GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

 

__________________

 NGÀY 12 CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

  

CHỖI DẬY VÀ TRỞ VỀ
 

“Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi” (Lc 15:18). Đây là một quyết tâm tối thiểu và cần thiết để bắt đầu lại trước bất cứ một việc gì.

Thông thường, khi đọc trích đoạn Tin Mừng về hai người con, ta dễ có cảm tưởng khó chịu và bực tức trước thái độ ngang bướng, lối sống hoang đàng của người con thứ. Và cũng khó chịu luôn cả với thái độ xem như quá dễ dãi và nuông chiều con của người cha già. Nhưng những gì xẩy ra trong quá khứ tội lỗi và ăn chơi phung phá của cậu, một mặt được xem như những nét vẽ màu đen trong toàn bộ bức tranh tình thương, và mặt khác nó làm nổi bật quyết tâm đổi mới của cậu.

Người cha sẽ không thể là người cha giầu tình thương và tha thứ nếu như ông đã không chia phần gia tài thuộc về cậu cho cậu. Vì đó là những cái thuộc về cậu. Nếu như trong đoạn kết, ông đã không đon đả, vội vã chạy ra ôm choàng lấy người con hư đốn mà tha thứ tất cả cho cậu bằng trái tim và cõi lòng choáng ngợp nỗi vui mừng “vì thấy cậu trở về mạnh khỏe” (Lc 15: 27). Và người con sẽ không thể nào hiểu được và không thể nào đón nhận được tình thương của cha mình, nếu như cậu không quyết tâm đứng dậy, ra đi và trở về với cha cậu. Đây là tất cả ý nghĩa của sự sống, của một khởi đầu và của những mầu sắc đối chọi nhưng đã vẽ nên bức tranh tuyệt vời của tình thương Cha trên trời, và thái độ thống hối ăn năn của con người tội lỗi.

Trong tâm lý học, nhất là tâm lý giáo dục, các nhà tâm lý và giáo dục đã biết chắc có những khác biệt rất lớn lao giữa tâm tính và lối sống của mọi người. Nhưng họ cũng đã khám phá ra rằng, chính do những khác biệt ấy đã làm cho cuộc sống con người khởi sắc, phong phú, và có những động lực thúc đẩy, đổi mới. Không ai giống ai, và cũng không ai hành xử như nhau. Xét về mặt tiêu cực, thì không ai là một người hoàn thiện hiểu theo đúng nghĩa của sự hoàn thiện. Và điều này cần thiết để mỗi người và từng người phải tự mình phấn đấu, tự mình xoay xở, tự mình trách nhiệm về cuộc sống của mình. Chính những ưu và khuyết điểm ấy dệt thành bức tranh toàn bộ của một đời người.

Nhưng điểm quan trọng hiểu theo cái nhìn tâm lý và Thánh Kinh ở đây không phải là con người được tự cho phép mình dừng lại ở những khởi đầu ấy. Cho phép mình hành động theo bản năng, theo những đòi hỏi của đam mê, và cá tính tự nhiên. Hoặc theo ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, là lãnh trọn phần gia tài thuộc về mình rồi ra đi ăn chơi, phung phí. Sự trưởng thành về tâm lý và sự phát triển về lý trí không cho phép con người sống và hành động như vậy. Nó đòi hỏi ta phải biết suy nghĩ, phải biết dừng lại đúng lúc bằng một quyết tâm mạnh mẽ, can đảm. Phải trực diện với con người của mình, phải có trách nhiệm về cuộc sống của mình.

Thông thường những bệnh nhân tâm lý ít khi nhận mình là người bệnh. Khác với bệnh nhân thể lý, hơi thấy đau bụng, nhức đầu, sổ mũi là biết mình đau bụng, nhức đầu, sổ mũi và lo tìm thầy, tìm thuốc ngay. Những bệnh nhân tâm lý thì lại không vậy, triệu chứng đau bụng, nhức đầu, sổ mũi có đó, và đang hoành hành tác hại trên cuộc sống tinh thần của họ, nhưng họ vẫn chối bỏ và không chấp nhận. Lý do dễ hiểu, vì để chữa bệnh thể lý con người chỉ cần uống thuốc. Nhưng để chữa bệnh tâm lý, con người cần một nghị lực và can đảm để bước ra khỏi con đường cũ, và chấp nhận đổi mới. Đây cũng là lý do tại sao khi có những trục trặc, những va chạm trong đời sống hôn nhân, gia đình, người ta ưa tìm đến những ông bà thầy bói hoặc tử vi tướng số mà không tìm đến các nhà tâm lý, hoặc các linh mục giải tội. Vì họ muốn tìm một lý lẽ để tự bào chữa cho những thiếu sót của mình, và vì họ không muốn sửa sai.

Đến đây, chúng ta mới thấy việc trở về của cậu con thứ là một hành động cam đảm, và cần thiết. Nhờ quyết tâm này, cậu đã chinh phục được tình thương và tha thứ trọn vẹn của cha cậu, và mặc dầu cậu tự nhận mình “không đáng làm con cha nữa” (Lc 15: 18), nhưng cha cậu vẫn cứ đối xử với cậu bằng một tình yêu thương vô bờ, và còn hơn thế nữa đến độ làm người anh cậu phải ghen tức.

Có bao giờ bạn cảm thấy mình có lỗi không? Lỗi với Thiên Chúa, và lỗi với tha nhân. Và lỗi với chính bạn. Lỗi trong tư tưởng. Lỗi trong lời nói. Và lỗi trong hành động. Hẳn là có, vì chúng ta cũng chỉ là con người. Nhưng trước những lỗi lầm của mình và những lỗi lầm của người con thứ trong Phúc Âm bạn thấy sao? Bạn lỗi nhiều và nặng nề hay người thanh niên ấy? Nhưng rồi, điều quan trọng hơn vẫn là thái độ chấp nhận, sửa sai của thanh niên đó: “Tôi phải ra đi và trở về cùng cha tôi” (Lc 15: 18). Đó là tất cả mấu chốt của thái độ phản tỉnh cần thiết của một người trước những hành động sai trái của mình.

Tóm lại, bạn không bao giờ được nản lòng, và cũng đừng bao giờ tự chôn bám vào những yếu đuối, những đam mệ hư hỏng của mình. Bạn không thể tự bào chữa được những lỗi lầm của bạn, vì nó được đặt trước tình thương yêu vô bờ của Thiên Chúa. Và vì hơn ai hết, bạn hiểu bạn, và hiểu bạn phải làm gì và làm như thế nào. Vậy, chúng ta hãy bắt chước thái độ của người con thứ trong Phúc Âm, và hãy can đảm dứt khoát với quá khứ, với những gì đang làm cản bước đường tu tập và sửa sai của bạn. Hãy nói với mình mọi ngày rằng: “Hãy đứng dậy và trở về”.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Tận Cùng Yêu Thương

 

Nếu suy nghiệm kỹ hai bài Phúc Âm, bài của Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên Năm C tuần trước và bài của Chúa Nhật XXIV Mùa Thường Niên Năm C tuần này, chúng ta thấy ý nghĩa của hai bài Phúc Âm này rất ăn khớp với nhau. Nếu trong bài Phúc Âm tuần trước Chúa Giêsu khuyên dạy đối tượng muốn theo Người phải “từ bỏ chính bản thân mình”, thì trong bài Phúc Âm tuần này, Người lại diễn tả tâm tưởng của Người về đối tượng không chịu “bỏ mình” theo Người, tức lạc xa Người, là “Tôi đã tìm thấy con chiên thất lạc… tôi đã tìm thấy đồng bạc bị mất”.

Đúng thế, theo lời Chúa Giêsu ở bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, con người có trách nhiệm phải chủ động bỏ mình đi và vác thập giá mới có thể theo Người, tức mới có thể đến cùng Cha, mới có thể hiệp thông với Thiên Chúa. Trái lại, trong bài Phúc Âm tuần này, dù con người không thể hay không chịu theo Chúa, không thể hay không chịu đến với Người, vì không chịu hay không thể bỏ mình và vác thập giá theo Người, mà chính Người đã phải chủ động và tích cực đi tìm họ cho đến khi gặp được họ, để có thể dẫn họ về với Cha, nghĩa là Người đã tự bỏ mình và vác thập giá theo đuổi họ, thay vì họ phải bỏ mình và vác thập giá mà theo Người.

Chính vì thế, trong bài chia sẻ tuần trước, chúng ta đã cùng nhau cảm nghiệm thấy rằng: “Thiên Chúa chẳng những đã ‘bỏ mình đi’, khi ban Con Một Ngài cho chúng ta, để có thể đến với chúng ta nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài còn phải ‘vác thập giá’, khi phó nạp Con Ngài vì chúng ta qua Mầu Nhiệm Vượt Qua, để có thể cứu độ chúng ta và ban Thánh Linh hiệp thông cho chúng ta”.

Bởi thế, qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, chúng ta mới cảm thấy được rằng, Giáo Hội muốn chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa hơn là muốn nhấn mạnh đến phản ứng của tội nhân đối với Ngài. Sự kiện đề cao thái độ chủ động của Thiên Chúa khoan dung, hơn là phản ứng của tội nhân trong bài Phúc Âm hôm nay, được hiện tỏ qua hai bài đọc một và hai.

Vâng, đó là lý do, Giáo Hội chỉ buộc đọc hai dụ ngôn, dụ ngôn thứ nhất về việc chủ chiên tìm thấy con chiên lạc duy nhất trong đàn 100 con, và dụ ngôn thứ hai về người đàn bà tìm thấy đồng bạc bị mất duy nhất trong 10 đồng bạc bà có. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đọc dụ ngôn thứ ba về người con hoang đàng, nhưng lại là đoạn Phúc Âm được Giáo Hội để trong ngoặc đơn, nghĩa là không buộc đọc. Tại sao? Theo tôi, ngoài lý do đoạn Phúc Âm đưa con hoang đàng này đã đươc Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C, còn tại vì hai lý do sau đây. Thứ nhất là vì dụ ngôn thứ ba liên quan đến thái độ chủ động thống hối của người con hoàng đàng hơn thái độ thứ tha của người cha, do đó mới có lý do thứ hai, lý do là vì dụ ngôn thứ ba này nói đến thái độ người cha chờ con về chứ không tự động hay chủ động đi tìm kiếm nó, như thái độ của người chủ chiên đi tìm chiên lạc, hay như thái độ của người đàn bà tìm của mất ở hai dụ ngôn trước. Sở dĩ người cha trong dụ ngôn thứ ba không chủ động tìm con chiên lạc nữa là vì Ngài đã đi tìm nó ở dụ ngôn thứ nhất, qua Lời Nhập Thể Con Ngài. Nếu hai dụ ngôn đầu liên quan đến việc Thiên Chúa thông ban sự sống thần linh thì dụ ngôn thứ ba liên quan đến việc con người tái sinh (rửa tội lãnh nhận gia sản sự sống), hòa giải (phục hồi sự sống) và hiệp thông (hoan hưởng Thánh Thể ban sự sống).

Tuy nhiên, nếu chỉ để ý đến khía cạnh Thiên Chúa chấp nhận con người, dù con người tội lỗi đi nữa, thì dụ ngôn về người con hoang đàng cũng hợp với dụ ngôn chiên lạc và đồng bạc mất. Thật vậy, qua bài Phúc Âm của Chúa Nhật XXIV Năm C tuần này, chúng ta thấy được giá trị hết sức cao cả của bản thân mỗi một con người tạo vật chúng ta trước nhan Thiên Chúa hằng sống vô cùng toàn thiện. Việc Thiên Chúa yêu thương tìm kiếm con người nói chung và từng người nói riêng cho chúng ta thấy con người tạo vật chúng ta, chung cũng như riêng, thực sự là loài được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Ngài. Không phải hay sao, nếu Thiên Chúa Duy Nhất nhưng lại một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi, thì con người cũng thế, cho dù đều là con người như nhau, song mỗi con người lại là một ngôi vị riêng biệt, một chủ thể biệt lập, chứ không phải chỉ là một khối đồng thể như nơi loài thú vật?

Đúng vậy, “Thiên Chúa là tình yêu”, như Vị Tông Đồ được Chúa Giêsu yêu định nghĩa trong Thư Thứ Nhất của mình ở đoạn 4 câu 8 và 16, đã chẳng những “yêu (chung) thế gian đến ban Con Một mình” (Jn 3:16), mà còn yêu riêng từng người đến trong thế gian nữa; và Ngài chẳng những yêu họ khi họ đã vào đời mà còn yêu họ ngay cả trước khi họ nhập thế nữa, khi họ còn trong lòng mẹ nữa, như chính Ngài đã phán cùng tiên tri Giêrêmia, vị đã ghi nhận sự thật cảm kích này ở đoạn 1 câu 5: “Trước khi Ta hình thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi, Ta đã chỉ định ngươi làm tiên tri cho các dân nước”.

Chưa hết, “Thiên Chúa là tình yêu” chẳng những yêu thương mỗi một người chúng ta chỉ vì chúng ta là tạo vật của Ngài, một tạo vật được Ngài dựng nên hoàn toàn tốt lành ngay từ ban đầu, nghĩa là khi chúng ta còn ngây thơ vô tội chưa biết đến tội lỗi là gì, mà còn yêu thương chúng ta cả khi chúng ta “là những tội nhân” nữa, như Vị Tông Đồ Dân Ngoại xác nhận trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 5 câu 8. Đó là lý do, ngay sau khi sa ngã phạm tội, hai nguyên tổ của loài người chúng ta, lúc hai vị còn đang đổ lỗi cho nhau, không hề biết mở miệng xin Chúa thứ tha, thì chính Ngài đã tự động tuyên hứa cứu độ cho chính thành phần tạo vật phản nghịch Ngài rồi, như Sách Khởi Nguyên ghi lại ở đoạn 3 câu 15.

Trường hợp “Thiên Chúa là tình yêu” yêu thương chúng ta khi chúng ta “là những tội nhân” còn được thể hiện tỏ tường qua việc Ngài tha không tận diệt dân Do Thái nữa, đám dân đã thực sự bỏ Ngài là Đấng họ đã tận mắt chứng kiến thấy Ngài ra tay uy quyền để cứu họ ra khỏi cảnh làm tôi Ai Cập, mà quay đầu đi tôn thờ con bò vàng đúc do họ tạo nên, như Sách Xuất Hành thuật lại trong bài đọc thứ nhất hôm nay. “Thiên Chúa là tình yêu” yêu thương chúng ta khi chúng ta “là những tội nhân” chẳng những được thể hiện qua việc thứ tha cho cả loài người ngay từ ban đầu, hay cho cả một dân tộc, như trường hợp Dân Do Thái trong bài đọc một hôm nay, mà còn cho từng con người chúng ta nữa, như trường hợp của chính Vị Tông Đồ Dân Ngoại, qua những gì ngài chia sẻ với Timôthêu trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Chúa Giêsu Kitô đến thế gian để cứu các tội nhân. Trong số đó, cha là đệ nhất tội nhân”.

Ôi, theo những gì vừa được chia sẻ thì như thế Thiên Chúa đã chẳng yêu thương chung loài người tạo vật vô cùng thấp hèn chúng ta và mỗi từng con người tội nhân vô cùng bất xứng của chúng ta cho đến cùng hay sao?

Mức độ “cho đến cùng” này nơi tình yêu Thiên Chúa tỏ ra qua Chúa Giêsu Kitô đây, như Thánh Ký Gioan viết trong Phúc Âm của mình ở đoạn 13 câu 1, không liên quan đến chủ thể yêu là Thiên Chúa, mà là đến đối tượng yêu là tội nhân chúng ta. Bởi vì, đối với “Thiên Chúa là tình yêu” thì một khi yêu là Ngài yêu bằng cả tấm lòng của Ngài, một tình yêu tuyệt đối thủy chung, yêu từ đầu đến cuối, “yêu đến cùng”, chứ không yêu dang dở, yêu từ từ, yêu có hạn, yêu bập bềnh lên xuống tùy theo đối tượng có đáng yêu chăng, hay đáng yêu bằng nào, hoặc đáng yêu lúc nào v.v. Đó là lý do Thiên Chúa vẫn yêu loài người chúng ta cả khi chúng ta “là những tội nhân”. Và cũng chính vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta “là những tội nhân” mà Người đã yêu “cho đến cùng”. “Cho đến cùng” ở đây không phải chỉ được hiểu “Thiên Chúa là tình yêu” tỏ lòng xót thương với chung loài người tội lỗi chúng ta, mà còn được hiểu là Ngài yêu thương cho đến tội nhân cuối cùng trong chúng ta, hay cho đến con người “đệ nhất tội nhân” trong chúng ta nữa.

Đó là lý do Thánh Ký Gioan, sau khi cảm nhận “Người đã yêu thương thành phần thuộc về mình trên thế gian và muốn tỏ cho họ thấy Người yêu họ cho đến cùng”, liền nói ngay đến tông đồ Giuđa Ích-Ca: “Ma quỉ đã cám dỗ Giuđa trong việc phản nộp Người”, rối chính thánh nhân dùng câu “không phải mọi người đều sạch cả đâu”, câu Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô, để ám chỉ về tông đồ Giuđa là: “vì Người biết kẻ phản nộp mình”. Như thế, Chúa Giêsu “đã yêu những kẻ thuộc về mình trên thế gian và Người cho họ thấy rằng Người yêu họ cho đến cùng” ở đây có nghĩa là Chúa Giêsu yêu cả Giuđa là kẻ Người biết trước là sẽ phản nộp Người, là “con sâu làm sầu nồi canh” tông đồ đoàn, bằng việc Người cũng cúi mình xuống rửa chân cho cả Giuđa nữa, để toàn thân tông đồ đoàn được tinh sạch vậy.

Nếu qua Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, “Thiên Chúa là tình yêu” đã yêu thương nhân loại tội nhân chúng ta “cho đến cùng”, tức là cho đến con người “đệ nhất tội nhân” trong chúng ta, hay cho đến con chiên lạc duy nhất trong đàn 100 con, cho đến đồng bạc duy nhất bị mất trong số 10 đồng bạc, thì quả thực, đến đây chúng ta mới thấy được lý do tại sao ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 14 câu 1 và 2, Chúa Giêsu đã trấn an các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly là: “Lòng các con đừng bối rối. Hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin tưởng nơi Thày. Trong nhà Cha thày có nhiều chỗ ở lắm”.

Chúng ta hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu phán lời vừa được trích lại ấy ngay sau đoạn Phúc Âm Người báo trước cho Phêrô biết sự việc Phêrô sẽ chối bỏ Người. Như thế có nghĩa là, dù chúng ta là ai và có tội lỗi đến đâu đi nữa, và dù Thiên Chúa có biết trước chúng ta tội lỗi bất xứng đi nữa, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, yêu thương từng người chúng ta, tức là mỗi một người tội nhân chúng ta bao giờ cũng có chỗ của mình trong cung lòng yêu thương vô biên bất tận của Thiên Chúa. Miễn là, phải, miễn là tội nhân chúng ta biết hết lòng tin tưởng vào tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài, đừng bao giờ hồ nghi tình Ngài yêu thương chúng ta “cho đến cùng”.

Như thế, “hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin tưởng nơi Thày” chính là lời Con Thiên Chúa mời gọi “người ta từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa” vậy. Thành phần từ đông tây nam bắc được Chúa Giêsu nhắc đến trong Phúc Âm Thánh Luca Chúa Nhật Thường Niên XXII Năm C cách đây 2 tuần này không phải là thành phần “khi được mời thì đến ngồi vào chỗ thấp nhất” hay sao? Điển hình là con người Tông Đồ Dân Ngoại đã thành thực cảm nhận trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Chúa Giêsu Kitô đến thế gian để cứu các tội nhân. Trong số đó, cha là đệ nhất tội nhân”, hay con người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện ở Phúc Âm Thánh Luca đoạn 18 câu 13: “không dám ngẩng đầu lên trời. Chỉ biết đấm ngực mà thưa: ‘Ôi lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi’”.

Chính vì thế, con người thu thuế không dám ngẩng mặt lên này đã được mời lên chỗ cao trọng hơn, chỗ được Phúc Âm Thánh Luca bốn tuần nữa đây xác nhận là “khi ra về được nên công chính”, và con người “đệ nhất tội nhân” trong bài đọc hai hôm nay cũng vậy, cũng đã được mời lên chỗ cao hơn, như chính con người này đã cho biết trong cùng bài đọc hai hôm nay, đó là “để tôi có thể trở nên một gương mẫu cho những ai sau này tin vào Chúa Giêsu Kitô mà được sống trường sinh”.

Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIV Mùa Thường Niên Năm C theo Phúc Âm Thánh Luca tuần này cho chúng ta thấy Thiên Chúa thực sự yêu thương con người tạo vật chúng ta “cho đến cùng”. Ở chỗ, qua Con Một của mình, Ngài đã đến để tìm kiếm chung loài người chúng ta cũng như riêng từng người chúng ta trong khi chúng ta “là những tội nhân”. Vì mỗi một con người chúng ta là một ngôi vị, một chủ thể, chứ không phải là thú vật, là một khối đồng thể, (tức là loài có thể cloning hay có thể được tạo sinh theo phương pháp sao bản vô tính dục), do đó, Thiên Chúa không thể yêu thương thế gian mà lại không yêu thương từng người chúng ta, hay yêu thương riêng cá nhân hơn tập thể loài người, như Ngài có vẻ tỏ ra như thế trong bài đọc một Chúa Nhật tuần này. Tuy nhiên, dù là một ngôi vị riêng biệt, chúng ta cũng là một con người thuộc về loài người, loài được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã làm người như loài người chúng ta. Phải chăng vì thế mà chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu chúng ta, và phải tha thứ cho nhau như Ngài đã thứ tha cho chúng ta.

Tóm lại, qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, với hai dụ ngôn chính trong ba dụ ngôn, tức dụ ngôn con chiên lạc thứ 100 và đồng tiền thứ 10, chúng ta thấy được một chân lý hết sức cảm động là Thiên Chúa yêu thương chẳng những chung loài người mà còn yêu thương từng người trong chúng ta nữa.

Bài Phúc Âm hôm nay có thể đọc cả về dụ ngôn người con phung phá, nhưng không buộc, vì Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến việc chủ động của Thiên Chúa đi tìm loài người, hơn là việc loài người trở lại với Ngài, như trong trường hợp người con phung phá.

Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta ở chỗ, Ngài biết được từng người trong chúng ta, hơn chính chúng ta biết mình, Ngài lo cho phần rỗi chúng ta còn hơn chúng ta cố gắng liên lỉ tìm về với Ngài, thậm chí Ngài đã tìm hết cách để làm cho chúng ta nhận biết Ngài và trở về với Ngài, như trường hợp người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp.

Đó là lý do, nếu để ý và nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể thấy được những dấu chỉ thời đại Ngài tỏ ra trong cuộc đời của mỗi người, nhờ đó cảm nghiệm được sự hiện diện vô hình của Ngài bên chúng ta, nhất là trong những lúc chúng ta cảm thấy khổ đau và bất lực, từ đó chúng ta chẳng những nhận biết và yêu mến Ngài hơn, mà còn nhiệt thành làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến nữa, như đã xẩy ra trong trường hợp người phụ nữ Samaritanô được diễm hạnh bất ngờ gặp gỡ Chúa Kitô.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Đồng Bạc Thất Lạc

 
Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXIV Thường Niên (12/9/2004)

Phúc Âm Lc 15:1-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông nầy đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn nầy: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!”. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”. Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: “Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. (Phần tiếp theo về dụ ngôn người con phung phá không buộc phải đọc).

Hướng Dẫn

Qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, với hai dụ ngôn con chiên lạc thứ 100 và đồng tiền thứ 10, chúng ta thấy được một chân lý hết sức cảm động là Thiên Chúa yêu thương chẳng những chung loài người mà còn yêu thương từng người trong chúng ta nữa.

Bài Phúc Âm hôm nay có thể đọc cả về dụ ngôn người con phung phá, nhưng không buộc, vì Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến việc chủ động của Thiên Chúa đi tìm loài người, hơn là việc loài người trở lại với Ngài, như trong trường hợp người con phung phá.

Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta ở chỗ, Ngài biết được từng người trong chúng ta, hơn chính chúng ta biết mình, và Ngài tìm hết cách để làm cho chúng ta nhận biết Ngài và trở về với Ngài, như trường hợp người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp.

Đó là lý do, kinh nghiệm sống đạo cho chúng ta thấy rằng, mỗi một người chúng ta, nếu chuyên chú tìm Chúa và hoàn toàn cởi mở trước tác động thần linh của Ngài, chúng ta chắc chắn sẽ cảm thấy được Thiên Chúa đang ở với chúng ta và ở bên chúng ta.

Chẳng hạn trong những lúc khốn khó chúng ta cầu xin cùng Ngài và được Ngài nhận lời, đặc biệt là khi chúng ta bị ác quả ác báo hay gieo gió gặt bão chúng ta nhận ra lầm lỗi của mình, nhất là khi chúng ta chịu đau khổ về thể xác hay tâm hồn mà vẫn bình an tin tưởng vui sống.

Đó là lý do tuần này chúng ta sinh hoạt trò chơi “Đồng Bạc Thất Lạc”.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra một người (cùng một ngành, cùng một tuổi và cùng một phái tính). Trò chơi này có thể chơi theo ngành, hay chơi thứ tự từ ngành này đến ngành kia, từ nhỏ đến lớn hay từ lớn đến nhỏ.

2. Người quản trò sẽ cho mọi người tham dự cuộc chơi thấy rõ đồng bạc đặc biệt ở trong một đống đồng bạc cắc. Sau đó người quản trò mời những người này đứng thành vòng tròn, quay mặt ra phía ngoài. Người quản trò đứng ở giữa vòng tròn và tung đống bạc cắc lên đầu cho rơi xuống đất, nhưng khi đống bạc cắc gần rơi xuống đất thì thổi còi hiệu để những ai tham dự trò chơi quay vào tìm chiếm đồng bạc đặc biệt.

3. Nhóm nào tìm thấy đồng bạc đặc biệt thì đoạt giải “Đồng Bạc Thất Lạc”. Nếu chơi nhiều lần bởi những người đại diện khác nhau của nhóm thì nhóm nào thắng nhiều lần nhất thì đoạt giải trò chơi.

4. Cũng có thể chơi trò mèo bắt chuột, trò chơi cũng nói lên ý nghĩa Chúa rượt bắt tội nhân, thành phần mù quáng chạy theo ý riêng tội lỗi của mình, hay sợ phải bỏ mình theo Chúa, đến nỗi nếu Chúa không chặn đầu hay làm cho họ bị gặp phải khổ đau họ không thể nhận ra chân lý.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ