GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tháng 9/2004
Ý Chỉ Ðức Thánh Cha
Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.
__________________
NGÀY 24 THỨ SÁU |
ĐTC GPII với các vị giám mục Tân Tây Lan về “việc chịu đựng những hậu quả của trào lưu tục hóa buông thả”
Hôm Thứ Hai 13/9/2004, tại nhà nghỉ mát của mình ở Castel Gandolfo, ĐTC GPII đã tiếp các vị giám mục Tân Tây Lan và chia sẻ với các vị về “việc chịu đựng những hậu quả của trào lưu tục hóa buông thả” là những gì đang diễn ra tại xứ sở này. Sau đây là nguyên văn bài nói của Ngài.
Quí Huynh Giám Mục thân mến,
1. “Những gì chúng tôi rao giảng không phải của chúng tôi mà là của Đức Giêsu Kitô là Chúa mà chúng tôi là tôi tớ của Người” (2Cor 4:5). Với những lời lẽ này của Thánh Phaolô, Tôi thân ái chào mừng quí huynh, những vị Giám Mục Tân Tây Lan, và xin cám ơn ĐGM Browne về việc ngài thay mặt quí huynh bày tỏ cảm tình thân ái đối với Tôi. Tôi ân cần biết ơn và hứa cầu nguyện cho quí huynh cũng như cho những ai được trao phó cho quí huynh chăm sóc về mục vụ. Chuyến viếng thăm ngũ niên đầu tiên của quí huynh trong tân thiên niên kỷ này là một cơ hội để tạ ơn Chúa về tặng ân cao cả là niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng rất được nhân dân ở xứ sở của quí huynh mến chuộng (cf. "Ecclesia in Oceania," 1). Niềm tin ấy, một niềm tin được Hai Thánh Phêrô và Phaolô lấy máu mình minh chứng, từ những thế kỷ sơ khai của Giáo Hội Rôma đã thấy được “điểm qui chiếu tối hậu của mối hiệp thông” ("Pastores Gregis," 57). Việc đến gặp Phêrô (cf. Galatians 1:18) từ một quốc gia hải đảo quá xa xăm, quí huynh chứng thực sức mạnh của mối hiệp thông này, một mối hiệp thông “bảo toàn những khác biệt hợp lý mà lại khôn khéo bảo đảm là cái chuyên biệt ấy chẳng những không tác hại mà còn phục vụ mối hiệp thông này” ("Pastores Gregis," 57).
2. Tân Tây Lan đang hoan hưởng một gia sản đáng ca ngợi, sâu xa phong phú về tính cách văn hóa đa dạng, tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, ngày nay đang phải chịu đựng những hậu quả của trào lưu tục hóa buông thả. Tình trạng “phân rẽ giữa Phúc Âm và văn hóa” ("Evangelii Nuntiandi," 20) được bộc phát như là một “cuộc khủng hoảng về nghĩa ý” (cf. "Fides et Ratio," 81): tình trạng méo mó luận lý gây ra bởi những nhóm theo đuổi những mục tiêu chuyên biệt và khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa thái quá là những thí dụ điển hình cho quan điểm của cuộc sống lơ là với việc tìm kiếm đích điểm tối hậu cùng ý nghĩa của đời sống làm người. Những bản tường trình của quí huynh thật sự đã rõ ràng cho thấy nhu cầu thúc bách đối với sứ điệp giái phóng của Chúa Kitô trong một xã hội đang nếm thử những hậu quả thảm thương của tình trạng lu mờ cảm quan về Thiên Chúa: ở chỗ, xa lìa khỏi Giáo Hội; bại hoại đời sống gia đình; dễ dãi với vấn đề ngừa thai và mãi dâm; quan niệm lầm lạc về cuộc sống chỉ đi tìm kiếm lạc thú và “thành đạt” hơn là thiện hảo và khôn ngoan.
Trước tình trạng tràn lan bấn loạn như thế, những người Tân Tây Lan nhìn vào quí huynh như những con người của niềm hy vọng, bằng việc loan báo và giảng dạy một cách hăng say chân lý rạng ngời của Chúa Kitô là những gì đánh tan tối tăm và chiếu soi con đường chân thực của cuộc sống. Quí huynh hãy nhớ rằng chính Chúa ở kề bên quí huynh! Quí huynh hãy lắng nghe tiếng của Người: “Hãy can đảm lên! Thày đây! Đừng sợ” (Mk 6:50). Một khi lòng trí của quí huynh chặt chẽ gắn bó với Chúa Kitô thì Tôi tin tưởng rằng quí huynh sẽ dẫn những người khác từ tầm mức hạn hẹp của ý nghĩ nông cạn đến chân trời rạng ngời của tình yêu Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ khi nào chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp khôn thấu nơi cùng đích của nhân loại, đó là sự sống đời đời trên thiên quốc, thì muôn vàn niềm vui và nỗi buồn thường nhật mới có thể được giải đáp thỏa đáng, khiến con người có thể chấp nhận các thách đố của cuộc đời bằng một niềm tin tưởng trong đức tin và đức cậy.
3. Tất cả mọi tín hưu ở Aotearoa, với ơn gọi thanh tẩy của mình, đều được kêu gọi để thông dự vào chứng từ của quí huynh về niềm hy vọng được Giáo Hội ôm ấp (cf. 1Pt 3:15). Không còn cách nào tốt hơn để thực hiện điều này bằng việc tham dự vào vấn đề thờ phượng. Thánh Lễ Chúa Nhật, ngoài việc làm trọn một điều buộc phải giữ, còn là một thứ hiển linh sáng láng của Giáo Hội là cơ cấu bao gồm Dân thánh của Chúa, một dân mà, khi chủ động và hoàn toàn tham dự vào việc cử hành phụng vụ này (cf. "Dies Domini," 34), chứng thực về “một ngày cao cả của đức tin”, “một ngày bất khả châm chước”, “một ngày của niềm hy vọng Kitô Giáo!”.
Tình trạng sa sút về việc tuân giữ Thánh Lễ Chúa Nhật, một tình trạng đã được từng quí huynh hết sức quan tâm nói đến, làm lu mờ ánh sáng chứng từ về sự hiện diện của Chúa Kitô nơi xứ sở của quí huynh. Khi Ngày Chúa Nhật trở thành phụ thuộc cho quan niệm thông thường về “ngày cuối tuần” và bị chi phối một cách không thích đáng bởi những cuộc chơi giải trí và thể thao, hơn là thực sự được thánh hóa và tái sinh động, thì con người ta vẫn còn bị vướng bẫy vào một thứ theo đuổi đáng thương và thường vô nghĩa những gì gọi là mới mẻ, không còn cảm thấy được cái mới mẻ nơi thứ “nước hằng sống” của Chúa Kitô nữa (Jn 4:11). Về vấn đề này, âm vang những lời trong Thư gửi Do Thái, Tôi xin hợp với quí huynh kêu gọi giáo dân Tân Tây Lan, nhất là giới trẻ, hãy trung thành với việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật: “Hãy kiên trì dứt khoát tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, … đừng bỏ qua việc cùng nhau gặp gỡ hội họp… nhưng hãy khích lệ lẫn nhau” (Heb 10:23-25).
4. Giáo Hội kín múc sức mạnh và niềm phần khởi từ phụng vụ thánh của mình để thực hiện sứ vụ truyền bá phúc âm hóa. Điều này đã được bày tỏ rất rõ ràng trong Thượng Hội Giám Mục Đại Dương Châu: “Mục đích của việc ở với Chúa Giêsu là từ Chúa Giêsu mà ra đi, bằng quyền năng của Người cũng như bằng ân sủng của Người” ("Ecclesia in Oceania," 3). Công việc này, một công việc được nói đến trong Lời Cầu Nguyện sau Hiệp Lễ và Nghi Thức Kết Thúc mỗi Thánh Lễ (cf. "Dies Domini," 45), hướng mọi Kitô hữu về việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa. Nó là một nhiệm vụ không một người tín hữu nào được bỏ qua. Được chính Chúa sai đến làm vườn nho của Người, là gia đình, học đường, hãng xưởng, tổ chức dân sự, người môn đệ Chúa Kitô không thể “đứng không ngoài phố chợ” (Mt 20:3), hay bị thu hút vào những khía cạnh nội bộ của sinh hoạt giáo xứ đến nỗi không chú ý tới mệnh lệnh chủ động truyền bá phúc âm hóa những người khác (cf. "Christifideles Laici," 2). Được Lời Chúa thôi thúc và được bí tích của Người kiên cường, thành phần moan đệ của Chúa Giêsu cần phải trở về với “vườn nho” của mình, bằng việc bừng lên ước muốn “nói” về Chúa Kitô và “tỏ” Người ra cho thế giới biết (cf. "Novo Millennio Ineunte," 16).
Quí huynh thân mến, những bức thư mục vụ của quí huynh là một điển hình rõ ràng về đường lối quí huynh tỏ ra thiết tha muốn tìm cách để trình bày sự thật về Chúa Kitô trước công chúng. Những mối liên hệ thân tình được quí huynh khôn khéo thực hiện với các nhà thẩm quyền trong chính phủ giúp cho quí huynh tỏ ra cương quyết nơi việc thẩm định của quí huynh về những quyết định của họ khi cần thiết. Về vấn đề này, Tôi xin quí huynh hãy tiếp tục bảo đảm rằng những lời công bố của quí huynh phải minh bạch chuiyển đạt toàn thể giáo huấn thuộc huấn quyền của Giáo Hội. Trong số nhiều thách đố đang gây khó dễ cho quí huynh liên quan đến khía cạnh này đó là nhu cầu cần phải bênh vực tính cách linh thánh và chuyên biệt của hôn nhân. Được Tạo Hóa thiết lập theo bản chất và mục đích của mình, được lề luật luân lý tự nhiên bảo trì, cũng như được thể hiện nơi tất cả mọi nền văn hóa, cơ cấu hôn nhân này cần phải bao gồm tính cách bổ khuyết vợ chồng là thành phần tham dự vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sinh dưỡng con cái. Vợ chồng xứng đáng được Quốc Gia công nhận về thể loại của mình theo pháp lý, còn bất cứ nỗ lực muốn bình đẳng hôn nhân với những hình thức kết hợp khác đều phạm đến vai trò chuyên nhất của nó theo dự án của Thiên Chúa nơi nhân loại.
5. Trong chiều hướng truyền bá phúc âm hóa văn hóa, Tôi cần phải công nhận việc đóng góp đặc biệt của các học đường Công Giáo của quí huynh. Việc phát triển của các học đường này đã làm phong phú đức tin của cộng đồng Kitô Giáo và góp phần vào việc cổ võ tính cách tuyệt hảo nơi xứ sở này. Tuy nhiên, cái giá trị của những học đường của chúng ta không thể chỉ được đo lường bằng con số lượng. Các trường học Công Giáo ngày nay cần phải trở thành những tác nhân chủ động trong việc truyền bá phúc âm hóa ngay lòng sinh hoạt của giáo xứ! Để đạt được mục đích này, Tôi đích thân kêu gọi thành phần tín hữu trẻ quảng đại và chân tình của Tân Tây Lan là hãy nhiệt thành tham gia việc giáo dục đạo nghĩa! Hãy lắng nghe tiếng của Chúa Giêsu đang kêu gọi các bạn trong việc tham dự vào đời sống của gia đình Người là Giáo Hội! Hãy chọn lấy chỗ đứng hợp với mình trong sinh hoạt của giáo xứ!
Việc dạy giáo lý và giáo dục đạo nghĩa ngày nay là một việc tông đồ gắt gao. Tôi cám ơn và khích lệ nhiều người giáo dân nam nữ, cùng với thành phần Tu Sĩ, những người quảng đại dấn thân, hãy cố gắng bảo đảm rằng “thành phần lãnh nhận phép rửa… hằng ngày cảm nhận hơn tặng ân đức tin họ đã lãnh nhận” ("Gravissimum Educationis," 2). Là những vị Giám Mục, trách nhiệm nặng nề của quí huynh đó là giúp đỡ các thày cô đi sâu vào việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô nơi đời sống riêng tư của họ nơi giới trẻ, cũng như vào việc tăng triển vấn đề họ sẵn sàng dạy cho các em học sinh cầu nguyện, nhờ đó, phong phú hóa việc họ góp phần vào bản chất và sứ vụ chuyên biệt của việc giáo dục Công Giáo. Điều này đòi hỏi, nhất là đối với những thày cô chuyên môn, một hành trang về thần học và tu đức vững chắc hợp với thứ hành trang của các linh mục quí huynh; nó cũng cho thấy nhu cầu cần phải bảo đảm rằng những vị tuyên úy giáo dục tam niên của quí huynh là những nguồn sinh động cho việc dạy giáo lý lành mạnh. Đến đây Tôi cũng muốn đặc biệt kêu gọi thành phần Tu Sĩ làm việc tông đồ, đó là hãy kiên trì với việc dấn thân của anh chị em trong việc tông đồ giáo dục và học đường! Ở những nơi giới trẻ dễ bị quyến rũ xa lìa con đường chân lý và tự do chân thực, thì chứng từ của con người tận hiến về những lời khuyên của Phúc Âm trở thành một tặng ân tuyệt vời bất khả thay thế.
6. Quí huynh thân mến, quí huynh đã hăng say phát động việc hợp tác nơi vai trò lãnh đạo Giáo Hội tại Tân Tây Lan, bằng cách làm cho việc hợp tác này trở thành khả dĩ để “tất cả mọi người cùng nhau hành trình tiến bước theo con đường chung của đức tin và truyền giáo” (ibid., 44). Việc hợp tác đích thực không bao giờ làm suy yếu quyền lợi rõ ràng và chắc chắn cùng với nhiệm vụ quản trị liên quan đến sứ vụ của hàng giáo phẩm “munus episcopale”, mà là một trong những hoa trái của tầm vóc vẹn toàn của nó. Tôi biết rằng quí huynh được hỗ trợ một cách vô tư bởi các vị linh mục, qua việc quảng đại và dấn thân làm việc mục vụ của họ là những gì Tôi cùng với quí huynh phải dâng lời cảm tạ Chúa. Xin hãy cho họ biết rằng người Kitô hữu lệ thuộc vào họ và hết sức cảm ơn họ. Cũng thế, những Linh Mục Tu Sĩ, các Sư Huynh và các Nữ Tu cần phải được khích lệ trong việc họ tìm cách duy trì mối hiệp thông giáo hội bằng việc hiện diện và việc tông đồ của họ nơi các Giáo Phận của quí huynh. Là quà tặng cho Giáo Hội, đời sống tận hiến là tâm điểm của Giáo Hội, ở vẻ đẹp sâu xa của ơn gọi Kitô Giáo sống một cuộc đời yêu thương vô vị kỷ và hy sinh. Cùng với việc quí huynh nỗ lực cổ võ một “nền văn hóa ơn gọi”, Tôi xin thành phần Tu Sĩ hãy tái nêu lên cho giới trẻ lý tưởng tận hiến và truyền giáo bằng các hoàn cảnh sống khác nhau trong sinh hoạt Giáo Hội hầu cùng nhau hiện hữu “để làm cho thế giới thấy mà tin” (Jn 17:21).
7. Với lòng cảm mến và biết ơn huynh đệ, Tôi xin cống hiến cho quí huynh những lời chia sẻ này để khích lệ quí huynh trong việc chia sẻ các hoa trái của đặc sủng chân lý được Thần Linh ban cho quí huynh. Hiệp nhất với việc loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và được hướng dẫn bởi gương lành của các vị Thánh Nhân, xin quí huynh hãy tiến lên trong hy vọng! Xin Mẹ Maria, “Ngôi Sao của Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, chuyển cầu cho quí huynh, Tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho quí huynh, cũng như cho các vị linh mục, Tu Sĩ và giáo dân thuộc các giáo phận của quí huynh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 13/9/2004
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan ngỏ lời cùng ĐTC dịp triều kiến Ngài khi kết thúc cuộc viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên:
"Trong năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan đã bỏ giờ ra để cùng nhau suy niệm về Tông Thư Novo Millennio Ineunte"
Sau đây là nguyên văn bài tấu từ của ĐGM Denis Browne, chủ tịch hội đồng Giám Mục Tân Tây Lan ngày Thứ Hai 13/9/2004.
Đức Thánh Cha thân mến,
Chúng tôi đến đây là những giám mục ở Aotearoa, Tân Tây Lan, để viếng thăm Đức Thánh Cha từ miền đất xa xôi này. Chúng tôi đến để bày tỏ lòng cảm mến và kính mến của chúng tôi cũng như việc chúng tôi trung thành với Đức Thánh Cha và lòng tri ân của chúng tôi đối với vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Thánh Cha. Chúng tôi đến đây cũng là để đại diện cho tất cả mọi linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc Giáo Hội Tân Tây Lan cũng như cho tất cả mọi người thiện chí từ mảnh đất duyên dáng mỹ miều này. Thay cho tất cả mọi người trong họ, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân của chúng tôi đối với vai trò lãnh đạo và việc phục vụ của Đức Thánh Cha là những gì đã tác động tất cả chúng tôi.
Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan là một nhóm giám mục gắn bó khắn khít với nhau, những người biết rằng khoảng cách là những gì đòi phải có một sự nâng đỡ hết sức sâu đậm và một cộng đồng nguyện cầu cùng với Đức Thánh Cha là Vị Đại Diện Chúa Kitô. Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể bảo đảm với Đức Thánh Cha rằng các vị giám mục Tân Tây Lan coi mình là những cộng tác viên trung thành của Đức Thánh Cha. Họ là những giám mục chuyên chăm tha thiết với giáo huấn mạnh mẽ Đức Thánh Cha ban bố cho toàn thể Giáo Hội và kêu gọi cộng đồng dân Chúa của mình thực thi giáo huấn ấy. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh Cha về những lời khuyên bảo và khích lệ được Đức Thánh Cha tiếp tục cống hiến cho chúng tôi.
Là giám mục, chúng tôi chú trọng đến điều Đức Thánh Cha yêu cầu trong tông thư “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, đó là “Tôi tha thiết xin các vị Chủ Chăn của các Giáo Hội riêng, với sự hỗ trợ của các thành phần Dân Chúa, tin tưởng phác họa những giai đoạn của cuộc hành trình trước mắt này, bằng việc hòa hợp những chọn lựa của mỗi cộng đồng giáo phận với những Giáo Hội lân bang cũng như Giáo Hội hoàn vũ” (NMI: Novo Millennio Ineunte, 29).
Trong năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan đã bỏ giờ ra để cùng nhau suy niệm về Tông Thư Novo Millennio Ineunte. Tuần cầu nguyện và suy tư ấy đã trở thành một nguồn kiến thức cho chúng tôi, khi chúng tôi một lần nữa nhìn vào các Giáo Hội địa phương của mình và tìm cách thiết lập dự án mục vụ chi tiết, “một dự án giúp cho việc loan báo Chúa Kitô có thể vươn tới con người ta, có thể khuôn đúc các cộng đồng, và có một ảnh hưởng sâu xa và sắc bén trong việc làm cho các giá trị của Phúc Âm sinh hoa kết trái nơi xã hội và văn hóa”. Từ cuộc hội ngộ này, mỗi vị giám mục trở về với giáo phận địa phương của mình đứt khoát làm mới lại sinh hoạt giáo phận của mình trong việc hoạt động cộng tác chặt chẽ với mỗi một giáo phận trong 6 giáo phận và một quân phận là tất cả những gì làm nên Giáo Hội ở Tân Tây Lan.
Một trong những thành quả theo lòng mong ước của các vị giám mục trong việc cùng nhau gắn bó làm việc đó là việc tổ chức một hội nghị ở Aotearoa, Tân Tây Lan cho tất cả mọi linh mục giáo phận. Hội nghị này đã diễn ra vào năm ngoái và là cơ hội đầu tiên các linh mục giáo phận của toàn quốc cùng nhau phản tỉnh về những lời Đức Thánh Cha kêu gọi được lập đi lập lại là việc xây dựng những cộng đồng càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi hân hạnh có Cha Timothy Radcliffe, OP, là nhân vật đóng góp chính cho những suy tư diễn tỏ trong hội nghị này. Cha Radcliffe tiếp tục kêu gọi chúng ta suy tư về vai trò của người linh mục như là một dấu hiệu hy vọng; như là thừa tác viên Thánh Thể và như là một con người của niềm hy vọng và can trường.
Hội nghị này là một thành quả đặc biệt và là điều được tất cả mọi linh mục tham dự viên lấy làm biết ơn. Lòng trung thành và việc nâng đỡ của tu sĩ và giáo dân được bày tỏ qua những lời lẽ gửi đến hội nghị đã góp phần vào việc giúp cho các vị linh mục khám phá ra một cảm nhận mới về tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta nơi thiên chức linh mục.
Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi muốn Đức Thánh Cha biết rằng Giáo Hội ở Tân Tây Lan được các linh mục, tu sĩ và giáo dân phục vụ thật là tuyệt vời. Như rất nhiều các quốc gia Tây Phương khác, chúng tôi cũng có những thách đố gay go. Mỗi một giáo phận ở Tân Tây Lan đang nỗ lực thực hiện những cố gắng hơn nữa để cổ võ các ơn gọi làm linh mục và sống đời tu trì trước tình trạng bị giảm sút về con số.
Chúng tôi cũng phải đương đầu với một xã hội càng ngày càng tiếp tục bị tục hóa hơn. Hiện nay Quốc Hội Tân Tây Lan đang cứu xét Đạo Luật Nối Kết là những gì bị chúng tôi kịch liệt chống đối. Đạo luật này dường như là một trong những loạt đạo luật đã từng được nêu lên hay sắp được nêu lên, theo một thứ chương trình phác họa xã hội chỉ có thể làm giảm sút những giá trị Kitô Giáo được chúng tôi hết sức gìn giữ mà thôi. Chúng tôi tìm kiếm việc nâng đỡ nguyện cầu của Đức Thánh Cha, khi chúng tôi tiếp tục lên tiếng và sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo đảm là dân chúng ở Tân Tây Lan không bị suy giảm về nhân phẩm qua việc lập pháp táo tợn như thế.
Thưa Đức Thánh Cha, để làm dấu hiệu chúng tôi hiệp nhất với Đức Thánh Cha, chúng tôi xin kính tặng Đức Thánh Cha một kỷ vật Đức Bà đã từng trở thành một biểu hiệu quan trọng cho những mối liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội ở Tân Tây Lan. Đức Bà này đã được các Đan Sĩ Nữ Dòng Biển Đức ở Campus Martius kính tặng Đức Piô IX vào năm 1840. Ngược lại, Đức Bà này đã được Đức Piô IX tặng lại cho ĐTGM Pompallier nhân dịp đức tổng giám mục này viếng thăm Rôma vào Tháng Tư năm 1847. Ngài đã mang Đức Bà về Aotearoa Tân Tây Lan như “Đức Bà Pompallier”. Chúng tôi kính dâng Đức Thánh Cha bức phóng ảnh của Đức Bà này như bày tỏ lòng chúng tôi cảm mến việc Đức Thánh Cha mến yêu Đức Maria cũng như để thường xuyên nhắc nhở rằng Đức Thánh Cha đã giúp cho chúng tôi biết hiến dâng tất cả những gì chúng tôi làm vào bàn tay của Mẹ.
Chúng tôi xin bày tỏ một niềm hy vọng được quí huynh diễn đạt một cách tốt đẹp trong bức tông thư hậu Thượng Hội Giám Mục Thế Giới “Giáo Hội tại Đại Dương Châu”. Nhờ Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải với thế giới cho chính mình ngài, và Ngài đã làm cho Chúa Giêsu thành Hoàng Tử Hòa Bình ở mọi nơi và trong mọi lúc. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình Regina Pacis, giúp cho dân chúng ở Đại Dương Châu biết đến thứ hòa bình này, cũng như để chia sẻ nó với người khác”. Chúng tôi xin chia sẻ niềm hy vọng này với Đức Thánh Cha cho Giáo Hội ở Aotearoa, Tân Tây Lan và cả miền Đại Dương Châu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 13/9/2004