GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 2 THỨ HAI

  

 

KHOA GIÁO HỘI HỌC

CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II

ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin
Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002, trang 5-7

 

Ngay sau Thế Chiến I, Romano Guardini đã tạo ra một lời phát biểu chẳng mấy chốc trở thành khẩu hiệu cho những người Công Giáo Đức, đó là câu: “Một biến cố hết sức quan trọng đang xẩy ra: Giáo Hội đang tỉnh giấc trong các tâm hồn”. Kết quả của việc tỉnh giấc này cuối cùng là Công Đồng Chung Vaticanô II. Qua những văn kiện khác nhau của mình, Công Đồng này đã bày tỏ và làm nên một phần gia sản cho toàn thể Giáo Hội những gì, trong 4 thập niên (1920-1960) dậy men và hy vọng, đã chín mùi kiến thức có được bởi đức tin. Để hiểu được Công Đồng Chung Vaticanô II người ta cần phải nhìn lại giai đoạn này và tìm cách thấy được, ít là tổng quát, những trào lưu và chiều hướng cùng hội tụ lại nơi Công Đồng này. Tôi sẽ trình bày cho thấy những tư tưởng đã đi tiên phong trong giai đoạn này, sau đó sẽ diễn tả những yếu tố chính yếu nơi giáo huấn của Công Đồng về Giáo Hội.



I.- Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô

1) Hình Ảnh Nhiệm Thể
 

“Giáo Hội đang tỉnh giấc trong các tâm hồn”. Lời diễn tả này của Guardini đã được khéo léo công thức hóa, vì tận kỳ cùng thì nó được công nhận và nghiệm thấy Giáo Hội như là một cái gì đó ở trong chúng ta, chứ không phải là một cơ cấu ở ngoài chúng ta mà là một cái gì đó sống trong chúng ta.

Nếu cho tới khi ấy chúng ta vốn nghĩ rằng Giáo Hội căn bản là một cơ cấu hay một tổ chức, thì bấy giờ, chúng ta cuối cùng cũng đã ý thức được rằng chính chúng ta là Giáo Hội nữa. Giáo Hội còn hơn là một tổ chức: Giáo Hội là một cơ chế của Thánh Linh, một cái gì đó sống động, chi phối thâm tâm của chúng ta. Ý thức này đã được diễn tả bằng ngôn từ diễn tả quan niệm “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, một cụm từ nói lên cho thấy một thứ cảm nghiệm mới mẻ và thanh thoát về Giáo Hội. Vào cuối cuộc đời của mình, trong cùng năm Công Đồng ban hành Hiến Chế về Giáo Hội, Gardini đã viết thế này: Giáo Hội “không phải là một cơ cấu do con người phát minh và thiết dựng… mà là một thực tại sống động… Giáo Hội vẫn sống qua giòng thời gian. Như tất cả mọi thực tại sống động, Giáo Hội cũng phát triển, cũng đổi thay… song tự bản chất sâu xa của mình, Giáo Hội vẫn không thay đổi; trọng tâm của Giáo Hội là Chúa Kitô… Nếu chúng ta thấy Giáo Hội như là một tổ chức… như là một hiệp hội…. chúng ta chưa tiến đến chỗ thật sự hiểu được Giáo Hội. Giáo Hội thật ra là một thực tại sống động và mối liên hệ giữa chúng ta với Giáo Hội phải là sự sống” (La Chiesa del Signore [Giáo Hội của Chúa]; Morcelliana, Brescia 1967, p. 160).

Ngày nay, khó lòng nói lên được cái hào hứng và niềm vui mừng phát xuất từ sự nhận thức này vào lúc bấy giờ. Trong kỷ nguyên của chủ nghĩa giải phóng trước Thế Chiến Thứ Nhất, Giáo Hội Công Giáo được quan niệm như là một thứ tổ chức hóa thạch, ngang bướng chống lại tất cả mọi thứ thành đạt tân thời. Thần học đã quá chú trọng tới vấn đề thượng quyền để làm cho Giáo Hội hiện lên thật sự như là một tổ chức tập trung, đến nỗi người ta dường như trung thành bênh vực chỉ những gì liên hệ đến bề ngoài mà thôi. Một lần nữa, vấn đề đã trở nên rõ ràng là Giáo Hội còn hơn thế nữa – Giáo Hội là một cái gì đó được tất cả chúng ta làm thăng tiến trong đức tin bằng một đường lối sống động, cũng như Giáo Hội làm cho chúng ta thăng tiến vậy. Thật ra Giáo Hội đã nghiệm thấy được việc phát triển về cơ cấu qua nhiều thế kỷ, và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay. Qua Giáo Hội, mầu nhiệm Nhập Thể vẫn còn tồn tại tới ngày nay: Chúa Kitô vẫn tiếp tục chuyển động qua giòng thời gian. Nếu chúng ta tự đặt vấn đề yếu tố nào hiện diện ngay từ ban đầu vẫn còn được thấy nơi Công Đồng Chung Vaticanô II, lời giải đáp cho chúng ta đó là câu Giáo Hội định nghĩa về Kitô Học. J.A. Mohler, một nhà lãnh đạo việc phục hưng thần học Công Giáo bị tàn phá bởi Thời Minh Tri, có lần đã nói rằng: một thứ thần học sai lạc có thể bị bêu diễu bằng câu ngắn ngủi này: “Từ ban đầu Chúa Kitô đã thiết lập phẩm trật và bởi đó đã trọn vẹn chăm sóc cho Giáo Hội đến ngày cùng tháng tận rồi”. Ngược lại với quan niệm này là sự kiện Giáo Hội là một Nhiệm Thể; Chúa Kitô và việc Người thiết lập Giáo Hội không bao giờ cùng song luôn mới mẻ. Trong Giáo Hội, Chúa Kitô không bao giờ chỉ thuộc về quá khứ mà thôi, Người bao giờ cũng là và trên hết là hiện tại và tương lai. Giáo Hội là sự hiện diện của Chúa Kitô: Người đồng thời với chúng ta và chúng ta là những người đương thời của Người. Giáo Hội sống là ở chỗ này, ở chỗ Chúa Kitô hiện diện trong tâm hồn của chúng ta và chính nơi đó Người hình thành Giáo Hội của Người. Đó là lý do tại sao nguyên khởi của Giáo Hội là Chúa Kitô chứ không phải chính Giáo Hội. Giáo Hội lành mạnh ở chỗ Giáo Hội dồn mọi chú tâm vào Người. Công Đồng Chung Vaticanô II đã khéo đặt quan niệm này ở chỗ móc nối cho những cân nhắc của mình; bản văn nền tảng về Giáo Hội này được mở đầu bằng những lời lẽ Lumen gentium cum sit Christus: “vì Chúa Kitô là Ánh Sáng Thế Gian… Giáo Hội là gương soi vinh quang của Người; Giáo Hội phản ánh rạng ngời của Người”. Nếu chúng ta muốn hiểu được Công Đồng Chung Vaticanô II một cách đúng đắn, chúng ta luôn phải trở về với lời phát biểu mở đầu này…


Tiếp đến, từ khởi điểm ấy, chúng ta cần phải nắm được cả tính chất nội tại của Giáo Hội lẫn bản chất thông đạt của Giáo Hội nữa. Giáo Hội phát triển từ bên trong và hường ngoại chứ không ngược lại. Trước hết, Người là dấu hiệu của mối hiệp thông mật thiết nhất với Chúa Kitô.. Giáo Hội được hình thành chính yếu là ở đời sống nguyện cầu, ở các bí tích cũng như ở những thái độ tin, cậy, mến sâu xa. Bởi thế nếu có ai hỏi tôi cần phải làm những gì để trở nên Giáo Hội và để phát triển như Giáo Hội thì câu trả lời phải như thế này: quí vị phải trở nên một con người sống đức tin, cậy và mến. Cái xây dựng Giáo Hội là việc cầu nguyện và mối hiệp thông của các bí tích; nơi các bí tích lời cầu nguyện của Giáo Hội gặp gỡ chúng ta. Kỳ hè vừa rồi tôi đã gặp một linh mục giáo xứ nói với tôi rằng giáo xứ của ngài chưa hề có được một ơn gọi linh mục nào từ nhiều năm qua. Vị linh mục ấy cần phải làm gì? Chúng ta không thể sản xuất ra các ơn gọi, Chúa mới là Đấng tạo nên các ơn gọi. Như thế chẳng lẽ chúng ta cứ chực chờ một cách vô dụng hay sao? Vị linh mục này đã quyết định hằng năm thực hiện một cuộc hành hương, một cuộc hành hương xa xôi và khó nhọc đến Đền Thánh Mẫu Altotting để cầu xin cho các ơn gọi, đồng thời cũng kêu mời những ai có cùng chí nguyện với ngài cùng ngài hành hương và chung lời cầu nguyện. Từ năm này qua năm khác, con số tham dự vào cuộc hành hương gia tăng cho đến cuối cùng, năm nay, cả làng hết sức vui mừng cử hành Thánh Lễ đầu tiên được vị linh mục phát xuất từ giáo xứ này dâng…

Giáo Hội phát triển từ bên trong: đó là ý nghĩa của lời diễn tả “Thân Mình Chúa Kitô”. Cụm từ này còn hàm ý hơn thế nữa, ở chỗ Chúa Kitô đã hình thành cho Người một thân mình. Nếu tôi muốn tìm Người và biến Người thành của tôi, tôi liền được kêu gọi trở thành một phần thể bé nhỏ, hoàn toàn và trọn vẹn của Thân Mình Người, và việc trở thành một trong những phần thể của Người, trở thành một bộ phận của Thân Mình Người trên thế gian này, tôi sẽ đời đời là như thế. Tư tưởng của thần học giải phóng cho rằng trong khi Chúa Giêsu tự mình thoải mái thì Giáo Hội lại là một thực tại khốn khổ, là tư tưởng hoàn toàn trái nghịch với ý thức ấy. Chúa Kitô chỉ ban phát Mình trong thân thể của Người mà thôi, chứ không bao giờ lại là một thứ thuần lý tưởng. Nghĩa là Người trao ban Bản Thân Người cùng với những thứ khác, nơi một mối hiệp thông bất gián đoạn kéo dài qua năm tháng và là chính Thân Mình của Người. Điều này có nghĩa rằng Giáo Hội không phải là một tư tưởng, Giáo Hội là một Thân Thể. Cái vấp phạm trước việc trở thành nhục thể nơi biến cố nhập thể của Chúa Giêsu vốn xẩy ra nơi rất nhiều người đương thời của Người đã được tái diễn nơi “đặc tính gây vấp phạm” của Giáo Hội. Trong trường hợp này, lời của Chúa Giêsu vẫn có giá trị: “Phúc cho kẻ nào không vì Ta mà vấp phạm”.

Bản chất thông đạt của Giáo Hội cần phải bao gồm cả đặc tính “chúng ta” của Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một cái gì ở đâu đó tách khỏi chúng ta, chính chúng ta là thành phần làm nên Giáo Hội. Không một người nào có thể nói “tôi là Giáo Hội”, nhưng mỗi người trong chúng ta có thể và phải nói “chúng tôi là Giáo Hội”. Cái “chúng ta” không tiêu biểu cho một nhóm biệt lập mà là một nhóm hiện hữu trong toàn thể cộng đồng của tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, còn sống cũng như đã qua đời. Đó là lý do một nhóm có thể thực sự nói: “chúng tôi là Giáo Hội”. Giáo Hội là ở chỗ này, ở chỗ “chúng tôi” phổ quát xóa bỏ đi những biên giới xã hội và chính trị, cả biên giới giữa trời và đất nữa. Chúng ta là Giáo Hội. Điều này làm phát sinh một thứ đồng trách nhiệm cũng như khả năng hợp tác theo cá thể. Ý thức này đã làm nẩy sinh quyền được bình phẩm nhưng việc bình phẩm của chúng ta trước hết phải là tự bình phẩm bản thân mình. Chúng ta cần lập lại là Giáo Hội không “ở một nơi nào đó”; hay Giáo Hội là một “người nào đó”. Chính chúng ta xây dựng Giáo Hội. Những tư tưởng này đã chín mùi và đã dẫn thẳng tới Công Đồng Chung Vaticanô II. Hết mọi điều được nói về trách nhiệm chung của giáo dân, cùng với những hình thức pháp lý được thiết định để làm dễ dàng cho việc thi hành trách nhiệm chung này một cách rõ ràng, đều là thành quả của luồng tư tưởng ấy.

Sau hết, quan niệm về việc phát triển và vì thế về cả năng động lịch sử của Giáo Hội đều có liên hệ với vấn đề này. Một thân thể tự nó vẫn còn nguyên theo giòng đời bởi sự kiện là nó luôn canh tân mình theo tiến trình của sự sống. Đối với vị đại Hồng Ý Người Anh Newman thì tư tưởng về việc phát triển là một chiếc cầu thực sự và xứng hợp dẫn đến biến cố trở lại Công Giáo của ngài. Tôi tin rằng tư tưởng về việc phát triển thuộc về nhiều quan niệm nền tảng của Công Giáo chưa hoàn toàn được khai triển. Một lần nữa, chúng ta phải biết ơn Công Đồng Chung Vaticanô II vì công đồng này cũng đã long trọng thiết lập công thức về tư tưởng này trong một văn kiện chính thức của Huấn Quyền. Ai chỉ muốn thắt kết mình với những dẫn giải theo nghĩa đen về Thánh Kinh hay với những thể thức về Giáo Hội của các Giáo Phụ là bắt Chúa Kitô giam giữ vào “ngày hôm qua”. Hậu quả xẩy ra, một là đức tin hoàn toàn tàn héo không có gì để nói với thời đại của chúng ta đây, hai là cao ngạo cho rằng mình có quyền qua mặt 2 ngàn năm lịch sử, gán ghép cho những tháng năm lịch sử ấy như một thùng rác chất đầy những lỗi lầm, và cố gắng xem làm cách náo để Kitô giáo xứng hợp với Thánh Kinh hay với Chúa Giêsu. Thành quả duy nhất khả đạt sẽ là một thứ sáng chế nhân tạo do chính chúng ta thực hiện, làm trống rỗng tất cả những gì là nhất trí. Căn tính đích thực được bắt đầu từ Chúa Kitô chỉ khả hữu chỉ khi nào có đươc một sự liên tục sống động làm phát triển cái ban đầu ấy và thực sự bảo trì được cái ban đầu này bằng việc phát triển ấy.
 

(còn tiếp)