GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

 

__________________

 NGÀY 26 THỨ NĂM

  

Bức Ảnh Trinh Nữ Kazan của Giáo Hội Chính Thống Nga:
“Mẹ của niềm hiệp nhất và yêu thương”


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch từ Zenit

1) Ý Định Hoàn Trả Và Sơ Lược Về Bức Ảnh Lịch Sử


Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính thức thông báo trong huấn từ truyền tin Chúa Nhật 22/8/2004 thì Ngài sẽ trả Bức Ảnh Trinh Nữ Kazan lại cho Giáo Hội Chính Thống Nga, nhưng trước đó, Bức Ảnh này sẽ được trưng bày để biệt tôn Mẹ vào ngày Triều Kiến Chung Thứ Tư hằng tuần 25/8/2004 tại Vatican. Sau đây là nguyên văn lời của Ngài:


“Tôi mời anh chị em hãy cùng Tôi hướng về Đức Trinh Nữ Maria được tôn kính với danh hiệu Mẹ Thiên Chúa ở Kazan. Bức Ảnh của Mẹ, ra khỏi Nước Nga vào thập niên 1920 ở thế kỷ trước đây, sau khi ở các nơi khác nhau trong một thời gian dài, đã đến căn buồng của Vị Giáo Hoàng này mấy năm trước đây, và từ đó, đã nhìn thấy công việc hằng ngày của ngài. Giờ đây Tôi hân hoan thông báo rằng sẽ có một phái đoàn đại biểu đặc biệt mang bức ảnh rất yêu dấu này đến Đức Alexy II, vị thượng phụ ở Moscow cũng như của Toàn Nước Nga.


“Thứ Tư tới, 25/8, trong buổi triều kiến chung, chúng tôi sẽ cùng với tín hữu suy niệm trước bức tượng này. Từ nay trở đi chúng tôi ký thác cho Mẹ Maria, Mẹ của niềm hiệp nhất và yêu thương, những lời nguyện cầu của chúng ta cho thiện ích của Giáo Hội cũng như của toàn thể gia đình nhân loại”.


Theo chương trình ấn định thì vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày Thứ Tư 25/8/2004, ĐTC sẽ chủ sự Cuộc Cử Hành Lời Chúa để tôn kính và hoàn trả bức ảnh Mẹ Thiên Chúa Kazan. Sau đó ĐTC trao bức ảnh cho ĐHY Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Vấn Đề Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, là trưởng phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh mang bức ảnh này sang Nga trao cho Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Nga ở Moscow là Alexy II vào Ngày Thứ Bảy 28/8, ngày Giáo Hội Chính Thống cử hành Lễ Mẹ Sinh Thì.


Ngoài ra, vào Ngày Thứ Năm, 26/8/2004, tín hữu cũng đến Đền Thờ Thánh Phêrô để tôn kính bức ảnh này. Vào lúc 9 giờ sáng, ĐTGM Leonardo Sandri, thay cho ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, chủ tọa buổi nguyện Kinh Phụng Vụ Ban Mai, và vào lúc 5 giờ chiều, ĐHY Kasper chủ sự Thánh Lễ.


Hôm 11/7/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh đã cho biết là ĐTC “hy vọng rằng cuộc hành hương Rôma của Vị Trinh Nữ Kazan sẽ góp phần vào mối hiệp nhất mong chờ giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Giáo”.


Các chuyên viên Nga, như được tờ nhật báo Ý Avvenire cho biết, nói rằng bức ảnh này có thể là sao bản quan trọng nhất của những bức ảnh hiện nay, sau khi bức ảnh nguyên thủy bị các tay trộm cướp phá hủy vào năm 1904. Những chuyên gia ấy cũng tin rằng bức ảnh được trao trả này là bản được Czar Peter the Great đặt vẽ vào thế kỷ 18 cho vương cung thánh đường Saint Petersburg. Bức ảnh ấy được mang ra khỏi Nga vào năm 1917, cuối cuộc cách mạng Tháng Mười.


Nó tái xuất hiện ở Hiệp Chủng Quốc vào thập niên 1970, qua những cuộc đấu giá quốc tế. Sau đó nó đã được Đạo Binh Xanh mua rồi đặt ở nguyện đường Fatima, sau cùng đã được biếu tặng Đức Giáo Hoàng vào năm 1993. Từ đó ĐTC đã giữ bức ảnh này ở nguyện đường cư gia của Ngài, chờ đợi cơ hội gặp gỡ Đức Thượng Phụ Alexy II để trao trả cho vị thượng phụ giáo chủ được coi như nguyên chủ này.


Về phần mình, chính phủ Nga thấy nơi việc hoàn trả bức ảnh này là cơ hội để cổ võ mối hiệp nhất quốc gia được Tổng Thống Vladimir Putin kêu gọi, như tờ nhật báo Ý Avvenire cho biết.


Hôm 13/8/2004, truyền hình Nga đã trình chiếu cảnh Tổng Thống Putin viếng thăm Đức Thượng Phụ ở Moscow là Alexy II, vị đã nằm nhà thương để được trị bệnh. Những ai coi truyền hình đều nghe thấy rằng vào “ngày 28/8 một lễ nghi sẽ diễn ra vào dịp hoàn trả bức ảnh ‘cũ’ Mẹ Kazan. Bức Ảnh được Tổng Thống nhìn thấy ở Rôma”, trong cuộc viếng thăm ĐTC vào Tháng 11/2003. “Phải, đúng thế, tôi đã nhìn thấy bức ảnh ấy”, Tổng Thống Putin đáp nhận.

2) Lễ Nghi Tôn Kính và Bái Biệt Bức Ảnh


Thật vậy, vào ngày Thứ Tư 25/8/2004, trong buổi triều kiến chung hằng tuần, ĐTC đã chủ sự phần Phụng Vụ Lời Chúa ở Sảnh Đường Phaolô VI, với sự hiện diện của 7 ngàn người. Bức Ảnh này, với chiếc khăn quàng bằng vàng, trong khi ca đoàn Đại Học Tòa Thánh Nước Nga hát Kinh Cầu Đức Bà, được một vị phó tế cung nghinh ra theo lối giữa của sảnh đường, đi tới đâu tín hữu có thể giơ tay sờ chạm tới đó.


Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, mặc chiếc áo choàng đỏ, có vẻ khỏe mạnh, nói với ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Vấn Đề Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, hãy hoàn trả bức ảnh này “cho người anh em của chúng ta là Thượng Phụ Alexy II, và qua vị này cho Giáo Hội Chính Thống Nga cùng toàn thể nhân dân Nga”.


Ngài cũng viết lời nguyện cầu cùng Mẹ Thiên Chúa Kazan bằng tiếng Nga, và trước khi từ giã bức ảnh ấy, Ngài còn giảng một bài nữa. Sau đây là nguyên văn lời nguyện và bài giảng của Ngài.


Lời Nguyện Trước Bức Ảnh Trinh Nữ Kazan


Hỡi Người Mẹ hiển vinh của Chúa Giêsu, Vị “đi trước dân Chúa trên con đường đức tin, đức mến và hiệp nhất với Chúa Kitô” (xem Lumen Gentium, 63), Mẹ được diễm phúc! Tất cả mọi thế hệ sẽ chúc tụng Mẹ diễm phúc, “vì Đấng toàn năng đã làm nơi Mẹ những điều cao trọng vì danh Ngài là thánh” (xem Lk 1:48-49).


Ôi Mẹ, đáng chúc tụng và tôn vinh nơi bức ảnh Kazan của Mẹ, một bức ảnh qua nhiều thế kỷ đã được tín hữu Chính Thống bày tỏ đầy lòng tôn kính và mến yêu, Mẹ đã trở thành vị phù hộ và chứng nhân về những việc đặc biệt Thiên Chúa làm trong lịch sử của nhân dân Nga rất thân yêu của tất cả chúng con.


Đấng Quan Phòng Thần Linh, Đấng quyền năng khống chế sự dữ và tạo được sự thiện thậm chí từ chính những công việc xấu xa của con người, đã làm cho bức ảnh thánh này, bị biến mất vào những thời xa xưa, lại tái xuất hiện ở Đền Thánh Mẫu Fatima Bồ Đào Nha. Sau đó, theo ý muốn của những người sùng kính Mẹ, bức ảnh này đã được giữ ở nhà của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô.


Lạy Mẹ của dân Chính Thống Giáo, sự hiện diện của bức ảnh thánh Kazan của Mẹ ở Rôma là những gì nói cho chúng con về một mối hiệp nhất sâu xa giữa Đông và Tây, một mối hiệp nhất kéo dài trong thời gian, bất chấp những chia rẽ theo giòng lịch sử cùng với những lỗi lầm của con người. Giờ đây, Ôi Vị Trinh Nữ, chúng con xin dâng lên Mẹ lời nguyện cầu hết sức thiết tha của chúng con trong khi chúng con giã biệt bức ảnh cảm kích này. Con tim của chúng con sẽ theo Mẹ trên con đường Mẹ trở về với Nước Nga thánh hảo.


Xin Mẹ khứng nhận lời chúc tụng và tôn vinh do dân Chúa ở Rôma dâng lên Mẹ.


Ôi Mẹ diễm phúc hơn mọi người nữ, khi tôn kính ảnh Mẹ nơi thành đô vấy máu của Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô đây, Vị Giám Mục Rôma xin liên kết mình một cách thiêng liêng với người anh em của mình trong thừa tác vụ giáo phẩm, vị là thượng phụ giáo chủ của Giáo Hội Chính Thống Nga. Và Vị Giám Mục Rôma này xin Mẹ, Lạy Mẹ Thánh, hãy chuyển cầu cho việc mau chóng đến thời điểm trọn vẹn hiệp nhất giữa Đông và Tây, thơiụi điểm hoàn toàn hiệp thông của tất cả mọi Kitô hữu.


Ôi Nữ Trinh vinh hiển, Ôi Đức Mẹ, Ôi Đấng Cầu Bầu và là Đấng Ủi An, xin hãy giải hòa chúng con với Con của Mẹ, hãy ký thác chúng con cho Con Mẹ, hãy hiến dâng chúng con cho Con Mẹ! Amen.


Bài Giảng Giã Biệt Bức Ảnh Trinh Nữ Kazan


Anh Chị Em thân mến,


1.     Như Tôi đã loan báo hôm Chúa Nhật vừa rồi, cuộc gặp gỡ hằng tuần theo truyền thống của chúng ta hôm nay được mặc một hình thức đặc biệt. Thật vậy, chúng ta thấy mình qui tụ lại để nguyện cầu quanh bức ảnh đáng kính của Mẹ Thiên Chúa Kazan, một bức ảnh sắp sửa lên đường về Nga là nơi bức ảnh ấy đã rời bỏ nhiều năm trước đây.


Sau khi đã du hành qua nhiều quốc gia khác nhau và ở một thời gian lâu tại Đền Thánh Mẫu Fatima Bồ Đào Nha, hơn 10 năm nay, theo sự quan phòng thần linh, bức ảnh ấy đã đến cư gia của Vị Giáo Hoàng này. Từ đó, bức ảnh ấy đã ở bên cạnh Tôi và dõi theo Tôi bằng ánh mắt từ mẫu khi Tôi hằng ngày phục vụ Giáo Hội.


Từ ngày đó, bao nhiêu lần Tôi đã kêu cầu Mẹ Thiên Chúa Kazan, xin Mẹ bảo vệ và hướng dẫn nhân dân Nga là những người sùng mộ Mẹ, và hãy làm cho mau chóng đến lúc tất cả mọi người môn đệ của Con Mẹ, bằng việc nhận biết nhau là anh em, có thể phục hồi trọn vẹn mối hiệp nhất đã bị mất đi.


2.     Từ ban đầu Tôi đã mong ước rằng bức ảnh thánh này được trở về với mảnh đất Nga Sô, nơi mà, theo những chứng từ lịch sử khả tín, bức ảnh ấy đã trở thành đối tượng sùng kính sâu xa của hết mọi thế hệ tín hữu. Lịch sử của nhân dân cao cả này đã phát triển chung quanh bức ảnh Mẹ Thiên Chúa Kazan này.


Nga Sô vốn từng là một quốc gia Kitô giáo qua nhiều thế kỷ, quốc gia này là một Nước Nga Thánh. Ngay cả lúc các quyền lực địch thù dữ dội chống lại Giáo Hội và cố gắng loại trừ ra khỏi cuộc sống con người thánh danh Thiên Chúa, dân tộc này vẫn là thành phần Kitô hữu vững mạnh, chứng tỏ bằng máu lòng trung thành của mình với Phúc Âm cũng như với những giá trị theo tinh thần Phúc Âm.


Chính vì thế, thật là cảm kích, Tôi cùng với anh chị em dâng lời tạ ơn Đấng Quan Phòng Thần Linh cho Tôi có cơ hội để gửi đến vị thượng phụ khả kính ở Moscow cũng như của Toàn Dân Nga bức ảnh tặng vật thánh này.


3.     Chớ gì hình ảnh cổ kính Mẹ Thiên Chúa này là những gì bày tỏ cho Đức Alexy II cũng như cho Hội Đồng Giáo Hội Chính Thống Nga đáng kính niềm cảm mến của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô đối với các ngài cùng toàn thể tín hữu được trao phó cho các ngài. Chớ gì bức ảnh ấy biểu lộ niềm ngưỡng mộ của vị thừa kế này trước truyền thống thiêng liêng cao cả được Giáo Hội Thánh Nước Nga nắm giữ. Chớ gì bức ảnh này bày tỏ niềm mong ước và ý hướng mạnh mẽ của vị Giáo Hoàng Rôma trong việc cùng với các ngài tiến bước trên con đường tương kiến và hòa giải, trong việc làm cho mau chóng đến ngày trọn vẹn hiệp nhất của các tín hữu như Chúa Giêsu tha thiết nguyện cầu (xem Jn 17:20-22).


Anh Chị Em thân mến, xin hãy hiệp cùng Tôi để kêu cầu việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria trong khi Tôi trao bức ảnh của Người cho phái đoàn đại biểu để nhân danh Tôi mang bức ảnh ấy sang Moscow.

3) Phái Đoàn Đại Biểu và Tình Hình Cởi Mở


Phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh mang bức ảnh Trinh Nữ Kazan hoàn trả cho Giáo Hội Chính Thống Nga bao gồm ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Viện Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo; ĐHY Theodore McCarrick, TGM Washington, vì Đạo Binh Xanh thuộc TGM của ngài trước đây đã mua lại bức ảnh này từ cuộc bán đấu giá; các ĐGM Brian Farrell và Renato Boccardo là những vị đương kim thư ký của hai hội đồng của Tòa Thánh đặc trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo và Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội; và vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls. Ngoài ra còn có các vị linh mục như cha Jozef Maj, một phần tử thuộc Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, cha Enzo Bianchi, đan viện trưởng Đan Viện Bose ở Ý, và vị sáng lập Cộng Đồng Sant’Egidio là Andrea Riccardi. Cha Bianchi và vị sáng lập Riccardi đang tích cực tham dự vào việc cổ võ liên hệ huynh đệ giữa những người Công Giáo và Chính Thống Nga. Khi tới Nga, phái đoàn đại biểu này còn có thêm hai vị nữa, đó là ĐTGM Tadeusz Kondrusiewicz, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga, và ĐTGM Antonio Mennini, đại diện Tòa Thánh ở Liên Bang Nga.


Xin nhớ rằng Giáo Hội Chính Thống Nga không chấp nhận việc, nói đúng hơn, hết sức bất mãn về việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập thêm 4 giáo phận mới ở lãnh thổ Nga cũng là lãnh thổ của Giáo Hội Chính Thống Nga vào Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2002. Đó là Tổng Giáo Phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow, dưới quyền lãnh đạo của TGM Tadeusz Kondrusiewicz; Giáo Phận Thánh Clêmentê ở Saratow, được cai quản bởi GM Clemens Pickel; Giáo Phận Chúa Kitô Biến Hình ở Novosibirsk, được cai quản bởi GM Joseph Werth; và Giáo Phận Thánh Giuse ở Irketsk, được cai quản bởi GM Jerzy Mazur. Vị giám mục cuối cùng này bị chính quyền bất ngờ trục xuất vào tháng 4/2002, sau đó vị này đã được ĐTC bổ nhiệm chăn dắt địa phận Elk ở Balan, còn giáo phận mới của ngài ở Nga đã được Đức Thánh Cha vào tháng 4/2003 cắt cử Đức Ông Cyril Klimowicz làm giám quản tạm thời thay thế.


Thế nhưng, vào ngày 23/8/2004, vị giám mục 43 tuổi Clemens Pickel đã cho Đài Phát Thanh Vatican ngành nói tiếng Đức biết rằng: “Giờ đây chúng tôi co ù quyền mang các khách khứa từ hải ngoại vào để xây dựng các cơ sở hay nhà thờ. Chúng tôi như thế đã trở thành một con người theo pháp lý”. Thật vậy, như vị giám mục này cho biết thì “Cho đến thời gian gần đây, ngay cả ở Saratov này đi nữa, nơi tôi đã sống một thời gian dài, thế mà dân chúng vẫn nói rằng: ‘Chúng tôi biết Clemens Pickel, ông ta có ghi danh trong sổ bộ của chúng tôi với tư cách là vị linh mục coi xứ ở thành phố Marx, thế nhưng chúng tôi không biết người nào đó là Giám Mục Pickel cả!’ Nói như thế họ muốn cho tôi thấy rằng trên thực tế chính thức tôi chẳng là ai hết”. Vị giám mục này cũng bày tỏ lòng mong ước được thấy hai giáo phận mới còn lại cũng được chính quyền Nga công nhận như của ngài. Phần Tổng Giáo Phận Mẹ Thiên Chúa ở thủ đô Moscow đã được công nhận cách đây hơn 1 năm.