GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 8/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.
__________________
NGÀY 29 CHÚA NHẬT |
BỮA TIỆC TINH THẦN
“Khi các ngươi dọn bữa trưa hay bữa tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc bạn bè giầu có. Không, khi các ngươi đãi tiệc hãy mời những người ăn xin, tàng tật, què và mù lòa” (Lc 14:13-14). Nghe hơi lạ. Và nếu hành động như vậy thì càng lạ hơn. Làm gì có chuyện mở tiệc để mời những kẻ ăn xin, tàng tật, què quặt, mù lòa. Nhưng đó là “Phúc Âm của Chúa”. “Tạ ơn Chúa”.
Thật vậy, có bao giờ bạn mở tiệc chưa? Hay có bao giờ bạn được mời tham dự một buổi tiệc nào chưa? Chắc chắn là có rồi. Vậy, trong những bữa tiệc ấy, bạn nghe và thấy gì? Đại khái: “Chúng tôi rất lấy làm sung sướng, hân hạnh và hãnh diện được tiếp đón quí khách, và bạn hữu trong bữa tiệc này. Sự hiện diện của quí vị tăng thêm phần long trọng cho bữa tiệc hôm nay”. Tham dự những bữa tiệc ấy bạn cũng cảm thấy mình thật sự quan trọng. Và bạn cũng phải rất đắn đo, suy tính khi mời những thực khách tham dự những buổi tiệc do bạn khoản đãi. Tóm lại, Chúa Giêsu đã biết rất rõ tâm lý và động lực thúc đẩy của người tổ chức cũng như khách được mời dự tiệc. Vì thế, Chúa đã muốn dùng hình ảnh bữa tiệc để hướng con người về một hình thức tổ chức và bữa tiệc tâm linh. Bữa tiệc của tình thương và bác ái huynh đệ, bữa tiệc tinh thần: “Khi các ngươi đãi tiệc hãy mời những người ăn xin, tàng tật, què và mù lòa. Các ngươi sẽ sung sướng vì họ không mời lại được các ngươi, vì các ngươi sẽ được trả lại trong ngày sống lại của người công chính” (Lc 14:13-14).
Bữa tiệc tinh thần, hiểu theo lời Chúa đây là một bữa tiệc tâm linh. Và đó cũng là lý do Ngài bảo chúng ta đừng quan tâm đến những bữa ăn trưa, ăn tối, những giao tế xã hội có tính cách khoa trương, nhưng hãy quan tâm đến những bữa ăn, những bữa tiệc có tính cách tinh thần. Vì trên thực tế, nếu chúng ta không có khả năng mời anh chị em, bạn hữu, và những người giầu có tới tham dự thường xuyên những bữa ăn của mình, thì chúng ta vẫn có đủ khả năng để dọn những bữa ăn trưa, ăn tối, những bữa tiệc cho những thực khách tâm linh của mình. Đôi khi những người ấy không phải là ai xa lạ, mà lại là chính chồng, vợ, con, cháu, anh, chị, em, và người hàng xóm của mình. Họ thường ngày đã không được chúng ta đối đãi tử tế, ngược lại, họ còn là nạn nhân của những cá tính, tâm lý thay đổi bất thường của mình, khiến họ thật sự đói khát những bữa ăn tinh thần.
Trong những sinh hoạt hằng ngày, qua lời ăn, tiếng nói, cách cư xử và suy nghĩ, có bao giờ chúng ta hòa nhã, nhẫn nại, hiểu biết, và thông cảm với nhau và với mọi người, hay ngược lại, chỉ dùng những ngôn từ gây hiềm khích, chia rẽ, hoài nghi và ghen tỵ. Ngày nay, nhiều người vẫn còn bị chết đói, chết khát, chết nóng, hay chết lạnh, nhưng con số vẫn không nhiều bằng những người chết vì bị đói khát hoặc thiếu thốn về tâm linh. Những người chết vì thiếu tình thương, thiếu tình nghĩa phu thê, thiếu sự trung tín, thiếu lòng thành thật, hoặc thiếu tha thứ. Những triệu chứng tâm bệnh như trầm cảm, căng thẳng, mất ăn, mất ngủ, chán nản, buồn bực, ảo ảnh, ảo giác, hoang tưởng, và có ý định tự tử đã cho thấy cơn đói khát và sự nghèo nàn tâm linh của con người thời đại rất trầm trọng.
Tại sao người ta ly dị? Tại sao người ta phá thai? Tại sao người ta chọn lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính? Tại sao người ta ôm bom tự sát? Tại sao người ta gây chiến và khủng bố? Tại sao người ta tự tử? Tại sao người ta phải dùng ruợu, ma túy, thuốc an thần? Tại sao và tại sao?! Và câu trả lời được tìm thấy trong các nhà thương tâm thần, trong các bệnh viện và văn phòng tâm lý. Trước đây 20 năm có khoảng 20% người Hoa Kỳ mang những hội chứng tâm lý, cần phải được giúp đỡ. Con số ấy ngày nay lên đến 40%. Nguyên nhân chính cũng là vì con người ngày nay đã đánh mất niềm tin: Tin vào Thiên Chúa. Tin tưởng lẫn nhau. Và tin vào chính mình. Nói theo Chân Phước Têrêsa Calcutta, thì con người ngày nay đang trải qua một cơn đói khát trầm trọng về tình thương và tâm linh.
Từ đó mới thấy được những bữa tiệc tinh thần mà Chúa Giêsu đã nói đến là cần thiết. Nếu chúng ta không có khả năng mời nhiều bạn bè, thân thuộc, hoặc người nghèo dự những bữa tiệc do mình khoản đãi, chúng ta hãy dọn cho họ những bữa ăn tâm linh bằng cách trao cho họ những nụ cười thay vì gương mặt nhăn nhó, khó chịu. Hãy trao cho họ ánh mắt thương yêu thay vì nhìn họ với cái nhìn xoi mói. Hãy trao cho họ lời yên ủi thay vì chỉ trích hoặc phê bình. Hãy biếu họ 5, 10, hay 20 đồng khi họ gặp túng thiếu thay vì giảng dậy họ cách thức làm giầu. Và trên hết, hãy trao cho họ lòng chân thành, kính trọng của ta đối với nhân phẩm, giá trị con người của họ bằng cách nhìn ra Chúa Giêsu trong họ. Đó là những bữa tiệc theo tinh thần Tin Mừng, những bữa tiệc của tình bác ái, huynh đệ của Phúc Âm.
Chúa Giêsu đã có lần nói: “Người nghèo khó luôn có sẵn” (Mt 26:11). Những thực khách đui, mù, què, và ăn xin tâm linh luôn có sẵn và đang chờ ta mời họ vào dùng bữa trưa hay bữa tối với ta. Tiếp đón họ, tức là ta tiếp đón chính Chúa Giêsu.
Trần Mỹ Duyệt
Tại sao Chúa Giêsu không nói “hãy chọn chỗ thấp nhất mà ngồi”,
song lại bảo: “hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”
Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXII Mùa Thường Niên theo Phúc Âm Thánh Luca tuần này, có thể nói, tiếp theo bài Phúc Âm tuần trước và làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của bài Phúc Âm tuần trước. Thật vậy, nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên theo Phúc Âm Thánh Luca tuần trước thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu giải quyết vấn nạn về con số người được cứu rỗi, trong đó, thành phần bị loại trừ biện minh rằng: “Chúng tôi đã ăn uống chung với Ngài. Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”, thì bài Phúc Âm Chúa Nhật XXII Mùa Thường Niên theo Phúc Âm Thánh Luca tuần này thuật lại việc “Chúa Giêsu đến dùng bữa ở nhà của một trong những lãnh tụ người Pharisiêu vào ngày hưu lễ”, và cho thấy thành phần ăn uống chung với Người tỏ thái độ không thể được cứu độ, thái độ hoàn toàn bất xứng với Nước Trời là một thực tại thần linh chỉ giành cho những ai “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3).
Ở đây, Phúc Âm không cho chúng ta biết rõ lý do tại sao có bữa ăn này: chẳng hạn như đó là một bữa ăn mừng lễ hay mừng kỷ niệm của gia chủ nên Chúa Giêsu được mời đến như là một trong những thành phần khách vậy thôi, hay chỉ vì Người là Đấng đáng kính phục nên mới có bữa ăn và cũng vì Người là một thượng khách mà những người khác cũng được chủ nhà mời đến dùng bữa để cùng ông long trọng đón tiếp Người. Tuy không biết chắc lý do có bữa ăn này, chúng ta vẫn có thể suy đoán được thành phần đến dự bữa ăn, thành phần trước hết toàn là bạn bè thân thiết với chủ nhà, chứ không phải thành phần xa lạ, bất hạnh, tội nghiệp đáng thương như lời Chúa Giêsu khuyên vị chủ nhà mời Người là hãy mời cả “những kẻ ăn xin và thành phần què quặt, thành phần khập khễnh và mù lòa… không thể đáp lễ”; sau nữa, thành phần bạn bè nghĩa thiết này không ai khác ngoài thành phần thuộc nhóm Pharisiêu, vì chủ nhà, như Phúc Âm cho biết, là “một trong những lãnh tụ người Pharisiêu”. Nếu đọc kỹ bài Phúc Âm, chúng ta cũng có thể cho rằng, sở dĩ có bữa ăn này là vì nhóm Pharisiêu muốn tìm dịp bắt lỗi Chúa Giêsu, do đó, “một trong những lãnh tụ người Pharisiêu” mới mời Người đến “dùng bữa vào ngày hưu lễ”, chứ không phải vào một ngày thường trong tuần, mà dùng bữa, dù không phải là một bữa tiệc, song lại là một bữa ăn đông đảo khách tham dự, chứ không phải chỉ một mình Người với chủ nhà. Để làm gì, nếu không phải như Phúc Âm nhận định: “họ đã cẩn thận quan sát Người”?
Tuy chúng ta chỉ suy đoán về lý do Chúa Giêsu được “một trong những lãnh tụ người Pharisiêu” mời đến dùng bữa, và chỉ suy đoán về thành phần dùng bữa, nhưng thái độ “ăn trên ngồi trước” của khách dùng bữa như Chúa Giêsu nhận thấy trong bài Phúc Âm cũng cho chúng ta thêm dấu hiệu chứng tỏ thành phần dự tiệc này thuộc về nhóm Pharisiêu, thành phần đã bị Chúa Giêsu nhận định và thậm tệ trách móc là “đồ giả hình”, cũng trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 11 câu 43: “Khốn cho Pharisiêu các người! Các người thích những ghế cao trong hội đường và được trọng vọng nơi công cộng”.
Thật ra, chúng ta cũng chẳng cần biết thành phần dùng bữa với Chúa Giêsu là ai, mà chỉ cần biết là, nếu ai tỏ ra thích “ăn trên ngồi trước”, “thích những ghế cao trong hội đường và được trọng vọng nơi công cộng”, thì khó có thể, nếu không muốn nói là không thể, vào dự tiệc trong nước trời, như diễm phúc của thành phần được Chúa Giêsu nói đến ở bài Phúc Âm tuần trước, thành phần “từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Nếu thành phần “thích những ghế cao trong hội đường và được trọng vọng nơi công cộng” ấy, sau khi nghe lời Chúa Giêsu khuyên dạy trong bài Phúc Âm tuần này, là “khi các người được mời thì hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”, mà vẫn không chịu thực hành, thì dù họ có gân cổ biện hộ rằng “chúng tôi đã ăn uống chung với Ngài. Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”, Chúa Giêsu cũng đành phải trả lời với họ, như đã trả lời với thành phần trong dụ ngôn của bài Phúc Âm tuần trước là: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Thật thế, không phải cứ được ăn uống chung với Chúa Giêsu và nghe lời Người dạy dỗ, như những người dự bữa ăn với Người trong bài Phúc Âm tuần này, là nắm chắc phần rỗi đời đời đâu, mà còn phải thực sự nhận biết Người nữa, ở chỗ, thực hành lời Người khuyên dạy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”, tức “hãy gắng sống đức tin”, như chúng ta đã chia sẻ với nhau tuần trước. Vấn đề “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp” hay “hãy gắng sống đức tin” như thế nào của bài Phúc Âm tuần trước, đã được Chúa Giêsu dẫn giải rõ ràng hơn trong bài Phúc Âm tuần này, qua lời Người khuyên bảo: “khi các người được mời, hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”.
Thế nhưng, “chỗ thấp nhất” đây là gì? Làm sao biết được “chỗ thấp nhất” ở đâu mà ngồi? Nếu chỉ có một “chỗ thấp nhất” thì chẳng lẽ lại giành cho duy một người ngồi hay sao, còn những người khác muốn thực hành lời Chúa, vì không còn “chỗ thấp nhất”, nên được quyền ngồi chỗ cao hơn hay sao?
Đúng thế, nếu “chỗ thấp nhất” là do chúng ta chọn thì chỉ có một chỗ, song nếu do Chúa đã sắp định thì lại có rất nhiều chỗ và đủ chỗ. Chúa Giêsu đã chẳng trấn an các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 14 câu 1 và 2 hay sao: “Lòng các con đừng bối rối. Hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thày. Trong nhà Cha Thày có nhiều chỗ ở”. Như thế, “chỗ thấp nhất” đây không phải là chỗ chúng ta chọn lấy cho mình mà là chỗ Chúa chọn sẵn cho chúng ta. Bởi vậy Chúa Giêsu mới nói: “hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất” “khi các người được mời” mà thôi. Nếu không được mời mà cứ đến tất nhiên sẽ không có chỗ cho mình, chứ đừng nói đến “chỗ thấp nhất”, vì chủ nhà mời ai thì đã tính đủ chỗ cho số khách được mời đến tham dự rồi. Chính vì “chỗ thấp nhất” là chỗ Chúa chọn cho mình chứ không phải mình tự chọn mà trong bài Phúc Âm tuần trước, Chúa Giêsu mới nói đến “chỗ của mình” qua lời tiên báo: “người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định với các tông đồ trong bữa tiệc ly ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 16: “Không phải các con chọn Thày, mà là chính Thày đã chọn các con”. Chính vì thế, trong bài Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu không nói “hãy chọn chỗ thấp nhất mà ngồi”, mà chỉ bảo: “hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”, tức đến ngồi vào “chỗ của mình”, chỗ được sắp xếp sẵn cho mình thôi.
Cũng chính vì “chỗ thấp nhất” là chỗ Chúa chọn cho chúng ta, chứ không phải chỗ chúng ta tự chọn lấy cho mình, mà chúng ta chỉ cần “theo” Chúa là chúng ta đã thực sự chọn “chỗ thấp nhất” rồi vậy.
Đó là lý do các Phúc Âm cho chúng ta thấy không một vị tông đồ nào đã tự mình đến chọn Chúa Giêsu, bằng cách tự động đến xin theo Người, mà các vị chỉ có thể “bỏ mọi sự lại”, sau khi nghe Người kêu gọi “hãy theo Thày” mà thôi, như trường hợp điển hình của hai cặp anh em Anrê-Phêrô và Giacôbê-Gioan, được ghi nhận trong Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 1 câu 17-18, hay như trường hợp của Mathêu trong Phúc Âm Luca đoạn 5 câu 27-28. Trường hợp Mẹ Maria cũng thế, “chỗ thấp nhất” của Mẹ không phải ở chỗ Mẹ chọn cho mình những gì Mẹ cho rằng xứng với Mẹ, hơn là chỗ Thiên Chúa đã chọn cho Mẹ. Giả sử Mẹ cứ khăng khăng từ chối ý định Thiên Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Lời Nhập Thể, lấy lý rằng mình vô cùng bất xứng, mình chỉ là một “tỳ nữ” (Lk 1:38) hết sức hèn hạ, vả lại, mình đã giữ mình đồng trinh hoàn toàn hiến mình cho Chúa, “không hề biết đến nam nhân” (Lk 1:34), thì thử hỏi Mẹ đã “đến ngồi vào chỗ thấp nhất”, “chỗ của mình” chưa, hay là Mẹ đã tự động chọn lấy cho mình một chỗ ngồi, chỗ Mẹ muốn, chỗ ý riêng của Mẹ, một chỗ hoàn toàn không có trong “nhà Cha”. Như thế, nếu “chỗ thấp nhất” là chỗ Thiên Chúa chọn cho mình, cũng là “chỗ của mình” trong ý định của Thiên Chúa hay theo ý định của Thiên Chúa, thì “chỗ cao trọng” mà Chúa Giêsu khuyên dặn thành phần dự bữa với Người trong bài Phúc Âm tuần này “đừng ngồi”, “khi các người được mời đến dự tiệc cưới”, chính là chỗ con người chọn lấy cho mình, hay chính là chỗ con người sống theo ý riêng của mình vậy, một chỗ không có trong “nhà Cha”, tức là chỗ hoàn toàn bị loại trừ, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm tuần trước: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”.
Như thế, căn cứ vào những gì vừa được chia sẻ, lời Chúa Giêsu khuyên dạy “khi được mời, hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXII Mùa Thường Niên Năm C Hậu Phục Sinh tuần này, có thể được chuyển dịch là “hãy ngồi vào chỗ của mình trong nhà Cha”, nghĩa là hãy sống đúng với ơn gọi của mình như được Thiên Chúa tuyển chọn. Có như thế, có sống trọn vẹn theo ý muốn của Thiên Chúa, tức có sống như “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, thành phần con cái của Cha trên trời chúng ta mới thực sự ước nguyện và làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến” vậy, cho tới khi Chúa Kitô đến trong vinh quang.
Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta trong bài Phúc Âm tuần này là “khi được mời, hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”, để nhờ đó chúng ta có thể được mời lên chỗ cao hơn và được vẻ vang hơn trước mặt thiên hạ. Nếu hiểu lệch lạc lời khuyên này, chúng ta có thể cắt nghĩa là, đừng trực tiếp hay đừng ra mặt tìm chỗ cao mà hãy gián tiếp và khéo léo chiếm chỗ cao bằng cách tỏ vẻ nhún nhường, khiêm tốn. Thực tế sống đạo và giao tế cũng cho chúng ta thấy, có một số người đã được khen là tốt lành thánh thiện, vì sống khiêm tốn, hết sức ẩn lánh, hầu như hiếm người biết đến họ, và khi cần lộ diện hay bị điểm mặt thì họ ăn nói rất nhu mì. Thế nhưng, nếu sống gần người đó, chúng ta mới khám phá ra những thái độ bất thường của họ: ở chỗ, trong lòng họ thường xét đoán và khó chịu với những gì người khác làm không được như ý nghĩ hay ý thích của họ, đến nỗi, có dịp họ cũng không ngại lên tiếng phê bình chỉ trích riêng tư với một ai đó; trái lại, nếu cần đến sự cộng tác của họ, họ lại không chịu ra cộng tác, dù hoàn cảnh và khả năng của họ cho phép. Chúng ta nghĩ sao về thành phần “ngồi chỗ thấp nhất” với ngầm ý để được mời lên chỗ cao hơn này?
Căn cứ vào Phúc Âm, vào gương Chúa Mẹ và các thánh, một con người khiêm nhượng thật, một con người thực lòng chọn chỗ cuối thật sự, chính là và phải là con người 1) luôn tìm ý Chúa, 2) sẵn sàng bỏ mình đi để làm theo ý Chúa, 3) qua việc họ mau mắn tuân phục những vị làm đầu, dù ý nghĩ của họ có hay mấy và tốt mấy đi nữa; 4) họ không bao giờ dám lên mặt khinh ai và qua mặt ai, trái lại, 5) coi đức bác ái hơn tất cả mọi sự, cho dù họ có bị thiệt hại về danh giá và vật chất.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL