GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 3 THỨ BA

  

 

KHOA GIÁO HỘI HỌC

CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II
 

(TIẾP Thứ Hai)


ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin
Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002, trang 5-7

 

2) Giáo Hội Học Thánh Thể

Chúng ta hãy trở về để nhìn xem những phát triển trong kỷ nguyên tiền Công Đồng. Tư tưởng về Nhiệm Thể Chúa Kitô đã đánh dấu giai đoạn đầu tiên nơi việc Giáo Hội tái khám phá nội tại của mình; tư tưởng này được bắt đầu từ Thánh Phaolô, dẫn tới chỗ đặt nền tảng cho sự hiện diện của Chúa Kitô cùng với những năng động của những gì tồn tại (trong Người và nơi chúng ta). Việc nghiên cứu hơn nữa đã góp phần làm cho vấn đề nhận thức thêm tươi mới. Trước hết, hơn bất cứ một ai khác, nhà thần học người Pháp Henri de Lubac, trong những nghiên cứu sáng chói và thức giả của mình đã làm sáng tỏ vấn đề là từ ban đầu chữ “corpus mysticum” ám chỉ về Thánh Thể. Đối với Thánh Phaolô và các vị Giáo Phụ thì tư tưởng về Giáo Hội như Thân Mình Chúa Kitô được thắt kết bất khả phân ly với ý niệm về Thánh Thể là bí tích Chúa Kitô hiện diện một cách thể lý và là bí tích Người ban cho chúng ta Thân Mình của Người làm lương thực. Đó là lý do xuất hiện vấn đề giáo hội học về Thánh Thể.

Hôm nay chúng ta có ý nói gì đối với “vấn đề giáo hội học về Thánh Thể” đây? Tôi sẽ cố gắng giải đáp câu hỏi này bằng cách đề cập ngắn gọn tới một số điểm nồng cốt. Điểm thứ nhất đó là Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu có thể được định nghĩa như là một biến cố thành lập Giáo Hội. Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Người Phụng Vụ Tử Nạn và Phục Sinh này, đồng thời Người cũng ban cho các vị Bữa Tiệc Sự Sống. Trong Bữa Tiệc Ly, Người đã lập lại giao ước ở Núi Sinai – hay nói cách khác, những gì ở Núi Sinai chỉ là một dấu hiệu hay là một nguyên mẫu giờ đây hoàn toàn trở thành một thực tại, đó là mối hiệp thông bằng máu và sự sống giữa Thiên Chúa và loài người. Hiển nhiên là Bữa Tiệc Ly ấy đã hướng về cũng như đã giả định trước Cây Thập Giá và Cuộc Phục Sinh, bằng không Bữa Tiệc Ly này là một cử chỉ trống rỗng. Đó là lý do tại sao các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã có thể sử dụng một hình ảnh đẹp đẽ khi nói rằng Giáo Hội đã được hạ sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa kitô là nơi máu và nước chảy ra. Khi tôi nói rằng Bữa Tiệc Ly là khởi nguyên của Giáo Hội, tôi thực sự nói đúng như thế theo một quan điểm khác. Công thức này có nghĩa là Thánh Thể liên kết tất cả mọi người lại với nhau, không phải chỉ với nhau thôi mà với Chúa Kitô nữa; nhờ đó Thánh Thể biến cả hai thành “Giáo Hội”. Công thức này đồng thời cũng diễn tả cho thấy hiến pháp chính yếu của Giáo Hội: đó là Giáo Hội hiện hữu nơi các cộng đồng Thánh Thể. Thánh Lễ của Giáo Hội là hiến pháp của Giáo Hội, vì Giáo Hội tự bản chất là một Thánh Lễ (“missa” nghĩa là được sai đi), là việc phụng sự Thiên Chúa, và bởi thế cũng là việc phục vụ con người và là một việc phục vụ để biến đổi thế giới.


Thánh Lễ là mô thức của Giáo Hội, tức là nhờ Thánh Lễ Giáo Hội phát triển một mối liên hệ hoàn toàn nguyên tuyền không có ở một nơi nào khác, một mối liên hệ vừa đa dạng lại vừa duy nhất. Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi mỗi một lần cử hành Thánh Thể. Người đã sống lại và không còn chết nữa. Người không thể nào bị phân chia thành nhiều phần khác nhau nữa. Người luôn luôn trao ban Bản Thân Người trọn vẹn và hoàn toàn. Đó là lý do tại sao Công Đồng viết: “Giáo Hội của Chúa Kitô đây thực sự hiện diện nơi tất cả mọi cộng đồng địa phương hợp lệ của tín hữu, những cộng đồng hiệp nhất với các vị chủ chiên của mình, được gọi là Giáo Hội theo Tân Ước” . Bởi vì, theo địa phương của mình, những Giáo Hội này là Dân mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và đầy lòng tin tưởng (x 1Thes 1:5)… Nơi những cộng đồng này, mặc dù thường là nhỏ bé và nghèo nàn, hay sống lưu lạc, Chúa Kitô vẫn hiện diện, và nhờ quyền năng của Người mới phát sinh ra một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” (Lumen Gentium, 26). Điều này tức là giáo hội học về các Giáo Hội địa phương phát xuất từ công thức vấn đề giáo hội học về Thánh Thể. Đây là một tính chất tiêu biểu của Công Đồng Chung Vaticanô II cho thấy nền tảng nội tại và có tích cách bí tích của tín lý về đoàn tính chúng ta sẽ nói đến sau.

Để hiểu đúng giáo huấn của Công Đồng này, trước hết chúng ta phải nhìn kỹ hơn vào những gì Công Đồng thực sự muốn nói. Công Đồng Chung Vaticanô II đã biết đến các mối quan tâm của cả thần học Chính Thống lẫn Tin Lành và đã hội nhập chúng lại thành một thứ kiến thức Công Giáo bao rộng hơn. Nơi thần học Chính Thống Giáo, tư tưởng giáo hội học về Thánh Thể đầu tiên được phát biểu bởi những nhà thần học Nga bị lưu đầy để chống lại những ý nghĩ cho rằng Rôma là chính. Họ khẳng định là bao lâu có Chúa Kitô một cách trọn vẹn thì hết mọi cộng đồng Thánh Thể tự bản chất đã là Giáo Hội rồi vậy. Do đó, việc hiệp nhất ngoại tại với các cộng đồng khác không phải là yếu tố làm nên Giáo Hội. Bởi thế, họ kết luận là vấn đề hiệp nhất với Rôma không phải là yếu tố làm nên Giáo Hội. Một cuộc hiệp nhất như thế là một điều tuyệt vời, vì nó nói lên cho thấy tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô trước thế giới ngoại tại, thế nhưng nó không thiết yếu vì không có gì cần phải thêm thắt vào cái hoàn toàn của Chúa Kitô cả. Kiến thức của Tin Lành về Giáo Hội cũng theo cùng một chiều hướng. Luther không công nhận Thần Linh của Chúa Kitô nơi Giáo Hội hoàn vũ; ông trực tiếp coi Giáo Hội này là một công cụ của tên phản Kitô. Ông cũng không coi Các Giáo Hội Quốc Gia Tin Lành của Thời Cải cách là Giáo Hội theo đúng ý nghĩa của từ ngữ. Những giáo hội này chỉ là những thực thể chính trị xã hội cần thiết cho những mục đích riêng và lệ thuộc vào các thứ quyền lực chính trị, ngoài ra không còn gì nữa. Theo Luther, Giáo Hội hiện hữu trong cộng đồng. Chỉ có hội đồng nào lắng nghe Lời Chúa ở một nơi đặc biệt nào đó mới là Giáo Hội. Ông đã thay thế chữ “Giáo Hội” bằng chữ “cộng đồng” (Geneinde). Giáo Hội đã trở thành một quan niệm tiêu cực.

Giờ đây nếu chúng ta trở lại với bản văn của Công Đồng chúng ta sẽ thấy rõ một số sắc thái. Bản văn không chỉ nói suông: “Giáo Hội hoàn toàn hiện diện nơi mỗi một cộng đồng cử hành Thánh Thể”, mà nói: “Giáo Hội của Chúa Kitô đây thực sự hiện diện nơi tất cả mọi cộng đồng địa phương hợp lệ, những cộng đồng liên kết với các vị chủ chiên của mình, được gọi là Giáo Hội”. Ở đây có hai yếu tố rất quan trọng: để là Giáo Hội, cộng đồng phải là một cộng đồng “hợp lệ”; các cộng đồng hợp lệ là những cộng đồng “liên kết với các vị chủ chiên”. Điều này nghĩa là gì? Trước hết, không ai có thể tự mình làm Giáo Hội. Một nhóm không thể chỉ cần qui tụ lại với nhau, đọc Tân Ước rồi tuyên bố: “Lùa này đây chúng tôi là Giáo Hội vì Chúa hiện diện nơi nào có hai ba người tụ họp nhân danh Người”. Yếu tố “nhận lãnh” là yếu tố thiết yếu đối với Giáo Hội, như vấn đề đức tin từ “nghe” mà có chứ không phải là kết quả của việc con người quyết định hay suy tư mà có. Đức tin là điểm hội tụ với một điều gì đó không do tự mình tôi nghĩ được hay sản xuất ra; đức tin cần phải đến đón gặp tôi. Chúng ta gọi cơ cấu của việc gặp gỡ này là một “Bí Tích”. Nó là một phần của thể thức nồng cốt nơi một bí tích cần phải được nhận lãnh chứ không tự ban phát lấy cho mình. Không ai có thể tự rửa tội lấy cho mình. Không ai có thể tự truyền chức lấy cho mình. Không ai có thể tự tha tội lỗi lấy cho mình. Việc thống hối cách trọn không thể chỉ là một điều gì đó ở trong lòng, theo yếu tính của mình, việc thống hối cách trọn này cần đến một thể thức gặp gỡ về Bí Tích. Cả điều này cũng là thành quả của một thứ cấu trúc căn bản nơi bí tích như là một cuộc gặp gỡ (Chúa Kitô). Vì lý do này mối hiệp thông với chính mình không phải chỉ là một thứ vi phạm về những khoản của Giáo Luật liên quan đến bề ngoài, mà còn là một thứ tấn công đến chính bản chất sâu xa nhất của bí tích. Để một vị linh mục có thể ban phát bí tích đặc thù này, và chỉ bí tích này thôi, chính ngài phải trở thành một phần của mầu nhiệm uy linh mysterium tremendum được Thánh Thể bao hàm. Nơi Thánh Thể, vị linh mục tác hành “in persona Christi”, với tư cách Chúa Kitô (là Đầu); đồng thời, trong khi đóng vai đại diện cho Chúa Kitô ngài vẫn là một tội nhân, hoàn toàn sống bởi việc lãnh nhận Tặng Ân của Chúa Kitô.

Người ta không thể tạo ra Giáo Hội mà chỉ lãnh nhận Giáo Hội thôi; người ta lãnh nhận Giáo Hội nơi Giáo Hội ở, nơi Giáo Hội thực sự hiện diện: đó là nơi cộng đồng bí tích của Thân Thể Chúa Kitô qua giòng lịch sử. Chúng ta có thể hiểu được quan niệm khó khăn này nếu chúng ta thêm điều này là “các cộng đồng hợp lệ”. Chúa Kitô là tổng thể ở tất cả mọi nơi. Đây là công thức quan trọng nhất của Công Đồng cũng như của anh em Chính Thống Giáo. Đồng thời Chúa Kitô chỉ là một ở khắp mọi nơi, nên tôi có thể chiếm hữu Vị Chúa duy nhất này chỉ nơi mối hiệp nhất Người có, nơi mối hiệp nhất của tất cả những ai là Thân Mình của Người và những ai nhờ Thánh Thể càng cần phải trở nên hiệp nhất hơn. Bởi thế, mối hiệp nhất hỗ tương này của tất cả những cộng đồng cử hành Thánh Thể không phải là một cái gì đó ngoại tại được thêm vào cho vấn đề giáo hội học về Thánh Thể, nhưng là một điều kiện nội tại: chỉ có Một Đấng Duy Nhất nơi mối hiệp nhất. Đó là lý do tại sao Công Đồng này đã nhắc nhở đến trách nhiệm xứng hợp của các cộng đồng song loại trừ những gì là tự mãn. Công Đồng này đã khai triển một khoa giáo hội học bao gồm vấn đề làm người Công Giáo, tức là bao gồm vấn đề hiệp thông với các tín hữu ở tất cả mọi nơi và trong mọi lúc, một vấn đề không phải chỉ là một yếu tố ngoại tại của một hình thức tổ chức, mà là một tiêu biểu cho ân sủng phát xuất từ bên trong, đồng thời cũng là dấu hiệu hữu hình của ân sủng Chúa là Đấng duy nhất có thể thiết lập mối hiệp nhất bằng cách phá vỡ vô vàn những ranh giới cách ngăn.