GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

__________________

 NGÀY 22 THỨ TƯ

  

ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Ai Cập về việc kiến tạo một thứ văn hóa hòa bình, vai trò của tôn giáo trong lãnh vực này và vấn đề đối thoại liên tôn.


Tại Vatican, sáng ngày Thứ Bảy 18/9/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Ai Cập ở Tòa Thánh là bà Nevine Simaika Halim Abadia, và nói với bà về việc kiến tạo một thứ văn hóa hòa bình, vai trò của tôn giáo trong lãnh vực này và vấn đề đối thoại liên tôn.


Ai Cập có tổng dân số là 76 triệu, trong đó 94% là Hồi Giáo theo phái Sunni, hơn 5% một chút là Kitô hữu theo lễ nghi Coptic, Công Giáo chỉ được .35%. Bà tân lãnh sự, trong bài diễn văn ngỏ cùng ĐGH đã nói rằng chính phủ của bà ủng hộ “một thứ toàn cầu hóa chú trọng tới những cái đa dạng về văn hóa”, nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn trong việc chiến đấu với khổ đau”. Theo bà, cần phải “củng cố những mối liên hệ giữa các tôn giáo và hướng tới tình đoàn kết trong nhân loại; đó không phải là vấn đề ‘cùng nhau cầu nguyện mà là qui tụ lại cầu nguyện với nhau’”.

 

Nước Ai Cập tin tưởng vào “những việc đóng góp tích cực của ĐGH trong việc đương đầu với những biến cố thảm thương ở Thánh Địa và Iraq”. Bà chủ trương “một thứ toàn cầu hóa nhân bản và văn minh, có khả năng đối xử bình đẳng giữa con người với nhau, có thể trở thành nơi chất chứa tính dung nhượng, việc trao đổi và sự phong phú”.
Tròng bài diễn từ của mình Đức Thánh Cha nói:


“Tòa Thánh tiếp tục lập lại trong thời đại hỗn loạn này là hòa bình bền vững chỉ xẩy ra nơi các mối liên hệ quốc tế khi ước muốn đối thoại vượt trên cái lý lẽ của đối chọi. Vấn đề này áp dụng cho cả ở Iraq là nơi rất khó cho việc tái thiết lập hòa bình, hay ở Thánh Địa là nơi đáng tiếc đã bị nát tan bởi một cuộc xung khắc không cùng đầy những hận thù và trả đũa, hoặc ở những quốc gia khác là nơi nạn khủng bố đã man thành phần vô tội, ở hết mọi nơi mà bạo lực cho thấy cái kinh hoàng của nó cùng khả năng không thể giải quyết các thứ xung đột…. Một lần nữa Tôi xin nhắc nhở cộng đồng quốc tế về trách nhiệm của mình trong việc phát động việc trở về với lý trí và việc thương lượng, giải quyết khả dĩ duy nhất cho các thứ xung khắc xẩy ra nơi nhân loại”.


Trong việc xây dựng hòa bình, ĐTC nhận định tôn giáo đóng một vai trò quan trọng: “Các tôn giáo phổ biến những giáo huấn tôn trọng sự sống như là một quà tặng thánh hảo Chúa ban cần phải được con người tôn trọng và trân quí… Vì lý do ấy, các tôn giáo được kêu gọi để lên án và loại trừ bạo lực như một điều gì đó phản nghịch với mục đích của mình là hòa giải con người với nhau cũng như với Thiên Chúa. Vì việc giáo dục trẻ em và giới trẻ thuộc phạm vi của mình, các tôn giáo mang một trách nhiệm quan trọng trong việc đưa vấn đề giáo dục vào những gì mình giảng dạy, để chiến đấu và loại trừ đi những đường lối bè phái phe đảng, trái lại, để phát triển và khuyến khích hết mọi sự có thể đưa đến việc nhận thức kẻ khác và tôn trọng kẻ khác sâu xa hơn”.


“Việc bảo toàn hòa bình, phúc hạnh và an ninh cho người công dân là một trong những trách nhiệm đầu tiên của quốc gia. Điều này bao hàm việc bình đẳng giữa tất cả mọi người trước pháp lý (ở đây ĐTC trích lại chính những lời của vị tân lãnh sự). Tôi thấy rằng Tôi có thể tin cậy vào sự thận trọng của chính quyền Ai Cập trong việc bảo đảm cho tất cả mọi ngươờ công dân đặc biệt trên nguyên tắc về quyền tự do thờ phượng và đạo giáo, một hình thức tự do quan trọng nhất nơi quyền tự do của con người, và vì thế là một quyền tự do thuộc về những quyền lợi căn bản nhất của con người.


“Tôi kêu gọi tất cả mọi vị lãnh đạo xã hội dân sự hãy chú trọng đến việc làm sao để những thứ quyền lợi này của dân chúng được tôn trọng một cách hiệu nghiệm ở những nơi có các cộng động Kitô hữu, đừng để cho họ phải sợ hãi trước bất cứ hình thức kỳ thị hay bạo động nào. Về phần mình, những người Công Giáo ở Ai Cập cảm thấy sung sướng được chủ động tham phần vào việc phát triển của xứ sở của họ, bằng việc dấn thân thiết lập những mối liên hệ thuận hòa với những người anh chị em đồng bào của họ”.


Trên thực tế, ĐTC đã đề cập tới Đại Học Al-Azhar ở Cairô, một viện đại học được coi là quan trọng nhất của thẩm quyền Hồi Giáo, nơi Ngài đã viếng thăm vào Tháng Hai Năm 2000, viện đại học này, theo Ngài, là nơi trở thành “một cơ hội cho vấn đề tiến triển và tăng phát việc đối thoại liên tôn, nhất là giữa những người Kitô hữu và Hồi giáo”.


“Cần phải phát triển việc tương kiến về các truyền thống và ý hệ của hai tôn giáo này, về vai trò của hai tôn giáo trong loch sử, cũng như về trách nhiệm của cả hai trong thế giới hiện đại đây, qua các cuộc gặp gỡ giữa những nhà lãnh đạo tôn giáo (cũng như) ở cấp độ cá nhân và cộng đồng tín hữu tại thành phố và thôn làng”.


“Khi cảm mến lẫn nhau, Kitô hữu và tín đồ Hồi Giáo mới có thể cùng nhau hoạt động hơn nữa cho việc phục vụ hòa bình cũng như cho tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại”.



ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Bồ Đào Nha về việc nhân bản hóa vấn đề toàn cầu hóa


Tại nhà nghỉ mát của mình ở Castel Gandolfo ngày Thứ Ba 21/9/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Bồ Đào Nha là João Alberto Bacelar Da Rocha Páris, cựu tổng thư ký của Bộ Ngoại Giao và là lãnh sự ở Washington và Lục Xâm Bảo. Trong bài diễn từ bằng tiếng Bồ Đào Nha của mình, Đức Thánh Cha đã nói đến vấn đề nhân bản hóa vấn đề toàn cầu hóa trước nạn khủng bố đang diễn tiến trên thế giới, và bày tỏ lòng cảm ơn nước này về những nỗ lực vận động Khối Hiệp Nhất đề cập đến các căn gốc Kitô Giáo trong bản hiến pháp của tổ chức ấy.


ĐTC đã đề cập tới “cái nổi bật về các sự khác biệt ở từng miền, cả về văn hóa lẫn kinh tế”, cũng như tới “việc quan tâm để bảo toàn hòa bình trước hoạt động tăng gia của các nhóm cực đoan đang cản trở mỗi ngày một hơn tiến trình đối thoại và thương thảo”.


Ngài nói rằng hết mọi nhà lãnh đạo cần phải tỏ ra quan tâm tới “những thảm họa thiên nhiên thường xẩy ra, nhất là tới những thảm họa trầm trọng hơn có thể tàn phá cả một dân tộc, chẳng hạn như nạn đói; các chứng bệnh ở địa phương có những lúc không thể kiểm soát; tình trạng quá chênh leach giữa giầu nghèo, và việc coi thường các quyền lợi của con người”.


ĐTC khẳng định việc Giáo Hội dấn thân để “nhân bản hóa vấn đề toàn cầu hóa” và hướng “cái tác dụng thiện ích của sự tiến bộ về khoa học và kỹ thuật cho phúc hạnh hơn nữa của hết mọi dân tộc và quốc gia”.


Ngài tin rằng những vấn đề gay go này có thể trình bày cho quần chúng biết “nếu chúng được trở thành những yếu tố trong dự án phát triển mà trong đó các sinh lực của xã hội địa phương làm nên năng lực đẩy mạnh của dự án này”.


“Cái nền tảng để xây dựng một đời sống hòa hợp nơi các xã hội loài người đó là việc liên kết công dân vào các dự án của xã hội và làm cho họ tin tưởng vào những người cai trị họ cũng như vào quốc gia mà họ là phần tử”.


Trong bài diễn từ của mình ngỏ cùng vị tân lãnh sự Bồ Đào Nha đây, Đức Thánh Cha cũng không quên cám ơn nước này đã không “ngần ngại nhìn nhận và bày tỏ niềm xác tín của mình” trong các cuộc tranh luận trong thời gian bản hiến pháp của Khối Âu Châu được soạn thảo. Dự thảo muốn mang các căn gốc Kitô giáo của Âu Châu vào bản văn kiện này không được chấp thuận bởi một số quốc gia chống đối, nhất là Pháp và Bỉ. Bản văn kiện này sẽ được các nhà lãnh đạo quốc gia và chính quyền của khối Hiệp Nhất Âu Châu ký kết vào ngày 29/10/2004, và rồi sẽ được 25 quốc gia thuộc khối này chuẩn nhận bằng một cuộc trưng cầu dân ý hay bởi quốc hội.


ĐTC đã xin chính quyền nước Bồ Đào Nha hãy làm mọi sự có thể để “những niềm xác tín phát xuất từ căn tính Kitô Giáo này được khẳng định nơi cả lãnh vực quốc gia cũng như quốc tế”.


Ngài cũng khen ngợi việc ký kết bản hiệp định mới giữa Tòa Thánh và Bồ Đào Nha để qui định những vấn đề về hôn nhân, về việc trợ giúp tôn giáo cũng như về vấn đề tài chính của Giáo Hội. Theo Ngài, bản hiệp định này là “việc diễn tả thực sự cái thỏa thuận trưởng thành trong việc củng cố sự hiện diện của ‘hồn sống’ Kitô Giáo phát xuất từ những liên hệ loch sử sâu xa giữa Giáo Hội Công Giáo và Bồ Đào Nha”. Mục tiêu của bản hiệp định ấy, “trong lãnh vực tự do tôn giáo” là “việc phục vụ công ích cũng như việc hợp tác để kiến tạo một xã hội cỗ võ phẩm giá con người, công lý và hòa bình”.


ĐTC hy vọng rằng Bồ Đào Nha sẽ “luôn cởi mở trước những thách đố mới của xã hội chúng ta và ý thức rằng Đấng Toàn Năng sẽ không để cho những ai tin tưởng vào dự án của Ngài bị hổ ngươi bẽ mặt”.



Các Đức Giám Mục với vấn đề cử tri bầu phiếu cho ứng cử viên phò phá thai, khai phá sản liên quan tới vụ linh mục lạm dụng tình dục và vấn đề dễ dãi cho ly dị


Trong bức thư mục vụ của mình đề ngày Thứ Năm 16/9/2004, ĐTGM John Donoghue ở Atlanta đã nhắc nhở tín hữu của mình về nhiệm vụ công dân của họ, liên quan đến vấn đề bỏ phiếu cho ứng cử viên phò phá thai là việc tội lỗi vì chính thức cộng tác vào những hành động chính trị xấu. Ngài viết:


“Một ít năm trước đây, các vị Giám Mục Hoa Kỳ đã viết cho nhân dân của chúng ta những lời sau đây, những lời vẫn còn chân thực, đó là ‘Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người công dân, nhất là những người Công Giáo, hãy thiết tha với vai trò công dân của mình, không phải chỉ như là một nhiệm vụ và là một đặc ân, mà còn là một cơ hội đầy ý nghĩa trong việc tham dự vào vấn đề xây dựng nền văn hóa sự sống”.


“Giáo Hội muốn các phần tử của mình chấp nhận, hoàn toàn chấp nhận giáo huấn của mình về các vấn đề đức tin và luân lý. Về thần học luân lý, có hai loại hợp tác liên quan đến vấn đề này, được chia ra như sau:


“Việc chính thức cộng tác là ở chỗ mức độ cộng tác cho thấy ý muốn của tôi chấp nhận đối tượng xấu xa của ý muốn người khác. Bởi thế, việc bầu phiếu cho ứng cử viên vì họ phò phá thai là một việc chính thức cộng tác vào những việc làm chính trị xấu xa của họ. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu cho một người nào đó để giới hạn một sự dữ lớn hơn, tức là, để giới hạn bao nhiêu có thể sự dữ khả dĩ xẩy ra bởi ứng cử viên kia nếu họ được bầu, là việc bầu cử có mục đích tốt.


“Cử tri nào có ý muốn giới hạn sự dữ như thế, chứ không phải sự dữ mà một chính trị gia bất toàn có thể thực hiện trong việc họ không gắn bó trọn vẹn với các nguyên tắc luân lý của Công Giáo (thì) việc cộng tác ấy được gọi là cộng tác về chất thể và là việc được phép vì lý do hệ trọng, như để ngăn ngừa việc chọn một cử tri tệ hơn nữa”.


“Việc phân biệt này có tính cách kỹ thuật, nhất là đối với khuynh hướng tân tiến của chúng ta là khuynh hướng rất thường tìm thỏa đáng bằng những giải đáp dễ dãi. Thế nhưng, việc phân biệt này là một phân biệt có một hậu quả quan trọng, và cần phải chú trọng khi chúng ta phải quyết định theo lương tâm trong việc chúng ta bỏ phiếu bầu cử.


“Đối với tất cả chúng ta, trách nhiệm của mình trước Đức Tin cũng như trước quốc gia của chúng ta đòi chúng ta phải suy nghĩ về những vấn đề này, cũng như đòi chúng ta phải thực hiện một cách đúng đắn.


“Vì chỉ có những hành động xác đáng và chân thực cuối cùng mới cứu vãn được xứ sở của chúng ta mà thôi. Đây là giây phút hệ trọng, mà việc không làm gì sẽ là một đại thảm trạng. Bởi thế, chúng ta hãy cầu xin Thánh Linh soi sáng cho chúng ta, soi sáng cho xứ sở của chúng ta… xin Ngài tỏ cho chúng ta ít là vào lúc khởi đầu cuộc hành trình của xứ sở chúng ta trở về sống những quyền lợi được Đấng Hóa Công ban cho, những quyền lợi hơn một lần đã được hân hoan chấp nhận và bảo vệ bởi tất cả mọi người công dân cho tất cả mọi người công dân, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc, nhất là quyền Sự Sống”.


ĐTGM John Myers ở Newark, New Jersey, trong tờ Wall Street Journal vào Thứ Sáu 17/9/2004, đã viết rằng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin do ĐHY Joseph Ratzinger lãnh đạo đã phổ biến một văn thư mang tựa đề “Về Việc Xứng Đáng Để Hiệp Lễ”. ĐTGM cho biết:


“Mặc dù văn thư này chính yếu giải quyết trách nhiệm của vị giám mục trong việc không cho rước lễ những chính trị gia Công Giáo trong một số trường hợp, nó còn có cả một ghi nhận ngắn ở phần cuối nói đến việc những người Công Giáo theo lương tâm ngay lành có nên bỏ phiếu cho các ứng cử viên ủng hộ việc sát hại sự sống con người trong bụng mẹ hay phòng thí nghiệm hay chăng”.


“ĐHY Ratzinger nói rằng một ‘người Công Giáo sẽ mắc tội về việc chính thức cộng tác vào sự dữ, và bởi thế không xứng đáng rước lễ, nếu họ có ý bỏ phiếu cho một ứng cử viên chỉ vì ứng cử viên này chủ trương yếm thế về việc phá thai”.


Cũng trong thời gian đang sôi động về vấn đề bầu cử gay go giữa long tâm Công Giáo và chính trị này, giáo phận Tucson Arizona, một giáo phận được dẫn dắt bởi ĐGM Gerald Kicanas, khai phá sản để tránh tình trạng khánh kiệt vì bị kiện cáo liên quan đến những vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Giáo phận này là giáo phận thứ hai làm điều này sau giáo phận Portland Oregon.


Trong khi ấy, tại Tây Ban Nha, các vị giám mục nước này cũng lên tiếng cảnh giác rằng dự án của chính phủ xã hội chủ nghĩa trong việc mở rộng luật lệ phá thai sẽ gây ra “nhiều cuộc ly dị hơn và đau thương hơn”.


Thật vậy, một bản dự thảo, nhắm mục đích thay đổi Khoản Luật 1981, ở chỗ bỏ đi những đòi hỏi bắt buộc về vấn đề ly dị, tức là cho ly dị bất cứ vì lý do nào, không cần phải có lỗi.


Theo bản văn kiện được các vị giám mục nước này phổ biến thì đường lối này của chính phủ muốn thực hiện bất chấp “vấn đề rất trầm trọng của xã hội liên quan đến tình trạng liên lỉ tăng triển con số đổ vỡ hôn nhân cũng như những thảm cảnh cá nhân dính dáng tới những cuộc đổ vỡ ấy. Luật lệ này không phát xuất từ một quan niệm nhân loại học tốt đẹp về hôn nhân như là cơ cấu nồng cốt của xã hội mà là từ ý hệ cá nhân chủ nghĩa làm cho cơ cấu này trở thành chỉ là một thứ hợp đồng giữa hai cá nhân riêng tư vậy thôi”.

 


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ