GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

__________________

 NGÀY 19 CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C

  

NHỮNG VIỆC LÀM NHỎ MỌN


Với viễn ảnh đời đời thì tất cả mọi chuyện xẩy ra trên cõi đời này đều là chuyện nhỏ. Thành công, thất bại. Danh vọng, quyền lực hay nghèo khổ, bần cùng. Được ca tụng, thán phục hay bị khinh chê, dầy đạp. Giầu hay nghèo. Hạnh phúc hay thử thách. Địa vị ngoài xã hội hay trong giáo hội. Tất cả đều là chuyện nhỏ, vì theo Chúa Giêsu thì: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn, nào có ích gì. Lấy gì mà đổi được linh hồn” (Mt 16:26).

Ý tưởng này, hôm nay được Chúa Giêsu đề cập đến bằng một lối nhìn khác. Ngài như muốn mọi người phải chú tâm vào những hành động cụ thể và vào tính chất thực tế của cuộc sống, đó là phải trung thành trong mọi điều dù là những điều hết sức nhỏ mọn: “Nếu các ngươi trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; và ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn” (Lc 16:10).

Chuyện nhỏ. Việc nhỏ. Tâm lý con người thường bao giờ cũng muốn mình được nổi nang, được trọng vọng, được kính trọng, và được coi là vĩ nhân. Chính do tâm lý này, người ta thường che dấu những khuyết điểm, những yếu đuối, và những cái làm mình bị xấu hổ trước mặt người khác. Ít ai dám nhận mình là người làm công nghèo, và ít học thức trước đám đông, nhưng đa số thích nói hơn, hoặc đánh bóng những thành tích của mình cốt sao để tạo nên một hình ảnh vĩ đại, một hình ảnh có “tầm cỡ”, mặc dù thực tế không có.

Nhưng thế nào là chuyện nhỏ, chuyện lớn, việc nhỏ hay việc lớn. Trên đời này có mấy ai và bao nhiêu lần chúng ta được làm những việc lớn hay vĩ đại. Ngoại trừ một số nhân vật mà hành động của họ gắn liền và có ảnh hưởng đến quần chúng, còn lại, phần đông thuộc thành phần dân dả, đôi khi sống vô danh, không ai biết đến. Ngoài ra, trong cái căn bản của nhu cầu sự sống, thì mọi người đều làm những công việc giống nhau và tầm thường như nhau. Thí dụ, việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân, hít thở khí trời, sống, phát triển, già nua, bệnh tật, và chết. Tóm lại, không có việc gì, chuyện gì là lớn lao và cũng không có việc gì, chuyện gì nhỏ mọn trước con mắt của Thiên Chúa. Chỉ có sự khác nhau đó là lòng yêu mến và thái độ trung thành của ta đối với mỗi công việc.

Người đã khám phá ra sự khác biệt ấy, đã tìm được trong những khác biệt ấy một triết lý sống, một linh đạo sống, đó là Thánh Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Người nữ tu trẻ tuổi này, tuy không nắm giữ một chức vụ gì quan trọng, và cũng không có ảnh hưởng gì với quần chúng, nhưng đã để lại cho nhân loại một khám phá vô giá, vượt thời gian và không gian nhờ suy niệm và sống Lời Chúa. Linh đạo ấy là: MỌi VIỆC ĐỀU LỚN LAO NẾU CÓ TÌNH YÊU LỚN LAO.

Người quản lý bất trung mà Thánh Luca kể lại qua bối cảnh Tin Mừng hôm nay đã được coi là người may mắn, có địa vị và việc làm tốt. Ông là một quản lý của một chủ nhân ông giầu có, có nhiều con nợ như vậy hẳn là ông có tài và nhiều hiểu biết. Thế nhưng ông đã bị cho nghỉ việc chỉ vì một lý do rất nhỏ mọn: Không trung thành, và không tận tụy với công việc. Hiểu theo nghĩa của Tin Mừng là ông đã không trung thành với những công việc được chủ ủy thác.

Trở lại cuộc sống mỗi người chúng ta, dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta đều được coi là những quản gia của Thiên Chúa. Ngài cho chúng ta được cai quản kho tàng của Ngài, từ vẻ đẹp thể xác đến khả năng của trí khôn và tài năng. Nhất là kho tàng sức sống quí giá của mỗi người. Nếu vì lý do gì, chúng ta không trung tín gìn giữ kho tàng này, và làm cho phát triển thêm mãi; ngược lại, tỏ ra bất trung với chủ mình là Thiên Chúa, thì chúng ta cũng như người quản lý ranh mãnh kia, sẽ bị cho nghỉ việc, tức là sẽ bị lây đí những ân huệ cần thiết, sẽ bị cắt đứt mối thân tình với Thiên Chúa.

Như vậy không có chuyện gì, hành động gì của con người được gọi là cao cả đối với Thiên Chúa. Ai tự cho mình là sáng giá, là cao cả, hoặc tự cho mình cần phải được ngồi vào những địa vị này khác trong cuộc sống và ngay cả trong nước Trời, họ chính là những con người ảo tưởng và mơ mộng. Anh em Giacôbê và Gioan là một thí dụ. Mẹ của hai anh em này đã chạy vạy, xin xỏ, tưởng rằng các con bà sẽ được những chỗ khá trên nước Trời, nhưng chỉ được Chúa Giêsu trả lời là “Việc ngồi hai bên tả hữu ta không do ta tự quyết. Nó thuộc về những kẻ mà đã được dành sẵn bởi Cha Ta” (Mt 20:23).

Tóm lại, không phải là làm lớn, làm chuyện vĩ đại mà sẽ được ngồi hai bên tả hữu Chúa trên nước trời. Nhưng là trung tín, bền bỉ với từng bổn phận của chính mình. Chuyện này không phải là dễ. Hãy tưởng tượng, một tu sĩ mỗi ngày chỉ dành 1 giờ, sáng nửa giờ và chiều nửa giờ trước Thánh Thể. Việc làm này mới đầu coi như dễ, và nhỏ mọn. Vì có là gì sáng một nửa giờ, tối một nửa giờ qùi chầu Chúa. Nhưng từ từ ngày qua ngày, tháng này qua tháng khác, và năm này đến năm khác, những lúc mạnh khỏe cũng như đau yếu, vui cũng như buồn, trời mưa hay trời nắng, trời lạnh cũng như trời nóng. Những lúc sốt sắng cũng như những lúc khô khan, nguội lạnh. Nếu tu sĩ này thọ 80 tuổi, lúc ấy ta mới thấy việc làm nhỏ mọn ấy là một việc lớn lao và vĩ đại. Một cách tương tự, nếu một bà mẹ mỗi ngày ba bữa lo cơm nước cho chồng con, quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt giũ quần áo cho mọi người trong gia đình. Chỉ từng ấy việc thôi, nếu bà bền bỉ, bằng với nụ cười trên môi, mặc cho trời mưa cũng như trời nắng, lúc vui cũng như khi buồn, đau ốm bệnh tật cũng như mạnh khỏe, nhất là bằng một tình yêu tha thiết dành cho chồng, cho con cho đến khi bà được 75 tuổi mà thôi thì chắc chồng bà, các con và các cháu của bà phải tạc tượng và khắc bia để tưởng nhớ cái giá trị lớn lao của tình yêu và sự trung thành của bà trong chức vụ và bổn phận làm vợ, làm mẹ này. Như vậy, khi Chúa Giêsu bỏ chúng ta phải trung thành trong những việc nhỏ hay chuyện nhỏ, là Ngài không muốn chúng ta ngã lòng, hoặc có lý do để thoái thác những bổn phận và trách nhiệm hằng ngày của mình. Vì chính do những việc làm coi như nhỏ mọn và tầm thường ấy, nếu làm với lòng yêu mến và trung thành, tự nó có một giá trị vô song. Giá trị ấy có thể mua được Nước Trời.

Hãy làm những chuyện nhỏ. Trung thành với mọi việc làm dù là bé nhỏ của ơn gọi, của chức vụ mình. Và như Têrêsa Hài Đồng Giêsu, làm với một tình mến lớn lao. Tình yêu đối với Thiên Chúa. Tình yêu đối với vợ, với chồng, cha mẹ, con cái. Tình yêu đối với tha nhân và đồng loại. Vì mọi việc đều lớn lao, nếu có tình yêu lớn lao.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Có những lúc đầy tớ đóng vai chủ nhân ông…

Bài Phúc Âm theo Thánh Luca cho Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên Năm C tuần này, giống như bài Phúc Âm tuần trước, cũng có hai phần, phần buộc đọc và phần không buộc đọc. Nếu phần không buộc đọc của bài Phúc Âm tuần trước dài hơn và ở đoạn cuối, thì phần không buộc đọc của bài Phúc Âm tuần này cũng dài hơn và ở đoạn đầu, đó là đoạn diễn tả về người quản gia bị thanh tra về những thiệt hại gây ra cho gia chủ nên hắn đã mánh khóe lén lút tìm cách để có thể sống còn sau khi bị cách chức đuổi đi. Còn phần buộc đọc trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, có thể tóm gọn trong lời Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ của Người là “không ai có thể làm tôi hai chủ”. Bởi vì, theo Người cho biết ngay sau đó là, “hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà khinh chủ nọ”. Ngoài ra, kết thúc bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn cho biết rõ hai chủ này là gì, qua lời Người khuyên các môn đệ như sau: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc”.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu không nói đến vai trò làm chủ hay chủ chốt của “bản thân mình” là yếu tố chính yếu và trước hết con người phải từ bỏ họ mới có thể theo Người, làm môn đệ của Người, như tinh thần của lời Chúa phán trong bài Phúc Âm theo Thánh Luca của Chúa Nhật Thường Niên XXIII Năm C cách đây hai tuần? Bởi vì, có bỏ bản thân mình hay làm chủ bản thân mình, chúng ta mới có thể làm chủ được tất cả mọi sự phụ thuộc khác, chẳng hạn như danh vọng chức quyền hay của cải tiền bạc. Ngoài ra, tại sao Chúa Giêsu cũng không đề cập đến Satan vốn đóng vai vương chủ thế gian “từ ban đầu” (Jn 8:44), tức từ sau khi đã làm cho hai nguyên tổ sa ngã phạm tội, như chính hắn đã tự nhận chủ quyền của mình trên thế gian khi cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa về lòng tham của cải, ở Phúc Âm Thánh Luca đoạn 4, câu 6 và 7?

Như thế, vấn đề cần phải được giải quyết là tại sao Chúa Giêsu lại tôn phong tiền bạc lên vai trò làm chủ, vốn là những gì ngoại thân của con người chủ thể, và là những gì Satan dùng làm mồi nhử lòng tham vô đáy của con người!

Đúng thế, tự bản chất, mọi sự ngoại thân của con người chỉ là phụ thuộc chứ không phải chủ chốt nơi con người hay vượt trên con người là loài tạo vật duy nhất trên thế gian này đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài để ban cho quyền làm chủ trái đất, như Sách Khởi Nguyên ghi nhận ở đoạn 1 câu 27 và 28. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính những cái phụ thuộc nhiều lúc lại trở thành chính yếu, trở thành chủ chốt trong cuộc đời con người và đối với con người, đến nỗi, thay vì con người ăn để sống thì lại sống để ăn, như hiện trạng xã hội văn minh tân tiến gần như tột bậc ngày nay hiển nhiên cho thấy, liên quan đến cá nhân chủ nghĩa và duy lợi chủ nghĩa.

Không phải hay sao, vàng bạc chỉ là vật tùy thân, tuy nhiên, chúng đã trở thành một con bò vàng đúc, thành cứu chúa một thời của dân Do Thái trong sa mạc dưới chân Núi Sinai, như Sách Xuất Hành thuật lại trong bài đọc một tuần trước! Cũng không phải hay sao, đang nắm trong tay “tất cả mọi sự của cha là của con”, tức đang làm chủ gia tài với cha của mình, người con thứ, như trong phần không buộc đọc của bài Phúc Âm tuần trước thuật lại, “sau khi phung phá tiền bạc vào cuộc sống buông tuồng… hắn đã phải đi làm công cho một người trong vùng, người đã sai hắn đi chăn heo. Hắn mong sao được no bụng bằng các thứ cám heo ăn mà cũng chẳng ai cho”. “Người trong vùng” đây là ai, nếu không phải đam mê nhục dục nơi con người, “chăn heo” đây là gì, nếu không phải sống theo xác thịt, và “cám heo ăn” đây là chi, nếu không phải là của cải tiện nghi vật chất, là những gì làm thỏa mãn xác thịt, cũng là những gì xác thịt vốn thích hưởng thụ.

Như thế, một khi con người phung phá hết gia tài ân sủng được ban cho mình, như chính họ xin Thiên Chúa là Cha chia cho qua Bí Tích Rửa Tội, nghĩa là một khi con người đã hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa là chủ tể tối cao duy nhất của mình, họ sẽ đi đến chỗ làm tôi cho tiền bạc, cho vật chất tầm thường như “các thứ cám heo”, đến nỗi, chúng sẽ trở thành những gì quí nhất, không thể thiếu trong đời họ, dù chúng không bao giờ làm cho họ no thỏa đi nữa.

Vâng, lời Chúa Giêsu khẳng định và cảnh giác các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà khinh chủ nọ”, về phương diện sống đạo quả thực là như thế đó. Tuy nhiên, nguyên tắc sống đức tin còn cho thấy rằng, con người chỉ có thể làm tôi Thiên Chúa, một khi họ thực sự nhận biết ý định của Ngài, cũng như nhận biết chính bản thân của Ngài mà thôi, tức một khi họ nhận biết những mạc khải được Thánh Phaolô xác tín và loan truyền trong Thư Thứ Nhất gửi Timôthêu ở bài đọc thứ hai Chúa Nhật tuần này, đó là: “Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Và chân lý ở chỗ: ‘Chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mạng sống làm giá chuộc tất cả mọi người”.

Bằng không, nếu không nhận biết Thiên Chúa, không tôn phụng một mình Ngài là chủ tể duy nhất và trên hết của mình cũng như của tất cả mọi người, con người sẽ đi đến tình trạng coi của hơn người, đến tình trạng chỉ “sống nguyên bởi bánh”, tình trạng sống để mà ăn hơn là ăn để mà sống, một tình trạng của “những kẻ đàn áp người nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong đất nước”, như được tiên tri Amos diễn tả trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật tuần này như sau: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi bán lúa mục nát”. Về việc làm tôi tiền của đưa đến tình trạng lấn át lẫn nhau này càng được sáng tỏ hơn trong dụ ngôn về người phú hộ và Lazarô, như chúng ta sẽ thấy ở bài Phúc Âm tuần tới.

Thế nhưng, đối tượng chính của những lời Chúa Giêsu khuyên dạy trong bài Phúc Âm hôm nay là thành phần các môn đệ của Người, chứ không phải là nhóm Pharisiêu, hay chung dân chúng, hoặc các trưởng tế và kỳ lão, như nơi một số đoạn Phúc Âm khác. Vậy Chúa Giêsu muốn dạy thành phần môn đệ của Người những gì đây?

Lời Chúa huấn dụ các vị ở câu kết bài Phúc Âm hôm nay: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc” cho chúng ta thấy lý do chính yếu của việc Kitô hữu nói chung, và các vị có quyền chức trong Giáo Hội nói riêng, trong việc chểng mảng hay bỏ bê trách vụ quản gia đức tin của mình, thậm chí còn tác hại đến việc mở mang Nước Chúa, là vì họ chưa thật lòng hay hết lòng “tìm nước Chúa trước và sự công chính của Ngài” (Mt 6:33), trái lại, “còn lo lắng bối rối nhiều sự” phụ thuộc như Matta trong Phúc Âm Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên Năm C trước đây, chưa kể đến có những lúc họ còn ham mê danh vọng chức quyền, giầu sang phú quí, cạnh tranh hoạt động v.v.

Trong những trường hợp đang sống bê bối với trách nhiệm thiêng liêng của mình như thế, hay trong trường hợp người quản gia đức tin đang tác hại nhà Chúa như vậy, họ phải trả lẽ ra sao với vị Thiên Chúa gia chủ của họ, với Đấng đã kêu gọi và ký thác việc trông coi nhà Chúa cho họ, nếu không phải họ cần phải khôn lanh như tên quản gia được người chủ khen trong dụ ngôn của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, đoạn Phúc Âm ở trong ngoặc đơn không buộc đọc.

Đúng thế, nếu tên quản gia trong dụ ngôn này lén lút bớt xén nợ nần cho các con nợ của gia chủ để nhờ đó khi sa cơ lỡ bước anh ta sẽ được hậu đãi và có nơi nương tựa thế nào, thì thành phần quản gia thiêng liêng coi sóc nhà Chúa cũng vậy, nếu biết thông cảm với lỗi lầm của kẻ khác, tức thông cảm với những yếu đuối vấp phạm các kẻ ấy mắc nợ với Chúa, họ cũng sẽ được cảm thông lỗi lầm của họ như thế, sẽ không bị ruồng bỏ. Bởi vì “Ai có lòng xót thương ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy” (Mt 5:7).

Như thế, lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc”, nghĩa là Người muốn nhấn mạnh đến việc các môn đệ là thành phần đã bỏ mọi sự mà theo Người phải luôn chuyên tâm “tìm nước Chúa trước và sự công chính của Ngài trước” vậy.

Lời Chúa Giêsu khuyên dạy các tông đồ trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên Năm C hôm nay là “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc”, vì “không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ”, một sự thật không thể chối cãi được ngôn ngữ bình dân Việt Nam khuyên là “đừng bắt cá hai tay”. Thế mà, nếu có một tông đồ Giuđa vừa theo Chúa vừa giữ túi tiền đến nỗi bán chủ lấy tiền thế nào, thì lịch sử Giáo Hội cũng không thiếu những vị nên thánh trong cảnh giầu sang phú quí như vậy. Phải chăng các vị thánh này đã biết “trả cho Cêsa những gì của Cêsa và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt 22:21).

Qua dụ ngôn về cách thức người quản lý giải quyết vấn đề tương lai của mình, sau khi biết được mình sắp bị chủ cho giải nghệ, người ta có thể hiểu lầm là trong những trường hợp đặc biệt, con người ta có thể sống gian dối xảo quyệt. Bởi vì, theo lời của Chúa Giêsu thì việc làm của người quản lý này đã được ông chủ khen ngợi. Thật vậy, đọc kỹ bài Phúc Âm chúng ta thấy, qua hành động khôn khéo của người quản lý trong dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn khuyên dạy con người là “hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”.

Thật vậy, có thể trong quá khứ người quản lý bê bối sắp bị chủ cho giải nghệ này đã phung phá tiền bạc của chủ cho những gì có lợi riêng cho bản thân mình, như lấy tiền của chủ để tiêu xài lung tung, hoặc không chịu làm lợi cho chủ mà chỉ biết lợi dụng quyền thế để lên mặt ra oai và hưởng thụ ăn chơi nhậu nhoẹt (x Mt 24:48-49), hay dùng tài sản của chủ để đầu tư làm giầu lén lút cách nào đó. Người quản lý này bê bối đến nỗi chẳng còn biết ai nợ nần của chủ ra sao nữa, phải hỏi con nợ mới biết được nợ nần của chủ ra sao.

Chúa Giêsu, qua miệng lưỡi của người chủ trong dụ ngôn, khen người quản lý sắp bị chủ cho giải nghệ này, ở việc anh ta khôn khéo giải quyết hậu sự có lợi cho tương lai của anh ta, khôn khéo không phải ở đường lối gian dối của anh ta cho bằng ở chỗ anh ta biết quay trở về với giá trị làm người, một giá trị nặng về nhân bản, về tình nghĩa (bác ái – tha nợ) hơn là về kinh tế, về lợi lộc vật chất. Nghĩa là Người khuyên chúng ta hãy đặt đức bác ái lên trên hết, nhất là trên tiền bạc vật chất, trong hết mọi việc hãy làm theo chiều hướng bác ái; bằng không, nếu còn coi của hơn người, còn tham lam thất đức, thì không thể tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa được, không thể có đức bác ái trọn lành.

Thật ra, việc làm có vẻ gian dối của người quản lý sắp bị chủ cất chức cho giải nghệ này là một hành động hợp với ý chủ. Bởi vì, sống gần chủ người quản lý này biết chủ của mình hơn ai khác, một người chủ hết sức tốt lành nhân đạo, đến nỗi, ai không thể trả nợ mà van xin ông, ông có thể xóa hết nợ ngay lập tức (x Mt 18:26-27). Như thế, bất cứ điều gì người quản lý này, lúc còn tại chức, làm trong phạm vi của mình, tự bản chất của nó đều hiệu thành, chẳng hạn như vấn đề giảm nợ cho con nợ. Nghĩa là bất cứ con nợ nào được người quản lý này giảm nợ cho thì về sau ông chủ cũng không đòi lại nữa.

Vấn đề được đặt ra ở đây là dù việc có thành theo phạm vi quyền hạn nhưng vẫn có tội theo phạm vi luân lý. Nhưng nếu hành động ấy lại là một khi hành động đã được chủ khen, thì trước mặt chủ, hành động lén lút giảm nợ của người quản lý cũng có thể chấp nhận được, cũng có thể thứ tha và thông cảm. Dầu sao người quản lý cũng biết nhận lỗi chứ không mù quáng hay cứng đầu chạy tội bằng những lý lẽ ngụy biện, thậm chí đã tìm cách đền tội bằng việc dựa vào thế giá của chủ và theo tinh thần nhân hậu của chủ để thực thi những việc bác ái bằng chính những tài sản của chủ. Như thế, một cách gián tiếp và sâu xa, hành động của người quản lý sắp bị giải nghệ này cũng là hành động của một người bề dưới nhận biết và tuyên dương bề trên là chủ của mình trước mặt thành phần con nợ.

Nếu biết lợi dụng các vật tùy thân mau qua mà thực hiện đức bác ái là những gì có thể thu phục được lòng người và mua chuộc được bạn bè như thế, thì con người nghĩ được như vậy và làm được như thế quả thực là “khôn ngoan”, vì đã biết tích lũy của cải trên trời, nơi mối một không đục khoét và trộm cắp không lấy được (x Mt 6:20; Lk 12:33), tức đã biết biến của cải mau qua tạm bợ trở thành phương tiện phụng sự Thiên Chúa là chủ tể chân thật duy nhất của tất cả mọi sự rồi vậy.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Không Ai Có Thể Làm Tôi Hai Chủ

Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXV Thường Niên (19/9/2004)

Phúc Âm Lc 16:1-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý: và người nầy bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa”. Người quản lý nghĩ thầm rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”. Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ của chủ tôi bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi”. Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu? Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa miến”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi”. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời nầy khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng. Phần Thầy, Thầy bảo các con: “Hãy dùng tiền gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con? “không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ nầy và mến chủ kia: hoặc phục chủ nầy và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Hướng Dẫn

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, người ta có thể hiểu lầm là Người dạy con người ta sống gian dối xảo quyệt. Thế nhưng, nếu đọc kỹ chúng ta thấy, Người chỉ cố ý khuyên dạy con người “hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”.

Có thể trong quá khứ người quản lý này đã phung phá tiền bạc của chủ cho những gì có lợi riêng cho bản thân mình, như lấy tiền của chủ để tiêu xài vào việc hưởng thụ ăn chơi nhậu nhoẹt, hay vào việc đầu tư làm giầu lén lút cách nào đó. Người quản lý này bê bối đến nỗi chẳng còn biết ai nợ nần của chủ ra sao nữa, phải hỏi mới biết được.

Chúa Giêsu khen người quản lý sắp bị chủ cho giải nghệ này, ở việc anh ta khôn khéo giải quyết hậu sự có lợi cho tương lai của anh ta, khôn khéo không phải ở đường lối gian dối của anh ta cho bằng ở chỗ anh ta biết quay trở về với giá trị làm người, một giá trị nặng về nhân bản, về tình nghĩa (bác ái – tha nợ) hơn là về kinh tế, về lợi lộc vật chất.

Nghĩa là Người khuyên chúng ta hãy đặt đức bác ái lên trên hết, nhất là trên tiền bạc vật chất, trong hết mọi việc hãy làm theo chiều hướng bác ái; bằng không, nếu còn coi của hơn người, còn tham lam thất đức, thì không thể tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa được, không thể có đức bác ái trọn lành.

Đó là lý do Người đã khuyên “không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ nầy và mến chủ kia: hoặc phục chủ nầy và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Bởi vậy, hôm nay chúng ta cùng nhau sinh hoạt trò chơi “Không Ai Có Thể Làm Tôi Hai Chủ”.

Sinh Hoạt

1. Tất cả được chia làm ba nhóm. Mỗi nhóm cử ra một người khỏe mạnh. Người đại diện nhóm sẽ thay nhau đóng vai linh hồn bị giằng co giữa Thiên Chúa và thế gian (tiền bạc, lợi lộc).

2. Người đóng vai linh hồn hai tay cầm hai đầu giây, mỗi đầu giây bên kia được giữ bởi một người đại diện của hai nhóm còn lại. Ba người đều đứng trong vòng tròn sát cận nhau.

3. Người đóng vai linh hồn phải làm sao để kèo được người đóng vai Thiên Chúa (cố ghì lại như để thử thách linh hồn muốn đến với Ngài) ra khỏi vòng của họ sang vòng của mình.

4. Trong khi đó, người đóng vai thế gian hay tiền bạc lợi lộc cũng ra sức lôi kéo người đóng vai linh hồn sang vòng tròn của mình.

5. Nếu người đóng vai linh hồn kéo được người đóng vai Thiên Chúa sang vòng của mình trước khi bị người đóng vai thế gian kéo sang vòng của họ thì đoạt giải “Không Ai Có Thể Làm Tôi Hai Chủ”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ