố khác nữa, những yếu tố rất quan thiết mà nếu thiếu sẽ
không bảo đảm tính chất chính xác nơi ý nghĩa phụng vụ của bài Phúc Âm như
chúng ta tưởng. Vậy ba yếu tố này là gì? Theo tôi, trước hết, chúng ta phải
xét xem ý nghĩa của bài Phúc Âm như chúng ta nghĩ đó có hợp với chủ đề Mùa
Phụng Vụ của mình hay chăng; sau nữa, ý nghĩa của bài Phúc Âm theo chúng ta
nghĩ, nếu hợp với chủ đề Mùa Phụng Vụ của mình thì chắc chắn cũng phải ăn khớp
với bài Phúc Âm tuần trước đó và tuần sau đó; sau hết, ý nghĩa của bài Phúc Âm
theo chúng ta nghĩ, chẳng những hợp với chủ đề Mùa Phụng Vụ của mình và ăn
khớp với các bài Phúc Âm trước sau, mà còn phải gắn liền với ý nghĩa của bài
đọc một và bài đọc hai được Giáo Hội cố ý chọn đọc chung với bài Phúc Âm ấy
nữa.
Căn cứ vào ba yếu tố này, khi gặp một bài Phúc Âm khó hiểu, chúng ta cũng có
thể nhờ đó suy ra ý nghĩa của bài Phúc Âm. Chẳng hạn, chúng ta hỏi chủ đề
chung của Mùa Phụng Vụ có bài Phúc Âm này là gì; nếu vẫn chưa suy ra ý nghĩa
sâu xa của bài Phúc Âm, chúng ta có thể hỏi tiếp, vậy ý nghĩa của bài Phúc Âm
tuần trước và tuần sau là gì mà Giáo Hội lại chọn bài Phúc Âm này chen giữa
hai bài đó; sau cùng, ý nghĩa của bài Phúc Âm sẽ sáng tỏ hơn, nếu chúng ta
thấy được mối liên hệ giữa bài Phúc Âm với bài đọc một và bài đọc hai trong
cùng Thánh Lễ; đấy là chúng ta chưa kể đến mối liên hệ giữa ba bài đọc của chu
kỳ này, chẳng hạn của Năm C hiện nay, phải ăn khớp cả với hai chu kỳ kia, Năm
A và B nữa. Vậy, chúng ta thử áp dụng phương pháp suy diễn này vào bài Phúc Âm
Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên Năm C tuần này xem sao. Trước hết, ý nghĩa của
bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là gì? Tiếp đến, ý nghĩa của bài Phúc Âm ấy có
hợp với chủ đề của chung Mùa Phụng Vụ không? Sau nữa, ý nghĩa của bài Phúc Âm
này có ăn khớp với ý nghĩa của bài Phúc Âm tuần trước và tuần sau không? Và
sau hết, ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này có thật sự liên hệ với hai
bài đọc một và hai không?
Trước hết, ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là gì? Phải chăng ý
nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là giá trị của cải trần gian hay là
phần rỗi đời đời của con người? Bởi vì, về giá trị của cải trần gian, Chúa
Giêsu phán dạy trong bài Phúc Âm rằng: “Con người có thể hưởng giầu sang,
nhưng những gì họ có không bảo đảm cho họ được sự sống”. Và về phần rỗi đời
đời, Chúa Giêsu cũng khuyên dạy: “Đồ ngốc, ngay đêm nay ngươi sẽ bị đòi mạng.
Tất cả mọi thứ giầu sang phú quí mà ngươi tích lũy ấy sẽ thuộc về ai đây?”
Thế nhưng, vấn đề ở chỗ là, ý nghĩa nào trong hai ý nghĩa này hợp với chủ đề
của chung Mùa Phụng Vụ Hậu Phục Sinh, với ý nghĩa của bài Phúc Âm tuần trước
và tuần sau, cũng như với ý nghĩa của cả bài đọc một lẫn bài đọc hai hôm nay?
Riêng tôi, tôi thấy rằng cả hai ý nghĩa trên đây không phải là ý nghĩa chính
thực về phụng vụ của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này. Để có thể nắm được ý
nghĩa thực sự của một bài Phúc Âm, ngoài yếu tố đối tượng Chúa muốn nói tới
cũng như yếu tố khung cảnh của bài Phúc Âm, chúng ta cũng cần phải chú trọng
đến chính văn từ nữa, tức đến ý chính của bài, hay là ý tưởng then chốt, ý
tưởng chi phối các ý tưởng khác trong bài. Theo tôi, ý chính của bài Phúc Âm
hôm nay nằm ngay ở lời Chúa Giêsu khuyên dạy: “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham
lam”. Tại sao “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”? Bởi vì, của cải tự nó
không thể cứu rỗi linh hồn con người, như hai câu trích từ lời Chúa phán dạy
và khuyên dạy vừa được trích dẫn. Lý do “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”
này, như thế, bao gồm cả hai ý nghĩa liên quan đến giá trị của sản vật trần
gian cũng như đến phần rỗi đời đời. Nếu lời Chúa Giêsu khuyên dạy “hãy giữ
mình khỏi mọi thứ tham lam” thực sự chi phối các ý tưởng hay ý nghĩa khác như
thế thì quả nhiên, xét theo nội dung riêng của bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn
đọc hôm nay, nó là ý chính hay ý nghĩa đích thực của bài Phúc Âm Chúa Nhật
XVIII Mùa Thường Niên tuần này vậy.
Tuy nhiên, để biết chắc ý nghĩa vừa được suy diễn vừa rồi có thực sự và hoàn
toàn đúng như thế hay không, chúng ta còn phải đối chiếu nó với chủ đề chung
của Mùa Phụng Vụ Thường Niên Hậu Phục Sinh, với ý nghĩa của hai bài Phúc Âm
trước sau Chúa Nhật XVIII tuần này, cũng như với ý nghĩa của hai bài đọc một
và hai hôm nay nữa.
Ý nghĩa “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” của bài Phúc Âm Chúa Nhật XVIII
tuần này rất hợp với ý nghĩa của Mùa Thường Niên được Giáo Hội đang cử hành kể
từ sau Mùa Phục Sinh đến nay. Thật vậy, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 670
thì “kể từ biến cố Thăng Thiên dự án của Thiên Chúa đã đạt thành. Chúng ta
đang ở vào ‘giờ khắc sau hết’ (1Jn 2:18; x. 1Pt 4:7)”. Giáo Lý Giáo Hội Công
Giáo số 672 cũng xác nhận: “Trước cuộc Thăng Thiên về trời của mình, Chúa Kitô
xác nhận rằng chưa tới giờ vinh quang thiết lập vương quốc thiên sai như dân
Do Thái trông đợi, một vương quốc, theo các tiên tri, làm cho tất cả mọi người
sống trong trật tự công chính, yêu thương và an bình. Theo Chúa thì thời hiện
đại đây là thời của Thần Linh cũng là thời của chứng nhân…” Bởi vậy, nếu Phụng
Niên là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, mà kể từ sau khi Chúa Kitô
Thăng Thiên về trời, nhân loại sống trong “thời của Thần Linh cũng là thời của
chứng nhân”, thì quả thực Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh đây thực sự là
thời điểm Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô tiếp tục tỏ mình trên thế gian
cho đến tận thế qua Giáo Hội là chứng nhân của Người, một Giáo Hội, như Sắc
Lệnh của Công Đồng Chung Vaticanô II về Truyền Giáo Ad Gentes đoạn 2 tuyên
nhận, “tự bản chất là truyền giáo”.
Bởi thế, Giáo Hội nói chung và Kitô hữu nói riêng không thể truyền giáo, nếu
không thực hiện lời khuyên của Chúa Kitô “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”,
đúng như tinh thần của các bài Phúc Âm trước tuần này và sau tuần này. Thế còn
vấn đề ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay có ăn khớp với ý nghĩa của bài Phúc Âm
tuần trước và tuần sau thì sao?
Giáo Hội nói chung và Kitô hữu nói riêng không thể truyền giáo, nếu không thực
hiện lời khuyên của Chúa Kitô “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”, đúng như
tinh thần của các bài Phúc Âm trước tuần này và sau tuần này. Đối với các bài
Phúc Âm trước tuần này, ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay hay lời khuyên dạy của
Chúa Giêsu “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” rất ăn khớp với ý nghĩa của
bài Phúc Âm Chúa Nhật XVI cách đây hai tuần, bài Phúc Âm Chúa Giêsu trách cứ
và khuyên dạy Matta rằng: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá… Chỉ có một
điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và nó sẽ không bị mất đi phần tốt
hơn này”. Lời khuyên dạy của Chúa Giêsu “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”
làm nên ý nghĩa bài Phúc Âm tuần này cũng rất ăn khớp với ý nghĩa của bài Phúc
Âm Chúa Nhật XVII tuần vừa rồi nữa, vì tuần vừa rồi Chúa dạy các môn đệ cầu
nguyện với tinh thần tin tưởng đến nỗi “xin sẽ được”, nghĩa là, như tôi đã
chia sẻ: “Người cầu xin Chúa với lòng tin tưởng mãnh liệt hoàn toàn thú nhận
trước nhan Ngài rằng họ là người bần cùng thiếu thốn, hoàn toàn trông đợi mọi
sự ở nơi Ngài, đến nỗi, không có Ngài họ không thể làm gì được”. Chưa hết, lời
khuyên dạy của Chúa Giêsu “hãy giữ mình khỏi mọi tham lam” làm nên ý nghĩa bài
Phúc Âm tuần này còn ăn khớp cả với ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV bốn
tuần trước nữa, bài Phúc Âm Chúa Giêsu sai từng cặp môn đệ ra đi rao giảng dọn
đường với lời khuyên: “đừng mang theo túi xách, bao bị, giầy dép”. Đối với bài
Phúc Âm Chúa Nhật XIX tuần tới, lời khuyên dạy của Chúa Giêsu “hãy giữ mình
khỏi mọi thứ tham lam” làm nên ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cũng ăn
khớp nữa, vì ý chính của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần tới là “Hãy thắt lưng và
thắp đèn lên sẵn sàng”, tức là khía cạnh tích cực của lời Chúa Giêsu khuyên
“hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần này.
Chính vì ý nghĩa của các bài Phúc Âm trước sau liên hệ với nhau theo cùng một
chủ đề của Mùa Thường Niên hiện nay như thế, chúng ta mới thấy được lý do tại
sao, Giáo Hội đã bỏ gần hết đoạn 11 của Phúc Âm Thánh Luca, sau bài Phúc Âm
Chúa Nhật XVII tuần trước từ câu 1 đến 13, và nhẩy sang phần giữa và cuối của
đoạn 12 cho 3 tuần lễ liền sau đó, Chúa Nhật XVIII tuần này từ câu 13 đến 21,
Chúa Nhật XIX tuần tới từ câu 35 đến 40 hay 32 đến 48, và Chúa Nhật XX từ câu
49 đến 53. Còn ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay có thật sự liên hệ với hai bài
đọc một và hai hôm nay không?
Lời khuyên dạy của Chúa Giêsu “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” làm nên ý
nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này chẳng những ăn khớp với các bài Phúc Âm
trước và sau tuần này như vừa dẫn chứng, mà còn ăp khớp với cả bài đọc một và
hai trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên Hậu Phục
Sinh nữa. Thật vậy, Bài đọc một theo Sách Giảng Viên hôm nay đã cho thấy lý do
tâm lý tại sao con người “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”, đó là bởi “tất
cả mọi sự đều là hư không… Vì con người được lợi lộc gì nơi tất cả những cực
nhọc và lo toan làm họ phải chịu vất vả dưới ánh mặt trời này? Cả ngày họ quằn
quại với sầu muộn và đau thương; ngay đêm về họ cũng còn trằn trọc. Hư không
cũng là như thế nữa”.
Lời khuyên dạy của Chúa Giêsu “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” làm nên ý
nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này còn được bài đọc hai theo Thư Thánh
Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Côlôsê diễn giải sâu rộng hơn về nền tảng tu đức,
thực hành tu đức và thành quả tu đức đối với lời khuyên này như sau. Trước hết,
bài đọc hai cho thấy nền tảng tu đức của lời khuyên “hãy giữ mình khỏi mọi thứ
tham lam”, đó là “vì anh em đã chết, và sự sống của anh em giờ đây đã được
tiềm ẩn nơi Chúa Kitô trong Thiên Chúa”. Sau nữa, bài đọc hai còn chỉ cách
thực hành tu đức đối với lời khuyên “hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” như
sau: “Anh em hãy hủy diệt nơi bản tính mình những gì gắn liền với mặt đất này,
đó là gian dâm, ô uế, đam mê, tà vọng và tham lam là việc tôn thờ ngẫu tượng”.
Sau hết, bài đọc hai cũng cho thấy cả thành quả tu đức đối với lời khuyên “hãy
giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” nữa, ở chỗ, một khi biết “giữ mình khỏi mọi
thứ tham lam” như thế, Kitô hữu mới có thể sống tinh thần của thành phần môn
đệ chứng nhân Chúa Kitô là trở nên một con người quốc tế, một con người theo
tinh thần yêu thương đại kết của bài Phúc Âm Chúa Nhật XV cách đây 3 tuần, ở
chỗ không đặt vấn đề chọn lựa trong việc yêu thương “ai là tha nhân của tôi”,
một tinh thần “không còn Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì,… nô lệ
hay tự do nữa. Trái lại, Chúa Kitô là mọi sự nơi tất cả anh em”.
Nếu đem hợp chung ba câu này lại với nhau: câu thứ nhất - “Các con đừng sợ, vì
Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con”; câu thứ hai: “Các con hãy
bán đi những cuœa các con có mà bố thí”; và câu thứ ba: “Hãy sắm cho các con
những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời”, chúng ta có thể
dịch nghĩa và ghép ý của cả ba câu này như sau: “Các con đừng sợ, vì Cha các
con đã vui lòng ban nước trời cho các con rồi, bởi thế, các con hãy trả cho
thế gian những gì thuộc về thế gian, hãy mặc kẻ chết chôn cho kẻ chết (x Lk
9:59), mà hãy tìm Nước Thiên Chúa trước (x Mt 6:33), chứ đừng bắt cá hai tay,
đừng cầm cầy lại còn quay trở lại (x Lk 9:62), còn luyến tiếc những gì không
thể nào làm thỏa mãn được tấm lòng đã được dựng nên cho Thiên Chúa của các
con, thì các con mới được hoàn toàn mãn nguyện, mới được kho báu trên trời khi
thực sự trở thành môn đệ của Thày (x Mt 19:21)”.