GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

__________________

 NGÀY 23 THỨ NĂM

  

Dung Nhan Đau Thương của Chúa Kitô


(Bài Giáo Lý 118 về việc cầu nguyên bằng Thánh Vịnh của ĐTC GP II Thứ Tư 24/9/2004: Ca Vịnh 1Phêrô 2:21-24 cho Kinh Tối Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai, trong Mùa Chay)


1.     Hôm nay, khi nghe bài thánh thi ca này ở Đoạn 2 trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, chúng ta đã mường tượng một cách sống động trước mắt chúng ta dung nhan đau thương của Chúa Kitô. Đó là những gì xẩy ra cho những ai đọc Bức Thư này vào những thời gian đầu của Kitô Giáo, bởi thế mà qua nhiều thế kỷ, bài thánh thi ca này đã được công bố trong phụng vụ Lời Chúa cũng như trong việc suy niệm riêng tư.


Theo bố cục của Bức Thư này thì bài ca đây có một giọng điệu phụng vụ và phản ảnh bầu khí nguyện cầu trong thời Giáo Hội sơ khai (x Col 1:15-20; Phil 2:6-11; 1Tim 3:16). Nó cũng được đánh dấu bằng một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa tác giả và độc giả, phát xuất từ việc luân chuyển các đại danh từ ngôi thứ “chúng tôi” và “anh em”. “Chúa Kitô cũng đã chịu đau khổ vì anh em, lưu lại cho anh em một tấm gương anh em cần phải noi theo bước chân Người… Chính Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân thể của Người… để nhờ được thoát khỏi tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công chính. Bởi các thương tích của Người mà an hem đã được chữa lành” (1 Peter 2:21,24-25).


2.     Thế nhưng đại danh từ được nhấn mạnh đến nhất theo nguyên ngữ Hy Lạp, “hos”, hầu như gắn ở đầu của các câu chính (x 2:22,23,24) là “Người”, một Đức Kitô nhẫn nại, Người là Đấng không phạm tội, Người là Đấng bị xỉ nhục nhưng không phản ứng hận thù trả đũa, Người là Đấng ở trên cậy thập tự giá mang lấy gánh nặng tội lỗi của nhân loại hầu hủy diệt chúng.


Tâm tưởng của Thánh Phêrô, cũng như tâm tưởng của người tín hữu đọc bài thánh thi ca này, nhất là trong phụng vụ kinh chiều của Mùa Chay, hướng về Người Tôi Tớ của Giavê được diễn tả trong Sách của tiên tri Isaia. Đó là một nhân vật huyền nhiệm được hiểu theo Kitô Giáo theo chiều hướng thiên sai và Kitô học, vì nó cho thấy trước một số chi tiết cũng như ý nghĩa về cuộc khổ nạn của Đức Kitô: “Người đã mang lấy các thứ yếu hèn của chúng ta, Người đã chịu đựng những khổ đau của chúng ta… Người đã bị đâm thâu vì các thứ xúc phạm của chúng ta, bị nghiền tán vì tội lỗi của chúng ta… chúng ta được chữa lành bởi những vết hằn của Người…. Người đã bị đối xử tàn tệ… Người vẫn câm nín chẳng hề hở môi” (Is 53:4,5,7).


Ngoài ra, một nhân loại tội lỗi cũng được diễn tả, bằng hình ảnh của một đàn vật phân tán, trong câu không có trong phụng vụ giờ kinh chiều (x Pt 2:25), phát xuất từ bài ca ngôn sứ cổ thời: “Tất cả chúng tôi đã như chiên lạc xa đàn, mỗi con đi theo đường nẻo của mình” (Is 53:6).


3.     Hai nhân vật bắt chéo nhau trong bài thánh thi ca của Thánh Phêrô. Trước hết là Người, Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận con đường trông gai khổ nạn, không chống trả những gì bất công và bạo động, không cáo buộc và bừng giận, nhưng phó mình cùng với việc chịu đựng khổ đau của mình “cho Đấng phán xét công minh” (1Pt 2:23). Hành động hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng được niêm ấn trên thập tự giá bằng những lời cao cả sau hết, những lời đã vang to lên nơi hành động tận tuyệt phó mặc cho công việc Cha làm: “Lạy Cha, con xin phó tâm thần con trong tay Cha!” (Lk 23:46; x Ps 30:6).
Bởi thế, hành động phó mặc này không phải là một thứ rút lui mù quáng và thụ động, mà là một tác động tin tưởng dũng cảm, nhắm đến chỗ trở thành một mẫu gương cho tất cả các môn đệ của Người là thành phần sẽ bước đi trên con đường tối tăm thou thách và bị bách hại.


4.     Chúa Kitô hiện lên như Đấng Cứu Thế, liên kết với chúng ta nơi “thân thể” nhân loại của Người. Người, Đấng được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria, đã trở thành một người anh em của chúng ta. Bởi thế, Ngưiờ có thể ở bên chúng ta để chia sẻ đớn đau của chúng ta, để chịu đựng sự dữ của chúng ta là “tội lỗi của chúng ta” (1Pt 2:24). Thế nhưng, Người cũng là và luôn là Con Thiên Chúa, nên việc Người liên kết với chúng ta thực sự trở thành một việc biến đổi, giải thoát, đền bồi, cứu độ (ibid).


Nhờ đó, nhân tính bần cùng của chúng ta được dứt ra khỏi những đường lối lạc loài và hư hỏng của sự dữ và trở về với “công lý”, tức là với dự án tuyệt vời của Thiên Chúa. Câu cuối cùng của bài thánh thi ca này hết sức cảm kích. Câu đó là: “Anh em đã được chữa lành bởi những thương tích của Người” (25). Ở đây chúng ta thấy được cái giá đắt đỏ Chúa Kitô đã phải trả cho chúng ta để chữa lành chúng ta!


5.     Chúng ta hãy kết thúc bằng cách nhường lời cho các Vị Giáo Phụ của Hội Thánh, tức là cho truyền thống Kitô Giáo đã từng suy niệm và cầu nguyện bằng bài thánh thi ca này của Thánh Phêrô.


Đan kết việc diễn tả của bài thánh thi ca này với những nét phảng phất thánh kinh khác, Thánh Irenaeus Thành Lyon đã tóm gọn hình ảnh Đức Kitô Cứu Thế như thế này trong một đoạn luận đề “Chống Lại Các Bè Rối” của ngài: “Chỉ có một Chúa Giêsu Kitô duy nhất là Con Thiên Chúa, Đấng nhờ cuộc Khổ Nạn của Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, rồi phục sinh từ trong kẻ cheat, Người được ngự bên hữu Cha và trở thành thành toàn trong tất cả mọi sự: Người đã bị tạt vả nhưng không trả đũa, ‘Người không đe dọa khi chịu khổ đau’, và Người nguyện cầu cùng Cha tha cho những ai đóng đanh Người khi chịu hành hạ dã man. Chúng ta thực sự được Người cứu độ, Đấng là Lời Thiên Chúa, là Con Duy Nhất của Cha, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (III, 16,9, Milan, 1997, p. 270).


Anh Chị Em thân mến,


Bài ca vịnh hôm nay cho chúng ta thấy dung nhan của một Đức Kitô thương khó. Nó làm âm vang bài thánh thi ca thứ tư nổi tiếng trong Sách Isaia là bài loan báo Người Tôi Tớ của Giavê, một con người khổ đau huyền nhiệm, nơi Người, Kitô hữu thấy trước được hình ảnh một Chúa Giêsu Thiên Sai, cùng với cuộc khổ nạn của Người được diễn tả một cách sống động và thấm thía.


Bài ca vịnh này nói về Chúa Kitô, Đấng nhẫn nại chịu đựng khổ đau mà không cáo buộc hay phàn nàn, không phải vì một tinh thần buông xuôi thụ động, mà bằng việc phó mình “cho Đấng phân xử công minh”. Người là Đấng Cứu Thế của chúng ta bằng việc trở nên một người trong chúng ta và mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân thể của Người; Người giải thoát con người nhân loại yếu đuối khỏi những đường lối xấu xa và mang chúng ta trở về với “công lý”, tức là với dự án của Thiên Chúa đối với cuộc đời của chúng ta.


Giòng cuối cùng của bài ca vịnh này loan truyền một cách hùng hồn ơn cứu độ này và giá Chúa Kitô phải trả cho nó: “Bởi các thương tích của Người anh em đã được chữa lành”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 24/9/2004.

Đối với dung nhan khổ nạn của Chúa Kitô đây,
vào ngày Chúa Nhật XXV Thường Niên C 19/9/2004 vừa rồi, ĐTC GPII đã ban Huấn Từ Truyền Tin về Thập Giá Chúa Kitô liên quan đến Lễ Tôn Vinh Thánh Giá 14/9/2004 như sau:

1.     Trước sự dữ tự bộc lộ qua nhiều cách thức khác nhau, con người, cảm thấy khổ sở và lung túng đặt vấn đề “Tại sao?”

Vào lúc mở màn cho đệ tam thiên niên kỷ này, một mở màn được phúc lộc với một Đại Năm Thánh cũng như phong phú về năng lực, nhân loại lại đầy những khủng bố thảm thương. Tình trạng liên tục tàn bạo tấn công sự sống con người làm xáo trộn và xao xuyến lương tâm con người cũng như làm khơi dậy nơi người tín hữu vấn đề sâu xa vốn hay được nêu lên ở trong các bài Thánh Vịnh: “Tại sao lại như thế Lạy Chúa? Nó sẽ kéo dài cho đến bao giờ?”

2.     Thiên Chúa đã đáp lại vấn đề quằn quại thương đau phát xuất từ cái xấu xa của sự dữ ấy, không phải bằng một lời dẫn giải theo nguyên tắc, như thể Ngài muốn biện minh cho chính mình, mà bằng việc hy hiến chính Con riêng của Ngài trên cây Thập Tự Giá. Nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu mới hiện tỏ cuộc chiến thắng sự dữ và cuộc vinh thắng cuối cùng của sự thiện; mới hiện tỏ giây phút đen tối nhất của lịch sử cùng với việc tỏ hiện vinh quang thần linh; mới hiện tỏ chỗ dứt điểm là tâm điểm của cả cái thu hút của vũ trụ lẫn việc tái thiết của vũ trụ. Chúa Giêsu đã phán: “Khi nào Tôi được nâng lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32).

Đối với người tín hữu, Thập giá Chúa Kitô là hình ảnh hy vọng, vì nơi thập giá dự án cứu độ của tình yêu Thiên Chúa đã được hoàn tất. Bởi thế, ít hôm trước đây, phụng vụ đã mời gọi chúng ta hãy cử hành việc tôn vinh Thánh Giá, một lễ làm cho tín hữu cảm thấy được ủi an và can đảm.

3.     Với ánh mắt gắn chặt vào Chúa Kitô tử giá, hiệp nhất thiêng liêng với Trinh Nữ Maria, chúng ta, được bảo trì bằng quyền lực của sự phục sinh, hãy tiếp tục tiến bước trên con đường của mình.

 

Đời Sống Gia Đình Đang Bại Hoại Ở Tân Tây Lan


Các vị giám mục Tân Tây Lan (New Zealand) vừa thực hiện cuộc viếng thăm ngũ niên Tòa Thánh và đã cho Zenit biết và được Zenit phổ biến ngày 21/9/2004 về hiện trạng gia đình “thật là ghê rợn” đang xẩy ra ở địa phương của các vị.


Theo các vị giám mục này cho biết thì trào lưu tục hóa các gia đình đã đi đến chỗ quá sâu đậm nơi phần đông dân chúng vì tình trạng lụi bại của đời sống gia đình. ĐGM Denis Browne đã vạch ra hai chứng cớ đó là việc hợp pháp hóa vấn đề cho mãi dâm năm 2003 và nỗ lực muốn hợp thức hóa vấn đề hôn nhân đồng tính trong năm 2004.


Vị giám mục này cho biết thành phần đại diện hội đồng giám mục đã đến trình bày với ủy ban chính quyền về chủ trương của Giáo Hội đối với dự luật hôn nhân đồng phái tính. Ngài nói: “Dự luật này thực sự làm giảm giá trị hôn nhân. Chữ ‘hôn nhân’ có thể dễ dàng trở thành một chữ cổ thời nếu dự luật này được hợp pháp hóa và được thay thế bằng từ ngữ ‘hiệp nhất dân sự’. Chữ này có thể bao gồm những thứ liên hệ thực sự, những mối liên hệ đồng phái tính, nó có thể là bất cứ liên hệ nào, và điều này là những gì ĐTC đã nêu lên trong bài diễn từ ngỏ với chúng tôi”.


Những lời của ĐTC GPII về vấn đề này đã làm chấn động Tân Tây Lan, Thủ Tướng Helen Clark, người vừa gặp ngài hôm Tháng 5/2004, đã trả lời cho phóng viên báo chí rằng “Vị Giáo Hoàng này có những quan điểm mạnh mẽ về tôn giáo và ngài có quyền bày tỏ những quan điểm ấy”. Phó Thủ Tướng Michael Cullen cũng cho biết: “Hiển nhiên là vị Giáo Hoàng này có một quan điểm rất đạo lý về sự sống. Một số trong chúng ta có một quá trình thế tục rất dài và mạnh. Đã hẳn đó là truyền thống của gia đình của tôi”.


Vị giám mục trên đây cho biết: “Những thái độ tỏ ra đối với tôn giáo và giáo hội dường như đang bị suy yếu ở xứ sở chúng tôi”. Theo thống kê mới nhất cho thấy “Dân Kitô Giáo ở Tân Tây Lan dường như đang bị suy giảm và cái tăng phát lớn nhất từ lần kiểm tra dân số lần trước tới lần mới đây đó là thành phần những người không còn theo một đạo giáo nào cả. Đó thật là một cái nhẩy vọt báo động”.


“Chúng tôi là một gia đình cầu nguyện hằng ngày”, vị giám mục xuất thân từ một gia đình có 6 anh chị em, trong đó có 5 người theo đuổi ơn gọi linh mục và tu sĩ tâm sự như thế và bày tỏ thêm nhận định của mình rằng: “Nếu chúng ta đến các giáo xứ hiện nay chúng ta sẽ thấy có rất nhiều trò tiêu khiển cạnh tranh nhau ở đó”.
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ