GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 9/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.
__________________
NGÀY 13 THỨ HAI |
Huấn Từ Truyền Tin về Lễ Thánh Danh Mẹ Maria và về phong trào Tông Đồ Giáo Dân
Chúa Nhật 12/9/2004 là ngày Giáo Hội cử hành Lễ Thánh Danh Maria của Đức Mẹ theo sắc lệnh điều chỉnh mới của Tòa Thánh ban hành vào Mùa Chay năm 2002. Cũng trong lần điều chỉnh phụng vụ lần hai từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II này, Mẹ Maria có thêm một lễ nữa, đó là Lễ Mẹ Fatima 13/5 hằng năm. Tổng cộng mỗi năm Đức Mẹ có tất cả 16 Lễ, ngoại trừ hai Lễ, Lễ Đức Mẹ Guadalupê và Lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết. Ngày xưa còn có Lễ Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi 24/9 nữa.
Riêng Lễ Mẹ Guadalupê 12/12 mới chỉ được tôn kính ở Mỹ Châu, chưa được kính trong Giáo Hội hoàn vũ; và Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma ngày 5/8 cũng gọi là Lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết (St Mary ad Nives hay St Mary of the Snow), vì theo truyền khẩu thì Mẹ Maria đã chọn nơi này để xây một nhà thờ cho Mẹ, bằng cách làm một phép lạ cho tuyết rơi xuống ngay vào mùa hè, và hiện ra trong giấc mơ của một nhà quí tộc tên là Gioan, người đã xây dựng nhà thờ ấy trên Đồi Esquiline vào thời giáo hoàng Liberius (352-366), bởi thế Đền Thờ Đức Bà Cả này đầu tiên được gọi là Đền Thờ Liberian.
Lễ Thánh Danh Maria 12/9 của Đức Mẹ được bắt đầu ở Tây Ban Nha vào năm 1513 và vào năm 1671 được lan khắp Tây Ban Nha và Vương Quốc Naples. Vào năm 1683, vua nước Balan là Gioan Sobieski mang quân đến ngoại thành Vienna để ngăn chặn bước tiến của các đạo quân Hồi Giáo trung thành với hoàng đế của họ là Mohammed IV ở Constantinople. Sauk hi ký thác bản thân cho Đức Trinh Nữ Maria, vua và quân Balan đã hoàn toàn đánh bại người Hồi Giáo. Sau đó, Đức Innocent XI (1676-1689) đã truyền cho toàn thể Giáo Hội dâng lễ kính Thánh Danh Maria của Đức Mẹ.
Sau đây là nguyên văn huấn từ truyền tin của ĐTC GPII cho Lễ Kính Thánh Danh Maria của Đức Mẹ.
1. Theo truyền thống xưa kia, hôm nay là ngày lễ kính Thánh Danh Maria. Gắn liền bất khả phân ly với Thanh Danh Giêsu (biệt chú của người dịch: xưa kia được kính vào ngày 3/1), tên gọi này rất ưu ái đối với Kitô hữu, vì nó nhắc nhở tất cả chún g ta về người Mẹ chung của chúng ta. Chúa Giêsu hấp hối đã trao phó cho Mẹ tất cả mọi người như là con cái của Mẹ.
Chớ gì Mẹ Maria canh chừng nhân loại vào thời điểm tràn nay những bùng nổ bạo loạn này đây. Xin Mẹ đặc biệt coi giữ những thế hệ mới là thành phần đáng ước mong để xây dựng một tương lai hy vọng cho tất cả mọi người.
2. Tôi cũng đã nhận thấy nỗi khát vọng thiết tha này hướng về một thế giới công chính và an bình nơi thành phần trẻ em, giới trẻ và người lớn của phong trào Tông Đồ Giáo Dân Ý Quốc, những người Tôi đã gặp gỡ Chúa Nhật vừa qua ở Loreto vào dịp hành hương toàn quốc của họ.
Tôi cám ơn Chúa đã cho Tôi cơ hội để tham dự vào biến cố giáo hội quan trọng này, mà tột đỉnh của nó là việc tôn phong 3 vị tân chân phước: Alberto Marvelli, Pina Suriano and Pere Tarrés i Claret.
Gợi lại chứng từ của các vị, Tôi muốn nhắc nhở anh chị em 3 đòi hỏi mà ở Loreto Tôi đã trao phó cho phong trào Tông Đồ Giáo Dân, đó là “chiêm niệm”, tức tiến bước trên con đường thánh đức; “hiệp thông”, tức bồi dưỡng linh đạo hiệp nhất; “sứ vụ truyền giáo” phải là men phúc âm ở hết mọi nơi mọi chốn.
3. Chớ gì Đức Mẹ giúp cho phong trào Tông Đồ Giáo Dân được tiếp tục nhiệt thành nỗ lực thực hiện chứng từ tông truyền của mình, luôn hoạt động sát cánh với phẩm trật, và tham dự một cách hữu trách vào sinh hoạt giáo xứ cùng việc mục vụ của giáo phận.
Giáo Hội tin tưởng vào sự hiện diện chủ động của phong trào Tông Đồ Giáo Dân cũng như vào việc trung thành dấn thân của nó cho Vương Quốc của Chúa Kitô. Tôi cũng hết lòng tin tưởng phong trào Tông Đồ Giáo Dân và khuyến khích tất cả mọi phần tử của phong trào này hãy trở thành những nhân chứng nhiệt thành loan báo phúc âm vui mừng, mang lại cho xã hội ngày nay niềm hy vọng tìm kiếm an bình.
ĐTC GPII với Tân Lãnh Sự Ái Nhĩ Lan về “Mối Nguy Hiểm của một Thứ Nghèo Khốn Thiêng Liêng”.
Thứ Bảy 4/9/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp vị tân lãnh sự Ái Nhĩ Lan ở Castel Gandolfo về “Mối Nguy Hiểm của một Thứ Nghèo Nàn Thiêng Liêng”. Sau đây là nguyên văn những gì Ngài đã chia sẻ với vị tân lãnh sự là ông Philip McDonagh này:
Thưa ông Lãnh Sự,
Tôi rất hân hoan chào mừng ông và chấp nhận Tín Ủy Thư bổ nhiệm ông làm Lãnh Sự Ngoại Lệ và là Thừa Tác Viên Toàn Quyền của Ái Nhĩ Lan ở Tòa Thánh. Tôi cám ơn ông về những lời chào mừng nồng hậu của ông ngỏ cùng Tôi thay mặt Tổng Thống Mary McAleese, và Tôi xin ông vui lòng chuyển đến bà cũng như đến cùng toàn thể nhân dân Ái Nhĩ Lan yêu dấu những lời chúc thân ái tốt đẹp nhất và lời hứa cầu nguyện của Tôi.
Ái Nhĩ Lan có lý để hãnh diện về di sản cổ kính về tính cách ân cần tiếp đón và quảng đại trợ giúp những ai cần đến mình. Bắt nguồn từ tình yêu thương tha nhân của Kitô Giáo và được nuôi dưỡng trong một đời sống gia đình vững chắc, những nhân đức này đã trở thành “hồn sống” của Ái Nhĩ Lan và tiếp tục là một trong những tài nguyên quí nhất của nó. Câu truyện bất thành văn của rất nhiều con người nam nữ hiến thân mình để phục vụ người khác là một trong những chương lịch sử hào hùng nhất của lịch sử quê hương xứ sở ông. Tôi rất cảm ơn về việc ông để ý đề cập đến một nhân vật trong họ, đó là cố TGM Michael Courtney, người đã tuyệt hiến mạng sống để mang lại hòa bình và phúc hạnh cho dân chúng đau khổ Burundi. Thật là phấn khởi khi thấy rằng chính tình yêu thương tha nhân ấy đã tác động rất nhiều con người trẻ Ái Nhĩ Lan quảng đại tự nguyện bỏ thời giờ, tài năng và năng khiếu chuyên moan để phục vụ kẻ khác. Trong tinh thần trợ giúp những ai quan thiết ấy Ái Nhĩ Lan đã thực hiện trong cộng đồng quốc tế nhiều thứ trong việc làm giảm bớt đau thương, bằng cách trợ giúp về tài chính, cung cấp những cơ hội giáo dục và hướng dẫn chuyên môn, cũng như bằng cách cung ứng những ngân khoản cứu trợ khẩn cấp và những đoàn quân bảo vệ hòa bình khi được yêu cầu.
Kinh nghiệm của các thế hệ di dân Ái Nhĩ Lan đã làm cho nhân dân của ông nhận thấy được những khó khăn trầm trọng và những điều kiện bấp bênh thường hay xẩy ra cho những cá nhân con người và những gia đình đang tìm kiếm một cuộc khởi đầu ở nơi một miền đất lạ. Cái cảm quan này là tiêu biểu cho thấy cả một tài nguyên dồi dào cho việc phát triển một nền văn hóa chấp nhận trưởng thành. Thứ văn hóa này đòi phải có một tấm lòng quảng đại và cởi mở trước tính cách đa dạng hợp tình hợp lý, đồng thời cũng đòi phải tôn trọng gia sản văn hóa của quốc gia và đòi phải dấn thân cổ võ những hình thức hộ nhập thích thuận (cf. "Ecclesia in Europa," 101-102). Cái khốn khó của thành phần di cư cũng như của những ai lưu lạc vì vấn đề nghèo khổ, chiến tranh hay bị bách hại thì thật là thê thảm và cần phải được đặc biệt lưu tâm và quảng đại. Tòa Thánh hy vọng rằng những cách thức được thực hiện trong thời gian Ái Nhĩ Lan làm chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu ngả theo chiều hướng những qui chế cởi mở đối với những dân tộc khác sẽ là những gì tiếp tục giải quyết vấn đề nhân đạo quan trọng này cùng với những đồng bạn Âu Châu của ông bằng một con tim cởi mở và một dấn thân kiên trì.
Như ông Lãnh Sự đã nhận định, Ái Nhĩ Lan gần đây đã trải qua những biến đổi quan trọng về xã hội, bao gồm cả việc phát triển về kinh tế đáng kể. Một xã hội càng phong phú lại càng có trách nhiệm hơn trong việc trở thành một xã hội công chính và cởi mở, thế nhưng xã hội này đồng thời cũng phải đương đầu với những thách đố mới, bao gồm cả cái nguy hiểm của một thứ bần cùng và lãnh đạm về thiêng liêng đối với những khía cạnh sâu xa hơn về luân lý và tôn giáo. Ước vọng của xứ sở ông trong việc trở thành một xã hội thật sự tân tiến, trong gia đình của các quốc gia Âu Châu, sẽ đạt tới mức độ cao nhất của nó trong cuộc dấn thân tái khẳng định trước hết phẩm giá khôn sánh của sự sống và quyền sống của mỗi một con người. Tôi tin tưởng rằng bằng việc trung thành với các giá trị làm nên Ái Nhĩ Lan, như là một quốc gia được bắt đầu từ thời truyền bá phúc âm hóa của mình, nhân dân của ông sẽ giúp vào việc đặc biệt đóng góp cho tương lai của Âu Châu (cf. "Ecclesia in Europa," 96).
Ông đã đề cập đến những niềm hy vọng của Ái Nhĩ Lan đối với tiến trình hòa bình. Tôi cầu nguyện để hết mọi nỗ lực đang được thực hiện trong việc lợi dụng những cơ hội do Hiệp Định Thứ Sáu Tuần Thánh là những gì mang lại một tác lực mới và một niềm hy vọng mới cho dân chúng ở Bắc Ái Nhĩ Lan. Giáo Hội Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan sát vai với các cộng đồng Kitô hữu khác dấn thân để củng cố những thái độ tích cực của việc nhận thức, tôn trọng và cảm mến nhau qua các hoạt động đại kết cũng như những nỗ lực giáo dục. Sứ điệp của Phúc Âm không thể nào tách biệt khỏi tiếng gọi hoán cải tâm hồn; việc truyền bá phúc âm hóa cũng không thể nào tách biệt khỏi vấn đề đại kết và cổ động mối hiệp thông, sự hòa giải và lòng cởi mở đối với nhau, nhất là đối với những Kitô hữu khác. Chớ gì những sáng kiến của tất cả những ai tìm kiếm hòa bình và hòa giải được chúc phúc bởi ân sủng của Thiên Chúa và sinh hoa kết trái cho con cái của ngày mai.
Thưa Ông Lãnh Sự, ông bắt đầu nhiệm vụ của mình làm Đại Diện cho xứ sở của ông tại Tòa Thánh cùng năm chúng ta cùng nhau mừng Kỷ Niệm 75 năm liên hệ ngoại giao. Tôi hứa cầu nguyện cho việc làm thành đạt của ông. Tôi xin dồi dào phép lành của Thiên Chúa Toàn Năng đổ xuống trên ông, gia đình ông cũng như trên nhân dân Ái Nhĩ Lan thân yêu của ông.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 5/9/2004
Việc xử vụ thảm sát linh mục ở Ấn Độ vẫn chưa được thỏa đáng
Cơ Quan Tín Vụ Thừa Sai hôm Thứ Sáu 10/9/2004 đã tường trình tiếp về vụ linh mục Job Chittilappilly bị đâm chết thảm thương ở cư gia Giáo Xứ Đức Mẹ Ban Ơn là chính quyền đã bắt giữ một người tên là Reghu Kamar, 25 tuổi, vì đã ra mặt tự thú, vì người này sợ rằng vị linh mục ấy sẽ làm cho các người Ấn Giáo trở lại Công Giáo. Con người sát nhân này cũng muốn phục hồi ngôi đền thờ Ấn Giáo tọa lạc cả 20 năm trời bên cạnh Nhà Thờ Đức Mẹ Ban Ơn ở Thuruthiparambu. Ngôi đền thờ Ấn Giáo này muốn được phục hồi, thì theo niềm tin địa phương, cần phải lấy máu của một vị tư tế khác để đền bù cho cái chết của vị tư tế của đền thờ này 25 năm về trước.
Hay tin Kamar bị bắt, tín hữu ở giáo xứ này đã tuốn đến bao vây trạm cảnh sát này 5 tiếng đồng hồ, hô hoán và tố giác rằng chính quyền “cố gắng che giấu một mưu đồ ở đằng sau tội ác này và làm giảm nhẹ tình hình bằng việc tống giam một người duy nhất”.
ĐGM Percival Fernandez, tổng bí thư của hội đồng giám mục Ấn Độ, cho biết rằng “Kitô hữu ở Kerala đã từng sống an lành và thuận hòa bao nhiêu thế kỷ nay, và cuộc ám sát cha Job là một nỗ lực để tạo nên tình hình bất hòa trong cộng đồng bởi thành phần xúi bậy”.
Hội đồng giám mục Ấn Độ cũng yêu cầu chính quyền ở Kerala xin Văn Phòng Điều Tra Tội Ác điều tra vụ ám sát này.
ĐTGM Thoomkuzhy TGP Trichur, nơi tổ chức một cuộc biểu tình hôm Thứ Bảy 11/9/2004 để tỏ ra phản đối việc chính quyền tỏ ra dửng dưng trước vụ ám sát này, đã cho hãng Tín Liệu Á Châu biết rằng “chúng tôi sẽ không dừng bước cho đến khi tìm thấy những thủ phạm thực sự và cho thấy những nguyên do thúc đẩy họ làm như thế”.