GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 9/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.
__________________
NGÀY 17 THỨ SÁU |
ĐTC với các vị giám mục Hoa Kỳ đợt 10 về “Mọi Việc Quản Trị đều phải nhắm đến chỗ Nuôi Dưỡng Mối Hiệp Thông và Truyền Giáo”.
Hôm Thứ Bảy 11/9/2004, ĐTC GPII đã tiếp các vị giám mục Hoa Kỳ đợt 10, thuộc hai giáo tỉnh Pennsylvania và New Jersey, sang viếng thăm ngũ niên Tòa Thánh và mộ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Ngài với các vị về vai trò quản trị của hàng giáo phẩm, bài chia sẻ đầu tiên liên quan đến vai trò thứ ba của các vị giám mục. Hai vai trò trước đã được Ngài chia sẻ với các vị giám mục thuộc những đợt trước: thánh hóa (1-5) và rao giảng (6-9).
Quí Huynh Giám Mục thân mến,
1. Trong tình huynh đệ Tôi chào mừng quí huynh, những vị Giám Mục thuộc giáo tỉnh Pennsylvania và New Jersey, nhân dịp quí huynh viếng thăm ngũ niên mộ Hai Thánh Phêrô Phaolô. Trong các cuộc gặp gỡ “ngũ niên” năm nay của chúng ta, Tôi đã mời gọi quí huynh cũng như các Giám Mục Anh Em của quí huynh ở Hiệp Chủng Quốc hãy suy nghĩ với Tôi về tầm quan trọng của thừa tác vụ đã được trao phó cho chúng ta như “những thày dạy thực sự và chính sự về đức tin, những vị giáo chủ và chủ chiên” ("Christus Dominus," 2). Hôm nay chúng ta chú trọng tới “munus regendi”, tức quyền quản trị là quyền thành phần thừa kế các Vị Tông Đồ đã được Thánh Linh đặt để như những bảo hộ đàn chiên và là những mục tử của Giáo Hội Thiên Chúa (x Acts 20:28). Như Truyền Thống liên tục của Giáo Hội chứng thực, thẩm quyền tông đồ này là một hình thức phục vụ Thân Mình Chúa Kitô. Bởi thế, nó chỉ có thể được thúc đẩy bởi và mô phỏng theo tình yêu thương hy hiến của Chúa, Đấng đã đến giữa chúng ta như người tôi tớ (x Mk 10:45), và sau khi cuí mình xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, đã truyền cho họ phải làm như Người đã làm (x Jn 13:15).
Việc hiện hữu của một thứ quyền hạn và nhiệm vụ quản trị bất khả vãn hồi được trao phó cho thành phần kế thứa các Vị Tông Đồ ấy là một yếu tố thiết yếu nơi pháp chế theo ý muốn thần linh của Giáo Hội (cf. "Lumen Gentium," 18). Là một quyền năng phục vụ, được ban cho để xây dựng Thân Mình Chúa Kitô (x 2Cor 10:8), quyền linh sacra potestas này cần phải được coi như là một trong những tặng ân phẩm trật (cf. "Lumen Gentium," 4) được Vị Sáng lập thần linh của Giáo Hội phú bẩm cho Giáo Hội, nhờ đó, trở thành một yếu tố nội tại cho một thứ Thánh Truyền chất chứa tất cả mọi sự được chuyển đạt từ các Vị Tông Đồ như là phương tiện để bảo trì và duy trì sự thánh thiện và đức tin của Dân Chúa (cf. "Dei Verbum," 8). Lịch sử đã tỏ tường chứng minh cho thấy rằng việc thi hành mạnh mẽ và khôn ngoan thaâm quyền tông đồ này, đặc biệt trong những cơn khủng hoảng, đã giúp cho Giáo Hội có thể bảo trì được tính cách nguyên tuyền của mình, hiên ngang và trung thành với Phúc Âm khi đương đầu với những đe dọa cả từ bên trong lẫn bên ngoài.
2. Dựa vào tư tưởng phong phú về “munus regendi” của hàng giáo phẩm được Công Đồng gợi lên, và trước những thách đố của một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa, Thượng Hội Giám Mục Thế Giới gần đây về nhu cầu khẩn trương cần phải phục hồi nhận thức hoàn toàn hơn và chân thực hơn đối với sứ vụ giáo phẩm có tính cách ‘tông đồ’ này. Vị Giám Mục trước hết là một chứng nhân, một bậc thày và là mô phạm thánh đức, và là một vị quản trị khôn ngoan các sản vật của Giáo Hội. Linh quyền được vị giám mục hành sử ấy phải được dựa vào thẩm quyền về luân lý của một đời sống hoàn toàn được khuôn đúc bởi việc chia sẻ theo bí tích cuộc thánh hiến và sứ vụ của Chúa Kitô. Thật vậy, “tất cả những gì vị Giám Mục nói và làm đều phải cho thấy thẩm quyền của lời Chúa Kitô nói và cách thức Người hành động” ("Pastores Gregis," 43). Có thế, “việc ý thức mới mẻ về thẩm quyền của vị Giám Mục không được bày tỏ bằng những dấu hiệu bên ngoài, mà là bằng một ý thức sâu xa hơn bao giờ hết về tầm quan trọng của thừa tác vụ này theo thần học, tu đức và luân lý, một thừa tác vụ được đặt nền móng trên đặc sủng tông đồ đoàn” (ibid.). Các vị giám mục cần phải được cảm phục chẳng những là thành phần kế thừa các Vị Tông Đồ chẳng những theo thẩm quyền và linh quyền, nhất là còn phải bằng đờiu sống và chứng từ tông đồ.
Trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta, nhiều người trong quí huynh đã bày tỏ mối quan tâm của mình về tình trạng khủng hoảng liên quan đến niềm tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Giáo Hội gây ra bởi những gương mù lạm dụng tình dục vừa rồi, về lời kêu gọi chung hãy tin tưởng vào việc quản trị của Giáo Hội ở mọi cấp độ, cũng như về những sự liên hệ giữa các vị Giám Mục, giáo sĩ và tín hữu giáo dân. Tôi tin tưởng rằng ngày nay, cũng như ở hết mọi giây phút hệ trọng trong lịch sử của mình, Giáo Hội sẽ tìm thấy những phương tiện thực hiện một cuộc tự canh tân thực sự, ở đức khôn ngoan, quan điểm và nhiệt tình của các vị Giám Mục đầy thánh đức. Những cải cách gia thánh thiện, như một Grêgôriô Cả, một Charles Borromeo và một Piô X, đều hiểu rằng Giáo Hội chỉ thực sự được “cải dạng” khi Giáo Hội trở về với nguồn gốc của mình, bằng một ý thức lấy lại Truyền Thống tông đồ và bằng việc tái thẩm định các cơ cấu của Giáo Hội trong ánh sáng Phúc Âm. Trong những trường hợp hiện tại của Giáo Hội ở Hoa Kỳ, điều này đòi phải có một nhận thức và kiểm điểm thiêng liêng về một số kiểu cách quản trị mà, cho dù nhân danh một thứ quan tâm hợp lý về “việc quản trị” tốt đẹp và khôn ngoan hữu trách, vẫn có thể gây ra nguy cơ làm tách biệt chủ chiên khỏi các phần tử của đàn chiên, và làm lu mờ đi hình ảnh của mình là người cha và là anh em của họ trong Chúa Kitô.
3. Về vấn đề này, Thượng Hội Giám Mục Thế Giới mới đây đã nhìn nhận là ngày nay mỗi một vị Giám Mục cần phải thực hiện “một cung cách mục vụ hơn bao giờ hết hướng về việc hợp tác với tất cả mọi người” ("Pastores Gregis," 44), một cung cách mục vụ được ý thức rõ ràng về mối liên hệ giữa vai trò linh mục thừa tác và vai trò linh mục phổ quát của thành phần lãnh nhận phép rửa (cf. "Lumen Gentium," 10). Nếu chính vị Giám Mục vẫn có trách nhiệm thực hiện những quyết định có thẩm quyền trong việc thi hành việc quản trị về mục vụ của mình, thì mối hiệp thông giáo hội cũng “cần phải có sự tham dự của hết mọi tầng lớp tín hữu, vì họ chia sẻ trách nhiệm đối với thiện ích của Giáo Hội riêng bao gồm chính họ” ("Pastores Gregis," loc. cit.). Trong một khoa giáo hội học lành mạnh về mối hiệp thông, một quyết tâm kiến tạo nên những đường lối tham dự tốt đẹp hơn, thì việc tham vấn và chia sẻ trách nhiệm không được hiểu lầm là một thứ thoái bộ nhường bước cho một kiểu quản trị “dân chủ” trần tục, mà là một thứ đòi hỏi nội tại của việc hành sử thẩm quyền thuộc hàng giáo phẩm và như là phương tiện cần thiết để củng cố thẩm quyền ấy.
4. Vấn đề hành sử vai trò quản trị “munus regendi” ấy hướng đến cả việc qui hợp đàn chiên lại một cách hiệp nhất hữu hình để cùng tuyên xưng đức tin được sống bởi mối hiệp thông bí tích của Giáo Hội, lẫn việc hướng dẫn đàn chiên đa dạng về các tặng ân và ơn gọi này hướng đến một đích điểm chung, đó là việc loan truyền Phúc Âm đến tận cùng trái đất. Hết mọi hành động của việc quản trị giáo hội, như thế, được nhắm đến vấn đề duy trì mối hiệp thông và truyền giáo. Bởi vậy, về khía cạnh ý định và mục đích của mình, ba sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản rõ ràng là những gì bất khả tách biệt và thấu nhập vào nhau: “Khi vị Giám Mục giảng dạy thì ngài cũng thánh hóa và cai quản Dân Chúa; khi ngài thánh hóa là ngài cũng giảng dạy và cai quản; khi ngài cai quản thì ngài cũng giảng dạy và thánh hóa” ("Pastores Gregis," 9; cf. "Lumen Gentium," 20, 27).
Kinh nghiệm cho thấy rằng một khi chỉ đặt vấn đề ưu tiên cho việc ổn định vững chắc bề ngoài, thì động lực thúc đẩy việc hoán cải bản thân, việc canh tân giáo hội và nhiệt tình truyền giáo có thể bị mất đi, kéo theo một cảm quan sai lạc về sự an toàn. Giai đoạn noun đau của cuộc tự kiểm điểm gây ra bởi những biến cố trong hai năm qua chỉ mang lại hoa trái nếu nó dẫn toàn thể cộng đồng Công Giáo ở Hoa Kỳ đến chỗ ý thức sâu xa hơn về bản chất và sứ vụ đích thực của Giáo Hội, cũng như đến chỗ hăng say dấn thân hơn nữa trong việc làm cho Giáo Hội nơi xứ sở của quí huynh phản ảnh qua hết mọi sinh hoạt của mình ánh sáng ân sủng và chân lý của Chúa Kitô. Đến đây Tôi xin lập lại một lần nữa niềm xác tín sâu xa của Tôi là những văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II cần phải được tất cả mọi tín hữu kỹ lưỡng học hỏi và mộ mến, vì những bản văn có tính cách qui chuẩn này của Huấn Quyền cống hiến những gì cần thiết cho việc thực sự canh tân giáo hội theo ý muốn của Chúa Kitô cũng như hợp với Truyền Thống tông đồ của Giáo Hội (cf. "Novo Millennio Ineunte," 57).
5. Quí Huynh thân mến, trong khi quí huynh hướng dẫn Giáo Hội được ủy thác cho quí huynh chăm sóc mục vụ, chớ gì quí huynh hằng ngày tìm được niềm ủi an, nâng đỡ và sức mạnh từ hàng giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu giáo dân được quí huynh phục vụ. Thừa tác vụ quí huynh được kêu gọi thực hiện là những gì gắt gao và thậm chí nặng gánh, tuy nhiên nó cũng là nguồn vui thiêng liêng dào dạt và là việc phục vụ bất khả thiếu cho việc phát triển trong đức tin, đức cậy và đức mến của thành phần môn đệ Chúa Kitô. Với hết tình cảm mến, Tôi xin ký thác tất cả quí huynh cho lời nguyện cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hôi, và thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như một bảo chứng vui mừng và an bình trong Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 12/9/2004
ĐHY Rigali đại diện các vị giám mục Hoa Kỳ đợt 10 ngỏ lời cùng Đức Thánh ChaBái Kính Đức Thánh Cha,
Các giám mục của Giáo Hội ở Pennsylvania và New Jersey qui tụ lại hôm nay đây trong Chúa Thánh Thần, chung quanh một con người linh thánh là Đức Thánh Cha, Vị Giám Mục Rôma, người Kế Thừa Thánh Phêrô và là Đấng Đại Diện Chúa Kitô cho Giáo Hội hoàn vũ.
Trong giờ phút này đây chúng tôi hân hoan về mối hiệp nhất giáo hội, và cùng với Đức Thánh Cha, chúng tôi xin tuyên xưng đức tin duy nhất thánh thiện Công Giáo và tông truyền. Cùng với Đức Thánh Cha, chúng tôi tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, Con của Chúa Cha Hằng Hữu, Con của Trinh Nữ Maria, Đấng Cứu Thế của thế giới.
Chúng tôi là những người đại diện cho một miền địa dư rộng lớn, phong phú về loch sử ở Hiệp Chủng Quốc, và dồi dào những hoạt động về đức tin cũng như về đức bác ái đối với nhân dân của chúng tôi. Chúng tôi mang theo bên mình những niềm hy vọng và vui mừng, những lo âu, những trông ngóng và những nỗ lực của toàn thể nhân dân chúng tôi, đặc biệt là của các vị giám mục của chúng tôi. Chúng hân hạnh có trong nhóm 33 giám mục của mình, bao gồm cả tổng giám mục và phó giám mục ở Philadelphia và Newark, còn có 8 vị giám mục Đông Phương. Những vị này bao gồm cả các tổng giám mục Philadelphia theo lễ nghi Ukrainian và Pittsburgh theo lễ nghi Byzantines. Vị tổng giám mục thuộc lễ nghi Byzantines còn có ba vị phó tổng giám mục. Ngoài ra, chúng tôi còn có những vị giám mục thuộc các giáo phận Byzantine và Syrian theo lễ nghi Romanian. Tất cả đều cho thấy dấu hiệu của một bối cảnh và văn hóa về sắc tộc phong phú nơi nhân dân của chúng tôi. Nhóm của chúng tôi, ngoài những vị bản quyền địa phương, còn có những vị giám mục phụ tá và phụ tá về hưu cũng như vị quản trị giáo phận Harrisburg. Năm vị giám mục vừa mới được tấn phong.
Tất cả chúng tôi lúc này đây hân hoan ở bên Đức Thánh Cha, như các tông đồ hoan hỉ được dịp ở với Chúa Giêsu trước khi lên đường truyền giáo. Chúng tôi muốn Đức Thánh Cha biết rằng chúng tôi đã kín múc được sức mạnh từ giáo huấn và gương sáng của Đức Thánh Cha, những gì trung thực phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã thí mạng sống mình vì chiên.Việc giảng dạy và thừa tác vụ mục vụ Thừa Kế Thánh Phêrô của Đức Thánh Cha qua năm tháng đã củng cố chúng tôi trong đức tin. Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm một số giáo phận của chúng tôi, và tháng tới các Tổng Giáo Phận theo lễ nghi Latinh và Ukraine ở Philadelphia sẽ đồng tưởng niệm 25 năm Ngài đến giữa chúng tôi.
Chúng tôi cảm thấy rất nhiều được Đức Thánh Cha và Tòa Thánh nâng đỡ và hỗ trợ. Trong những lúc vui mừng cũng như trong những khi khổ đau và nay khốn khó, mà một trong những khốn khó ấy là biến cố 11/9/2001, xẩy ra đúng ba năm trước đây, vào chính ngày hôm nay, sự hiện diện và gần gũi của Đức Thánh Cha bên chúng tôi đã khích lệ, nâng đỡ và thách đố chúng tôi. Chúng tôi biết rằng những lời của Chúa Giêsu: “Đấng sai Tôi hằng ở với Tôi. Ngài không bỏ Tôi một mình lẻ loi” (Jn 8:29).
Kính thưa Đức Thánh Cha, ngay khi chúng tôi tái quyết tâm trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha đây việc chúng tôi trung thành hoàn tất sứ vụ mục vụ của mình, chúng tôi cũng xin hứa mến yêu và ủng hộ Đức Thánh Cha, và xin Mẹ của Chúa Giêsu bảo trì Đức Thánh Cha trong ân sủng và sức mạnh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 12/9/2004