GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

 

__________________

 NGÀY 24 THỨ BA

  

Không phải những gì có thể về kỹ thuật đều khả chấp về luân lý


ĐTC gửi sứ điệp cho Cuộc Họp lần 25 của Tổ Chức Tình Thân Hữu Nơi Các Dân Tộc


Cuộc Họp lần thứ 25 của Tổ Chức Tình Thân Hữu Nơi Các Dân Tộc, được khai mạc hôm Chúa Nhật 22/8/2004 và kết thúc vào Thứ Bảy 28/8, ở Rimini, Ý quốc. Cuộc họp như thế này được tổ chức năm ngoái đã thu hút được 700 ngàn người tham dự. Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng của Tòa Thánh đứng ra tổ chức cuộc họp này năm 2004. Sau đây là nguyên văn sứ điệp của Ngài.


Huynh Khả Kính
Đức Ông Mariano de Nicolo,
Giám Mục giáo phận Rimini

1.     Tôi hân hoan gửi những lời chúc tốt đẹp của Tôi đến huynh, những người phát động, cùng tất cả những ai tham dự vào Cuộc Họp Tình Thân Hữu Giữa Các Dân Tộc này.

Biến cố truyền thống này, một biến cố làm sinh động và phong phú nội dung cho mùa hè của người Ý, đạt đến lần thứ 25 trong năm nay. Nó là mục tiêu quan trọng được gồm tóm trong chiều hướng cử hành việc thành lập 50 năm của tổ chức “Hiệp Thông và Giải Phóng”, một Phong Trào thuộc giáo hội phát xuất từ lòng nhiệt thành linh mục của Đức Ông Luigi Giussani, hai biến cố quan trọng làm sáng tỏ lẫn nhau.

Đề tài được chọn cho Cuộc Họp này kích thích việc suy nghĩ về những vấn đề nhức nhối đang làm con người hôm nay đây cảm thấy hết sức day dứt. Thật vậy, chúng được sáng tỏ nhiều bởi nhận thức được rằng “việc tiến bộ của chúng ta không phải ở tại nghĩ rằng mình đã đạt tới mà là ở việc liên tục hướng về đích điểm”.

2.     Thật thế, chúng ta nhận thấy rõ ràng là “sự tiến bộ về kỹ thuật ngày nay làm cho con người cảm thấy mình quyền lực” (“Gaudium et Spes”, 20).


Thế nên, cái mạnh mẽ đặc biệt ở đây đó là khuynh hướng cho rằng việc làm của con người tự nó có thể biện minh cho những mục tiêu của nó. Thành quả đạt được ở một số lãnh vực về khoa học và kỹ thuật xuất phát từ nhiều thứ lý lẽ và tự vệ được coi là ưu tiên. Bởi vậy con người đã đi đến chỗ cho rằng những gì có thể làm được về kỹ thuật thì tự chúng cũng là những gì tốt lành về luân thường đạo lý.


Theo ý nghĩ này thì chính vì sự tiến bộ nơi kiến thức khoa học và phương tiện kỹ thuật sẵn có trong tầm tay con người là cái đẩy xa hơn những giới hạn giữa những gì có thể “làm” và những gì chưa có thể làm, mà sự tiến bộ ấy cũng sẽ tiến đến chỗ bị đẩy đến chỗ vô định cái giới hạn giữa những gì là chính đáng và những gì là bất chính. Theo quan điểm như thế thì sự tiến bộ sẽ trở thành một giá trị tuyệt đối, cho dù tự nó có là nguồn mạch của hết mọi thứ giá trị đi nữa. Chân lý và công lý không còn là những gì chủ yếu, tiêu chuẩn về công lý mà con người cần phải theo trong việc tác hành chi phối cả chính sự tiến bộ lại trở thành một sản phẩm của việc họ hoạt động nghiên cứu cũng như việc họ lèo lái thực tại.


Không ai lại không thấy rằng những hậu quả thảm thê và tàn hại của thứ khuynh hướng duy thực dụng này, một thứ duy thực dụng coi chân lý và công lý như là một cái gì đó được hình thành bởi hoạt động của chính con người. Chỉ cần nhắc đến một trường hợp điển hình đó là việc con người nỗ lực chiếm lấy các nguồn mạch sự sống làm của riêng mình bằng những thứ thí nghiệm tạo sinh sao bản con người. Ở đây cho thấy rõ ràng cái giả tưởng liên quan đến đầu đề của Cuộc Họp này: đó là vấn đề vi phạm đang được con người cố gắng chiếm hữu những gì là chân thật và chân chính, bằng cách giảm chúng xuống thành những thứ giá trị mà họ có thể tự do sử dụng, tức là, bằng việc không nhìn nhận bất cứ một loại giới hạn nào, trừ những giới hạn gắn liền với và liên tục tiến triển theo khả năng hoạt động về kỹ thuật.


3.     Đường lối Chúa Kitô dạy thì lại khác hẳn, đó là đường lối tôn trọng con người, một con người mà thoạt tiên hết mọi phương pháp nghiên cứu phải lưu ý để thấy được sự thật nơi con người để rồi phục vụ họ, chứ không phải léo lái họ theo một thứ dự định có những lúc được cho rằng cao ngạo như thể ngon lành hơn cả dự án của chính Đấng Hóa Công.


Đối với Kitô giáo thì mầu nhiệm hiện hữu là những gì sâu xa đến nỗi việc nghiên cứu của con người không thể nào thấu suốt nổi. Thế nhưng, con người, cho mình là thần Prometheus, tự đặt mình làm chủ sự thiện và sự dữ, biến sự tiến bộ thành một lý tưởng trên hết của mình để rồi bị nó nghiền nát. Thế kỷ vừa qua, với những ý hệ đáng thương chi phối lịch sử thê thảm của thế kỷ này và những cuộc chiến tranh ghi đậm dấu vết nơi thế kỷ ấy, trước mắt tất cả mọi người đều cho thấy những gì làm nên hậu quả của một thứ giả tưởng ấy.


Đề tài của Cuộc Họp ở Rimini đây kêu gọi con người hãy khâm phục nhìn lên Đấng Hóa Công về vẻ đẹp và cái hợp lý của những gì Ngài đã xếp định và bảo hữu. Chỉ có tấm lòng khiêm nhượng ấy trước cái cao cả và huyền nhiệm của thiên nhiên tạo vật mới có thể cứu con người khỏi những hậu quả tàn hại gây ra bởi cái cao ngạo của họ mà thôi.


Tôi thành thực ước mong sao cho Cuộc Họp này sẽ góp phần vào việc nuôi dưỡng thái độ khiêm nhượng này trước những kho tàng được Đấng Hóa Công bày tỏ đầy giẫy trong vũ trụ phản ảnh đức khôn ngoan của Ngài, hầu những ai tin tưởng có thể rút tỉa được từ việc chiêm ngưỡng của mình những lý do sáng tỏ và an ủi mới hơn bao giờ hết trong việc hằng ngày đụng độ với những vấn đề phát hiện từ cuộc sống.


Với mục đích ấy, Tôi hứa sẽ nhớ cầu nguyện cho mọi người và gửi phép lành đặc biệt đến cho mọi người.


Tại Castel Gandolfo, 6/8/2004


Gioan Phaolô II
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 23/8/2004