GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 8/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.
__________________
NGÀY 4 THỨ TƯ |
KHOA GIÁO HỘI HỌC
CỦA CÔNG ĐỒNG
CHUNG VATICANÔ II
(TIẾP Thứ Ba)
ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ
Đức Tin
Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ,
N.4- 23/1/2002, trang 5-7
II.- Giáo Hội là
Dân Chúa
Sau cái hào hứng ban đầu trước sự khám phá ra tư tưởng Thân Mình Chúa Kitô, các
học giả đã phân tích và dần dần hoàn chỉnh quan niệm này và thực hiện những điều
sửa chữa theo hai chiều hướng. Chúng ta đã đề cập đến chiều hướng thứ nhất nơi
những điều sửa chữa này qua công cuộc của Henri de Lubac. Vị này đã nêu lên một
ý tưởng cụ thể về Thân Mình Chúa Kitô bằng cách thực hiện một khoa giáo hội học
về Thánh Thể, và từ đó gợi lên những vấn đề thực tiễn liên quan đến trật tự pháp
chế của Giáo Hội cũng như về những mối liên hệ hỗ tương giữa các Giáo Hội địa
phương và Giáo Hội hoàn vũ. Một hình thức khác của vấn đề sữa chữa này được bắt
đầu ở Đức vào thập niên 1930, nơi có một số thần học gia phê bình sự kiện là căn
cứ vào tư tưởng Nhiệm Thể thì có một số mối liên hệ không được rõ ràng giữa vấn
đề hữu hình và vô hình, giữa luật lệ và ân sủng, giữa trật tự và sự sống. Bởi
thế họ đề nghị quan niệm “Dân Chúa” là quan niệm trước hết được thấy trong Cựu
Ước, như là một quảng diễn về Giáo Hội giúp người ta có thể dễ dàng áp dụng vào
những thể loại về xã hội hay pháp chế. Tuy Nhiệm Thể Chúa Kitô thật sự vẫn là
một “hình ảnh” quan trọng, song tự mình, nó không thể đáp ứng nổi nhu cầu đòi
hỏi của thần học trong việc diễn đạt những điều liên quan đến “các thứ quan niệm”.
Thoạt tiên thì việc bình phẩm về tư tưởng Thân Mình Chúa Kitô
là một cái gì đó nông nổi. Việc tìm hiểu sâu xa hơn nữa về tư tưởng Thân Mình
Chúa Kitô đã cho thấy được những gì tích cực của nó; quan niệm “Dân Chúa”, cùng
với quan niệm Thân Mình Chúa Kitô, đã đi vào khoa giáo hội học của Công Đồng này.
Người ta đã nghĩ rằng hình ảnh Nhiệm Thể có thể là một khởi điểm quá hạn hẹp để
xác định nhiều hình thức thuộc về Giáo Hội mà giờ đây được thấy là rắc rối nơi
lịch sử loài người. Nếu chúng ta sử dụng hình ảnh thân thể để diễn tả “việc
thuộc về” là chúng ta chỉ giới hạn vào hình thức cho thấy là “phần tử”. Một là
phần tử hai là không phải là phần tử chứ không có những trường hợp khác. Vậy
người ta có thể đặt vấn đề là hình ảnh về thân thể quá hạn hẹp vì nó bộc lộ cho
thấy thực sự chỉ có những cấp độ trực tiếp thuộc về thôi. Vì lý do ấy, Hiến Chế
về Giáo Hội đã thấy rằng cần phải sử dụng quan niệm “Dân Chúa”. Quan niệm này có
thể diễn tả mối liên hệ của những anh chị em Kitô hữu không phải là Công Giáo
đối với Giáo Hội như đang “ở trong mối hiệp thông”, cũng như mối liên hệ của
những người không phải là Kitô hữu như đang “hướng về” Giáo Hội là nơi, trong cả
hai trường hợp, người ta có thể sử dụng tư tưởng Dân Chúa (Lumen Gentium,
15,16).
Về một phương diện người ta có thể nói rằng Công Đồng này đã sử dụng tư tưởng
“Dân Chúa” trước hết như là một chiếc cầu nối cho vấn đề đại kết. Nó còn áp dụng
cho cả khía cạnh khác nữa, đó là khía cạnh tái khám phá về Giáo Hội sau Thế
Chiến Thứ I, một thứ tái khám phá lúc ban đầu đã là một hiện tượng chung cho cả
người Công Giáo lẫn Tin Lành. Phong trào về phụng vụ thực sự không hề có ý định
chỉ giới hạn nơi Giáo Hội Công Giáo thôi. Đặc tính chung này đã gây nên vấn đề
phê phán lẫn nhau. Tư tưởng về Thân Mình Chúa Kitô đã được phát triển trong Giáo
Hội Công Giáo, khi Giáo Hội được ấn định như “Chúa Kitô tiếp tục sống trên trần
gian” và vì thế Giáo Hội được diễn tả như là việc nhập thể của Con tiếp tục cho
đến tận thế.
Tư tưởng này đã gây nên vấn đề chống đối nơi anh chị em Tin Lành, thành phần
thấy nơi giáo huấn này một thứ đồng hóa Giáo Hội với Chúa Kitô, một thứ đồng hóa
không thể nào chấp nhận được. Theo anh chị em Tin Lành thì Giáo Hội dường như
tôn thờ bản thân mình và cho rằng mình bất khả sai lầm. Dần dần, tư tưởng này đã
làm cho các tư tưởng gia Công Giáo suy nghĩ, thành phần, cho dù không đến nỗi đi
quá xa như thế, cũng thấy rằng ý thức về Giáo Hội ấy làm cho hết mọi tuyên ngôn
của Giáo Hội cùng với hoạt động mục vụ của Giáo Hội trở thành tối hậu đến nỗi
khiến cho bất cứ một lời bình phẩm nào cũng đều như là một thứ tấn công chính
Chúa Kitô mà hoàn toàn quên đi yếu tố con người, có những lúc rất con người, của
Giáo Hội. Cần phải rõ ràng nhấn mạnh đến việc phân biệt về Kitô Học, ở chỗ, Giáo
Hội không đồng hóa với Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội đừng trước nhan Người. Giáo Hội
là một Giáo Hội của tội nhân, hằng cần phải được thanh tẩy và canh tân, cần phải
trở nên Giáo Hội. Tư tưởng về việc canh tân đã trở thành một yếu tố quan trọng
nơi quan niệm về Dân Chúa, nhưng khó phát triển quan niệm canh tân theo cấu trúc
về Thân Mình Chúa Kitô.
Còn một yếu tố thứ ba cũng thuận lợi cho tư tưởng về “Dân Chúa” nữa. Vào năm
1939, có một nhà diễn giải Thánh Kinh Tin Lành là Ernst Kasemann đã đặt tên cho
vấn đề chuyên khảo của mình về Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái nhan đề Dân Chúa
Hành Hương. Trong tiến trình bàn luận của Công Đồng, nhan đề này lập tức trở
thành một câu tâm niệm, vì nó giúp làm cho một số vấn đề được hiểu rõ hơn nữa
trong những cuộc bàn luận liên quan đến Hiến Chế về Giáo Hội, ở chỗ, Giáo Hội
chưa đạt tới đích điểm của mình. Niềm hy vọng thực sự và xứng hợp của Giáo Hội
vẫn còn ở trước mặt Giáo Hội. Vấn đề chấp nhận “chiều kích cánh chung” liên quan
đến quan niệm về Giáo Hội đã sáng tỏ. Cụm từ “Dân Chúa” bao hàm mối hiệp nhất
của lịch sử cứu độ liên quan đến cả dân Do Thái và Giáo Hội trong cuộc hành
trình của Giáo Hội. Cụm từ này cũng diễn tả cho thấy bản chất lịch sử của một
Giáo Hội hành hương sẽ chưa đạt tới tầm vóc viên trọn của mình cho tới khi trải
qua cuộc hành trình theo giòng thời gian và phát triển trong bàn tay Thiên Chúa.
Cụm từ ấy cho thấy mối hiệp nhất của Dân Chúa nơi tính cách đa dạng, như ở nơi
tất cả mọi dân tộc khác, của những thừa tác vụ và dịch vụ khác nhau; tuy nhiên,
vượt lên trên và vượt ra ngoài tất cả những khác biệt ấy, tất cả đều là những kẻ
hành hương thuộc về cùng một cộng đồng Dân Chúa hành hương. Tổng quát mà nói,
nếu người ta muốn tóm lại những yếu tố nào quan trọng đối với Công Đồng liên
quan tới quan niệm “Dân Chúa”, họ có thể nói rằng cụm từ “Dân Chúa” là yếu tố đã
cho thấy bản chất lịch sử của Giáo Hội, cho thấy mối hiệp nhất nơi lịch sử của
Thiên Chúa với con người, mối hiệp nhất nội tại của dân Chúa vượt ra ngoài các
biên giới của những bậc sống về bí tích. Nó bao hàm cả động năng cánh chung, bao
hàm bản chất tạm thời và mỏng dòn của Giáo Hội hằng cần phải canh tân; và sau
hết nó cho thấy chiều kích đại kết, một chiều kích đa dạng về đường lối là những
gì giúp cho mối hiệp thông cũng như cho việc hướng về Giáo Hội có thể hiện hữu
và thực sự hiện hữu, ngay cả ở ngoài biên giới của Giáo Hội Công Giáo.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu những nhà bình luận đã cắt nghĩa chữ “dân” trong quan
niệm “Dân Chúa” theo chiều hướng chính trị nói chung. Với những ai phát động thứ
thần học giải phóng thì “dân” nếu được hiểu theo nghĩa chủ nghĩa cộng sản
Marxist thì đó là thành phần chống lại tầng lớp cai trị, hay nói một cách tổng
quát hơn, nó được ám chỉ tới một thứ chủ quyền đại chúng vốn đã từng được áp
dụng vào trường hợp của Giáo Hội kéo dài một thời gian rất lâu. Vấn đề này đã
gây ra những cuộc tranh luận bao rộng liên quan đến các thứ cấu trúc về Giáo Hội.
Có trường hợp câu biểu hiệu này đã được hiểu theo một ý nghĩa chuyên biệt Tây
Phương như là “việc dân chủ hóa”, hay cũng theo ý nghĩa được gọi là Đông Phương
là “Các Thứ Cộng Hòa Nhân Dân”. Dần dần hiện tượng “pháo bông về ngôn từ” (N.
Lohfink) này tàn cuộc, một là vì những trò chơi thế lực bị kiệt sức, nhường bước
cho công việc bình thường ở các hội đồng giáo xứ, hai là vì cuộc nghiên cứu thần
học sáng giá đã cho thấy một cách vững chắc là không thể nào chính trị hóa một
quan niệm vốn đã được tạo nên theo một chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Bochum
Werner Berg đã cống hiến một thí dụ về việc tỉ mỉ giải thích cho thấy cuộc
nghiên cứu thần học này khi khẳng định là: “Cho dù chỉ có một số ít đoạn đề cập
tới ‘Dân Chúa’ (một cụm từ hiếm thấy trong Thánh Kinh), vẫn hiển nhiên thấy được
một yếu tố chung duy nhất đó là: lời diễn đạt về ‘Dân Chúa’ nói lên mối liên hệ
với Thiên Chúa, mối liên hệ giữa Thiên Chúa với những ai được ấn định làm Dân
Chúa, bởi thế nó là một ‘liên hệ theo hàng dọc’. Lời diễn đạt ấy không dễ dàng
nghiêng chiều về một thứ cơ cấu phẩm trật của cộng đồng này, nhất là trường hợp
lời diễn đạt ‘Dân Chúa’ được sử dụng ‘nghịch lại’ với các vị thừa tác viên…” Nếu
chúng ta bắt đầu với ý nghĩa thánh kinh của lời diễn đạt này thì nó không còn
được hiểu một cách dễ dàng như là một tiếng kêu chống đối những vị thừa tác viên
nữa, vì “Chúng ta là Dân Chúa”. Josef Meyer zu Schlochtern, Giáo Sư Thần Học Cơ
Bản ở Paderborn, đã đúc kết việc bàn luận của mình về quan niệm “Dân Chúa” bằng
một nhận định liên quan đến Hiến Chế về Giáo Hội của Công Đồng. Bản hiến chế này
đã kết thúc bằng “việc phác tả cấu trúc Ba Ngôi Thiên Chúa như là nền tảng cho
ấn định tối hậu về Giáo Hội…”. Vấn đề bàn luận này đã xoay chiều về điểm chính
yếu của nó, đó là vấn đề Giáo Hội không hiện hữu cho mình; trái lại, Giáo Hội là
dụng cụ của Thiên Chúa trong việc qui tụ nhân loại lại trong Ngài và sửa soạn
cho thời điểm khi “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28). Chính quan
niệm về Thiên Chúa đã không hề được đề cập tới trong suốt cuộc nổ “pháp bông”
liên quan đến lời diễn đạt này, do đó, đã làm mất đi ý nghĩa của nó. Một Giáo
Hội chỉ hiện hữu cho mình sẽ là một thứ giáo hội vô bổ. Dân chúng sẽ nhận ra
ngay điều ấy. Cuộc khủng hoảng về Giáo Hội được phản ảnh qua lời diễn đạt “Dân
Chúa” là một “cuộc khủng hoảng về Thiên Chúa”. Nó phát xuất từ việc chúng ta
loại trừ cái chính yếu. Tất cả những gì còn lại chỉ là một cuộc tranh đấu về
quyền lực mà thôi. Loại chiến đấu này vẫn từng xẩy ra đầy giẫy trên thế giới,
Giáo Hội không cần phải nhào vô đấu trường này.
(còn tiếp)