GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 8/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.
__________________
NGÀY 27 THỨ SÁU |
Tại Sao Giáo Hội tỏ ra vô trách nhiệm đối với tình trạng kém phát triển về xã hội?
Ở Mỹ Châu Latinh, nơi hầu như toàn tòng Công Giáo, nơi vào thập niên 1970 đã phát xuất một thứ thần học mang danh Thần Học Giải Phóng, nay lại bị một số nhà lãnh đạo chính trị cho rằng Giáo Hội Công Giáo phải chịu trách nhiệm về tình trạng kém phát triển của 40% dân số. Lý do chính gây ra việc qui trách này cho Giáo Hội là vì giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến vấn đề ngừa thai, một vấn đề bị các phê bình gia cho là gây ra tình trạng đông dân và nghèo đói. Để tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề này, tờ nhật báo El Observador đã phỏng vấn ĐGM Mario de Gasperín giáo phận Queretaro như sau:
Vấn: Đâu là nguồn gốc của việc một số nhà lãnh đạo chính trị ở Mễ Tây Cơ cũng như ở Mỹ Châu Latinh cứ đổ lỗi cho Giáo Hội về tình trạng kém phát triển và nghèo đói ở nhiều phần lớn trong dân chúng?
Đáp: Tôi nghĩ rằng đó nó là một sự thiếu hiểu biết. Những cuộc tấn công này hầu hết không có nền tảng thực sự, vì chúng tránh né cái cốt lõi nơi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, cái cốt lõi này không là gì khác ngoài việc bênh vực phẩm giá con người, của hết mọi con người.
Giáo Hội không chống lại việc phát triển; những gì Giáo Hội thực sự làm đó là bênh vực sự sống con người qua tất cả mọi hình thức của nó, từ khi nó được hoài thai cho đến lúc tự nhiên qua đi.
Vấn: Tuy nhiên, cái nhãn hiệu “có lỗi” cứ tiếp tục xoắn lấy Giáo Hội bơiũi các chính trị gia là thành phần thậm chí lấy làm xót xa về việc Giáo Hội cứ tiếp tục “ở vào Thời Trung Cổ” đối với những vấn đề như việc ngừa thai.
Đáp: Đúng thế. Đó đúng là điều mà, ít là ở Mễ Tây Cơ, thường cho rằng tình trạng nghèo khổ xẩy ra là vì nạn sinh sản đông đúc. Vì Giáo Hội chống lại việc ngừa thai, bọc cao su làm tình và các phương pháp “kế hoạch hóa gia đình”, mà Giáo Hội có lỗi.
Thế nhưng, đó là một thứ giải thích sai lệch, một thứ đánh lạc hướng cho khỏi chú ý tới những lỗi lầm của chính các chính trị gia là thành phần trực tiếp chịu trách nhiệm về tình trạng kém phát triển, thiếu hiểu biết, thiếu dịch vụ về sức khỏe, tức là tình trạng nghèo khổ.
Vấn: Vấn đề đáng chú ý đó là nhiều người trong họ nói rằng họ là Công Giáo.
Đáp: Nếu họ là Công Giáo, thì họ phải biết đức tin của mình hơn nữa. Việc họ thiếu hiểu biết là ở chỗ họ cảm thấy họ có thể phát biểu một cách vô lý như vậy về một trong những sự thật đức tin của Giáo Hội, đó là sự sống con người là vấn đề bất khả thương lượng ở bất cứ trường hợp nào.
Sự kiện là, họ không nhận ra hay không muốn nhận ra vì coi thường, trong vấn đề này Giáo Hội đang tranh đấu cho con người; tranh đấu cho sự thật.
Sự thật của Chúa Kitô là sự thật về tính cách siêu việt của sự sống; nó không phải là một lý thuyết. Nó là một cuộc dấn thân rất cụ thể cho hết mọi con người, dù họ có là thành phần của Giáo Hội hay chăng.
Vấn: Đức Giám Mục muốn yêu cầu điều gì với những ai muốn ghép chủ trương của Giáo Hội về vấn đề ngừa thai với tình trạng nghèo khổ hay chăng?
Đáp: Trước hết họ cần hiểu biết chúng ta, họ biết chúng ta làm những gì, biết sự thật được mạc khải làm nên đức tin của chúng ta và những giá trị chúng ta bênh vực. Họ không làm thế là vì coi thường. Tôi muốn xin họ là trước hết họ hãy hiểu biết chúng tôi; … là họ hãy chấp nhận cái khó khăn trong việc tìm hiểu lý do bênh vực sự sống được Giáo Hội Công Giáo chủ trương.
Vấn: Đâu là nguồn gốc của thái độ coi thường và việc thiếu hiểu biết ấy?
Đáp: Ít là ở Mễ Tây Cơ có một thứ triết lý bị hư hoại tận căn gốc chỉ vì vẫn áp đặt chủ nghĩa tự do như là một thứ ý hệ về chính trị.
Vẫn hoàn toàn xẩy ra tình trạng thiếu hiểu biết về những thứ giá trị được Giáo Hội bênh vực, những giá trị mà, hơn thế nữa, còn gắn liền với nỗi ước mong của con người, với tâm can của họ.
Vẫn có những nỗ lực muốn xóa đi khía cạnh về xã hội và cộng thông của Giáo Hội; vì về lãnh vực xã hội thì những gì Giáo Hội ước muốn đó là việc hình thành một cộng đồng. Và không gì sinh lợi cho việc phát triển về kinh tế và xã hội hơn là việc làm và sự sống trong cộng đồng.
Vấn: Chúng ta vẫn có gia đình…
Đáp: Phải, đó là sự thật. Vấn đề ở đây là ngày nay gia đình dường như bị quốc gia cùng những cơ cấu tổ chức của nó bắt cóc. Họ bị bắt cóc trong vấn đề giáo dục, trong những thứ trò tiêu khiển, nơi vấn đề văn hóa. Họ bị bắt cóc nơi đời sống đức tin, về khía cạnh cộng thông và xã hội trong việc diễn đạt đức tin của mình.
Đây là một tai ương đang diễn tiến dưới chiêu bài tiến bộ. Thế nhưng, cái tiến bộ này là cái tiến bộ loại bỏ giá trị nồng cốt của sự sống; một thứ tiến bộ đo lường mọi sự theo việc tham gia thị trường hay theo ân huệ của quốc gia?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày Thứ Ba 24/8/2004
Dân Số Thuộc Thế Giới Kỹ Nghệ Hóa suy giảm vào năm 2050
Theo dữ kiện được Văn Phòng Đối Chiếu Về Dân Số tư nhân phổ biến hôm Thứ Ba 17/8/2004 thì trong khi dân số thế giới có thể được tăng lên gần 50% vào năm 2050, Nhật Bản lại có thể giảm 20%, Nga 17% và Đức 9% dân số của mình trong thời hạn này. Riêng Hoa Kỳ thì lại là trường hợp ngoại lệ nhất trong các nước tân tiến, vì dân số của quốc gia này có thể sẽ tăng 43%, từ 293 hiện nay tới 420 vào giữa thế kỷ 21, một phần là do thành phần già còn tồn tại (như các nước tân tiến khác) nhất là bởi thành phần di dân.
Carl Haub, tác giả của Bản Dữ Kiện Dân Số Thế Giới Năm 2004 của Văn Phòng Đối Chiếu Dân Số được phổ biến hôm Thứ Ba 17/8/2004, cho biết rằng dân số thế giới sẽ tăng gần 50% vào năm 2050, tức tới 9.2 tỉ người. Hầu như việc tăng dân số thế giới này phát xuất từ các nước đang phát triển, mặc dù các quốc gia kém phát triển thường có nhiều tỷ lệ cao bị nhiễm trùng liệt kháng HIV và hội chứng liệt kháng AID cũng như về tình trạng trẻ em chết yểu nhiều.
Trong khi dân số của các quốc gia phát triển tăng 4% tức lên tới khoảng 1.2 tỉ người thì dân số ở các quốc gia đang phát triển nhất là ở Á Châu và Phi Châu sẽ tăng 55% tức lên tới khoảng 8 tỉ. Trung Hoa hiện nay với con số 1.3 tỉ, đông nhất thế giới, sẽ tăng khoảng 10% tức lên tới 1.4 tỉ, thế nhưng con số tột đỉnh về dân số của quốc gia này có thể sẽ đạt tới vào năm 2025 rồi sau đó sẽ suy giảm dần. Bởi thế, vào năm 2050 Ấn Độ có thể sẽ qua mặt Trung Hoa về dân số, hiện nay với 1.1 tỉ sẽ tăng tới 1.6 tỉ vào giữa thế kỷ 21. Dân số Nigeria sẽ tăng gần gấp 3 lần lên tới con số 307 triệu, trong khi Bangladesh sẽ tăng gấp đôi tới con số 280 triệu.
Những gì được nghiên cứu ở đây của Văn Phòng Qui Chiếu Dân Số này được căn cứ vào các dữ kiện của các chính phủ, của Liên Hiệp Quốc và của Văn Phòng Kiểm Tra Dân Số Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, con số dự đoán theo chiều hướng hiện nay và quá khứ ấy có thể thay đổi tùy theo việc chữa trị hội chứng liệt kháng và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai và thực hiện các thứ kế hoạch hóa gia đình ở các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển.
Giáo Hội ở Á Châu chú trọng đến Đời Sống Gia Đình
Đại Hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC: Federation of Asian Bishops' Conferences) đã kết thúc với lời kêu gọi mạnh mẽ là hãy bênh vực và cổ võ các giá trị về gia đình. Cuộc Đại Hội lần này ở Daejon Nam Hàn có chủ đề “Gia Đình Á Châu Hướng Về Một Nền Văn Hóa Sự Sống”, với sự tham dự của 189 đại biểu và phái viên, trong đó có 92 vị giám mục (bao gồm cả 6 vị hồng y), và khoảng 100 vị linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngoài ra Đại Hội này còn có sự tham dự của hai vị đại diện Tòa Thánh là ĐTGM Robert Sarah, bí thư của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, và ĐHY Fumio Hamao, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Thành Phần Di Dân và Du Hành. Đại Hội được kết thúc hôm Thứ Hai 23/8/2004.
Trong diễn từ khai mạc Đại Hội, ĐTGM Sarah đã nói rằng “gia đình cần phải được coi là khởi điểm của hết mọi con người và kinh nghiệm Kitô giáo. Chính ở trong các ngôi nhà, ở nơi các gia đình mà chúng ta biết nói đến Thiên Chúa, đến Chúa Kitô và đến Thần Linh. Không có gia đình, đức tin và các giá trị về luân lý không có gốc rễ.
Vị TGM này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị truyền thống của hôn nhân và gia đình, bắt đầu với kinh nghiệm và văn hóa của các dân tộc Phi Châu và Á Châu. Thật vậy, nó là một di sản đang trải qua một cuộc khủng hoàng trầm trọng ở Tây Phương. Đúng thế, trong những quốc gia kỹ nghệ hóa, “các nhà lập pháp coi thường cái thiết yếu của việc hiệp nhất gia đình đối với phúc hạnh của xã hội”.
Bản văn gợi ý của Đại Hội này thôi thúc các vị giám mục hãy cổ võ gia đình bằng “cuộc hạ sinh của một nền văn hóa sự sống”.