GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

 

__________________

 NGÀY 20 THỨ SÁU

  

 

Tòa Thánh Với Tình Hình Kitô Hữu Tại Iraq nói riêng và nhân dân Iraq nói chung


Một viên chức trong chính quyền Iraq là ông Pascale Icho Warda, bộ trưởng tản cư và di dân đã cho biết có khoảng 40 ngàn Kitô hữu đã rời bỏ Iraq “vì tình trạng bất an ninh và những cuộc tấn công gần đây vào các nhà thờ ở Bagdad và Mosul hai tuần trước đây”. Hậu quả của những cuộc tấn công này (4 ở Baghdad và 2 ở Mosul) làm cho 10 người tử thương và 50 người bị thương vào đầu tháng 8/2004. Kitô hữu có 700 ngàn người trong tổng số 24 triệu dân Iraq.

 

Hôm 2/8, ĐTC GPII đã gửi điệp văn cho ĐTGM Emmanuel III Delly, thượng phụ ở Babylon thuộc lễ nghi Chaldeans và là chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Iraq, với những lời lẽ như sau: “Trong lúc thử thách này, tinh thần của Tôi gần gũi với Giáo Hội và xã hội Iraq, và Tôi lập lại mối liên kết gắn bó chân thành của Tôi với các vị mục tử và tín hữu”. Ngài hứa nguyện cầu và “liên lỉ dấn thân” để “bầu khí hòa bình và hòa giải được thiết lập nơi quê hương dấu yêu này sớm bao nhiêu có thể”.


Ngoài ra, Tòa Thánh đã công khai cho biết Tòa Thánh sẵn sàng điều đình để giải quyết vấn đề Najaf, thành thánh của phái Hồi Giáo Shiite ở Iraq.


Thật vậy, hôm Thứ Hai 16/8/2004, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Ý là GR RAI, ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã cho biết rằng “nếu được yêu cầu, Đức Giáo Hoàng sẽ cho phép thực hiện vai trò điều đình này”. Theo vịHồng Y này thì “mục tiêu đó là làm sao cho tất cả mọi phía ngồi xuống nói chuyện với nhau”.


“Tất cả nỗ lực của ĐGH và của Tòa Thánh đó là nỗ lực điều đình, mặc dù không phải bao giờ cũng theo nghĩa về kỹ thuật, một điều đình theo luật lệ quốc tế, một điều đình chỉ có thể do quốc gia yêu cầu”.


“Thế nhưng vẫn có một kiểu điều đình khác gần hơn với những gì chúng ta có thể gọi là ‘vai trò thiện chí’. Nó là một hành động cụ thể của việc điều đình, nhắm mục đích khuyến khích cho mọi phe nói chuyện với nhau. Chúng tôi bao giờ cũng sẵn sàng thực hiện hành động này. Đức Giáo Hoàng chắc chắn không do dự về vấn đề ấy… Những hành động sát hại cứ xẩy ra trong những tháng này là những gì hổ ngươi cho Hồi Giáo cũng như cho nhân dân Iraq cao quí. Chúng tôi kêu gọi hãy tôn trọng đặc tính linh thánh của thành phố này, đồng thời chúng tôi cũng lên án tất cả mọi hình thức bạo động”.

 

Vị giáo sĩ cấp tiến của phái Hồi Giáo Shiite là Muqtada al-Sadr và khoảng 800 nam nhân đã tử thủ trong ngôi đền của vị Trưởng Giáo Ali Ben Taleb từ hôm Chúa Nhật 15/8/2004. Đó là lúc lực lượng Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của cảnh sát Iraq, thực hiện một cuộc tấn công vào những cơ sở chính của thành phần dân quân ở Najaf, khoảng 200 cây số (hay 125 dặm) về phíc nam của thủ đô Baghdad.


Hội Đồng Quốc Gia Iraq kêu gọi Muqtada al-Sadr hãy từ bỏ cuộc chiến đấu này. Tòa Thánh cũng kêu gọi vị giáo sĩ này hãy tỏ ra thiện chí hòa bình. Đó là lý do trong ngày Thứ Ba 17/8/2004, phát ngôn viên của vị giáo sĩ này ở Najaf là Ajmed al-Shaibany đã nói: “Chúng tôi vui mừng nhận được ý kiến của Đức Giáo Hoàng ở Vatican, nên chúng tôi xin ngài hãy can thiệp để giải quyết tình trạng khủng hoảng này”.


Cha Ciro Benedettini, phụ tá giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh, đã xác nhận rằng: “Tòa Thánh bao giờ cũng sẵn sàng hỗ trợ đôi bên hầu họ có thể nói chuyện và trao đổi với nhau, miễn là họ thực sự có ý muốn thực hiện những đường lối hòa bình để giải quyết những thứ xung khắc”.


“Như được thấy thì vị khâm sứ tòa thánh ở Baghdad trước hết đang theo dõi tình hình diễn tiến và vị Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Vatican tiếp tục liên lạc với cả vị khâm sứ lẫn vị thượng phụ lễ nghi Chaldean cùng hội đồng giám mục nước này”.


Đức Khâm Sứ Tòa Thánh ở Baghdad là ĐTGM Fernando Filoni nói với thông tấn AsiaNews rằng hiện nay “không thể tiên đoán được gì hết; cần phải chờ xem những gì sẽ xẩy ra thôi. Nếu (giáo sĩ al-Sadr) tỏ thiện chí muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này thì chúng ta phải chấp nhận nó, nhưng thật là luống công vô ích tiên đoán này nọ cho đến khi vị này làm sáng tỏ ý đồ thực sự của mình”.

 

Vị khâm sứ tòa thánh ở Iraq là ĐTGM Fernando Filoni này cũng đã nhận định về lời loan báo của ông bộ trưởng Tản Cư và Di Dân Pascale Isho Wardo về 40 ngàn Kitô hữu đã rời bỏ Iraq từ đầu Tháng 8/2004 bởi những cuộc tấn công vào các nhà thờ của họ. Ngài đã cho hãng thông tấn AsiaNews biết rằng:


“Tôi không thể thừa nhận hay phủ nhận con số ấy, thế nhưng chúng có lẽ thật sự là cao đó. Những cuộc nghiên cứu ở đây được thẩm lượng theo các gia đình chứ không phải theo cá nhân. Chúng tôi biết rằng có những gia đình ra đi lìa bỏ nhà cửa và công ăn việc làm của họ. Các vị linh mục coi xứ cũng nói cho chúng tôi biết rằng các gia đình thuộc giáo xứ của các vị cũng đang bỏ đi, nhưng chúng tôi không biết rằng con số ấy có hợp với sự thật hay chăng”.


Theo vị khâm sứ này thì cuộc xung đột ở Iraq ảnh hưởng tới toàn thể dân chúng, “chứ không riêng gì Kitô hữu. Điều đầu tiên cần phải hy vọng đó là cơ hội tái thiết lập cuộc sống chung và tình trạng an ninh hơn nữa cho tất cả thành phần dân sự. Một yếu tố khác cũng không được coi thường đó là nhu cầu công ăn việc làm để có thể mưu sinh cho gia đình”. Vấn đề chính đó là làm sao để mọi giới nhập cuộc ở Iraq bảo đảm được tình trạng củng cố và yên hàn: “Nếu bắt đầu muốn thì mọi sự mới dễ dàng thành đạt”.

 

Các vị chủ tịch của Tiểu Ban Giao Liên Hồi Giáo Và Công Giáo, giáo sư Hamid Bin Ahmad Al-Rifaie, chủ tịch Diễn Đàn Đối Thoại Hồi Giáo Quốc Tế trụ sở ở Saudi Arabia, và ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn, đã ban hành một “Công Báo Chung Về Tình Hình Ở Iraq” sau 4 cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo ở Baghdad và hai cuộc tấn công ở Mosul trong đầu Tháng 8/2004, những cuộc tấn công gây thiệt mạng cho 10 người và bị thương cho 50 người.


“Chúng tôi mạnh mẽ lên án… những hành động khủng bố tiếp tục tệ hại diễn ra ở Iraq và là những hành động liên quan đến thành phần dân sự.


“Chúng tôi đặc biệt lên án những cuộc tấn công tự sát ở những nơi có những địa điểm thờ phượng, phạm đến cả những người Hồi Giáo và Kitô Hữu tập trung để làm việc phụng thờ.


“Những hành động bạo lực mù quáng như thế phạm đến danh thánh của Thiên Chúa cũng như đến đạo giáo đích thực. Chúng cho thấy cả một sự hiểu lầm về lịch sử và văn hóa của xứ sở bị thử thách xâu xé này. Chúng là một mối đe dọa trầm trọng cho việc chung sống hòa bình cũng như cho việc phát triển xuôi chảy của xã hội Iraq.

 

“Chúng tôi thành thực hy vọng rằng, nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa Toàn Năng và Nhân Hậu, nhân dân Iraq cuối cùng có thể hoan hưởng tặng ân hòa bình, trong một bầu không khí tương kính và hợp tác thực sự nơi tất cả mọi người công dân thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào của mình”.

 

story.mehdi.fighter.jpg

Thành phần dân quân trung thành với giáo sĩ al-Sadr đã ra mặt đương đầu với lực lượng Hoa Kỳ và Iraq ở Najaf từ ngày 5/8/2004. Hôm Thứ Ba, 17/8, máy bay Hoa Kỳ đã dội bom một nghĩa trang lớn gần thành Najaf trong cuộc chiến đấu càng leo thang với nhóm dân quân này.


Hôm Thứ Tư 18/8, vị giáo sĩ này tuyên bố thành phần dân quân của ông sẽ rời Đền Giáo Trưởng Ali, sau khi nhận được lời đe dọa của chính quyền Iraq về việc “giải phóng” khu thánh ở Najaf. Thật thế, trong một bức thư gửi từ văn phòng của mình ở Baghdad, vị giáo sĩ này cho biết ông đồng ý với những đòi hỏi tối Thứ Ba 17/8 của phái đoàn đại biểu thuộc Hội Đồng Quốc Gia Iraq là ông cùng lực lượng của ông phải rời ngôi đền này, giải tỏa Quân Đội Mehdi của ông và “tham dự vào tiến trình chính trị chính thức”.


Những vị đại biểu của hội đồng đến họp ở thủ đô Baghdad tỏ ra vui mừng nhận được bức thư hồi báo này, tuy nhiên, vấn đề liền được đặt ra là bao giờ mới là hạn chót để nhóm này rút quân. Bức thư này chỉ xẩy ra sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng của chính phủ lâm thời Iraq là Hazem Sha’alan cho biết chính quyền đã sẵn sàng thực hiện một cuộc hành quân để “giải phóng đền thờ này” cũng như để tái chiếm Najaf “cho khỏi bọn đánh mướn”. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nói tiếng Ả Rập Al-Arabiya, vị bộ trưởng này cho biết lính Iraq sẽ càn quyét thành này bằng một “trận chiến quyết liệt”.


Tổng số thiệt mạng của Hoa Kỳ từ đầu tới 18/8/2004 lên tới 946, và Hiệp Vương Quốc mất 65 mạng.

 

77 dead in Najaf mosque battle

Tuy nhiên, tin tức mới nhất cho biết, đêm Thứ Năm 19/6/2004 rạng ngày Thứ Sáu 20/8/2004 đã xẩy ra một trận đụng độ nẩy lửa. Hậu quả theo bộ y tế cho biết có 77 người bị thiệt mạng (trong đó có 6 cảnh sát viên) và 70 bị thương. Vị giáo sĩ tử thủ bên trong Ðền của Giáo Trưởng Ali không chịu điều đình với lệnh tối hậu của chính phủ lâm thời, mà chỉ muốn nói chuyện với phái đoàn đại biểu của Hội Ðồng Quốc Gia Iraq mà thôi. Có cả nhiều ngàn dân quân của vị giáo sĩ này tử thủ trong ngôi đền ấy, bao gồm cả đàn bà con nít, nhiều người tỏ ra hân hoan vui sướng. Những phóng viên báo chí lọt được vào trong ngôi đền này được Mehdi Army của vị giáo sĩ niềm nở chào đón và cho biết "Chúng tôi sẽ không chịu buông súng!".